VỤ ÁN MẠNG Ở VÙNG MESOPOTAMIE

CHƯƠNG 12 : “TÔI KHÔNG TIN…”



Không! Không!
Giáo sư Leidner bối rối đi lại trong phòng.
– Reilly, điều ông vừa nói là không thể, không thể có! Sao? Một người trong đoàn tôi? Nhưng, tất cả đều quý bà ấy mà!
Một cái nhếch mép thoáng hiện trên môi bác sĩ Reilly. Lúc này thật khó nói thẳng ý kiến của mình, nhưng sự im lặng của bác sĩ đã nói lên tất cả.
– Không thể có! – Giáo sư Leidner nhắc lại – Ai cũng yêu quý bà ấy.
Bác sĩ Reilly khẽ ho:
– Leidner, xin lỗi, nhưng đó là ý kiến cá nhân ông. Nếu có người nào trong đoàn căm ghét vợ ông, người đó chẳng dại gì để ông biết.
Giáo sư Leidner tỏ vẻ cụt hứng:
– Phải, có thể. Tuy nhiên, có lẽ anh lầm. Tôi bảo đảm rằng ở đây ai cũng có tình cảm tốt với bà ấy.
Ông lặng yên một lát, rồi lại nổi nóng:
– Điều các ông vừa nói là một sự sỉ nhục. Không, tôi không tin!
– Ông không thể chối sự thật hiển nhiên.
– Hiển nhiên? Hiển nhiên nào? Tên đầu bếp Ấn độ và hai thằng bồi Ả rập nói láo. Ông Reilly, cả ông Maitland nữa, các ông đều biết tụi bản xứ này. Mình muốn gì thì chúng nói thế. Sự thật có ý nghĩa gì với chúng. Chúng nói dối như cuội.
Bác sĩ Reilly sẵng giọng:
– Trong trường hợp cụ thể này, họ nói chính những điều mà ta không muốn nghe. Trước cổng luôn có một nhóm túm tụm ngồi chuyện gẫu. Tôi đến đây luôn, tôi biết, đúng là như thế.
– Ông quá vội kết luận. Biết đâu cái tên giết người đó không vào từ sớm rồi nấp ở đâu đó?
– Nói thế cũng được – giọng ông Reilly lạnh nhạt – Cứ cho là có kẻ lạ đột nhập mà không ai biết. Thế thì hắn lẩn trốn ở ngay trong phòng bà Leidner, mà phòng này làm gì có chỗ nào ẩn. Hơn nữa, lúc vào và ra khỏi phòng, thì ông Emmott và tên bồi phải thấy chứ, vì họ luôn luôn ở ngoài sân.
– Thằng bồi. Giờ tôi mới nghĩ ra – ông Leidner kêu – Thằng này tinh lắm, nó phải nhìn thấy hung thủ vào phòng vợ tôi.
– Chúng tôi đã xem xét điểm này. Suốt buổi chiều, hắn ngồi lau rửa, trừ một lúc. Lúc ông Emmott lên sân thượng với ông vào khoảng một giờ rưỡi: ông ấy không thể nói rõ hơn.
– Ông ấy lên đó độ mười phút, phải không nào?
– Phải. Chính tôi cũng nói với ông là không nhớ chính xác.
– Tên bồi lợi dụng lúc ngắn ngủi đó, chạy ra góp chuyện với những người ở trước cổng. Lúc ông Emmott xuống, không thấy nó, ông tức giận gọi nó, hỏi tại sao bỏ việc. Có vẻ như vợ ông bị giết trong khoảng mười phút ấy.
Giáo sư Leidner thốt lên một tiếng rên, ngồi xuống, lấy tay ôm đầu. Bác sĩ Reilly thản nhiên nói tiếp:
– Thời khắc ấy ăn khớp với nhận xét của tôi. Khi tôi xem tử thi, bà Leidner đã chết khoảng ba tiếng. Câu hỏi duy nhất bây giờ là: ai giết?
Yên lặng một lúc. Giáo sư Leidner đứng lên, đưa tay ôm trán:
– Lập luận của ông quả có lý. Như vậy là hung thủ đã ở trong nhà từ trước. Tuy nhiên, tôi vẫn cho là giả thuyết ấy có chỗ chưa ổn.
– Còn điều gì nữa?
– Vợ tôi nhận được những thư đe dọa. Rồi thì bà ấy bị giết. Thế mà các ông lại bảo kẻ giết người là người khác, không phải kẻ viết những thư ấy? Nghe không xuôi.
– Thoạt nghi… thì… là như thế – bác sĩ Reilly đáp.
Ông đưa mắt nhìn đại úy Maitland, như để hỏi.
– Thế nào, ông nghĩ sao? Tôi có một ý này, nếu các ông đồng ý thì tôi nói.
Đại úy gật đầu:
– Ông cứ nói.
– Các ông có biết một người tên là Hercule Poirot?
Giáo sư Leidner hơi ngạc nhiên, nhìn người vừa nói:
– Nghe hơi quen quen. Ông Van Aldin bạn tôi, hình như khen ông ấy lắm. Một thám tử tư thì phải?
– Đúng thế.
– Nhưng cái ông Poirot ấy ở tận London, làm sao giúp ta được?
– Đúng – bác sĩ Reilly đáp – ông ấy ở London, nhưng tình cờ thay, lúc này ông không ở London, mà ở Syria, và ngày mai ông sẽ qua Hassanich trên đường đi Bát-đa!
– Ai bảo ông thế?
– Jean Bérat, lãnh sự Pháp. Tối qua, ông lãnh sự dùng bữa với tôi và cho biết tin ấy. Nghe nói ông Poirot vừa khám phá vụ việc gì ở Syria. Trên đường về London, ông sẽ qua đây. Các ông bảo thế có tình cờ không?
Giáo sư Leidner do dự một lát, liếc nhìn đại úy Maitland:
– Đại úy thấy thế nào?
– Nếu được ông ấy cộng tác thì tôi hoan nghênh – đại úy vội đáp – Người của tôi rất thạo khi xục xạo các nơi để giải quyết các vụ việc giữa người Ả rập với nhau, nhưng còn việc này, xin thú thật, hơi bất thường, có phần bí hiểm nữa. Nếu ông thám tử tư ấy nhận đảm đương thì tốt quá.
– Tóm lại, ông khuyên tôi nên mời ông ấy giúp? – ông Leidner nói – Nhỡ ông ấy từ chối?
– Ông ấy không từ chối đâu – bác sĩ Reilly khẳng định.
– Sao ông biết?
– Vì ngay như tôi, là bác sĩ, nếu có ai đến cầu cứu về một ca bệnh nặng, tôi không thể có can đảm từ chối. Mà đây không phải là vụ án mạng thông thường.
Giáo sư Leidner nhăn nhó:
– Vâng. Vậy ông Reilly vui lòng mời giúp ông Hercule Poirot hộ tôi nhé?
– Được thôi.
Giáo sư Leidner khoát tay ra chiều cảm ơn, thong thả nói:
– Đến lúc này, tôi vẫn chưa tin là Louise đã chết.
Tôi không thể chịu được hơn, bột phát nói:
– Ôi, giáo sư Leidner! Tôi không thể nói hết sự ân hận của tôi. Tôi đã không làm tròn nhiệm vụ. Trách nhiệm của tôi là phải trông nom bà nhà thế mà…
Giáo sư Leidner nghiêm nghị lắc đầu:
– Không, không, cô không có lỗi gì. Chính tôi mới đáng trách… Tôi đã không tin… Tôi thật sự không tin là vợ tôi bị nguy hiểm. Tôi đã để mặc bà ấy… tôi đã không làm gì để ngăn chặn tai họa… chỉ vì tôi không tin.
Ông lảo đảo bước ra khỏi phòng.
Bác sĩ Reilly ngước nhìn tôi:
– Tôi cũng cảm thấy có lỗi. Trước đó tôi vẫn cho là bà ấy hù dọa chồng và bày chuyện.
– Tôi cũng vậy, tôi cũng không cho những chuyện bà kể là nghiêm túc – tôi nói.
– Cả ba chúng ta đều lầm – Bác sĩ Reilly kết luận.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.