Vì nghĩa vì tình
Chương 3: PHẾ NHÀ CHUỘC TỘI
Qua ngày sau, lối ba giờ chiều, Lữ Trọng Quí ngồi tại bàn viết thơ cho hai ba người đặng hỏi coi như muốn mua chành lúa thì chàng bán.
Ông Hội đồng Quyền nằm trên ván phía trong, lim dim dựa bên mâm hút. Cô Năm Đào xẩn bẩn sau bếp coi cho bầy trẻ nấu ăn, còn con Lý thì nó lục đục ngoài hiên, lấy những trái mận sắp hàng ngang hàng dọc trên gạch.
Có một cái xe kéo quẹo vô ngõ chạy vòng theo bồn bông trong sân. Trọng Quí ngó ra, thấy Lý Chánh Tâm thì lật đật buông viết chạy lại cửa mà tiếp khách. Trọng Quí nắm tay Chánh Tâm dắt vô nhà hỏi rằng:
– Bữa nay trong mình cậu thiệt mạnh hay chưa?
– Mới khá khá chớ chưa thiệt mạnh.
– Nếu cậu không qua thì chắc vài bữa tôi cũng đi qua bển thăm cậu.
– Tôi buồn quá, ở nhà chịu không được nên tôi ráng mà đi cho giải khuây.
– Cậu ngồi đây.
Người kéo xe xách hoa ly đem vô. Chánh Tâm móc túi lấy bạc cắc mà trả. Trọng Quí kêu thằng Phục biểu vác hoa ly vô để trong phòng khách rồi đi chế nước trà đem uống. Hai người lăng xăng làm cho ông Hội đồng giựt mình lồm cồm ngồi dậy. Cô Năm Đào hôm qua nghe thuật chuyện Chánh Tâm nghi lầm mà làm cho vợ điên con mất thì cô có ý trông Chánh Tâm qua đặng coi như thế nào, bởi vậy cô thấy lộn xộn phía đàng trước, cô lật đật chạy ra. Trọng Quí tiến dẫn cậu với em cho Chánh Tâm. Chánh Tâm cúi đầu chào ông Hội đồng rồi chào cô Năm Đào. Chàng ngó hai người, nhưng mà chàng đến đây chớ trí ở theo vợ con, bởi vậy chàng ngó mà không thấy chi hết.
Trọng Quí với Chánh Tâm ngồi tại bộ sa lông giữa mà uống nước. Cô Năm Đào lại bộ ván ngang đó ngồi mà ăn trầu, chỗ cô ngồi thì ngay mặt Chánh Tâm, nhưng mà Chánh Tâm ngồi cứ ngó xuống dưới gạch hoài, chẳng ngó cô một lần nào. Cô nhìn xem hình dáng Chánh Tâm, thì thấy người không cao lớn cho lắm, song vai rộng, tay cứng, bộ tướng mạnh dạn mà lại buồn rầu nên gò má thỏn, nước da mét, con mắt sâu hóm, con ngươi không thần, miệng biếng nói, tay biếng động. Chánh Tâm ngồi trơ trơ dường như ngồi ngoài đồng một mình vậy. Trọng Quí thấy chàng bất thần thất chí thì ứa nước mắt, song gượng gạo làm khuây mà hỏi rằng:
– Hổm nay cậu có được thơ của cô ba hay không?
– Cô Ba nào?
– Cô Ba Hài là dì của mợ Ba.
– Không có.
– Hôm ở Tây Ninh tôi đưa cậu về, tôi căn dặn cô hết sức, tôi xin cô dầu mợ Ba có bớt hay không cũng phải viết thơ cho tôi hoặc cho cậu hay. Mà sao hổm nay hơn mười bữa rồi, tôi không được thơ mà cậu cũng không được nữa kìa, kỳ cục dữ! Hôm mình sửa soạn về, tôi lên chùa tôi thăm thì coi mợ Ba khá lắm, mợ biết tôi, mợ nói chuyện mợ khóc. Có lẽ bữa nay khá hơn nữa chớ, sao không có thơ?
– Hôm qua tôi sai bầy trẻ đi đánh dây thép cho anh, tôi có viết thơ cho dì Ba. Tôi có nói tôi đi qua bên anh, nên tôi xin dì trả lời thẳng qua bên nầy cho tôi biết coi bịnh vợ tôi ra thế nào. Tôi muốn đi lên trển quá, ngặt vì hễ tôi thấy mặt vợ tôi thì trong lòng đau đớn chịu không nổi nên tôi không dám đi.
– Cậu còn yếu lắm, phải dưỡng tinh thần ít ngày cho khoẻ khoắn rồi sẽ đi.
– Còn cái nỗi kiếm thằng con tôi nữa! Biết nó ở đâu mà kiếm bây giờ!
– Chuyện đó hổm nay tôi cũng lo hết sức. Tôi tính như vầy để tôi nói cho cậu nghe thử coi có được hay không? Bây giờ mình viết một bài thuật sơ chuyện cậu bắt đặng ăn trộm và cậu cho nó một đứa nhỏ. Mình mướn vài tờ nhựt báo rao cho thiên hạ biết và hứa hễ ai đem đứa nhỏ ấy mà trả, hoặc chỉ cho mình đến mà bắt thì mình thưởng hai ngàn đồng bạc. Làm như vậy thì hoặc may mới ra mối, chớ đi kiếm bây giờ biết nó ở đâu mà đi?
Chánh Tâm ngồi lặng thinh, không nói được, mà cũng không nói không. Ông Hội đồng bước ra nói rằng: “Cháu bày cái chước đó hay lắm đa. Mình hứa thưởng nhiều, họ ham tiền họ mới đem họ trả. Quân ăn trộm có cần gì nuôi con nuôi. Nó đem trả lại mà lãnh hai ngàn đồng bạc không sướng hay sao?”.
Trọng Quí ngó Chánh Tâm, có ý trông coi chàng nhứt định lẽ nào, té ra Chánh tâm cũng ngồi trơ trơ, không nói chi hết.
Cô Năm Đào bèn nói rằng: “Chước của anh hai bày đó thì hay thiệt mà có chỗ chẳng tiện. Anh rao trong nhựt trình mà anh đem tên họ cậu Tú tài vô anh nói cậu bắt đặng ăn trộm rồi bồng con của cậu mà cho lỡ nó bây giờ chuộc lại. Chuyện nghe kỳ quá người ta không rõ căn do, người ta dị nghị rồi mất danh tiếng cậu Tú tài chớ”.
Trọng Quí gặc đầu nói rằng: “Em nói phải lắm. Qua sơ ý chỗ đó. Thôi để qua rao nhựt trình qua thuật chuyện như vậy, qua nói rõ nhà ở đường nào, số mấy, song qua không nói tên ai. Sau chót qua biểu ai trả hoặc chỉ thằng nhỏ thì do nơi qua, rồi qua ký tên qua thì cậu Tú tài khỏi mang tiếng chi hết”.
Cô Năm Đào cười và nói rằng: “Làm như vậy mới được. Chuyện nầy tại anh gây ra thì anh gánh vác hết thảy mới phải”.
Trọng Quí ngó Chánh Tâm mà hỏi rằng: “Tôi làm như vậy cậu chịu hôn?”.Chánh Tâm châu mày đáp rằng: “Thân phận tôi bây giờ mà còn lo giữ danh tiếng làm gì. Tôi không còn trí hoá chi hết. Vậy anh tính làm sao thì tính dùm cho tôi, miễn là cha con vợ chồng tôi được sum hiệp lại như xưa thì tôi cám ơn anh lắm”.
Chánh Tâm nói mà hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Cô Năm đào cảm quá chịu không được nên cô bỏ đi vô nhà trong.
Trọng Quí khuyên Chánh Tâm vô phòng thay đồ mát nghỉ một chút rồi ăn cơm.
Đúng năm giờ cơm dọn xong rồi chủ khách mới đi ăn.
Trọng Quí với Chánh Tâm ngồi một bên, còn ông Hội đồng, cô Năm Đào và con Lý ngồi một bên. Chánh Tâm ngồi ngay cô Năm Đào. Cô là con gái một con, lại mới 23 tuổi mà goá chồng, cô đang hồi xuân xanh như hoa vừa nở, như trăng đương tròn, da trắng môi son, má miếng bầu, mày vòng nguyệt, tay gắp đồ ăn coi dịu nhỉu, tiếng nói chuyện trong ngân, mà Chánh Tâm cầm cô cũng như một khúc cây khô, chàng ngồi cứ chống đũa xuống bàn, có khi cô nói thì chàng ngó cô, mà ngó thì ngó chớ không thấy cái vẽ hữu duyên, hữu đức của cô chút nào hết.
Ăn cơm rồi mà trời còn sớm, Trọng Quí biểu đem xe ra rồi mời Chánh Tâm đi dạo Châu Thành Cần Thơ hoặc đi vô Cái Răng chơi. Chánh Tâm lắc đầu không chịu đi. Trọng Quí bèn hỏi cô Năm Đào như muốn đi chơi thì lấy xe mà đi. Cô Năm Đào cũng không chịu đi, túng thế Trọng Quí phải biểu đem xe vô cất.
Mặt trời chen lặn, yếng sáng giọi mấy cụm mây hướng Tây đỏ lòm. Chánh Tâm chấp tay sau đít, thơ thẩn đi ra ngoài sân. Bông móng tay, bông chuối nước, bông bụp tụi, bông mồng gà đua nở khoe màu sắc, chậu bạch mai, chậu kim quít, chậu nào nhánh sửa coi cũng hay. Mà Chánh Tâm đi gần bông không ngó, đi gần kiểng không xem, trong trí chàng chứa đầy những bi thảm về nỗi vợ con, bởi vậy chàng chẳng còn biết chi là vui, chẳng còn biết chi là đẹp!
Tối lại chàng cứ ngồi ngó đèn. Trọng Quí có hỏi thì chàng mới nói, bằng không thì chàng cứ nín thinh hoài. Đồng hồ mới gõ 8 giờ thì chàng xin phép vào phòng mà nghỉ.
Trọng Quí thấy cử chỉ của Chánh Tâm như vậy thì chàng đau đớn trong lòng, nên nằm trằn trọc hoài, ngủ không được. Chàng thầm trách chàng; tại chàng tưởng lầm mới phiền trách Tố Nga khiến nàng tự vận, không còn chứng đối được, nên vợ chồng tan rã, cha con phân ly. Cái tội của chàng lớn lắm; vậy chàng phải lo mà cứu vợ tìm con cho Chánh Tâm trước rồi chàng sẽ tính việc thằng con của chàng sau.
Chàng nằm cứ buồn lo tính hoài, cho đến 3 giờ khuya, mòn mỏi nên chàng mới nghỉ được.
Tảng sáng, Chánh Tâm thức dậy, mà Trọng Quí còn ngủ.
Chánh Tâm rửa mặt rồi ra đứng dựa cửa ngó mông.
Con Lý ở phía sau chạy ra, nó thấy Chánh Tâm đứng đó nó tưởng là cậu Bác vật của nó, nên nó a lại nó ôm bắp vế. Chánh Tâm ngó xuống và vói tay rờ đầu nó. Nó, ngó lên thấy Chánh Tâm chớ không phải Trọng Quí thì nó mắc cỡ, nên buông ra mà đi. Chánh Tâm ngó thấy con nhỏ trắng trẻo, ngộ nghĩnh, bèn ngoắt lại mà hỏi rằng:
– Em là con của ai?
– Con của má tôi.
– Má em là ai?
– Má tôi ở đằng sau kia. Má tôi ăn cơm hồi chiều hôm qua đó.
– Còn ba em đâu?
– Ba tôi chết rồi.
– Ủa! Ba em chết hay sao?
– Chết.
– Em mấy tuổi?
– Tôi 5 tuổi.
– Một tuổi với Chánh Hội.
Con Lý không hiểu nghĩa câu nói chót của Chánh Tâm nên nó ngó chàng trân trân, rồi đi vô trong. Cách chẳng bao lâu nó ôm ra một hộp đồ chơi rồi xề giữa cửa sắp ra mà chơi.
Chánh Tâm đứng ngó nó. Chàng nghĩ thầm rằng: con mồ côi cha mà cũng được sung sướng, con của mình bây giờ ở với quân trộm cướp, chơi chắc là ở trần ở truồng, ngủ chắc là không mền không mùng, ăn chắc là bữa no bữa đói. Phải chi hồi bên Tây mình chết phứt thì con mình nó có bị hoạn nạn như vậy đâu! Vợ mình nó sung sướng chớ có đâu đến điên cuồng!
Chánh Tâm nghĩ như vậy rồi khóc. Con Lý lấy làm kỳ, nên lật đật chạy vô trong nhà mét với má nó. Cô Năm Đào nghe nói Chánh Tâm ngó con mình mà khóc thì cô hiểu chàng nhớ con, bởi vậy cô không ra mà cô cũng không cho con Lý ra ngoài nữa.
Chánh Tâm ở tại nhà Trọng Quí năm ngày, bữa nào cũng như bữa nấy, chàng buồn bực thơ thẩn hoài. Chàng muốn đi thăm vợ mà sợ thấy mặt vợ chàng chịu không được: chàng muốn đi tìm con mà không biết con ở đâu mà tìm!
Một buổi sớm mơi, Trọng Quí đương ngồi đọc nhựt trình còn Chánh Tâm thì nằm trên ghế xích đu lặng thinh. Có người đem nhựt trình với thơ lại. Trọng Quí lục thơ, thấy có một phong thơ gởi tại Chợ Lớn để tên Chánh Tâm thì nói rằng: “Thơ Chợ lớn gởi cho cậu đây, chắc là thơ của cô Ba. Đâu cậu coi thử coi”. Chánh Tâm mở thơ ra thiệt quả là thơ của cô Ba Hài, là dì của Cẩm Vân, nói như vầy:
“Dì mới được thơ của cháu; nên dì mướn người ta viết thơ nầy mà trả lời cho cháu rõ.
Lúc cháu nằm dưỡng bịnh tại nhà thương Tây Ninh, dì xuống thăm cháu mấy lần, thì dì đã có nói cho cháu hay rằng con Cẩm Vân khá khá, nó tỉnh chút đỉnh. Bữa cháu sửa soạn về, cậu Bác vật Quí lên chùa thăm nó thì nó biết cậu, nên nó nói chuyện với cậu mà khóc. Tuy vậy mà bữa ấy nó nói còn hơi lãng chút đỉnh.
Nhờ Bà phò hộ, nên cháu về rồi thì mỗi ngày nó tỉnh thêm được một chút. Nó theo đòi về hoài, nó biểu dì đem nó về đặng nó kiếm con nó.
Dì thấy nó tỉnh, nó biết hỏi con nó; và hễ dì nói tới tên cháu thì nó biết giận, bởi vậy bữa hôm kia dì mướn xe hơi đem về. Nó bước vô nhà coi bộ nó mừng, mà hễ nó nhớ tới con nó thì nó khóc, có khi nó khóc tới một hai giờ đồng hồ.
Dì nghe nói ở Sài Gòn có một ông thầy thuốc giỏi về bịnh cuồng trí. Hôm qua dì có mướn người ta rước vô coi mạch nó. Ông thầy thuốc nói nếu nó được thong thả trí, đừng có buồn, đừng có giận, thì nó mạnh được.
Ông căn dặn phải gìn giữ đừng có làm cho nó buồn, đừng có chọc nó giận.
Vậy dì viết thơ nầy cho cháu biết cháu đừng có lên trên nầy, bởi vì hễ ai nói tên cháu thì nó giận lắm, nếu cháu lên, nó thấy mặt nó nổi giận, rồi sợ e không xong.
Cháu báo hại vợ cháu đến nước nầy, dì nghĩ dì phiền lắm. Đã biết hồi cháu đi hỏi mà cưới, tại nó ưng, chớ dì không muốn gả, nhưng mà nó mồ côi, lại còn trẻ tuổi, dì thế cho mẹ nó, mà dì không cản trở, thì dì cũng có lỗi chớ chẳng không. Thôi việc dĩ lỡ ra rồi, thì dì cũng phải ráng mà nuôi nó. Cháu đừng có lân la đến nữa mà hại nó. Nếu cháu đến, mà có bề nào thì dì không thế dung cháu được…
BA HÀI”
Chánh Tâm đọc thơ mà nước mắt tuôn dầm dề. Chàng đọc rồi chàng trao thơ cho Quí. Quí thấy thơ nói như vậy thì chàng buồn, chớ không biết liệu lẽ nào. Chàng ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói với Chánh Tâm rằng: “Ông thầy thuốc nói đó thì phải lắm. Chứng bịnh của mợ Ba phải cữ sự buồn với sự giận. Cái giận có lẽ cữ được. Còn cái buồn biết làm sao mà cữ bây giờ? Phải tìm cho được thằng cháu mà trả cho mợ, mẹ con gặp nhau thì mợ mới hết buồn. Thôi, để tôi đi tìm thằng cháu cho”.
Chánh Tâm ngồi ngó trân trân ngoài sân, chừng nghe Trọng Quí nói dứt rồi chàng đứng dậy mà nói rằng: “Tôi phải đi thăm vợ tôi mới được.Thây kệ! Tới đâu hay đó. Nếu nó thấy mặt tôi, nó có bề nào thì tôi tự vận tôi chết phứt cho rảnh, chớ sống như vầy, còn sống làm gì”.
Trọng Quí ngó chàng và đáp rằng:
– Cậu phải dằn lòng, để thủng thẳng mà tính, chớ cậu nóng không nên.
– Dằn lòng sao được! Vợ tôi như vậy, con tôi mất rồi, biểu tôi ngồi làm sao mà ngồi cho yên?
– Điều cần nhứt là phải lo cho mợ Ba vững trí lại đã, rồi thủng thẳng sẽ kiếm thằng cháu mà giải sầu não cho mợ Ba. Nếu mợ Ba vừa mới tĩnh, mà cậu lên cậu chọc giận thì làm sao người ta trị bịnh cho được. Cậu phải xét lại.
– Tôi xét rồi. Tôi phải đi thăm vợ tôi. Tôi đi liền bữa nay đây.
– Không có được. Cậu phải nghe lời tôi. Để tôi lo cho. Hổm nay tôi còn ở nhà đây là vì việc nhà tôi lộn xộn lắm, tôi phải lo sắp đặt cho yên rồi tôi có lo đi làm việc cho cậu.
Chành lúa tôi đã làm giấy bán đứt rồi, còn ruộng đất của tôi thì tôi cũng đã cho người hóa xong hết. Vậy kể từ bữa nay tôi rảnh rang không còn làm việc gì nữa. Cậu ở tại nhà tôi đây mà dưỡng bịnh. Cậu đưa cái hình chụp thằng cháu cho tôi. Sáng mai tôi đi cho, tôi lên thăm mợ Ba, tôi đi tìm cháu, tôi đi thế cho cậu thì tiện hơn.
– Không được. Anh đi mà tôi nằm nhà đây sao yên.Tôi phải đi!
– Cậu đi sao được. Cậu không nên cho mợ Ba thấy mặt.
– Dầu tôi không được thăm vợ tôi, thì cũng để cho tôi đi kiếm con tôi chớ!
– À, nếu cậu hứa cậu không đến nhà mà thăm mợ Ba thì tôi dắt cậu đi với tôi. Mà cậu còn yếu quá, tôi sợ cậu đi, cậu sanh bịnh lại thì còn khổ hơn nữa.
– Tôi mạnh rồi. Anh đừng lo cho tôi nữa. Anh để tôi đi một mình, chớ anh đi với tôi rồi anh bỏ nhà cửa ai coi.
– Việc của tôi thì đã tính xong rồi hết. Tôi đã cậy con em tôi là con Năm Đào, nó coi nhà giùm cho tôi. Nó hứa rằng chừng cậu tôi thôi uống thuốc, cậu tôi về Trà Bang thì nó cũng ở lại đây mà giữ gìn cho tôi.
Nói cùng mà nghe, dầu tôi lo việc cho cậu mà có hư nhà hại cửa đi nữa, tôi cũng cam chịu, bởi vì tại tôi làm cậu mang hại thì tôi phải lo chớ.
– Thôi, như anh muốn đi thì phải sửa soạn đi, chớ tôi đi liền bây giờ, tôi không thể ở đây nữa được.
– Tự ý cậu. Cậu muốn đi liền thì đi.
Hai người đi sửa soạn hành lý. Cô Năm Đào ở trong lóng nghe hai người bàn tính với nhau như vậy thì lật đật hối trẻ dọn cơm.
Ăn cơm rồi, Trọng Quí biểu sớp-phơ đem xe hơi ra. Chàng bước vô trong nhà dặn cô Năm Đào coi nhà, rồi mới từ giã cô mà lên xe đi Sài Gòn với Chánh Tâm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.