Việt Nam sử lược – Quyển 2

Cận kim thời đại: CÔNG-VIỆC CỦA NGƯỜI PHÁP TẠI VIỆT-NAM



CHƯƠNG XVI

CÔNG-VIỆC CỦA NGƯỜI PHÁP TẠI VIỆT-NAM

1. Đà-nẵng, Hà-nội, Hải-phòng thành đất nhượng-địa
2. Việc kinh-doanh ở các xứ bảo-hộ
TỔNG-KẾT

1. ĐÀ-NẴNG, HÀ-NỘI VÀ HẢI-PHÒNG THÀNH ĐẤT NHƯỢNG-ĐỊA. Từ khi sự đánh-dẹp ở các nơi đã yên rồi, các viên Tổng-đốc toàn-quyền lần lượt sang kinh-doanh việc Đông-pháp và lo mở-mang về đường chính-trị, kinh-tế và xã-hội theo chính-sách của nước Pháp.

Tháng ba năm mậu-tí ( 1888 ) tức là năm Thành-thái nguyên-niên, ông Richaud sang làm Tổng-đốc toàn-quyền. Tháng tám năm ấy, Triều-đình ở Huế ký giấy nhường hải-cảng Đà-nẵng, thành-thị Hà-nội và Hải-phòng cho nước Pháp để làm đất nhượng-địa nghĩa từ đó là việc cai-trị và pháp-luật ở ba thành-thị ấy thuộc về nước Pháp, chứ không thuộc về nước Nam nữa. Trừ ba thành-thị ấy ra, thì việc cai-trị ở các tỉnh trong toàn hạt Bảo-hộ vẫn để quan-lại làm việc như cũ, nhưng phải do người Pháp điều-khiển và kiểm-duyệt.

2. VIỆC KINH-DOANH Ở CÁC XỨ BẢO-HỘ. Cuộc Bảo-hộ đã lập xong, người Việt-nam vì thế bất-đắc-dĩ phải chịu, nhưng phần nhiều người trong lòng còn mong khôi-phục nước nhà, cho nên chính-phủ Bảo-hộ một mặt thì lo việc phòng giữ, một mặt lo mở-mang các công-cuộc kiến-thiết để gây thêm mối lợi. Về đường phòng-giữ, thì chính-phủ lập ra những đội binh bảo-an, lấy người bản-xứ làm lính. Những lính ấy đội một thứ nón dẹt có giải xanh và múi thắt lưng xanh, cho nên tục gọi là lính khố xanh. Lính ấy do người Pháp cai-quản ở dưới quyền quan cai-trị người Pháp, cho đi canh giữ các dinh-thự, các công-sở, và cho đi đóng đồn ở các nơi trong vùng thôn-quê, để phòng-giữ trộm cướp. Ở những nơi hiểm-yếu thì có lính Pháp và lính khố đỏ đóng. Lính khố đỏ là một thứ bộ binh người bản-xứ, cách ăn-mặc cũng như lính khố xanh, chỉ khác là quai nón đỏ mà múi thắt lưng đỏ. Những lính ấy có cơ, có đội do sĩ-quan Pháp cai-quản ở dưới quyền nhà binh Pháp. Khi có việc gì quan-hệ thì đem lính Pháp và lính ấy ra đánh-dẹp.

Về việc hành binh và việc thương-mại, thì chính-phủ Bảo-hộ trước hết phải lo sửa-sang và mở-mang thêm đường-sá cho tiện sự giao-thông. Vì rằng có đường thì khi hữu sự, việc đánh-dẹp mới tiện-lợi và việc buôn-bán cũng nhân đó mà được dễ-dàng. Bởi vậy thoạt đầu tiên chính-phủ mở thương-cục, lập xưởng làm tàu thủy chở hàng-hóa và hành-khách đi trong các sông ở trong xứ.

Năm tân-mão ( 1891 ), ông De Lanessan sang làm Tổng-đốc toàn-quyền, mở đường xe lửa từ Phủ-lạng-thương lên đến Lạng-sơn, đến năm giáp-ngọ ( 1894 ), con đường ấy mới xong. Chủ-đích là để cho tiện sự phòng-giữ ở chỗ biên-thùy.

Chính-phủ Bảo-hộ lại lo mở-mang thêm bờ-cõi về phía Lào. Nguyên đất Lào ngày trước vẫn thần-phục nước Nam. Những nơi như Trấn-ninh, Cam-môn, Cam-cát, v.v. về đời vua Minh-mệnh đã lập thành phủ huyện và đặt quan cai-trị cả. Nhưng về sau nước ta suy-nhược lại có việc chiến-tranh với nước Pháp, cho nên nước Tiêm-la mới nhân dịp mà sang chiếm-giữ lấy. Sau có người Pháp tên là Pavie sang dụ nước Lào nhận sự bảo-hộ của nước Pháp, rồi đến đầu năm quí-tị ( 1893 ), quân Pháp sang lấy lại những đất cũ thuộc về nước Nam ta trước. Bấy giờ quân Tiêm-la ở mạn Cam-môn giết mất một người quan binh Pháp, người Pháp bèn sai hải-quân đem hai chiếc tàu chiến vào sông Mê-nam, lên đậu ở gần thành Băng-cốc ( Bangkok ). Ngày 24 tháng 8 năm ấy, nước Tiêm-la phải ký hòa-ước, nhường những đất Lào cho nước Pháp bảo-hộ, hạn trong một tháng phải rút quân đóng ở bên tả-ngạn sông Mékong về, lại phải bồi thường 2 triệu phật-lăng, và phải trị tội những người dám chống-cự với người Pháp.

Người Pháp lập phủ Thống-sứ ở Vientiane để cai-trị các địa-hạt bên Lào.

Năm ất-vị ( 1895 ), viên Tổng-đốc toàn-quyền Rousseau sang thay ông De Lanessan, thấy còn nhiều nơi chưa yên bèn vay nước Pháp cho Bắc-kỳ 80 triệu phập-lăng, để chi-tiêu về việc đánh-dẹp và việc mở-mang.

Năm đinh-dậu ( 1897 ), ông Doumer sang làm Tổng-đốc toàn-quyền, chỉnh-đốn lại việc tài-chánh và việc chính-trị. Lập ra sổ chi-thu chung cả toàn cảnh Đông-pháp, định các thứ thuế : thuế đinh, thuế điền, thuế thổ, thuế xuất-cảng, nhập-cảng, v.v., và cho người được độc-quyền lĩnh trưng thuế rượu, thuế muối, thuế nha-phiến. Bỏ nha Kinh-lược ở Bắc-kỳ, giao quyền lại cho viên Thống-sứ ( tháng 6 năm đinh-dậu 1897 )[1], vay nước Pháp 200 triệu phật-lăng, để mở đường hỏa-xa trong xứ Đông-pháp và mở-mang thêm việc canh-nông và việc công-nghệ.

Năm nhâm-dần ( 1902 ) ông Doumer về Pháp, ông Beau sang làm Tổng-đốc toàn-quyền. Ông Beau chủ việc khai-hóa dân-trí, lo mở-mang sự học-hành và đặt ra Y-tế-cục, làm nhà bệnh-viện, để cứu-giúp những kẻ yếu-đau nghèo-khổ. Ấy là những công-việc làm của chính-phủ bảo-hộ vậy.

TỔNG KẾT

Sách VIỆT-NAM SỬ-LƯỢC này chép đến đây hãy tạm ngừng, để sau có tài-liệu đầy-đủ và các việc biến-đổi ở nước Việt-nam này được rõ-rệt hơn, sẽ làm tiếp thêm[2].

Việc chép lịch-sử cũng như việc dệt vải dệt lụa, dệt xong tấm nào mới biết tấm ấy tốt hay xấu, còn tấm đang dệt, chưa biết thế nào mà nói được.

Ta chỉ biết rằng các dây sợi dệt tấm Nam-sử này còn dài, người dệt tuy phải lúc đau yếu, bỏ ngừng công-việc, nhưng còn mong có ngày khỏe-mạnh lại dệt thêm, có lẽ lại dệt được tốt đẹp hơn, cũng chưa biết chừng.

Mặc dù nước Việt-nam hiện nay được hoàn toàn độc-lập nhưng sự hay-dở tương-lai chưa biết ra thế nào ? Song người bản-quốc phải biết rằng phàm sự sinh-tồn tiến-hóa của một nước, là ở cái chí-nguyện, sự nhẫn-nại và sự cố-gắng của người trong nước. Vậy ta phải hết sức mà học-tập, mà giữ cái tâm-trí cho bền-vững thì chắc tương-lai còn có nhiều hi-vọng. Nước Việt-nam ta đã có cái văn-hóa chẳng thua-kém gì ai, và lại có một lịch-sử vẻ-vang, nếu ta biết lợi-dụng cái tiềm-lực cố hữu và cái tính thông-minh hiếu học của ta để theo thời mà tiến-hóa, thì sao ta lại không có ngày nối được cái chí của ông cha mà dệt thêm một đoạn lịch-sử mỹ-lệ hơn trước ?

Có một điều thiết-tưởng nên nhắc lại là ta nên giữ lấy những điều hay của ta vẫn có, bỏ những điều hủ-bại đi, và bắt-chước lấy những điều hay của người, để gây lấy cái nhân-cách đặt-biệt của dân-tộc ta và cùng tiến với người mà không lẫn với người. Muốn được như thế, ta phải biết phân-biệt cái hay cái dở, không ham muốn những cái huyền-hão bề ngoài, rồi đồng tâm hiệp lực với nhau mà làm mọi việc cho thành cái hiệu-quả mỹ-mãn.

Nước nào cũng có lúc bĩ lúc thái, đó là cái công-lệ tuần-hoàn của tạo-hóa trong thế-gian. Tự xưa chưa thấy có nước nào cứ thịnh mãi hay cứ suy mãi. Khi lâm vào cảnh bĩ mà người trong nước cứ vững lòng giữ được cái nghị-lực để sinh-tồn và tiến-hóa, thì rồi thế nào cũng có ngày chấn-khởi lên được. Vậy chúng ta đây đều là một dòng-dõi nhà Hồng-Lạc, nếu ta biết kiên tâm bền chí, thì há lại không có một ngày ta có cái địa-vị vẻ-vang với thiên-hạ hay sao ? Sự ước-ao mong-mỏi như thế là cái nghĩa-vụ chung cả chủng-loại Việt-nam ta vậy.

 



 

Chú thích cuối trang

  1. ▲ Có một điều rất kỳ, là viên Thống-sứ Bắc-kỳ là người đại-biểu chính-phủ Bảo-hộ mà lại kiêm chức Kinh-lược-sứ là một chức quan của Triều-đình ở Huế.
  2. ▲ Trước tôi đã dự-bị viết một quyển sử nối theo sách này. Tôi đã thu-nhặt được rất nhiều- tài-liệu. Chẳng may đến cuối năm bính-tuất (1946) có cuộc chiến-tranh ở Hà-nội, nhà tôi bị đốt cháy, sách-vở mất sạch, thành ra đành phải bỏ quyển sử ấy không làm được nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.