Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ
CHƯƠNG 9 – ÍT RA ÔNG ẤY KHÔNG BAO GIỜ CUỐC BỘ
NGÀY 1 THÁNG MƯỜI NĂM 2006 – THÀNH PHỐ MURAKAMI, QUẬN NIIGATA
Có lần hồi tôi độ mười sáu tuổi và không còn ai ở nhà, tôi cởi hết quần áo ra, đứng trước một tấm gương lớn, săm soi cả người mình. Trong lúc làm thế, tôi nhẩm liệt kê tất cả các hiếm khuyết – hay có mà, ít nhất là đối với tôi, có vẻ như khiếm khuyết. Ví dụ (và đây chỉ là ví dụ), lông mày tôi quá rậm, hay móng tay tôi có hình dạng kỳ cục – và cứ thế. Như tôi nhớ lại, khi tôi đếm đến món thứ hai mươi bảy, tôi phát ngán và bỏ cuộc. Và đây là điều tôi đã nghĩ: Nếu có nhiều bộ phận nhìn thấy được nơi thân thể mình xấu hơn ở người bình thường đến thế này, thế thì nếu mình bắt đầu xem ở khía cạnh khác – tính cách, trí tuệ, độ lực lưỡng, các thứ kiểu vậy – thì danh sách sẽ dài dằng dặc.
Mười sáu là một tuổi cực kỳ rắc rối. Ta lo lắng về những thứ nhỏ nhặt, không xác định được mình ở đâu theo một cách thức khách quan nào cả, trở nên rất chi thành thạo những kỹ năng lạ lùng, vô nghĩa, và nô lệ cho những mặc cảm không thể cắt nghĩa nổi. Dù sau, khi ta lớn hơn, bằng cách thử và sai, ta học cách đạt được cái ta cần và ném đi cái cần phải bỏ. Và ta bắt đầu nhận ra (hay đành chấp nhận thức tế) rằng do lỗi lầm và khiếm khuyết của ta gần như vô tận, tốt nhất ta nên nhận thức ra những ưu điểm của mình và học cách xoay xở với cái mình có.
Nhưng cái thứ cảm giác đáng ghét tôi từng cảm thấy khi đứng trước gương ở tuổi mười sáu ấy, liệt kê tất cả những khiếm khuyết thể xác của mình, vẫn còn là một kiểu tiêu chuẩn cho tôi ngay cả giờ đây. Cái bảng cân đối kế toán buồn bã của đời tôi tiết lộ cho thấy bên nợ của tôi vượt quá bên có của tôi chừng nào.
Giờ đây, chừng bốn mươi năm sau, khi tôi đứng trên bờ biển mặc bộ đồ bơi màu đen, kính bơi trên đầu, chờ đến giờ xuất phát cuộc thi ba môn phối hợp, cái ký ức rất lâu về trước này bỗng đâu xuất hiện về trong tôi. Và một lần nữa tôi thấy ấn tượng là cái vật chứa bé mọn gọi là tôi này mới đáng thương và vô nghĩa làm sao, tôi là một sinh thể què quặt, tồi tàn làm sao. Tôi cảm thấy như tất cả những gì mình đã làm trong đời là một sự lãng phí hoàn toàn. Vài phút tới đây tôi sẽ bơi 0,93 dặm, đạp xe 24,8 dặm, rồi chạy 6,2 dặm cuối cùng. Và tất cả ấy là để chứng minh cái gì vậy? Chuyện này khác ra sao so với việc đổ nước vào một cái chảo cũ có một lỗ thủng nhỏ xíu dưới đáy?
Thôi được, ít nhất thì đó cũng là một ngày đẹp trời, lý tưởng – thời tiết lý tưởng cho ba môn phối hợp. Không có gì, không một gợn sóng trên biển. Ánh nắng chan hơi ấm lên khắp mặt đất, nhiệt độ chừng 22,7 độ C. Nước thì thật lý tưởng. Đây là lần thứ tư tôi tham gia ba môn phối hợp ở thành phố Murakami quận Niigata, tất cả những năm trước điều kiện rất khắc nghiệt. Có lần biển quá động, biển Nhật Bản vào mùa thu thường hay động như thế, nên chúng tôi phải thay thế phần bơi bằng chạy dọc bãi biển. Ngay cả khi điều kiện không dữ dội như thế thì rôi cũng đã kinh qua mọi thứ tồi tệ rồi: trời thường hay mưa, hay sóng thường cao đến nỗi tôi không thể thở đều khi bơi trườn, không thì trời cũng lạnh đến nỗi tôi chết cóng trên xe đạp. Thực ra, mỗi khi chạy xe 217 dặm đến Niigata tham gia ba môn phối hợp này tôi luôn dự kiến điều tồi tệ nhất về thời tiết, tin chắc rằng cái gì đó khủng khiếp sắp xảy ra. Nó cũng có thể là một kiểu tập luyện về ý niệm cho tôi. Cả lần này cũng vậy, khi thoạt nhìn thấy biển trong xanh ấm áp, tôi cảm thấy như ai đó đang cố đánh lừa mình. Đừng để bị bịp, tôi cảnh cáo mình. Đây chỉ là giả bộ thôi; chắc chắn phải có một cái bẫy phục kích. Có thể là một đàn sứa độc, hiểm ác. Hay một con gấu đói cồn cào trước kỳ ngủ đông sẽ nhảy bổ vào xe đạp của tôi. Cũng có thể tôi sẽ bị một đàn ong giận dữ tấn công. Có thể vợ tôi, chờ tôi ở đích, đã phát hiện ra vài bí mật khủng khiếp về tôi (tôi bỗng cảm thấy như thực ra có thể cũng có vài bí mật). Khỏi phải nói, tôi luôn nghĩ đến cuộc thi đấu này, Ba môn phố hợp Quốc tế Murakami, với một chút lo lắng. Tôi chưa hề biết được cái gì sẽ xảy ra.
Dù sao, giờ thì không còn nghi ngờ gì nữa, hôm nay thời tiết thật tuyệt. Trong khi đứng đây trong bộ đồ cao su, tôi quả đã bắt đầu thấy ấm lên.
Quanh tôi là những người cũng ăn mặc như thế, tất cả đều bồn chồn chờ cuộc đua bắt đầu. Một cảnh tượng kỳ lạ, cứ nghĩ mà xem. Chúng tôi giống như một bầy cá heo bé bỏng tội nghiệp dạt vào bờ, chờ thủy triều lên. Tất cả những người khác đều trông phấn chấn về cuộc đua hơn tôi. Cũng có thể chỉ có vẻ thế thôi. Dù sao, tôi đã quyết định giữ cho đầu óc mình rỗng không, loại trừ những thứ vô ích. Tôi đã đi cả một chặng đường thế này rồi, giờ tôi phải làm hết sức mình để vượt qua cuộc đua. Trong ba giờ đồng hồ tất cả những gì tôi cần làm là giữ cho đầu óc mình rỗng không và chỉ bơi, đạp xe và chạy.
Khi nào chúng tôi mới xuất phát nhỉ? Tôi nhìn đồng hồ. Nhưng từ lần xem vừa rồi đến giờ chỉ mới một chốc thôi. Một khi cuộc đua bắt đầu rồi thì tôi sẽ, lý tưởng mà nói, không có thời gian đâu mà nghĩ ngợi …
Cho đến lúc ấy, tôi đã có mặt trong sáu cuộc thi ba môn phối hợp có độ dài khác nhau, dù trong bốn năm, từ 2001 đến 2004, tôi không tham gia một cuộc thi nào cả. Khoảng trống trong ghi chép của tôi sở dĩ có là vì trong Ba môn phố hợp Murakami năm 2000 tôi bỗng thấy mình không bơi được và bị loại. Phải mất một ít thời gian mới vượt qua được cú sốc và lấy lại bình tĩnh. Tôi hoàn toàn không rõ vì sao mình không thể bơi. Tôi nghiền ngẫm nhiều khả năng khác nhau trong đầu, và khi tôi làm thế thì lòng tự tin của tôi sút giảm. Tôi đã tham gia nhiều cuộc thi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nằm trong Danh sách bị loại.
Nói đúng ra, đây không phải là lần đầu tiên tôi lỡ lầm ở phần bơi trong ba môn phối hợp. Trong hồ bơi hay trên biển tôi có thể bơi trườn cự ly dài mà không cố sức. Thông thường tôi có thể bơi 1.500 mét (một dặm của người bơi) trong khoảng ba mươi ba phút – không đặc biệt nhanh, nhưng đủ khá trong ba môn phối hợp. Tôi lớn lên gần biển và quen bơi trên biển. Một số người chỉ tập trong hồ bơi không thôi thì thấy bơi trên biển là khó và còn đáng sợ nữa, nhưng tôi thì không. Tôi thực ra còn thấy bơi trên biển dễ hơn vì có nhiều không gian và dễ nổi hơn.
Thế nhưng, không hiểu sao, hễ đến cuộc thi thật thì tôi lại trượt phần bơi. Ngay cả khi bước vào cuộc thi Tinman có cự ly tương đối ngắn, ở Oahu, Hawaii, tôi cũng không thể bơi trườn tốt. Tôi bước xuống nước, sẵn sàng bơi, nhưng rồi đột nhiên khó thở. Tôi ngóc đầu lên để thở, vẫn như mọi khi, nhưng đã hết thời gian. Và khi tôi không thở đúng, nỗi hoảng sợ xâm chiếm và cơ bắp tôi căng lên. Ngực tôi bắt đầu đập thình thịch, và tay chân tôi không chuyển động theo cách tôi muốn. Tôi đâm ra sợ úp mặt dưới nước và bắt đầu hoảng hốt.
Trong cuộc thi Tinman, phần bơi ngắn hơn bình thường, chỉ nửa dặm, nên tôi có thể bỏ bơi trườn và chuyển qua bơi ếch. Nhưng trong cuộc đua 1.500 mét hợp thức ta không thể qua được bằng cách bơi ếch. Nó chậm hơn bơi trườn, và cuối cùng hai chân ta sẽ kiệt quệ. Vậy nên trong cuộc đua Ba môn phối hợp Murakami năm 2000, thứ duy nhất dành lại cho tôi là bị loại một cách đau đớn.
Tôi nhoi ra khỏi nước và lên bờ, nhưng cảm thấy tự giận mình đến nỗi lại trở xuống nước và cố bơi theo đường bơi lần nữa. Những người tham gia khác xong phần bơi trước đó đã lâu và đã xuất phát chặng xe đạp, nên tôi bơi có một mình. Và lần này tôi có thể bơi trườn mà không sao cả. Tôi có thể hít thở dễ dàng và cửa động cơ thể nhẹ nhàng. Vậy sao mình lại không thể bơi như thế này trong cuộc thi?
Trong cuộc thi ba môn phối hợp đầu tiên mà tôi tham gia có phần xuất phát nổi trên mặt nước, tất cả những người tham gia xếp hàng dưới nước. Trong lúc chúng tôi đang chờ thì người đứng kế tôi đạp mạnh vào sườn tôi mấy lần. Đó là cuộc thi, nên chuyện đó là bình thường – ai cũng cố vượt lên trước người khác và đi đường tắt. Bị đánh trúng cùi chỏ khi đang bơi, bị đạp, uống phải nước, kính bơi rơi ra – tất cả đều là chuyện thông thường. Nhưng với tôi, bị đạp mạnh như thế trong cuộc đua đầu tiên của mình là một cú sốc, điều đó có lẽ đã làm phần bơi của tôi bị rối beng. Có lẽ trong tiềm thức ký ức đó trở về trong tôi mỗi khi tôi xuất phát một cuộc đua. Tôi không muốn nghĩ như thế, nhưng khía cạnh tinh thần trong cuộc đua là quyết định, nên điều đó là rất có thể….
Một vấn đề nữa là có gì đó không ổn trong cách tôi bơi. Lối bơi trườn của tôi là tự học, tôi chưa từng có huấn luận viên. Tôi có thể bơi tùy thích, nhưng chưa ai nói là tôi có một dáng bơi tiết kiệm sức hay là đẹp. Cơ bản thì đó là kiểu bơi mà tôi cứ làm hết sức mình. Suốt một thời gian dài tôi cứ nghĩ nếu mình có ý định nghiêm túc với ba môn phối hợp thì mình phải làm gì đó để hoàn thiện phần bơi lội của mình. Bên cạnh việc tìm hiểu cái bất ổn về mặt tinh thần, tôi còn nghĩ, tác động tới hình thức bơi cũng là việc đáng làm. Nếu tôi có thể hoàn thiện khía cạnh kỹ thuật trong bơi lội, những vấn đề khác cũng có thể trở nên sáng tỏ hơn.
Vậy là tôi hoãn thách thức ba môn phối hợp của mình lại bốn năm. Trong thời gian đó tôi duy trì chạy đường dài như thường lệ và tham gia một cuộc đua marathon mỗi năm. Nhưng không hiểu sao tôi cứ không vui. Việc tôi thất bại trong ba môn phối hợp chịu trách nhiệm một phần trong chuyện này. Một ngày nào đó mình sẽ phục thù, tôi nghĩ. Cứ hễ gặp những chuyện như thế này thì tôi khá là ngoan cố.Nếu có thứ gì tôi không làm được nhưng muốn làm, tôi sẽ không chịu yên chừng nào còn chưa làm được.
Tôi thuê vài huấn luyện viên bơi lội để tôi cải thiện hình thức bơi, nhưng không một ai trong số họ là người tôi cần tìm. Rất nhiều người biết bơi, nhưng những người có thể dạy bơi có hiệu quả thì hiếm hoi. Đó là cảm nhận của tôi. Khó mà dạy viết tiểu thuyết (ít nhất thì tôi biết mình không thể), nhưng dạy bơi cũng khó như thế. Và điều này không chỉ giới hạn ở bơi lội và tiểu thuyết. Dĩ nhiên có những người thầy có thể dạy một môn nhất định, theo một trật tự nhất định, sử dụng những câu đã chọn sẵn, nhưng không có mấy người có thể điều chỉnh cách dạy dỗ tùy theo khả năng và thiên hướng của học trò mình và giải thích các thứ theo thiên hướng của chúng. Có lẽ là không có một ai.
Tôi đã phí hai năm đầu cố tìm cho ra một huấn luyện viên giỏi. Mỗi huấn luyện viên mới sửa lại động tác bơi của tôi vừa đủ làm việc bơi của tôi rối tinh lên, đôi khi đến mức tôi hầu như không bơi được nữa. Dĩ nhiên là sự tự tin của tôi mất hết. Thế này thì còn lâu tôi mới tham gia một cuộc thi ba môn phối hợp được.
Mọi chuyện bắt đầu sáng sủa lên vào khoảng thời gian tôi nhận ra rằng sửa đổi động tác của mình âu là không thể được. Vợ tôi là người đã tìm ra cho tôi một huấn luyện viên giỏi. Suốt đời mình, nàng chưa bao giờ bơi được, nhưng nàng tình cờ gặp một nữ huấn luyện viên trẻ tại phòng thể dục mà nàng là một thành viên, và bạn sẽ không thể tin nổi bây giờ nàng bơi giỏi như thế nào đâu. Nàng khuyên tôi cũng nên thử thuê người phụ nữ trẻ này làm huấn luyện viên cho mình.
Điều đầu tiên huấn luyện viên này làm là kiểm tra bơi lội tổng quát của tôi và hỏi mục tiêu của tôi là gì. “Tôi muốn tham gia một cuộc thi ba môn phối hợp”, tôi bảo cô ấy. “Vậy là ông muốn có thể bơi trườn trên biển và bơi cự ly dài?” cô ấy hỏi. “Đúng thế”, tôi đáp. “Tôi không cần bơi nước rút cự ly ngắn”. “Tốt lắm”, cô ấy nói. “Tôi mừng là ông có những mục tiêu rõ ràng. Điều đó khiến mọi chuyện dễ dàng hơn cho tôi.”
Vậy là chúng tôi bắt đầu bài học một thầy một trò để điều chỉnh động tác bơi của tôi. Phương pháp của cô ấy không phải là lối “đốt rẫy làm nương”, dẹp bỏ hoàn toàn cách tôi đã bơi cho đến nay và xây lại từ nền móng mà lên. Tôi cho rằng đối với người hướng dẫn, điều chỉnh lại động tác cho một người vốn đã bơi được tàm tạm là việc khó hơn nhiều so với bắt đầu cho một người chưa biết bơi, một tờ giấy trắng. Chẳng dễ mà bỏ được những thói quen bơi lội sai, vậy nên huấn luyện viên mới của tôi không cố kiên cưỡng làm lại toàn bộ. Thay vì vậy, cô ấy xem lại từng động tác nhỏ tôi thực hiện, từng động tác một, suốt một thời gian dài.
Điều đặc biệt ở lối dạy của người phụ nữ này là ban đầu cô ấy không dạy ta động tác theo như sách vở. Xoay người, ví dụ vậy. Để học trò mình học được cách đúng, cô bắt đầu bằng việc dạy bơi mà không xoay người. Nói cách khác,những người tự học bơi trườn có khuynh hướng ý thức thái quá về chuyện xoay người. Vì vậy mà có quá nhiều sức cản của nước và tốc độ của họ giảm đi – thêm nữa là,họ phí sức. Vậy nên ban đầu, cô ấy dạy ta bơi như một tấm ván dẹt mà không hề xoay người – nói cách khác, hoàn toàn ngược lại với sách vở vẫn nói. Khỏi phải nói, khi bơi cách đó tôi cảm thấy mình như một người bơi tồi tệ, vụng về. Vì tập kiên trì, tôi đã có thể bơi theo cách cô ấy bảo tôi, theo cái kiểu vụng về ấy, nhưng tôi không tin chắc nó có ích lợi gì.
Và rồi, vẫn rất từ từ như vậy, huấn luyện viên của tôi bắt đầu thêm vào ít động tác xoay người. Không nhấn mạnh là chúng tôi đang tập xoay người, mà chỉ dạy một cách chuyển động riêng biệt. Người học trò không biết mục đích thực của kiểu thực hành này là gì. Y cứ làm y lời, cứ vận động một bộ phận cơ thể nào đó của y. Ví dụ, nếu đó là làm sao để xoay vai, ta chỉ cần lặp đi lặp lại động tác đó mãi. Có khi ta bỏ cả khóa bơi chỉ để xoay vai thôi. Cuối cùng ta mệt lử và kiệt sức, nhưng về sau, nhìn lại, ta nhận ra tất cả ấy là để làm gì. Các phần vào đúng vị trí, ta có thể thấy toàn thể bức tranh và cuối cùng cũng hiểu ra vai trò của từng phần riêng lẻ. Bình minh lên, trời sáng, và màu sắc cùng hình dạng của những mái nhà, cái ta chỉ có thể thấy mơ hồ thoảng nhạt trước đó, trở nên rõ nét.
Điều này tương tự như tập đánh trống. Ta buộc phải tập các kiểu đánh trống bass mà thôi, ngày này qua ngày khác. Rồi ta bỏ ra nhiều ngày chỉ đánh chũm chọe. Rồi chỉ đánh trống tom tom… Dĩ nhiên là đơn điệu và chán ngắt, nhưng một khi tất cả kết hợp lại với nhau thì ta có được một nhịp điệu chắc nịch. Để đến được đó ta phải kiên quyết, mạnh mẽ và rất kiên nhẫn siết chặt đinh ốc của từng phần riêng lẻ. Điều này mất thời gian, dĩ nhiên rồi, nhưng đôi khi mất thời gian thực ra lại là đi đường tắt. Đây là con đường tôi đã theo trong bơi lội, sau một năm rưỡi thì tôi đã có thể bơi cự ly dài uyển chuyển và hiệu quả hơn bao giờ hết.
Và trong khi đang tập luyện môn bơi, tôi đã có một khám phá quan trọng. Tôi bị khó thở trong suốt cuộc đua vì tôi thở quá mạnh. Điều ấy cũng đã xảy ra khi tôi bơi trong hồ cùng với huấn luyện viên của mình,và ý nghĩ đó chợt lóe trong tôi: ngay trước khi xuất phát cuộc đua tôi đã thở quá sâu và quá nhanh. Có lẽ vì hồi hộp trước cuộc đua mà tôi đã hít quá nhiều oxy một lúc. Điều này dẫn đến việc tôi hít thở quá nhanh khi bắt đầu bơi, đến lượt nó điều này làm sai lệch thời gian thở của tôi.
Thật là nhẹ cả người khi cuối cùng tôi cũng đã xác định được đúng vấn đề. Tất cả những gì tôi cần làm lúc này là đảm bảo sao cho không hít thở quá mạnh. Giờ đây, trước khi cuộc đua bắt đầu, tôi bước xuống biển, bơi một chút, để cơ thể và đầu óc mình quen với bơi dưới biển. Tôi hít thở điều hòa, tránh hít thở mạnh, và hít thở mà che tay lên miệng để không hít vào quá nhiều oxy. “Giờ mình đã sẵn sàng rồi,” tôi tự nhủ. “Mình đã thay đổi động tác bơi, và mình không còn là người bơi như trước nữa.”
Và vậy là, vào năm 2004, lần đầu tiên trong bốn năm, tôi lại tham gia Ba môn phối hợp Murakami. Một tiếng còi báo hiệu xuất phát, tất cả mọi người đều bắt đầu bơi, và ai đó đạp bên sườn tôi. Giật mình, tôi sợ rằng một lần nữa sẽ rối loạn cả lên. Tôi uống phải ít nước, và trong đầu tôi thoáng có ý nghĩ là tôi nên chuyển qua bơi ếch một lát. Nhưng dũng khí của tôi trở lại, và tôi tự nhủ rằng không cần phải làm thế, rằng mọi chuyện sẽ ổn cả. Tôi hít thở êm trở lại, và tôi lại bắt đầu bơi trườn. Tôi tập trung không chỉ hít vào mà còn thở ra trong nước. Và tôi nghe thấy cái âm thanh dễ chịu thân quen của hơi thở mình sủi bong bóng dưới nước ấy. Giờ mình ổn rồi, tôi tự nhủ khi rẽ sóng thẳng tắp.
Vui thay, tôi đã có thể chế ngự nỗi hoảng loạn của mình và hoàn thành ba môn phối hợp. Đã lâu rồi tôi không tham gia cuộc thi này, đã không có thời gian để tập đạp xe, vậy nên tổng thời gian của tôi thì không có gì nhiều để nói. Nhưng tôi đã có thể đạt được mục tiêu của mình: quét sạch nỗi xấu hổ bị loại. Như thường lệ, cảm giác chính của tôi là cảm giác nhẹ nhõm.
Tôi luôn tự cho mình là kiểu người chai lì, nhưng chuyện hít thở mạnh này khiến tôi nhận ra là một phần trong tôi, thật không ngờ được, quá căng thẳng. Tôi không biết mình trở nên căng thẳng ra sao vào lúc bắt đầu cuộc đua. Nhưng hóa ra là tôi thực sự căng thẳng, cũng y như mọi người. Dù tôi có già đi bao nhiêu đi nữa, nhưng chừng nào tôi vẫn còn sống thì tôi vẫn còn luôn khám phá ra cái gì đó mới mẻ ở bản thân. Dù ta có đứng đó trước gương mà săm soi mình bao lâu chăng nữa, ta cũng sẽ không bao giờ thấy được phản chiếu cái bên trong.
Và một lần nữa tôi lại ở đây, lúc chín giờ ba mươi phút sáng ngày 1 tháng Mười năm 2006, một chủ nhật mùa thu đầy nắng, một lần nữa đứng bên bờ biển thành phố Murakami ở quận Niigata, chờ cho cuộc thi ba môn phối hợp bắt đầu. Một chút hồi hộp, nhưng bảo đảm là không thở mạnh. Tôi kiểm lại trong đầu danh sách những việc cần làm một lần nữa, chỉ để chắc chắn là mình không quên gì. Vòng điện tử đeo cổ chân – rồi. Tôi đã thoa Vaseline khắp người để khi bơi xong tôi có thể dễ dàng cởi bỏ bộ đồ bơi ra. Tôi đã cẩn thận duỗi người. Tôi đã uống đủ nước. Và đã đi vệ sinh. Chẳng còn gì để làm nữa. Tôi hy vọng thế.
Tôi đã tham gia cuộc đua này vài lần, vậy nên tôi nhận ra vài người tham gia khác. Trong khi chờ cuộc đua bắt đầu, chúng tôi bắt tay nhau và trò chuyện. Tôi không phải kiểu người dễ hòa đồng với người khác, nhưng không hiểu sao tôi không gặp khó khăn gì với các vân động viên khác cùng tham gia ba môn phối hợp. Những ai tham gia ba môn phối hợp như chúng tôi đều là người không bình thường. Thử nghĩ một lát xem. Hầu hết những người tham gia đều có việc làm, có gia đình,thế mà ngoài lo toan những thứ này, họ còn bơi, đạp xe và chạy bộ, tập luyện miệt mài, như một phần công việc hàng ngày của họ vậy. Lẽ dĩ nhiên điều đó đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực. Mọi người, với quan điểm thường tình, cho lối sống của họ là kỳ cục. Và sẽ khó mà tranh luận với bất cứ ai đã dán nhãn họ là những người quái gỡ và lập dị. Nhưng chúng tôi cùng có chung cái gì đó, không phải một cái gì to tát kiểu như tình đoàn kết, chẳng hạn thế, nhưng ít nhất cũng là một kiểu cảm xúc nồng ấm, như một màn sương muối mơ hồ, sắc màu thoảng nhạt trên đỉnh núi cuối xuân. Tất nhiên, tranh đua là một phần của nhóm này – suy cho cùng, đó là cuộc đua- nhưng đối với phần lớn những người tham gia ba môn phối hợp giống như một kiểu nghi thức mà nhờ đó chúng tôi có thể khẳng định mối liên kết chung này.
Trong nghĩa này thì Ba môn phối hợp Murakami là một cuộc đua thích hợp. Không có nhiều người thi đấu lắm (khoảng chừng ba đến bốn trăm người),và cuộc đua được tổ chức theo kiểu rất chừng mực. Đó là một kiểu ba môn phối hợp cây nhà lá vườn nhỏ, địa phương. Dân thành phố cổ vũ chúng tôi nồng nhiệt. Cuộc đua không có gì cầu kỳ hay thái quá,và cái kiểu không khí yên tĩnh đó cuốn hút tôi. Ngoài chính cuộc đua ra thì còn có những suối nước nóng tuyệt vời gần đó,thức ăn ngon tuyệt,và rượu sake địa phương (nhất là Shimehari Tsuru) thì thật xuất sắc. Qua nhiều năm tham gia cuộc thi này, tôi đã có một số người quen biết trong vùng. Thậm chí còn có những người đi cả một chặng đường từ Tokyo đến để cổ vũ tôi nữa.
Vào lúc 9 giờ 56 phút, tiếng còi xuất phát nổi lên, ai nấy đều lập tức bắt đầu bơi trườn. Chính là nó đây – thời khắc căng thẳng nhất trong tất cả.
Tôi lao mình xuống nước rồi bắt đầu đạp và đưa hai cánh tay quạt nước. Tôi có làm cho đầu óc mình trống rỗng, sạch mọi thứ vô nghĩa, và tập trung không chỉ vào việc hít vào mà cả thở ra. Tim tôi đập thình thịch, và tôi không thể giữ cho nhịp đều. Cơ thể tôi có hơi cứng. Và bạn cũng đoán được rồi đó, ai đó lại đạp vào vai tôi. Ai đó khác thì chồm lên tôi, chồng lên lưng tôi, như một con rùa bò lên một con rùa khác vậy. Tôi uống phải ít nước, nhưng không nhiều lắm. Chẳng có gì phải lo cả, tôi tự nhủ. Đừng hoảng. Tôi hít vào và thở ra theo nhịp đều đặn, và đó là điều then chốt nhất ngay lúc này. Khi tôi làm thế, căng thẳng tiêu tan. Tất cả sẽ ổn thôi. Cứ tiếp tục bơi như vậy đi. Khi đã đưa nhịp thở xuống được rồi, tất cả những gì tôi phải làm là duy trì nó.
Nhưng rồi – và trong ba môn phối hợp thì ta gần như phải thấy trước chuyện đó – một rắc rối nào đó không lường trước được giáng xuống đầu tôi. Khi đang bơi trườn tôi ngóc đầu lên để kiểm tra phương hướng và nghĩ Cái gì….? thì kính bơi của tôi mờ cả, tôi không nhìn thấy được gì… Cứ như thể toàn thể vạn vật mờ và đục đi. Tôi ngừng bơi, đạp nước, và đưa ngón tay chùi mắt kính cố làm cho sạch. Ấy vậy mà tôi vẫn không thấy được gì. Chuyện gì xảy ra đây? Cặp kính này là cái tôi vẫn luôn dùng,khi tập tôi vẫn dùng nó luôn, để còn thấy mình đang bơi đi đâu. Vậy thì chuyện quái gì đang xảy ra vậy chứ? Rồi tôi chợt vỡ lẽ. Sau khi thoa Vaseline lên da tôi đã không rửa tay, vậy nên tôi đã chùi kình bằng mấy ngón tay dính dầu. Thật đúng ngu như lừa! Tại vạch xuất phát tôi luôn lau kính bằng nước bọt, làm cho bên trong kính không bị mờ. Thế nhưng lần này tôi phải đi vội và quên làm việc đó.
Trong suốt chặng bơi 1.500 mét cặp kính mờ mịt của tôi đã hại tôi,tôi liên tục trệch khỏi lộ trình,bơi sai hướng, và mất rất nhiều thời gian. Thỉnh thoảng tôi phải dừng lại, gỡ kính ra, đạp nước, và hình dung xem mình phải đi đâu. Cứ tưởng tượng một đứa trẻ bịt mắt đang cố đánh trúng một cái pinata[1] thì bạn sẽ hiểu.
Nếu nghĩ ra, đáng lẽ tôi đã có thể bơi không cần kính. Tôi lẽ ra chỉ cần gỡ kính ra. Thế nhưng, khi đang bơi, tôi gần như lúng ta lúng túng và không nhanh trí nghĩ ra chuyện đó. Vì chuyện này, phần bơi trong cuộc đua khá là chệch choạc, thời gian tôi đạt được không khá như là tôi mong muốn. Với khả năng của mình – xin nhớ cho là tôi đã tập luyện nhiều thế nào cho cuộc đua này – tôi lẽ ra đã có thể bơi nhanh hơn nhiều. Tôi an ủi mình với ý nghĩ là ít ra mình cũng không bị loại, không bị bỏ lại xa lắm, và có thể hoàn tất phần bơi. Và một khi đã bơi được theo đường thẳng thì tức là tôi không làm tồi, tôi nghĩ vậy.
Tôi lên bờ và đi thẳng đến nơi để xe đạp (có vẻ như đơn giản nhưng thực tế thì không phải), cởi bỏ bộ đồ bơi bó sát, xỏ chân vào đôi giày đạp xe rồi đội mũ bảo hiểm và kính gọng ôm, nốc ít nước, và, cuối cùng, hướng ra đường. Tôi có thể làm tất cả việc ấy tự động đến nỗi đến khi suy nghĩ lại rồi tôi mới nhận ra rằng mới một phút trước đây thôi mình còn đập nước tung tóe dưới biển mà giờ đã phóng vù vù hai mưới dặm một giờ trên xe đạp. Dù tôi có trải qua chuyện này bao nhiêu lần đi nữa, sự chuyển tiếp đột ngột vẫn có cảm giác kỳ quặc. Đó là một cảm giác khác đi về trọng lượng, tốc độ, và các phản xạ vận động khác, và ta dùng các cơ hoàn toàn khác. Ta cảm thấy mình như con kỳ nhông trong chốc lát biến hóa thành đà điểu. Não tôi không thể biến trở thật nhanh, và cơ thể tôi cũng vậy. Tôi không tăng tốc được, và bảy tay đua khác đã vượt qua tôi lúc nào không hay. Chuyện này thật không hay, tôi nghĩ, và mãi đến khúc cua tôi vẫn không qua mặt được ai cả.
Chặng xe đạp men theo một khúc bờ biển nổi tiếng mang tên Sasagawa Nagare. Đó là một thắng cảnh ngoạn mục,có những khối đá dị thường nhô lên khỏi nước, dù dĩ nhiên tôi không có thời gian mà thưởng ngoạn phong cảnh. Chúng tôi đua từ thành phố Murakami dọc theo bờ biển phía Bắc, chỗ cua gần giáp ranh quận Yamagata sẽ đưa chúng tôi trở lại cùng một con đường. Có dốc ở một vài nơi, nhưng không hề dốc đến nỗi làm tôi lú lẫn. Trước khi đến được khúc quanh, tôi không bận tâm vượt qua người khác hay bị người khác vượt qua, mà thay vì vậy tập trung nhấn xuống bàn đạp với tốc độ đều đặn, sang số nhẹ. Cứ cách khoảng đều đặn tôi lại cúi xuống lấy bình nước và tợp nhanh một cái. Trong khi làm những việc này tôi lại dần dần cảm thấy dễ chịu trên xe đạp. Vì cảm thấy giờ đây mình có thể lo liệu được rồi nên khi cả đoàn đến được chỗ rẽ thì tôi lùi lại, tăng tốc, và trong chặng hai của cuộc đua thì vượt qua được bảy người. Gió thổi không mạnh lắm nên tôi có thể đạp hết sức mình. Khi gió mạnh, mấy tay đua xe nghiệp dư như tôi trở nên khá là ngán ngẩm. Làm sao cho gió trở thành có lợi cho ta đòi hỏi nhiều năm kinh nghiệm và rất nhiều kỹ năng. Song nếu không có gió thì tất cả chung quy chỉ là vấn đề sức mạnh đôi chân. Kết cục là tôi đã hoàn tất 24,8 dặm nhanh hơn tôi tưởng, rồi xỏ chân vào đôi giày chạy cũ cho chặng cuối của cuộc đua.
Thế nhưng, khi tôi chuyển qua chạy bộ, mọi chuyện trở nên khá gay go. Bình thường thì tôi đã ghìm mình lại một chút ở phần đạp xe để dành sức chạy, nhưng lần này, không hiểu vì sao tôi không mảy may nghĩ đến chuyện đó. Tôi cứ đạp hết tốc độ, rồi lao ngay vào chạy bộ. Như bạn cũng có thể thấy trước, hai chân tôi không cử động được đàng hoàng. Đầu óc tôi ra lệnh cho chúng, “Chạy đi!”,nhưng các cơ chân của tôi đình công. Tôi thấy mình đang chạy nhưng lại không có cảm giác chạy gì cả.
Mỗi cuộc đua có khác nhau một chút, nhưng trong mọi cuộc thi ba môn phối hợp đều có cùng một thứ cơ bản. Các cơ bắp mà tôi đã thúc ép nhiều trong hơn một giờ khi đạp xe,các cơ mà tôi vẫn muốn tiếp tục vận động khi tôi bắt đầu chạy, chúng không chịu cử động nhịp nhàng. Cần có thời gian để các cơ chuyển từ một đường ray này sang một đường ray khác. Trong hai dặm đầu cả hai chân tôi bao giờ cũng có vẻ như bất động, chỉ sau đó thì tôi mới có thể chạy. Thế mà lần này, phải mất nhiều thời gian hơn mới đến được thời điểm này. Trong ba phần của cuộc thi ba môn phối hợp, chạy bộ rõ ràng là sở trường của tôi, thường thì tôi có thể dễ dàng vượt qua ít nhất ba mươi người chạy đua khác. Nhưng lần này tôi chỉ có thể vượt qua mươi mười lăm người. Vậy nhưng, tôi mừng là mình đã có thể san bằng thành tích của mình đôi chút. Trong cuộc đua ba môn phối hợp vừa rồi tôi bị rất nhiều người qua mặt trong phần đạp xe, nhưng lần này thì chính thời gian chạy của tôi mới không khá lắm. Dù vậy, sự chê lệch giữa các môn tôi vốn khá và các môn tôi không khá cũng đã thu hẹp lại, nghĩa là, có lẽ tôi đã học được cách làm một vận động viên ba môn phối hợp thực thụ. Đây nhất định là điều gì đó đáng cho tôi phấn khởi.
Khi tôi chạy qua khu phố cổ xinh đẹp của thành phố Murakami, tiếng reo hò của người xem – những cư dân bình thường, chắc thế – thúc tôi nhanh hơn, và tôi gom hết chút sức lực sau rốt của mình chạy về đích. Đó là một khoảnh khắc hân hoan. Đó là một cuộc đua gay cấn, dĩ nhiên, nào là gặp rắc rối vì vụ Vaseline rồi còn những gì gì nữa, nhưng một khi tôi đã đến được đích rồi thì tất cả không còn nữa. Sau khi lấy lại hơi được rồi, tôi mỉm cười lại và bắt tay với người đàn ông mang số 329. “Làm khá lắm”, chúng tôi bảo nhau. Ông ta và tôi đã so kè trong phần đua xe đạp, ông qua mặt tôi nhiều lần. Ngay khi chúng tôi bắt đầu chạy, dây giày tôi sút ra và hai lần tôi phải dừng để thắt lại. Giá mà chuyện đó không xảy ra, tôi biết mình đã có thể vượt qua ông ta – hay giả định lạc quan của tôi nói thế. Khi tăng tốc vào chặng cuối cuộc chạy, tôi suýt vượt được ông ta, nhưng rốt cuộc lại thua ba mét. Dĩ nhiên việc không kiểm tra dây giày trước cuộc đua hoàn toàn là trách nhiệm của tôi rồi.
Dù sao đi nữa, tôi đã vui vẻ về được đích dựng sẵn trước Tòa thị chính thành phố Murakami. Cuộc đua đã kết thúc. Tôi không bị chết đuối, không bị xì lốp xe, không bị một đàn sứa độc chích. Không có con gấu hung dữ xổ vào tôi, và tôi không bị ong bắp cày chích, hay bị sét đánh. Và vợ tôi, chờ ở đích, không phát hiên ra sự thật khó chịu nào đó về tôi. Trái lại, nàng còn mỉm cười chào đón tôi. Cám ơn Trời.
Điều hạnh phúc nhất đối với tôi về cuộc đua ngày hôm ấy là tôi có thể, trên bình diện cá nhân, thực sự thưởng thức môn thi này. Tổng thời gian tôi đạt được không phải là cái gì để khoe khoang, và tôi đã mắc phải rất nhiều sơ suất vặt vãnh dọc đường. Nhưng tôi đã dốc hết sức mình, và tôi đã cảm thấy một cảm giác mãn nguyện hữu hình, đẹp đẽ. Tôi cũng cho rằng mình đã khá hơn trong rất nhiều lĩnh vực từ sau cuộc đua lần trước, đấy là một điều quan trọng phải xem xét. Trong ba môn phối hợp thì việc chuyển từ một môn này sang một môn khác là khó khăn, tất cả nhờ kinh nghiệm. Qua kinh nghiệm ta học được cách bù lại những thiếu sót thể chất của mình. Nói cách khác, học hỏi từ kinh nghiệm là điều làm cho ba môn phối hợp rất vui.
Dĩ nhiên là nó rất đau đớn, và có những lúc mà, về mặt cảm xúc, tôi chỉ muốn dẹp quách mọi thứ. Nhưng cái đau dường như là một điều kiện tiên quyết cho kiểu thể thao này. Nếu không có cái đau, ai lại nhọc công dấn thân vào các môn thể thao như ba môn phối hợp hay marathon, thứ đòi hỏi sự đầu tư thời gian và sức lực như thế chứ? Chính là vì cái đau, chính là vì ta muốn vượt qua cái đau ấy mà ta có thể có được cái cảm giác, qua quá trình ấy, rằng mình thực sự sống – hay ít nhất cũng cảm thấy phần nào điều đó. Phẩm chất kinh nghiệm của ta không dựa trên các tiêu chuẩn như thời gian hay thứ hạng, mà là cuối cùng ta nhận ra được tính trôi chảy ở chính hành động. Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì là thế đấy.
Từ Niigata về lại Tokyo, tôi thấy khá nhiều ô tô có cột xe đạp trên mui trên đường từ cuộc đua trở về. Người trong xe ai nấy đều rám nắng và trông khỏe mạnh – thể trạng điển hình của ba môn phối hợp. Sau cuộc đua khiêm nhường của mình vào ngày thu Chủ nhật, tất cả chúng tôi đang trên đường trở về nhà mình, về với đời sống thường nhật của mình. Và với cuộc đua kế tiếp trong đầu, mỗi người chúng tôi, ở vị trí của mình, sẽ rất có thể lặng lẽ bắt tay vào việc tập luyện thường lệ. Ngay cả là, nếu nhìn từ ngoài, hay theo một góc nhìn cao hơn nào đó, lối sống này trông có vẻ vô bổ hay phù phiếm, hay thậm chí là hết sức vô tích sự, tôi cũng không bận tâm. Có thể nó là một hành động vô ích nào đó,như tôi đã nói trước đây, đổ nước vào một cái chảo cũ có lỗ thủng dưới đáy, nhưng ít nhất công sức ta đổ ra cho nó vẫn còn lại. Dù nó có ích lợi cho cái gì hay không, tuyệt vời hay hoàn toàn không, nghĩ đến tận cùng là điều quan trọng nhất là cái ta không thể nhìn thấy mà có thể cảm thấy trong tim mình. Để hiểu được cái gì giá trị, đôi khi ta phải có những hành động có vẻ như chẳng tới đâu. Nhưng ngay cả những hoạt động xem ra vô nghĩa cũng không phải đương nhiên là kết cục như thế. Đó là điều tôi cảm nhận được, với tư cách một người đã cảm thấy điều này, một người đã chứng nghiệm nó.
Tôi không biết liệu mình có thực sự duy trì chu trình hoạt động vô tích sự này mãi không. Nhưng tôi đã làm điều đó kiên trì qua một thời gian dài mà không trở nên chán khủng khiếp, đến nỗi tôi cho rằng tôi sẽ cứ tiếp tục chằng nào còn có thể. Chạy cự ly dài (dù ít hay nhiều, dù tốt hay xấu) đã rèn đúc tôi thành con người như tôi ngày hôm nay, và tôi hy vọng nó vẫn sẽ là một phần của đời tôi càng lâu càng tốt. Tôi sẽ rất vui nếu chạy bộ và tôi có thể cùng nhau già đi. Có vẻ như không logic lắm,nhưng đó là cuộc sống của tôi đã chọn cho mình. Chẳng phải là, muộn thế này rồi,tôi có những chọn lựa khác.
Những ý nghĩ này đi qua đầu tôi khi tôi chạy xe suốt dọc đường sau môn ba môn phối hợp, một mạch về nhà.
Tôi mong là mùa đông này tôi sẽ tham gia một cuộc marathon khác đâu đó trên thế giới. Và tôi tin chắc đến mùa hè năm sau tôi sẽ xuất hiện trong một cuộc thi ba môn phối hợp khác ở đâu đó, cố hết sức mình. Thế là bốn mùa đến rồi đi, và nhiều năm trôi qua. Tôi sẽ già thêm một tuổi, và có lẽ viết xong một cuốn tiểu thuyết khác. Từng cái một, tôi đối mặt những nhiệm vụ trước mắt và hoàn thành chúng hết sức mình. Tập trung vào từng bước về phía trước, nhưng đồng thời có một cái nhìn xa, xem xét kỹ quang cảnh phía trước xa hết mức có thể. Suy cho cùng thì tôi là người chạy đường trường.
Thời gian chạy của tôi, thứ hạng tôi đạt được, vẻ ngoài của tôi – tất cả những thứ đó đều là thứ yếu. Đối với một người chạy như tôi, điều thực sự quan trọng là đạt được mục đích chính mình đặt ra, trong khả năng của mình. Tôi dốc hết sức mình, chịu đựng cái cần chịu đựng, và tôi có thể, theo cách riêng của mình, mãn nguyện. Từ thất bại và niềm vui, tôi luôn cố gắng bước ra sau khi đã hiểu thấu một bài học cụ thể. (Nó phải là cụ thể, dù có nhỏ nhoi như thế nào chăng nữa). Và tôi hy vọng rằng theo thời gian, khi cuộc đua này tiếp cuộc đua khác, cuối cùng tôi sẽ đến được một nơi mà tôi hài lòng. Mà cũng có thể chỉ thoáng thấy nó. (Đúng thế, đó là một cách diễn đạt phù hợp hơn).
Một ngày nào đó, nếu tôi có một bia mộ và tôi có thể chọn cái để khắc trên ấy, tôi muốn nó đề thế này:
HARUKI MURAKAMI
1949-20**
Nhà văn (kiêm Người chạy bộ)
Ít ra ông ấy không bao giờ cuốc bộ
Tại thời điểm này, đó là điều tôi muốn được ghi.
Chú thích
[1] Pinata là một đồ đựng bằng giấy màu sáng đầy kẹo và/hoặc đồ chơi,thường được treo trên dây hay cành cây vào các dịp lễ. Trẻ con bịt mắt cố đánh thủng pixnata để nhặt kẹo, đồ chơi bên trong
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.