Việt Nam sử lược – Quyển 2
Tự chủ thời đại: NGUYỄN-VƯƠNG NHẤT-THỐNG NƯỚC NAM
CHƯƠNG XII
NGUYỄN-VƯƠNG NHẤT-THỐNG NƯỚC NAM
1. Nguyễn-vương Ánh ở Tiêm-la |
2. Nguyễn-vương về lấy Gia-định |
3. Nguyễn-vương sửa-sang mọi việc ở Gia-định |
4. Việc khai-khẩn điền-thổ |
5. Việc buôn-bán |
6. Ông Bá-đa-lộc và Hoàng-tử Cảnh ở Pháp về |
7. Nguyễn-vương đánh Qui-nhơn lần thứ nhất |
8. Thế-lực Tây-sơn |
9. Nguyễn-vương đánh Qui-nhơn lần thứ hai |
10. Nguyễn-vương đánh Qui-nhơn lần thứ ba |
11. Quân Tây-sơn vây thành Bình-định |
12. Nguyễn-vương thu-phục Phú-xuân |
13. Võ Tính tử tiết |
14. Trận Trấn-ninh |
15. Nguyễn-vương lên ngôi tôn |
16. Quân Nam ra lấy Bắc-hà |
1. NGUYỄN-VƯƠNG ÁNH Ở TIÊM-LA. Tháng tư năm ất-tị ( 1785 ), ông Nguyễn Huệ phá quân Tiêm-la ở Mỹ-tho, Nguyễn-vương thế cô, lại phải sang nương-nhờ nước Tiêm. Đến khi các tướng-sĩ đã biết ngài ở Tiêm-la, đều lục tục kéo sang bái-yết, bấy giờ có quan cũ là Lê văn Câu 黎 文 勾 ( còn gọi Quân hay Duân ) đem 600 người sang theo giúp. Vua nước Tiêm để cho người Việt-nam ở riêng một chỗ gọi là Long-kỳ, ở ngoài thành Vọng-các ( Bangkok )[1].
Nguyễn-vương bèn phân trí mọi người đi làm các việc : người thì đi làm ruộng để lấy thóc gạo nuôi quân, người thì đi ra các đảo làm sẵn chiến-thuyền, người thì đi lẻn về Gia-định, chiêu-tập những kẻ nghĩa-dũng để đợi ngày khôi-phục.
Lúc bấy giờ nhân có quân Diến-điện sang đánh Tiêm-la, Nguyễn-vương cùng với bọn Lê văn Câu 黎 文 勾, Nguyễn văn Thành 阮 文 誠 đem quân bản-bộ đi đánh giúp nước Tiêm. Nguyễn-vương lại có công trừ được những giặc Mã-lai, thường vẫn hay đến quấy-nhiễu ở mặt bể. Bởi vậy cho nên nước Tiêm lại càng trọng-đãi vua tôi nhà Nguyễn lắm.
2. NGUYỄN-VƯƠNG VỀ LẤY GIA-ĐỊNH. Trong khi Nguyễn-vương còn phải nương-náu ở đất Tiêm-la, ông Nguyễn Huệ tiến binh ra Bắc-hà giết Trịnh Khải, tôn vua Lê, rồi về được phong là Bắc-bình-vương, đóng ở Phú-xuân. Ông Nguyễn Nhạc xưng là Trung-ương Hoàng-đế, phong cho Nguyễn Lữ làm Đông-định-vương vào giữ đất Gia-định.
Nhưng chẳng được bao lâu, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ không hòa với nhau. Nguyễn Huệ đem quân Phú-xuân vào vây thành Qui-nhơn nguy-cấp lắm. Nguyễn Nhạc phải vời đô-đốc Đặng văn Chân 鄧 文 真 đem quân ở Gia-định ra cứu.
Từ đó quân thế của Tây-sơn ở Gia-định đã kém, ở các nơi lại có nhiều đảng theo về chúa Nguyễn, rồi nổi lên đánh phá, làm cho quân Tây-sơn càng ngày càng khó giữ. Vả trong mấy anh em Tây-sơn chỉ có Nguyễn Huệ là anh-hùng kiệt-hiệt hơn cả, mà đã ra chuyên giữ mặt bắc, thì công việc mặt nam phó mặc Nguyễn Lữ là người tầm-thường, cho nên thế Tây-sơn ở mặt ấy thành ra suy-nhược.
Lúc bấy giờ Nguyễn-vương ở Tiêm-la vẫn có người đi về tin tức, biết có cơ-hội lấy được đất Gia-định, mà cũng biết rằng người Tiêm-la vẫn không giúp được cho mình lại còn có bụng ghen-ghét : như năm đinh-vị ( 1787 ) có người Bồ-đào-nha đưa quốc-thư cho Nguyễn-vương xin đem binh và thuyền ở thành Goa[2] lại giúp. Vua Tiêm-la biết việc ấy lấy làm không bằng lòng, Nguyễn-vương phải từ chối và tạ ơn người Bồ-đào-nha.
Đến khi được tin rằng đất Gia-định có thể lấy được, Vương bèn để thư lại từ tạ vua Tiêm-la, rồi nửa đêm đem vương-mẫu và cung-quyến xuống thuyền về nước. Bấy giờ là tháng bảy năm đinh-vị ( 1787 ).
Nguyễn-vương đi qua đảo Cổ-cốt có người nhà Thanh tên là Hà hỉ Văn 何 喜 文 thuộc về Thiên-địa-hội 天 地 會 đem mấy người đến xin theo giúp. Vương về đến Hà-tiên cho người đưa vương-mẫu và cung-quyến ra ở Phú-quốc, rồi cùng mọi người về đóng ở Long-xuyên.
Lúc bấy giờ Nguyễn-vương đi đến đâu, những người hào-kiệt ra theo rất nhiều lại có tướng Tây-sơn là Nguyễn văn Trương 阮 文 張 đem 300 quân, 15 chiếc thuyền ra hàng. Qua tháng 6, vương vào cửa Cần-giờ, quân-thế to lắm, Đông-định-vương Nguyễn Lữ khiếp sợ để quan thái-phó Phạm văn Tham 范 文 參 ở lại giữ thành Sài-gòn rồi lui về đóng ở Lạng-phụ, thuộc Biên-hòa.
Nguyễn-vương sai người trá làm một cái thư của Nguyễn Nhạc gửi cho Nguyễn Lữ, trong thư bảo phải giết Phạm văn Tham đi, rồi vương sai người giả tảng đưa lầm cho Phạm văn Tham, Phạm văn Tham bắt được cái thơ ấy sợ-hãi, lập tức về Lạng-phụ để phân-giải tình oan với Nguyễn Lữ, nhưng Nguyễn Lữ thấy tự-nhiên Phạm văn Tham kéo quân đến, lại có cờ trắng đi trước, tưởng là Văn Tham đã hàng nhà Nguyễn rồi, vội-vàng bỏ thành chạy về Qui-nhơn, được ít lâu thì mất.
Phạm văn Tham trở về giữ thành Gia-định đánh phá được quân nhà Nguyễn. Nguyễn-vương phải rút quân về miền Mỹ-tho, chỉ còn được 300 quân và vài mươi chiếc thuyền, thế-lực đã núng lắm. Nhưng nhờ có mộ thêm được mấy nghìn quân Cao-miên và lại có mấy toán quân Tây-sơn về hàng, cho nên quân-thế mới hơi vững.
Bấy giờ lại nhờ có Võ Tính 武 性 là tướng giỏi ra giúp, cho nên Nguyễn-vương lại tiến lên đánh Nước-xoáy, Phạm văn Tham lùi về đóng ở Ba-thắc.
Võ Tính là người ở Biên-hòa, có người anh tên là Võ Nhân làm thuộc tướng Đỗ thanh Nhân 杜 清 仁. Sau Thanh Nhân bị giết, Võ Nhân tụ quân Đông-sơn làm phản, đánh lại chúa Nguyễn, nhưng chẳng bao lâu cũng bị bắt, phải giết. Võ Tính mới đem dư-đảng Đông-sơn của anh về giữ Vườn-trầu (thuộc Gia-định), rồi sau lại về đóng ở Gò-công, xưng là Tổng-nhung, thủ-hạ có mấy vạn người, quân Tây-sơn đã bị đánh phá nhiều lần, thường nói rằng : «Trong bọn tam-hùng đất Gia-định, Võ Tính là anh-hùng bậc nhất, không nên phạm đến» . Khi Nguyễn-vương ở Tiêm-la về có sai Nguyễn đức Xuyên 阮 德 川 đến dụ Võ Tính về giúp. Đến khi Nguyễn-vương về đóng ở Nước-xoáy, Võ Tính đem bộ-hạ đi đuổi đánh Phạm văn Tham, rồi đến tháng tư năm mậu-thân ( 1788 ) mới đem Võ văn Lượng 武 文 諒, Nguyễn văn Hiếu 阮 文 孝, Mạc văn Tô 莫 文 蘇, Trần văn Tín 陳 文 信 đến hành tại bái-kiến Nguyễn-vương. Nguyễn-vương mừng rỡ, phong cho làm Tiền-phong-dinh Chưởng-cơ và lại gả cho bà Ngọc-du công-chúa là em gái. Bọn Võ văn Lượng đều được phong làm cai-cơ.
Qua tháng 7 năm ấy (1788 ) Nguyễn-vương đem quân về đóng ở Ba-giồng, rồi sai Tôn thất Hội 尊 室 會 và Võ Tính đem binh vào đánh quan đốc-chiến Tây-sơn là Lê văn Minh 黎 文 明 ở đồn Ngũ-kiều 伍 橋, đốt phá cả đồn trại, bắt được tướng-sĩ rất nhiều. Lại có tướng là Nguyễn văn Nghĩa 阮 文 義 phá được quân Tây-sơn ở Lộc-dã (tức là Đồng-nai). Tháng tám thì Nguyễn-vương vào thành Gia-định, chiêu-yên trăm họ, sửa-sang phép-tắc và phong thưởng cho các tướng-sĩ.
Bấy giờ quan thái-bảo Tây-sơn là Phạm văn Tham vẫn đóng ở Ba-thắc 巴 忒 ; vương sai giữ các cửa bể không cho quân Tây-sơn chạy thoát, rồi sai Nguyễn văn Nhàn 阮 文 閑 sang Tiêm-la báo tiệp ; sai Nguyễn văn Nhân 阮 文 仁 và Trương phúc Giáo 張 福 教 ra Phú-quốc đón vương-mẫu và cung-quyến về Gia-định.
Sang năm kỷ-dậu ( 1789 ) Phạm văn Tham ở Ba-thắc đem binh xuống thuyền định ra bể về Qui-nhơn, nhưng Nguyễn vương đã sai Lê văn Câu (còn gọi Duân), Tôn thất Hội, Võ Tính, Nguyễn văn Trương hợp binh lại đánh ở Hỗ-châu, quân Phạm văn Tham không phá được vây, lại phải lui về Ba-thắc. Văn Tham chờ không thấy viện-binh, liệu thế giữ không nổi, bèn đem binh ra hàng, được ít lâu bị tội phải giết.
Từ đó toàn đất Gia-định thuộc về chúa Nguyễn cả.
3. NGUYỄN-VƯƠNG SỬA-SANG MỌI VIỆC Ở GIA-ĐỊNH. Nguyễn-vương thu-phục được đất Gia-định rồi, lập ra luật-pháp, không cho dân-gian đánh cờ bạc, lại nghiêm cấm phù-thủy và đồng-bóng để giữ phong-tục cho khỏi sự mê-hoặc.
Trước hết vương lo chỉnh-đốn những việc thuế-khóa, việc canh-nông, để lấy lương tiền nuôi tướng-sĩ và tu-bổ việc vũ-bị. Lại đặt ra các sở công-đồng để các quan văn võ hội-nghị mọi việc quốc-quân, và lo sự tiến binh đánh Tây-sơn.
4. VIỆC KHAI-KHẨN ĐIỀN-THỔ. Đất Gia-định lúc bấy giờ chi ra làm 4 doanh là : Phiên-trấn 藩 鎮, Trấn-biên 鎮 邊, Trấn-vĩnh 鎮 永 và Trấn-định 鎮 定, nhưng vì phải loạn lạc mãi, dân sự đói khổ, ruộng đất bỏ hoang, lương-thực không đủ. Nguyễn-vương bèn sai văn-thần là Trịnh hoài Đức 鄭 懷 德, Lê quang Định 黎 光 定, Ngô tùng Chu 吳 從 周, Hoàng minh Khánh 黄 明 慶 cả thảy là 12 người làm điền-tuấn-quan 田 畯 官 để khuyên-nhủ quân dân cố sức làm ruộng. Từ lính phủ binh cho đến người cùng-cố đều bắt phải làm ruộng cả. Hễ ai không chịu thì bắt phải làm lính để thay cho phủ binh.
Đến mùa lúa chín, thì cứ mỗi người cày ruộng đồng-bằng phải nộp 100 cơ[3], mà ai cày ruộng núi thì phải nộp 60 cơ trở lên. Ai nộp đủ lệ ấy, như phủ binh thì được miễn cho một năm không phải đi đánh giặc, mà dân đinh thì được miễn cho một năm giao-dịch. Ai không nộp đủ thì không được dự vào lệ miễn ấy.
Lại mộ những dân ở các nơi đến làm ruộng, gọi là điền-tốt 田 卒. Quan điền-tuấn lấy ruộng đất bỏ hoang cấp cho để cày cấy. Ai không có đủ trâu bò mà cày-bừa, thì quan cũng cấp cho, rồi đến mùa phải trả bằng thóc.
Nguyễn-vương lại phát trâu-bò và điền-khí cho quân dân, bắt đi khai-khẩn những nơi rừng núi để làm ruộng gọi là đồn-điền, rồi đến mùa lấy thóc để vào kho, gọi là đồn-điền khố 屯 田 庫.
Các quan văn-võ đều phải mộ người lập thành đội, gọi là đồn-điền đội 屯 田 隊 mỗi năm mỗi người phải nộp 6 hộc thóc. Còn dân mà ai mộ được 10 người trở lên, thì cho làm cai-trại và được trừ sưu-dịch.
Cách Nguyễn-vương khai-khẩn đất Gia-định thật là khôn-khéo, khiến cho đất Nam Việt trước là một chỗ đất bỏ hoang, không có người ở, mà sau thành ra một nơi rất đông người và rất trù-phú trong nước Nam ta. Ấy cũng là một cái công lớn của ông Nguyễn-phúc Ánh vậy.
5. VIỆC BUÔN-BÁN. Nguyễn-vương lập lệ : phàm những thuyền của khách mà có chở những đồ gang, sắt, kẽm và lưu-hoàng, thì quan mua để làm binh-khí, và cho cứ theo số hàng nhiều ít, được chở thóc gạo về nước. Bởi vậy những khách buôn-bán cũng vui lòng đem đồ hàng đến bán. Vương lại sai quan ở doanh Trấn-biên cứ theo giá chợ mà mua lấy đường cát để đổi cho những người Tây-dương mà lấy đồ binh-khí.
6. ÔNG BÁ-ĐA-LỘC VÀ HOÀNG-TỬ CẢNH Ở PHÁP VỀ. Từ mùa đông năm giáp-thìn ( 1784 ), ông Bá-đa-lộc đem Hoàng-tử Cảnh cùng với Phạm văn Nhân, Nguyễn văn Khiêm xuống tàu sang Tây ; đi qua Ấn-độ-dương và thành Phong-ti thê-ri ( Pondichéry ) đất Ấn-độ, ở lại gần 20 tháng, rồi đến mùa xuân năm đinh mùi ( 1787 ), thì chiếc tàu chở ông Bá-đa-lộc mới vào cửa Lorient ở phía tây nước Pháp-lan-tây.
Ông Bá-đa-lộc đưa Hoàng-tử Cảnh vào yết-kiết Pháp hoàng Louis XVI. Pháp-hoàng lấy vương-lễ tiếp-đãi Hoàng-tử, và giao cho thượng-thư Ngoại-giao-bộ là De Montmorin bá-tước, thương-nghị với ông Bá-đa-lộc việc sang giúp Nguyễn-vương.
Đến ngày 28 tháng 11 năm 1787 thì ông Bá-đa Lộc và De Montmorin bá-tước ký tờ giao-ước, đại lược nói rằng :
1. Vua nước Pháp thuận giúp cho Nguyễn-vương 4 chiếc tàu chiến và một đạo binh : 1.200 lục quân, 200 pháo binh, 250 hắc binh ở Phi-châu ( Cafres ) và đủ các thứ súng-ống thuốc-đạn.
2. Vì vua nước Pháp có lòng giúp như thế, Nguyễn-vương phải nhường đứt cho nước Pháp cửa Hội-an ( Faifo ) và đảo Côn-lôn ( Poulo-Condore ).
3. Nguyễn-vương phải để cho người nước Pháp ra vào buôn-bán tự-do ở trong nước, ngoại giả không cho người nước nào ở Âu-châu sang buôn-bán ở nước Nam nữa.
4. Khi nào nước Pháp có cần đến lính thủy, lính bộ, lương-thực, tàu-bè ở phương đông, thì Nguyễn-vương phải ứng biện cho đủ giúp nước Pháp.
5. Khi Nguyễn-vương đã khôi-phục được nước rồi, thì phải cứ mỗi năm làm một chiếc tàu, y như tàu của nước Pháp đã cho sang giúp, để đem sang trả cho Pháp-hoàng[4].
Tờ giao-ước ký xong rồi, Pháp-hoàng xuống chiếu giao cho quan tổng-trấn thành Pondichéry ở đất Ấn-độ, tên là De Conway bá-tước, kinh-lý việc sang giúp Nguyễn-vương.
Ngày mồng 8 tháng chạp tây, năm 1787, ông Bá-đa-lộc vào bái tạ Pháp hoàng Louis XVI, rồi đem hoàng-tử Cảnh xuống tàu về nước Nam. Nhưng đến khi sang tới thành Pondichéry, vì De Conway bá-tước có chuyện bất hòa với ông Bá-đa-lộc, cho nên bá-tước mới tìm cách ngăn-trở việc giúp Nguyễn-vương, rồi làm sớ về tâu Pháp-hoàng xin bãi việc ấy đi, lấy cớ rằng sự đem binh sang cứu-viện Nguyễn-vương là việc rất khó mà không có lợi gì.
Pháp-đình thấy sớ của De Conway bá-tước nói như vậy cũng lấy làm nản ; vả lại lúc bấy giờ chính-phủ còn đang bối rối về việc trong nước dân cách-mệnh đã rục-rịch cả mọi nơi, cho nên bỏ việc ấy không nói đến nữa.
Ấy cũng vì có De Conway bá-tước, cho nên việc sang cứu-viện Nguyễn-vương không thành, bởi vậy sau ông Faure chép truyện ông Bá-đa-lộc, có tiếc rằng : « Ví bằng lúc bấy giờ chính-phủ nước Pháp mà sẵn lòng giúp ông Bá-đa-lộc, thì có lẽ ông ấy đã lập nên cho nước Pháp thành cuộc bảo-hộ ở An-nam ngay từ cuối đời thập-bát thế-kỷ, khiến cho về sau khỏi phải dùng đến sự chiến-tranh mới xong công-việc ».
Ông Bá-đa-lộc thấy De Conway bá-tước không chịu xuất binh-thuyền, bèn đứng lên đi mộ người, mua tàu và súng-ống khí-giới để đem sang giúp Nguyễn-vương.
Đến tháng 6 năm kỷ-dậu ( 1789 ), ông Bá-đa-lộc và hoàng-tử Cảnh đi chiếc tàu chiến Méduse về đến Gia-định. Các tàu buôn chở súng-ống thuốc-đạn cũng lục-tục sang sau.
Bấy giờ những người Pháp tên là Chaigneau ( Nguyễn văn Thắng ), túc là chúa tàu Long, Vannnier, ( Nguyễn văn Chấn ), tức là chúa tàu Phụng, De Forcant (Lê Văn Lăng), Victor Ollivier ( ông Tín ), Dayot v.v. cả thảy đến non 20 người theo ông Bá-đa-lộc sang giúp Nguyễn-vương ; vương phong quan-tước cho cả mọi người để luyện-tập quân-sĩ, làm tàu, đúc súng, và chỉnh-đốn mọi việc vũ-bị.
Từ đó, thế-lực của Nguyễn-vương mỗi ngày một mạnh, tướng-tá mỗi ngày một đông, lương-thực nhiều, quân-sĩ giỏi, việc đánh phá Tây-sơn đã chắc lắm rồi.
Tháng tư năm tân-hợi ( 1791 ), bà thứ-phi sinh ra hoàng-tử thứ tư lên là Đảm 膽, tức là vua Thánh-tổ, ở làng Tân-lộc, gần Sài-gòn bây giờ. Đến tháng ba năm quí-sửu ( 1793 ), thì vương lập hoàng-tử Cảnh làm Đông-cung, phong chức nguyên-súy, lĩnh tả-quân-doanh.
7. NGUYỄN-VƯƠNG ĐÁNH QUI-NHƠN LẦN THỨ NHẤT. Nguyễn-vương đã khôi-phục được đất Gia-định rồi, nghỉ-ngơi hơn một năm để chỉnh-đốn mọi việc. Đến tháng tư năm canh-tuất ( 1790 ) mới sai quan chưởng-tiền quân là Lê văn Câu 黎 文 勾 đem 5.000 quân thủy và quân bộ ra đánh lấy Bình-thuận, sai Võ Tính 武 性 và Nguyễn văn Thành 阮 文 誠 đem quân đi làm tiên-phong. Chẳng bao lâu nhà Nguyễn lấy được đất Phan-ri và hạ được thành Bình-thuận. Nhưng vì Lê văn Câu và Võ Tính hai người không chịu nhau, Nguyễn-vương bèn lưu Lê văn Câu ở lại giữ Phan-rí, triệu Võ Tính và Nguyễn văn Thành về Gia-định. Lê văn Câu đem quân ra đóng ở Phan-rang bị quân Tây-sơn đến vây đánh, phải cho người đi gọi Võ Tính và Nguyễn văn Thành trở lại cứu, nhưng Võ Tính không chịu trở lại, chỉ có Nguyễn văn Thành đưa binh đến đánh giải vây rồi cùng Lê văn Câu về giữ Phan-rí.
Lê văn Câu lấy điều bại binh ấy làm thẹn, xưng bệnh không ra coi việc binh nữa. Đến khi về Gia-định nghị tội phải cách hết chức-tước, Lê văn Câu uống thuốc độc tự-tử[5].
Quân nhà Nguyễn ra đánh Tây-sơn lần ấy không lợi ; vả bấy giờ là mùa tháng 7, gió bắc thổi mạnh, cho nên Nguyễn-vương truyền rút quân về Gia-định để đợi mùa gió thuận thì mới đem quân đi đánh nhau, cho nên người đời bấy giờ gọi là giặc mùa.
Năm nhâm-tí (1792) tháng ba, nhân khi mùa gió nam thổi mạnh, Nguyễn-vương sai tướng là Nguyễn văn Trương cùng với Nguyễn văn Thành, Dayot và Vannier ( Nguyễn văn Chấn ) đem chiến-thuyền từ cửa Cần-giờ ra đốt phá thủy-trại của Tây-sơn ở cửa Thị-nại ( cửa Qui-nhơn ) rồi lại về.
Tháng ba năm quí-sửu ( 1793 ) Nguyễn-vương để Đông-cung ở lại giữ đất Gia-định, sai Tôn-thất Hội cùng Nguyễn huỳnh Đức và Nguyễn văn Thành đem bộ binh ra đánh Phan-rí. Nguyễn-vương cùng với Nguyễn văn Trương và Võ Tính đem thủy sư đi đánh mặt bể. Đến tháng năm thì chiến-thuyền của Nguyễn-vương vào cửa bể Nha-trang rồi lên đánh lấy phủ Diên-khánh và phủ Bình-khang, sau lại ra đánh lấy phủ Phú-yên.
Mặt thủy, Nguyễn-vương được toàn thắng, còn mặt bộ, thì Tôn-thất Hội chỉ lấy được phủ Bình-thuận mà thôi. Vương bèn sai người đưa thư giục Tôn-thất Hội phải kíp tiến binh lên hội với thủy-sư, để hai mặt cùng ra đánh Qui-nhơn.
Khi quân của Nguyễn-vương vào cửa Thị-nại, vua Tây-sơn là Nguyễn Nhạc sai thái-tử là Nguyễn Bảo 阮 寶 đem binh ra chống giữ. Nguyễn-vương bèn mật sai Võ Tính đem binh lẻn đi hội với toán quân Tôn-thất Hội và Nguyễn văn Thành để đánh tập hậu. Quân của Nguyễn Bảo bị hai mặt đánh lại, chống không nổi, phải bỏ chạy về Qui-nhơn. Từ đó quân thủy và quân bộ của Nguyễn-vương tương thông được với nhau. Vương bèn sai Tôn-thất Hội, Võ Tính, Nguyễn huỳnh Đức, Nguyễn văn Thành đem binh tiến lên đánh thành Qui-nhơn.
Nguyễn Nhạc phải sai người ra cầu cứu ở Phú-xuân.
Bấy giờ vua Quang-trung đã mất rồi, vua Cảnh-thịnh, tức là Nguyễn quang Toản, sai quan thái-úy là Phạm công Hưng 范 公 興, quan hộ-giá là Nguyễn văn Huấn 阮 文 訓, quan đại-tư-lệ là Lê Trung 黎 忠 và quan đại-tư-mã là Ngô văn Sở 吳 文 楚 đem 17.000 bộ binh và 80 con voi đi đường bộ, và sai quan đại-thống-lĩnh là Đặng văn Chân 鄧 文 真 đem hơn 30 chiếc thuyền đi đường bể, cả hai đạo cùng tiến vào cứu Qui-nhơn.
Nguyễn-vương thấy viện binh đã đến, liệu thế chống không nổi, rút quân về Diên-khánh (tức là Khánh-hòa bây giờ) rồi về Gia-định. Để Nguyễn văn Thành 阮 文 誠 ở lại giữ Diên-khánh, Nguyễn huỳnh Đức 阮 黄 德 ở lại giữ Bình-thuận.
Đến tháng 11, Nguyễn-vương lại sai Đông cung Cảnh và ông Bá-đa-lộc, Phạm văn Nhân, Tống phúc Khê ra giữ thành Diên-khánh.
8. THẾ-LỰC TÂY-SƠN. Bọn Phạm công Hưng giải được vây rồi, kéo quân vào thành Qui-nhơn, chiếm giữ lấy thành-trì và tịch biên cả các kho tàng.
Nguyễn Nhạc thấy vậy, tức giận đến nỗi thổ huyết ra mà chết. Ông làm vua được 16 năm.
Vua Cảnh-thịnh ở Phú-xuân thấy Nguyễn Nhạc mất rồi, phong cho Nguyễn Bảo làm Hiến-công, cho ăn lộc một huyện, gọi là tiểu triều 小 朝 rồi để Lê Trung và Nguyễn văn Huấn ở lại giữ thành Qui-nhơn.
Từ đó các tướng Tây-sơn mới hoạt-động hơn trước. Tháng ba năm giáp-dần (1794) Nguyễn văn Hưng đem bộ binh vào đánh Phú-yên, và Trần quang Diệu vào vây thành Diên-khánh.
Đông-cung Cảnh cho người về Gia-định cầu viện, Nguyễn-vương bèn đem đại binh đến đánh giải vây. Trần quang Diệu rút quân về.
Nguyễn-vương thấy thế Tây-sơn còn mạnh và lại đến mùa gió bắc, cho nên vương đem Đông-cung về Gia-định ; để Võ Tính ở lại giữ thành Diên-khánh.
Tháng giêng năm ất-mão (1795) Trần quang Diệu lại đem quân vào đánh Diên-khánh, Võ Tính hết sức chống giữ, Quang Diệu đánh mãi không được. Đến tháng hai, Nguyễn-vương để Đông-cung ở lại giữ Gia-định, đem thủy-sư ra cứu Diên-khánh.
Trong khi hai bên còn đang chống giữ nhau ở đất Diên-khánh, thì ở Phú-xuân các quan đại-thần nhà Tây-sơn giết hại lẫn nhau, gây thành mối loạn.
Nguyên từ khi vua Quang-trung mất rồi, vua Cảnh-thịnh lên ngôi, nhưng quyền về cả Thái-sư Bùi đắc Tuyên, các quan có nhiều người oán-giận. Năm ất-mão (1795) Bùi đắc Tuyên sai Ngô văn Sở ra Bắc-hà thay cho Vũ văn Dũng. Văn Dũng về Phú-xuân, đi đến trạm Hoàng-giang[6] gặp quan trung-thư lệnh là Trần văn Kỷ 陳 文 紀 phải tội đày ra ở đấy. Văn Kỷ nhân đang căm-tức Bùi đắc Tuyên, bèn xui Vũ văn Dũng rằng : «Thái-sư ngôi trùm cả nhân-thần, cho ai sống được sống, bắt ai chết phải chết ; nếu mà không sớm trừ đi, thì rồi có chuyện bất lợi cho nhà nước. Ông nên liệu sớm đi».
Vũ văn Dũng xưa nay vẫn tin trọng Văn Kỷ, nay thấy nói như vậy, bèn nghe lời ấy, về mưu với Phạm công Hưng và Nguyễn văn Huấn, lừa đến đêm đem quân vây nhà Bùi đắc Tuyên bắt bỏ ngục, rồi sai Nguyễn văn Huấn vào Qui-nhơn bắt con Đắc Tuyên là Bùi đắc Trụ 裴 得 宙, và cho người đưa thư ra Bắc-hà truyền cho quan Tiết-chế là Nguyễn quang Thùy 阮 光 垂 (em Nguyễn quang Toản) bắt giải Ngô văn Sở về Phú-xuân.
Bọn Vũ văn Dũng bèn đặt chuyện ra vu cho những người ấy làm phản, đem dìm xuống sông giết đi. Vua Cảnh-thịnh không sao ngăn giữ được, chỉ gạt nước mắt khóc thầm mà thôi.
Lúc bấy giờ Trần quang Diệu đang vây thành Diên-khánh, nghe tin ấy, thất kinh, nói với các tướng rằng : «Chúa-thượng không phải là người cứng-cỏi, để cho đại thần giết lẫn nhau. Nếu trong mà không yên, thì ngoài đánh người ta thế nào được?».
Quang Diệu bèn giải vây rút quân về. Khi về đến Qui-nhơn, Nguyễn văn Huấn đến tạ tội trước. Trần quang Diệu không hỏi đến, rồi dẫn quân về đến làng An-cựu đóng bên bờ sông mé nam.
Vũ văn Dũng cùng với nội hậu Tứ 賜 cũng đem quân bản-bộ ra đóng ở mé bắc bờ sông, ỷ mệnh vua ra cự nhau với Trần quang Diệu.
Vua Cảnh-thịnh sợ-hãi sai quan ra khuyên-giải cả hai bên, Trần quang Diệu mới đem các tướng vào chầu, rồi với bọn Vũ văn Dũng giảng hòa.
Từ đó Trần quang Diệu 陳 光 耀 làm thiếu-phó, Nguyễn văn Huấn làm thiếu-bảo, Vũ văn Dũng 武 文 勇 làm đại-tư-đồ, Nguyễn văn Danh 阮 文 名 (hay là Nguyễn văn Tứ 阮 文 賜) làm đại-tư-mã, gọi là tứ trụ đại-thần. Nhưng chẳng được bao lâu có người gièm-pha, Trần quang Diệu bị thu hết cả binh-quyền, chỉ được giữ chức tại triều mà thôi. Thế-lực Tây-sơn từ đấy về sau mỗi ngày một kém : trên vua thì còn nhỏ-dại, không có đủ uy-quyền để sai-khiến các quan, dưới tướng-tá thì vì lòng ghen-ghét rồi cứ tìm cách mà giết hại lẫn nhau. Bởi vậy cho nên đến khi quân Nguyễn-vương ở Nam ra đánh, chẳng phải mất bao nhiêu công-phu mà lập nên công lớn vậy.
9. NGUYỄN-VƯƠNG ĐÁNH QUI-NHƠN LẦN THỨ HAI. Từ khi quân của Trần quang Diệu giải vây Diên-khánh về Phú-xuân rồi, Nguyễn-vương cũng rút quân về Gia-định sửa-soạn việc quân-lương, và sai người đi do-thám mọi nơi để chiêu-mộ người về đánh Tây-sơn.
Đến năm đinh-tị ( 1797 ) Nguyễn-vương để Tôn-thất Hội ở lại giữ Gia-định, rồi cùng Đông-cung Cảnh đem binh-thuyền ra đánh Qui-nhơn. Lại sai Nguyễn văn Thành và Võ Tính ra đánh Phú-yên.
Quân thủy của Nguyễn-vương ra đến Qui-nhơn, thấy Tây-sơn đã phòng bị, liệu đánh không đổ được, Nguyễn-vương bèn ra đánh Quảng-nam. Được vài tháng quân-nhu không đủ, lại phải đem quân về Gia-định, sai Nguyễn văn Thành 阮 文 誠 và Đặng trần Thường 鄧 陳 常 ở lại giữ thành Diên-khánh.
10. NGUYỄN-VƯƠNG ĐÁNH QUI-NHƠN LẦN THỨ BA. Nguyễn-vương về Gia-định rồi, một mặt sai Nguyễn văn Thụy 阮 文 瑞 sang Tiêm-la xin với quốc-vương nước ấy đem quân đi đường Vạn-tượng, hoặc sang đánh Thuận-hóa, hoặc sang đánh Nghệ-an, để chận đường quân ở Bắc-hà vào. Một mặt sai quan binh-bộ tham-tri là Ngô nhân Tĩnh 吳 仁 静 sang sứ nhà Thanh, để do-thám mọi việc.
Năm mậu-ngọ ( 1798 ) Tiểu-triều là Nguyễn Bảo căm-tức vua Cảnh-thịnh là Nguyễn quang Toản chiếm giữ mất đất Qui-nhơn, bèn định bỏ về hàng Nguyễn-triều. Vua Cảnh-thịnh biết mưu ấy, sai tướng vào bắt Nguyễn Bảo đưa về dìm xuống sông giết đi.
Lại có người nói gièm rằng việc Tiểu-triều làm phản là tại quan trấn thủ Lê Trung. Vua Cảnh-thịnh triệu Lê Trung về Phú-xuân, sai võ-sĩ bắt chém đi. Được ít lâu quan thiếu-phó Nguyễn văn Huấn cũng bị giết. Từ đó tướng-sĩ Tây-sơn ai cũng nản lòng, có nhiều người bỏ theo về Nguyễn-vương.
Bấy giờ có người con rể Lê Trung là Lê Chất 黎 質 vốn là người đánh trận giỏi có tiếng, quan làm đến chức đại-đô-đốc ; đến khi thấy vua Tây-sơn hay nghi-kỵ mà giết hại các công-thần như vậy, bèn bỏ trốn sang hàng nhà Nguyễn. Nguyễn-vương trọng dụng cho làm chức tướng-quân.
Nguyễn-vương thấy thế Tây-sơn đã suy-nhược, đến tháng ba năm kỷ-vị ( 1799 ) bèn cử đại binh ra đánh Qui-nhơn. Đến tháng tư thủy-quân của Nguyễn-vương vào cửa Thị-nại, rồi Nguyễn-vương sai quan hậu-quân Võ Tính, hữu-quân Nguyễn huỳnh Đức đem quân lên bộ đóng ở Trúc-khê 竹 溪. Ngay lúc bấy giờ quan Khâm-sai tiền-quân chưởng-cơ Nguyễn văn Thành đem bộ binh ra đánh lấy Phú-yên, rồi tiến quân lên tiếp ứng cho toán quân Võ-Tính.
Đến tháng năm, thì quân của Nguyễn-vương đến vây thành Qui-nhơn. Ở Phú-xuân sai Trần quang Diệu và Vũ văn Dũng đem binh vào cứu. Nhưng mà vào đến Quảng-nghĩa gặp quân của Nguyễn văn Thành giữ ở Thạch-tân 石 津, cho nên không cứu được Qui-nhơn.
Sử chép rằng khi đạo quân của Vũ văn Dũng vào đến Chung-xá 終 舍, đóng lại ở đấy, đến đêm có con nai ở trong rừng chạy ra, có người trông thấy kêu to lên rằng : Con nai ! Quân Tây-sơn nghe lầm là quân Đồng-nai ! Mọi người luống cuống bỏ chạy. Các quân đội Tây-sơn tưởng là quân nhà Nguyễn đã đến vây đánh, đều vỡ tan cả. Quân nhà Nguyễn thừa thế đánh đuổi, thành ra quân Tây-sơn thua to.
Quan trấn-thủ Qui-nhơn là Lê văn Thanh 黎 文 清 không thấy viện binh đến, mà lương-thực ở trong thành thì hết cả, bèn cùng các tướng mở cửa ra hàng. Nguyễn-vương đem quân vào thành rồi đổi tên Qui-nhơn gọi là Bình-định.
Vua Tây-sơn được tin Qui-nhơn thất thủ, liền cử đại binh vào đóng ở Trà-khúc 茶 曲 ( thuộc Quảng-nghĩa ) để đốc các tướng tiến binh đánh quân nhà Nguyễn. Nhưng vì phải độ trái mùa gió, thủy-chiến không tiện, cho nên các quan đều can xin rút quân về. Vua Cảnh-thịnh bèn sai Nguyễn văn Giáp 阮 文 甲 ở lại giữ Trà-khúc, sai Trần quang Diệu và Vũ văn Dũng giữ Quảng-nam.
Nguyễn-vương cũng đem quân về Gia-định, để Võ Tính 武 性 và Ngô Tòng Chu 吳 從 周 ở lại giữ thành Bình-định. Năm ấy ( 1799 ) ông Bá-đa-lộc 百 多 祿 đi tòng chinh, mất ở cửa Thị-nại. Nguyễn-vương đem về hậu táng ở Gia-định, tặng phong làm Thái-tử thái-phó Bi-nhu quận-công 太 子 太 傅 悲 柔 郡 公.
11. QUÂN TÂY-SƠN VÂY THÀNH BÌNH-ĐỊNH. Khi quân nhà Nguyễn ra vây đánh thành Qui-nhơn, vua Tây-sơn sai Trần quang Diệu và Vũ văn Dũng đem binh vào cứu, nhưng vì quân của Văn Dũng không đánh mà tan, đến nỗi bại binh. Việc ấy là tội Văn Dũng, nhưng nhờ có Quang Diệu giấu đi, cho nên không ai biết. Văn Dũng cảm ơn ấy, cho nên mới kết nghĩa sinh tử với Quang Diệu.
Bấy giờ ở Phú-xuân có nhiều người ghét Quang Diệu, nhân-dịp ấy mà đổ tội cho Quang Diệu, bèn tâu vua xin sai người đưa mật thư ra cho Vũ văn Dũng để giết Quang Diệu. Vũ văn Dũng tiếp được thư ấy đưa cho Trần quang Diệu xem. Trần quang Diệu sợ-hãi, lập tức đem quân về Phú-xuân, đóng ở mé nam sông Hương-giang, nói rằng về bắt những người loạn thần. Vua Tây-sơn sai người ra giảng hòa. Không ai dám đi, sau phải bắt mấy người nộp cho Quang Diệu. Quang Diệu mới vào chầu. Vua Cảnh-thịnh cũng tìm lời giảng-dụ, khuyên phải hết sức giúp-đỡ nhà nước.
Quang Diệu khóc lạy rồi xin cùng Văn Dũng đem thủy-bộ quân vào lấy lại thành Qui-nhơn.
Đến tháng giêng năm canh-thân ( 1800 ), quân của Trần quang Diệu và Vũ văn Dũng tiến đến gần thành Qui-nhơn. Võ Tính giữ vững, không ra đánh. Quang Diệu sai đắp lũy chung quanh thành và chia quân ra vây bốn mặt. Văn Dũng thì đem hai chiếc tàu lớn và hơn 100 chiến-thuyền ra đóng giữ cửa Thị-nại, xây đồn và đặt súng đại-bác ở hai bên cửa bể, để phòng ngự thủy quân nhà Nguyễn.
Nguyễn-vương được tin quân Tây-sơn ra vây thành Bình-định, liền cử đại binh ra cứu viện, sai Nguyễn văn Thành đem Lê Chất, Nguyễn đình Đắc, Trương tiến Bảo, chia ra làm ba đạo ra đánh lấy đồn Hội-an ở Phú-yên, rồi kéo ra đánh ở Thị-dã 柿 野 ( thuộc Bình-định ). Nguyễn-vương đem thủy-binh ra đến Qui-nhơn đóng thuyền ở ngoài cửa Thị-nại. Bấy giờ quân bộ của Nguyễn văn Thành và quân thủy của Nguyễn-vương không thông được với nhau, cho nên sự cứu-viện không có công-hiệu gì cả.
Đến tháng giêng năm tân-dậu ( 1801 ), Nguyễn-vương sai Nguyễn văn Trương 阮 文 張, Tống phúc Lương 宋 福 樑 đem quân tiền-đạo đến đánh đồn thủy của Tây-sơn, và sai Lê văn Duyệt 黎 文 悅, Vũ di Nguy 武 彝 巍 đem thủy quân vào đánh cửa Thị-nại. Vũ di Nguy trúng đạn chết, còn Lê văn Duyệt ra sức xông đột, đốt được cả tàu và thuyền của Tây-sơn.
Tướng Tây-sơn là Vũ văn Dũng phải bỏ cửa Thị-nại đem binh về hợp với Trần quang Diệu để phòng giữ mọi nơi.
Nguyễn-vương lấy được cửa Thị-nại rồi, cho người đưa tin về Gia-định báo cho tướng-sĩ các nơi đều biết.
Năm ấy Đông-cung Cảnh lên đậu, mất ở Gia-định, thọ được 22 tuổi. Được một tháng hoàng-tử thứ hai tên là Hi 曦 cũng mất ở Diên-khánh, đem về táng ở Gia-định.
12. NGUYỄN-VƯƠNG THU-PHỤC PHÚ-XUÂN. Nguyễn-vương đánh được trận thủy ở Thị-nại rồi, bèn sai Nguyễn văn Trương đem Thủy-quân ra đánh Quảng-nam, Quảng-nghĩa, và lại thấy quân Tây-sơn vây thành Qui-nhơn một cách cẩn-mật lắm, đánh phá không được. Vương cho người lẻn vào thành bảo Võ Tính và Ngô tòng Chu bỏ thành mà ra. Nhưng Võ Tính phúc thư lại rằng : quân tinh binh của Tây-sơn ở cả Qui-nhơn, vậy xin đừng lo việc giải vây vội, hãy nên kíp ra đánh lấy Phú-xuân thì hơn.
Nguyễn-vương bèn để Nguyễn văn Thành ở lại chống giữ với Trần quang Diệu và Vũ văn Dũng, rồi đem đại quân ra đánh Phú-xuân.
Bấy giờ nhà Tây-sơn cũng bối-rối lắm : ở Nghệ-an thì có tướng nhà Nguyễn là Nguyễn văn Thụy 阮 文 瑞 và Lưu phúc Tường 劉 福 祥 đem quân Vạn-tượng sang đánh phá ; ở Thanh-hóa thì có phiên-thần là Hà công Thái 何 功 泰 khởi binh giúp nhà Nguyễn ; ở Hưng-hóa thì có thổ-ti là Phan bá Phụng 潘 伯 奉 nổi lên quấy-nhiễu. Còn các trấn ở Bắc-hà thì rối vì những việc tông-giáo ; các đạo-trưởng và đạo-đồ đạo Thiên-chúa cũng nổi lên, có ý giúp nhà Nguyễn ; dân-tình thì bị quan quân nhũng-lạm hà-hiếp, ai ai cũng có lòng oán giận. Ở Phú-xuân, vua thì hèn, các quan đại-thần thì cứ ghen-ghét nhau rồi tìm kế giết-hại lẫn nhau, việc chính-trị không sửa-sang gì cả. Bởi vậy nhân-dân đều mong mỏi chúa Nguyễn, cho nên có câu hát rằng : «Lạy trời cho chóng gió nồm, để cho chúa Nguyễn giong buồm thẳng ra».
Nguyễn-vương thấy lòng người đã không theo Tây-sơn nữa, bèn đem binh ra đánh Phú-xuân, đến tháng năm ( 1801 ), thủy-sư vào cửa Tư-dung. Tướng Tây-sơn là phò-mã Nguyễn văn Trị 阮 文 治 đem quân ra lập đồn giữ ở núi Qui-sơn. Tiền-quân nhà Nguyễn đánh không được. Nguyễn-vương sai Lê văn Duyệt và Lê Chất đem thủy binh ra đánh tập hậu. Nguyễn văn Trị bỏ đồn mà chạy. Quân Nguyễn-vương vào cửa Nguyễn-hải (cửa Thuận-an) rồi kéo lên đánh thành Phú-xuân. Vua Tây-sơn phải ngự giá đem quân ra chống giữ, hai bên đánh nhau đến giữa trưa, thì quân Tây-sơn vỡ tan. Quân Nguyễn-vương tiến lên đuổi đánh, thu-phục được đô-thành. Bấy giờ là ngày mồng 3 tháng 5 năm tân-dậu ( 1801 ).
Nguyễn-vương vào thành Phú-xuân treo biển yên dân, rồi sai Lê Chất đem bộ binh đuổi đánh quân Tây-sơn, sai Nguyễn văn Trương đem thủy binh ra chặn ở Linh-giang, để đánh quân Tây-sơn chạy ra Bắc. Lại sai Phạm văn Nhân ra giữ cửa Nguyễn-hải, sai Lưu phúc Tường đem quân đi đường Cam-lộ sang Vạn-tượng truyền bảo các Mường giữ đường yếu-lộ không cho quân Tây-sơn chạy tràn sang.
13. VÕ TÍNH TỬ TIẾT. Trần quang Diệu và Vũ văn Dũng đang vây đánh thành Qui-nhơn, được tin Phú-xuân thất thủ, liền sai tướng đem quân ra cứu, nhưng ra đến Quảng-nam, gặp quân của Lê văn Duyệt kéo vào đánh chặn đường, Quân Tây-sơn phải lùi trở lại. Từ đó Trần quang Diệu ngày đêm hết sức đốc quân đánh thành. Quân Nguyễn-vương ở trong thành hết cả lương-thực, không thể chống giữ được nữa, quan trấn-thủ là Võ Tính 武 性 bèn viết thư sai người đưa ra cho Trần quang Diệu nói rằng : «Phận-sự ta làm chủ tướng, thì đành liều chết ở dưới cờ. Còn các tướng-sĩ không có tội gì, không nên giết hại».
Đoạn rồi sai người lấy rơm cỏ chất ở dưới lầu Bát-giác, đổ thuốc súng vào tự đốt mà chết. Quan hiệp-trấn là Ngô tòng Chu 吳 從 周 cũng uống thuốc độc tự-tử.
Trần quang Diệu vào thành Qui-nhơn tha cho cả bọn tướng-sĩ và sai làm lễ liệm táng Võ Tính và Ngô tòng Chu, rồi sai đại-đô-đốc Trương phúc Phượng 張 福 鳳 và tư-khấu Định, đem binh đi đường thượng đạo ra đánh Phú-xuân. Đi được nửa đường thì quân hết lương. Trương phúc Phượng về hàng nhà Nguyễn, còn tư-khấu Định thì đánh thua chạy vào chết ở trong Mường. Trần quang Diệu lại sai Lê văn Điềm vào đánh Phú-yên, cũng không được.
Bấy giờ Trần quang Diệu tuy đã lấy được thành Qui-nhơn, nhưng một mặt thì có quân của Lê văn Duyệt và Lê Chất ở Quảng-nam, Quảng-nghĩa đánh vào, một mặt thì quân của Nguyễn văn Thành ở cửa Thị-nại đánh lên, còn ở phía nam lại có quân của Tống viết Phúc và Nguyễn văn Tính ở Phú-yên đánh ra. Ba mặt thụ địch, quân Tây-sơn phải hết sức chống giữ, để chờ quân ở Bắc-hà vào cứu-viện.
11. TRẬN TRẤN-NINH. Từ khi thất-thủ Phú-xuân, vua Cảnh-thịnh ngày đêm kíp ra Bắc-hà, đổi niên-hiệu là Bảo-hưng 寶 興 và truyền hịch đi các trấn để lấy viện binh, rồi sai em là Nguyễn quang Thùy 阮 光 垂 đem binh-mã vào giữ Nghệ-an. Đến tháng 11, vua Tây-sơn đem quân 4 trấn ở xứ Bắc và quân Thanh-hóa, Nghệ-an, cả thảy được non 3 vạn người, sang sông Linh-giang. Lại sai tướng đem hơn 100 chiếc chiến-thuyền vào giữ cửa Nhật-lệ. Bấy giờ có vợ Trần quang Diệu là Bùi thị Xuân 裴 氏 春 cũng đem 5.000 thủ-hạ đi tòng chinh.
Quan Chưởng-trung-quân Bình-tây đại-tướng-quân Nguyễn văn Trương 阮 文 張, cùng với Tống phúc Lương 宋 福 樑, Đặng trần Thường 鄧 陳 常 giữ ở Linh-giang, thấy quân Tây-sơn thế mạnh phải lui về giữ Đồng-hới. Nguyễn-vương được tin ấy, liền thân chinh đem đại binh ra tiếp ứng, sai Phạm văn Nhân và Đặng trần Thường đem quân ra giữ mặt bộ, sai Nguyễn văn Trương ra giữ mặt bể.
Tháng giêng năm nhâm-tuất ( 1802 ), vua Tây-sơn sai Nguyễn quang Thùy tiến quân lên đánh lũy Trấn-ninh ; đánh mãi không đổ. Vua Tây-sơn đã toan rút quân về, nhưng Bùi thị Xuân không chịu, xin cho ra đốc quân đánh trận. Đánh từ sáng sớm đến chiều tối, chưa bên nào được thua. Bỗng có tin rằng thủy-quân của Tây-sơn ở cửa Nhật-lệ ( cửa Đồng-hới ) đã bị Nguyễn văn Trương phá tan cả, Quân Tây-sơn khiếp-sợ bỏ chạy, tướng là Nguyễn văn Kiên 阮 文 堅 về hàng nhà Nguyễn.
Vua Tây-sơn đem tàn quân chạy về Bắc, để Nguyễn văn Thận 阮 文 慎 ở lại giữ Nghệ-an.
Nguyễn-vương phá được quân Tây-sơn ở thành Trấn-ninh rồi đem quân về Phú-xuân, để trung-quân Nguyễn văn Trương giữ Đồng-hới, để Tống phúc Lương và Đặng trần Thường giữ Linh-giang.
Trần quang Diệu và Vũ văn Dũng ở Qui-nhơn được tin quân Tây-sơn thua ở Trấn-ninh, liệu chống không nổi, bèn đến tháng 3 năm nhâm-tuất ( 1802 ) bỏ thành Qui-nhơn, đem binh tượng đi đường thượng đạo qua Ai-lao ra Nghệ-an, để hội với vua Tây-sơn mà lo sự chống giữ.
15. NGUYỄN-VƯƠNG LÊN NGÔI TÔN. Nguyễn-vương từ khi khởi binh ở Gia-định tuy đã xưng vương, nhưng vẫn theo các chúa đời trước không đặt niên-hiệu. Đến nay khôi-phục được Phú-xuân, thanh-thế lừng-lẫy, bắc phá đại quân của Tây-sơn, nam lấy lại thành Qui-nhơn ; đất An-nam bấy giờ từ sông Linh-giang vào đến Gia-định lại thuộc về nhà Nguyễn như trước. Các quan thân-thuộc đều xin Nguyễn-vương đặt niên-hiệu và lên ngôi tôn.
Tháng 5 năm nhâm-tuất ( 1802 ) ngài lập đàn tế cáo trời đất, rồi thiết triều để các quan chầu mừng, và đặt niên-hiệu là Gia-long nguyên niên 嘉 隆 元 年.
16. QUÂN NAM RA LẤY BẮC-HÀ. Nguyễn-vương đã lên ngôi làm vua rồi, sai Trịnh hoài Đức 鄭 懷 德 và Ngô nhân Tĩnh 吳 仁 静 đem các đồ phẩm-vật và những ấn-sách của nhà Thanh phong cho Tây-sơn sang nộp cho Thanh-triều và xin phong. Ngài lại định ngự giá đi đánh Bắc-hà, bèn sai Nguyễn văn Trương lĩnh thủy-binh, Lê văn Duyệt và Lê Chất lĩnh bộ binh, hai mặt thủy-bộ cùng tiến.
Tháng 6, thì quân bộ sang sông Linh-giang tiến lên đóng ở Hà-trung, quân thủy vào cửa Hội-thống rồi lên đánh phá các đồn lũy của Tây-sơn. Quan trấn-thủ Nghệ-an là Nguyễn văn Thận bỏ thành chạy ra giữ đồn Tiền-lý ở Diễn-châu.
Bấy giờ Trần quang Diệu đi đường Ai-lao ra đến châu Qui-hợp, xuống huyện Hương-sơn thấy quân nhà Nguyễn đã lấy được Nghệ-an rồi, bèn cùng với Bùi thị Xuân về huyện Thanh-chương, bao nhiêu quân-sĩ đều bỏ cả, được mấy hôm hai vợ chồng cùng bị bắt. Còn Vũ văn Dũng chạy ra đến Nông-cống cũng bị dân bắt được đem nộp.
Quân Nguyễn-triều kéo tràn ra lấy Thanh-hóa, đi đến đâu quân Tây-sơn chưa đánh đã tan, chỉ trong một tháng đã ra đến Thăng-long.
Vua Tây-sơn thấy thế mình không chống giữ được nữa, bèn cùng với em là Nguyễn quang Thùy 阮 光 垂, Nguyễn quang Thiệu 阮 光 紹, và mấy người bề tôi là bọn đô-đốc Tú 秀 và Nguyễn văn Tứ 阮 文 賜 sang sông Nhị-hà chạy về phía bắc, nhưng lên đến địa-hạt Phượng-nhỡn, bị dân ở đấy bắt được. Nguyễn quang Thùy tự tử, đô-đốc Tú và vợ cũng tự vẫn. Còn vua tôi nhà Tây-sơn mấy người đều bị đóng cũi đem về nộp ở Thăng-long.
Nhà Tây-sơn khởi đầu từ năm mậu-tuất ( 1778 ), Nguyễn Nhạc xưng đế ở Qui-nhơn, đến năm nhâm-tuất ( 1802 ), cả thảy được 24 năm. Nhưng Nguyễn Nhạc chỉ làm vua từ đất Quảng-nam, Quảng-nghĩa trở vào mà thôi, còn từ Phú-xuân trở ra, thì thuộc về nhà Lê. Đến năm mậu-thân ( 1788 ), vua Quang-trung xưng đế-hiệu, rồi ra đánh giặc Thanh, lấy lại đất Bắc-hà, sửa-đổi việc chính-trị. Từ đó nước Nam mới thuộc về nhà Nguyễn Tây-sơn.
Vậy kể từ năm mậu-thân ( 1788 ) đến năm nhâm-tuất ( 1802 ) thì nhà Tây-sơn chỉ làm vua được có 14 năm mà thôi.
Trong bấy nhiêu năm phải đánh nam dẹp bắc luôn, không mấy lúc nghỉ việc chiến-tranh, cho nên nhà Tây-sơn không sửa-sang được việc gì. Vả sau khi vua Quang-trung mất rồi, vua thì hèn, quan thì nhũng, chính-trị bỏ nát, lòng người oán-giận, ai cũng mong-mỏi được thời thịnh-trị để yên nghiệp mà làm ăn. Bởi vậy cho nên khi vua Thế-tổ Cao-hoàng nhà Nguyễn cất quân ra Bắc, lòng người theo phục, chỉ một tháng trời mà bình được đất Bắc-hà, đem giang-sơn về một mối, nam bắc một nhà, làm cho nước ta thành một nước lớn ở phương nam vậy.
Chú thích cuối trang
- ▲ Nay ở Bangkok có một chỗ gọi là làng Gia-long tức là chỗ Nguyễn-vương ở ngày trước.
- ▲ Đất thuộc-địa của Bồ-đào-nha ở Ấn-độ.
- ▲ Mỗi một cơ là 42 bát.
- ▲ Tờ giao-ước này hiện còn ở Ngoại-giao-bộ ở Paris, và đã biên rõ ở sách ông Gosselin.
- ▲ Lê văn Câu là một người công-thần đã theo phò Nguyễn-chủ trong lúc gian-nan, nay cũng bất đắc kỳ tử.
- ▲ Có nơi chép là trạm Hán-xuyên.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.