Trước Ngày Em Đến
Chương 11
Có những nơi chuyển mùa đánh dấu bởi những đàn chim di trú, hoặc sự lên xuống của thủy triều. Ở đây, trong thị trấn nhỏ của chúng tôi, dấu ấn ấy là sự trở lại của du khách. Đầu tiên, một lượng nhỏ ngập ngừng ướm thử, bước xuống tàu hoặc xe trong những chiếc áo mưa sắc màu tươi sáng, nắm chặt trên tay sách hướng dẫn và thẻ thành viên Hội Bảo tồn quốc gia; rồi khi thời tiết ấm lên, mùa trườn sang, người ta ùn ùn đổ ra từ những chiếc xe buýt, tụ tập đông nghẹt trên xa lộ, người Mỹ, người Nhật, từng đoàn học sinh nước ngoài đứng rải rác xung quanh bốn phía lâu đài.
Trong những tháng mùa đông ít cửa hàng mở cửa. Những chủ tiệm giàu có nhân những tháng ảm đạm dài dằng dặc ấy liền biến về nhà ở nước ngoài để nghỉ ngơi, trong khi đó những người kiên trì hơn ở lại làm chủ các sự kiện mùa Giáng sinh, tích lũy tiền bạc từ những buổi hòa nhạc chào đón Giáng sinh thỉnh thoảng được tổ chức trên bãi đất dưới chân tòa lâu đài, hoặc những hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ. Nhưng rồi khi nhiệt độ nhích lên cao hơn, bãi đỗ xe của lâu đài sẽ chật cứng đủ loại phương tiện cơ giới, các quán rượu trong vùng ghi nhận lượng tăng đột biến yêu cầu bữa ăn nhẹ, và trong dăm ngày Chủ nhật rực nắng, chúng tôi lại chuyển từ một phố chợ ngủ im thành một điểm đến du lịch truyền thống của nước Anh.
Tôi thả bộ lên đồi, tránh né dăm ba du khách vãng lai tới sớm của mùa này, họ nắm chặt túi đeo trước bụng và tờ hướng dẫn du lịch hoen sờn, máy ảnh đã giơ lên sẵn sàng chộp lấy những hình ảnh lưu niệm của tòa lâu đài độ xuân sang. Tôi mỉm cười với mấy người, dừng lại chụp hình cho những ai đưa máy ảnh ra nhờ. Một số người trong vùng cứ phàn nàn về mùa du lịch – kẹt xe, toilet công cộng quá tải, yêu cầu những món ăn lạ ở quán cà phê Bánh Bơ (“Ở đây không có sushi à? Cả temaki cũng không hả?”) Nhưng tôi chẳng thấy phiền. Tôi thích bầu không khí mang hơi thở của người nước ngoài, thích được thoáng nhìn cận cảnh những cuộc đời vốn sống rất xa thị trấn quê tôi. Tôi thích nghe những giọng nói lạ rồi đoán coi chủ nhân của chúng đến từ đâu, thích nghiên cứu quần áo của những người chưa từng xem catalogue Next, cũng chưa bao giờ mua một gói năm chiếc quần lót ở hiệu Marks & Spencer.
“Trông cô vui gớm,” Will nói, khi tôi thả túi xuống hành lang. Anh nói như thể đó là trò trêu ngươi vậy.
“Đó là vì hôm nay là hôm nay.”
“Thì sao?”
“Ngày chúng ta đi chơi. Chúng ta sẽ cùng Nathan đi xem đua ngựa.”
Will và Nathan đưa mắt nhìn nhau. Tôi suýt phì cười. Tôi đã nhẹ cả người khi thấy trời đẹp; ngay khi nhìn thấy vầng dương ló ra, tôi biết mọi thứ sẽ đâu vào đó.
“Đua ngựa?”
“Đúng vậy. Đua ngựa ở…” Tôi lôi cuốn sổ nhỏ từ túi áo ra. “… Longfield.
Nếu đi bây giờ chúng ta sẽ tới kịp đợt đua thứ ba. Tôi có năm bảng để đặt cược hai bên cho Man Oh Man đây, thế nên tốt nhất chúng ta khởi hành thôi.”
“Đua ngựa.”
“Đúng thế. Nathan chưa bao giờ được xem đua ngựa cả.”
Vì dịp trọng đại này, tôi mặc chiếc váy mini vải bông xanh, cổ quàng chặt chiếc khăn có tua rua là hình hàm thiếc ngựa, chân đi đôi bốt cưỡi ngựa bằng da. Will quan sát tôi thật kỹ, rồi quay xe chênh chếch để nhìn Nathan rõ hơn.
“Đây là mong ước bấy nay của ông, phải không Nathan?”
Tôi liếc nhìn cảnh cáo Nathan.
“Phải,” ông nói, nặn ra một nụ cười. “Phải, đúng thế. Đi xem lũ ngựa thôi nào.”
Tôi đã phím trước, tất nhiên rồi. Tôi đã gọi cho ông hôm thứ Sáu để hỏi xem tôi có thể mượn ông đi cùng hôm nào. Nhà Traynor đã đồng ý trả tiền làm thêm cho ông (em gái Will đã về lại Úc, và tôi nghĩ nhà họ muốn có người “hiểu biết” đi cùng tôi) nhưng phải đến Chủ nhật tôi mới xác định chắc chắn chúng tôi sẽ làm gì. Đây xem chừng là một khởi đầu lý tưởng – một ngày đẹp trời đi chơi, lái xe chưa tới nửa giờ đồng hồ.
“Thế nếu tôi nói tôi không muốn đi thì sao?”
“Thì anh nợ tôi bốn mươi bảng,” tôi nói.
“Bốn mươi bảng? Sao cô tính ra số đó?”
“Tiền thắng cược của tôi. Năm bảng cược hai bên với tỉ lệ một ăn tám.” Tôi nhún vai. “Man Oh Man thắng chắc đấy.”
Có vẻ tôi đã làm anh ta nao núng.
Nathan vỗ tay lên đầu gối. “Nghe hay đấy. Hôm nay lại đẹp trời nữa,” ông nói. “Cô muốn tôi mang chút gì ăn trưa không?”
“Thôi khỏi,” tôi nói. “Ở đó có quán ăn đẹp lắm. Khi ngựa của tôi về đích, tôi sẽ được mời ăn trưa.”
“Cô đi đua thường xuyên lắm hả?” Will hỏi.
Và trước khi anh ta kịp nói thêm điều gì, chúng tôi đã phủ áo khoác lên người anh ta, rồi tôi chạy ra ngoài để quay xe.
Tôi đã lên kế hoạch đâu ra đấy cả rồi, bạn biết đó. Chúng tôi sẽ tới cuộc đua ấy vào một ngày nắng đẹp. Ở đó sẽ có những chú ngựa thuần chủng chân thon lông bóng, kỵ sĩ trên lưng chúng mặc áo lụa phồng sáng màu, chúi người phi nước đại. Có thể có một hai ban kèn đồng. Khán đài sẽ đầy nhóc người cổ vũ, và chúng tôi sẽ tìm được một khoảng trống để đứng ở đó vẫy vẫy những tờ giấy cược thắng cuộc. Tính ganh đua trong Will sẽ trỗi dậy, anh sẽ không ngừng tính toán điểm đua để đảm bảo mình thắng cược cao hơn cả Nathan lẫn tôi. Tôi đã lên kế hoạch cả rồi. Sau đó, khi đã chán nhìn lũ ngựa, chúng tôi sẽ đi tới nhà hàng nhìn thẳng xuống trường đua để thưởng thức bữa ăn thượng hạng.
Lẽ ra tôi phải nghe lời bố. “Muốn biết định nghĩa chính xác của câu còn da lông mọc còn chồi xanh cây không?” ông thường nói. “Lên kế hoạch cả nhà đi chơi một ngày thật vui.”
Ngày thật vui ấy bắt đầu từ bãi đỗ xe. Chúng tôi lái tới đó mà không gặp khó khăn gì, giờ tôi đã tự tin hơn một chút rằng tôi sẽ không hất nhào Will nếu chạy xe nhanh hơn mười lăm dặm một giờ. Tôi đã xem trước hướng dẫn chỉ đường ở thư viện, hầu như suốt đường đi tôi không ngừng nói đùa vui vẻ, bình luận về bầu trời xanh tươi đẹp, về khung cảnh miền quê, giao thông thưa thớt. Không có màn xếp hàng vào xem cuộc đua, phải thừa nhận là hơi ít người hơn tôi mong đợi, và bãi đỗ xe lác đa lác đác.
Không ai cảnh báo tôi rằng mặt bằng bãi đỗ xe đầy cỏ, cỏ mọc rất dày qua cả mùa đông ẩm ướt. Chúng tôi tìm một chỗ trống (không khó, bãi đỗ chỉ kín phân nửa), và ngay khi đường trượt hạ xuống, Nathan lộ vẻ lo lắng.
“Mềm quá,” ông nói. “Cậu ấy bị lún mất.”
Tôi liếc nhìn lên khán đài. “Chắc rồi, nếu chúng ta đưa được anh ấy lên đường mòn kia thì mọi việc sẽ ổn phải không?”
“Cái xe này nặng cả tấn đấy,” ông nói. “Mà từ đây tới đó phải mười mấy mét.”
“Ôi, thôi nào. Người ta làm những cái xe thế này phải trụ được trên đất mềm một chút chứ.”
Tôi thận trọng đẩy xe của Will xuống rồi quan sát khi bánh xe lún xuống bùn dăm phân.
Will chẳng nói gì. Trông anh không thoải mái, anh hầu như im lặng trong suốt nửa giờ lái xe. Chúng tôi đứng bên cạnh anh, ấn lung tung lên bàn điều khiển xe. Một luồng gió lạnh thổi qua khiến hai má Will ửng đỏ.
“Thôi nào,” tôi nói. “Chúng ta phải dùng tay thôi. Tôi tin hai chúng ta có thể xoay xở tới được đó.”
Chúng tôi đẩy Will ngửa ra sau. Tôi nắm bên này tay xe còn Nathan nắm bên kia, rồi cả hai chúng tôi lôi chiếc xe về phía đường mòn. Tiến trình đó rất chậm chạp, vì tôi liên tục phải dừng do hai cánh tay đau nhức và đôi bốt da dính bùn đất mỗi lúc lại thêm nặng trịch. Khi cuối cùng chúng tôi cũng tới được lối mòn, chiếc mền của Will đã tuột khỏi người anh quá nửa, cuốn vào bánh xe khiến một góc mền rách toạc và bết bùn.
“Đừng lo,” Will nói cộc lốc. “Chỉ là vải cashmere thôi mà.”
Tôi phớt lờ lời mai mỉa của anh. “Phải. Chúng ta tới được rồi. Giờ thì vui vẻ chút đi.”
À phải. Vui vẻ chút đi. Ai nghĩ ra rằng đặt cửa quay vào trường đua là một ý tưởng hay ho nhỉ? Đâu có vẻ gì là để quản đám đông, rõ ràng thế còn gì? Đâu có vẻ gì là có những đám đông cổ động viên đua ngựa hò reo ầm ĩ, những lao nhao đe dọa nếu con Charlie’s Darling không về thứ ba, những cô gái chăm ngựa lộn xộn lúc nào cũng thích làm trò thả ngựa ra rồi nhốt ngựa vào. Chúng tôi nhìn cánh cửa quay, rồi nhìn lại xe lăn của Will, rồi Nathan và tôi nhìn nhau.
Nathan bước tới quầy bán vé và giải thích hoàn cảnh khó khăn của chúng tôi với người phụ nữ ngồi trong quầy. Bà nghiêng đầu để nhìn Will, rồi chỉ chúng tôi đi tít về phía cuối khán đài.
“Lối vào dành cho người tàn tật ở đằng kia,” bà nói.
Bà nói từ tàn tật như người ta đang tham gia cuộc thi phát âm vậy. Lối vào đó cách chúng tôi không dưới 200 mét. Khi cuối cùng chúng tôi cũng tới được đó, bầu trời xanh đột ngột biến mất, thay vào đấy là một trận mưa theo gió từ đâu quật tới. Tất nhiên tôi không mang theo ô. Tôi vẫn bình luận thao thao không ngớt rằng chuyện này thật buồn cười, thật là ngố, nhưng đến cả tôi cũng nghe thấy giọng mình vô cùng não nề bực dọc.
“Clark,” cuối cùng Will lên tiếng. “Đừng nói nữa, được chứ? Cô đang mệt lả rồi đấy.”
Chúng tôi mua vé vào khán đài, với chút xíu nhẹ nhõm khi rốt cuộc cũng tới được đó, tôi đẩy Will tới khu có mái che, ngay bên cạnh khán đài chính. Trong khi Nathan pha nước cho Will, tôi có chút thời gian để ý những đồng đội tham gia cổ vũ đua ngựa với chúng tôi.
Hàng dưới cùng của khán đài quả là vui vẻ rộn ràng, dù thỉnh thoảng lại có một vạt mưa tạt vào. Phía trên chúng tôi, trên ban công có mặt tiền làm bằng kính, những người đàn ông mặc vest bảnh bao nâng ly sâm-banh mời những phụ nữ mặc váy đi hội. Trông họ thật ấm áp thoải mái, tôi ngờ rằng đó là Khu Thành viên, được liệt kê bên cạnh tên của khu vực có mức giá bình dân trên tấm bảng trong buồng vé. Họ đeo tấm biển nhỏ treo dưới sợi dây đỏ, thứ đó xếp riêng họ vào hàng đặc biệt. Trong một thoáng tôi tự hỏi có thể tô sợi dây xanh của chúng tôi thành màu khác đi không, nhưng rồi nghĩ lại rằng chắc chúng tôi sẽ dễ bị lộ vì là nhóm duy nhất có người đi xe lăn.
Bên cạnh chúng tôi, lác đác dọc theo khán đài là những người đàn ông mặc suit vải tuýt và phụ nữ mặc áo khoác bông dài thanh lịch, trên tay nắm chặt ly giấy cà phê hoặc chai rượu nhỏ. Trông họ bình thường như thể hôm nay chẳng khác gì bao ngày khác, và những tấm thẻ đeo trên ngực họ cũng mang màu xanh. Tôi ngờ rằng đa phần họ là huấn luyện viên và người giữ ngựa, hoặc những người có công việc liên quan đến ngựa theo một khía cạnh nào đó. Ở phía dưới gần vòng đua, đứng bên cạnh những tấm bảng trắng nhỏ là mấy ông đếm giờ, cánh tay họ cứ phất lên phất xuống theo một hệ thống kỳ lạ nào đó mà tôi không hiểu nổi. Họ nguệch ngoạc lên bảng những chuỗi minh họa mới rồi lại dùng nẹp tay áo xóa đi.
Còn nữa, đứng vòng quanh vòng đua là một nhóm đàn ông mặc áo polo sọc, tay ai cũng cầm lon bia và dáng vẻ trông như đi chơi. Cái đầu cạo trọc của họ khiến người ta nghĩ họ đang tham gia nghĩa vụ quân sự. Chốc chốc họ lại cất tiếng hát, chuyện trò ầm ĩ, chen lấn xô đẩy, húc nhau bằng cái đầu nhẵn thín hoặc choàng vai bá cổ nhau. Khi tôi đi qua họ tới nhà vệ sinh, họ huýt sáo inh ỏi trêu chọc cái váy ngắn của tôi (không ngờ tôi là người duy nhất mặc váy trên cả khán đài) và tôi giơ ngón tay thối sau lưng. Rồi họ cũng mất hứng thú trêu chọc khi bảy hay tám con ngựa bắt đầu chạy lờn vờn quanh nhau, thong dong tiến vào khán đài với kỹ thuật điêu luyện, tất cả chuẩn bị cho đợt đua tiếp theo.
Thế rồi tôi giật bắn người khi xung quanh chúng tôi một đám đông nhỏ la hét cật lực và lũ ngựa lao ra từ cổng xuất phát. Tôi đứng dậy quan sát chúng chạy, bỗng nhiên sững sờ, không thể ngăn được cảm giác phấn khích bùng nổ khi thấy những cái đuôi đột ngột xòe ra phía sau chúng, nỗ lực điên cuồng của những anh chàng mặc đồ sáng màu ngồi trên lưng chúng, tất cả chen nhau giành thứ hạng. Khi con thắng cuộc vượt qua vạch đích, làm sao có thể không reo hò.
Chúng tôi xem lượt đua Sisterwood Cup, rồi xem Maiden Stakes, và Nathan thắng sáu bảng cho kèo con. Will từ chối cá cược. Anh quan sát từng cuộc đua, nhưng anh im lặng, đầu rụt sâu vào trong cổ áo khoác. Tôi nghĩ có lẽ anh đã ở trong nhà quá lâu tới nỗi chắc hẳn anh cảm thấy tất cả chuyện này hơi kỳ lạ, và tôi nghĩ đơn giản tôi sẽ vờ như không biết điều đó.
“Tôi nghĩ đó là lượt đua của cô, Hempworth Cup,” Nathan nói, liếc nhìn màn hình. “Cô đặt tiền vào đâu? Man Oh Man nhỉ?” Ông cười nhăn nhở. “Tôi không ngờ khi xem đua ngựa mà cá cược lại vui hơn thế này cơ đấy.”
“Ông biết không, tôi chưa nói với ông chuyện này, nhưng quả thực trước đây tôi cũng chưa từng đi xem đua ngựa,” tôi nói với Nathan.
“Cô đang đùa đấy à.”
“Tôi chưa bao giờ ngồi trên lưng ngựa. Mẹ tôi sợ ngựa. Bà thậm chí không dám đưa tôi tới chuồng ngựa.”
“Chị gái tôi có hai con ngựa, chị sống ở ngoại ô Christchurch. Chị ấy coi chúng như con vậy. Tất cả tiền bạc chị ấy đổ hết vào chúng.” Ông nhún vai.
“Chúng có chết đi thì chị ấy cũng chẳng bao giờ ăn thịt đâu.”
Giọng Will lướt về phía chúng tôi. “Thế phải xem bao nhiêu lượt đua thì mới đảm bảo được rằng chúng tôi đã thỏa mãn tham vọng bấy lâu của ông đây?”
“Đừng có cộc cằn thế chứ. Người ta nói ‘đời có trò gì ta cũng phải thử một lần cho biết’,” tôi nói.
“Tôi cho rằng đua ngựa rơi vào vế sau ‘ngoại trừ loạn luân và nhảy mô-rít’.”
“Anh chính là người lúc nào cũng bảo tôi hãy mở rộng chân trời của mình còn gì. Anh rất thích điều đó cơ mà,” tôi nói. “Đừng vờ như không phải thế nhé.”
Đúng lúc ấy họ cán đích. Man Oh Man với nài ngựa mặc đồ lụa tím có hình thoi vàng. Tôi quan sát con ngựa phi nước đại quanh rào chắn trắng, đầu vươn dài ra, đôi chân của tay nài vỗ liên tục, hai cánh tay vụt tới vụi lui trên cổ ngựa.
“Tiến lên, anh bạn!” Vốn tính điềm đạm nhưng Nathan không kiềm chế được cảm giác phấn khích. Nắm tay ông siết chặt, mắt dán vào đám ngựa chạy tận lực đang xuất hiện lờ mờ ở phía xa trên đường đua.
“Tiến lên, Man Oh Man!” tôi hét to. “Nhờ mi mà chúng ta được một bữa bít-tết bò đấy!” Tôi nhìn con ngựa nỗ lực tuyệt vọng để giành chiến thắng, cánh mũi phập phồng, hai tai căng ra sau đầu. Tim tôi như bắn lên. Thế rồi khi họ tiến tới hai trăm mét cuối cùng, tiếng hét cửa tôi dần xìu xuống. “Được rồi, một chầu cà-phê,” tôi nói. “Tôi đãi một chầu cà-phê là được chứ gì?”
Quanh tôi cả khán đài đã vỡ òa trong tiếng la hò gào rú. Một cô gái, cùng hàng với chúng tôi cách hai ghế đang nhảy tưng tưng lên xuống, giọng cô ta khản đặc vì la hét.
Tôi nhận ra mình cũng đang nhún nhảy trên đầu ngón chân.
Thế rồi khi nhìn xuống tôi thấy Will đang nhắm nghiền mắt, một vết hằn mảnh ngăn giữa cặp mày của anh. Tôi thôi để ý tới đường đua, quỳ xuống bên anh.
“Anh ổn không Will?” tôi nói, xích lại sát anh. “Anh có cần gì không?” Tôi phải gào lên mới nghe được tiếng của chính mình qua tiếng reo ầm ĩ om sòm.
“Rượu mạnh,” anh nói. “Ly đầy.”
Tôi nhìn anh chằm chằm, anh nhấc mi mắt lên nhìn tôi. Trông anh vô cùng tức giận.
“Chúng ta đi ăn trưa thôi,” tôi nói với Nathan.
Khốn thay Man Oh Man, kẻ lừa tiền bốn chân đó, băng qua vạch đích ở vị trí thứ sáu. Tiếng reo hò lại vang lên, rồi tiếng của người thông báo phát ra từ loa phát thanh: Thưa quý ông quý bà, một chiến thắng mạnh mẽ tới từ chú Love BeA Lady, đứng ở vị trí thứ nhất, tiếp theo là Winter Sun, và Barney Rubble về sauhai ngựa đứng thứ ba.
Tôi đẩy xe của Will qua đám người mải mê không để ý gì, cố tình đâm sầm vào gót chân họ khi tôi xin đường tới lần thứ hai mà họ chưa kịp tránh.
Khi chúng tôi vừa tới thang máy thì Will cất tiếng. “Clark, thế này có nghĩa cô nợ tôi bốn mươi bảng nhỉ?”
Tiệm ăn này đã được tân trang lại, thức ăn được một đầu bếp hay xuất hiện trên ti-vi bảo đảm, mặt ông ta xuất hiện trên khắp các poster quanh trường đua.
Tôi đã xem thực đơn từ trước.
“Món chính là vịt nấu cam,” tôi nói với hai người đàn ông. “Rõ ràng là quay lại kiểu cách thập niên bảy mươi.”
“Như bộ đồ cô mặc nhỉ,” Will châm biếm.
Tránh được cái lạnh và rời xa đám đông, anh có vẻ vui lên một chút. Anh bắt đầu đưa mắt nhìn xung quanh thay vì rụt sâu vào thế giới cô độc của riêng mình.
Dạ dày tôi sôi lên, háo hức đòi thưởng thức một bữa trưa ngon lành nóng hổi.
Mẹ Will đã đưa cho chúng tôi tám mươi bảng để “ăn nhẹ”. Tôi đã quyết định từ nhà rằng tôi sẽ tự trả tiền đồ ăn cho mình, rồi đưa hóa đơn cho bà, như thế tôi sẽ không hề phải e ngại khi gọi cho mình món tôi mê mẩn nhất trong thực đơn – vịt quay, hay món gì đó khác.
“Ông muốn vào tiệm ăn không Nathan?” tôi hỏi.
“Bản thân tôi thì thường thích mua thức ăn và một chầu bia mang đi hơn,”
Nathan nói. “Nhưng hôm nay thì vào trong tiệm cũng vui đấy.”
“Lần cuối cùng anh đi ăn tiệm là khi nào hả Will?” tôi nói.
Anh và Nathan nhìn nhau. “Chưa bao giờ kể từ dạo tôi tới nhà cậu ấy,”
Nathan nói.
“Lạ lùng là tôi chẳng mấy thích thú được bón từng thìa trước mặt người lạ.”
“Thế thì chúng tôi sẽ chọn bàn sao cho có thể quay lưng anh ra cửa,” tôi nói.
Tôi đã suy tính trước chuyện này rồi. “Và nếu có ngôi sao nào xuất hiện thì coi như anh mất phần.”
“Vì có vô khối ngôi sao xuất hiện ở một trường đua nhỏ xíu lầy lội vào giữa tháng Ba mà.”
“Anh đừng làm hỏng bữa ăn này của tôi, Will Traynor,” tôi nói khi cánh cửa thang máy mở ra. “Lần gần đây nhất tôi được ra ngoài ăn là tham dự bữa tiệc sinh nhật dành cho đám trẻ lên bốn tại bãi đánh ki trong nhà duy nhất của Hailsbury, và chẳng có thứ gì ở đó không bọc bột. Kể cả lũ trẻ.”
Chúng tôi lăn xe dọc theo hành lang trải thảm. Nhà hàng chạy dọc một bên, phía sau bức tường kính, tôi thấy có rất nhiều bàn còn trống. Ruột tôi bỗng cồn cào vì dự cảm chẳng lành.
“Xin chào,” tôi nói, bước tới quầy tiếp tân. “Tôi muốn một bàn cho ba người.” Làm ơn đừng có nhìn Will, tôi nói khẽ với người phụ nữ. Đừng làm anhấy cảm thấy bản thân kỳ cục. Điều quan trọng là anh ấy thích thú chuyện này.
“Thẻ, thưa cô,” cô ta nói.
“Gì cơ?”
“Thẻ vào Khu Thành viên của cô?”
Tôi nhìn cô ta ngơ ngác.
“Nhà hàng này chỉ dành cho những người có thẻ Thành viên thôi.”
Tôi liếc nhìn lại Will và Nathan. Họ không nghe thấy tiếng tôi, nhưng họ đang ở đó háo hức chờ đợi. Nathan đang giúp Will cởi áo khoác.
“Ừm… tôi không biết rằng chúng tôi không thể muốn ăn ở đâu cũng được.
Chúng tôi có thẻ màu xanh.”
Cô gái mỉm cười. “Xin lỗi,” cô nói. “Chỉ tiếp người có thẻ Thành viên thôi.
Điều này ghi rõ trên tất cả phương tiện quảng cáo của chúng tôi mà.”
Tôi hít một hơi thật sâu. “Được rồi. Thế còn hàng ăn ở đâu khác không?”
“Tôi e rằng The Weighing Room, khu nghỉ ngơi ăn uống của chúng tôi, hiện nay đang sửa chữa, nhưng dọc khán đài có mấy quầy đồ ăn, cô có thể kiếm đồ ăn ở đó.”
Khi thấy tôi xịu mặt, cô nói thêm, “Thịt heo ngon lắm. Bánh bao nhân heo quay. Họ làm cả nước xốt táo đấy.”
“Quầy đồ ăn.”
“Vâng.”
Tôi cúi sát lại gần cô. “Làm ơn,” tôi nói. “Chúng tôi đã đi một chặng đường rất xa, và bạn tôi không khỏe khi ở ngoài lạnh. Chẳng lẽ không có cách nào để chúng tôi được ngồi một bàn ở đây sao? Chúng tôi thật sự cần để anh ấy ở nơi ấm áp. Anh ấy có được một ngày dễ chịu là điều vô cùng quan trọng.”
Cô nhăn mũi. “Tôi thật sự xin lỗi,” cô nói. “Tôi sẽ bị mất việc nếu làm sai quy định. Nhưng dưới lầu có một khu dành cho người tàn tật mà cô có thể khép cửa lại đấy. Từ đó cô không thể xem cuộc đua, nhưng nó khá ấm áp. Ở đó có hệ thống sưởi, đầy đủ lắm. Cô có thể ăn ở đó.”
Tôi nhìn cô trân trối. Tôi có thể cảm thấy nỗi căng thẳng len lén trào lên từ gót chân.
Tôi nghĩ có lẽ mình đã hóa đá rồi.
Tôi nhìn bảng tên cô. “Sharon,” tôi nói. “Ở đây còn rất nhiều bàn mà. Chẳng phải rõ ràng là có thêm người ăn sẽ tốt hơn là để nửa số bàn trống hay sao? Chỉ vì một quy định phân biệt tầng lớp bí hiểm nào đó trong sách nội quy sao?”
Nụ cười của cô ta lóe lên dưới ánh sáng của những ngọn đèn âm tường.
“Thưa quý cô, tôi đã giải thích tình huống với cô rồi đấy. Nếu chúng tôi thả lỏng quy định với cô, chúng tôi sẽ phải làm như thế với tất cả mọi người.”
“Nhưng như thế thật vô lý,” tôi nói. “Lúc này là giờ ăn trưa của một ngày thứ Hai ẩm ướt. Cô còn bao nhiêu bàn trống. Chúng tôi muốn mua bữa ăn. Một bữa ăn đắt đỏ phù hợp, với khăn ăn cùng đủ thứ. Chúng tôi không muốn ăn heo quay, không muốn ngồi trong cái phòng để đồ không nhìn được trường đua, dù nó có ấm thế nào đi nữa.”
Thực khách bắt đầu ngoái cổ lại, tò mò ngó xem cuộc cãi vã bên cửa. Tôi thấy lúc này trông Will có vẻ bối rối. Anh và Nathan đã hiểu có chuyện gì đó không ổn.
“Thế thì tôi e là cô nên mua thẻ Thành viên.”
“Được rồi.” Tôi thò tay vào túi, lục loạn xạ để tìm ví. “Thẻ Thành viên giá bao nhiêu?” Khăn giấy, vé xe buýt cũ, một chiếc ô-tô đồ chơi hàng Hot Wheels của Thomas văng ra. Tôi không bận tâm nữa. Tôi sẽ mua cho Will bữa trưa quyền quý trong một nhà hàng. “Đây. Bao nhiêu nào? Mười bảng nữa. Hay hai mươi?” Tôi dứ dứ nắm tiền ra trước mặt cô.
Cô nhìn xuống tay tôi. “Tôi xin lỗi, thưa cô, ở đây chúng tôi không bán thẻ.
Đây là nhà hàng. Cô sẽ phải trở lại quầy bán vé.”
“Cái chỗ ở tận cùng đầu kia trường đua ấy hả.”
“Vâng.”
Chúng tôi nhìn nhau trân trân.
Giọng Will phá tan im lặng. “Louisa, đi thôi.”
Tôi thấy mắt mình đột nhiên cay xè. “Không,” tôi nói. “Chuyện này thật kỳ cục. Chúng ta đã đi chừng đó chặng đường. Anh cứ ở đây, tôi sẽ đi mua thẻ
Thành viên. Rồi chúng ta sẽ ăn trưa.”
“Louisa, tôi không đói.”
“Ăn xong chúng ta sẽ ổn cả thôi. Chúng ta có thể xem đua ngựa. Mọi chuyện sẽ ổn.”
Nathan bước tới đặt tay lên cánh tay tôi. “Louisa, tôi nghĩ Will thực tình chỉ muốn về nhà.”
Giờ chúng tôi đã trở thành tâm điểm của cả quán ăn. Những ánh mắt chằm chằm của thực khách lướt ngang chúng tôi, băng qua tôi tới chỗ Will, tới đó thì chúng tối sầm lại vì thoáng thương hại hoặc khó chịu. Tôi thấy thương cho anh.
Tôi thấy hoàn toàn thất bại. Tôi ngước nhìn cô gái, ít nhất cô ta cũng tỏ ra hơi xấu hổ khi Will lên tiếng.
“Được rồi, cảm ơn cô,” tôi nói. “Cảm ơn vì biết cảm thông đến khốn kiếp.”
“Clark…” Giọng Will mang theo lời cảnh cáo.
“Rất mừng là cô linh động tới vậy. Hiển nhiên tôi sẽ giới thiệu về cô với tất cả những ai tôi biết.”
“Louisa!”
Tôi chộp lấy cái túi rồi cặp vào nách.
“Cô quên chiếc xe nhỏ này,” cô ta gọi với, khi tôi băng qua cánh cửa mà Nathan đã mở sẵn cho tôi.
“Sao hả, nó cũng cần một cái thẻ chết tiệt hả?” tôi nói, rồi theo họ vào thang máy.
Chúng tôi im lặng đi xuống. Tôi dành phần lớn khoảng thời gian ngắn ngủi trong thang máy cố giữ đôi tay thôi run bần bật vì giận dữ.
Khi chúng tôi xuống tới chỗ đám đông dưới lầu trệt, Nathan lầm bầm, “Tôi nghĩ có lẽ chúng ta nên mua gì đó ở mấy cái sạp này, cô biết đấy. Từ lúc chúng ta ăn tới giờ cũng mấy tiếng rồi.” Ông liếc xuống Will, thế nên tôi hiểu thật ra ông đang nói tới ai.
“Đúng thế,” tôi cất giọng vui vẻ. Tôi hít vào nhè nhẹ. “Tôi thích ăn chút bì giòn tan.
Chúng ta đi ăn heo quay kiểu cũ thôi nào.”
Chúng tôi gọi ba bánh bao nhân thịt heo, da heo quay và nước xốt táo. Tôi ngồi xuống một cái thùng rác nhỏ để có thể đối mặt với Will và giúp anh ăn từng miếng nhỏ, dùng ngón tay đẩy thức ăn vào miệng anh nếu cần.
Hai cô phục vụ đúng sau quầy vờ như không nhìn chúng tôi. Tôi biết họ đang quan sát Will qua khóe mắt, thỉnh thoảng lại rì rầm với nhau khi họ nghĩ chúng tôi không để ý. Tội nghiệp anh chàng, tôi nghe họ nói rất rõ. Sống thế thìkhổ chết đi được. Tôi ném cho họ cái nhìn gay gắt, thách họ dám nhìn anh như thế. Tôi cố không nghĩ quá nặng nề về những gì Will hẳn đang cảm nhận.
Mưa đã ngừng rơi, nhưng trường đua lộng gió bỗng trở nên hoang vắng lạnh lẽo, rải rác khắp bề mặt cỏ xanh pha lẫn cỏ nâu là giấy cược rách tả tơi, chân trời chừng như trải ra vô tận. Bãi đỗ xe vắng hoe vì trời mưa, và phía xa chúng tôi có thể nghe thấy tiếng loa nghèn nghẹt thông báo một đợt đua nữa đang rầm rầm lao về đích.
“Tôi nghĩ có lẽ chúng ta nên về thôi,” Nathan nói, đưa tay lau miệng. “Ý tôi là trò này vui vẻ cả, nhưng tốt hơn là nên tránh kẹt xe, nhỉ?”
“Phải,” tôi nói. Tôi vò tờ giấy ăn rồi ném vào thùng rác. Will từ chối ăn miếng bánh cuối.
“Anh ấy không thích món đó à?” cô bán hàng hỏi, khi Nathan bắt đầu đẩy chiếc xe lăn dọc theo bãi cỏ.
“Tôi làm sao mà biết được. Có lẽ anh ấy sẽ thích nó hơn nếu không phải ăn với món ăn kèm là kẻ tọc mạch,” tôi nói, rồi thọc mạnh mẩu bánh thừa vào thùng rác.
Nhưng đến được ô-tô, lên lại trên cái đường trượt, thì quả là nói dễ hơn làm.
Trong mấy giờ đồng hồ chúng tôi ngồi trong trường đua, bao nhiêu xe đến xe đi đã làm bãi đỗ biến thành biển bùn.
Ngay cả với sức khỏe ấn tượng của Nathan và bờ vai mạnh nhất của tôi, chúng tôi không thể kéo chiếc xe được lấy nửa đường băng qua thảm cỏ tới ô- tô. Bánh xe lăn cứ xệch xoạc và kêu ken két, mãi không nhích nổi dăm phân.
Bàn chân tôi và Nathan trơn tuột trong bùn, vì bùn đã ngập vào bên trong giày.
“Không được đâu,” Will nói.
Tôi không thèm nghe anh nói. Tôi không chịu được ý nghĩ ngày hôm nay kết thúc như thế này.
“Tôi nghĩ chúng ta cần giúp đỡ,” Nathan nói. “Tôi thậm chí không thể kéo chiếc xe trở lại đường mòn. Dính cứng rồi.”
Will thở dài đánh sượt. Trông anh chưa bao giờ tức giận tới thế.
“Tôi có thể đưa cậu lên ghế trước ô-tô, Will, nếu tôi ngả nó ra một chút. Sau đó Louisa và tôi nghĩ xem làm sao để đưa được xe lăn lên phía sau.”
Giọng Will rít qua ke răng. “Tôi sẽ không kết thúc ngày hôm nay với trò bế xốc qua vai đâu.”
“Xin lỗi anh bạn,” Nathan nói. “Nhưng Lou và tôi sẽ không xoay xở việc này một mình đâu. Này Lou, cô xinh hơn tôi. Chạy đi tìm thêm người giúp đi, được chứ?”
Will nhắm mắt, siết quai hàm, còn tôi chạy về phía khán đài.
Tôi không tin có nhiều người mủi lòng trước tiếng cầu xin kéo giúp chiếc xe lăn mắc kẹt trong bùn, dù tiếng kêu đó cất lên từ một cô gái mặc váy ngắn đang nở nụ cười dễ mến nhất của nàng. Tôi không dễ tiếp xúc với người lạ, nhưng nỗi tuyệt vọng làm tôi quên hết sợ hãi. Tôi đi qua hết nhóm khán giả này tới nhóm khác trên khán đài lớn, hỏi xem họ có thể giúp tôi vài phút được không.
Họ nhìn tôi rồi nhìn quần áo trên người tôi như thể tôi đang có âm mưu đặt bẫy gì.
“Xin hãy giúp một thanh niên ngồi xe lăn,” tôi nói. “Anh ấy bị mắc kẹt.”
“Chúng tôi đang đợi đợt đua tiếp theo,” họ nói. Hoặc, “xin lỗi.” Hoặc, “Phải đợi sau hai giờ ba mươi nhé. Chúng tôi đặt cược ván này.”
Tôi thậm chí còn tính chặn đường một hay hai người trông ngựa. Nhưng khi tới gần, tôi thấy họ còn nhỏ hơn tôi.
Khi tới khu vực vòng tròn, cả người tôi đã nóng ran vì cơn giận kìm nén. Tôi nghĩ tôi đang cáu lên với mọi người chứ không phải mỉm cười. Và kia, may mắn làm sao cuối cùng cũng thấy những anh chàng mặc áo polo sọc. Lưng áo họ in dòng chữ “Marky’s Last Stand”, tay họ cầm lon bia Pilsner & Tennent cỡ đại. Giọng họ cho thấy họ từ vùng Đông Bắc tới, và tôi biết khá chắc là hai mươi bốn giờ qua họ hầu như không ngừng nốc bia bọt. Họ reo hò khi tôi tiến lại, và tôi lại muốn giơ ngón tay thối lần nữa.
“Cười lên nào, em yêu. Đây là tiệc tùng cuối tuần của Marky đấy,” một gã nói líu nhíu, vỗ bàn tay như búa tạ lên vai tôi.
“Thứ Hai rồi.” Tôi cố không nao núng khi đẩy bàn tay xuống.
“Em đùa ư. Thứ Hai rồi hả?” Anh ta lảo đảo lùi lại. “Ôi, em nên hôn nó mới phải chứ.”
“Thật ra,” tôi cất tiếng. “Tôi tới đây để nhờ các anh giúp đỡ.”
“Tuiđây sẽ giúp em bất kể việc gì, bé con.” Kèm theo câu nói này là một cái nháy mắt khêu gợi.
Đám bạn lờn vờn bên cạnh anh ta như những thân cây mọc ven hồ.
“Không, không phải vậy đâu. Tôi cần các anh giúp bạn tôi. Ở trong bãi đỗ xe ấy.”
“Tuixin lỗi, tuikhông nghĩ tuiở trong tình trạng có thể giúp đỡ được bạn em, bé con à.”
“Này này. Đợt đua tiếp theo bắt đầu rồi, Marky. Cậu đặt cược đợt này không? Tớ nghĩ tớ đặt đợt này đấy.”
Họ quay lại đường đua, rõ là đã mất hứng thú với tôi. Tôi liếc nhìn qua vai về phía bãi đỗ xe, thấy dáng người rù rù của Will, thấy Nathan đang tuyệt vọng nắm vào tay xe lăn kéo mạnh. Tôi tưởng tượng ra cảnh tôi trở về nhà và nói với bố mẹ Will rằng chúng tôi đã bỏ chiếc xe siêu đắt của Will lại bãi đỗ xe. Ngay lúc ấy, tôi nghĩ ra kế.
“Anh ấy là lính,” tôi nói thật to. “Cựu chiến binh.”
Từng người từng người một quay lại.
“Anh ấy bị thương. Ở Iraq. Chúng tôi chỉ muốn đưa anh ấy đi chơi một ngày vui vẻ.
Nhưng chẳng ai giúp chúng tôi cả.” Khi tôi thốt ra những lời này, mắt tôi ầng ậc nước.
“Cựu binh ư? Cô đùa à. Anh ấy đâu?”
“Trong bãi đỗ xe. Tôi đã nhờ không biết bao nhiêu người, nhưng họ không muốn giúp.”
Dường như phải mất một hai phút để họ tiêu hóa điều tôi vừa nói. Nhưng rồi họ kinh ngạc đưa mắt nhìn nhau.
“Đi nào các bạn. Chúng ta không thể làm thế.” Họ chếnh choáng đi theo sau tôi trên lối mòn. Tôi nghe thấy tiếng họ càm ràm, phàn nàn với nhau. “Dân thường tệ hại… chẳng hiểu nổi ra làm sao nữa…”
Khi chúng tôi tới bãi đỗ xe, Nathan đang đứng bên cạnh Will, anh rụt đầu vào sâu trong cổ áo khoác vì lạnh, dù Nathan đã phủ một tấm chăn nữa lên vai anh.
“Đây là những quý ông vô cùng tốt bụng đã đề nghị được giúp chúng ta,” tôi nói.
Nathan nhìn chăm chăm những lon bia cỡ đại. Tôi phải thừa nhận là phải nhìn thật kỹ mới thấy họ có vẻ nhà binh.
“Cô muốn đưa anh ấy tới đâu?” một người hỏi.
Những người khác đứng quanh Will, gật đầu chào. Một người đưa lon bia cho anh, rõ ràng không hiểu là Will không thể cầm nó.
Nathan chỉ về phía ô-tô của chúng tôi. “Phía sau xe, sau cùng. Nhưng để làm được điều đó, chúng ta cần đưa cậu ấy lên khán đài, rồi quay ô-tô lùi lại chỗ cậu ấy.”
“Ông không cần phải làm thế,” một người nói, vỗ vai Nathan. “Chúng tôi có thể nhấc anh ấy lên ô-tô, phải không các chiến hữu?”
Cả đám cùng đồng tình. Họ bắt đầu chọn vị trí cho mình quanh xe lăn của Will.
Tôi rục rịch ngại ngần. “Khó nghĩ quá… đoạn đường các anh phải nâng anh ấy xa quá,” tôi đánh bạo lên tiếng. “Mà cái xe nặng lắm đấy.”
Họ đã say mềm cả rồi. Một số người còn không cầm vững lon bia. Một người dúi lon Tennent vào tay tôi.
“Đừng lo, bé cưng. Sẽ làm mọi thứ cho đồng đội, phải không các chiến hữu?”
“Chúng tôi sẽ không để cậu lại đây đâu, anh bạn. Chúng tôi chưa bao giờ bỏ rơi đồng đội, phải không nào?”
Tôi nhìn mặt Nathan rồi lắc đầu quầy quậy khi thấy vẻ mặt giễu cợt của ông.
Will chừng như chẳng muốn nói gì. Nét mặt anh đăm đăm, rồi chuyển sang hơi lo lắng, khi đám thanh niên xúm quanh xe anh, chẳng hô một tiếng, nhấc bổng nó lên giữa bọn họ.
“Trung đoàn nào vậy, bé cưng?”
Tôi cố mỉm cười, lật giở ký ức để tìm một cái tên. “Súng trường…” tôi nói.
“Súng trường số mười một.”
“Tôi không biết trung đoàn súng trường số mười một đấy,” một người khác nói.
“Trung đoàn mới mà,” tôi lắp bắp. “Tuyệt mật. Đóng quân ở Iraq.”
Giày của họ trượt trên bùn, tôi thấy tim mình chao đảo. Xe lăn của Will được nhấc lên khỏi mặt đất chừng mươi phân, như một chiếc kiệu. Nathan chạy đi lấy cái túi của Will, mở cửa chiếc ô-tô trước mặt chúng tôi.
“Những anh chàng đó luyện tập ở Catterick à?”
“Chính thế,” tôi nói, rồi đổi chủ đề. “Thế… ai trong số các anh kết hôn rồi?”
Chúng tôi trao đổi số điện thoại khi cuối cùng cũng được chia tay Marky và đồng đội của anh ta. Họ quyên tiền, đưa cho chúng tôi gần bốn mươi bảng gây quỹ phục hồi cho Will, và chỉ thôi khăng khăng bắt chúng tôi nhận khi tôi nói rằng chúng tôi sẽ vui nhất khi thay vì cho tiền, họ uống một chầu để cầu phước cho chúng tôi. Tôi phải hôn từng người bọn họ, không sót một ai. Khi hôn xong, tôi thấy choang choáng với hơi bia. Tôi vẫy tay mãi cho tới khi họ biến mất trở vào khán đài, và Nathan bấm còi giục tôi lên xe.
“Họ có ích đấy chứ nhỉ?” tôi vừa nói vui vẻ vừa khởi động máy xe.
“Gã cao cao đổ cả lon bia xuống chân phải tôi,” Will nói. “Giờ tôi bốc mùi như nhà máy bia.”
“Ôi không tin nổi,” Nathan nói, khi cuối cùng tôi cũng đánh xe được tới lối vào chính. “Nhìn kìa. Có cả một bãi đỗ xe dành cho người khuyết tật ngay kia, cạnh khán đài. Tất cả đều rải nhựa.”
Phần còn lại của ngày hôm đó, Will hầu như chẳng nói gì. Anh tạm biệt Nathan khi chúng tôi thả ông xuống ngang nhà, rồi anh trở nên lặng lẽ khi tôi chật vật chạy xe trên con đường lên lâu đài, con đường giờ đây trở nên vắng vẻ vì trời lại đổ mưa, và cuối cùng tôi đỗ lại bên ngoài khu nhà phụ. Tôi hạ thấp xe lăn của Will, đẩy anh vào trong nhà, pha cho anh một ly nước ấm. Tôi thay giày và quần cho anh, bỏ chiếc quần dính bia vào máy giặt, rồi đỏ lò sưởi để anh sưởi ấm. Tôi bật ti-vi lên, buông rèm cửa để căn phòng quanh chúng tôi trở nên ấm cúng – có lẽ là ấm hơn khoảng thời gian vật vờ bên ngoài trời lạnh. Nhưng chỉ khi ngồi xuống cùng anh trong phòng khách, nhấm nháp tách trà, tôi mới nhận ra nãy giờ anh không nói gì – vì còn quá mệt mỏi, hoặc vì anh muốn xem ti-vi.
Chỉ có điều anh không nói chuyện với tôi.
“Có… có chuyện gì à?” tôi nói, khi anh không buồn đáp câu bình luận thứ ba của tôi về bản tin địa phương.
“Cô phải nói cho tôi biết mới đúng chứ, Clark.”
“Là sao?”
“Ồ, cô biết mọi thứ khác cần biết về tôi cơ mà. Cô nói cho tôi nghe đi.”
Tôi nhìn anh trân trân. “Tôi xin lỗi,” cuối cùng tôi cất tiếng. “Tôi biết hôm nay không được như tôi dự tính. Quả tình tôi chỉ định tổ chức một buổi đi chơi vui vẻ. Thực lòng tôi đã nghĩ anh sẽ thích chuyến đi này.”
Tôi không nói thêm rằng anh đang cộc cằn một cách ngang ngạnh, rằng anh chẳng hề hay tôi đã phải đấu tranh chỉ để được giúp anh thử yêu bản thân, rằng anh thậm chí không cố gắng để có một khoảng thời gian vui vẻ. Tôi không nói với anh rằng nếu anh để tôi mua mấy tấm thẻ ngu xuẩn đó, có thể chúng tôi đã có bữa trưa dễ chịu và mọi phiền toái khác sẽ bị lãng quên.
“Vấn đề nằm ở đó.”
“Sao cơ?”
“Ôi, cô chẳng khác gì những người còn lại cả.”
“Ý anh là gì?”
“Nếu cô thèm cất tiếng hỏi tôi, Clark. Nếu cô thèm hỏi ý kiến tôi dù chỉ một lần thôi về cái gọi là chuyến đi chơi vui thú này của chúng ta, tôi hẳn đã nói với cô rồi. Tôi ghét ngựa, ghét cả đua ngựa. Luôn luôn như thế. Nhưng cô đâu có thèm hỏi tôi. Cô quyết định cái cô nghĩ cô muốn tôi làm, và cứ thế phăm phăm thực hiện. Cô hành động chẳng khác gì ai. Cô quyết định thay tôi.”
Tôi nuốt khan.
“Tôi không có ý đó…”
“Nhưng cô đã làm thế.”
Anh quay xe ngoảnh lưng về phía tôi, sau vài phút im lặng nữa, tôi nhận ra mình đã bị đuổi đi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.