Vì nghĩa vì tình
Chương 16: NGƯỜI TÌNH CỜ GẶP CON
TRỌNG QUÍ bắt được con thì chàng mừng không kể xiết. Chàng dắt đi dạo mấy nhà hàng, nó muốn vật gì thì chàng mua vật ấy cho nó. Tối lại chàng mướn một cái xe hơi, rồi mời Chánh Tâm đi chơi. Chánh Tâm buồn nên không muốn đi. Trọng Quí theo năn nỉ biểu đi một vòng rồi vô Chợ Lớn ghé thăm Cẩm Vân. Chừng nghe nói như vậy, chàng mới chịu đi.
Xe hơi chạy vù vù. Trọng Quí với Chánh Tâm ngồi hai bên, để Phùng Sanh ngồi giữa. Trọng Quí rờ con, mặt mày hớn hở vô cùng, còn Chánh Tâm thấy cháu lòng dạ càng thêm bát ngát.
Vô tới Chợ Lớn, Chánh Tâm xốn xang quá chịu không được nên muốn đi thẳng lại thăm vợ, mà Trọng Quí cũng muốn khoe con, nên không ngăn cản; bởi vậy hai người cùng đồng biểu sớp – phơ chạy đường Cây Mai rồi ngừng ngay nhà Cẩm Vân. Chẳng hiểu Cẩm Vân có dặn trước hay không mà cô Ba Hài thấy Chánh Tâm thì cô niềm nở tử tế, song hỏi tới Cẩm Vân thì cô nói rằng đi khỏi không có ở nhà.
Chánh Tâm ngồi xuôi xị, bộ coi buồn thảm lắm. Cô Ba Hài thấy vậy mới bước lại gần và nói nhỏ rằng: “Tao biết ý nó rồi, hễ mầy kiếm được con cho nó thì nó hết giận. Ráng kiếm cho được, chớ nếu mầy kiếm không được thì nó giận hoài, không cho mầy gặp mặt đâu”. Chánh Tâm châu mày nhăn mặt mà đáp rằng: “Cháu kiếm tìm đã hết sức rồi mà không được, bây giờ biết làm sao. Nếu vợ cháu nó không nghĩ, cứ giận cháu hoài thì chắc cháu phải chết”. Chàng nói mấy lời rồi ngồi khóc rấm rứt.
Cô Ba Hài động lòng nên cô theo an ủi, biểu Chánh Tâm đừng có buồn, phải ráng mà tìm con nữa, tìm riết có lẽ phải gặp, chớ nếu thối chí mà bỏ qua thì làm sao mà gặp cho được. Trọng Quí cũng theo khuyên lơn chàng, lại xin cô Ba Hài hết lòng lo khuyên giải Cẩm Vân cho nàng hết giận chồng nữa, rồi vợ chồng hoà hiệp với nhau mà kiếm con cho dễ.
Chánh Tâm với Trọng Quí tính mướn một chiếc xe hơi mà đi chung với nhau mà về Cần Thơ. Chánh Tâm nói rằng chàng phải về Trà Vinh thăm nhà ít bữa rồi qua Cần Thơ mới được. Trọng Quí đáp rằng: “Cậu muốn về Trà Vinh cũng được. Để tôi đưa cậu tới nhà rồi cha con tôi sẽ về Cần Thơ”. Chánh Tâm không chịu, chàng nói để chàng đi tàu cho khoẻ. Trọng Quí không nỡ bỏ Chánh Tâm mà về trước, nên chàng tính lại, chàng cũng đi với Chánh Tâm xuống Mỹ Tho rồi sẽ phân rẽ nhau.
Vì Chánh Tâm muốn đi trước xuống Mỹ Tho mà nghỉ một đêm đặng sáng xuống tàu cho khỏi chộn rộn, bởi vậy ăn cơm trưa rồi hai người mướn xe hơi mà đi Mỹ Tho. Khi xe đang chạy xuống tới chỗ Trọng Quí bị đụng năm trước may nhờ Tố Nga là mẹ của Phùng Sanh chở giùm lên Chợ Lớn, rồi mới quen nhau, thì Trọng Quí chỉ mà nói rằng: “Cậu gặp má của con lần thứ nhứt tại ở chỗ nầy đây. Cậu nhớ hoài không biết đời nào quên cho được”.
Gần hai giờ chiều, xe hơi mới xuống tới Mỹ Tho. Trọng Quí dắt Chánh Tâm và Phùng Sanh vào nhà ngủ, mướn hai cái phòng thượng hạng mà nghỉ.
Đến 4 giờ rưỡi đã dịu nắng, mà gió lại mát mẻ, Trọng Quí mới rủ Chánh Tâm thay đồ đi dạo chơi. Hai người dắt Phùng Sanh thủng thẳng đi bộ ra nhà ga xe lửa, rồi lần lại cầu tàu Lục Tỉnh. Ngoài cầu tàu trống trơn, có lót sẵn hai cái băng mà không có ai ngồi. Trọng Quí với Chánh Tâm ngồi một cái và kêu Phùng Sanh mà biểu ngồi vô giữa.
Nước lớn đầy sông trước mắt, gió thổi mặt nước xôn xao. Cây trồng mấy hàng sau lưng, chói nắng ngọn cây đỏ đỏ. Trời chiều nắng dịu, gió thổi sóng đùa, cảnh tú tốt tươi, lòng vàng khoan khoái.
Trọng Quí ngắm cảnh một hồi rồi ôm hun Phùng Sanh mà nói rằng: “Cậu đây là cha ruột của con đa, con biết hôn? Thầy Phùng Xuân đó là cha ghẻ. Từ rày sắp lên con ở với cậu, cậu sẽ cho con đi Tây. Cậu thiếu gì tiền, con ở đây với cậu, con muốn vật gì cậu cũng mua cho hết thảy”.
Mấy năm nay Phùng Sanh không thấy ai hun hít, nựng nịu mình mà cũng không nghe được những lời khuyên dỗ dịu ngọt; bởi vậy nó thấy Trọng Quí ân cần săn sóc, thương yêu đoái tưởng đến nó thì nó thấy làm vui lòng nên nó ngó Trọng Quí mà cười. Trọng Quí vừa muốn nói nữa thì có hai đứa nhỏ mỗi đứa ôm một chồng sách đi ra cầu và đi và nói chuyện với nhau om sòm. Chánh Tâm với Trọng Quí day lại thì thấy đứa nhỏ đi trước mặt rỗ chằng, còn đứa lớn đi sau vóc vạm vỡ, mà coi bộ hai đứa đều vui vẻ cả hai.
Hai đứa nầy là thằng Hồi với Thằng Quì đi bán truyện sách.
Thằng Hồi đi trước, nó đứng lại ngay mặt Chánh Tâm đưa chồng sách ra mà nói rằng: “Thầy mua truyện mà coi, thầy. Có nhiều bộ tiểu thuyết mới hay lắm. Thầy mua ít bộ để coi cho biết truyện đời xưa, việc đời nay chơi. Thầy mua nhiều nhiều, tôi tính nhẹ giá cho”. Chánh Tâm ngó thằng nhỏ mà không nói chi hết. Trọng Quí đương vui với con, lại gặp thằng nhỏ cũng vui, nên chàng cười và hỏi nó rằng:
– Mầy lãnh sách đem đi bán, nếu mầy tính giá nhẹ rồi làm sao mầy có lời cho được?
– Không. Tôi buôn bán mấy tháng nay. Tôi cầu danh chớ bất cầu lợi mà.
Chánh Tâm đương buồn mà nghe thằng Hồi nói trớ trêu như vậy thì chàng cười ngất. Thằng Hồi thấy vậy nó cũng cười và nói nữa rằng:
– Tôi nói phải lắm chớ. Tôi nói theo truyện mà sao thầy cười tôi?
Trọng Quí hỏi rằng:
– Mầy nói theo truyện nào?
-Truyện Tam Quốc chớ truyện nào.
– Truyện Tam Quốc có người nào nói như vậy hay sao mà mầy bắt chước?
– Có chớ. Thầy mua một bộ coi thử có người nào nói như vậy hay không thì biết. Nếu thầy coi mà không có thì thầy trả lại cho tôi.
– Tao mua tao đem về tao coi như không có rồi tao biết mầy ở đâu mà trả?
– Tôi ở đây luôn luôn mà. Thầy hỏi Mơ – xừ Hồi bán truyện sách thì ai ai cũng biết hết thảy.
Trọng Quí với Chánh Tâm nghe thằng nhỏ nói giễu cợt có duyên như vậy lại càng tức cười hơn nữa. Chánh Tâm bèn hỏi nó rằng:
– Em bán một bộ truyện Tam Quốc là bao nhiêu tiền?
– Thiệt tình tôi bán cho người ta là mười đồng, còn khách trú mua tôi bán mười lăm đồng. Nếu thầy mua tôi bán tám đồng mà thôi.
– Tại sao bán cho qua, em lại bán rẻ như vậy?
– Tại thầy bận đồ Tây.
– Bận đồ Tây sao lại bán rẻ?
– Thầy không hiểu hay sao?
– Không.
– Mấy người bận đồ Tây họ làm phách lắm, họ chê sách quốc ngữ nhục cho họ, nên họ cứ mua sách Tây, rồi đi đâu họ ôm theo đặng khoe với thiên hạ rằng mình biết đọc sách chữ Tây. Tại như vậy đó, nên ai bận đồ Tây mà hỏi mua sách quốc ngữ thì tôi bán rẻ; tôi muốn tập cho họ đọc sách của người Việt Nam mình đặng cho họ bớt làm phách.
– Nãy giờ hai anh em qua có làm phách với em chút nào đâu, sao em lại…
– Xin lỗi thầy, tôi nói là nói họ, chớ tôi đâu dám nói hai thầy.
Trọng Quí thấy thằng Hồi lanh lợi quá, muốn thử nó chơi, nên chận mà hỏi:
– Còn tại sao bán cho khách trú mầy lại bán mắc?
-À phải! Bán cho khách trú phải bán mắc mới được. Giống đó hễ có biết tới chữ quốc ngữ thì nó đã giựt của người Việt Nam mình nhiều lắm, nên có dịp nào mình giựt nó lại được một chút đỉnh thì cứ giựt nhầu, sợ gì…
Chánh Tâm với Trọng Quí ngó nhau mà cười. Chánh Tâm muốn thưởng tài lanh lợi của thằng Hồi, nên biểu lựa một bộ truyện Tam Quốc cho chàng mua. Chàng móc túi lấy hai tấm giấy bạc mỗi tấm năm đồng mà trả cho nó. Nó mò trong lưng lấy hai đồng bạc mà thối lại.
Chánh Tâm không chịu, chàng nói rằng:
– Qua cho em luôn đó, thối làm chi.
Thằng Hồi cười và đáp rằng:
– Thầy làm như vậy, té ra tôi bán bộ sách truyện cho thầy tới mười đồng.
– Thì em bán cho họ bao nhiêu, qua cũng trả bấy nhiêu chớ sao?
– Không được. Người buôn bán phải trọng lời nói. Tôi nhứt định bán cho thầy tám đồng thì tôi lấy tám đồng mà thôi, nếu lấy mười đồng thì thành ra ăn gian. Làm như vậy không tốt.
– Còn hai đồng dư đó, qua cho em luôn mà, chớ không phải qua trả tiền sách đâu em.
– À, như thầy cho thì tôi lấy, chớ nếu nói trả tiền sách thì tôi từ, vì lấy như vậy thì mất danh tiếng người buôn bán.
Nãy giờ thằng Quí đứng coi thằng Hồi chuốt ngót mà bán sách, nó không nói tiếng chi hết. Chừng nó thấy thằng Hồi bán cho Chánh Tâm được bộ sách truyện rồi nó mới xề lại ngồi ngay mặt Trọng Quí và nói rằng:
– Thầy mua giùm cho tôi một bộ, thầy. Nè, thầy mua tiểu thuyết mới xuất bản đây mà coi, hay lắm! Thầy coi thầy khóc được lận ạ.
Trọng Quí ngó mà đáp rằng:
– Coi sách đặng giải buồn, nếu coi mà phải khóc thì coi làm gì mậy?
– Sách của người ta viết như vậy mới hay chớ. Như thầy đương vui mà thầy coi thì thầy phải khóc, còn như thầy đương buồn mà thầy coi thì thầy phải cười.
Thằng Hồi day lại nói rằng: “Nó nói dóc a thầy á. Không có sách nào mà kỳ cục như vậy đâu. Đừng có tin nó”.
Thằng Quì trợn mắt đáp rằng:
– Mầy xấu quá. Mầy bán được rồi, mầy muốn phá tao hay sao, mậy?
– Ủa! Buôn bán thì phải cạnh tranh chớ. Rất đỗi mấy nhà buôn bán lớn họ còn gây với nhau thay, huống chi là tao với mầy.
– Tao với mầy cũng như nhau, mà cạnh tranh cái gì?
– Phải, tao với mầy cũng một thứ. Mà tao đã nói dóc, mầy còn nói dóc hơn tao nữa, tức quá, tao không gây sao được.
– Tao làm sao tao làm, miễn là được thì thôi. Mầy có giỏi mà nói cho hơn tao đi, chớ sao mầy lại kiếm chuyện hạ tao. Nếu mầy nói sách tao đó là đồ bỏ thì sách của mầy đó cũng vậy, biết hôn? Mầy ngu quá.
Thằng Hồi nhăn răng cười hề hề. Chánh Tâm với Trọng Quí cũng cười. Trọng Quí không muốn để cho hai đứa nhỏ bán sách một đứa vui, một đứa buồn, nên chàng biểu thằng Quì lại lựa cho chàng mua mười đồng bạc.
Thằng Quì mừng quá, lật đật phành gói sách ra mà lựa chọn lăng xăng. Trọng Quí thấy Phùng Sanh ngồi châm bẩm ngó đống sách thì cúi xuống mà hun và hỏi rằng: “Con biết đọc sách hay chưa?”. Phùng Sanh lắc đầu. Thằng Hồi thấy vậy vùng nói rằng: “Sao không học đặng đọc sách chơi? Học đi mà. Dễ lắm, không có khó đâu. Tôi học có mấy tháng, bây giờ sách gì tôi đọc cũng được hết thảy. Tập đọc đi rồi mua sách mà coi với người ta; đời nầy mà dốt thì họ cười chết”.
Phùng Sanh thẹn thùng nên day mặt chỗ khác, không ngó thằng Hồi, mà cũng không nói chi hết.
Chánh Tâm ngó thằng Hồi một lát rồi chàng hỏi:
– Cha mẹ của em làm nghề gì?
– Tôi là con trời sanh, không có cha mẹ.
– Vậy chớ em ở với ai?
– Ở với thằng Quì đó.
– Thằng Quì có cha mẹ gì hôn? Chớ hai em còn nhỏ quá, không lẽ ở với nhau mà không có người lớn.
– Thằng Quì cũng như tôi vậy; nó cũng là con trời sanh đa, không có ai hết.
– Vậy chớ hai em ở đâu?
– Ở tiệm bán sách
– Cơm đâu hai em ăn?
– Họ bán thiếu gì, chỗ nào lại ăn không được.
– Em năm nay mấy tuổi rồi
– Mười tuổi.
– Còn thằng kia?
– Thằng Quì hả? Nó lớn hơn tôi hai tuổi.
– Hai em từ nhỏ chí lớn ở đây, hay là ở đâu?
– Hai đứa tôi là dân Nam Việt, sanh đẻ trong nước Việt Nam, con rồng cháu tiên.
Thằng Hồi nói mấy tiếng đó, rồi nó cười ngỏn ngoẻn, coi bộ đắc ý lắm. Nó với thằng Quì lui cui sắp sách truyện lại đặng ôm đi bán chỗ khác. Chánh Tâm ngẫm nghĩ đến chừng hai đứa nó muốn đi, chàng mới kêu chúng nó lại mà hỏi rằng: “Qua muốn hai em đi theo qua về ở với qua chơi, hai em chịu hôn?” Thằng Hồi hỏi rằng:
– Nhà thầy ở đâu?
– Ở dưới Trà Vinh.
– Mẹ ơi! Xa quá, đi sao được?
– Như hai em chịu đi thì qua dắt cho mà đi chớ.
– Rồi làm sao mà bán sách? Ở Trà Vinh có tiệm sách như trên nầy hôn?
– Như ở với qua thì bỏ nghề bán sách đi chớ.
– Úy! Bỏ rồi cơm đâu mà ăn?
– Ăn cơm của qua. Ở nhà qua thì qua nuôi cơm, qua may áo quần cho mà bận, qua cho tiền ăn bánh ăn hàng chớ.
– Dưới Trà Vinh vui bằng trên nầy không thầy?
– Sao lại không vui.
– Có xe lửa, có tàu như ở đây vậy không?
– Xe lửa không có, còn tàu thì là tàu trên nầy lên xuống mỗi ngày.
– Không có xe lửa mà vui giống gì.Tôi ưa xe lửa lắm. Nó thổi hoét hoét rồi xịt xịt ầm ầm coi sướng quá.
– Trên nầy có xe lửa, còn ở dưới có cái khác cũng vui vậy chớ.
– Cái gì?
– Cái gì cũng có hết thảy.
– Nhà thầy có xe máy hôn?
– Không có.
– Xe máy cũng không có, vậy mà thầy nói giống gì cũng có đủ hết thảy.
– Xe máy mà bao nhiêu tiền, nếu muốn có thì mua, có gì khó.
– Tôi muốn tập đi xe máy quá. Hễ biết đi thì chiều chiều cỡi đi chơi, khoái biết chừng nào.
– Xuống dưới ở với qua rồi qua mua xe máy cho mà tập đi.
– Được a! Có vậy thì tôi chịu đi.
Thằng Hồi day qua nói với thằng Quì rằng: “Đi nghe hôn, Quì. Xuống Trà Vinh chơi mầy”. Thằng Quì lắc đầu không chịu đi. Thằng Hồi hỏi rằng:
– Sao mầy không chịu đi? Mầy sợ giống gì?
– Ở đây sướng rồi, đi đâu làm chi mậy.
Thằng Quì nói dứt lời, liền bỏ mà đi. Thằng Hồi châu mày ngó theo. Nó thấy thằng nọ lên khỏi đầu cầu rồi quẹo qua đường xuống nhà ga, nó kêu om sòm, thằng nọ đi tuốt. Túng thế, nó xá Chánh Tâm với Trọng Quí rồi đâm đầu chạy riết theo.
Trọng Quí hỏi Chánh Tâm rằng:
– Cậu rủ hai đứa nhỏ xuống Trà Vinh làm gì?
– Thấy hai đứa nó lanh lợi, muốn đem về nuôi để sai vặt trong nhà, và buồn để chúng nó nói chuyện bậy bạ nghe chơi vậy mà. Thằng nhỏ đó một tuổi với con tôi, năm nay mười tuổi. Con người ta không cha không mẹ mà chúng nó được như vậy đó không biết mấy năm nay thân con tôi nó ra thế nào.
Chánh Tâm vừa nói vừa ứa nước mắt. Trọng Quí không muốn cho Chánh Tâm nhớ tới chuyện buồn nữa, chàng ôm sách truyện đứng dậy rủ Chánh Tâm đi chỗ khác chơi. Còn thằng Hồi nó chạy theo kịp thằng Quí rồi hỏi thằng nọ vì cớ nào mà không chịu đi Trà Vinh. Thằng Quì cứ nói ở đây bán truyện sách ăn không hết, cần gì mà phải đi chỗ khác.Thằng Hồi nổi giận nói rằng:
– Tao tưởng mầy có ý gì khác, té ra mầy không chịu đi là tại ở đây bán sách kiếm tiền được, đi ra mầy sợ chết đói. Mầy kể có cái ăn, chớ không kể khôn dại gì hết.
– Ủa, có ăn mới sống, nếu không kể ăn thì làm sao mà sống được?
– Mình đi theo thầy đó, tự nhiên thầy phải cho mình ăn cơm chớ, lo cái gì. Mầy đọc nhựt trình với tao hôm trước mầy quên rồi sao?
– Nhựt trình gì?
– Nhựt trình họ biểu phải đi du lịch đặng mở trí khôn, mầy nhớ hôn?
– Ờ nhớ. Mà mình đi theo thầy đó là mình ở đợ với thầy, chớ có phải đi chơi hay sao mà kêu là du lịch.
– Ối! Ở đợ hay là ở giống gì cũng vậy, cần gì mậy. Miễn là trong trí mình không sợ ai, không cần ai, không phục ai là đủ rồi.Tao biểu mầy đi với tao. Mình đi cho biết xứ Trà Vinh chơi, như vui thì mình ở, còn như không vui thì mình về, có hại gì đâu.
Thằng Quì ngẫm nghĩ một mình rồi nói xui xị rằng: “Thôi, mầy muốn đi thì đi”. Thằng Hồi mừng rỡ, nó vỗ vai thằng nọ và nói rằng: “Mầy biết nghe lời tao như vậy tao chịu đa. Mình xuống Trà Vinh rồi mình đi chỗ khác nữa, mình đi cho giáp Lục Tỉnh chơi mà”.
Hai đứa nó mới dắt nhau đi kiếm hai thầy hồi nãy. Lên tới trước cửa Toà Bố chúng nó gặp. Thằng Hồi tỏ cho Chánh Tâm biết rằng chúng nó chịu đi theo.
Chánh Tâm gặc đầu, hỏi tên từ đứa và biểu chúng nó trả truyện sách cho người ta rồi lại nhà ngủ Nhơn Hoà mà ở, đặng sáng buổi sau đi tàu một lượt. Hai đứa nhỏ vưng lời trở lại tính tiền và trả truyện sách cho nhà bán sách. Chủ tiệm hỏi chúng nó vì cớ nào mà không bán sách nữa thì thằng Hồi nó bướng: “Tôi gặp cha tôi, nên cha tôi bắt tôi về”. Thằng Quì nghe lời xáo xược thì tức cười nôn ruột, nó chịu không được nên bỏ đi trước. Thằng Hồi còn ở nói dóc một hồi nữa rồi mới chịu đi.
Sáng bữa sau, Trọng Quí dắt Phùng Sanh xuống tàu Cần Thơ, còn Chánh Tâm thì dắt thằng Hồi và thằng Quì xuống tàu Trà Vinh. Khi anh em từ giã nhau, Trọng Quí nói rằng: “Cậu về dưới nhà, hễ xe tôi sửa rồi thì tôi đem Phùng Sanh qua ở ít bữa, rồi tôi rước cậu qua bên tôi”. Chánh Tâm gặc đầu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.