Vì nghĩa vì tình
Chương 17: BẮT MỐI PHĂNG LẦN
SÔNG rộng nước lớn đầy lai láng, tàu lui chưn vịt quạt đùng đùng. Trên đầu đôi bần giao nhánh xanh xanh, dưới khúc vịnh ghe trương buồm trắng trắng. Gió đùa nước lao xao dợn sóng, mây che trời lố xố tượng hình. Cửu long giang mà phía dưới Mỹ Tho có cảnh rất u nhàn, người du lịch ai lạc bước đến đó cũng động tình khấp khởi.
Chánh Tâm đi tàu Mỹ Tho xuống Trà Vinh đã nhiều lần rồi mà đến đây chàng nằm ngửa trên ghế bố, liếc mắt xem trời ngó nước tấc dạ cũng bồi hồi, huống chi thằng Hồi với thằng Quì thuở nay chưa đi tàu lần nào, chưa thấy được sông lớn, có lẽ nào chúng nó gặp cảnh như vậy mà khỏi buâng khuâng trong dạ. Chúng nó ngồi dựa bên nhau, ngó nước minh mông tứ phía, ngó buồm lấp ló xa xa, ngó hành khách qua lại dưới tàu, ngó cây cối gio gie trong mé, rồi trong lòng lo mà không biết lo việc chi, sợ mà không biết sợ việc chi, nên sững sờ, không nói chuyện, không giỡn trửng, Chánh Tâm nằm ngó hai đứa nhỏ một hồi, rồi kêu chúng nó lại một bên mà hỏi rằng: “Hai em có đói bụng thì lấy bánh mì trong giỏ đó mà ăn”.
Thằng Hồi lắc đầu cười và đáp rằng:
– Thầy đừng lo. Để chừng nào đói rồi hai đứa tôi sẽ ăn.
– Bây đi tàu coi vui hôn?
– Vui, mà sao trong bụng tôi lộn xộn quá.
– Sao lộn xộn?
– Không hiểu. Trong bụng tôi làm như thể sợ vậy.
– Sợ cái gì? Sợ chìm tàu hay sao?
– Phải a. Tôi sợ cái đó quá.
– Hổng có đâu. Giống gì mà tới chìm. Mà như có chìm thì chết hết, chớ chết gì một mình em hay sao mà em sợ.
Thằng Hồi cười ngỏn ngoẻn, tỏ ý nó sợ bậy. Chánh Tâm day qua hỏi thằng Quì rằng: “Còn thằng Quì, em sợ hôn?”. Thằng Quì lắc đầu.
Chánh Tâm buồn, bèn mở hoa ly lấy bộ truyện Tam Quốc ra rồi biểu thằng Hồi ngồi một bên mà đọc cho chàng nghe. Thằng Hồi ngồi đọc truyện, Chánh Tâm nằm ngó nó không nháy mắt.
Tàu vô vàm kinh Giao Hoà, thổi súp lê inh ỏi. Thằng Hồi ngưng đọc mà ngó. Chánh Tâm mới hỏi nó rằng:
– Em có trái giống hồi nào mà mặt rỗ chẳng như vậy?
– Hồi năm ngoái.
– Hồi em đau bịnh nầy, em ở đâu, ai nuôi em?
Thằng Hồi nghe hỏi tới đó thì ngó Chánh Tâm, rồi đứng dậy dòm hai bên bờ kinh, không chịu trả lời. Chánh Tâm nghi hai đứa nhỏ có ý riêng nên không chịu tỏ gốc gác, song nghĩ dần cho biết cũng không ích lợi gì, nên chàng không thèm hỏi tới nữa.
Tàu tới Trà Vinh, Chánh Tâm dắt hai đứa nhỏ lên chợ rồi mướn xe lên Láng Thé, xe chạy ra khỏi châu thành, thằng Hồi chưng hửng bèn hỏi Chánh Tâm rằng:
– Nhà thầy ở đâu thầy?
– Ở trên Láng Thé
– Ủa! Sao thầy nói thầy ở Trà Vinh.
– Thì Láng Thé cũng thuộc trong tỉnh Trà Vinh chớ đâu.
– Láng Thé là cái gì?
– Tên xứ chớ cái gì.
– Có chợ hôn?
– Có.
– Ờ được. Mà chợ Láng Thé bằng chợ Mỹ Tho hôn? Có tiệm bán sách hôn?
– Láng Thé là chợ nhà quê, bằng chợ Mỹ Tho sao được.
– Nếu vậy thì buồn lắm!
– Không có buồn đâu. Để lên đó mà coi.
– Chắc là như chợ Gò Đen vậy chớ gì. Phải hôn thầy?
– Ừ.
Thằng Hồi day qua ngó thằng Quì, coi bộ hai đứa không được vui.
Xe về tới nhà. Chánh Tâm kêu trẻ ở ra xách hành lý.
Thằng Quì ngó quanh quất, không thấy chợ, không thấy tiệm mà lại thấy trâu, bò ăn ngoài ruộng, rơm cỏ chứa trong sân, đường đi đất cục sắp lông chông, gió thổi tre kêu trèo trẹo, thì nó lấy làm lạ, nên hỏi Chánh Tâm rằng:
– Thầy ở đây sao thầy?
– Ừ, tới nhà qua rồi.
– Trời ơi! Ở đây buồn quá, thầy chịu nổi hay sao thầy?
– Thú vui theo ở đồng, chớ buồn là sao em.
Thằng Hồi và đi vô và nói tiếp rằng: “Tôi chịu ở chỗ như vầy lắm, mình tập cỡi trâu rồi chiều chiều mình cỡi đi chơi, ngộ chớ, phải hôn thầy? Thầy có trâu hôn?”. Chánh Tâm gặc đầu mà cười rồi dắt hai đứa nhỏ vô nhà.
Vợ chồng hương bộ Huỷnh là người quản lý tài sản của Chánh Tâm. Thấy có hai đứa nhỏ lạ, không biết chúng nó là con của ai nên hỏi thăm liền. Chánh Tâm cười và nói rằng “Hai đứa nầy ở trên Mỹ Tho, tôi đem về tôi nuôi chơi”. Hương bộ Huỷnh hối vợ ví gà bắt làm thịt đặng dọn cơm, còn anh ta thì xẩn bẩn trên nhà trên với Chánh Tâm và hai đứa nhỏ. Anh ta thấy thằng Quì lớn hơn thằng Hồi mà hai đứa đều bận áo vải trắng, quần vải đen như nhau, anh ta hồ nghi nên hỏi rằng: “Hai đứa bây phải là anh em ruột hay không?”. Thằng Hồi cười ngất mà đáp rằng: “Chú hỏi kỳ quá! Tuồng mặt thằng Quì như vậy mà anh ai. Thằng Quì nghe lời nói hỗn như vậy mà nó không giận, nó lại cười ngỏn ngoẻn và nói với Hương bộ Huỷnh rằng: “Không phải đâu chú. Hai đứa tôi là anh em bạn”.
Khi ăn cơm rồi, thì trời bắt đầu chuyển mưa, mây giăng đen kịt, gió thổi ồ ào, nên Hương bộ Huỷnh sửa soạn đốt đèn và đóng cửa: hai đứa nhỏ tính ham chơi bời, mà xuống đây lạ người, lạ cảnh, trên trời ầm ĩ, ngoài sân tối mò, chúng nó đi không được, nên nằm trên ván buồn hiu một hồi ngủ khò.
Qua bữa sau, vừa mới tảng sáng. Chánh Tâm còn ngủ, hai đứa mò ra phía sau kiếm nước rửa mặt, rồi dắt nhau đi chơi, cho đến mặt trời cao được vài sào chúng nó mới trở về. Chánh Tâm thấy chúng nó bước vô, bèn hỏi rằng: “Đi đâu từ hồi sớm mơi cho tới bây giờ? Lạ đi bây không sợ họ bắt hay sao?” Thằng Hồi đáp rằng:
– Bắt à? Hai đứa tôi đi chơi mà bắt giống gì, chớ phải ngủ bậy ngủ bạ như hồi ở trên Chợ Lớn hay sao mà sợ họ bắt.
– Bây có ở trên Chợ Lớn hay sao?
– Có chớ. Ở trên Chợ Lớn rồi mới xuống Mỹ Tho đó đa. Hai đứa tôi đi có ai dám bắt đâu.
Thằng Quì bước lại hỏi Chánh Tâm rằng:
– Ở đây có người gì mà kỳ cục quá vậy, thầy há?
– Người nào đâu?
– Tôi gặp ngoài đường nhiều lắm. Da đen thui, tóc quăn nín, coi in là Chà-và mà không râu, sóng mũi cao lại nói tiếng nghe khác Chà-và quá.
– Dân Cao Miên đó đa.
– Dân Cao Miên đó hay sao? Vậy mà tôi không ngờ chớ, ngộ quá há.
Chúng nó nói với nhau để thủng thẳng làm quen, rồi học nói tiếng, đặng đi Nam Vang chơi.
Đến trưa có một người thổ tên là Thạch Ken, tá điền của Chánh Tâm, đến nhà hỏi Hương bộ Huỷnh mà mượn lúa. Thằng Hồi với thằng Quì ngó thấy thì mừng lắm, nên đeo theo một bên mà nói chuyện. Thạch Ken có đi tập lính hai năm, lại trong sóc có người Việt Nam ở chung bộn bộn; bởi vậy nó biết nói tiếng Vệt Nam giỏi mà lại thông thạo phong tục Việt Nam nữa. Nó thấy hai đứa nhỏ vui vẻ, nó thương, nên hai đứa nhỏ không hiểu điều nào thì nó cắt nghĩa điều ấy, không nhút nhát chi hết. Chừng Thạch Ken về, thằng Hồi với thằng Quì xin phép Chánh Tâm đặng đi theo chơi cho biết trong sóc.
Chánh Tâm muốn cho hai đứa nhỏ vui lòng mà ở với mình, nên cho phép chúng nó đi chơi thong thả, không ngăn cản.
Thằng Hồi với thằng Quì lại nhà Thạch Ken chơi một lát rồi bắt Thạch Ken dắt đi cùng trong sóc, thấy đàn bà con gái bận áo cổ bồng thì ngó trân trân, nghe người Thổ nói chuyện với nhau thì biểu cắt nghĩa. Hai đứa nó quen được với Thạch Ken thì đắc ý lắm, nên ngày nào cũng kiếm Thạch Ken mà chơi, bữa thì theo lại Chùa coi mấy ông Lục lạy Phật, bữa thì dắt nhau ra ruộng câu cá, hoặc liệng chim.
Có một việc thằng Hồi ưa hơn hết là ngồi trên lưng trâu mà chơi, bởi vậy hễ ra đồng gặp trâu thì nó hay mượn Thạch Ken để cho nó cỡi chơi.
Khi mới xuống tới Láng Thé thì hai đứa nó buồn, mà ở được ít ngày rồi chúng nó quen thú thôn quê, lại không thấy Chánh Tâm bắt làm công việc chi hết, duy chỉ ghẹo cho chúng nó nói chuyện bậy bạ đặng cười chơi mà thôi, bởi vậy chúng nó hết buồn và không tính đi đâu nữa hết.
Một buổi chiều thằng Hồi rủ thằng Quì đi ra ruộng kiếm trâu của Hương bộ Huỷnh mà cỡi chơi. Thằng Quì không chịu đi, nó giận bỏ đi ra một mình.
Chánh Tâm thấy trời mát mẻ, nên xách một cái ghế ra để trước cửa mà ngồi coi sách. Thằng Quì ngồi trên thềm, dựa bên đó mà chơi. Thình lình nó hỏi rằng: “Thầy biết tại sao nó ưa cỡi trâu hôn”?
– Em nói giống gì?
– Tôi hỏi vậy chớ thầy có biết tại sao mà thằng Hồi nó ưa cỡi trâu hôn?
– Không.
– Tôi biết. Tại gốc nó ở ruộng, nên nó ưa trâu bò lắm.
– Nó nói với em cũng vậy, mà sao em không ưa còn nó lại ưa?
– Không. Tôi với nó khác chớ. Tôi từ nhỏ chí lớn ở chợ luôn luôn còn nó ở ruộng, sau mới về chợ mà!
– À. Hổm nay qua tính để qua hỏi em thử coi mà qua quên hoài, tới bữa nay mới nhớ. Mấy lần hỏi thăm thằng Hồi coi gốc gác cha mẹ nó ở đâu thì nó kiếm chuyện nói lảng không chịu tỏ thiệt cho qua biết. Tại sao vậy em?
Thằng Quì cúi mặt xuống đất, dụ dự không chịu nói. Chánh Tâm thấy làm kỳ, nên nói dịu ngọt rằng: “Qua thấy hai em còn nhỏ mà xiêu lạc bơ vơ qua thương, nên đem về mà nuôi. Nếu có việc gì thì nói thiệt cho qua biết, qua nỡ nào hại hai em hay sao, nên sợ mà không dám nói”. Thằng Quì ngồi lặng thinh một hồi rồi nói rằng:
– Hai đứa tôi có sợ gì đâu. Tại hai đứa tôi trốn cha mẹ mà đi, sợ cha mẹ theo bắt lại nên không muốn nói gốc gác cho ai biết.
– Đâu em nói thiệt qua nghe thử coi, em là con của ai ở đâu?
– Tôi là con của cặp rằng Hơn ở trên Đất Hộ.
– Còn thăng Hồi, nó là con của ai?
– Tôi không biết. Hồi nó được năm, sáu tuổi hai vợ chồng Tư Cu dọn nhà xuống ở trong đường hẻm, ngang cửa tôi đó, thì nó theo ở đó. Nó kêu chú Tư Cu bằng tía, kêu thím Tư Tiền bằng má, mà nó nói không phải cha mẹ nó. Nó nói cha mẹ ruột nó giàu lắm. Hồi trước nó ở nhà lầu với má nó, có bà nội nó và cô hai ở chung với má nó nữa.
Chánh Tâm nghe nói tới đó thì la lên một tiếng “Úy”, rồi buông cuốn sách và đứng dậy, mặt mày tái xanh. Thằng Quì tưởng có việc gì hại đến, nên nó cũng lật đật đứng dậy. Chánh Tâm chụp nắm tay nó mà hỏi rằng: “Em nói thiệt hay là nói chơi?” Thằng Quì chưng hửng, nên nó ngó Chánh Tâm trân trân và hỏi rằng:
– Nói thiệt giống gì?
– Em nói thằng Hồi là con nhà giàu, hồi trước nó ở nhà lầu với mẹ nó, có bà nội và cô hai ở đó nữa, thiệt như vậy hôn?
– Tôi không hiểu. Nó khoe với tôi như vậy đó, mà thằng đó nó nói dóc lắm, nên tôi sợ nó nói láo.
– Nó có nói với em, cha mẹ nó tên là gì hay không?
– Không.
– Còn người nuôi nó ở ngang cửa em đó, tên gì? Làm nghề gì?
– Tên là Tư Cu, làm sở Ba Son.
– Bây giờ còn ở đó hay không?
– Không. Năm ngoái chú đi ăn trộm, bị cò bắt ở tù. Thím trả phố rồi dắt thằng Hồi trở về trên Chí Hoà. Chừng má tôi làm chị tôi chết. Tôi giận bỏ nhà mà đi, tôi mới lên Chí Hoà mà kiếm thằng Hồi, rồi hai đứa tôi trốn đi xưa rày đây.
Chánh Tâm mắt ngó xuống đất, tay vuốt tóc, miệng nói lầm thầm rằng: “Tư Cu đi ăn trộm mà bị ở tù…Vợ trở về Chí Hoà”. Chàng đứng ngẫm nghĩ rồi biểu thằng Quì chạy kiếm thằng Hồi về lập tức. Thằng Quì vừa thót ra sân thì chàng kêu lại và dặn rằng: “Em kêu nó về cho qua biểu mà thôi. Như nó có hỏi có việc gì thì em cứ nói không biết”. Thằng Quì gặc đầu rồi chạy tuốt ra cửa.
Thằng Quì vừa mới đi được một chút xíu thì có tiếng xe hơi chạy ồ ồ bóp kèn, rồi thấy Trọng Quí quẹo vô cửa. Chánh Tâm dòm ra thấy Trọng Quí với Phùng Sanh ngồi trên xe thì mừng quýnh, lật đật chạy ra, tay thì mở cửa xe, miệng thì nói với Trọng Quí rằng: “Anh qua may quá. Không biết chừng tôi gặp được con tôi rồi anh”. Trọng Quí nghe nói như vậy thì nhảy phóc xuống đất và hỏi rằng: “Gặp hay là không gặp, chớ sao lại nói là không biết chừng?”
Chánh Tâm nắm tay Trọng Quí mà dắt đi ra ngoài đường, và đi và thuật cho Trọng Quí nghe mấy điều mà thằng Quì mới nói với chàng hồi nãy đó. Trọng Quí nghe rõ đầu đuôi rồi thì nói rằng:
– Nếu vậy thì phải rồi. Chắc là nó đó chớ ai.
– Khoan! Đừng có vội lắm.
– Tôi dám chắc phải rồi. Đi kiếm năm sáu năm mà không gặp, bây giờ khi không mà nó lại về nhà cậu. Trời đất khiến kỳ quá. Thôi, sẵn có xe hơi tôi đây, hai anh em mình đem nó lên cho mợ Ba mừng. Mợ gặp nó mợ hết giận nữa, thì cậu rước mợ về chớ gì.
– Nóng quá như vậy không được…
– Phải rồi mà! Hồi nhỏ nó ở nhà lầu với má nó, bà nội và cô hai nó, sau người nuôi nó là thằng ăn trộm; chuyện rõ ràng như vậy đó, cậu còn nghĩ gì nữa?
– Không có được. Để nó về đây tôi hỏi cho kỹ, rồi tôi lên Chí Hoà tôi kiếm vợ Tư Cu mà hỏi lại nữa. Chừng nào mình biết rõ Tư Cu chính là người mình cho con hồi trước thì mình mới dám chắc chớ.
– Tôi chắc rồi. Chánh Hội là nó đó.
– Sao ai lại cãi tên nó mà kêu là “Hồi”?
Trọng Quí đương ngẫm nghĩ, bỗng thằng Hồi và thằng Quì dắt nhau chạy về. Hai người đứng mà chờ hai đứa nhỏ. Chừng hai đứa nó về tới, thằng Hồi thấy Trọng Quí thì hỏi rằng: “ Hổm nay thầy có đọc mấy bộ truyện của thằng Quì bán cho thầy đó rồi hay chưa? Phải là đồ bỏ hay không thầy?”
Chánh Tâm với Trọng Quí cười rồi dắt nhau vô nhà. Vô tới sân, Thằng Quì thấy xe hơi, liền chạy lại leo lên bóp kèn, còn thằng Hồi thấy Phùng Sanh thì hỏi rằng: “Ê tụi! Hôm nay tụi có học hay chưa?”. Phùng Sanh mắc cỡ, day mặt chỗ khác, không thèm trả lời. Thằng Hồi lại nói với Chánh Tâm rằng: “Hổm nay tôi tập đã quen, nên bây giờ tôi leo lên lưng trâu một mình được rồi thầy. Khỏi ai đỡ nữa, sướng quá”.
Trọng Quí đứng cười ngất. Vô nhà rồi, Chánh Tâm liền kêu thằng Hồi lại đứng một bên và dùng lời dịu ngọt mà biểu nó thuật rõ ràng coi hồi nhỏ nó ở đâu, ở với ai, tại sao mà Tư Cu nuôi nó. Trọng Quí dắt Phùng Sanh lại ngồi ngang đó có ý đợi mà nghe coi thằng Hồi nó nói làm sao. Thằng Hồi đáp rằng: “Thầy hỏi chuyện đó làm chi, thầy. Thôi mà để tôi ra coi xe hơi chơi mà”. Nó nói dứt lời rồi dợm bỏ mà đi. Chánh Tâm nắm tay kéo lại mà hỏi nữa. Thằng Hồi đứng dụ dự mà không muốn nói. Thằng Quì liền biểu nó rằng: “Mầy cứ nói thiệt cho thầy nghe đi mà. Hồi nãy tao nói với thầy rồi, không còn gì nữa đâu mà mầy giấu”.
Thằng Hồi ngó thằng Quì rồi lại ngó Chánh Tâm mà hỏi rằng:
– Thằng Quì nói với thầy rồi hả?
– Ừ, nó nói rồi.
– Nó nói rồi thì thầy còn biểu tôi nói làm gì nữa?
– Qua muốn cho em nói đặng qua nghe rõ hơn.
– Vậy hả? Tía tôi tên Tư Cu bị ở tù, còn má tôi tên Tư Tiền, bây giờ ở trên Chí Hoà. Má tôi lấy anh Lành rồi chửi tôi hoài, tôi ghét tôi trốn đi theo chơi với thằng Quì đây.
– Tư Cu với Tư Tiền là cha mẹ nuôi của em, chớ không phải là cha mẹ ruột mà, phải hôn?
– Phải.
– Vậy chớ thiệt em là con của ai?
– Tôi không biết.
– Vậy sao thằng Quì nó nói hồi nhỏ em ở nhà lầu có bà nội, có cô Hai nữa?
– Phải, ba tôi đi Tây.
Chánh Tâm nghe thằng Hồi câu chót đó thì biến sắc nên chụp tay kéo lại ngay trước mặt rồi nhìn nó trân trân. Trọng Quí cũng vùng đứng dậy và hỏi rằng: “Em biết ba em tên gì hay không? Thằng Hồi lắc đầu. Chàng hỏi nữa rằng: “Em nói hồi nhỏ em ở nhà lầu, mà em nhà ở đâu hay không? Thằng nhỏ cũng lắc đầu nữa.
Chánh Tâm nhìn nó một hồi lâu rồi gục gặc đầu mà hỏi rằng:
– Ai đặt tên cho em là Hồi đó?
– Tía má tôi.
– Hồi em ở nhà lầu đó, má em kêu em bằng tên gì?
– Tên Hội.
– Hả?
– Hồi nhỏ tôi tên Hội.
Chánh Tâm ngó Trọng Quí và nói rằng: “Phải rồi”. Trọng Quí gặc đầu và đáp rằng: “ Tôi dắt nó lên cho mợ Ba coi”. Chánh Tâm đứng dậy châu mày và hỏi thằng Hồi nữa rằng:
– Em bị đau trái giống hồi nào?
– Năm ngoái, hồi tía tôi ở tù, má tôi đem về Chí Hoà rồi tôi mới đau.
Chánh Tâm nói với Trọng Quí rằng: “Tôi phải dắt nó đi kiếm Tư Tiền mà hỏi thăm gốc gác cho chắc đã, chớ không nên hốp tốp lắm”. Trọng Quí gặc đầu đáp rằng: “Vậy thì cậu sửa soạn rồi đi liền bây giờ. Sẵn có xe tôi đây. Tôi đi với cậu nữa”. Chánh Tâm lật đật đi thâu xếp áo quần bỏ vô hoa ly. Còn Trọng Quí kêu thằng Quì với thằng Hồi mà biểu sửa soạn đặng đi Sài Gòn.
Thằng Quì nói rằng: “Tôi không đi Sài Gòn đâu thầy. Về trển lỡ gặp tía má tôi rồi sao?”, Thằng Hồi lại hỏi rằng: “Tôi mới nghe nói phải đi kiếm má tôi. Kiếm chi vậy, thầy. Hễ má tôi thấy tôi thì má tôi bắt tôi còn gì?”.
Trọng Quí cười và hai tay vỗ vai hai đứa nhỏ mà nói rằng: “Hai em đừng lo gì hết. Có qua với cậu bảo hộ cho, không hại gì đâu mà sợ. Em Hồi, để qua nói cho em biết, qua chắc em gần gặp ba mẹ ruột của em rồi. Em sẽ trở về cái nhà hồi nhỏ đó mà em ở”.
Thằng Hồi ngó Trọng Quí trân trân, tuy nó không hiểu cha mẹ ruột nó ở đâu, song nó nghe nói như vậy thì bộ mặt coi tươi lắm.
Chánh Tâm sửa soạn đồ xong rồi, thì trời đã chạng vạng tối. Trọng Quí kêu sớp phơ xách hành lý lên xe và thôi thúc Chánh Tâm với ba đứa nhỏ ra đi. Chàng sắp thằng Quì ngồi trước với sớp phơ, còn chàng với Chánh Tâm ngồi hai bên phía sau, thằng Hồi với Phùng Sanh ngồi giữa.
Sớp phơ đạp máy, phựt đèn lên sáng loà, rồi xe hơi rút chạy, tiếng máy ồ ồ, tiếng kèn te te.Thằng Hồi phơi phới trong lòng nên dựa bên mình Chánh Tâm, miệng chúm chím cười hoài. Chánh Tâm choàng tay qua ôm nó và lại nói với Trọng Quí rằng: “ Nếu quý thiệt là nó thì tôi cảm ơn trời phật lắm”.
Trọng Quí cười và hối sớp phơ chạy cho mau.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.