VỤ ÁN MẠNG Ở VÙNG MESOPOTAMIE
CHƯƠNG 10 : BUỔI CHIỀU THÚ BẢY
Bà Leidner nói chuyện với tôi hôm thứ sáu. Sáng thư bảy, bầu không khí trong nhà có vẻ nhẹ nhõm.
Bà Leidner có ý tránh mặt tôi. Tôi không ngạc nhiên, vì đã nhiều lần chứng kiến tâm lý ấy ở các phu nhân thuộc giới thượng lưu. Trong một lúc lai láng, họ bộc bạch tâm sự với mình để rồi hôm sau, gặp mình họ thấy ngượng và tiếc là đã tự buông thả.
Tôi cũng tránh không đả động đến cuộc chuyện trò hôm trước.
Buổi sáng, Coleman lái chiếc xe tải nhỏ đi Hassanich. Bao nhiêu thư từ, ông nhét vào cái túi to. Ngoài việc ra nhà băng rút tiền về trả lương công nhân, ông còn nhận mua giúp các thứ do mọi mười nhờ, nên dự định phải chiều muộn mới về.
Tôi nghịch ngợm nghĩ bụng: có thể ông ta sẽ rủ Shella Reilly đi ăn trưa.
Những chiều lĩnh lương, thiên hạ nghỉ, không ra công trường, vì khi lương về, sẽ phát lúc ba giờ rưỡi.
Cậu bé Abdullah, mà công việc là lau rửa đồ gốm, ngồi ở giữa sân như mọi khi, vừa làm vừa hát líu lo. Giáo sư Leidner và ông Emmott chuẩn bị tiếp tục soạn lại các cổ vật chờ Coleman về, còn ông Carey đi ra nơi khai quật.
Bà Leidner đi về phòng nghỉ. Như thường lệ tôi giúp bà lên giường. Tôi không buồn ngủ, nên vớ một cuốn sách đem về phòng mình, đóng cửa ngồi đọc. Lúc đó khoảng một giờ kém mười lăm, và hai giờ nữa êm ái trôi qua. Tôi đọc cuốn Thần chết trong nhà an dưỡng, một tiểu thuyết đọc rất vui, mặc dù theo tôi tác giả không am hiểu lắm về sinh hoạt ở các nhà nghỉ, ít nhất là tôi chưa từng thấy có chuyện như trong sách, nên định sẽ viết thư để góp ý với tác giả.
Cuối cùng tôi gấp sách, nhìn đồng hồ và ngạc nhiên thấy đã là ba giờ kém hai mươi.
Tôi đứng dậy, sửa sang tóc tai, đi ra sân.
Abdullah vẫn vừa lau chùi, vừa ư ử hát. David Emmott đứng bên, đỡ lấy những lọ đã rửa sạch, còn những mảnh vỡ thì xếp vào hộp để sau này gắn lại. Tôi tiến về phía họ, thì trông thấy giáo sư Leidner từ trên sân thượng đi xuống thang gác, ông rất vui vẻ:
– Chiều nay trời đẹp. Tôi vừa xếp gọn mọi thứ. Bà Louise chắc sẽ vừa lòng. Mấy ngày nay, bà cứ phàn nàn trên ấy ngổn ngang quá, không còn chỗ đi dạo. Để tôi báo cho bà ấy biết.
Ông đi về phòng vợ, gõ cửa rồi vào.
Một hay hai phút sau, ông đã chạy ra. Tôi nhìn phía ấy, và không tin ở mắt mình. Lúc vào ông vui và hồ hởi, thì nay mắt nhớn nhác như người say.
– Y tá! Cô y tá đâu! – Tiếng hét của ông the thé.
Tôi hiểu ngay đã có chuyện bất thường, chạy lại. Mặt ông xám ngoét vì kinh hoàng, tưởng chừng sắp ngất xỉu.
– Vợ tôi! Vợ tôi! Ôi trời ơi!
Tôi gạt ông sang bên, lao vào phòng. Nhìn cảnh tượng bên trong, tôi như nghẹt thở.
Bà Leidner nằm co quắp cạnh giường.
Tôi cúi xuống. Bà đã chết ít nhất được một tiếng. Nguyên nhân thấy rõ, một cú đập mạnh vào trán, ngay trên thái dương phải. Chắc bà vừa nhổm dậy và bị giáng đòn, gục tại chỗ.
Tôi tránh hết sức không đụng vào thi thể, nhìn quanh phòng xem có dấu tích gì không, nhưng mọi thứ dường như vẫn trật tự. Các cửa sổ đều đóng, hung thủ không thể trốn ở đâu. Hiển nhiên hắn đã tếch từ lâu.
Tôi khép cửa lại, đi ra.
Lúc này, giáo sư Leidner đã hoàn toàn mất trí. David Emmott đứng bên ông, đưa mắt nhìn tôi, thầm hỏi.
Tôi kể lại vắn tắt chuyện gì đã xảy ra.
Như tôi đã đánh giá, Emmott là người vững vàng, có thể dựa vào trong lúc nguy nan. Bình tĩnh, tự chủ, ông bảo tôi:
– Phải báo cảnh sát ngay. Bill Coleman chắc sắp về. Còn ông Leidner, ta nên thế nào?
– Ông giúp tôi đưa ông ta về phòng.
Emmott gật đầu:
– Có lẽ ta nên khóa cửa phòng kia đã.
Nói rồi, ông làm, rồi đưa đùa khóa cho tôi:
– Cô giữ lấy.
Chúng tôi cùng dìu ông Leidner vào giường. Ông Emmott đi kiếm chai rượu brandy rồi trở lại cùng cô Johnson. Cô này có vẻ lo lắng, nhưng giữ được bình tĩnh. Tôi giao cô trông ông Leidner.
Tôi đi nhanh ra ngoài sân, vừa lúc chiếc xe tải nhỏ đi vào qua cổng vòm. Chúng tôi vô cùng bất bình khi nhìn bộ mặt hồng hào, hớn hớ của Bill Coleman. Ông ta nhảy từ trên xe xuống, nhăn nhở như một khi:
– Hê lô! Hê lô! Tôi đã về. Tiền đây rồi. May không bị ai trấn lột dọc đường.
Ông ta bỗng đứng khựng:
– Ô! Có chuyện gì vậy? Các vị làm sao cả thế này?
– Bà Leidner đã chết… bị ám sát.
– Gì?
Bộ mặt đang vui chuyển hẳn. Ông ta tròn xoe mắt.
– Bà Leidner chết? Các vị đùa?
– Chết rồi?
Tiếng thốt lên làm tôi quay lại và bà Mercado đã ở phía sau:
– Các người bảo bà Leidner bị ám sát?
– Phải – tôi đáp – Ám sát.
– Không! – bà Mercado kêu – Không thể tin. Hay bà tự vẫn?
Tôi sẵng giọng:
– Người tự vẫn không thể tự đập lên đầu mình. Thưa bà Mercado, rõ ràng là một vụ giết người.
Bà ta ngồi thụp xuống một cái hòm:
– Ôi, kinh quá, sợ quá!
Rõ là kinh sợ rồi, chả đợi bà nói chúng tôi mới biết. Tôi nghĩ: có thể bà ta có chút hối hận về những gì đã nghĩ xấu và nói xấu về người quá cố chăng.
Một lát sau, bà ta hỏi:
– Bây giờ các người định làm gì?
Ông Emmott, với sự trầm tĩnh thường lệ, đưa ra những quyết định cần thiết:
– Bill, ông phải quay thật nhanh về Hassanich. Tôi không rõ phải làm những thủ tục gì. Cố gắng gặp đại úy Maitland, cảnh sát trưởng. Hỏi ý kiến bác sĩ Reilly, ông ấy sẽ bảo ta nên làm gì.
Coleman gật đầu, nhận lời. Mặt ông ta nghiêm trang, sợ hãi như một đứa trẻ. Không nói một lời, ông nhảy lên xe tải đi ngay.
Emmott lưỡng lự nói:
– Có lẽ ta nên ngó qua xem chung quanh có gì không.
Rồi lên giọng gọi:
– Ibrahim!
Cậu bé giúp việc chạy đến. Emmott nói với nó bằng tiếng Ả rập, hai bên đôi đáp nhau khá lâu. Ibrahim có vẻ kịch liệt chối cãi điều gì. Cuối cùng, Emmott nói với tôi:
– Hắn bảo không có ai vào đây suốt buổi chiều. Hung thủ hẳn phải lên vào lúc nào không ai biết.
– Tất nhiên – ông Mercado nói – Hắn lên vào lúc những người gác lơ là, không để ý.
– Có lẽ thế – Emmott nói.
Sự lưỡng tự của ông khiến tôi phải đưa mắt ngầm hỏi. Ông lại quay sang hỏi Abdullah, cậu bé đáp lại rất dài, vẫn vui vẻ phản đối kiên quyết. Ông Emmott chau mày đến nhăn cả trán, lẩm bẩm:
– Thật không hiểu ra làm sao.
Nhưng ông quên không nói cho tôi biết là chuyện gì.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.