Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương

Chương 24: Dây Dưa Làm Rối Cuống Rốn



Chúng ta thường thấy không ít vị phụ huynh lúc nào cũng kiểm soát và quản thúc con trẻ chặt chẽ. Tất nhiên, những gì họ làm cũng đều xuất phát từ tình cảm quý giá và thiêng liêng của người làm cha làm mẹ, có điều họ quên mất rằng, đó cần là sự dâng hiến một cách vô tư, thầm lặng, chứ không phải là chi phối, không phải là độc đoán. Theo độ tuổi tăng dần của trẻ, các bậc cha mẹ cần thay đổi cách yêu con, từ chăm sóc, bao bọc, chi phối quá nhiều sang tâm thế khoan hòa, giữ khoảng cách nhất định. Chỉ khi con cái bước ra thế giới rộng lớn hơn, chúng mới có thể thấu hiểu tình yêu vô bờ bến cha mẹ dành cho mình và bản thân chúng cũng mới có thể phát triển, thành tài, hạnh phúc hơn. Nhưng trong gia đình, cha mẹ lại luôn luôn thể hiện tình cảm quá mức đối với con cái, từ đó rơi vào hoạt động chi phối tình yêu, kiểm soát tình yêu một cách không có giới hạn. Hiện tượng này rất phổ biến, chỉ là họ vẫn chưa nhận ra mối nguy hại tiềm ẩn.

Người Israel có một câu chuyện ngụ ngôn liên quan đến khoảng cách trong tình yêu, hy vọng nó có thể soi sáng cho các bậc cha mẹ đang chìm đắm trong biển tình yêu thương với con, chưa tự tìm được lối thoát: Mùa đông đến, nhím mẹ muốn rúc vào một chỗ với nhím con cho ấm. Nhưng nhím mẹ không biết nên giữ khoảng cách bao nhiêu mới được. Xa một chút thì hơi ấm trên người nhím mẹ không truyền tới được chỗ nhím con, còn nằm sát vào nhau thì lông gai trên người hai mẹ con sẽ làm đau nhau… Sau nhiều lần ướm thử, cuối cùng nhím mẹ cũng tìm ra khoảng cách thích hợp, khoảng cách đó là khoảng cách trong tình yêu, vừa có thể sưởi ấm cho nhím con lại vừa không làm tổn thương nó.

 

Khi đứa trẻ mới cất tiếng khóc chào đời, việc đầu tiên chúng ta cần làm là cắt bỏ cuống rốn nối liền giữa người mẹ và đứa trẻ. Chỉ có cắt đứt cuống rốn, thì cả hai mẹ con mới bình an vô sự và đứa bé cũng mới có thể tự sinh tồn. Tương tự như vậy, trong quá trình phát triển của trẻ, nếu cha mẹ không cho chúng không gian sống độc lập, xem thường tính chủ động trong sinh tồn của chúng, thì bề nổi là cha mẹ tạo ra một môi trường giống như căn phòng ấm áp cho con, nhưng trên thực tế lại chẳng khác nào cướp đoạt quyền tự do phát triển của chúng.

Một bà mẹ Do Thái là hàng xóm nhà tôi có hai cậu con trai, trong đó đứa lớn hơn bốn tuổi, còn đứa bé mới hơn một tuổi, luôn biết giữ một khoảng cách thích hợp với con cái. Cô thường đứng ở phía sau các con, cách chúng một khoảng không xa cũng không gần để khi bọn trẻ cần thì có thể nhìn thấy cô ngay, đồng thời cô cũng không quấy rầy chúng. Con trai lớn mải mê khám phá thế giới, trong khi con trai bé thích thú làm trò bắt, kéo, bò, tập nhận thức về thế giới xung quanh. Cảnh tượng này làm người mẹ Do Thái cảm thấy tự hào, cô nói: “Con em không cần quay đầu tìm mẹ, nhiều đứa sợ không trông thấy mẹ đâu nên luôn ngoái đầu lại phía sau.”

Những đứa trẻ luôn quay đầu tìm mẹ, thì không dám chạy xa, cũng không dám tiến về phía trước. Thuở còn nhỏ, con cái luôn nằm trong tầm mắt của người mẹ, người mẹ không bao giờ rời xa, lúc nào cũng kịp thời đáp lại tiếng gọi của con. Đến khi con lớn hơn, phạm vi tìm hiểu rộng hơn, lúc cần con có thể tới tìm mẹ ở chỗ làm, không lo mẹ bỏ mình. Cho đến khi đủ lông đủ cánh, không phải hoàn toàn dựa vào sự che chở của mẹ nữa, con sẽ tự động rời xa. Sự phân ly của hai mẹ con vốn là lẽ tự nhiên, là quá trình được thực hiện dần dần từng bước.

Nói đến đây, tôi chợt nhớ tới cuộc “cãi nhau vì yêu” giữa hai mẹ con bà bạn, do tôi tận mắt chứng kiến.

Con gái bà bạn tôi mời tôi đến phân xử giúp nó, con bé nước mắt giàn giụa, oán trách: “Cháu sắp ba mươi đến nơi rồi mà mẹ vẫn xem cháu như đứa trẻ lên ba. Buổi tối về nhà, sau bữa cơm, lúc thì mẹ cháu chạy sang xem cháu làm gì, lúc thì mang hoa quả cho cháu ăn, cháu không muốn ăn thì mẹ bắt cháu phải ăn, nói là ăn hoa quả tốt cho da.”

Bà bạn tôi cảm thấy rất tủi thân, rơm rớm nước mắt.

Mượn danh của tình yêu để kiểm soát người khác, ai sai đây? Con cái là khúc ruột của người mẹ, bẵng đi một lúc thấy con không ở bên, người mẹ sẽ cảm thấy trái tim mình như bị người ta đánh cắp.

Nhưng suy cho cùng, con cái vẫn phải bước ra ngoài xã hội, làm một người tự lập. Huống hồ vào tuổi dậy thì, bọn trẻ giống như con chim nhỏ học bay, khao khát được tôn trọng, mà rất nhiều sự tôn trọng lại đồng nghĩa với khoảng cách. Các bậc cha mẹ hãy giữ một khoảng cách thích hợp, vừa giúp duy trì mối quan hệ với con cái, cũng vừa giúp con trẻ phát triển lành mạnh.

Cách đây không lâu, tôi xem được câu chuyện đáng tiếc về một cháu gái mười bốn tuổi tên là Ninh Ninh trên ti vi, mẹ cháu phát hiện ra cháu lén lút xem phim người lớn, thế là hầm hầm mắng chửi cháu. Bà mẹ quá thất vọng về cô con gái, nhất nhất bắt nó phải khai ra nguồn gốc cái đĩa, cô ấy nghi ngờ Ninh Ninh bị bạn thân xúi giục. Cha mẹ ly hôn từ lúc cô bé sáu tuổi, Ninh Ninh sống cùng mẹ. Bà mẹ dồn hết tình yêu thương của mình vào cô con gái rượu, Ninh Ninh không những có thành tích học tập xuất sắc, mà còn hiểu phép tắc, nền nếp nên bà mẹ cũng cảm thấy an ủi phần nào. Chẳng ngờ, cô con gái ngoan hiền ấy lại làm chuyện tày trời này. Bà mẹ quyết định tra bằng được chân tướng sự việc, nước mắt cùng sự im lặng của con gái biến thành bằng chứng trong tay bà. Cảm giác bị sỉ nhục, hối hận và tội lỗi đan quyện vào nhau làm tâm trạng Ninh Ninh rơi xuống vực thẳm. Cô bé thường một mình thẫn thờ nhìn cảnh vật bên ngoài cửa sổ, hễ có người quen đi tới là lại vội vàng tránh mặt, dường như bí mật của cháu đã được công bố cho cả thế giới cùng biết, nên cháu chỉ muốn tìm cái hố để chui xuống.

Ở đây, chính tình mẫu tử rối rắm đã đẩy cháu vào tình cảnh khó xử. Khi tìm hiểu về giới tính, ai cũng có phản ứng tự nhiên là ngại ngùng, xấu hổ, thanh thiếu niên thì lại càng lo sợ những bí mật về giới tính của mình bị người khác biết được, vì đó là điều không thể chia sẻ. Việc làm của mẹ Ninh Ninh chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng, đưa tin về bí mật riêng tư của con mình, tạo gánh nặng tâm lý cho cô bé, làm tổn thương cháu cả về tâm, sinh lý.

Nếu phụ huynh phát hiện ra con em mình tiếp cận những thông tin về giới tính, cách xử lý tốt nhất là có điểm dừng, không nên tra hỏi nhiều, quan trọng nhất là phải bảo vệ lòng tự trọng của trẻ. Cha mẹ hãy cho trẻ một lối thoát, để chúng tự lĩnh ngộ, tránh đẩy chúng vào thế khó xử. Về sau, cha mẹ tìm cơ hội và chọn cách thức phù hợp, dạy những kiến thức về giới tính cho con trẻ.

Xem câu chuyện về cô bé Ninh Ninh trên ti vi, tôi chợt nhớ tới một bí mật nhỏ giữa tôi và bọn trẻ: Cuối tuần cả nhà chúng tôi cùng ngồi quây quần bên nhau xem ti vi. Các chương trình chiếu trên ti vi của Israel đều không thu phí, sau mười hai giờ tối thứ sáu đài truyền hình sẽ phát một số bộ phim trẻ em không nên xem, đương nhiên những bộ phim này cũng không thu phí.

Vào một buổi tối thứ sáu nọ, đã hơn mười hai giờ, tôi vừa thiu thiu ngủ thì loáng thoáng nghe thấy những âm thanh khó chịu phát ra từ phòng khách. Tôi bước xuống giường, vừa hé cửa ra, thì có tiếng tắt ti vi “phụt” một cái. Tôi cân nhắc, dứt khoát là mình không nên bước ra ngoài, lẳng lặng đứng nép vào góc cửa.

Bọn trẻ thấy hình như không có động tĩnh gì, một lúc sau, chúng lại mở ti vi, nhưng lần này tôi không nghe được những tiếng rì rầm ngoài kia nữa, vì chúng đeo tai nghe, tôi chỉ nhìn thấy tia sáng màn hình lóe lên qua khe cửa.

Tôi vẫn ở nguyên vị trí cũ, không vượt qua “Lôi Trì” nửa bước, cho các con không gian tự do bước vào tuổi dậy thì. Sau đó, mỗi tối thứ sáu, tôi có thói quen rửa mặt, đi ngủ trước mười hai giờ, còn các con tôi cũng không xem phim quá nửa đêm.

Bọn trẻ nhớ kỹ sự việc tối hôm đó, rất lâu sau, chúng vẫn nhắc lại chuyện này. Chúng dành lời khen cho cách ứng xử của tôi: Mẹ thật đáng yêu.

Các bậc cha mẹ cần sử dụng quyền uy ông trời ban cho mình đúng lúc đúng chỗ. Nếu sử dụng một cách bừa bãi, bất hợp lý, con cái sẽ tự chọc thủng bức tường ngăn ấy, chúng chẳng biết sợ là gì nữa, chúng coi cha mẹ là không khí, còn quyền uy chỉ là danh hão. Vì vậy, cha mẹ hãy cho con trẻ một không gian phù hợp để chúng thể hiện cá tính của mình và cũng là để giữ gìn mối quan hệ tình thân máu mủ.

Cha mẹ cần lựa chọn phương pháp giáo dục, phê bình trẻ nhỏ phù hợp, không nên nói đi nói lại nhiều lần. Cha mẹ cần để cho con có không gian suy xét lại mình, như vậy chúng mới dễ tiếp thu lời cha mẹ dạy bảo. Một số phụ huynh hay dài dòng, lúc nào cũng chất vấn con cái: “Con nghe thấy lời mẹ nói chưa?” Bọn trẻ vì khiếp sợ quyền uy của phụ huynh, vì muốn tránh đòn roi, nên chỉ có thể đáp: “Con nghe thấy rồi.” Trong khi chúng chẳng nghe thấy gì, lời vào tai trái ra tai phải, dần dần sẽ khiến con trẻ không phân biệt được đúng sai. Hơn nữa, phụ huynh thường xuyên phàn nàn, ngăn cản con cái tìm hiểu giới tính sẽ khiến trẻ “mất khả năng nghe”, xuất hiện “phản ứng O” trong tâm lý giáo dục, cuối cùng đánh mất hiệu quả giáo dục.

Có một lần, tôi thấy một người bạn của mình không kiềm chế, nặng lời quát mắng con: “Mày thật sự vô tích sự. Tao quá thất vọng về mày…” Tôi không thể làm ngơ, liền cắt ngang lời: “Ông hãy đọc bài viết trên tờ tạp chí này đi.”

Bài viết trên cuốn tạp chí kể về một câu chuyện rất bi thương: Một bé gái bốn tuổi cầm miếng sắt vẽ nguệch ngoạc lên xe ô tô của cha, để lại rất nhiều vết xước. Người cha nổi cơn thịnh nộ, dùng dây thép trói tay con gái, phạt đứng trong gara. Mấy tiếng sau, người cha mới chợt nhớ đến cô con gái, lúc này tay cô bé bị dây thép siết chặt, máu không lưu thông được, nên bắt buộc phải cắt bỏ hai bàn tay. Nửa năm sau, người cha mang xe đi phun lại sơn, cô con gái bé bỏng chìa hai cánh tay bị cắt mất bàn tay ra nói: “Cha, xe của cha lại đẹp như mới rồi, khi nào cha mới cho con hai bàn tay?” Người cha vì không chịu nổi câu hỏi ngây thơ ấy của con gái, nên đã dùng súng tự kết liễu đời mình.

Cha mẹ cũng cần lưu ý, không được kể tội cũ của con. Khi con cái mắc lỗi, các bậc phụ huynh thường lôi tất tần tật những chuyện bé như hạt vừng và đủ loại “việc xấu” của chúng ra phán xét, trách mắng, càng nói càng kích động, càng kích động càng giận dữ. Thật ra, con trẻ mắc một vài sai lầm trong quá trình trưởng thành của mình là chuyện hết sức bình thường, chúng sẽ chín chắn dần từ chính những lỗi sai ấy. Nên khi con trẻ mắc sai lầm, cha mẹ nên có thái độ phân minh, con mắc lỗi gì thì uốn nắn lỗi đó, không nên lôi cả tội khác vào nói.

Cha mẹ là người đưa con đến với cuộc đời này, nhưng cha mẹ không thể vịn vào cớ đó để đối xử không hay với chúng. Nhất là khi con đến một độ tuổi nhất định, có ý thức tự chủ, cách dạy con thô bạo sẽ hạn chế sự phát triển của trẻ. Chúng ta hãy để cho trẻ tự nhìn nhận lại mình từ trong sai lầm, cách giáo dục giữ khoảng cách có hiệu quả hơn rất nhiều so với kiểm soát, chi phối và độc đoán.

Một nhà giáo dục Israel nói: Giữ khoảng cách trong tình yêu là một nghệ thuật. Tại sao không gọi là kỹ thuật? Tôi nghĩ là vì khoảng cách trong tình yêu nằm ở tầng hiểu biết cao hơn, chúng ta chỉ có thể dùng trái tim để lĩnh hội, chứ không thể truyền đạt bằng lời. Chúng ta cũng không thể mang khoảng cách ấy ra cân đo đong đếm, cách tốt nhất là nên nắm bắt được tâm trạng của con trẻ.

Tôi từng đọc một câu chuyện như sau: tương truyền thời cổ có một vị thiền sư, một buổi tối đi tản bộ trong thiền viện, ông tình cờ phát hiện một cái ghế đẩu đặt cạnh tường rào. Ông lập tức hiểu ra có người xuất gia đã trèo tường ra ngoài, làm trái quy định của nhà chùa. Nhưng thiền sư không loan tin, ông lặng lẽ đi đến bên bức tường, dời cái ghế sang chỗ khác, còn mình thì ngồi thế vào đó.

Chưa đến nửa canh giờ sau, quả nhiên ông nghe thấy tiếng bước chân bên ngoài tường. Trong tích tắc, một tiểu hòa thượng trèo tường, giẫm lên lưng thiền sư, nhảy xuống sân thiền viện trong bóng tối bao phủ. Khi hai chân chạm đất, tiểu hòa thưởng mới ngớ người phát hiện ra, thứ ban nãy vừa anh ta giẫm lên không phải là cái ghế, mà là thầy mình. Tiểu hòa thượng luống cuống lo sợ, chẳng nói được lời nào, đứng nguyên tại chỗ, đợi thầy chỉ trích và xử phạt.

Nằm ngoài dự liệu của tiểu hòa thượng, thiền sư không nghiêm giọng trách phạt, ông ôn tồn nói:

“Đêm khuya trời lạnh, mau về mặc thêm áo vào.”

Giữa thầy trò còn làm được như vậy, huống hồ là cha mẹ và con cái với nhau. Bạn đừng nghĩ, vì tôi đẻ ra con tôi nên tôi muốn đối xử với nó thế nào là quyền của tôi. Làm sao các bậc cha mẹ có thể giữ một khoảng cách thích hợp với con cái? Đó là một môn nghệ thuật mà những người làm cha, làm mẹ nên nghiêm túc học hỏi.

Sự rộng lượng với con cái của phụ huynh do thái

1. Phụ huynh Do Thái hết sức phòng tránh những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hoặc khiển trách con em mình, họ cũng cố tránh cảnh cáo chúng bằng lời nói.

2. Nếu buộc phải trừng phạt con cái, phụ huynh Do Thái cũng tránh mỉa mai, nhiếc móc bọn trẻ, càng không cậy thế “tôi sinh ra nó, tôi nuôi nó” để mạt sát con cái.

3. Khi lên cơn giận, các bậc cha mẹ Do Thái chọn cách tránh mặt hoặc giữ im lặng là đối sách tốt nhất. Tránh mặt có thể khiến cho trẻ nhận thức được tính nghiêm trọng của sự việc, tránh bùng nổ xung đột giữa cha mẹ và con cái, đồng thời cha mẹ cũng tránh được những lời nói quá đáng làm tổn thương con trẻ trong lúc đang giận dữ.

4. Khi con cái chọc giận cha mẹ, bạn nhận ra cơn phẫn nộ trong mình đang dâng trào, bạn có thể nói ra tâm trạng của mình cho con biết theo ba cấp độ: “Mẹ rất không hài lòng với cách làm của con!” “Mẹ thật sự rất bực!” “Mẹ sắp bốc hỏa rồi!” Những cách nói này có hiệu quả hơn là nổi trận lôi đình.

5. Cha mẹ tuyệt đối không nên nổi giận trước mặt mọi người. Nếu không con cái sẽ cảm thấy quá mất mặt, từ đó nảy sinh ý nghĩ chống đối. Cha mẹ dạy bảo con cái vào những lúc thích hợp sẽ khiến chúng cảm thấy dù cha mẹ rất tức giận nhưng vẫn nghĩ đến thể diện của mình, nên sẽ giảm bớt biểu hiện đối đầu.

6. Sau khi xảy ra chuyện không vui, cha mẹ và con cái đều cần phải nhanh chóng lấy lại tâm trạng của mình. Đối với trẻ nhỏ, đôi khi một nụ hôn, một cái ôm hoặc là một câu nói “mẹ yêu con” cũng xoa dịu nỗi ấm ức của con ngay lập tức. Còn đối với những đứa trẻ lớn hơn, một cuộc đối thoại giữa cha mẹ và con cái là rất cần thiết.

Khi trừng phạt con cái, các bậc cha mẹ Do Thái thường để tay lên ngực tự hỏi:

Cách trừng phạt như thế có thể giúp sửa đổi những hành vi, cử chỉ không tốt của con không?

Khi áp dụng hình phạt với con, tôi có đang tức giận không?

Trừng phạt kiểu này có làm con tôi cảm thấy bị sỉ nhục hay xấu hổ không?

Khi không tức giận, liệu tôi có phạt con ngay lúc đó không?

Tôi có nên thử áp dụng biện pháp bù đắp tích cực trước hay không?

Liệu sự trừng phạt của tôi có thể dạy con tôi học cách cư xử đúng không?

Sự trừng phạt này có làm giảm nhẹ mức độ cần thiết của những lần phạt sau không?

Sự trừng phạt này có là một phần trong kế hoạch dạy con của tôi? Tôi có kích động khi phạt con không?

Hình phạt dành cho trẻ có cần nhất quán không?

Sự trừng phạt của tôi có hợp lý, công bằng và ngay thẳng không?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.