Việt Nam sử lược – Quyển 2
Cận kim thời đại: QUÂN NƯỚC PHÁP LẤY BẮC-KỲ Lần thứ nhất
CHƯƠNG IX
QUÂN NƯỚC PHÁP LẤY BẮC-KỲ
Lần thứ nhất
1. Người Pháp tìm đường sang Tàu |
2. Đồ-phổ-Nghĩa |
3. Đại-úy Francis Garnier ra Hà-nội |
4. Hạ thành Hà-nội năm quí-dậu (1873) |
5. Lấy mấy tỉnh ở Trung-châu |
6. Đại-úy Francis Garnier chết |
7. Ông Philastre ra Hà-nội |
8. Hòa-ước năm giáp-tuất (1874) |
1. NGƯỜI PHÁP TÌM ĐƯỜNG SANG TÀU. Từ khi nước Pháp lấy xong đất Nam-kỳ rồi, súy-phủ ở Sàigòn sửa-sang mọi việc, và cho người đi xem xét tình-thế và sông núi ở Trung-kỳ và Bắc-kỳ để mở-mang sự giao-thông. Lại có ý muốn tìm đường thông sang nước Tàu, bởi vậy tháng 5 năm bính-dần ( 1866 ), thiếu-tướng De la Grandière sai trung-tá Doudart de Lagrée cùng với đại-úy Francis Garnier ( Ngạc-nhi ) và mấy người Pháp nữa theo sông Mékong đi tìm đường sang Tàu. Đến tháng 3 năm mậu-thìn ( 1868 ), non hai năm trời, ông Doudart de Lagrée mới sang đến đất Vân-nam. Nhưng chẳng may ông ấy phải bệnh đau gan mà chết. Ông Francis Garnier đem xác ông ấy đi qua nước Tàu, rồi xuống tàu thủy về Sàigòn.
Đến năm canh-ngọ ( 1870 ) là năm Tự-đức thứ 23 ở bên Tây, nước Pháp đánh nhau với nước Phổ ; quân Pháp thua, Pháp-hoàng là Nã-phá-luân đệ-tam bị bắt. Dân nước Pháp bỏ đế-quốc mà lập Dân-chủ cộng-hòa. Tuy ở bên Pháp có sự chiến-tranh, nhưng ở bên Viễn-đông này, quân Pháp vẫn giữ vững đất Nam-kỳ. Vả Triều-đình ở Huế còn bận dẹp giặc Khách ở Bắc-kỳ, cho nên cũng không sinh sự lôi thôi gì cả.
2. ĐỒ-PHỔ-NGHĨA ( JEAN DUPUIS ). Thủa ấy, có một người Pháp tên là Jean Dupuis, ta gọi là Đồ-phổ-Nghĩa 涂 普 義 mấy năm trước đã đi du-lịch ở các tỉnh bên Tàu, để tìm cách buôn-bán, biết có sông Hồng-hà từ đất Vân-nam chảy qua Bắc-kỳ ra bể, là một đường tiện-lợi hơn, bèn nhận với quan nhà Thanh ở Vân-nam để chở đồ binh-khí sang bán.
Đồ-phổ-Nghĩa về cùng với một người Pháp nữa tên là Millot, buôn-bán ở Thượng-hải, trù-tính việc chở binh-khí sang Vân-nam, đoạn rồi về Pháp để mua hàng. Khi trở sang bên này, Đồ-phổ-Nghĩa vào Sài-gòn xin Súy-phủ giúp thanh-thế cho để đi qua Bắc-kỳ. Viên Thống-đốc Nam-kỳ lúc bấy giờ là lục-quân thiếu-tướng d’Arhaud, có hứa với Đồ-phổ-Nghĩa cho chiếc tàu Bourayne đi theo.
Đồ-phổ-Nghĩa sang Hương-cảng để cùng với Millot đem ba chiếc tàu con là Hồng-giang, Lao-kay và Sơn-tây chở đồ binh-khí và hàng-hóa vào Quảng-yên. Trong lúc ấy hải-quân trung-tá Sénès đã đem tàu Bourayne ra Bắc-kỳ, rồi lên Hải-dương, Hà-nội, Bắc-ninh đi xem các nơi.
Trung-tá ở Bắc-ninh nghe tin bọn Đồ-phổ-Nghĩa đã đến Quảng-yên, liền trở ra để cùng bàn với quan Khâm-sai Lê Tuấn 黎 俊 về việc thông thương ở sông Hồng-hà.
Ông Lê Tuấn không có lệnh Triều-đình, không dám tự-tiện, nói xin đợi vài mươi hôm để có mệnh nhà vua ra sẽ hay.
Đồ-phổ-Nghĩa và Millot thấy đợi lâu, bèn cứ đem tàu lên đóng ở Hà-nội, rồi thuê thuyền chở đồ lên Vân-nam. Bấy giờ là cuối năm nhâm-thân ( 1872 ), là năm Tự-đức thứ 25. Thuyền của Đồ-phổ-Nghĩa đi qua những đồn của quan ta, của giặc cờ vàng và giặc cờ đen đều vô sự cả. Khi lên đến Vân-nam, quan nhà Thanh cho chở đồ khoáng-vật xuống, đến tháng tư năm quí-dậu ( 1873 ), thì Đồ-phổ-Nghĩa và Millot lại trở về đến Hà-nội, đem một bọn lính cờ vàng về theo. Millot thì vào Sài-gòn nói cho Súy-phủ biết tình-thế ở Bắc-kỳ, và nhân thể đem đồ khoáng-vật sang bán ở Hương-cảng. Còn Đồ-phổ-Nghĩa thì ở lại Hà-nội, đóng ở phố Mới bây giờ, rồi cùng với mấy người Khách là Bàng lợi Ký, Quan tá Đình 關 佐 庭 mua gạo, mua muối chở lên Vân-nam.
Bấy giờ luật nước ta cấm không cho chở muối sang Tàu, mà việc thông thương ở sông Hồng-hà cũng chưa định rõ thế nào, nhưng Đồ-phổ-Nghĩa tự xưng là có lệnh quan Tàu cho, thì không cần phải theo luật nước Nam, vì nước Nam là một nước phải thần-phục nước Tàu.
Đồ-phổ-Nghĩa không hiểu rõ sự giao-thiệp nước Tàu và nước ta ngày trước. Đối với Tàu thì bề ngoài nước ta tuy xưng cống-thần, nhưng kỳ thực vẫn là độc-lập. Khi có việc gì, phải có sứ hai nước sang thương-nghị rồi mới thi-hành. Mà có khi sứ nước Tàu sang bàn điều gì, nước ta không thuận cũng thôi, chứ không có phép tự-tiện mà làm được. Chỉ trừ lúc nào nước Tàu ỷ thế mạnh mà bắt-nạt, như đời nhà Nguyên, nhà Minh và nhà Thanh, thì lại có ông Trần Hưng-Đạo, ông Lê Thái Tổ và ông Nguyễn Quang-Trung tỏ cho người Tàu biết rằng nước Nam vốn không phải đất thuộc-địa của Tàu.
Tuy vậy, quan ta phải nể Đồ-phổ-Nghĩa là người nước Pháp, sợ có việc gì, thì thành ra bất hòa với Súy-phủ ở Sài-gòn, cho nên cứ dùng lời nói ngọt để can ông ấy đừng làm điều trái với luật nước. Nhưng ông ấy cứ một niềm tự ý mình mà làm. Quan ta nhờ cả giám-mục Puginier là Kẻ-sở lên can cũng không được.
Sau quan ta có bắt mấy tên khách Bành lợi Ký và Quan tá Đình về sự đem thuyền chở muối và gạo lên Vân-nam, thì Đồ-phổ-Nghĩa đem người đi bắt quan phòng-thành Hà-nội và quan huyện Thọ-xương, đem xuống thuyền giam lại. Quan ta cũng ngơ-ngác không biết ra thế nào. Một bên thì cố tình sinh sự, một bên thì mệnh nhà vua ra không được lôi thôi điều gì.
Bấy giờ Triều-đình sai quan hữu-tham-tri bộ Binh là Phan đình Bình 潘 廷 評 làm khâm-phái ra giao cho ông Nguyễn tri Phương 阮 知 方 phải thu-xếp cho yên chuyện ấy. Ông Nguyễn tri Phương mới sai quan bố-chính là Vũ Đường 武 堂 định ngày mời Đồ-phổ-Nghĩa đến hội-quán Quảng-đông, để hội-nghị. Khi hai bên đến hội-đồng, quan ta nói rằng sự giao-thiệp nước Pháp với nước Nam đã có tờ hòa-ước năm nhâm-tuất ( 1862 ), và sự đem muối và gạo lên bán ở Vân-nam là trái với tờ hòa-ước ấy, và lại trái với luật bản-quốc. Đồ-phổ-Nghĩa cãi rằng ông ấy có lệnh quan Tàu cho là đủ, không cần phải xin phép gì nữa, rồi đứng dậy ra về.
Triều-đình ở Huế thấy việc lôi thôi mãi, sợ để lâu thành ra nhiễu sư, mới sai ông Lê Tuấn 黎 俊, ông Nguyễn văn Tường 阮 文 祥 và ông Nguyễn tăng Doãn vào sứ Sài-gòn, để thương-nghị về việc ba tỉnh phía tây đất Nam-kỳ và nhân thể nhờ Súy-phủ phân xử việc Đồ-phổ-Nghĩa cho xong.
3. ĐẠI-ÚY FRANCIS GARNIER ( NGẠC-NHI ) RA HÀ-NỘI. Viên Thống-đốc Nam-kỳ bấy giờ là Hải-quân thiếu-tướng Dupré vốn đã lưu ý về việc Bắc-kỳ. Trước đã viết thư về cho Thượng-thư Thuộc-địa-bộ ở Paris nói rằng: « Đất Bắc-kỳ là đất tiếp giáp với những tỉnh tây-nam nước Tàu, ta nên chiếm giữ lấy thì sự cai-trị của ta ở Viễn-đông này mới được chắc chắn ».
Nhưng bên Pháp bấy giờ mới đánh nhau với nước Phổ vừa xong, không muốn gây chuyện khác, bèn điện sang cho thiếu-tướng rằng : « Không được sinh sự ở Bắc-kỳ. » Đến khi Millot về Sài-gòn kể công việc ở Bắc-kỳ, thiếu-tướng lại điện về Paris nói rằng : « Việc Đồ-phổ-Nghĩa ở Bắc-kỳ đã thành công rồi. Cần phải lấy xứ Bắc-kỳ và giữ lấy con đường thông sang Tàu. Không cần phải viện binh. Thành công chắc lắm ». Ngay hôm ấy, thiếu-tướng lại viết thêm một cái thư về nói rõ mọi lẽ, và quyết rằng xin chính-phủ để cho thiếu-tướng được tự-tiện, hễ có việc gì thì thiếu-tướng xin chịu lỗi[1].
Đang lúc ấy thì Triều-đình ở Huế sai bọn ông Lê Tuấn vào xin thiếu-tướng ra điều-đình việc Đồ-phổ-Nghĩa ở Bắc-kỳ.
Cứ như ý của thiếu-tướng Dupré điện về cho chính-phủ Pháp thì thiếu-tướng chỉ mong có cái cơ-hội gì để đem quân ra Bắc-kỳ. Nay thấy Triều-đình ta vào nhờ Súy-phủ ở Sàigòn phân-xử việc Đồ-phổ-Nghĩa, thật là gặp được cái dịp mình đang mong, thiếu-tướng liền gọi quan hải-quân đại-úy Francis Garnier ở Thượng-hải về, rồi sai ra Hà-nội, nói rằng ra phân-xử việc Đồ-phổ-Nghĩa[2].
Đại-úy Francis Garnier đem mấy chiếc tàu con và 170 người lính ra đến cửa Thuận, nghỉ lại mấy hôm để đợi quan khâm-sai cùng ra Bắc-kỳ. Đến tháng 10 năm quí-dậu ( 1873 ), thì các quan ra đến Hà-nội.
Bấy giờ ai cũng tưởng là đại-úy Francis Garnier ra chuyến này thì mọi việc xong cả, cho nên đi đến đâu quan ta cũng tiếp-đãi rất trọng-hậu. Nhưng xem những thư-từ của đại-úy lúc bấy giờ, thì cốt ra có chủ-ý khác. Khi ở Sàigòn sắp đi, đại-úy viết thư về cho người anh ở bên Pháp nói rằng : «Lệnh của Súy-phủ cho, là được tự-tiện. Việc gì hải-quân thiếu-tướng cũng ủy-thác cho tôi cả. Vậy vì nước Pháp mà tôi phải cố sức. » Đến khi ra đến Hải-dương, đại-úy vào ở Kẻ-sặt, rồi viết thư sai người đem cho Đồ-phổ-Nghĩa, báo tin cho ông ấy biết cái chủ-đích của mình, và lại nói rằng trăm sự đại-úy trông-cậy vào ông ấy chỉ-bảo cho, bởi vì ông ấy đã quen biết mọi việc ở Bắc-kỳ.
Đồ-phổ-Nghĩa tiếp được thư, liền đem chiếc tàu Man-hao đi đón đại-úy. Lên đến Hà-nội, đại-úy đem mấy người đi thẳng vào thành ra mắt ông Nguyễn tri Phương, và đòi đem quân ra đóng ở trong thành. Quan ta nói mãi, Đại-úy mới thuận ra đóng ở Trường-thi. Đoạn rồi đại-úy viết thư mời giám-mục Puginier ở Kẻ-sở lên Hà-nội, để nhờ làm thông-ngôn. Đại-úy lại làm tờ hiểu-dụ, cho dân biết, nói rằng : «Bản-chức ra Bắc-kỳ cốt để dẹp cho yên giặc-giã, và để mở-mang sự buôn-bán».
4. HẠ THÀNH HÀ-NỘI NĂM QUÍ-DẬU ( 1873 ). Quan ta thấy đại-úy không nói gì đến việc Đồ-phổ-Nghĩa, mà lại nói những việc dẹp giặc và mở sự buôn-bán, thì đều lấy làm phân vân. Sau lại thấy tàu và quân ở Sàigòn tiến ra, quan ta lại càng lo lắm. Được mấy hôm, đại-úy không bàn hỏi gì đến quan ta, tự-tiện làm tờ tuyên-bố sự mở sông Hồng-hà cho người nước Pháp, nước I-pha-nho và nước Tàu được ra vào buôn-bán.
Quan ta lúc bấy giờ cũng bối-rối quá. Việc giao-thiệp và việc buôn-bán với nước Pháp thì đã định rõ trong tờ hòa-ước năm nhâm-tuất ( 1862 ), nay thấy đại-úy Francis Garnier đường đột làm như thế, thì cũng lấy làm lo, cho nên cũng có tìm cách phòng-bị. Mà đại-úy cũng đã biết trước rằng thế nào quan ta cũng không chịu, cho nên đã định kế đánh thành Hà-nội.
Đến đầu tháng 10, một mặt đại-úy viết thư cho ông Nguyễn tri Phương, trách quan ta làm ngăn-trở việc buôn-bán của Đồ-phổ-Nghĩa ; vậy vì sự văn-minh và cái quyền-lợi của nước Pháp, cho nên Súy-phủ ở Sài-gòn sai đại-úy ra mở sự buôn-bán ở Bắc-kỳ. Dẫu quan Việt-nam có thuận hay không cũng mặc, đại-úy cứ theo lệnh của súy-phủ mà thi-hành. Một mặt đại-úy bàn-định với Đồ-phổ-Nghĩa định ngày đánh thành và bắt ông Nguyễn tri Phương giải vào Sài-gòn.
Cứ như sách của Đồ-phổ-Nghĩa, thì lúc bấy giờ có cả những người mạo xưng là đảng nhà Lê, cũng xin theo đại-úy để vào thành làm nội-ứng.
Đến sáng hôm rằm tháng 10 năm quí-dậu ( 1873 ), thì quân Pháp phát súng bắn vào thành Hà-nội. Ông Nguyễn tri Phương cùng với con là phò-mã Nguyễn Lâm 阮 林 hoảng-hốt lên thành giữ cửa Đông và cửa Nam. Được non một giờ đồng hồ thì thành vỡ, phò-mã Lâm trúng đạn chết, ông Nguyễn tri Phương thì bị thương nặng. Quân Pháp vào thành bắt được ông Nguyễn tri Phương và quan khâm-phái Phan đình Bình đem xuống tàu.
Ông Nguyễn tri Phương nghĩ mình là một bậc lão-thần thờ vua đã trải ba triều, đánh nam dẹp bắc đã qua mấy phen, nay chẳng may vì việc nước mà bị thương, đến nỗi phải bắt, ông quyết chí không chịu buộc thuốc và nhịn ăn mà chết.
Ông Nguyễn tri Phương là người ở Thừa-thiên, do lại-điển xuất thân, làm quan từ đời vua Thánh-tổ, trải qua ba triều, mà nhà vẫn thanh-bạch, chỉ đem trí-lự mà lo việc nước, chứ không thiết của-cải. Nhưng chẳng may phải khi quốc-bộ gian-nan, ông phải đem thân hiến cho nước, thành ra cả nhà cha con, anh em đều mất vì việc nước. Thật là một nhà trung-liệt xưa nay ít có vậy.
5. LẤY MẤY TỈNH Ở TRUNG-CHÂU. Thành Hà-nội thất thủ rồi, quan ta thì trốn-tránh đi cả, giặc cướp lại nhân dịp nổi lên. Đại-úy Francis Garnier lại cho những người theo với mình đi làm quan các nơi để chống với quan triều, rồi lại sai người đi đánh lấy tỉnh Ninh-bình, Nam-định và Hải-dương.
Quan ta ở các tỉnh đều ngơ-ngác không biết ra thế nào, hễ thấy người Tây đến là bỏ chạy. Bởi vậy, chỉ có người Pháp tên là Hautefeuille và 7 người lính tây mà hạ được thành Ninh-bình, và chỉ trong 20 ngày mà 4 tỉnh ở Trung-châu mất cả.
6. ĐẠI-ÚY FRANCIS GARNIER CHẾT. Triều-đình được tin biến ở Bắc-kỳ, vội-vàng sai ông Trần đình Túc 陳 廷 肅, ông Nguyễn trọng Hợp 阮 仲 合, ông Trương gia Hội 張 嘉 會 cùng với giám-mục Bình (Mgr Bohier) và linh-mục Đăng (Dangelzer) ra Hà-nội, để điều-đình mọi việc và sai ông Hoàng kế Viêm 黄 繼 炎 ở Sơn-tây làm tiết-chế quân-vụ, để phòng giữ các nơi. Lại sai ông Lê Tuấn 黎 俊 làm toàn-quyền, ông Nguyễn văn Tường 阮 文 祥 làm phó, vào thương-thuyết với Súy-phủ ở Sài-gòn về việc đại-úy Francis Garnier đánh Bắc-kỳ.
Lúc bấy giờ ông Hoàng kế Viêm đóng ở Sơn-tây, có đảng cờ đen là bọn Lưu vĩnh Phúc 劉 永 福 về giúp. Vua phong cho Lưu vĩnh Phúc làm đề-đốc, để cùng với quan quân chống giữ quân Pháp. Lưu vĩnh Phúc đem quân về đóng ở mạn phủ Hoài-đức. Khi ông Trần đình Túc và ông Nguyễn trọng Hợp đang thương-thuyết với đại-úy Francis Garnier, thì quân cờ đen về đánh Hà-nội. Đại-úy đem quân đi đuổi đánh, lên đến Cầu-giấy thì bị phục quân giết chết.
7. ÔNG PHILASTRE RA HÀ-NỘI. Nguyên khi thiếu-tướng Dupré sai đại-úy Francis Garnier ra Bắc-kỳ là tự ý mình chứ chính-phủ nước Pháp vẫn không thuận, bởi vậy khi được tin đại-úy đã khởi sự đánh Hà-nội, thiếu-tướng liền sai hải-quân đại-úy, khiêm chức thống-soái việc hình-luật ở Nam-kỳ, là ông Philastre (ta gọi là Hoắc-đạo-sinh 霍 道 生 ) cùng với quan phó-sứ nước ta là ông Nguyễn văn Tường 阮 文 祥 ra điều-đình mọi việc ở Bắc-kỳ.
Đến Cửa-cấm thì ông Philastre và ông Nguyễn văn Tường mới biết rằng đại-úy Francis Garnier đã bị quân cờ đen giết mất rồi. Sử chép rằng khi được tin ấy, ông Philastre tức giận vỗ bàn mà bảo ông Nguyễn văn Tường rằng : «Việc không xong rồi, phải trở về đợi lệnh súy-phủ mới được.» Ông Nguyễn văn Tường sợ ông Philastre giận quá mà làm nhỡ việc, mới ung-dung mà nói rằng : «Việc đánh lấy Hà-nội súy-phủ bảo không phải là bản-ý, mà quân bản-quốc ở 4 tỉnh Bắc-kỳ cũng không tranh-dành gì cả. Vậy hai bên không có làm điều gì trái nhau. Nay đại-úy Francis Garnier chết, hoặc là bị giặc giết, hoặc là vì dân nổi lên làm loạn, việc ấy ta chưa rõ. Huống chi trả thành lại để định hòa-ước cho xong, ấy là lệnh của quí súy-phủ ; mà thu lấy thành rồi mới nghị-hòa, ấy là mệnh của bản-quốc. Còn như việc Hà-nội giết đại-úy Francis Garnier thì cũng như đại-úy Francis Garnier giết ông Nguyễn tri Phương, việc đó xuất ư ý ngoại, chứ có phải lỗi chúng ta đâu. Bây giờ chúng ta ra đây, mắt chưa trông thấy việc gì cả, mới nghe thấy tin báo mà đã bỏ về, thế chẳng hóa ra mình đi uổng mất công không hay sao ? Chi bằng ta cho người đưa thư lên Hà-nội bảo đem tàu xuống đón, chúng ta sẽ lên tới nơi, hoặc là cứ theo mệnh-lệnh mà làm, hoặc là xét rõ duyên-do tại làm sao mà đại-úy Francis Garnier chết, rồi sẽ báo tin, thế chẳng ổn việc lắm hay sao ? » Ông Philastre nghe lời ấy, bèn sai người đưa thư lên cho Hà-nội biết.
Ngay lúc ấy có tàu « Decrès » còn đóng ở gần Đồ-sơn, ông Philastre muốn sang tàu ấy để cho chiếc tàu mình đi là « D’ Estrées » trở về báo tin cho Sài-gòn biết. Nguyễn văn Tường ngăn đi rằng : « Tàu của mình đã vào cửa rồi lại trở ra, nhỡ sĩ-dân biết, lại bắt chước Hà-nội mà làm bậy, thì làm thế nào mà ngăn-cấm được ; sợ có việc tổn-hại, thì lấy lẽ gì mà bẩm với quí súy. Vậy nay xin sai chiếc tàu « Decrès » ra bể, đuổi đánh những giặc Tàu-ô, còn cứ đem tàu « D’ Estrées » vào đến Hải-phòng, rồi ta lên Hải-dương, đem trả tỉnh-thành lại cho bản-triều, để tỏ cái lòng tin cho sĩ-dân biết, sau ta lên Hà-nội, trả nốt cả mấy thành kia, và tra-hỏi việc đại-úy Francis Garnier chết ra thế nào sẽ bẩm cho quí-súy biết ».
Ông Philastre vốn là một người rất công-bằng, lại thấy ông Nguyễn văn Tường nói hợp lẽ, bèn thuận nghe, và lên Hải-dương truyền trả thành lại cho quan ta, rồi lên Hà-nội làm tờ giao-ước trả lại cả 4 thành cho quan ta coi giữ. Còn những tàu-bè và quân lính của Pháp ở các tỉnh thì thu cả về Hà-nội, rồi đinh ngày rút quân ra đóng ở Hải-phòng đợi đến ngày ký tờ hòa-ước xong thì rút về. Bấy giờ là tháng giêng năm giáp-tuất ( 1874 ), là năm Tự-đức thứ 27.
Đồ-phổ-Nghĩa thấy ông Philastre phá mất cả những việc của mình đã làm với đại-úy Francis Garnier, bèn vào Sài-gòn kêu với súy-phủ và đòi tiền phí-tổn non một triệu nguyên.
8. HÒA-ƯỚC NĂM GIÁP-TUẤT ( 1874 ). Mọi việc ở Hà-nội xếp-đặt xong rồi, súy-phủ ở Sài-gòn sai ông Rheinart ( Lê Na ) ra thay cho ông Philastre cùng với ông Nguyễn văn Tường về Nam-kỳ, định sự hòa-ước cho kịp ngày thiếu-tướng Dupré về Pháp.
Ngày 27 tháng giêng năm giáp-tuất ( 1874 ), là năm Tự-đức thứ 27, hải quân thiếu-tướng Dupré và ông Lê Tuấn, ông Nguyễn văn Tường ký tờ hòa-ước cả thảy 22 khoản, đại-lược có những khoản này là quan-trọng hơn cả.
Khoản II. Quan thống-lĩnh nước Pháp nhận quyền độc-lập của vua nước Nam không phải thần-phục nước nào nữa, và khi nào vua nước Nam có cần đến việc gì để đánh dẹp giặc-giã, thì nước Pháp sẵn lòng giúp mà không yêu-cầu điều gì.
Khoản III. Vua nước Nam phải đoan nhận y theo chính-lược ngoại-giao của nước Pháp, và chính-lược ngoại-giao hiện lúc bấy giờ thế nào phải để nguyên như thế, không được đổi khác đi.
Quan thống-lĩnh nước Pháp lại tặng vua nước Nam :
- 5 chiếc tàu có đủ máy-móc súng-ống
- 100 khẩu súng đại-bác, và mỗi khẩu có 200 viên đạn
- 1.000 khẩu súng tay và 5.000 viên đạn
Khoản IV. Quan thống-lĩnh nước Pháp hứa cho quan sang giúp vua nước Nam để dạy tập lính thủy, lính bộ ; cho những kỹ-sư sang dạy làm mọi việc, và cho những người giỏi việc tài-chính sang tổ-chức việc thuế-má và việc thương-chính v. v.
Khoản V. Vua nước Nam phải thuận nhường đứt đất 6 tỉnh Nam-kỳ cho nước Pháp.
Khoản IX. Vua nước Nam phải để cho giáo-sĩ được tự-do đi giảng đạo, và để cho dân trong nước được tự-do theo đạo.
Khoản XI. Vua nước Nam phải mở cửa Thị-nại ( Qui-nhơn ), của Ninh-hải ( Hải-phòng ), thành Hà-nội và sông Hồng-hà, cho ngoại quốc vào buôn-bán.
Khoản XIII. Nước Pháp được quyền đặt lĩnh-sự ở các cửa bể và các thành-thị đã mở ra cho ngoại-quốc vào buôn-bán.
Khoản XV. Người nước Pháp hay là người ngoại-quốc, hễ có giấy thông-hành của quan lĩnh-sự Pháp và có chữ quan Việt-nam phê nhận thì được phép đi xem các nơi ở trong nước.
Khoản XVI. Người nước Pháp và người ngoại-quốc có điều gì kiện-tụng tại đất Việt-nam, thì do lĩnh-sự Pháp phân xử.
Khoản XX. Khi nào tờ hòa-ước này ký xong, thì quan thống-lĩnh nước Pháp đặt sứ-thần ở Huế, để chiếu những điều đã giao-ước mà thi-hành. Vua nước Nam cũng được quyền đặt sứ-thần ở Paris và ở Sài-gòn.
Tờ hòa-ước ấy ký xong, thì quan chánh-sứ Lê Tuấn mất, ông Nguyễn văn Tường về Huế. Thiếu-tướng Dupré giao mọi việc ở Nam-kỳ cho hải-quân thiếu-tướng Krantz quyền lĩnh, rồi về Pháp.
Tháng 6, Triều-đình ở Huế lại sai quan hình-bộ Thượng-thư là Nguyễn văn Tường 阮 文 祥 và quan Lại-bộ thị-lang là Nguyễn tăng Doãn 阮 増 阭, vào Sài-gòn cùng với thiếu-tướng Krantz định các lệ về sự buôn-bán ở nước Nam. Đến 20 tháng 7, thì tờ thương-ước lập xong.
Chú thích cuối trang
- ▲ Sách «L’Empire d’Annam» của capitaine Ch. Gosselin.
- ▲ Đồ-phổ-Nghĩa (Jean Dupuis) có làm quyển sách «Le Tonkin de 1872 à 1886» kể những công-việc của ông ấy ở Bắc-Việt, và nói rõ tình-ý của các quan coi việc Súy-phủ ở Sàigòn lúc bấy giờ là thế nào. Ta cũng nhờ có sách ấy mà kê-cứu ra được nhiều việc rất là tường-tận.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.