Trước Ngày Em Đến
Chương 14
Tháng Năm quả là một tháng lạ lùng. Báo chí và ti-vi đầy ắp những chuyên mục nói về cái mà họ gọi là “quyền được chết”. Một bà phải chịu đau đớn vì bệnh thoái hóa đã đề nghị luật pháp bảo vệ chồng bà, để ông được cùng bà đi tới Dignitas khi cơn đau trở nên quá sức chịu đựng. Một cầu thủ bóng đá trẻ đã được phép tự tử sau khi thuyết phục được bố mẹ đưa tới đó. Cảnh sát cũng có liên quan. Một cuộc tranh luận nổ ra ở Thượng viện Anh.
Tôi xem bản tin và nghe những cuộc tranh luận pháp lý từ những người bảo vệ sự sống và những nhà đạo đức học đáng kính, mà chẳng biết tôi có theo quan điểm của ai trong số đó hay không. Thật lạ lùng là tất cả dường như đều chẳng liên quan gì tới Will.
Trong khi đó, chúng tôi ngày càng gia tăng số lần đưa Will đi chơi, và quãng đường mà anh sẵn sàng đi. Chúng tôi đã tới nhà hát, xuống đường xem nhảy mô-rít (Will cố không phì cười khi thấy chuông và khăn tay của họ, nhưng mặt anh ửng đỏ vì nỗ lực đó), lái xe tới xem hòa nhạc ngoài trời tổ chức cạnh tòa lâu đài vào một buổi chiều (ý tưởng của anh thì đúng hơn là của tôi), một lần tới rạp chiếu phim để rồi cuối cùng xem bộ phim về một cô gái bị bệnh ác tính vì tôi chọn phim không đúng.
Nhưng tôi biết anh cũng thấy những tít báo đó. Anh bắt đầu sử dụng máy tính nhiều hơn kể từ khi chúng tôi có phần mềm mới, và anh đã học được cách di chuyển con chuột bằng cách trượt ngón cái qua bàn rê. Bài tập thể dục nặng nhọc này giúp anh đọc được báo mạng hằng ngày. Một sáng tôi mang trà vào thì thấy anh đang đọc về cầu thủ bóng đá trẻ đó – mô tả chi tiết về những bước cậu ta đã trải qua để đưa mình tới cái chết. Anh tắt màn hình khi nhận ra tôi đang đứng sau lưng. Hành động nhỏ ấy để lại trong lòng tôi một tảng đá nặng nề, phải nửa giờ sau mới tan đi được.
Tôi xem bài báo đó trong thư viện. Dạo này tôi hay đọc báo. Tôi đã nhận ra mọi người tham gia sôi nổi nhất vào cuộc tranh luận nào trong số các cuộc tranh luận xung quanh chuyện đó – thông tin ấy không phải lúc nào được trình bày đơn giản nhất với những sự kiện rõ ràng, trần trụi.
Bố mẹ người cầu thủ đã bị báo lá cải chỉ trích thậm tệ. Sao họ lại để anh ấy chết? các bài báo giật tít. Tôi không thể không cảm thấy tương tự. Leo McInerney mới hai tư tuổi. Cậu sống chung với thương tật trong gần ba năm, không lâu hơn Will là bao. Rõ ràng là cậu còn quá trẻ để có thể khẳng định rằng đời chẳng còn gì đáng sống phải không? Rồi tôi đọc bài báo Will đã đọc – không phải bài báo nêu quan điểm, mà là bài báo nghiên cứu tỉ mỉ về những gì thực sự đã chiếm lĩnh cuộc đời cậu kể từ sau vụ tai nạn. Người viết dường như đã gặp gỡ trực tiếp cha mẹ cậu.
Bố mẹ Leo cho biết cậu đã chơi bóng đá từ năm lên ba. Cả cuộc sống của cậu là bóng đá. Cậu bị thương trong vụ tai nạn mà người ta gọi là “triệu người có một” khi trượt ngã trong một pha truy cản đối phương. Họ đã làm mọi cách để vực cậu dậy, cho cậu cảm giác rằng cuộc đời vẫn còn giá trị. Nhưng cậu cứ chìm sâu vào tuyệt vọng. Cậu là một vận động viên không chỉ không còn được chơi thể thao, mà còn không thể di chuyển, và đôi khi thậm chí không thở được nếu không có máy trợ thở. Cậu chẳng tìm được niềm vui từ điều gì. Cuộc đời toàn là đau đớn, lở loét vì nhiễm trùng, thường xuyên phải dựa dẫm người khác từ những việc nhỏ nhặt nhất. Cậu nói với bạn gái là cậu sẽ không gặp lại cô nữa.
Ngày nào cậu cũng nói với bố mẹ rằng cậu không muốn sống. Cậu bảo họ rằng nhìn người khác sống dù chỉ được phân nửa cuộc đời mà bản thân cậu đã dự định sống thôi cũng là quá sức chịu đựng của cậu, một hình thức tra tấn.
Cậu đã hai lần cố tự tử bằng cách nhịn đói nhưng rồi được đưa vào bệnh viện. Khi trở về nhà, cậu cầu xin bố mẹ cho cậu ra đi trong giấc ngủ. Khi đọc tới chuyện này, tôi ngồi trong thư viện, dúi hai nắm tay vào mắt cho tới khi tôi thở được mà không nấc lên.
Bố mất việc. Bố khá bình tĩnh trước chuyện này. Chiều hôm ấy ông về nhà, thay sơ- mi, thắt cà-vạt, rồi trở vào thị trấn trên chuyến xe buýt tiếp theo để đăng tên ở Trung tâm Giới thiệu việc làm.
Bố bảo mẹ, bố đã quyết định sẽ xin bất cứ việc gì, dù ông là một thợ thủ công giỏi với nhiều năm kinh nghiệm. “Anh nghĩ lúc này chúng ta không có tiền để mà kén cá chọn canh,” bố nói, bỏ qua lời phản đối của mẹ.
Nhưng nếu tôi thấy khó tìm việc, thì một người đàn ông 55 tuổi cả đời chỉ làm duy nhất một công việc lại càng thấy khó hơn bội phần. Bố thậm chí không kiếm được việc giữ kho hoặc bảo vệ, bố nói thế với giọng chán chường khi trở về nhà sau một vòng phỏng vấn nữa. Họ thường chọn những thằng nhóc mười bảy tuổi vắt mũi chưa sạch không đáng tin cậy vì chính phủ sẽ trả lương thay họ, chứ không đời nào nhận một người đàn ông trưởng thành có hồ sơ lao động tốt. Sau hai tuần bị từ chối, bố mẹ thừa nhận họ sẽ phải làm đơn xin trợ cấp, chỉ để sống được qua giao đoạn này, thế nên tối nào họ cũng đánh vật với những mẫu đơn khó hiểu dài năm mươi trang đặt những câu hỏi kiểu như trong nhà bạn có bao nhiêu người dùng máy giặt, lần cuối bạn đi nước ngoài là khi nào (bố nghĩ có lẽ là năm 1988). Tôi đặt tiền mừng sinh nhật của Will vào chiếc hộp thiếc đựng tiền mặt trong tủ ly ở bếp. Tôi nghĩ nó có thể giúp bố mẹ cảm thấy dễ thở hơn khi biết họ có một chút bảo đảm.
Sáng hôm sau khi thức dậy, tôi thấy nó được cho vào phong bì nhét trở lại dưới khe cửa phòng tôi.
Khách du lịch tới, thị trấn bắt đầu trở nên đông đúc. Giờ đây ông Traynor mỗi lúc một ít ghé qua; thời gian làm việc của ông kéo dài thêm khi số lượng người tới lâu đài tăng lên. Tôi thấy ông trong thị trấn một chiều thứ Năm, khi tôi đi từ hiệu giặt khô về nhà. Bản thân chuyện đó chẳng có gì bất bình thường, chỉ có điều ông đang ôm một cô gái tóc đỏ rõ ràng không phải là bà Traynor. Khi thấy tôi, ông thả cô ta ra như phải bỏng.
Tôi quay mặt đi, vờ như đang nhìn vào ô kính của một cửa hàng, không chắc tôi có muốn ông biết rằng tôi đã trông thấy họ không, và cố hết sức không nghĩ về chuyện này nữa.
Thứ Sáu sau hôm bố tôi mất việc, Will nhận được một thiệp mời – thiệp mời đám cưới của Alicia và Rupert. À, nói cho chuẩn thì thiệp mời ấy là ông Colonel và bà Timothy Dewar, bố mẹ của Alicia, mời Will tới chúc mừng hôn lễ của con gái họ với Rupert Fleshwell. Thiệp mời nằm trong chiếc phong bì da nặng trịch kèm theo lịch trình buổi lễ, một bản danh sách gấp rất dày liệt kê những thứ mà mọi người có thể mua cho cô dâu chú rể từ những cửa hàng tôi chưa từng nghe tên.
“Cô ta hơi thần kinh nhỉ,” tôi nhận xét, nghiên cứu tấm thiệp dày viền vàng với những dòng chữ mạ vàng. “Muốn tôi vứt nó đi không?”
“Tùy cô.” Cả cơ thể Will chìm đắm trong suy nghĩ mông lung vô định.
Tôi nhìn chằm chằm vào tờ danh sách. “Mà cái chỗ Ả-rập là cái của nợ gì vậy?”
Có thể vì cách Will vội vã quay đi rồi vờ bận lộn bên bàn phím máy tính. Có thể vì giọng nói của anh. Tóm lại là vì một lý do nào đó, tôi không ném cái phong bì đi. Tôi đặt nó cẩn thận vào tập hồ sơ của anh trong bếp.
Will cho tôi mượn một cuốn truyện ngắn nữa, một cuốn anh vừa đặt mua trên Amazon, và cuốn The Red Queen. Tôi biết nó không hề thuộc gu sách vở của tôi. “Nó chả có chuyện gì cả,” tôi nói, sau khi nhiên cứu bìa sau.
“Thế thì sao?” Will trả lời. “Thử thách bản thân một chút đi.”
Tôi thử đọc – không phải vì tôi thích thú gì di truyền học – mà vì tôi không chịu được ý nghĩ rằng anh sẽ không ngừng lên lớp tôi nếu tôi không đọc. Dạo này anh như thế đấy. Thật tình anh hơi bị đầu gấu. Cứ đưa cuốn nào cho tôi là anh liên tục vặn vẹo một cách cực kỳ khó chịu xem tôi đã đọc tới đâu, chỉ để đảm bảo tôi đã đọc thật.
Chừng đó tôi sẽ gầm gừ, “Anh đâu phải giáo viên của tôi.”
“Ơn trời,” anh sẽ trả lời với giọng tự ái.
Cả cuốn sách này – không ngờ nó thật sự rất đáng đọc – dành viết về một kiểu cạnh tranh sinh tồn: Nó khẳng định rằng phụ nữ chọn đàn ông hoàn toàn không phải vì họ yêu người đó. Nó nói rằng nữ giới luôn tìm kiếm người đàn ông mạnh nhất, để cho con cái họ cơ hội tốt nhất. Nữ giới chẳng làm gì khác được. Đó là con đường của tự nhiên.
Tôi không đồng ý với điều này. Và tôi không thích luận điểm đó. Có một ẩn ý thật khó chịu khuất dưới những gì anh đang cố thuyết phục tôi tin. Trong con mắt tác giả này, Will ốm yếu về thể chất, đáng bỏ đi. Điều đó khiến cuộc đời anh trở nên vô giá trị.
Tôi lên tiếng khi anh cứ nhai đi nhai lại chuyện này suốt cả buổi chiều. “Có một điều mà anh bạn Matt Ridley này không phát hiện ra,” tôi nói.
Will ngước nhìn lên khỏi màn hình. “Là gì vậy?”
“Nếu gã đàn ông có ưu thế ấy lại là một kẻ đầu đất thì sao?”
Vào thứ Bảy tuần thứ ba của tháng Năm, Treena và Thomas về nhà. Mẹ tôi ùa ra cửa, chạy lên con ngõ băng qua vườn khi hai mẹ con nó mới tới được nửa đường. Mẹ tôi la lên, ôm Thomas vào lòng, nó đã cao thêm dăm phân kể từ ngày đi. Nó thay đổi nhiều, lớn lên trông thấy, trông ra dáng một anh chàng lắm rồi. Treena đã cắt tóc ngắn, trông sành điệu lạ lùng. Nó mặc chiếc áo khoác tôi chưa từng trông thấy và đi đôi xăng-đan nhiều quai. Tôi thấy mình tự hỏi một cách nhỏ mọn rằng nó lấy tiền ở đâu ra.
“Mọi chuyện thế nào?” tôi hỏi, trong khi mẹ dắt Thomas ra vườn chỉ cho nó xem lũ ếch trong cái ao nhỏ. Bố đang xem bóng đá với ông ngoại, kêu ca tức giận vì một cơ hội nữa bị bỏ lỡ.
“Tuyệt. Rất tốt. Thật ra không có ai giúp trông Thomas thì cũng cực lắm, mất một thời gian nó mới ngoan ở nhà trẻ.” Nó cúi sát tôi. “Nhưng chị không được nói gì với mẹ đâu đấy. Em đã bảo với mẹ là thằng bé ổn cả.”
“Nhưng em thích khóa học chứ.”
Mặt Treena cười tươi như hoa. “Thích vô cùng. Lou à, em không sao diễn tả nổi niềm sung sướng khi lại được sử dụng bộ não của mình. Em cảm thấy như phần cơ thể quan trọng này trong em đã bị lãng quên suốt bao nhiêu năm… và dường như em vừa tìm lại được nó. Nói thế nghe có ngố không?”
Tôi lắc đầu. Tôi thực sự mừng cho nó. Tôi muốn kể cho nó nghe về thư viện, về máy tính, về những gì tôi đã làm với Will. Nhưng tôi nghĩ có lẽ nên để dành khoảnh khắc này cho nó. Chúng tôi ngồi trên ghế gập, dưới tấm bạt tơi tả, nhấm nháp tách trà. Tôi để ý thấy bàn tay nó đỏ da thắm thịt.
“Chị nhớ em,” tôi nói.
“Từ giờ hầu như cuối tuần nào bọn em cùng sẽ về nhà. Em đã cần… Lou à, vấn đề không chỉ có chuyện ổn định cuộc sống của Thomas đâu. Em đã cần một chút thời gian rời xa tất cả mọi thứ. Em chỉ muốn có lúc được làm một người khác.”
Trông nó giờ hơi giống một con người khác. Điều này thật lạ lùng. Chỉ mấy tuần đi xa nhà là có thể xóa bỏ sạch mọi vẻ quen thuộc từ ai đó. Tôi cảm thấy nó đang trên con đường trở thành một người tôi không hề hiểu. Thật lạ lùng, tôi có cảm giác như mình bị tụt lại phía sau.
“Mẹ kể anh bạn tàn tật của chị đã tới ăn tối.”
“Anh ấy không phải anh bạn tàn tật của chị. Anh ấy là Will.”
“Xin lỗi. Will. Thế việc thực hiện bản danh sách cũ đó vẫn ổn cả chứ?”
“Tàm tạm. Chuyến thì thành công, chuyến thì hơi trục trặc.” Tôi kể cho nó về vụ đi xem đua ngựa thất bại, và lần đi nghe nhạc thành công ngoài mong đợi.
Tôi kể với nó về những buổi đi chơi của chúng tôi, nó phì cười khi tôi kể về bữa tối sinh nhật tôi.
“Chị có nghĩ…?” Tôi biết nó đang tìm cách tốt nhất để đặt câu hỏi ấy. “Chị có nghĩ chị sẽ chiến thắng?”
Cứ như thể đó là một cuộc chiến vậy.
Tôi bẻ một cành kim ngân và bắt đầu vặt lá trên cành. “Chị không biết. Chị nghĩ mình sẽ cần cố gắng hơn nữa.” Tôi nói với nó rằng bà Traynor đã đề cập với tôi về chuyện đi nước ngoài.
“Nhưng em không tin nổi chị đã đi nghe violin. Chị chứ chẳng phải ai khác!”
“Chị rất thích buổi hòa nhạc ấy.”
Nó nhướng mày.
“Không đâu. Thật lòng chị rất thích. Nó… đầy cảm xúc.”
Nó nhìn tôi thận trọng. “Mẹ nói anh ấy rất tử tế.”
“Anh ấy tử tế lắm.”
“Đẹp trai nữa.”
“Tổn thương tủy sống đâu có nghĩa là biến người ta thành Quasimodo.”
Làm ơn đừng nói đó là một sự uổng phí trời đày, trong lòng tôi thầm bảo nó.
Nhưng có lẽ em gái tôi thông minh hơn thế. “Ừ. Mẹ ngạc nhiên lắm. Em nghĩ mẹ đã tưởng sắp gặp Quasimodo.”
“Vấn đề là thế đấy, Treen,” tôi nói, hất phần còn lại của tách trà xuống thảm hoa. “Mọi người toàn nghĩ thế.”
Suốt bữa ăn khuya hôm đó, mẹ rất vui vẻ. Mẹ đã nấu lasagna, món yêu thích của Treena, và Thomas được phép ngủ muộn, xem như làm quà. Chúng tôi ăn uống cười đùa trò chuyện miên man về những chủ đề an toàn, như đội bóng đá, công việc của
tôi, và hỏi han xem bạn bè Treena ở trường ra sao. Mẹ phải hỏi Treena đến một trăm lần rằng nó có chắc nó tự mình xoay xở ổn thỏa cả không, nó có cần bất cứ thứ gì cho Thomas không – như thể bố mẹ có cái gì dư thừa để cho nó vậy. Tôi mừng là đã báo trước cho Treena biết bố mẹ thiếu thốn ra sao.
Nó nói mẹ con nó không cần gì cả, với vẻ biết ơn và sự tự tin. Mãi sau này tôi mới nghĩ mình phải hỏi xem nó nói có thật không.
Nửa đêm hôm đó, tôi thức giấc khi nghe tiếng khóc. Đó là Thomas, ở trong gác lửng. Tôi nghe Treena cố dỗ dành nó, nghe tiếng tắt và bật đèn, tiếng sắp xếp lại giường chọng. Tôi nằm trong bóng tối, nhìn ánh đèn vàng võ lọt qua song cửa chiếu lên trần nhà mới sơn, chờ đợi thằng bé nín khóc. Nhưng tới hai giờ sáng tiếng rên hờ đó lại cất lên. Lần này tôi nghe tiếng bước khẽ trên hành lang, rồi tiếng rì rầm nói chuyện. Cuối cùng, Thomas lại yên lặng.
Tới bốn giờ, tôi choàng tỉnh khi nghe cửa phòng bật mở. Tôi chớp chớp mắt, quay mặt về phía ánh sáng. Thomas đứng đó, bóng ngả trên lối cửa, bộ pyjama rộng thùng thình của nó tụt xuống, chiếc chăn thoải mái sà cả xuống sàn. Tôi không thấy mặt nó, nhưng nó cứ đứng đó ngập ngừng, như thể không biết phải làm gì tiếp.
“Lại đây, Thomas,” tôi thì thầm. Khi nó rón rén đi lại gần tôi, tôi thấy nó vẫn còn gà gật. Bước chân nó xiêu vẹo, ngón tay cái đút trong miệng, chiếc chăn yêu quý của nó quấn chặt một bên người. Tôi mở chiếc chăn ra, nó trèo lên giường bên cạnh tôi, cái đầu dày tóc của nó vùi xuống chiếc gối còn lại, rồi nó cuộn tròn như cái bào thai. Tôi phủ chăn lên mình nó rồi nằm đó, ngắm nhìn thằng bé, ngạc nhiên thấy nó lập tức chìm vào giấc ngủ ngon lành.
“Ngủ ngon, ngủ ngon, bé yêu,” tôi thì thầm, hôn lên trán nó. Một bàn tay mũm mĩm bé nhỏ vươn ra nắm lấy vạt áo tôi, như thể để tự mình đảm bảo rằng tôi sẽ chẳng thể đi đâu hết.
“Nơi đẹp nhất anh từng tới là đâu?”
Chúng tôi đang ngồi trong lán, chờ cơn mưa bất chợt tạnh để có thể dạo quanh khu vườn phía sau lâu đài. Will không thích đi vào khu vực chính – quá nhiều người trố mắt nhìn anh. Nhưng những vườn cây này quả là một trong những kho báu bí mật của lâu đài, rất ít người lai vãng. Những vườn cây ăn trái hẻo lánh này được chia tách bởi những lối đi rải sỏi dễ thương khiến xe của Will có thể xử lý khá dễ dàng.
“Tiêu chí là gì? Cái gì đây?”
Tôi đổ ít súp từ bình ra thìa rồi đưa lên môi anh. “Cà chua.”
“Ừ. Trời ơi, nóng thế. Để tôi nghĩ một phút nhé.” Anh nhìn ra xa xăm. “Tôi đã trèo núi Kilimanjaro năm tròn ba mươi. Khá phi thường đấy.”
“Cao bao nhiêu?”
“Lên đỉnh Uhuru thì gần năm ngàn chín trăm mét. Khoảng ba trăm mét cuối cùng tôi hầu như phải bò. Độ cao so với mực nước biển gây chóng mặt kinh khủng.”
“Trên đó lạnh không?”
“Không…” anh mỉm cười. “Nó không giống Everest. Nhưng mà tôi cũng không đi vào đông.” Ánh mắt anh nhìn vào vô định, thoáng chìm trong hoài niệm. “Nó đẹp lắm. Người ta gọi nó là mái nhà của châu Phi. Khi lên tới đó, có cảm giác như mình nhìn thấy được tận cùng thế giới vậy.”
Will im lặng một hồi. Tôi quan sát anh, tự hỏi lúc này thực sự anh đang ở đâu. Khi chúng tôi nói những chuyện như thế, anh như một cậu học trò trong lớp tôi, cậu bé đã để hồn mình phiêu du thật xa khỏi lớp học.
“Thế còn nơi nào nữa mà anh thích?”
“Vịnh Trou d’Eau Douce, Mauritius. Con người đáng mến, bãi biển đẹp mê hồn, đi lặn rất tuyệt. À… Công viên quốc gia Tsavo, Kenya, đất đỏ và động vật hoang dã. Công viên quốc gia Yosemite. Ở California. Vách đá cao tới nỗi con người khó mà thấu hiểu được quy mô của chúng.”
Anh kể với tôi một đêm anh trèo vách đá, trú lại trên một gờ đá cao khoảng nghìn mét, anh đã phải nhét mình vào túi ngủ, gắn nó vào vách đá, vì nếu đang ngủ mà lăn xuống thì chẳng còn gì để nói.
“Thật tình anh vừa mô tả cơn ác mộng tồi tệ nhất của tôi ở ngay đây đấy.”
“Tôi cũng thích những đô thị Sydney, yêu lắm. Bắc Úc. Iceland. Có một nơi cách không xa sân bay là mấy, ở đó ta có thể tắm trong những dòng suối nước nóng. Nó giống như một cảnh tượng hạt nhân kỳ lạ. Ồ, cả cưỡi ngựa trên miền trung Trung Quốc nữa. Tôi đã tới nơi này sau hai ngày phi ngựa từ thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, ở đó người dân địa phương nhổ nước bọt vào tôi vì họ chưa từng nhìn thấy người da trắng bao giờ.”
“Có nơi nào anh chưa tới không?”
Anh húp một ngụm súp nữa. “Bắc Triều Tiên chăng?” Anh ngẫm nghĩ. “A, tôi chưa từng tới Disneyland. Nói thế được không? Cả Disneyland ở châu Âu cũng chưa.”
“Có một lần tôi đặt vé đi Úc. Nhưng chưa bao giờ đi.”
Anh ngạc nhiên quay sang nhìn tôi.
“Có chuyện. Ổn rồi. Có thể ngày nào đó tôi sẽ đi.”
“Không được nói ‘có thể’. Clark, cô phải đi khỏi nơi này. Hứa với tôi cô sẽ không dành cả phần đời còn lại luẩn quẩn quanh cái chốn khỉ ho cò gáy này.”
“Hứa với tôi ư? Thế là sao?” Tôi cố nói giọng vui vẻ. “Anh định đi đâu à?”
“Tôi chỉ… không chịu nổi ý nghĩ cô sẽ sống mãi ở đây suốt đời.” Anh nuốt khan. “Cô quá thông minh. Quá thú vị.” Anh nhìn sang chỗ khác. “Cô chỉ có một cuộc đời. Cô thực sự có nhiệm vụ làm cho nó phong phú hết mức.”
“Được rồi,” tôi nói thận trọng. “Thế hãy cho tôi biết tôi nên đi đâu. Anh sẽ đi đâu, nếu anh có thể đi?”
“Ngay lúc này hả?”
“Ngay lúc này. Và anh không được phép nói Kilimanjaro. Phải là một nơi nào đó tôi có thể tưởng tượng bản thân tôi tới được.”
Khi mặt Will giãn ra, trông anh như một người hoàn toàn khác. Giờ đây một nụ cười lướt qua mặt anh, mắt anh nheo nheo vui thú. “Paris. Tôi sẽ ngồi bên ngoài một quán cà-phê ở Le Marais, uống cà-phê, ăn một đĩa bánh sừng bò nóng với bơ không muối và mứt dâu.”
“Le Marais hả?”
“Đó là một quận nhỏ ở trung tâm Paris. Ở đó có rất nhiều con phố rải sỏi, những khu nhà xập xệ, những cô chàng, người Do Thái chính thống, những phụ nữ trung niên có vẻ như một thời hấp dẫn như Brigitte Bardot. Đó là một nơi đáng để dừng chân.”
Tôi quay lại nhìn thẳng vào mặt anh, hạ thấp giọng. “Chúng ta đi chứ,” tôi nói. “Chúng ta có thể đi bằng tàu cao tốc Eurostar. Mọi chuyện dễ thôi. Tôi nghĩ chúng ta thậm chí chẳng cần nhờ Nathan đi cùng. Tôi chưa bao giờ được tới Paris. Tôi thích tới đó lắm. Vô cùng thích. Đặc biệt khi được đi cùng một người thạo đường quen phố. Anh nghĩ sao, Will?”
Tôi như thấy mình ở quán cà-phê ấy. Tôi ngồi đó, tại chiếc bàn ấy, có thể đang thầm ngưỡng mộ một đôi giày Pháp mới mua được từ một cửa hàng nhỏ, hoặc đang nhón một chiếc bánh nướng bằng bộ móng tay đỏ chót ra dáng người
Paris. Tôi như nếm được vị cà-phê, ngửi được mùi thuốc lá Gauloises từ bàn bên cạnh.
“Không.”
“Sao cơ?” Mất một chốc tôi mới lôi được mình ra khỏi cái bàn ven đường ấy.
“Không đâu.”
“Nhưng anh vừa nói với tôi…”
“Cô không hiểu rồi, Clark. Tôi không muốn tới đó với… với thứ này.” Anh chỉ vào chiếc xe, giọng anh chùng xuống. “Tôi muốn tới Paris như con người tôi, tôi của ngày xưa. Tôi muốn ngồi xuống một chiếc ghế, dựa lưng, mặc bộ quần áo ưa thích, những cô gái Paris xinh đẹp đi ngang sẽ trao tôi ánh mắt mà họ trao cho bất cứ anh chàng nào ngồi ở đó. Không vội quay đi khi chợt nhận ra tôi là một gã lớn tướng ngồi trong chiếc xe đẩy khốn nạn.”
“Nhưng chúng ta có thể thử mà,” tôi đánh liều. “Đâu cần…”
“Không. Không, chúng ta không thể. Vì ngay lúc này nhắm mắt lại, tôi có thể hình dung chính xác cảm giác khi ngồi trên phố Rue des Francs Bourgeois ấy, thuốc lá trên tay, ly cao đựng nước cam mát lạnh trước mặt, mùi bò bít-tết khoai tây nhà ai, tiếng một chiếc xe moped từ xa đưa lại. Tôi biết từng cảm giác một.”
Anh nuốt khan. “Cái ngày chúng ta đi tới đó mà tôi mắc kẹt trong thứ kinh dị này, mọi ký ức, mọi cảm giác ấy sẽ ùa ra, rồi bị xóa bỏ bởi nỗ lực xoay xở để ngồi được vào sau chiếc bàn đó, để lên xuống những lề đường Paris lát đá, gặp những tay tài xế taxi từ chối chở chúng ta, rồi cái pin chết tiệt của chiếc xe lăn này sẽ không cắm được vào ổ điện ở Pháp. Thế nhé?”
Giọng anh đã trở nên nặng nề. Tôi vặn nắp cái bình chân không lại. Khi vặn, tôi nhìn giày mình thật lâu, vì không muốn anh nhìn thấy mặt tôi.
“Rồi,” tôi nói.
“Rồi.” Anh hít một hơi thật sâu.
Phía dưới chúng tôi, một chiếc xe khách dừng lại, túa ra một đoàn khách tham quan nữa bên ngoài cổng lâu đài. Chúng tôi lặng lẽ quan sát họ chui ra khỏi xe, xếp thành một hàng trật tự đi vào tòa lâu đài cổ, nghiêm trang ngắm nhìn di tích của một thời đại khác.
Có lẽ anh nhận ra tôi im ắng, thế nên anh vươn lại gần tôi một chút. Mặt anh dịu lại. “Clark này. Hình như mưa tạnh rồi. Chiều nay chúng ta đi đâu. Mê cung nhé?”
“Không.” Câu trả lời buột ra nhanh hơn tôi muốn, tôi thấy Will nhìn tôi dò hỏi.
“Chứng sợ không gian hẹp của cô à?”
“Đại loại thế.” Tôi bắt đầu thu xếp mọi thứ. “Chúng ta về nhà thôi.”
Kỳ cuối tuần sau đó, nửa đêm tôi xuống dưới lầu để lấy ít nước. Dạo bấy giờ khó ngủ, tôi mới nhận ra rằng thà thức hẳn còn hơn nằm vật vã trên giường cố xua đi bao ý nghĩ hỗn loạn tơi bời.
Tôi không thích tỉnh giấc giữa đêm. Tôi không thể thôi tự hỏi ở phía bên kia tòa lâu đài Will còn thức không, và trí tưởng tượng của tôi cứ tìm đường vào suy nghĩ của anh. Đi vào lối ấy quả là tăm tối.
Sự thật về nó là thế này: Tôi sẽ chẳng đi được đâu cùng anh cả. Thời gian sắp hết. Tôi thậm chí không thuyết phục nổi anh đi Paris. Và khi anh nêu lý do, tôi thật khó mà tranh cãi. Anh có lý do xác đáng để khước từ mọi chuyến đi chơi xa mà tôi gợi ý với anh. Và dù không nói với anh tại sao tôi vô cùng lo âu khi đưa anh đi chơi, tôi cũng chẳng làm gì để khích lệ anh được.
Tôi đang đi qua phòng khách thì nghe tiếng động – một tiếng ho nghèn nghẹt, cũng có thể là một tiếng than. Tôi dừng lại, bước thụt lui rồi đứng ở khung cửa. Tôi mở nhẹ cửa. Trên sàn phòng khách, nệm sofa được xếp lại thành kiểu giường dã chiến, bố mẹ tôi nằm trên đó dưới tấm chăn dự phòng, đầu họ cao ngang cái lò sưởi bằng ga. Chúng tôi nhìn nhau một chốc trong ánh sáng lờ mờ, ly nước bất động trên tay tôi.
“Bố mẹ… bố mẹ làm gì thế?”
Mẹ tôi nhổm người dậy trên khuỷu tay. “Suỵt. Đừng nói to thế. Bố mẹ…” mẹ nhìn sang bố. “Bố mẹ thích thay đổi một chút.”
“Sao cơ?”
“Bố mẹ thích thay đổi.” Mẹ liếc sang bố cầu viện.
“Bố mẹ cho Treena giường của bố mẹ,” bố nói. Bố mặc chiếc áo phông xanh cũ có vết rách trên vai, tóc bố tùa qua một bên. “Nó với Thomas, hai mẹ con ở gác lửng không ổn lắm. Bố mẹ bảo nó xuống phòng bố mẹ.”
“Nhưng bố mẹ không thể ngủ ở dưới này được! Ngủ thế này làm sao bố mẹ thoải mái.”
“Bố mẹ ổn cả, con yêu,” bố nói. “Thật đấy.”
Rồi khi tôi đứng đó, sững sờ câm lặng cố hiểu cho ra chuyện, bố nói thêm, “Chỉ cuối tuần thôi mà. Đằng nào con cũng không ngủ được trong gác lửng.
Con cần ngủ, vì…” Bố nuốt vào. “Vì con là người duy nhất trong nhà làm việc mà.”
Bố tôi không nhìn vào mắt tôi.
“Quay về giường đi Lou. Đi đi. Bố mẹ không sao đâu.” Mẹ thực sự xua tôi đi.
Tôi bước lên cầu thang, chân trần lặng lẽ trên thảm, loáng thoáng nghe cuộc trò chuyện rì rầm ngắn ngủi dưới nhà.
Tôi ngập ngừng ngoài phòng bố mẹ, nghe một âm thanh mà tôi chưa bao giờ nghe thấy – tiếng ngáy nghèn nghẹt của Thomas. Rồi tôi bước chậm lại, đi qua chiếu nghỉ về phòng mình, cẩn thận đóng cửa lại sau lưng. Tôi nằm trên chiếc giường rộng thênh, nhìn chằm chằm ra ánh đèn đường vàng vọt ngoài cửa sổ, cho tới khi rốt cuộc, may mắn làm sao, rạng đông cũng mang tới cho tôi vài giờ ngủ quý báu.
Còn bảy mươi chín ngày trên lịch của tôi. Tôi lại bắt đầu cảm thấy lo lắng.
Mà không chỉ có mình tôi như thế.
Một hôm vào giờ ăn trưa, bà Traynor đợi cho tới khi Nathan tới chăm sóc Will, rồi mới bảo tôi đi cùng bà lên nhà chính. Bà ngồi xuống trong phòng khách và hỏi xem tôi cảm thấy mọi chuyện thế nào.
“Dạo này chúng tôi hay đi chơi hơn,” tôi nói.
Bà gật gù ra chiều đồng ý.
“Anh ấy nói nhiều hơn trước đây.”
“Với cô thì có lẽ đúng vậy.” Bà khùng khục một tiếng, khó có thể gọi đó là tiếng cười cho được. “Cô đã đề cập chuyện đi nước ngoài với nó chưa?”
“Chưa. Tôi sẽ nói. Có điều… bà biết anh ấy thế nào rồi đấy.”
“Tôi thực sự không lăn tăn gì cả,” bà nói, “nếu cô muốn đi đâu đó. Tôi biết có thể chúng tôi đã không cổ vũ nhiệt tình ý tưởng của cô, nhưng vợ chồng tôi đã trò chuyện rất nhiều, hai chúng tôi đồng tình…”
Chúng tôi ngồi đó trong yên lặng. Bà đã pha cho tôi một tách cà-phê đặt trên đĩa nhỏ. Tôi nhấp một ngụm. Khi đặt đĩa đựng tách trong lòng, tôi luôn cảm giác mình đã sáu mươi.
“À… Will kể với tôi nó đã tới nhà cô.”
“Vâng, hôm sinh nhật tôi. Bố mẹ tôi đã làm một bữa tối đặc biệt.”
“Hôm ấy nó thế nào?”
“Tuyệt. Tuyệt lắm. Anh ấy rất tốt với mẹ tôi.” Tôi không thể ngăn một nụ cười khi nghĩ về đêm đó. “Hôm đó mẹ tôi hơi buồn vì em gái tôi và con trai nó đi xa. Mẹ nhớ tụi nó. Tôi nghĩ anh ấy… anh ấy chỉ muốn giúp mẹ tôi nguôi ngoai.”
Bà Traynor tỏ vẻ kinh ngạc. “Nó thật… biết nghĩ quá.”
“Mẹ tôi cũng nghĩ vậy.”
Bà Traynor khuấy tách cà-phê. “Tôi không nhớ nổi lần cuối cùng Will đồng ý ăn tối cùng chúng tôi.”
Bà hỏi han thêm một chút nữa. Không bao giờ hỏi thẳng, tất nhiên rồi, đó không phải cách của bà. Nhưng tôi không thể cho bà câu trả lời mà bà mong đợi. Có những ngày tôi nghĩ Will đang cảm thấy hạnh phúc hơn – anh đi chơi với tôi mà không cau có, anh trêu chọc tôi, khơi gợi tâm trí tôi, dường như gắn kết hơn một chút với thế giới bên ngoài khu nhà phụ – nhưng thật tình tôi thì biết gì chứ? Ở Will tôi cảm thấy một vùng nội tâm ẩn khuất mênh mông, một thế giới anh sẽ không để tôi được hé mắt vào. Hai tuần vừa rồi tôi có cảm giác bất an là vùng sâu thẳm ấy đang mỗi lúc một lớn thêm.
“Nó có vẻ vui hơn một chút,” bà nói. Lời nghe như thể bà đang cố tự trấn an bản thân.
“Tôi cũng nghĩ vậy.”
“Thật vô cùng…” ánh mắt bà lướt về phía tôi “… thỏa mãn khi được thấy giống con người của nó trước đây hơn một chút. Tôi nhận thấy rõ ràng rằng mọi tiến bộ này đều là nhờ có cô.”
“Không phải tất cả đâu.”
“Tôi không thể động vào nó. Tôi không thể gần gũi nó được.” Bà đặt bộ tách đĩa lên đầu gối. “Will nó là một đứa khác thường. Từ hồi nó sang tuổi vị thành niên, tôi luôn phải chống chọi với cảm giác trong mắt nó tôi đã làm điều gì đó không hay không phải. Tôi chưa bao giờ biết rõ điều ấy là gì.” Bà cố cười nhưng chẳng giống tiếng cười
chút nào, liếc nhìn tôi một cái rồi quay đi.
Tôi vờ nhấp một ngụm cà-phê, dù trong tách chẳng còn gì.
“Cô với mẹ có hòa hợp không, Louisa?”
“Có,” tôi nói, rồi nói thêm, “Em gái tôi mới là người làm tôi bực mình.”
Bà Traynor nhìn chăm chăm ra cửa sổ, nơi khu vườn quý giá của bà đang bắt đầu đơm bông, những cánh hoa mang màu hồng, màu hoa cà, màu xanh dương phơn phớt trang nhã.
“Chúng ta chỉ còn hai tháng rưỡi nữa.” Bà nói mà không quay đầu lại nhìn tôi.
Tôi đặt tách cà-phê lên bàn. Tôi đặt thật cẩn thận để không tạo ra tiếng lách cách. “Tôi sẽ làm hết sức, bà Traynor.”
“Tôi biết, Louisa.” Bà gật đầu.
Tôi đi ra ngoài.
Leo McInerney chết ngày 22 tháng Năm, trong một căn phòng ẩn mật tại một căn hộ ở Thụy Sĩ, mặc chiếc áo phông đá bóng yêu thích, có cả bố và mẹ bên cạnh. Em trai cậu không chịu tới, nhưng đưa ra thông báo nói rằng chẳng ai giàu tình yêu thương và sức chịu đựng hơn anh trai cậu. Leo uống dung dịch sữa hòa thuốc an thần gây tử vong vào 3:47 chiều, bố mẹ cậu cho biết sau vài phút cậu chìm vào giấc ngủ sâu. Người quan sát thông báo cái chết của cậu ngay sau bốn giờ chiều hôm đó, người này đã chứng kiến toàn bộ sự việc, cùng với một máy quay để giải quyết sớm mọi thắc mắc liên quan tới việc thực hiện sau quy trình.
“Trông nó rất thanh thản,” báo chí dẫn lời mẹ cậu. “Đó là thứ duy nhất tôi có thể bấu víu vào.” Bố mẹ Leo bị cảnh sát thẩm vấn ba lần và đối mặt với nguy cơ bị kiện. Thư khủng bố gửi tới nhà họ. Trông mẹ Leo già hơn hai mươi tuổi so với tuổi thực. Thế nhưng có một biểu cảm gì đó trên nét mặt bà khi bà nói; một biểu cảm cho thấy, bên cạnh buồn đau, giận dữ, lo sợ, rã rời, còn có một sự giải thoát tột cùng.
“Cuối cùng trông nó lại đúng là Leo.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.