VỤ ÁN MẠNG Ở VÙNG MESOPOTAMIE

CHƯƠNG 19 : MỐI NGHI NGỜ MỚI



Chúng tôi không thể tranh luận gì hơn: ngay lúc đó, bác sĩ Reilly bước vào.
Ông bác sĩ và nhà thám tử trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ chuyên môn về tình trạng tâm lý và tinh thần của người viết thư nặc danh. Bác sĩ Reilly dẫn vài trường hợp đã gặp trong khi hành nghề, còn ông Poirot nói về mấy vụ thư nặc danh mà ông đã giải quyết.
– Vấn đề không đơn giản như ta nghĩ – ông kết luận. Thủ phạm hành động do nhu cầu trấn áp người khác, hoặc mang nặng ảnh hưởng của tâm lý tự ti.
Bác sĩ Reilly tán thành:
– Vì thế tác giả các thư nặc danh thường lại là người ta ít nghi ngờ nhất.
– Ông có định nói bà Leidner cũng bị mặc cảm tự ti chi phối?
Bác sĩ Reilly cười gằn:
– Còn lâu bà mới mắc mặc cảm ấy! Bà rất thoải mái, đầy sức sống.
– Xét về tâm lý mà nói, liệu bà có phải người viết những thư ấy?
– Có thể. Nhưng nếu bà viết, thì là nhằm để đề cao mình thành nhân vật bi kịch. Trong cuộc sống, bà Leidner có hơi coi mình như siêu sao điện ảnh, luôn luôn phải được xuất hiện cận cảnh, dưới đèn sáng chói lòa. Theo luật bù trừ, bà lại lấy ông Leidner, một người trầm lặng, khiêm tốn nhất đời. Ông ấy tôn thờ bà… nhưng sự tôn thờ trong xó nhà thôi chưa đủ với bà. Bà muốn là nhân vật trung tâm ly kỳ ai oán giữa mọi người kia.
Poirot mỉm cười:
– Nói cách khác, ông bác bỏ giả thuyết của ông chồng cho rằng bà vợ tự viết thư cho mình trong tình trạng mơ ngủ?
– Ô không, trước mặt một người vừa mất người vợ yêu quí tôi không thể bác bỏ và nói toẹt rằng người vợ ấy chỉ là một kẻ nói dối, tầm thường, đã làm ông lo lắng đến phát điên đủ để thỏa mãn ý muốn kéo sự chú ý về mình.
– Vậy xin nói thật đi, bác sĩ có ý kiến thế nào về bà Leidner?
Bác sĩ ngả người vào lưng ghế, thong thả rít một hơi píp.
– Thú thật… câu hỏi khó trả lời. Tôi biết về bà quá ít. Bà ta nhất định là rất có duyên, rất thông minh, rất hiểu người. Gì nữa? Không bỗ bã, không lười biếng, không kiêu kỳ, không mắc những tật xấu thường có của phụ nữ. Tôi vẫn cho bà ta là kẻ nói dối thành thần (dù không có bằng chứng). Không hiểu bà nói dối với người khác hay nói dối chính mình. Riêng tôi lại ưa những đàn bà nói dối. Với tôi, phụ nữ mà không bao giờ nói dối là người thiếu óc nhạy cảm và trí tưởng tượng. Bà không chạy theo đàn ông… chỉ thích bắt đàn ông quỳ dưới chân mình. Ông mà nói vấn đề này với con gái tôi…
– Chúng tôi đã có hân hạnh đó rồi – Poirot mỉm cười đáp.
– Ồ! – Bác sĩ Reilly kêu – Ra nó đã nhanh chân rồi! Hẳn là nói bà không ra gì! Lớp trẻ ngày nay không biết kính trọng người chết. Nó phê phán người lớn không thương tiếc, và tự cho mình có quyền phóng túng, không theo đạo lý nào hết. Nếu bà Leidner có lăng nhăng đi nữa, con Sheila nhà tôi cũng sẽ tán thành, cho như thế mới là “có cuộc sống của mình”, “sống theo bản năng”. Nhưng nó không thấy là bà Leidner sống đúng theo tính cách của bà. Con mèo vờn con chuột vì đấy là bản năng của nó. Nó sinh ra đã thế. Tôi rất muốn con Sheila phải công nhận rằng nó ghét bà Leidner vì những lý do hoàn toàn cá nhân. Nó là đứa con gái trẻ trung duy nhất ở đây nó yên trí rằng tất cả đàn ông phải phủ phục dưới chân nó. Nó bị chạm tự ái khi một phụ nữ đứng tuổi, lại đã hai đời chồng, có sức quyến rũ hơn cả nó, đánh bại nó. Đành rằng Sheila cũng có duyên, khỏe mạnh, gọi là xinh đẹp hấp dẫn đi. Nhưng bà Leidner đứng trên hết tất cả: bà có cái sắc đẹp chết người, chinh phục trái tim tất cả bọn đàn ông…
Tôi ngồi trên ghế mà giật nẩy mình. Ý nghĩ trùng hợp! Anh chàng Coleman chả từng đã nói tương tự?
– Xin cho phép hỏi tò mò, con gái ông có thể đã yêu một chàng trai nào trong đoàn khảo cổ?
– Ồ! Tôi không nghĩ vậy. Nó có nhảy vài lần với Coleman và Emmott, không biết nó thích ai hơn. Ngoài ra còn hai cậu phi công nữa. Người ngấp nghé thì nhiều, tùy nó chọn. Song cái làm nó tức là một bà ở tuổi mùa thu cuộc đời lại thắng cái trẻ trung của nó. Tất nhiên nó chưa có kinh nghiệm về đàn ông như tôi. Ở tuổi tôi, các cô gái trẻ tuổi học trò, mắt sáng, thân thể căng tròn sức sống, là một chuyện. Nhưng một người đàn bà đã qua ba mươi, biết nghe ta nói, biết rủ rỉ tâm sự, lại là chuyện khác. Con Sheila nhà tôi xinh, nhưng Louise Leidner mới thật là người đàn bà đẹp.
Tôi nghĩ bụng: đúng. ông này nói đúng. Sắc đẹp là của trời cho. Trước sắc đẹp của bà Leidner, ta chỉ có thể chiêm ngưỡng, không thể ganh ghét. Ngay lần gặp đầu tiên, tôi đã có cảm giác mình sẵn lòng làm mọi thứ vì bà.
Tuy nhiên, tối hôm ấy, khi bác sĩ Reilly lái xe đưa tôi về Tell Yarimiah (trước đó, ông đã mời tôi ăn bữa tối), một hai tình tiết khó chịu trở về lởn vởn trong óc. Tôi không tin những lời báng bổ của Sheila Reilly, coi chúng là phát ra do căm hờn, tức tối.
Bây giờ, tôi nhớ bà Leidner đã có lúc nhất định đòi đi dạo một mình, không để tôi đi cùng. Có phải là bà đi gặp Carey? Đúng là họ có thái độ lễ phép quá đáng với nhau, đó là điều lạ, vì những người khác trong đoàn thường gọi nhau bằng tên thân mật. Carey luôn tránh nhìn thẳng bà Leidner. Có phải vì ông ta không yêu… hay ngược lại?
Tôi cố xua những ý nghĩ ấy ra khỏi đầu óc. Hóa ra bây giờ đủ thứ lộn xộn trong tâm trí… chỉ tại cái con bé ấy! Thế mới biết nghe mãi những lời xúc xiểm cũng nguy hại thật.
Bà Leidner nhất định không phải loại đàn bà ấy. Tất nhiên, bà không có cảm tình với Sheila Reilly; hôm đó, trong bữa ăn, bà còn lấy nó ra để trêu chọc Emmott.
Chúng tôi về tới Tell Yarimjah lúc chín giờ. Lúc này cổng lớn đã khóa. Ibrahim vội đem khóa chạy ra mở.
Ở Tell Yarimjah, mọi người đi ngủ sớm. Phòng chung tối om. Xưởng vẽ và văn phòng ông Leidner còn đèn, nhưng tất cả các cửa sổ khác đều tối. Hôm đó, mọi người đều lui về phòng mình sớm hơn thường lệ.
Lúc đi qua xưởng vẽ để về phòng mình, tôi liếc nhìn vào trong. Ông Carey, tay áo xắn cao, đang đứng làm việc trước một tấm bản đồ to. Trông ông có vẻ ốm, mệt, đau khổ, khiến tôi thương xót. Thật khó phân tích tính cách của ông. Không thể đánh giá ông qua lời nói, vì ông rất ít nói, cử chỉ cũng kín đáo; tuy nhiên không thể không kính trọng ông, ông là một con người đáng nể.
Ông quay đầu ra, nhìn thấy tôi, bỏ píp ra khỏi miệng:
– A! Cô ở Hassanich về rồi.
– Vâng. Hôm nay ông làm việc muộn, ông Carey? Mọi người ngủ cả rồi.
– Tôi phải làm nốt cho xong. Mai, chúng tôi lại ra khu khai quật.
– Vội thế ư? – Tôi ngạc nhiên.
Ông nhìn tôi vẻ khác lạ:
– Thế là tốt hơn cả. Tôi đã trao đổi với Leidner. Mai, ông ấy đi Hassanich cả ngày để hoàn tất một số thủ tục. Chúng tôi trở về công việc thường ngày. Ở đây để ngồi nhìn nhau à?
Xét tâm trạng mọi người lúc này, nghĩ vậy là có lý. Tôi nói:
– Về mặt nào đó; tôi đồng ý với ông. Lao động cho quên đi mọi việc.
Tôi đã biết, hôm sau nữa mới cử hành tang lễ.
Carey lại trở về với công việc. Không hiểu sao, nhìn ông tôi lại thấy se lòng. Tôi chắc hôm nay ông sẽ thức đêm trắng tại đây.
– Ông có cần thuốc ngủ không? – Tôi rụt rè hỏi.
Ông cười, lắc đầu.
– Không, cảm ơn cô, tôi không cần. Uống rồi dễ quen thuốc.
– Vậy thì thúc ông ngủ ngon. Nếu cần tôi giúp gì…
– Ồ, không sao. Cảm ơn cô. Chúc ngủ ngon.
– Tôi rất tiếc – tôi nói, có lẽ do buột miệng.
– Tiếc?
– Tiếc cho tất cả mọi người ở đây. Cái chết bi thảm ấy thật kinh khủng, nhất là với ông.
– Với tôi? Tại sao vậy?
– Vì ông là bạn thân của cả hai người.
– Tôi là bạn lâu năm với ông Leidner, còn bà Leidner với tôi thì cũng chưa gần gũi đặc biệt.
Giọng nói ông cho tôi hiểu là ông không hề có tình cảm gì với bà. A! Giá mà Sheila nghe ông ta nói lúc này.
– Vậy thôi, chúc ngủ ngon – tôi lặp lại.
Và tôi chạy về phòng.
Trước khi thay quần áo, tôi làm một số việc: giặt mấy chiếc mùi soa, đôi găng tay, và viết nhật ký. Lúc định đi nằm, tôi liếc nhìn qua cửa ra sân. Đèn vẫn sáng ở xưởng vẽ và ở khu nhà phía nam.
Giáo sư Leidner chắc còn làm việc trong văn phòng. Không biết có nên sang chào ông và chúc ông ngủ ngon không, vì tôi ngại tỏ ra quá xun xoe. Nhỡ ông khó chịu vì mình đến quấy rầy? Song tôi nghĩ mình ngại ngần vớ vẩn. Chỉ vào rồi ra ngay, xem sức khỏe ông ra sao, có cần tôi giúp gì không, thì có làm sao…
Giáo sư Leidner không có trong phòng. Dưới đèn sáng, tôi chỉ thấy cô Johnson đầu gục xuống bàn, khóc nức nở.
Cảnh tượng ấy làm tôi kinh ngạc. Cô Johnson thường ngày bình tĩnh, tự chủ là thế…! Tôi lại gần, đặt tay lên vai cô, hỏi:
– Có chuyện gì vậy, cô Johnson? Sao lại ngồi đây khóc một mình…
Cô không trả lời, càng thổn thức nhiều hơn. Tôi dỗ:
– Đừng khóc nữa, can đảm lên! Để tôi pha cho cô tách trà nóng.
Bấy giờ cô mới ngửng đầu, đáp:
– Không, vô ích, cảm ơn cô. Bây giờ tốt rồi. Tôi thật là vớ vẩn.
– Có chuyện gì làm cô buồn bã?
Sau một lát ngập ngừng, cô nói:
– Thật quá kinh khủng.
– Hãy nghĩ sang chuyện khác – tôi khuyên – Trước cái không thể vãn hồi, phải chịu đựng thôi, không nên đau buồn.
Cô đứng dậy, sửa mái tóc, nói giọng trầm đục:
– Chắc cô nhìn tôi thấy buồn cười lắm nhỉ. Muốn động tay động chân một chút, tôi vào đây định sắp xếp lại mọi thứ cho trật tự, thế rồi tự nhiên bật lên khóc.
– Tôi hiểu. Bây giờ cô đi ngủ. Tôi sẽ mang vào phòng cô một chén trà và chai nước nóng.
Thái độ tôi kiên quyết, cô phải làm theo. Ngồi trên giường êm ấm rồi, cô uống trà và nói:
– Cảm ơn cô, cô tốt quá. Ít khi tôi để mình ủ rũ thế này.
– Ồ! Trong trường hợp này là chuyện bình thường. Cô đã xúc động và mệt mỏi quá nhiều! Rồi lại cảnh sát đến hỏi han. Ngay tôi cũng thấy mình không bình thường.
Bằng một giọng khác lạ, cô Johnson thong thả nói:
– Điều cô nói lúc nãy rất đúng. Trước những gì không cứu vãn được, ta phải chấp nhận… – Cô ngừng vài giây rồi nói, làm tôi ngạc nhiên – Bà ấy là người không tốt!
Tôi im lặng, không tranh cãi: Bà Leidner và cô Johnson không ưa lẫn nhau, là điều tôi đã biết. Trong thâm tâm, có lẽ cô Johnson còn mừng vì bà Leidner chết, và bỗng nhận thấy nghĩ vậy là hèn kém, nên cô tự xấu hổ với mình chăng?
– Bây giờ, mời cô hãy ngủ đi, đừng nghĩ chuyện gì nữa.
Tôi sắp xếp lại một số đồ đạc cho căn phòng ngăn nắp hơn, đặt đôi bít tất lên lưng ghế và treo quần áo lên mắc. Trên sàn nhà, tôi thấy một mảnh giấy vo tròn chắc rơi từ túi áo của cô.
Tôi đang vuốt mẩu giấy cho phẳng để xem là giấy gì, có nên vứt sọt rác hay không, thì tiếng cô Johnson làm tôi giật nảy mình:
– Đưa đây tôi!
Tôi làm theo, kinh ngạc trước giọng nói ra lệnh kiên quyết. Cô giật mẩu giấy trong tay tôi, đưa ngay nó lên ngọn nến để đốt.
Tôi hoang mang nhìn cô làm.
Cử chỉ cô Johnson quá đột ngột, tôi không kịp đọc gì trên mảnh giấy. Nhưng dưới tác dụng của lửa, mảnh giấy vặn vẹo về phía tôi, và tôi nhìn được mấy chữ viết bằng mực.
Vào giường nằm, tôi mới hiểu tại sao hàng chữ ấy làm tôi chú ý: nét chữ giống một cách kỳ lạ với chữ trong các thư nặc danh.
Chẳng lẽ cô Johnson lại là tác giả của cái trò bỉ ổi đó?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.