VỤ ÁN MẠNG Ở VÙNG MESOPOTAMIE

CHƯƠNG 16 : NHỮNG NGUỜI TÌNH NGHI



Giáo sư Leidner nhẩy chồm lên:
– Không thể! Không thể như thế! Ý kiến của ông là vô lý.
Ông Poirot bình tĩnh nhìn lại, không nói gì.
– Ông bảo người chồng trước của vợ tôi là người trong đoàn khảo cổ, mà bà ấy lại không nhận ra?
– Đúng vậy. Hãy chịu khó suy nghĩ. Hai mươi năm trước, bà nhà chỉ sống với hắn ta mấy tháng. Đến nay gặp lại, liệu có nhận ra không? Chưa chắc. Nét mặt, hình dạng đã thay đổi, giọng nói thì có thể không khác lắm, nhưng hắn thì cố tình, còn bà nhà thì vô tình, coi hắn như một người nào khác, không chú ý. Một khả năng khác là thằng em trai. Nó ngưỡng mộ và tôn thờ kỷ niệm về người anh. Giờ đây nó đã lớn. Thằng nhãi con mươi, mười hai tuổi nay đã xấp xỉ ba mươi, làm sao bà Leidner nhận ra? Chớ quên tên William Bosner này. Dưới mắt nó, anh trai nó chết không phải là người phản bội, mà là hy sinh vì tổ quốc Đức của nó. Nó coi bà Leidner là kẻ thù, người đã đưa anh nó lên đoạn đầu đài. Trẻ con khi đã coi ai là thần tượng thì nhớ rất dai, thù rất dai.
– Hoàn toàn đúng – bác sĩ Reilly tán đồng – Người đời hay nghĩ trẻ con chóng quên, không phải.
– Được. Thế là một mặt, ta có Frederick Bosner, năm nay chừng năm mươi tuổi, mặt khác có William Bosner, trạc ba mươi. Giờ ta hãy soát từng người một trong đoàn.
– Vô lý! – Giáo sư Leidner rên rỉ – Nhân viên của tôi! Người của chính tôi!
– Và vì vậy ông cho là không thể nghi ngờ – Poirot sẵng giọng – Điều ấy cần phải xét lại. Bắt đầu, trước hết, ai chắc chắn không thể là Frederich hoặc William?
– Các bà phụ nữ!
– Rõ quá! Xin gạch khỏi danh sách cô Johnson và bà Mercado. Ai nữa?
– Carey. Ông ấy và tôi đã cùng làm việc với nhau nhiều năm trước khi tôi gặp Louise.
– Vả lại tuổi không khớp. Hình như ông này tuổi băm tám, băm chín, quá trẻ so với Frederick, và nhiều tuổi hơn nhiều so với William. Số còn lại? Cha Lavigny và ông Mercado: họ đều có thể là Frederick Bosner.
Giáo sư Leidner cất tiếng nửa bực tức, nửa buồn cười:
– Thôi nào, ông, mọi người đều biết cha Lavigny là nhà nghiên cứu văn cổ, còn ông Mercado đã làm việc lâu năm ở một bảo tàng lớn New York. Cả hai không thể là người mà ông nghi vấn! Không thể!
Poirot phẩy nhẹ tay:
– Không thể! Không thể! Tôi lại cần nghiên cứu kỹ những cái không thể! Nhưng thôi, hãy cho qua. Còn ai nữa nhỉ? Carl Reiter, một anh chàng có tên Đức, và David Emmott…
– Chớ quên là ông này đã làm với tôi hai đợt.
– Anh chàng Reiter này có tính rất cặm cụi, kiên trì. Nếu giết ai, anh ta sẽ nghiên cứu và chuẩn bị rất kỹ.
Giáo sư Leidner phác một cử chỉ chán ngán.
– Cuối cùng, Willian Coleman – Poirot nói.
– Ông ta là người Anh.
– Người Anh thì sao? Bà Leidner chả nói rằng Bosner em rời nước Mỹ rồi mất tăm. Biết đâu hắn không lớn lên ở nước Anh?
– Thế nào ông cũng nói lấy được – giáo sư Leidner nhận xét.
Poirot ghi ghi chép chép vào sổ tay, ông nói:
– Phải xem xét một cách trật tự, có phương pháp. Một bên, ta có hai cái tên: cha Lavigny, ông Mercado; bên kia có ba: Coleman, Emmott và Reiter.
Bây giờ, ta xem xét một khía cạnh khác của vấn đề: phương tiện và cơ hội: Trong số người của đoàn, ai có phương tiện và cơ hội để phạm tội ác? Carey thì ở khu khai quật. Coleman đi Hassanich. Ông, ông ở trên sân thượng. Còn lại cha Lavigny, ông Mercado, bà Mercado, David Emmott, Carl Reiter, cô Johnson và cô Leatheran.
– Ồ! – Tôi nhảy chồm lên, kêu.
– Vậy xin lỗi, tôi vẫn phải để tên cô vào danh sách. Cô muốn vào phòng bà Leidner, giết bà trong lúc sân vắng người thì rất dễ. Cô cũng khá khỏe mạnh, và bà Leidner càng không nghi ngờ gì cho đến khi cô ra tay.
Tôi kinh ngạc đến mức không thốt nên lời.
Bác sĩ Reilly lợi dụng lúc đó để trêu tôi; ông nói nhỏ:
– Án mạng ly kỳ: y tá giết bệnh nhân.
Tôi lườm ông ta một cái dài.
Đầu óc ông Leidner lại đang hướng về ý nghĩ khác:
– Ông Poirot, ông không thể nghi cho Emmott. Ông không nhớ ông ta ở trên sân thượng với tôi trong mười phút ấy sao?
– Nhưng vẫn không thể gạch tên. Khi xuống, ông ta có thể vào phòng bà Leidner thi hành thủ đoạn, rồi mới ra gọi thằng Abdullah. Hoặc là ông ta tranh thủ lúc sai thằng bé lên gặp ông.
Giáo sư Leidner thở dài:
– Không hiểu ra làm sao nữa… Ôi bí ẩn!
Ngạc nhiên sao, Poirot lại đồng tình với ông Leidner:
– Ông nói đúng: hiếm có vụ án nào lại bí ẩn đến thế này. Thông thường, hung thủ tàn bạo… song tương đối đơn giản. Nhưng ở đây ta đứng trước một vụ phức tạp. Thưa giáo sư Leidner, vợ ông phải là một người khác thường.
Poirot biết giáng cú đánh vào đúng chỗ, khiến tôi giật mình.
– Có phải thế không, cô y tá?
Giáo sư Leidner bình thản bảo tôi:
– Cô… làm ơn nói cho ông ấy biết Louise là người thế nào. Như thế ông ấy không thể bảo là thiên vị.
Và tôi đã nói thực lòng:
– Bà ấy rất đẹp, không ai lại không chiêm ngưỡng và tìm cách chiều ý bà. Tôi chưa bao giờ gặp một phu nhân như vậy.
– Cám ơn! – giáo sư mỉm cười nhìn tôi.
– Lời chứng từ một người mới tới như cô Leatheran có giá trị riêng của nó – Poirot lịch sự tuyên bố – Ta tiếp tục. Dưới mục Phương tiện và cơ hội, ta đã ghi sáu cái tên: cô Leatheran, cô Johnson, bà Mercado, ông Reiter, ông Emmott và cha Lavigny.
Một lần nữa, ông lại hắng giọng. Quả là những người nước ngoài này có lắm thói quen lạ!
– Lúc này, ta hãy tạm coi giả thuyết thứ ba là đúng: Frederich hoặc William Bosner là hung thủ, và hắn nằm ngay trong đoàn khảo cổ. So sánh hai danh sách, ta có thể giảm số người tình nghi còn bốn: cha Lavigny, ông Mercado, Carl Reiter và David Emmott.
– Cha Lavigny hoàn toàn vô can – giáo sư Leidner kiên quyết can ngăn – Cha thuộc dòng Cha Trắng ở Carthage.
– Và râu của cha là râu thật – tôi nói thêm.
– Thưa cô, những tên sát nhân thượng hạng không bao giờ mang râu giả.
– Sao ông biết hắn là sát nhân thượng hạng? – Tôi cãi.
– Vì, nếu không thì tôi đã tìm ra được ngay… Còn hiện tại thì tôi chịu.
“Con người này thật kiêu ngạo”, tôi nghĩ bụng.
Giáo sư Leidner không ngồi yên, băn khoăn:
– Thật vô lý… cha Lavigny và ông Mercado là những người có tiếng từ lâu.
Poirot nhìn thẳng giáo sư:
– Lập luận của ông không vững. Nếu Fredrich Bosner không chết, thì suốt bao nhiêu năm nay, hắn làm gì? Hắn mượn tên giả và đủ thì giờ để tạo lập địa vị trong xã hội…
– Bằng cách vào tu ở dòng Cha Trắng? – bác sĩ Reilly hỏi, vẻ không tin.
– Nghe thì cũng hơi lạ thật – Poirot công nhận – Ra tòa rồi sẽ biết. Ta xét những người tình nghi khác.
– Những người trẻ – Reilly nói – Theo ý tôi chỉ có một người hội đủ các điều kiện.
– Ai?
– Chàng Carl Reiter. Chúng ta không biết gì cụ thể về anh ta, nhưng xem kỹ, thì hắn có độ tuổi phù hợp, một cái tên Đức, lại mới đến làm. Anh ta có thế lợi dụng cơ hội ra khỏi xưởng ảnh, qua sân, thi hành thủ đoạn rồi chuồn nhanh trong lúc sân vắng người. Nếu trong lúc hắn vắng mặt mà có ai vào xưởng ảnh, hắn sẽ chống chế là đang ở trong buồng tối. Tôi không khẳng định anh ta là thủ phạm, nhưng trong danh sách này, Reiter có vẻ đáng nghi nhất.
Ông Poirot không tán thành ý kiến ấy, ông gật đầu một cách nghiêm trang, nhưng chưa chịu:
– Lập luận của ông nghe được, nhưng vấn đề phức tạp hơn ông tưởng. Hãy tạm dừng ở đây. Nếu các ông cho phép, tôi xin ngó qua hiện trường vụ án một chút.
– Xin tự nhiên.
Giáo sư Leidner lục túi và nhìn lên bác sĩ Reilly, nói:
– Đại úy Maitland cầm mất rồi.
– Ông ấy đã trao lại cho tôi trước khi đi có việc.
Bác sĩ đưa chìa khóa.
Giáo sư Leidner ngập ngừng:
– Nếu không có gì bất tiện, tôi không muốn… Có lẽ cô y tá…
– Không sao. không sao… – Poirot đáp – Tôi thông cảm, không muốn ông thêm đau buồn vô ích. Cô y tá, cô cùng đi với tôi chứ?
– Xin sẵn lòng – Tôi đáp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.