Con gái tôi bắt đầu khóc khi chúng tôi rời khỏi con đường quen thuộc dẫn vào nhà để hướng về phía đường cao tốc, con đường sẽ đưa chúng tôi đi chín trăm dặm đến Colorado, nơi con tôi sẽ vào đại học năm thứ nhất. Đó là những con đường mà hai mẹ con tôi đã hàng trăm lần đi qua, cùng vui vẻ hạnh phúc, cùng chia sẻ tâm tư và những tiếng cười sảng khoái. Tôi vẫn luôn nghĩ con gái mình thật sâu sắc. Con bé có thể hiểu được con người cũng như các tình huống, có thể đi thẳng vào trọng tâm của mọi vấn đề và diễn đạt suy nghĩ của mình một cách rõ ràng. Về mặt này, nó hơn hẳn tôi khi tôi bằng tuổi nó.
Giờ thì nó không tìm được lời lẽ nào để giải thích tại sao nó lại khóc trong một dịp mà lẽ ra nó phải cảm thấy hạnh phúc. Tôi cứ nghĩ nó sẽ cảm thấy hào hứng khi bắt đầu một cuộc sống mới xa nhà, rằng nó sẽ hồ hởi trước viễn cảnh được sống một cuộc sống độc lập, thoát khỏi sự kiểm soát thường xuyên của cha mẹ. Nhưng có gì không ổn thế này?
Phải chăng con bé khóc vì lần đầu tiên phải đi xa trong một thời gian dài, vì phải xa bạn bè, những khuôn mặt và nơi chốn thân quen, xa gia đình, hoặc vì phải xa người bạn thân nhất và cũng là người yêu đầu tiên, một chàng trai mà nó quen vài tháng trước? Có vẻ như đây là mất mát lớn nhất tác động đến nó vào lúc này.
Tôi hy vọng cuộc hành trình dài hai ngày sẽ là khoảng thời gian tuyệt vời để hai mẹ con tôi trò chuyện một cách thoải mái và chân thành. Nhưng nỗi buồn khổ của con bé đã khiến chúng tôi khó có thể chuyện trò được về những kỷ niệm tốt đẹp đã qua cũng như những điều mới mẻ đang chờ đón nó phía trước. Dù sau cùng thì con bé cũng bớt khóc, nhưng trong ngày hôm đó tôi không thể bắt chuyện nhiều với con được, và thế là cơ hội thổ lộ cùng con những lời khuyên khôn ngoan nhất của tôi đã vụt mất. Hôm ấy, chúng tôi chủ yếu chia sẻ sự im lặng.
Ngày hôm sau, khi những ngọn núi hiện ra trước mắt chúng tôi mỗi lúc một to lớn rõ ràng hơn thì tương lai của con gái tôi ở thành phố xinh đẹp này dường như cũng đã được xác định. Và khi những ngọn núi sừng sững hiện ra trước mắt thì những xúc cảm mạnh mẽ của con tôi cũng lớn dần. Hai mẹ con tôi bắt đầu trao đổi một vài câu.
Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được trường học của con bé. Con tôi dọn vào phòng, mở hành lý ra và sắp xếp đồ đạc. Nó và cô bạn cùng phòng có vẻ hợp ý ngay từ đầu. Cả hai đều thích thưởng thức cà phê đậm đặc và nghe nhạc đồng quê. Cả hai đều bừa bộn và đều phải để đồng hồ báo thức thật xa giường ngủ thì mới dậy nổi vào buổi sáng. Tôi nghĩ đó chẳng phải là những thói quen tốt đẹp gì.
Buổi sinh hoạt định hướng cung cấp nhiều thông tin nhưng lại làm chúng tôi khá mệt mỏi. Có những cuộc họp dành riêng cho phụ huynh, có những cuộc họp chỉ dành cho sinh viên và một số thì dành cho cả sinh viên lẫn phụ huynh. Tôi biết trường của con tôi là một trong mười trường dẫn đầu về tiệc tùng đình đám trong cả nước, rằng các bệnh lan truyền qua đường tình dục lây lan rất nhanh, và hai phần ba sinh viên năm nhất phải trải qua thời gian bị quản chế sau khi học kỳ đầu tiên kết thúc. Thế thì tại sao vợ chồng tôi lại đồng ý cho con bé học ở ngôi trường này nhỉ?
Thật khó tìm đường đi trong một khuôn viên rộng đến sáu trăm mẫu, nơi mà các tòa nhà trông rất giống nhau, và tôi phải đeo kính mới có thể đọc được tên của những tòa nhà ấy. Cách tìm đường khác nhau đã gây ra nhiều mâu thuẫn giữa hai mẹ con tôi hơn bất kỳ điều gì khác. Tôi thì chăm chú đọc bản đồ, còn con bé thì tin rằng những cơ may ngẫu nhiên sẽ đưa nó đến đúng tòa nhà cần đến.
Vào ngày cuối cùng của đợt sinh hoạt định hướng, thủ tục đăng ký khiến chúng tôi bực dọc hết sức, nếu không muốn nói là có thể phát điên lên. Dường như môn học nào con gái tôi muốn học cũng đều không mở lớp, và cứ mỗi khâu đăng ký thì chúng tôi đều phải đứng đợi sau một dãy dài. Chỉ có một thầy cố vấn cho khoảng mười lăm sinh viên. Ngày hôm sau, phải kiên trì chờ đợi hàng giờ liền để được gặp riêng thầy cố vấn thì con bé mới đăng ký được những môn nó muốn học.
Với một cú huých nhẹ bằng khuỷu tay, con bé cho tôi biết đã đến lúc tôi nên để nó lại một mình. Giờ nó đang hăm hở, còn tôi cảm thấy cái gì đó đang nghẹn ngang cổ và nước mắt đã lưng tròng. Nếu muốn đưa ra bất kỳ lời khuyên khôn ngoan mới mẻ nào đó thì tôi nên nói ngay trong những phút chia tay ngắn ngủi này. Có điều gì muốn diễn đạt mà tôi vẫn chưa nói không nhỉ?
Tôi nhắc lại chuyện hai mẹ con cùng đi mua sắm ở cửa hàng bách hóa lúc con bé còn rất nhỏ. Trong lúc tôi đang thử quần áo thì nó ra khỏi phòng thay đồ và để tôi lại đó. Vì không kịp mặc quần áo nên tôi không thể chạy theo con bé. Đến khi tôi mặc quần áo xong thì nó đã đi đâu mất. Sau một hồi hớt hải tìm kiếm tưởng như vô vọng, tôi tìm thấy nó lặng yên ngồi trong phòng bảo vệ cửa hàng. Đó là cơn ác mộng khá thích hợp để mô tả thời khắc này. Hôm nay, khi con gái tôi rời xa tôi, tôi cũng muốn chạy đuổi theo nó. Tôi vẫn muốn nó ở bên tôi, an toàn và bảo đảm. Nhưng giờ đây, về mặt tình cảm, tôi không có gì che chắn, và không thể chạy theo nó được. Khi ôm nó lần cuối, tôi không thể cầm được nước mắt.
Tôi khẽ khàng: “Mẹ yêu con”.
Bỗng nhiên nó nói: “Mẹ sẽ tưới cho những cây nước mắt của con chứ?” Đó là tên chúng tôi đặt cho những cây nhỏ mà con bé để ở cửa sổ phòng ngủ. Những nhánh dây leo mảnh mai rủ xuống sàn, gần như bao phủ cả một bức tường; những chiếc lá tròn nhỏ, và những bông hoa oải hương mỏng manh trông giống như những giọt nước mắt. Cả hai mẹ con đều hiểu ý nghĩa câu hỏi đó: Đến ngày con bé trở về, căn phòng của nó sẽ vẫn còn đó, vẫn giống như khi nó đi? Gia đình sẽ vẫn ở đó đợi nó như trước đây? Và chúng tôi sẽ cùng nhau vừa lái xe vừa trò chuyện tâm tình trên những con đường quen thuộc quanh ngôi nhà duy nhất mà nó biết?
Ừ, mẹ sẽ tưới những cây nước mắt của con.
Con gái tôi hướng đến cuộc sống mới, còn tôi quay về nhà. Khi những ngọn núi mờ dần trong kính chiếu hậu, hình ảnh con gái tôi cũng dần xa khuất. Tôi trở nên cô đơn và trống rỗng, cho đến khi đồng bằng hiện ra trước mắt và xoa dịu những cảm giác đó. Tôi cố kìm nén trong suốt hai mươi sáu tiếng đồng hồ trước khi về đến nhà, và rồi khung cảnh thân thuộc của ngôi nhà đã khiến tôi rơi nước mắt.
Không có con gái tôi, những con đường trở nên lặng lẽ, ngôi nhà bỗng vắng vẻ và lòng dạ tôi thì trống rỗng.
Ai sẽ tưới những cây nước mắt của tôi đây?
– Win Herberg
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.