Trở thành thiên tài chơi chứng khoán

CHƯƠNG 1. Đi trên con đường trải thảm



Nếu nói một cuốn sách có thể dạy bạn cách làm giàu trên thị trường chứng khoán thì đó quả là một điều phi lý. Thử hỏi, cơ hội chiến thắng của bạn là bao nhiêu khi đứng trước một đội ngũ nhà quản lý danh mục đầu tư có trị giá hàng tỷ đô la hay hàng chục thạc sỹ quản trị kinh doanh mới ra trường? Cuộc chiến giữa bạn, vị chủ nhân đáng tự hào của cuốn sách nhỏ bé này, và những người đó gần như không công bằng.

Sự thật là cuộc đua này không hề công bằng chút nào. Mấy nhà quản lý đầu tư Phố Wall và đám thạc sĩ quản trị kinh doanh kia không có cơ hội đánh bại bạn và quyển sách này. Bạn sẽ không tìm thấy phép màu nào trong Chương 8 và cuốn sách này không phải là phần tiếp theo của cuốn How to Succeed in Business Without Really Trying (Làm thế nào để kinh doanh thắng lợi mà không phải tốn sức?). Nhưng nếu bạn dành thời gian và công sức đầu tư hợp lý thì chắc rằng lợi nhuận chứng khoán và sự giàu có sẽ đến với bạn.

Vậy bí quyết ở đây là gì? Nếu dễ dàng như thế, thì sao mấy tay chuyên nghiệp và mấy gã có bằng MBA kia không thể hạ nốc ao bạn? Rõ ràng, họ đã đầu tư vào đó không ít thời gian và công sức. Hơn nữa, họ đâu phải là những anh nhà quê ngờ nghệch mới ra thành phố.

Nghe có vẻ lạ, nhưng thực ra chẳng có bí quyết gì cả. Vì sao bạn lại có thể hạ “knock out” những kẻ được gọi là chuyên gia thị trường kia? Câu trả lời cho nghịch lý đó nằm trong một nghiên cứu về tư duy khoa học, những quy luật nội tại của Phố Wall và thói quen cuối tuần của bố mẹ vợ tôi.

Chúng ta bắt đầu với câu chuyện về trình độ học vấn của bạn: Nếu như mục tiêu của bạn là chiến thắng trên thị trường thì bằng thạc sỹ hay tiến sỹ ở những trường đào tạo kinh doanh hàng đầu chẳng thể giúp ích bạn. Nếu bạn chưa lãng phí thời gian và tiền bạc vào những khoá học kinh doanh chỉ với mục đích duy nhất là tìm kiếm sự thành công trên thị trường chứng khoán, thì đây là quả là một tin vui. Thực tế, nội dung cơ bản của hầu hết các học thuyết kinh tế là: Không ai có thể cũng thắng trên thị trường trừ khi người đó là người luôn gặp may mắn.

Lý thuyết này thường được nhắc đến như là lý thuyết thị trường hiệu quả hay lý thuyết ngẫu nhiên. Theo đó, hàng ngàn nhà đầu tư và phân tích sẽ thu thập tất cả thông tin liên quan đến một công ty nào đó. Thông qua các quyết định mua – bán cổ phiếu của nhà đầu tư, công ty đó xác lập được giá bán “đúng” cho cổ phiếu của mình. Thực ra, các nhà đầu tư không phải lúc nào cũng xác định được chính xác giá cổ phiếu. Do vậy, việc một cổ phiếu tăng trưởng cao hơn so với mức trung bình của thị trường trong một thời gian dài là điều không thể xảy ra. Tuy vậy vẫn có một số trường hợp ngoại lệ như: hiệu ứng tháng Giêng, hiệu ứng quy mô nhỏ hay chiến thuật giá cả/lời lãi thấp. Những chiến thuật “chinh phục thị trường” này vẫn bị cho là tầm thường, “ăn xổi ở thì”, khó đạt được hiệu quả cao (sau khi tính toán đến những yếu tố như thuế và chi phí giao dịch).

Bởi vì chinh phục hoàn toàn thị trường là một điều không thể, cho nên các giáo sư dạy môn tài chính đã mất rất nhiều thời gian giảng giải cách lập phương trình bậc hai – hiểu nôm na là làm thế nào để lựa chọn một danh mục đầu tư cổ phiếu đa dạng trong không gian ba chiều. Nói cách khác, nếu kiên trì áp dụng những công thức toán học phức tạp, cộng thêm một ít kiến thức số học và thống kê nữa, bạn có thể đạt được lợi nhuận ngang bằng với chỉ số lợi nhuận trung bình của thị trường. Tuy còn nhiều yếu tố khác nữa nhưng thông điệp rất rõ ràng: Bạn không thể vượt qua thị trường, vì thế đừng cố gắng nữa. Hàng nghìn thạc sỹ và tiến sỹ đã phải tốn rất nhiều tiền mới có được lời khuyên này.

Có hai lý do để phản đối cách dạy thông thường của các vị giáo sư. Thứ nhất, có một số sai lầm cơ bản trong các giả thiết và phương pháp mà các giáo sư thường sử dụng. Chúng ta sẽ tìm hiểu vắn tắt những sai lầm đó. Tuy nhiên, đó không phải là trọng tâm của cuốn sách này. Lý do thứ hai cũng là lý do quan trọng hơn cả khi các giáo sư nói đúng và thị trường chứng khoán hoạt động tốt thì những nghiên cứu và kết luận của họ không hề giúp ích gì cho bạn.

Rõ ràng là, hầu hết các nhà đầu tư theo cách trên không quan tâm nhiều đến diễn biến của phố Wall. Dù khoản hoa hồng hay phí tư vấn đầu tư không nhiều nhưng sẽ vẫn là lãng phí nếu những lời khuyên họ nhận được thực ra chẳng có chút giá trị nào. Thật không may cho các chuyên gia đầu tư, thực tế dường như ủng hộ kết luận của các nhà nghiên cứu. Nếu lý thuyết của họ đúng, lương hưu của bạn và các nhà quản lý quỹ đầu tư theo tổ chức có thể được tính bằng mức lợi nhuận trung bình của thị trường trừ đi phí tư vấn. Điều này hơi khác một chút so với lý thuyết thị trường hiệu quả. Thực tế là, thu nhập hàng năm của các nhà đầu tư chuyên nghiệp còn thấp hơn 1% so với mức trung bình của thị trường (Con số này chưa trừ chi phí quản lý). Liệu lý thuyết thị trường “gần” đúng này có khiến các chuyên gia thất vọng hay không? Hay còn nhiều yếu tố khác dẫn đến những kết quả không mấy sáng sủa này?

KHÓ KHĂN CỦA CÁC CHUYÊN GIA

Tôi đã nói chuyện với một người mà tôi coi là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư. Bob phụ trách quản lý một quỹ đầu tư cổ phiếu trị giá 12 tỷ đô la. Hãy tưởng tượng, bạn tới trường đua và cá cược bằng tờ 100 đô la. Nếu bạn thắng, số tiền 12 tỷ đô la kia khi chất đống lên sẽ cao gấp 20 lần tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới. Theo Bob, điểm cốt yếu nhất để dự đoán thành công của anh ta là: Lợi nhuận mà anh thu được so với mức lợi nhuận trung bình của các chi phí trong nhóm S&P 500 chênh nhau như thế nào? Trên thực tế, những gì Bob đạt được thật phi thường: Suốt mười năm qua, mức thu nhập trung bình hàng năm của anh đều vượt trên mức thu nhập của S&P 500 từ 2 – 3%.

Mức chênh lệch chỉ có 2 – 3% mà dùng từ “phi thường” thì có thái quá không? Sau 20 năm, với mức tăng trung bình 2%, nguồn tiền trong quỹ đầu tư của Bob đã lớn gấp đôi lúc đầu, nhưng đó không phải là lý do tại sao tôi lại nói thành tích của Bob phi thường. Những gì anh làm được thật ấn tượng bởi vì trong thế giới của các danh mục đầu tư trị giá hàng tỷ đô la, việc duy trì mức lợi nhuận ổn định như thế là không dễ. Có thể dùng một vài phép tính nhanh để các bạn hình dung ra những trở ngại Bob gặp phải do tầm cỡ của quỹ đầu tư gây ra. Hãy tưởng tượng rằng Bob sẽ phải phân chia khoản vốn 12 tỷ đô la kia vào các cổ phiếu khác nhau. Để có được danh mục đầu tư gồm 50 cổ phiếu, khoản đầu tư trung bình cho mỗi cổ phiếu sẽ là gần 240 triệu đô la. Với danh mục gồm 100 cổ phiếu thì khoản đầu tư này sẽ là 120 triệu đô la.

Tổng số cổ phiếu được niêm yết trên thị trường chứng khoán New York, thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường chứng khoán OTC NASDAQ là khoảng 9.000. Trong số này, khoảng 800 cổ phiếu có giá thị trường trên 2,5 tỷ đô la và khoảng 1.500 loại cổ phiếu có giá thị trường trên 1 tỷ đô la. Nếu Bob không muốn sở hữu quá 10% số cổ phiếu phát hành của bất cứ công ty nào (vì lý do pháp lý hoặc khả năng thanh khoản của các chi phí), anh sẽ phải đầu tư khoảng từ 50 đến 100 cổ phiếu. Còn nếu anh chọn cách mở rộng danh mục với cả những công ty có số vốn dưới 1 tỷ đô la để tận dụng lợi thế là ít nhà đầu tư quan tâm đến công ty này và có thể mua những chi phí này với giá hời, thì con số tối thiểu trong danh mục đầu tư của Bob có thể lên đến hơn 200 loại cổ phiếu khác nhau.

Theo trực giác, có lẽ bạn cho rằng danh mục đầu tư càng đa dạng càng tốt, bởi nếu một, hai hạng mục nào đó có thất bại thì nó cũng không ảnh hưởng lớn tới niềm tin cũng như tổng lợi nhuận của bạn. Mặt khác, một danh mục đầu tư đa dạng có nhất thiết phải có khoảng 50, 100 hay thậm chí 200 loại cổ phiếu khác nhau không?

Thực ra, việc đa dạng hóa các danh mục đầu tư chỉ giảm thiểu một phần (nhưng không phải là phần lớn) những rủi ro khi đầu tư vào chứng khoán. Ngay cả khi bạn đã rất thận trọng mua cả 9.000 cổ phiếu, bạn vẫn có thể gặp rủi ro trước biến động của toàn bộ thị trường. Đây chính là rủi ro thị trường. Dù các danh mục đầu tư của bạn có đa dạng đến mấy, bạn vẫn không thể tránh được rủi ro này.

Việc mua nhiều cổ phiếu hơn không thể giúp bạn tránh khỏi rủi ro thị trường mà chỉ có thể giúp bạn tránh được một loại rủi ro khác: “rủi ro phi thị trường”. Rủi ro phi thị trường là một phần rủi ro của cổ phiếu nhưng nó không liên quan đến toàn bộ biến động của thị trường cổ phiếu. Nó phát sinh khi một nhà máy bị thiêu trụi hay một sản phẩm mới không tiêu thụ tốt như mong đợi. Nếu không đặt tất cả trứng vào một giỏ, bạn có thể phân tán những rủi ro xuất phát từ tai họa của bất kỳ một công ty nào.

Những con số thống kê cho thấy mua hai cổ phiếu có thể giảm 46% rủi ro phi thị trường so với chỉ mua một cổ phiếu. Hình thức rủi ro này có thể giảm tới 72% khi mua bốn cổ phiếu, 81% với tám cổ phiếu, 93% với 16 cổ phiếu, 96% với 32 cổ phiếu và 99% với 500 cổ phiếu. Tuy nhiên, bạn không cần chú ý quá đến những con số cụ thể đó. Hãy tập trung nhớ hai điều sau:

1. Sau khi đã mua sáu hoặc tám cổ phiếu của những ngành khác nhau, tác dụng hạn chế rủi ro của việc mua thêm cổ phiếu sẽ giảm đi, và

2. Bạn không thể loại trừ rủi ro của toàn bộ thị trường chỉ đơn thuần bằng cách tăng thêm hạng mục đầu tư.

Thực tế cho thấy, khi chọn những cổ phiếu tâm đắc và mua tới 20, 30 hoặc 80 cổ phiếu, lúc đó, Bob đang áp dụng chiến lược dựa trên quy mô số vốn nắm giữ, quy định về pháp lý và các vấn đề liên quan đến uỷ nhiệm. Lý do Bob mua không phải là vì anh thấy, tất cả những cổ phiếu đó đều triển vọng, mà là vì anh hy vọng, đa dạng cổ phiếu sẽ tối đa hóa kết quả đầu tư.

Tóm lại, chàng Bob tội nghiệp buộc phải thành công khi đầu tư chứng khoán. Anh ta phải lựa chọn cổ phiếu triển vọng nhất trong số những cổ phiếu được nhiều người đầu tư nhất, mua bán một số lượng lớn cổ phiếu riêng lẻ mà không làm ảnh hưởng đến giá của chúng, và xoay sở trong một môi trường chật hẹp – nơi lợi nhuận của anh bị theo dõi hàng quý, thậm chí hàng tháng.

May mắn thay, bạn không bị như vậy!

BÍ QUYẾT LÀM GIÀU NHỜ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Rõ ràng, Bob đã có quá nhiều việc để làm rồi. Vậy ta biết tìm ai để xin những lời khuyên quý giá về đầu tư chứng khoán? Có vẻ như mọi con đường đều dẫn chúng ta tới cửa nhà bố mẹ vợ tôi (Đừng lo – tôi nói là bố mẹ vợ tôi, chứ không phải bố mẹ vợ các bạn).

Cuối tuần nào cũng vậy, bạn cũng thấy họ có mặt ở những buổi đấu giá của thị trấn, cửa hàng bán đồ cổ để tìm những món đồ hay tác phẩm nghệ thuật mà họ say mê. Như những nhà sưu tầm đầy tâm huyết, họ mong muốn tìm ra những tác phẩm nghệ thuật sẽ mang lại cho họ niềm vui khi sở hữu chúng, ngày ngày ngắm nhìn chúng. Giống như những nhà săn lùng đầu tư, họ luôn khao khát tìm thấy những tác phẩm nghệ thuật hay những món đồ cổ chưa được ai phát hiện và có thể mua chúng với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thật.

Trong vai những nhà săn lùng đầu tư, bố mẹ vợ tôi thực hiện một chiến thuật rất đơn giản. Mỗi lần tìm được một món đồ đẹp hay một thứ đồ cổ ở Cửa hàng đồ cổ mỹ thuật Podunk & Tractor Parts hoặc một bức vẽ theo trường phái ấn tượng ở cửa hàng Grandma Bagodonuts, họ luôn tự hỏi một câu duy nhất trước khi quyết định mua: Giá của nó có thấp hơn nhiều so với những món đồ tương tự được bán gần đây trong các phiên đấu giá (hoặc trong các đại lý) không?

Sự thật chỉ đơn giản vậy thôi. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta sẽ học được nhiều hơn từ những câu hỏi mà họ không đặt ra. Họ không hỏi “Liệu bức tranh này có phải của Picasso không?”, hay “Liệu đồ gỗ Pháp thế kỷ XVIII có sắp tăng giá mạnh hay không?”. Nếu bạn có khả năng dự đoán được tương lai thì điều này rất tuyệt vời. Nó sẽ giúp bạn kiếm được những khoản lợi nhuận rất lớn. Song, không phải ai cũng có khả năng dự đoán, kiến thức chuyên môn và khả năng đưa ra quyết định kịp thời đúng lúc để thu được lợi nhuận về cho mình. Bố mẹ vợ tôi có dự đoán được tương lai hay không không phải điều quan trọng. Họ không cần làm như vậy bởi vì họ đã biết cách thu lợi nhuận từ những nghiên cứu hiện tại.

Điều đó không có nghĩa là những kiến thức về nghệ thuật và đồ cổ không giúp họ kiếm tiền. Điều tuyệt vời là họ biết áp dụng những kiến thức này ở những nơi không phải cạnh tranh nhiều. Những nơi này tuy khó tìm ra nhưng một khi đã thấy thì việc không được nhà sưu tầm biết đến sẽ mang lại cho họ cơ hội tốt, không dựa theo quy luật thị trường nào cả.

Con đường để tìm kiếm những cổ phiếu “béo bở” cũng tương tự như vậy. Nếu bạn dành công sức tìm kiếm và phân tích những cơ hội đầu tư không được nhiều người chú ý, cơ hội mua cổ phiếu với giá hời của bạn sẽ cao hơn. Cái khó ở đây là phải biết cách xác định những cơ hội đó.

Nó giống như một câu chuyện về người thợ ống nước: Anh ta đến nhà bạn, gõ vào đường ống, rồi phán “Hết một trăm đô la”.

“Một trăm đô la cơ à?”, bạn sửng sốt. “Tất cả những gì anh làm là gõ vào đường ống nước thôi mà!”.

“Ồ, không”, người thợ ống nước trả lời. “Gõ đường ống chỉ mất 5 đô la thôi. Nhưng biết gõ vào đâu – cái đó trị giá 95 đô la”.

Trong thị trường chứng khoán, “biết gõ vào đâu” chính là bí quyết làm giàu. Với suy nghĩ đó, chúng ta hãy cùng khám phá những nơi ẩn giấu lợi nhuận của thị trường chứng khoán.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.