VỤ ÁN MẠNG Ở VÙNG MESOPOTAMIE
CHƯƠNG 11 : VỤ VIỆC KỲ LẠ
Trong truyện này, tôi chỉ thu hẹp vào phần nói về vai trò của tôi trong tấn bi kịch. Vì vậy tôi bỏ qua những gì diễn ra trong vòng hai giờ tiếp theo: đại úy Maitland cùng một số cảnh sát, rồi bác sĩ Reilly đến. Sự có mặt của họ làm đảo lộn cả khu nhà; các cuộc thẩm vấn rồi tất cả mọi thủ tục liên quan được tiến hành.
Vào khoảng năm giờ, xem ra những công việc bước đầu đã vãn, bác sĩ Reilly kéo tôi vào văn phòng rồi đóng cửa lại. Ông ngồi vào chiếc ghế bành của giáo sư Leidner, chỉ cho tôi chiếc ghế đối diện mời ngồi, hơi cấp tập:
– Nào, cô y tá nói đi: ở đây có chuyện gì ám muội.
Tôi vén tay áo, đưa mắt hỏi lại ông.
Ông rút sổ tay trong túi:
– Vì sự tìm hiểu của riêng tôi, mong cô cho biết giáo sư Leidner phát hiện vợ mình chết lúc mấy giờ.
– Có lẽ vào khoảng ba giờ kém mười lăm.
– Vì sao cô khẳng định giờ ấy?
– Vì lúc đứng lên tôi có nhìn đồng hồ, lúc đó là ba giờ kém hai mươi.
– Cho phép tôi xem đồng hồ của cô.
Tôi tháo đồng hồ đưa ông.
– Chính xác đến từng phút. Hoan nghênh. Theo cô, lúc đó bà Leidner đã chết từ bao lâu?
– Thưa bác sĩ, tôi không thể trả lời.
– Thôi nào, hãy bỏ qua cái thói thận trọng nghề nghiệp ấy đi. Tôi muốn biết ý kiến của cô có giống tôi không.
– Thế thì, tôi nghĩ bà đã chết độ một tiếng.
– Tốt. Tôi đã xem xét tử thi lúc bốn giờ rưỡi, và đồ là cái chết xẩy ra giữa một giờ mười lăm và một giờ bốn lăm, thì cứ cho là một giờ rưỡi đi.
Ông ngừng nói, trầm ngâm gõ tay lên bàn, rồi tiếp:
– Thật lạ lùng! Cô có biết gì hơn không? Cô bảo lúc đó cô đang nghỉ? Cô có nghe tiếng gì không?
– Lúc một giờ rưỡi? Không. Lúc một giờ rưỡi, cũng như lúc khác, tôi không nghe thấy gì. Nằm trên giường từ một giờ kém mười lăm đến ba giờ kém hai mươi, tôi không nghe tiếng nào khác tiếng hát ư ử của thằng bé ngoài sân, và mấy tiếng ông Emmott gọi với ông Leidner trên sân thượng.
– Cái thằng bé người Ả rập ấy hả… – ông cau mày.
Đúng lúc đó, cửa mở, giáo sư Leidner và đại úy Maitland đi vào. Đại úy người nhỏ lũn cũn, nhưng đôi mắt tinh ranh, sắc sảo.
Bác sĩ Reilly đứng lên, nhường ghế bành cho ông Leidner.
– Mời các vị ngồi. Rất mừng được gặp, tôi cần sự giúp đỡ của các vị. Trong vụ này có một cái gì tôi chưa hiểu.
Giáo sư Leidner cúi đầu, rồi nhìn tôi.
– Tôi biết. Vợ tôi đã nói sự thật cho cô Leatheran. Đến lúc này, ta không nên giấu pháp luật điều gì. Vậy cô hãy kể cho bác sĩ Reilly và đại úy Maitland những gì vợ tôi đã nói với cô hôm qua.
Tôi liền kể ra, cố hết sức thật chính xác.
Thỉnh thoảng, đại úy Maitland à lên một tiếng. Tôi kể xong, ông quay lại giáo sư Leidner.
– Mọi việc đúng như thế, phải không giáo sư?
– Những gì cô Leatheran nói là đúng sự thật.
– Một vụ án kỳ quặc! – bác sĩ Reilly nói – Ông có thể cho xem các thư ấy?
– Các ông sẽ tìm thấy chúng trong số các đồ đạc của vợ tôi.
– Bà nhà đã lấy các thư trong cái cặp da để trên bàn – tôi nói.
– Chắc chúng vẫn còn ở đó.
Giáo sư quay về phía đại úy Maitland, mặt sa sầm:
– Không cần phải giấu giếm chuyện này. Quan trọng là phải tìm ra hung thủ và xử tội hắn.
– Ông có nghĩ chính là người chồng trước của bà nhà? – tôi nói.
– Ý kiến cô y tá là thế chăng? – đại úy Maitland hỏi.
Tôi ngập ngừng:
– Dù sao vẫn mới là nghi ngờ.
– Dù thế nào thì hung thủ cũng chỉ là một tên sát nhân tầm thường, và xin nói thêm, một tên điên nguy hiểm: Bắt hắn chắc không khó – ông Leidner nói.
Bác sĩ Reilly thong thả chen vào:
– Không dễ như ông tưởng đâu. Phải không đại úy?
Maitland đưa tay vuốt ria mép, không đáp.
Tôi bỗng nhớ ra.
– Xin lỗi, tôi vừa nghĩ đến một chuyện nhỏ, nhưng có thể có ý nghĩa.
Tôi nói về người Irắc định nhòm qua cửa sổ, và hôm sau tôi lại gặp ở gần nhà, nói chuyện với cha Lavigny.
– Tốt. Chúng tôi ghi nhận điều này – đại úy Maitland nói – Cũng là một hướng để cảnh sát nghiên cứu. Biết đâu hắn chả dính đến vụ án mạng.
– Có thể với tư cách là kẻ dò đường cho hung thủ – tôi gợi ý- Hắn báo cho hung thủ biết lúc nào là thuận tiện.
Bác sĩ Reilly đưa tay gãi mũi, vẻ mệt mỏi.
– Đó là một điểm đáng chú ý. Cứ cho là đã có người trung gian trên đường đi của hung thủ.
Đại úy Maitland quay về phía giáo sư Leidner:
– Tôi yêu cầu ông chú ý nghe nhé. Xin điểm lại những điều đã thu thập được. Sau bữa ăn trưa kết thúc vào khoảng một giờ kém hăm lăm, vợ ông về phòng, có cô Leatheran đi cùng. Bản thân ông thì lên sân thượng, ở đó suốt hai tiếng sau đó. Đúng thế không?
– Đúng.
– Suốt thời gian ấy, ông có xuống sân lần nào không?
– Không.
– Có ai đi lên gặp ông không?
– Có. Có ông Emmott lên nhiều lần. Ông ấy làm con thoi liên lạc giữa tôi và thằng bé rửa đồ vật dưới sân.
– Ông có nhìn xem có chuyện gì trong sân?
– Một, hai lần… để hỏi Emmott vài điều.
– Mỗi lần, thằng bé vẫn ngồi giữa sân lau rửa?
– Vẫn ngồi.
– Ông Emmott không ở dưới sân, mà lên với ông lâu nhất là bao nhiêu?
Giáo sư Leidner suy nghĩ.
– Thật khó mà nhớ… có lẽ chừng mười phút. Với tôi, có khi tôi cho chỉ là hai, ba phút, song kinh nghiệm cho thấy là khi chăm chú vào công việc, nhiều khi không còn khái niệm về thời gian.
Đại úy nhìn bác sĩ Reilly. Ông này gật đầu, nói:
– Rồi chúng ta sẽ làm sáng tỏ mọi thứ.
Đại úy Maitland lại giở sổ:
– Ông Leidner, tôi sẽ đọc ông nghe mỗi thành viên trong đoàn làm gì từ một đến hai giờ chiều nay. Đây là theo lời khai của họ.
– Nhưng…
– Khoan… Chỉ một phút thôi, ông sẽ hiểu tôi muốn đi tới đâu. Trước hết, là ông và bà Mercado… Ông Mercado làm việc trong phòng thí nghiệm, còn bà gội đầu trong phòng mình. Cô Johnson ở trong phòng chung, lấy dấu những mẫu tròn. Ông Reiter rửa phim trong phòng tối. Cha Lavigny làm việc thường lệ trong phòng mình. Hai người cuối cùng là Carey và Coleman. Carey ra nơi khai quật, Coleman đi Hassanich. Đó là nói người trong đoàn khảo cổ. Giờ ta sang số người phục vụ. Anh đầu bếp người Ấn Độ ngồi trước cổng vòm, vừa làm lông gà vừa nói chuyện với anh gác cổng. Ibrahim và Mansur lo việc trong nhà, lúc một giờ mười lăm cũng ra đó tán gẫu cho đến hai giờ rưỡi. Lúc đó, vợ ông không còn sống nữa.
Giáo sư ngả người về phía trước:
– Tôi vẫn chưa hiểu… cuối cùng ông muốn nói gì.
– Từ bên ngoài, có cách nào vào phòng bà Leidner, ngoài cửa chính mở ra sân?
– Không. Có hai cửa sổ, nhưng đều có chấn song to, hơn nữa, những cửa sổ ấy cũng đóng.
– Những cửa ấy đóng bằng xoay quả đấm – tôi nói thêm.
Đại úy Maitland nói:
– Không quan trọng, dù cửa sổ có mở, cũng không thể ra vào bằng đường đó. Người của tôi đã thử rồi. Chấn song sắt rất vững. Muốn đột nhập phòng vợ ông, người lạ nhất thiết phải vào bằng cổng vòm, rồi đi qua sân. Nhưng cả anh bếp, anh gác và mấy thằng bé bảo đảm là không có ai đi vào.
Giáo sư Leidner vụt đứng dậy:
– Ông định ám chỉ chuyện gì? Nói đi?
Bác sĩ Reilly can:
– Bình tĩnh, ông bạn. Ta không ngại nhìn thẳng sự thật, dù sự thật đó cay đắng đến đâu: hung thủ không từ bên ngoài vào, vậy hắn đã ở sẵn bên trong… Mọi thứ dẫn đến giả thuyết là bà Leidner đã bị chính một người trong đoàn của ông giết.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.