Việt Nam sử lược – Quyển 2

Cận kim thời đại: NHÀ NGUYỄN – THẾ-TỔ (1802 – 1819)



NHÀ NGUYỄN

阮 氏

( 1802 — 1945 )

CHƯƠNG I

THẾ-TỔ (1802 – 1819)
Niên-hiệu : Gia-long 嘉 隆

1. Thế-tổ xưng đế-hiệu
2. Việc triều-chính
3. Binh-chế
4. Việc tài-chánh
5. Công-vụ
6. Pháp-luật
7. Việc học-hành
8. Việc giao-thiệp với nước Tàu
9. Việc giao-thiệp vối nước Chân-lạp và nước Tiêm-la
10. Việc giao-thiệp với nước Hồng-mao
11. Việc giao-thiệp với nước Pháp-lan-tây
12. Sự giết-hại công-thần
13. Xét công-việc của vua Thế-tổ

THẾ-TỔ XƯNG ĐẾ-HIỆU. Thế-tổ khởi binh chống nhau với Tây-sơn ở đất Gia-định từ năm mậu-tuất ( 1778 ), kể vừa 24 năm, mới dứt được nhà Tây-sơn, thu-phục được giang-sơn cũ của chúa Nguyễn khi xưa và họp cả nam bắc lại làm một mối. Khi việc đánh-dẹp xong rồi, ngài xưng đế-hiệu, đặt quốc-hiệu là Việt-nam 越 南, đóng Kinh-đô ở Phú-xuân 富 春, tức là thành Huế bây giờ.

Khi vua Thế-tổ lấy được đất Bắc-hà rồi, ngài xuống chỉ tha cho dân một vụ thuế, và thăng-thưởng cho các tướng-sĩ. Ngài lại phong tước cho con cháu nhà Lê, nhà Trịnh, cấp cho ruộng đất và trừ giao-dịch cho dòng-dõi hai họ ấy để giữ việc thờ-phụng tổ-tiên.

Đoạn rồi, ngài đổi Bắc-hà là Bắc-thành, đặt quan tổng-trấn 總 鎮, triệu Nguyễn văn Thành 阮 文 誠 ở Qui-nhơn ra sung chức ấy, để coi mọi việc. Lại đặt ra tam-tào 三 曹 là tào Hộ, tào Binh, tào Hình, sai Nguyễn văn Khiêm 阮 文 謙, Đặng trần Thường 鄧 陳 常 và Phạm văn Đăng 范 文 登 ra coi các tào ấy, để giúp Nguyễn văn Thành.

Đến tháng bảy năm nhâm-tuất ( 1802 ), Thế-tổ về Kinh, đem vua tôi nhà Tây-sơn về làm lễ hiến-phù ở đền Thái-miếu 太 廟, rồi đem ra tận pháp trường xử trị. Lại sai quật mả vua Thái-đức Nguyễn Nhạc và vua Thái-tổ Nguyễn Huệ lên, đem vứt thây đi, còn đầu thì đem bỏ giam ở trong ngục tối.

Những bọn văn-thần nhà Tây-sơn như Ngô thì Nhiệm 吳 時 任, Phan huy Ích 潘 輝 益 ra hàng, đem nọc ra đánh ở trước Văn-miếu, rồi tha cho về. Lúc bấy giờ có Ngô thì Nhiệm vì trước có hiềm với Đặng trần Thường, cho nên đến khi đánh ở Văn-miếu, Đặng trần Thường sai người đánh chết.

Vua Thế-tổ định tội, thưởng công xong rồi, lo sửa-sang mọi việc ; làm đền Cần-chính 勤 政 殿 để lập thường triều, đền Thái-hòa 太 和 殿 để lập đại triều ; lại sai quân dân xây thành Kinh-đô và hoàng-thành cùng các thành-trì ở ngoài các doanh trấn.

Tuy rằng ngài đã đặt niên-hiệu, lên ngôi tôn từ năm nhâm-tuất ( 1802 ), nhưng mà đến năm giáp-tí ( 1804 ), tức là Gia-long tam-niên, vua nhà Thanh mới sai sứ sang phong vương, và đến năm bính-dần ( 1806 ), ngài mới làm lễ xưng đế hiệu ở đền Thái-hòa. Định triều-nghi, cứ ngày rằm và ngày mồng một thiết đại-triều ; ngày mồng 5, mồng 10, 20 và 25 thì thiết tiểu triều.

Lúc ngài đánh xong Tây-sơn, thì chính-trị trong nước đổ nát, phong-tục hủy-hoại, việc gì cũng cần sửa-sang lại. Bởi vậy ở trong thì ngài chỉnh-đốn pháp-luật, và mọi việc cai-trị cùng là sửa-sang phong-tục, cấm dân-gian không cho lấy việc thần phật mà bày ra rượu-chè ăn-uống, nghiêm dụ quan-lại không được sinh sự nhiễu dân. Ở ngoài thì ngài lo sự giao-hiếu với nước Tàu, nước Tiêm, nước Chân-lạp, khiến cho nước Việt-nam lúc bấy giờ trong ngoài đều được yên-trị.

2. VIỆC TRIỀU-CHÍNH. Ở trong cung, nhà vua không đặt ngôi Hoàng-hậu, chỉ có ngôi Hoàng-phi và các cung-tần. Sau khi vua mất, thì tự-quân lên ngôi, mới tôn mẹ lên làm Hoàng-thái-hậu.

Quan-lại trong Triều đại-khái theo chế-độ nhà Lê, nhưng bỏ chức Tham-tụng và Bồi-tụng tức là chức tể-tướng đời xưa. Mọi việc đều do Lục-bộ chủ-trương hết cả. Mỗi bộ có quan Thượng-thư 尚 書 làm đầu, quan tả-hữu tham-tri 參 知, tả hữu thị-lang 侍 郎, cùng các thuộc viên như là lang-trung, viên-ngoại-lang, chủ-sự và bát-cửu-phẩm thơ-lại, v.v…

Bộ Lại 吏 部 coi việc thuyên bổ quan văn, ban thưởng phẩm cấp, khảo-xét công-trạng, phong tặng tước-ấm, thảo những tờ chiếu sắc cáo mệnh và làm những sổ các hàng quan-lại v.v…

Bộ Hộ 户 部 coi việc đinh-điền thuế-má, tiền-bạc chuyển thông, kho-tàng chứa chất, hóa-vật đắt rẻ v.v…

Bộ Lễ 禮 部 coi việc triều-hội, khánh-hạ, tế-tự, tôn phong, cùng là cách-thức học-hành thi-cử, tinh biểu cho người sống lâu, người có tiết-nghĩa, phong thụy cho các thần nhân v.v…

Bộ Binh 兵 部 coi việc thuyên bổ võ chức, giảng duyệt quân-lính, sai-khiến quân đi thú hoặc đi đánh dẹp, kén chọn binh đinh, xét người có công người có lỗi về việc binh.

Bộ Hình 刑 部 coi việc hình-danh pháp-luật, tra nghĩ dâng tấu, duyệt lại những tội nặng án ngờ, xét kỹ những tù giam ngục cấm.

Bộ Công 工 部 coi việc làm cung-điện, dinh-thự, xây thành, đào hào, tu tạo tàu-bè, đặt làm kiểu-mẫu, thuê thợ-thuyền, mua vật-liệu v.v…

Ngoài lục-bộ lại có Đô-sát-viện 都 察 院 để giữ việc can-gián vua, và đàn-hạch các quan. Cấp sự trung 給 事 中 các khoa và giám-sát-ngự-sử 監 察 御 史 các đạo, đều thống-thuộc về viện ấy. Trong viện có tả hữu đô-ngự-sử và tả hữu phó đô-ngự-sử đứng đầu.

Bấy giờ vua Thế-tổ lại đặt ra Tào-chính 曹 政 để coi việc vận-tải cùng là thuế-má tàu-bè. Có quan Tào-chính-sứ 曹 正 使 và Tào-phó-sứ 曹 副 使 làm đầu.

Các địa-phương thì lúc bấy giờ từ nam chí bắc chia ra làm 23 trấn và 4 doanh. Từ Thanh-hóa ngoại ( tức là Ninh-bình bây giờ ) trở ra, gọi là Bắc-thành 北 城, thống cả 11 trấn, chia ra làm 5 nội trấn : Sơn-nam-thượng 山 南 上, Sơn-nam-hạ 山 南 下, Sơn-tây 山 西, Kinh-bắc 京 北, và Hải-dương 海 陽 ; 6 ngoại trấn : Tuyên-quang 宣 光, Hưng-hóa 興 化, Cao-bằng 高 平, Lạng-sơn 諒 山, Thái-nguyên 太 原, Quảng-yên 廣 安. Từ Bình-thuận trở vào gọi là Gia-định thành 嘉 定 城, thống cả 5 trấn : Phiên-an 藩 安 ( địa hạt Gia-định ), Biên-hòa 邊 和, Vĩnh-thanh 永 清 ( tức là Vĩnh-long và An-giang ), Vĩnh-tường và Hà-tiên 河 僊.

Còn ở quãng giữa nước, thì đặt Thanh-hóa trấn 清 化 鎮 ( gồm cả Thanh-hóa nội, Thanh-hóa ngoại ), Nghệ-an trấn 乂 安 鎮, Quảng-nghĩa trấn 廣 義 鎮, Bình-định trấn 平 定 鎮, Phú-yên trấn 富 安 鎮, Bình-hòa trấn 平 和 鎮 ( tức là Khánh-hòa ) và Bình-thuận trấn 平 順 鎮. Đất Kinh-kỳ thống bốn doanh là : Trực-lệ Quảng-đức doanh 直 隸 廣 德 營 ( tức là Thừa-thiên bây giờ ), Quảng-trị doanh, Quảng-bình doanh 廣 平 營, Quảng-nam 廣 南 營 doanh.

Ở Bắc-thành và Gia-định thành đều đặt chức tổng-trấn 總 鎮, và phó tổng-trấn, để coi mọi việc. Ở các trấn thì đặt quan lưu-trấn 留 鎮 hay là quan trấn-thủ 鎮 守, quan cai-bạ và quan ký-lục để coi việc cai-trị trong trấn.

Trấn lại chia ra phủ, huyện, châu, đặt chức tri-phủ, tri-huyện, tri-châu để coi việc cai-trị.

Những trấn ở Nghệ-an, Thanh-hóa và 5 nội trấn ở Bắc-thành, thì dùng những quan cựu-thần nhà Lê làm quan cai-trị. Còn 6 ngoại-trấn ở Bắc-thành, thì giao quyền cai-trị cho những thổ-hào sở-tại.

3. BINH-CHẾ. Khi vua Thế-tổ đánh được Tây-sơn rồi, ngài ban thưởng cho các tướng-sĩ, tặng phong và làm đền thờ những người tử trận. Còn những quân-lính già-nua thì cho về quê-quán. Đặt ra phép giản binh : lệ định các trấn, tự Quảng-bình vào đến Bình-thuận thì cứ ba tên đinh kén lấy một tên lính ; tự Biên-hòa trở vào thì cứ 5 tên đinh kén lấy một tên lính ; tự Hà-tịnh trở ra đến 5 nội-trấn ở Bắc-thành thì cứ 7 tên đinh kén lấy một tên lính. Còn 6 ngoại-trấn là Tuyên-quang, Hưng-hóa, Cao-bằng, Lạng-sơn, Thái-nguyên, Quảng-yên, thì cứ 10 tên đinh kén lấy một tên lính.

Ở chỗ Kinh-thành thì đặt ra thân-binh 親 兵, cấm binh 禁 兵, tinh-binh 精 兵. Lính thân-binh mỗi vệ có 500 người và có 50 người tập quân nhạc. Ở các trấn thì đặt ra lính cơ, lính mộ. Lại đặt biền-binh ban-lệ, nghĩa là các binh lính chia ra làm 3 phiên, 2 phiên về quán, còn một phiên ở tại ban luân-lưu thay đổi cho nhau.

Những binh-khí thì dùng gươm giáo, mã-tấu, và lại có súng lớn bằng đồng gọi là súng đại-bác, súng nhỏ gọi là súng thạch-cơ điểu-thương, nghĩa là bắn thì mổ bằng máy đá lửa. Ở chỗ Kinh-thành lập ra ba sở xạ trường để quân lính tập bắn.

Ở các cửa bể đều làm đồn đặt súng để phòng giữ và để xem-xét những tàu-bè ngoại-quốc đi lại.

Nước Việt-nam ta có nhiều bể cần phải giữ-gìn, bởi vậy vua Thế-tổ lưu tâm về việc chỉnh-đốn binh-thuyền : lấy người ở gần bể về doanh Quảng-đức và doanh Quảng-nam làm 6 vệ thủy-quân đóng tại Kinh-thành. Còn ở các hải-khẩu, mỗi nơi có một cơ lính thủy coi giữ. Nhà vua lại làm một thứ thuyền lớn ngoài bọc đồng, để đi lại tuần phòng ở miền bể.

4. VIỆC TÀI-CHÍNH. Thuế đinh, thuế điền đều định lại cả. Thuế điền thì chia ra làm 3 hạng : nhất-đẳng điền mỗi mẫu đồng niên nộp thóc 20 thăng ; nhị-đẳng điền 15 thăng ; tam đẳng điền 10 thăng. Còn thứ ruộng mùa đồng niên phải nộp 10 thăng.

Thuế đinh thì lệ định : từ Nghệ-an ra đến nội ngoại Thanh-hóa, mỗi suất đồng niên phải chịu :

Thuế thân1 quan 2 tiền
Mân tiền1 tiền
Cước mễ2 bát

5 nội trấn Bắc-thành và phủ Phụng-thiên[1], mỗi suất đinh đồng niên phải chịu :

Thuế thân1 quan 2 tiền
Mân tiền1 tiền
Điệu tiền (tạp dịch)6 tiền
Cước mễ2 bát

6 ngoại-trấn Bắc-thành, mỗi suất đinh đồng niên phải chịu :

Thuế thân6 tiền
Mân tiền1 tiền
Điệu tiền3 tiền
Cước mễ1 bát

Lệ giảm thuế. Thuế-lệ tuy định như vậy, nhưng năm nào ở đâu mất mùa, như là bị hoàng trùng, đại hạn hay là nước lụt, v. v. thì nhà nước chiếu theo sự thiệt-hại nhiều ít mà giảm thuế cho dân. Lúa 10 phần thiệt-hại tới 4 phần thì khoan giảm cho hai phần thuế ; thiệt-hại 5 phần thì giảm cho 3 ; thiệt-hại 6 phần thì giảm cho 4 ; thiệt-hại 7 phần thì giảm cho 5 ; thiệt-hại 8 phần thì giảm cho 6 ; thiệt-hại 9 phần thì giảm cho 7 ; thiệt-hại hết cả thì giảm cả. Hoặc nhà nước có lấy dân đinh đi làm đường, đào sông, xây thành v. v. thì cũng được giảm thuế.

Vụ thuế. Nhà vua lại tùy từng địa-phương mà định vụ thuế. Từ Quảng-bình đến Bình-thuận cứ mỗi năm một vụ thu thuế, khởi đầu từ tháng 4 đến tháng 7 thì hết. Từ Nghệ-an ra đến Thanh-hóa ngoại, cùng các trấn ở Bắc-thành, mỗi năm thu thuế 2 vụ : mùa hạ thì khởi tự tháng 4 đến tháng 6 thì hết ; mùa đông thì khởi tự tháng 10 đến tháng 11 thì hết.

Đinh bạ. Lệ định 5 năm một lần làm sổ đinh, trong làng từ chức-sắc cho đến quân-dân, đều phải vào sổ. Kể từ 18 tuổi trở lên, 59 tuổi trở xuống, đều phải khai vào sổ.

Điền bạ. Các làng, hoặc ruộng mùa, hoặc ruộng chiêm, hoặc ruộng hai mùa, hoặc có đất hạng nào, bao nhiêu mẫu, sào, thước, tấc, tọa-lạc tại đâu, đông tây tứ chí phải chua cho rõ ràng. Mỗi làng phải làm 3 quyển sổ, cứ 5 năm làm một lần đệ vào bộ đóng dấu kiềm, rồi một bản lưu lại bộ, để phòng khi xét đến ; còn hai bản giao về tỉnh, tỉnh để một bản lưu chiểu, còn một bản gia trả dân xã lưu thủ.

Cấm bán ruộng công-điền. Từ khi nhà Lê mất ngôi, dân xã có nơi thì đem công-điền đổi ra tư-điền, có nơi thì đem cố bán đi, bởi vậy năm Gia-long thứ hai (1803) nhà vua lập lệ cấm dân xã không được mua bán công-điền công-thổ, chỉ trừ lúc nào xã thôn có công-dụng điều gì, thì mới được phép cho điển cố, hạn hết 3 năm lại phải trả lại. Ai giữ quá hạn ấy thì phải tội.

Thuế các sản vật. Năm Gia-long thứ hai (1803), định lệ các quế-hộ ở Nghệ-an, đồng niên phải nộp các hạng quế 120 cân. Ở Thanh-hóa phải nộp 70 cân, và đều được miễn trừ thuế thân cả. Những người tìm được cây quế, phải trình quan để cấp cho văn-bằng mới được đẵn. Đẵn xong rồi một nửa nộp quan, một nửa cho người tìm được.

Năm Gia-long thứ tư (1805), định lệ những người đi lấy yến-sào ở các đảo về hạt Quảng-nam, mỗi người đồng niên phải nộp thuế yến 8 lạng, và được tha việc binh-lính.

Còn những thuế hương, thuế sâm, thuế chiếu, thuế gỗ, đều có lệ riêng, định cho nộp bằng tiền hay là bằng sản-vật.

Vua Thế-tổ lại định lệ đánh thuế những thuyền các nước vào buôn-bán, cứ do thuyền lớn nhỏ mà định số thuế phải nộp.

Những mỏ đồng, mỏ thiếc, mỏ kẽm, cũng cho người Tàu khai để đánh thuế.

Đúc tiền. Năm Gia-long thứ hai (1803), mở sở đúc tiền ở Bắc-thành, để đúc tiền đồng và tiền kẽm ; lại đúc ra nén vàng, nén bạc, lượng vàng, lượng bạc, để cho tiện sự giao-thông buôn-bán trong nước.

Mỗi đồng tiền kẽm nặng 7 phân, một mặt in chữ «Gia-long thông-bảo», một mặt in chữ «thất phân», mỗi quan tiền nặng 2 cân 10 lạng.

Giá vàng ở Bắc-thành thì định cứ một lượng vàng đổi lấy 10 lượng bạc.

Về sau mở thêm lò đúc tiền ở Gia-định thành và ở các trấn.

Thước đo. Vua Thế-tổ chế-tạo ra kiểu thước đồng đo ruộng, một mặt khắc 7 chữ «Gia-long cửu niên thu bát nguyệt», một mặt khắc 10 chữ «ban hành đạc điền xích, công bộ đường kính tạo». Chuẩn định lại các thước vuông đo ruộng khi trước, chế-tạo ra thước đồng, một mặt khắc 7 chữ «Gia-long cửu niên thu bát nguyệt», một mặt khắc 12 chữ «ban hành đạc điền cựu kinh xích, công bộ đường khâm tạo ».

Phép cân. Năm Gia-long thứ 12 (1813), chế tạo ra cân thiên-bình, cấp cho các doanh các trấn, để cân đồng, sắt, chì, thiếc và các sản-vật. Còn vàng và bạc thì dùng cân trung-bình.

5. CÔNG-VỤ. Vua Thế-tổ lại sửa-sang những đường-sá, xoi đào các sông ngòi, đắp các đê-điều, để cho việc làm ăn của dân-gian được tiện-lợi.

Đường quan-lộ. Đường-sá trong nước là sự khẩn-yếu cho việc chính-trị, vậy nên vua Thế-tổ mới định lệ sai quan ở các doanh, các trấn phải sửa-sang đường quan-lộ : bắt dân sở-tại phải đắp đường làm cầu, lệ cứ 15.000 trượng đường thì phát cho dân 10.000 phương gạo.

Lại từ cửa Nam-quan (thuộc Lạng-sơn) vào đến Bình-thuận, cứ độ 4.000 trượng phải làm một cái nhà trạm ở cạnh đường quan-lộ, để cho quan-khách đi lại nghỉ-ngơi. Cả thảy 98 trạm.

Còn từ Bình-thuận trở vào phía nam đến Hà-tiên thì đi đường thủy.

Sông-ngòi và đê-điều. Những sông-ngòi và đê-điều, đều là sự khẩn-yếu cho việc canh-nông, bởi vậy vua Thế-tổ truyền cho quan ở các trấn phải xoi đào sông ngòi và các cửa bể, và nhất là ở Bắc-thành phải giữ-gìn đê-điều cho cẩn-thận : chỗ nào không có thì đắp thêm, chỗ nào hư-hỏng thì phải sửa lại. Ở các trấn lại đặt ra kho chứa thóc gạo, để phòng khi mất mùa đói-kém thì lấy mà phát cho dân.

6. PHÁP-LUẬT. Nguyên khi trước vẫn theo luật nhà Lê, nhưng nay nhà Nguyễn đã nhất-thống cả nam bắc, vua Thế-tổ bèn truyền cho đình-thần lập ra pháp-luật rõ-ràng, để cho tiện sự cai-trị. Năm tân-mùi (1811) sai Nguyễn văn Thành 阮 文 誠 làm tổng-tài, coi việc soạn ra sách luật ; lấy luật cũ của đời Hồng-đức 洪 德 nhà Lê, mà tham-chước với luật nhà Thanh làm thành một bộ, cả thảy 22 quyển, có 398 điều.

Đến năm ất-hợi (1815), thì in sách luật ấy phát ra mọi nơi. Bộ luật ấy tuy nói theo luật Hồng-đức nhưng kỳ thực là chép luật của nhà Thanh và chỉ thay-đổi ít nhiều mà thôi.

7. VIỆC HỌC-HÀNH. Thời bấy giờ nhờ có võ-công mới dựng nên cơ-nghiệp, cho nên lúc ấy các quan đầu triều là quan ngũ-quân đô-thống, và quan tổng-trấn Nam Bắc hai thành đều là quan võ cả. Nhưng vua Thế-tổ cũng biết rằng sự trị nước cần phải có võ có văn, bởi vậy đêm ngày ngài lưu ý về việc học-hành thi-cử trong nước.

Ngài lập nhà Văn-miếu ở các doanh các trấn, thờ đức Khổng-tử, để tỏ lòng trọng Nho-học. Đặt Quốc-tử-giám ở Kinh-đô, để dạy con các quan và các sĩ-tử. Mở khoa thi Hương để kén lấy những người có học-hành ra làm quan.

Đặt thêm chức đốc-học ở các trấn, và dùng những người có khoa-mục ở đời nhà Lê, để coi việc dạy-dỗ.

Vua Thế-tổ lo cả đến địa-dư và quốc-sử, bởi vậy ngày sai quan Binh-bộ thượng-thư là Lê quang Định 黎 光 定 kê-cứu ở trong các trấn các doanh, tự Lạng-sơn đến Hà-tiên, xem sơn xuyên hiểm trở, đường-sá xa gần, sông bể, cầu quán, chợ-búa, phong-tục, thổ-sản, có những gì làm thành sách «Nhất-thống địa-dư chí 一 統 地 輿 志 » để dâng lên. Đến năm bính-dần (1806), bộ sách ấy làm xong cả thảy được 10 quyển.

Năm tân-mùi (1811), ngài sai quan tìm những sách dã-sử nói chuyện nhà Lê và nhà Nguyễn Tây-sơn để sửa lại quốc-sử.

Thời bấy giờ văn quốc-âm cũng thịnh lắm. Một đôi khi nhà vua cũng dùng chữ nôm mà làm văn-tế. Bài văn-tế tướng-sĩ khi quan Tiền-quân Nguyễn văn Thành, tổng-trấn Bắc-thành ra chủ tế không rõ ai làm, nhưng thật là một bài văn-chương đại bút. Lại có những truyện như «Hoa Tiên» của ông Nguyễn huy Tự, « Truyện Thúy Kiều » của quan Hữu Tham-tri bộ Lễ là ông Nguyễn Du 阮 攸[2], cũng phát-hiện ra thời bấy giờ.

« Truyện Thúy Kiều » là một tập văn-chương rất hay, diễn được đủ cả nhân-tình thế-cố, tả được cả mọi cảnh trong đời, mà chỗ nào văn-chương cũng tao-nhã, lời lẽ cũng lý-thú. Nói theo tiếng đời nay thì « Truyện Thúy Kiều » thật là một tập văn-chương đại trước-tác của nước ta vậy.

8. VIỆC GIAO-THIỆP VỚI NƯỚC TÀU. Khi vua Thế-tổ dứt được nhà Nguyễn Tây-sơn và lấy được đất Bắc-hà rồi, sai quan thượng-thư Binh-bộ là Lê quang Định 黎 光 定 làm chánh-sứ sang Tàu cầu phong và xin đổi quốc-hiệu là Nam-việt 南 越, lấy lẽ rằng Nam là An-nam và Việt là Việt-thường. Nhưng vì đất Nam-việt đời nhà Triệu ngày trước gồm cả đất Lưỡng Quảng, cho nên Thanh-triều mới đổi chữ Việt lên trên, gọi là Việt-nam 越 南 để cho khỏi lầm với tên cũ.

Đến năm giáp-tí (1804) Thanh-triều sai quan án-sát-sứ tỉnh Quảng-tây là Tề bố Sâm 齊 布 森 sang tuyên phong. Đoạn rồi, vua sai Lê bá Phẩm 黎 伯 品 làm chánh sứ đem đồ cống sang tạ và từ đó cứ chiếu lệ ba năm một lần sang cống.

Đồ cống-phẩm là:

Vàng200lượng
Bạc1000
Lụa và cấp mỗi thứ100cây
Sừng tê giác2bộ
Ngà voi và quế mỗi thứ100cân

9. VIỆC GIAO-THIỆP VỚI NƯỚC CHÂN-LẠP VÀ NƯỚC TIÊM-LA. Nguyên lúc còn Lê-triều thì chúa Nguyễn vẫn giữ quyền bảo-hộ nước Chân-lạp. Sau vua nước ấy là Nặc ông Tôn[3] bị anh em hiếp-chế, phải chia quyền ra làm ba, để cho Nặc ông Vinh làm vua đầu, mình làm vua thứ hai, em là Nặc ông Thâm làm vua thứ ba. Được ít lâu Nặc ông Vinh giết cả Nặc ông Tôn và Nặc ông Thâm giữ lấy quyền làm vua một mình.

Lúc bấy giờ Nguyễn-vương còn ở Gia-định mới sai Đỗ thanh Nhân 杜 清 仁 sang đánh Nặc ông Vinh và lập con Nặc ông Tôn là Nặc ông Ấn 匿 翁 印 lên làm vua. Nặc ông Ấn bấy giờ mới có 8 tuổi. Nguyễn-vương sai Hồ văn Lân 胡 文 璘 ở lại bảo-hộ. Nhưng đến khi đất Gia-định thất thủ quyền bảo-hộ nước Chân-lạp thuộc về nước Tiêm-la.

Năm bính-thìn (1796), Nặc ông Ấn mất, truyền nôi lại cho con là Nặc ông Chân 匿 翁 禎. Vua Tiêm-la sai sứ sang phong, như thế là vua Chân-lạp phải thần-phục vua Tiêm-la.

Đến năm đinh-mão (1807) Nặc ông Chân lại bỏ Tiêm-la mà xin về thần-phục vua Việt-nam ta, theo lệ cống tiến, cứ ba năm một lần.

Đồ cống-vật là :

Voi đực cao 5 thước2con
Sừng tê giác2chiếc
Ngà voi2cái
Hột sa-nhân50cân
Đậu-khấu50
Hoàng-lạp50
Cánh kiến50
Sơn đen20lọ

Nặc ông Chân có ba người em tên là Nặc ông Nguyên, Nặc ông Lem, Nặc ông Đôn, muốn tranh quyền của anh, mới sang cầu-cứu nước Tiêm-la. Tiêm-la bắt Nặc ông Chân phải chia đất cho các em. Nặc ông Chân không chịu, quân Tiêm-la bèn sang đánh thành La-bích. Nặc ông Chân chạy sang Tân-châu, rồi dâng biểu cầu-cứu. Quan tổng-trấn Gia-định thành bấy giờ là Nguyễn văn Nhân 阮 文 仁 mới đem việc ấy tâu về triều-đình.

Năm tân-mùi (1811), vua Thế-tổ cho sứ đưa thư sang trách nước Tiêm-la sinh sự. Năm sau, vua Tiêm-la sai sứ sang phúc thư lại rằng : việc ấy là muốn giảng-hòa cho anh em Nặc ông Chân, chứ không có ý gì cả. Vậy xin để Việt-nam xử trí thế nào, Tiêm-la[4] cũng xin thuận.

Qua năm quí-dậu (1813) vua Thế-tổ sai quan tổng-trấn Gia-định thành là Lê văn Duyệt 黎 文 悅 đem hơn 10.000 quân, hội-đồng với sứ nước Tiêm-la, đưa Nặc ông Chân về nước.

Nước Tiêm-la tuy không dám kháng-cự, nhưng vẫn lưu quân ở lại giữ tỉnh Bắc-tầm-bon (Battambang), nói rằng để đất ấy phong cho các em Nặc ông Chân. Lê văn Duyệt mới viết thư sang trách nước Tiêm-la về điều ấy, quân Tiêm mới rút về.

Lê văn Duyệt dâng sớ xin xây thành Nam-vang (Phnom-Penh) và thành La-lêm. Khi những thành ấy xây xong, thì vua Thế-tổ sai Nguyễn văn Thụy 阮 文 瑞 đem 1.000 quân ở lại bảo-hộ nước Chân-lạp. Từ đó quyền bảo-hộ Chân-lạp lại về nước ta.

10. VIỆC GIAO-THIỆP VỚI NƯỚC HỒNG-MAO. Năm quí-hợi (1803), nước Hồng-mao (tức là Anh-cát-lợi) sai sứ là ông Robert đem đồ phương-vật sang dâng và xin cho vào mở cửa hàng buôn-bán ở Trà-sơn 茶 山, thuộc Quảng-nam. Vua Thế-tổ không nhận đồ, và cũng không cho mở cửa hàng. Sau người Hồng-mao còn đưa thư sang hai ba lần nữa, nhưng ngài vẫn một niềm từ chối không chịu.

11. VIỆC GIAO-THIỆP VỚI NƯỚC PHÁP-LAN-TÂY. Đối với nước Pháp thì vua Thế-tổ có biệt nhỡn hơn, là vì khi ngài còn gian-truân, ngài có nhờ ông Bá-đa-lộc đem Hoàng-tử Cảnh sang cầu cứu ở bên nước Pháp. Tuy sự không thành nhưng ông Bá-đa-lộc có đem mấy người sang giúp ngài. Đến khi xong việc đánh dẹp rồi, còn có Chaigneau, Vannier và Despiau làm quan tại triều, mà vua Thế-tổ cũng có lòng trọng-đãi, cho mỗi người 50 lính hầu, và đến buổi chầu thì không bắt lạy.

Vả trong khi vua Thế-tổ làm vua ở nước Việt-nam, thì Nã-phá-luân đệ-nhất ( Napoléon I) làm vua bên nước Pháp, đang còn phải đánh nhau với các nước, cho nên tàu Pháp cũng không hay đi lại ở phía Viễn-đông này. Đến khi Nã-phá-luân thất-thế, dòng-dõi nhà vua cũ lại trung-hưng lên, bấy giờ sự chiến-tranh đã yên, thì mới có tàu sang buôn-bán ở phương Á-đông. Năm đinh-sửu (1817), có chiếc tàu « la Paix » của hiệu Balguerie, Sarget et Cie chở đồ hàng sang bán, nhưng mà những đồ hàng ấy, người Việt-nam ta không dùng được, lại phải chở về. Vua Thế-tổ tha không đánh thuế. Qua tháng sáu năm ấy, chiếc tàu binh tên là Cybèle của nước Pháp vào cửa Đà-nẵng. Quan thuyền-trưởng là De Kergarion bá-tước nói rằng Pháp-hoàng Louis XVIII sai sang xin thi-hành những điều-ước do Bá-đa-lộc ký năm 1787 về việc nhường cửa Đà-nẵng và đảo Côn-lôn. Vua Thế-tổ sai quan ra trả lời rằng những điều-ước ấy nước Pháp trước đã không thi-hành thì nay bỏ, không nói đến nữa.

Năm kỷ-mão (1819), có chiếc tàu buôn ba cột tên là «Rose» và « le Henri » vào cửa Đà-nẵng. Lần này hàng hóa đem sang bán được, lại chở chè và lụa về. Năm ấy Chaigneau xin nghỉ ba năm, đem vợ con xuống tàu « le Henri » về Pháp.

12. SỰ GIẾT-HẠI CÔNG-THẦN. Những người công-thần như Nguyễn văn Thành 阮 文 誠 và Đặng trần Thường 鄧 陳 常 đều bị giết hại trong khi vua Thế-tổ còn đang trị-vì.

Nguyễn văn Thành, nguyên là người ở Thừa-thiên, nhưng vào ở Gia-định đã hai ba đời. Theo vua Thế-tổ từ khi ngài mới khởi binh đánh Tây-sơn, chịu hết mọi đường khổ-sở. Sau ra đánh Tây-sơn ở Qui-nhơn, lập được công lớn, đứng đầu hàng công-thần.

Khi vua Thế-tổ ra lấy Bắc-hà, triệu ông ra làm tổng-trấn, giao cho xếp đặt mọi việc, chỉ có mấy năm mà đất Bắc-hà được yên trị. Sau về Kinh làm chức trung-quân.

Ông có học-thức, cho nên triều-đình cử làm tổng-tài việc làm sách luật và quốc-sử.

Nguyễn văn Thành có người con tên là Nguyễn văn Thuyên 阮 文 詮 thi đậu cử-nhân, thường hay làm thơ để giao-du với những kẻ văn-sĩ. Bấy giờ nghe người ở Thanh-hóa là Nguyễn-văn-Khuê 阮 文 奎 và Nguyễn đức Nhuận 阮 德 潤 có tiếng hay chữ, Văn Thuyên làm bài thơ sai tên Nguyễn trương Hiệu 阮 張 效 cầm đi mời vào chơi.

Bài thơ rằng :
Văn đạo Ái-châu đa tuấn-kiệt,
Hư hoài trắc tịch dục cầu ty.
Vô tâm cửu bảo Kinh-sơn phác,
Thiện tường phương tri Ký-bắc kỳ.
U-cốc hữu hương thiên lý viễn,
Cao cương minh phượng cửu thiên tri.
Thư hồi nhược đắc sơn trung tể,
Tá ngã kinh-luân chuyển hóa ky.
Dịch nôm là :
Ái-châu nghe nói lắm người hay,
Ao-ước cầu hiền đã bấy nay.
Ngọc phác Kinh-sơn tài sẵn đó,
Ngựa kỳ Ký-bắc biết lâu thay.
Mùi hương hang tối xa nghìn dặm,
Tiếng phượng gò cao suốt chín mây.
Sơn tể phen này dù gặp-gỡ,
Giúp nhau xoay-đổi hội cơ này.

Tưởng bài thơ này chẳng qua là lời-lẽ của người thiếu-niên nói ngông mà thôi, không ngờ tên Hiệu đưa cho Nguyễn hữu Nghi 阮 祐 儀 xem, Hữu Nghi xui tên Hiệu đi cáo với Lê văn Duyệt. Lê văn Duyệt vốn ghét Nguyễn văn Thành, nay thấy bài thơ này, nắm lấy đem vào tâu vua, vua sai bắt Nguyễn văn Thuyên đem bỏ ngục. Bấy giờ triều-thần có nhiều người bẻ tội ông Thành. Một hôm bãi triều rồi, ông Thành chạy theo nắm lấy áo vua mà kêu khóc rằng : « Thần theo Bệ-hạ từ thủa nhỏ đến bây giờ, nay không có tội gì mà bị người ta cấu xé, Bệ-hạ nỡ lòng nào ngồi nhìn để người ta giết thần mà không cứu ? ». Vua Thế-tổ giật áo ra đi vào cung, rồi từ đó cấm không cho ông Thành vào chầu nữa, và sai Lê văn Duyệt đem con Nguyễn văn Thành ra tra hỏi, bắt phải nhận tội. Nguyễn văn Thành sợ tội, uống thuốc độc mà chết, còn Nguyễn văn Thuyên thì phải chém.

Đặng trần Thường 鄧 陳 常 người ở Chương-đức ( tức là huyện Chương-mỹ, tỉnh Hà-đông bây giờ ) có tài văn học, trốn Tây-sơn vào Gia-định theo giúp vua Thế-tổ làm đến Binh-bộ thượng-thư. Sau vì làm gian sắc phong-thần cho Hoàng ngũ Phúc là tướng nhà Trịnh vào bậc phúc-thần, triều-đình làm án phải tội chém. Nhưng rồi lại được tha. Đặng trần Thường vốn có hiềm với Lê Chất, cho nên Lê Chất mới bới những việc như là khi ra coi tào binh ở Bắc-thành, có chiếm giữ đầm ao và ẩn-lậu đinh-điền, v. v. Lại bị bắt bỏ ngục và xử phải tội giảo.

Tương-truyền rằng Đặng trần Thường ở trong ngục có làm bài « Hàn-vương-tôn phú » bằng quốc-âm để ví mình như Hàn-tín đời Hán.

13. XÉT CÔNG-VIỆC CỦA VUA THẾ-TỔ. Vua Thể-tổ là ông vua có tài-trí, rất khôn-ngoan, trong 25 năm trời, chống nhau với Tây-sơn, trải bao nhiêu lần hoạn-nạn, thế mà không bao giờ ngã lòng, cứ một niềm lo sợ khôi-phục. Ngài lại có cái đức-tính rất tốt của những kẻ lập nghiệp lớn, là cái đức-tính biết chọn người mà dùng, khiến cho những kẻ hào-kiệt ai cũng nức lòng mà theo giúp. Bởi vậy cho nên không những là ngài khôi-phục được nghiệp cũ, mà lại thống-nhất được sơn-hà, và sửa-sang được mọi việc, làm cho nước ta lúc bấy giờ thành một nước cường-đại, từ xưa đến nay, chưa bao giờ từng thấy.

Công-nghiệp của ngài thì to thật, tài-trí của ngài thì cao thật, nhưng chỉ hiềm có một điều là khi công-việc xong rồi, ngài không bảo toàn cho những công-thần, mà lại lấy những chuyện nhỏ-nhặt đem giết-hại những người có công với ngài, khiến cho hậu thế ai xem đến những chuyện ấy, cũng nhớ đến vua Hán Cao, và lại thở dài mà thương-tiếc cho những người ham-mê hai chữ công-danh về đời áp-chế ngày xưa.

Vua Thế-tổ mất năm kỷ-mão ( 1819 ), trị-vì được 18 năm, thọ 59 tuổi, miếu-hiệu là Thế-tổ Cao-hoàng-đế 世 祖 高 皇 帝.

 



 

Chú thích cuối trang

  1. ▲ Tức là phủ Hoài-đức bây giờ.
  2. ▲ Ông Nguyễn Du người làng Tiên-điền, huyện Nghi-xuân, tỉnh Hà-tĩnh.
  3. ▲ Xem ở chương VI.
  4. ▲ Tức là Thái-lan ngày nay.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.