Vì nghĩa vì tình
Chương 14: MAY GẶP VIỆC MAY
NGỦ hơn nửa đêm, tuy bụng đói chút đỉnh, song thân thể đã khoẻ khoắn. Sớm mơi trời mát, gặp người ta đi đường thường, nên thằng Quì với thằng Hồi đi mạnh dạn, hay nói chuyện. Chúng nó đi một hồi, trời nắng lên, lưng rịn mồ hôi, bụng rục rịch đói, cổ lại khát nước, nên chúng nó hết cười, ít nói.
Đến cầu Chợ Đệm, thằng Quì nói rằng: “Thế nào cũng phải kiếm cơm mua ăn, rồi đi nữa mới nổi”.
Thắng Hồi nghe như vậy liền nói rằng:
– Tao cũng đói quá, mà đây có ai bán cơm đâu mà mua
– Mình coi nhà nào mình vô đại rồi hỏi mà mua; nhưng họ không có thì họ nấu họ bán cho mình chớ gì.
– Họ không bán cơm, mình hỏi bậy bạ họ rầy chớ.
– Bán hay là không bán thì thôi, chớ rầy ai mậy.
– Bây giờ có cơm, dầu ăn lạt, không có cá thịt chi hết tao ăn chắc cũng được tới năm chén.
– Mầy nói phách, chớ ăn giống gì cho hết.
– Tao nói thiệt a. Tao đói bụng lắm, mầy mua thử coi tao ăn hết hôn.
Hai đứa nhỏ đương cãi với nhau, bỗng thấy có một cái quán bên đường, trước cửa có buồng dừa xiêm, trên có để kẹo, cốm, thuốc, giấy, đường tán, hột quẹt, trên nữa lại có treo năm nải chuối sứ. Chúng nó ghé vô, thấy có một bà già mặc quần vải đen, áo khỉ mà cũng bằng vải đen, đương ngồi dưới đất lột chuối phơi khô. Thằng Quì nói lớn rằng: “Bà ơi, bà làm ơn bán cho hai đứa cháu một cắc cơm ăn được hôn, bà?”
Bà già giựt mình ngó ra thấy hai đứa nhỏ đứng ngoài cửa thì cười mà nói rằng: “Bây ở đâu mà lại đây mua cơm?”
Thằng Quì đáp rằng:
– Hai đứa tôi ở Sài Gòn đi Mỹ Tho, lỡ đường đói bụng quá, bà.
– Bây đi bộ hay sao?
– Đi bộ.
– Dữ hôn! Mẹ ôi! Bây đi sao cho nổi?
– Nổi chớ.
– Bây là con của ai, đi đâu vậy?
– Hai đứa tôi không có cha mẹ chi hết, nên đi kiếm công việc làm ăn.
– Mới bây lớn mà làm ăn nỗi gì!
Thằng Hồi đói bụng quá, mà bà già hỏi vòng vo thì nó chịu không được, nên bước vô trong và nói rằng:
– Hai đứa tôi đói bụng quá, bà. Bà có cơm làm ơn bán giùm mau mau. Tôi không cần gì đồ ăn, có cơm không cũng được.
– Quán tao bán dừa chuối, kẹo cốm, chớ có cơm cháo gì đâu.
– Như không có cơm sẵn thì bà nấu rồi bán cũng được mà.
– Ai mà bán kỳ cục vậy mà, để tao coi cơm còn nhiều hay ít tao cho mà ăn, chớ bán giống gì.
Bà già châu mày đứng dậy bỏ đi vô đằng sau bếp. Hai đứa nhỏ ngó nhau mà cười. Thằng Quì nói nhỏ rằng: “Có cơm không cũng được, mình mua ít trái chuối, ăn với cơm cũng sướng lắm chớ. Hồi đó tới bây giờ mầy có ăn cơm với chuối lần nào chưa?”. Thằng Hồi lắc đầu. Bà già bưng một cái nồi bước ra, rồi nghiêng nồi cho hai đứa nhỏ coi và nói rằng: “May quá, hồi sớm mơi nó nấu nhiều nên cơm còn dư bộn đây. Để tao lấy chén đũa cho mà ăn”.
Bà già để cái nồi trên ván, rồi trở vô đằng sau nữa, Thằng Hồi bước lại dòm thì thấy cơm gần nửa nồi. Bà già trở ra tay cầm hai cái chén, hai đôi đũa, còn một tay bưng một cái ơ. Bà nói rằng: “Còn có nửa khứa cá, bây ăn đỡ, có cái muỗng ở trong ơ, mầy múc nước cá đó chan cơm mà ăn”.
Thằng Quì hỏi bà già vậy chớ chuối bà bán bao nhiêu một trái. Bà nói bà bán xu nhỏ hai trái. Nó biểu bà bẻ cho nó bốn trái. Bà già bẻ cho hai đứa bốn trái chuối rồi hai đứa nhỏ leo lên ván ngồi xúc cơm mà ăn. Hai đứa nó ăn cơm với chuối, ăn vài miếng thì lấy muỗng múc nước cá mà húp một cái cho mặn, cơm nguội lạnh, đồ ăn không có, mà vì chúng nó đói bụng nên ăn ngon lắm. Mỗi đứa ăn được hai chén thì hết cơm. Bà già múc nước cho chúng nó uống rồi bưng nồi cơm và ơ, chén đũa dẹp. Thằng Quì chạy lại giành bưng và nói rằng: “Bà để cho tôi đi rửa cho bà. Bà già cả, để tôi làm cho”. Bà già không cho không được, nên túng thế đi dẹp nồi, cất ơ, còn để chén đũa cho thằng Quì rửa.
Thằng Quì làm xong công việc rồi, nó trở ra ngoài hỏi bà già rằng:
– Bốn trái chuối hai đồng xu, còn cơm đó bà đòi tiền bao nhiêu, bà?
– Thôi trả tiền bốn trái chuối mà thôi. Cơm đó tao cho mầy ăn, chớ bán chác gì.
– Bà tử tế quá! Tôi chúc cho bà già sống tới ba trăm tuổi.
Bà già tức cười và nói rằng: “Sống làm chi mà lâu dữ vậy?”. Thằng Quì móc trong lưng lấy ra hai đồng xu trả cho bà già và nói rằng: “Hai đứa tôi cảm ơn bà quá. Thưa bà tôi đi”. Thằng Hồi thấy Thằng Quì xá bà già, nó cũng chấp tay cúi đầu mà xá bà già rồi hai đứa bước ra đi. Bà già đó ngó theo mà nói rằng: “Trời nắng chang chang mà hai đứa nó đi không có giống gì đội trên đầu hết chớ!”. Hai đứa nhỏ day lại mà cười rồi đi tuốt.
Đường tuy xa, song mình không biết nó xa là bao nhiêu, lại không ai định hạn phải đi chừng nào cho tới; bởi vậy mình đi không biết ngán, mà cũng không mệt. Thằng Quì với thằng Hồi được no bụng rồi thì đi xăng xái, không còn lo chi nữa. Chúng nó đi tới Bình Chánh, thấy họ bán mía, mới mua mỗi đứa một khúc đem ra gốc me mà ăn. Ăn hết mía, bèn trở vô xin nước uống, ở lẩn quẩn lối xóm đó chơi đến xế rồi mới đi nữa.
Đến chiều hai đứa nó xuống tới ga xe lửa Gò Đen. Chúng nó đứng nhắm nhía, tính với nhau kiếm cơm mua ăn rồi ở đó mà ngủ, bỗng nghe gần bên đó có tiếng trống tan học. Thằng Hồi kéo thằng Quì lại đó mà coi học trò chơi.
Hai đứa nó đi ngang trường học thì thấy học trò ở trong trường sắp hàng đi ra, đứa thì đội nón, đứa thì cắp dù, mà đứa nào trong tay cũng có ôm sách vở. Thằng Hồi đứng nép bên đường mà coi học trò, nó đếm từng đứa, bộ nó vui vẻ lắm. Một lúc sau, thằng Hồi thấy có thầy giáo ra nữa, trong bụng nó kiêng sợ, nên càng đứng nép vô trong xa. Thầy giáo và học trò đi khỏi rồi, thằng Hồi mới nói với thằng Quì rằng:
– Một trăm mười hai đứa học trò.
– Mầy có đếm hay sao?
– Có. Tao muốn học quá mậy.
– Trời ơi! Mầy khéo nói dữ hôn! Không có cơm mà ăn làm sao mà học.
– Mầy không nhớ thằng nhỏ bán sách khi mình dốt hay sao? Tao muốn học cho giỏi, đặng tao kiếm nó, tao xài nó chơi.
– Mầy muốn chuyện khó quá. Thôi để đi kiếm cơm mà ăn đỡ, đói bụng rồi.
Hai đứa nhỏ trở lại ga xe lửa. Người ta đứng chờ xe, nên kẻ qua người lại trước ga có vài chục người, lại có một đứa con gái ngồi bán dừa xiêm với bánh mì. Thằng Quì bàn tính với thằng Hồi rồi bước lại mua một cắc được hai ổ bánh mì nhỏ, theo trên Chợ Lớn mỗi ổ đáng chừng ba xu. Chúng nó chia nhau, mỗi đứa một ổ rồi ngồi bẹp xuống đất mà ăn.
Xe lửa Sài Gòn xuống đậu rồi chạy đi, cách một lát xe lửa Mỹ Tho cũng lên đậu rồi chạy đi nữa. Thằng Quì với thằng Hồi ngồi ăn bánh mì coi xe qua lại chơi, thì lấy làm đắc ý lắm. Xe qua hết rồi, người ta cũng đi hết, trong nhà ga trống trơn, duy có hai vợ chồng thầy xếp ga đương ngồi bên nhà ăn cơm mà thôi.
Thằng Quì với thằng Hồi đi thơ thẩn ngoài đường đến chạng vạng tối mới rủ nhau vô coi trường học chơi. Hai đứa đứng ngoài cửa đương kiếm lỗ mà dòm vô mấy lớp học, thình lình có tiếng người ở sau lưng chúng nó hỏi lớn rằng: “Bây dòm giống gì, muốn phá cửa vô ăn cắp đồ phải không?”
Hai đứa nhỏ giựt mình dạy lại, ngó thấy một người cao lớn, tuổi trên bốn mươi, có đầu tóc mà không bịt khăn, bận áo xuyến dài, quần lãnh đen, dưới chân mang giày đen trắng. Chúng nó đã có thấy người nầy đi với học trò hồi chiều, biết chắc là thầy giáo, nên chấp tay cúi đầu mà xá. Người ấy hỏi nữa rằng: “Bây vô trường làm cái gì đây hử? Tao bắt bây tao đem giao cho làng giải bây ở tù cho bây biết chừng”.
Thằng Quì sợ quá, nói không được. Thằng Hồi phải bước tới thưa rằng: “ Bẩm thầy, hai đứa tôi muốn học, nên vô coi trường chơi, chớ có ăn cắp cái giống gì đâu. Xin thầy tha, tội nghiệp”.
Người ấy cười gằn và hỏi thằng Hồi rằng:
– Nhà bây ở đâu?
– Bẩm thầy, hai đứa tôi ở Sài Gòn.
– Ở trên Sài Gòn đi xuống đây làm gì?
– Bẩm thầy, hai đứa tôi đi Mỹ Tho.
– Khéo nói láo hôn! Đi Mỹ Tho mà ghé đây làm gì?
– Bẩm. Đi mới tới đây
– Bây đi bằng gì mới tới đây?
– Bẩm. Đi bộ.
– Đi bộ xuống tới đây lận sao? Đi Mỹ Tho làm gì?
– Bẩm, đi kiếm chỗ làm ăn.
– Làm ăn cái gì thứ bây lớn đó! Cha mẹ bây cho đi như vậy hay sao?
– Bẩm thầy, hai đứa tôi không có cha mẹ.
Người ấy nghe nói như vậy đứng suy nghĩ rồi nói rằng: “Bây đi theo lại đây cho tao hỏi một chút nữa”. Người ấy dắt hai đứa nhỏ đi lại căn nhà phía tay trái.
Người nầy là thầy giáo Bình, làm đốc học trường nầy. Thầy gốc ở Bà Chiểu, thuở nay dạy lớp nhứt trường tỉnh Gia Định. Năm ngoái lúc gần bãi trường thầy với quan Đốc học Tây có việc cãi lẽ với nhau: quan Đốc học nói một tiếng nặng nề, thầy không thể nhịn được nên sanh ra việc bất hoà, rồi hôm khai trường đầu năm nay, quan trên đổi thầy xuống làm Cai trường Gò Đen và dạy lớp nhứt.
Thầy giáo Bình có nhà cửa ở tại Bà Chiểu. Thầy xuống đây đã được hai tháng rồi, thầy có một mình còn vợ con đều để trên Bà Chiểu hết, đến chủ nhật thầy về thăm mà thôi. Thầy là cai trường nên được ở căn đầu.
Từ hôm thầy mới xuống, thầy có mướn một đứa ở 17, 18 tuổi ở đi chợ nấu cơm cho thầy ăn. Thầy cho mượn trước mười đồng bạc, mà cách mấy bữa rày nó bỏ thầy nó trốn, thầy kiếm mướn đứa khác mà mướn chưa được, nên phải đi ăn cơm quán đỡ nơi nhà cha mẹ của đứa học trò ở gần trường. Chiều bữa nay hồi tan học, thầy đi ăn cơm, nên chạng vạng mới về, thầy mới gặp thằng Quì với thằng Hồi đương dọ mọ dòm mấy lớp học đó.
Thầy dắt hai đứa nhỏ lại tới cửa rồi thầy rút chìa khoá trong túi ra mà mở cửa. Thầy quẹt hộp quẹt đốt đèn rồi kêu hai đứa nó vô. Thằng Quì với thằng Hồi đứng khoanh tay dựa vào vách; thầy giáo Bình thay áo, mở giày mà thầy liếc nhắm tướng mạo hai đứa nó hoài. Chừng thay đồ xong rồi thầy mới hỏi rằng: “Hồi nãy bây nói bây không cha mẹ, vậy chớ bà con của bây cũng chết hay sao mà bây đi bậy đi bạ như vậy?”
– Bẩm thầy không có bà con.
– Bây nói bây đi Mỹ Tho kiếm công việc làm ăn. Mới bây lớn mà làm giống gì được? Bây muốn ở đây với tao không?
Thằng Quì ngó thằng Hồi và dụ dự không biết trả lời làm sao. Thằng Hồi cười và đáp rằng:
– Bẩm thầy, như thầy cho ở thì hai đứa tôi ở. Mà đây rồi tôi học chữ được hôn thầy?
– Được, bây ở đây ban đêm có rảnh tao dạy giùm cho. Bây biết đọc sách hay chưa?
– Bẩm chưa. Thuở nay hai đứa tôi có học đâu.
– Bây muốn học lắm hay sao?
– Thưa, muốn lắm.
– Được. Thôi bây ở đây làm công chuyện cho tao, tao chỉ cho mà mua đồ, tao dạy cho mà nấu cơm. Hễ giờ nào rảnh thì qua trường mà học. Ban đêm tao dạy giùm cho nữa.
– Học chừng bao lâu rồi biết chữ thầy há?
– Thằng hỏi kỳ quá! Biết sao mà gọi rằng biết chữ, mậy. Học đến già sợ cũng chưa dám xưng là biết chữ a, mầy ạ.
– Trời ơi! Vậy thì sao được! Tôi thấy bầy trẻ nhỏ bằng tôi mà nó cũng biết chữ, mà sao thầy nói học gì đến già vậy. Tôi muốn biết chữ đặng coi chữ xem chơi vậy mà.
– Ờ, nếu mầy muốn coi truyện cho được thì dễ. Hễ mầy cần học thì chừng ba tháng, mầy đọc được hết thảy?
– Thiệt hôn thầy.
– Ai nói láo với mầy làm chi.
– Được, tôi chịu ở. Mà thầy phải cho hai đứa tôi ăn cơm chớ?
– Sao lại không cho. Có lẽ nào bây ở với tao rồi tao lại bỏ đói bây hay sao?
Thằng Hồi cười, thầy giáo hỏi tên tuổi từng đứa rồi sai thằng Quì bưng cái thau ra sau múc nước cho thầy rửa mặt, và biểu thằng Hồi lấy bàn chải mà chải đôi giày cho thầy. Thằng Hồi thấy bộ thằng Quì không vui, nên cách một lát, hai đứa bước ra ngoài sân chơi, thằng Hồi mới vỗ vai thằng Quì mà nói rằng:
– Sướng rồi, tao ráng tao học cho biết chữ chơi. Sao tao coi bộ mầy không mừng vậy mậy?
– Tao muốn xuống Mỹ Tho chơi.
– Chơi cái gì? Mầy lo chơi hoài. Phải ở đây mà học cho biết chữ, đặng chừng mình lớn rồi mình làm ăn cho dễ chớ.
– Biết chữ làm gì? Không biết chữ lại làm ăn không được hay sao?
– Biết chữ mình làm thầy thông, thầy ký, không sướng hay sao?
– Mầy tưởng dễ a há!
– Mầy nghe lời tao mà ở học chơi, thủng thẳng để sau rồi sẽ đi. Lật đật làm gì mậy.
– Ở thì ở, mà điều tao sợ thầy giáo thầy nói gạt, thầy bắt mình làm công việc mà thầy không dạy chữ chớ.
– Thì mình ở thử ít bữa coi, như không xong thì mình dông.
– Được.
Thằng Hồi với thằng Quì gặp thầy giáo Bình thiệt là may mắn. Tuy thầy bắt hai đứa nó quét nhà, đi chợ, nấu cơm và làm các công việc lặt vặt trong nhà nhưng mà thầy cho cơm ăn, thầy cho chiếu ngủ, thầy mua bánh trái cho ăn thường, thầy mướn may áo quần cho mặc sạch sẽ. Mới ngày đầu mà thầy phát cho mỗi đứa một cuốn vần, hễ thấy làm công việc xong rồi thì thầy kêu qua lớp chót ngồi học. Ban đêm thầy lại dạy riêng cho nữa, mà thầy dạy ân cần chớ không phải dạy cho có chừng. Thằng Quì ban đầu muốn đi chớ không muốn ở, mà chừng nó thấy tánh ý thầy như vậy thì nó muốn ở chớ hết muốn đi. Thằng Hồi trí sáng sủa hơn mà học cũng cần cố hơn, nên mới vừa hai tháng thì nó đã thuộc hết vần ngược và khởi sự tập đọc.Tuy thằng Quì chậm hơn, song ba tháng rồi hai đứa đều biết viết hết thảy.
Chúng nó ở được năm tháng, kế có giấy quan trên đổi thầy giáo Bình về dạy phụ trường Đa – kao. Thầy biểu chúng nó đi theo thầy. Chúng nó mến tình nên muốn đi theo thầy, ngặt vì về Đa kao, thằng Quì sợ gặp tía má nó nên nó với thằng Hồi không dám chịu. Đến bữa thầy hỏi hai đứa tính đi đâu, chúng nó không biết đi đâu mà nói, túng thế phải nhứt định đi Mỹ Tho. Thầy cho chúng nó ba đồng bạc rồi thầy trò dắt nhau ra ga xe lửa một lượt. Chuyến xe Mỹ Tho qua, thầy giáo Bình lên xe đi rồi, thì chuyến xe Sài Gòn xuống tới nữa, hai đứa nhỏ cũng mua giấy đi Mỹ Tho.
Nhờ thầy giáo có nói giùm với thầy xếp ga, nên hai đứa mua giấy phân nửa tiền và chừng lên xe trong lưng cũng còn được hai đồng tư.
Xuống tới Mỹ Tho, hai đứa dắt nhau đi dạo mấy nẻo đường chơi. Đi ngang qua tiệm bán sách, thằng Hồi thấy truyện sách để trong tủ, nó nhớ chuyện thằng nhỏ bán truyện khinh khi nó, nên nó muốn lãnh truyện sách, thơ tuồng, ôm đi bán như thằng nhỏ ấy vậy. Nó bàn tính với thằng Quì thì thằng Quì cũng chịu. Chủ tiệm sách cũng sẵn lòng giao truyện sách cho hai đứa đi bán.
Từ đây hai đứa nó được yên thân, ban ngày ôm truyện sách đi bán theo ga xe lửa và mấy bến tàu, mỗi bữa lời được năm bảy cắc đủ tiền nuôi miệng. Ban đêm chúng nó ngủ tại tiệm sách, khỏi trôi nổi bị lính đánh đuổi như hồi ở Chợ Lớn nữa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.