Trước Ngày Em Đến

Chương 24



Chẳng có điều gì khiến người qua lại phiền lòng bằng việc nhìn một người đàn ông ngồi xe lăn cầu xin một cô gái lẽ ra phải là người chăm sóc anh ta. Rõ ràng tức giận với ông chủ tàn phế không phải là một điều hay ho.

Đặc biệt khi hẳn nhiên anh ta không thể di chuyển, và cứ gọi rất dịu dàng, “Clark. Làm ơn. Lại đây nào. Xin em đấy.”

Nhưng tôi không thể. Tôi không thể nhìn anh. Nathan đã xếp đồ cho Will, và tôi gặp cả hai người họ vào sáng hôm sau – Nathan vẫn còn chếnh choáng sau cơn say – và từ khi chúng tôi lại phải đi cạnh nhau, tôi từ chối làm bất cứ việc gì cùng anh. Tôi tức giận và tuyệt vọng. Có một giọng nói cuồng nộ liên tục vang lên trong đầu tôi, ra lệnh cho tôi phải xa cách Will hết mức. Trở về nhà. Không bao giờ gặp lại anh.

“Cô ổn chứ?” Nathan hỏi, xuất hiện sau lưng tôi.

Ngay khi tới sân bay, tôi đã rời khỏi hai người để đi tới quầy soát vé.

“Không,” tôi nói. “Và tôi không muốn nói về chuyện đó.”

“Mệt vì say à?”

“Không.”

Có một khoảng im lặng ngắn.

“Là điều tôi nghĩ sao?” Nét mặt ông đột nhiên sa sầm.

Tôi không nói được. Tôi gật đầu, và tôi thấy quai hàm Nathan siết lại trong một thoáng. Nhưng ông mạnh mẽ hơn tôi. Nói cho cùng, ông là người chuyên nghiệp. Mấy phút sau ông quay lại chỗ Will, chỉ cho anh thứ gì đó ông vừa thấy trong một cuốn tạp chí, đặt câu hỏi về tương lai của một đội bóng nào đó mà cả hai cùng biết. Quan sát họ, người ta sẽ không thấy biểu hiện của thông tin mà tôi vừa thông báo.

Tôi cố làm mình bận rộn trong cả lúc chờ đợi ở sân bay. Tôi tìm ra một nghìn công việc lặt vặt để làm – luôn tay luôn chân với nhãn dán hành lý, mua cà-phê, chăm chú đọc báo, đi vệ sinh – tất cả việc gì có thể khiến tôi không phải nhìn anh. Tôi không phải nói chuyện với anh. Nhưng thỉnh thoảng Nathan lại biến mất và chúng tôi chỉ còn lại một mình, ngồi bên cạnh nhau, khoảng cách ngắn giữa chúng tôi vang lên chát chúa những mâu thuẫn không nói thành lời.

Mỗi lần như vậy anh lại cất tiếng, “Clark.”

Còn tôi sẽ cắt lời anh, “Đừng. Em không muốn nói chuyện với anh.”

Tôi cũng phải ngạc nhiên với chính mình về khả năng tỏ ra lạnh nhạt. Tôi đã làm các cô tiếp viên ngạc nhiên. Tôi thấy họ trên máy bay, thì thầm với nhau về cái cách tôi quay phắt người khỏi Will, nhét tai nghe hoặc quay hẳn mặt ra ngoài cửa sổ.

Vấn đề là, anh không giận. Đó có lẽ là phần tồi tệ nhất của chuyện này. Anh không giận, và anh không tỏ ra thô lỗ, anh chỉ trở nên lặng lẽ hơn rồi chẳng nói gì nữa. Chỉ còn lại Nathan cố gắng gợi chuyện suốt dọc đường, ông cứ hỏi xem có ai dùng trà hay cà-phê hay những túi đậu phộng rang miễn phí không, hoặc hỏi xem hai chúng tôi thấy phiền không nếu ông trèo qua chúng tôi để đi vệ sinh.

Nói thế này có lẽ hơi trẻ con, nhưng đây không chỉ là vấn đề lòng tự trọng.

Tôi không chịu đựng nổi. Tôi không chịu được ý nghĩ rằng tôi sẽ buông tay anh, rằng anh quá cứng đầu, quá kiên quyết không thèm biết cái gì là tốt, cái gì sẽ tốt, rằng anh sẽ không thay đổi ý định. Tôi không tin được rằng anh vẫn bám lấy cái ngày đó, như thể nó là một thứ bất di bất dịch. Một triệu câu hỏi thầm nhao nhác trong đầu tôi. Tại sao thế này không đủ với anh? Tại sao em không đủ với anh. Tại sao anh không tin cậy em? Nếu chúng ta có thêm thời gian, chuyện này có khác đi không? Thỉnh thoảng tôi đưa mắt lén nhìn đôi tay rám nắng của anh, những ngón tay vững chãi ấy, chỉ cách tay tôi dăm phân, và tôi lại nhớ cảm giác khi chúng tôi siết tay nhau – hơi ấm của anh, ảo giác về một sức mạnh ngầm ẩn, dù trong sự tĩnh tại – rồi cục nghẹn dâng lên cổ tôi cho tới khi tôi nghĩ mình không thở nổi nữa và tôi phải chui vào nhà vệ sinh, gục xuống lặng lẽ khóc bên bồn rửa dưới ánh đèn nê-ông. Thỉnh thoảng khi nghĩ tới điều Will vẫn quyết tâm thực hiện, tôi thực sự phải kìm nén để không gào lên; tôi cảm thấy ngập lụt trong cảm giác điên rồ và nghĩ tôi có thể ngồi phịch xuống giữa hai hàng ghế mà hú mà hét cho tới khi ai đó ngăn lại. Cho tới khi ai đó đảm bảo rằng anh ấy sẽ không làm điều đó.

Thế nên dù trông tôi có vẻ trẻ con – tuy với tiếp viên trong khoang này thì tôi có vẻ là người phụ nữ tàn nhẫn nhất thế gian (vì tôi từ chối nói chuyện với Will, không nhìn anh, không cho anh ăn) – nhưng tôi biết giả vờ như anh không ở đó là cách duy nhất giúp tôi ứng phó được với những giờ gần như quá sức chịu đựng này. Nếu tin Nathan có thể một mình xoay xở thì tôi đã đổi chuyến bay, thậm chí còn biến mất cho tới khi biết chắc giữa hai chúng tôi là cả một lục địa chứ không chỉ có mấy phân ngắn ngủi.

Hai người đàn ông ngủ, điều đó tạo cảm giác nhẹ nhõm – một quãng nghỉ thoát khỏi nỗi căng thẳng. Tôi nhìn lên màn hình ti-vi, và cứ mỗi dặm về, tôi lại cảm thấy trái tim mình nặng nề hơn, nỗi căng thẳng càng tăng lên. Tôi bắt đầu nghĩ ra rằng thất bại này không chỉ của riêng tôi; bố mẹ Will sẽ vô cùng tuyệt vọng. Có thể họ sẽ đổ lỗi cho tôi. Có thể em gái Will sẽ đi kiện tôi. Và đó cũng là nỗi thất bại của tôi với Will. Tôi đã không thuyết phục được anh. Tôi đã trao cho anh mọi thứ tôi có thể trao, kể cả bản thân mình, thế nhưng chẳng có điều gì tôi trao anh thuyết phục nổi anh rằng có một lý do để sống.

Tôi thầm nghĩ, có lẽ anh xứng đáng với một người tốt hơn tôi. Ai đó thông minh hơn. Một người như Treena hẳn sẽ nghĩ những việc hay hơn để làm. Có thể họ sẽ tìm ra một thông tin về nghiên cứu y học hiếm hoi nào đó hoặc một thứ có thể giúp anh. Có thể họ sẽ thay đổi được ý định của anh. Sự thật là tôi sẽ phải sống với suy nghĩ đó suốt phần đời còn lại khiến tôi gần như lịm đi.

“Uống chút gì nhé Clark?” Giọng Will phá vỡ dòng suy nghĩ của tôi.

“Không. Cảm ơn.”

“Khuỷu tay anh có chiếm nhiều chỗ để tay của em quá không?”

“Không. Ổn cả.”

Chỉ trong mấy giờ cuối cùng ấy, trong màn đêm, tôi mới cho phép mình nhìn anh. Ánh mắt tôi chầm chậm đảo nghiêng từ màn hình ti-vi đang sáng của tôi cho tới khi lén nhìn được anh trong ánh sáng lờ mờ của khoang máy bay nhỏ bé.

Và khi tôi nhìn gương mặt anh, rám nắng và điển trai, vô cùng bình yên trong giấc ngủ, một dòng nước mắt lăn trên má tôi. Có lẽ vô thức cảm nhận được tôi đang quan sát, Will cựa quậy nhưng không tỉnh giấc. Tránh mắt tiếp viên trong khoang và Nathan, tôi từ từ kéo chăn lên quanh cổ anh, dém cẩn thận, để đảm bảo dưới gió điều hòa, Will không thấy lạnh.

Họ đang chờ ở Cổng Ra. Chẳng hiểu sao tôi biết họ sẽ tới. Tôi đã thoáng có cảm giác nôn nao lan tỏa trong lòng ngay khi chúng tôi đẩy xe Will qua khu kiểm tra hộ chiếu, được thông qua nhanh chóng bởi một viên chức tốt bụng dù tôi cứ cầu nguyện rằng chúng tôi sẽ bị buộc phải chờ, phải đứng xếp hàng hàng tiếng đồng hồ, mấy ngày ròng càng tốt. Nhưng không, chúng tôi băng qua sàn nhà lót thảm rộng lớn, tôi đẩy hành lý, Nathan đẩy Will, và khi cửa kính mở, họ ở đó, ngay bên rào chắn, đứng cạnh nhau với vẻ gần gũi hiếm thấy. Tôi thấy gương mặt bà Traynor thoáng bừng lên khi bà nhìn thấy Will và tôi lơ đãng thầm nghĩ, Tất nhiên rồi – trông anh ấy rất tuyệt. Và xấu hổ, tôi đeo kính râm lên – không phải để che giấu nét mệt mỏi, mà để bà không thấy ngay biểu hiện lộ rõ của tôi về điều tôi sẽ phải nói với bà.

“Nhìn con kìa!” bà kêu lên. “Will, trông con tuyệt quá. Rất tuyệt.”

Bố Will cúi xuống, vỗ lên xe lăn của con trai và đầu gối anh, gương mặt ông rạng rỡ. “Bố không tin nổi khi nghe Nathan kể ngày nào con cũng đi xuống biển. Bơi nữa chứ! Nước thế nào con – thích và ấm lắm phải không? Ở đây thì mưa như trút suốt. Tháng Tám điển hình!”

Tất nhiên. Nathan đã nhắn tin hoặc gọi điện cho họ. Cứ như thể họ có thể để chúng tôi đi chừng ấy thời gian mà không hỏi han gì vậy.

“Đó… đó là một nơi rất đẹp,” Nathan nói. Ông cũng đã trở nên lặng lẽ, nhưng lúc này ông cố mỉm cười để tỏ ra bình thường.

Tôi thấy máu đông đặc, tay nắm chặt hộ chiếu như thể sắp đi một nơi nào khác. Tôi phải nhắc mình nhớ thở.

“À, bố mẹ nghĩ có lẽ con thích một bữa tiệc đặc biệt,” bố Will nói. “Có một nhà hàng rất đẹp đẽ vui nhộn ở khu Intercontinental. Có sâm-banh nữa. Con nghĩ sao? Mẹ con và bố nghĩ có lẽ ở đó ăn ngon.”

“Được ạ,” Will nói. Anh mỉm cười với bà và bà nhìn lại anh như thể muốn níu giữ nụ cười ấy. Sao anh có thể làm thế? Tôi muốn hét lên với anh. Sao anh có thể nhìn bà ấy như thế khi mà anh đã biết điều anh sắp làm với bà?

“Thế thì đi nào. Bố để xe trong bãi đỗ dành cho người khuyết tật. Từ đây lại đó mất một chút thôi. Bố chắc ai cũng hơi say máy bay. Nathan, ông có muốn tôi mang bớt giỏ cho không?”

Giọng tôi vang lên cắt ngang câu chuyện. “Thật ra,” tôi nói – tôi đã rút hành lý của mình xuống khỏi xe kéo – “tôi nghĩ tôi phải về. Dù sao cũng cảm ơn.”

Tôi mải mê nhìn xuống giỏ xách của mình, cương quyết không nhìn lên họ, nhưng ngay trong không khí ồn ào ở sân bay, tôi vẫn cảm nhận thấy thoáng yên lặng mà những từ tôi nói gây ra.

Ông Traynor cất tiếng phá tan khoảng lặng đó. “Thôi nào, Louisa. Chúng ta cùng chúc mừng một chút. Chúng tôi muốn nghe mọi chuyện phiêu lưu của cả ba người. Tôi muốn biết thật nhiều về hòn đảo đó. Và tôi hứa cô sẽ không phải kể hết cho chúng tôi đâu.” Ông gần như phì cười.

“Phải đấy.” Giọng bà Traynor nghe thoáng gay gắt. “Đi cùng đi, Louisa.”

“Không đâu.” Tôi nuốt khan, cố mỉm cười hòa nhã. Cặp kính là tấm khiên che chắn. “Cảm ơn ông bà. Tôi thật sự muốn về hơn.”

“Về đâu?” Will hỏi.

Tôi nhận ra điều anh đang nói. Tôi thật tình chẳng có nơi nào để đi.

“Em sẽ về nhà bố mẹ. Mọi chuyện sẽ ổn.”

“Đi với bọn anh,” anh nói. Giọng anh thật dịu dàng. “Đừng về, Clark. Làm ơn.”

Khi ấy tôi muốn khóc. Nhưng tôi biết vô cùng chắc chắn rằng tôi không thể ở gần anh. “Không. Cảm ơn anh. Chúc anh một bữa ngon miệng.” Tôi hất túi xách qua vai, rồi trước khi có ai kịp lên tiếng, tôi bước khỏi chỗ họ, biến mất vào giữa biển người ở sân bay.

Sắp tới bến xe buýt thì tôi nghe tiếng bà. Camilla Traynor, đôi guốc cao gót lạch cạch trên vỉa hè, nửa đi nửa chạy về phía tôi.

“Dừng lại. Louisa. Làm ơn dừng lại.”

Tôi quay lại, bà đang luồn lách qua một nhóm du khách, gạt đám choai choai vai đeo ba-lô qua một bên như Moses rẽ sóng. Ánh đèn sân bay sáng rạng trên mái tóc bà, biến nó thành màu đồng sẫm. Bà choàng khăn pashmina xám thanh lịch, vắt rất khéo qua một bên vai. Tôi lơ đễnh nghĩ có lẽ vài năm trước bà đã vô cùng xinh đẹp.

“Làm ơn. Làm ơn dừng lại.”

Tôi dừng lại, liếc nhìn ra phía sau đường, mong sao xe buýt đến ngay, mong nó sẽ hút tôi lên và cuỗm tôi đi. Mong một chuyện gì đó sẽ xảy đến. Một trận động đất nhỏ chẳng hạn.

“Sao vậy Louisa?”

“Anh ấy đã có khoảng thời gian vui vẻ.” Giọng tôi nghe vụn vỡ. Giống giọng bà một cách lạ lùng, tôi thầm nghĩ.

“Nhìn nó tuyệt lắm. Tuyệt lắm mà.” Bà nhìn tôi trân trân, đứng chôn chân giữa vỉa hè.

Bỗng nhiên bà như hóa đá, bất chấp biển người như thác lũ quanh bà.

Chúng tôi im lặng.

Rồi tôi cất tiếng, “Bà Traynor, tôi sẽ gửi đơn thôi việc. Tôi không thể… tôi không thể làm gì trong mấy ngày còn lại. Tôi sẽ bồi thường khoản tiền tôi nợ.

Quả thực, tôi không muốn nhận tiền tháng này. Tôi chẳng muốn gì cả. Tôi chỉ…”

Lúc ấy bà trở nên tái nhợt. Tôi thấy mặt bà thất sắc, thấy bà hơi chao đảo trong ánh nắng mai. Tôi thấy ông Traynor đi tới phía sau bà, bước chân vội vã, một tay giữ chặt chiếc mũ rộng vành trên đầu. Ông lẩm bẩm xin lỗi khi lách qua đám đông, mắt ông nhìn về phía tôi và vợ ông khi chúng tôi đứng lặng như tờ cách nhau vài bước.

“Cô… cô đã nói cô nghĩ nó hạnh phúc. Cô nói cô nghĩ chuyện này có thể thay đổi quyết định của nó.” Giọng bà thấm nỗi tuyệt vọng, như thể bà đang cầu xin tôi nói điều gì đó khác, cho bà một kết luận khác.

Tôi chẳng biết nói gì. Tôi nhìn bà trân trân, và tôi chỉ biết lắc đầu khe khẽ.

“Tôi xin lỗi,” tôi thì thầm, khẽ tới nỗi bà chẳng nghe thấy.

Ông tới vừa kịp lúc bà ngã khuỵu xuống. Chân bà cứ thế sụm xuống, và ông Traynor đưa tay trái ra đỡ bà khi bà gục ngã, miệng bà há hốc, cơ thể bà đổ vào người ông.

Chiếc mũ của ông bay xuống vỉa hè. Ông liếc lên nhìn tôi, nét mặt bối rối, vẫn chưa tiếp nhận nổi chuyện vừa xảy ra.

Tôi không thể nhìn. Tôi quay người, đờ đẫn, rồi tôi bắt đầu bước đi, chân này tới chân kia, đôi chân bước đi trước khi bộ não kịp nghĩ xem chúng định làm gì, rời khỏi sân bay, thậm chí chẳng biết mình định đi đâu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.