VỤ ÁN MẠNG Ở VÙNG MESOPOTAMIE
CHƯƠNG 21 : ÔNG MERCADO, RICHARD CAREY
Poirot đang đi, dừng lại:
– Tôi thấy họ làm việc ở hai công trường khác nhau.
Ông Reiter lúc nãy chụp ảnh ở đầu khu khai quật chính nay cách chúng tôi một quãng, một nhóm thứ hai cầm sọt chạy đi chạy lại.
– Chỗ này gọi là đường hào chính – tôi giải thích – Chẳng đào được gì nhiều, chỉ là những mảnh gốm đáng vứt vào sọt rác, nhưng giáo sư Leidner bảo là rất có giá trị.
– Nào, ta đến đó.
Chúng tôi đi chậm, vì trời nắng gắt.
Ông Mercado điều khiển công việc. Chúng tôi thấy ông đứng dưới hào, đang trao đổi với người đốc công, một ông già nhăn nheo như da rùa, mặc áo khoác dạ bên ngoài chiếc áo dài bằng vải bông kẻ xọc.
Đi xuống hào phải qua một con đường hẹp, gồ ghề, lởm chởm những bậc lên xuống sơ sài, đã thế phu gánh đất lại lên xuống liên tục chẳng ai chịu nhường ai.
Tôi đi theo Poirot. Bỗng ông quay lại hỏi:
– Ông Mercado thuận tay phải hay tay trái?
Câu hỏi lạ kỳ! Nghĩ một lúc, tôi đáp:
– Tay phải.
Poirot không buồn giải thích thêm, tiếp tục đi.
Ông Mercado có vẻ vui vì gặp chúng tôi. Bộ mặt mơ màng của ông nở một nụ cười tươi.
Poirot tỏ vẻ quan tâm đến môn khảo cổ. Tôi biết thừa ông ta có để ý gì đâu, nhưng ông Mercado cứ ra sức giảng giải, nói đã đào được tới mười hai lớp móng.
– Như vậy là chúng tôi đã tới thiên niên kỷ thứ tư! – ông hồ hởi nói.
– Ồ! Tôi tưởng thiên niên kỷ chỉ có trong tương lai… thời đại mà mọi việc sẽ yên bài.
Ông Mercado chỉ các lớp tro. (Sao tay ông run thế! Ông bị sốt rét chăng?) Ông cho biết các đồ gốm và phần mộ thay đổi kiểu dáng theo từng thế kỷ. Đột nhiên, lúc ông cúi xuống nhặt một con dao bằng đá nằm lẫn với lô đồ gốm, ông nhẩy chồm và hét lên.
Poirot và tôi nhìn ông, ngạc nhiên, không hiểu chuyện gì.
Một tay ông Mercado đập vào cánh tay trái:
– Có gì như cái kim nóng bỏng đâm vào tôi!
Poirot tỏ ra rất bình tĩnh:
– Ông lại đây! Đưa tôi xem! Cô Leatheran!
Tôi tiến lại. Poirot nhanh nhẹn nắm cánh tay ông Mercado, vén tay áo sơ mi lên tận vai.
– Đấy, vết đâm đấy – ông Mercado chỉ.
Cách vai độ ba đốt ngón tay, có một giọt máu đọng.
– Quái lạ! – Poirot kêu, ông soát kỹ cánh tay áo – Không thấy gì. Có lẽ là con kiến.
– Nên bôi chút cồn i-ốt – tôi nói.
Tôi luôn mang theo mình một số thuốc thông thường. Tôi lấy cồn i-ốt ra và bôi lên vết đâm. Nhưng tôi bỗng chú ý một chi tiết bất ngờ: suốt dọc cẳng tay ông Mercado, lấm tấm những vết chấm, mà tôi nhận ngay là vết kim tiêm dưới da.
Ông Mercado vén tay áo xuống, giảng giải tiếp. Poirot chú ý nghe, nhưng không cố kéo câu chuyện trở về cặp vợ chồng Leidner nữa, không hỏi câu nào nữa.
Rồi chúng tôi từ biệt ông Mercado, trèo lên mặt đất.
– Đóng kịch không tồi đấy chứ? – Poirot hỏi tôi.
Từ trong ve áo, Poirot rút ra một vật, say sưa nhìn ngắm. Tôi kinh ngạc thấy đó là một chiếc kim dài, đầu có một giọt sáp, nên giống cái đinh ghim.
– Ông Poirot! – tôi kêu – Ông làm việc đó à?
– Đúng là tôi đã chích ông ta một cái. Và làm khéo đấy chứ, đến cô cũng không trông thấy.
Quả đúng thế. Tôi không thấy, mà cả ông Mercado cũng không nghi ngờ gì. Poirot đã làm nhanh như chớp.
– Nhưng… để làm gì?
Ông trả lời tôi bằng một câu hỏi:
– Thế cô không nhận ra cái gì ư?
– Có, những vết tiêm dưới da.
– Vậy là ta đã biết điều gì đó về ông Mercado. Tôi vẫn nghi… mà không biết chắc. Dù sao, biết chắc vẫn hơn.
“Và bằng bất cứ thủ đoạn nào”, tôi nghĩ bụng, song không nói ra.
Poirot đập tay vào đùi, chỗ túi quần:
– Ồ, khỉ quá! Tôi đánh rơi chiếc khăn tay ở đó, cái khăn tay dùng bọc chiếc đinh ghim.
– Để tôi đi lấy cho – tôi vừa nói vừa quay trở lại.
Tôi nhanh chóng trở về bản chất của mình, coi Poirot là thầy thuốc, còn mình là y tá đang lo điều trị một ca nghiêm trọng. Sự thực, đây là một ca mổ mà Poirot là nhà phẫu thuật. Có lẽ tôi không nên thú thật là tất cả chuyện này bắt đầu làm tôi thích thú.
Nhớ lại, ngay sau khi kết thúc thực tập, tôi được cử đến chăm sóc một bệnh nhân tại nhà riêng. Người này cần được mổ ngay, nhưng ông chồng nhất định không muốn đưa đi bệnh viện, nên người bệnh được mổ tại nhà.
Với tôi đây là dịp may hiếm có. Không bị ai giám sát. Tôi phải tự lo mọi việc đến phát cuống. Tôi nghĩ đến tất cả những gì bác sĩ phẫu thuật cần, nhưng luôn luôn chỉ sợ quên mất cái gì. Với các ông bác sĩ này thì đôi khi rất khó! Phút cuối cùng họ còn yêu câu cái này cái nọ. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra suôn sẻ. Tôi phục vụ ông ta rất tốt; lúc mổ xong, ông ngỏ lời khen ngợi… điều hiếm có với một bác sĩ mổ xẻ. Hơn nữa, người bác sĩ điều trị lại rất tốt. Tôi điều khiển mọi việc tất cả đều hài lòng. Người bệnh phục hồi nhanh, hạnh phúc trở lại trong nhà.
Lúc này, tôi ở trong tâm trạng giống như hồi đó. Ông Poirot cũng là nhà phẫu thuật, dáng người nhỏ bé, xấu xí, nhưng tuyệt vời làm sao! Như có linh tính, ông biết phải giải quyết cái gì, ở khâu nào. Tôi đã biết nhiều nhà phẫu thuật và phục tài của họ.
Từng bước, từng bước một, ông Poirot đã chiếm được sự tin cậy của tôi. Ông biết đích xác cần làm gì, và tôi cảm thấy trách nhiệm của mình là phải giúp ông. Nói cách khác, đưa dao kéo, bông băng đúng lúc. Vì thế rất tự nhiên là tôi phải đi tìm khăn tay cho ông, như phải nhặt chiếc khăn mà bác sĩ phẫu thuật đánh rơi.
Khi tìm thấy khăn mang về, tôi không thấy Poirot đâu. Sau rồi mới nhận ra ông cách tôi vài quãng, đang nói chuyện với Carey. Tên bồi của Carey đứng cạnh, tay cầm chiếc thước gấp, ông Carey bảo nó điều gì, và thằng bé cầm thước chạy đi.
Tôi ngập ngừng, không biết có nên lại gần không. Biết đâu ông bảo tôi đi tìm khăn tay chỉ cốt để ông nói chuyện riêng với Carey?
Một lần nữa, tôi là phụ tá cho bác sĩ phẫu thuật trong một ca mổ, phải đưa ông ta cái dụng cụ cần thiết vào thời khắc chính xác ông ta cần. Ở phòng mổ, tôi rất thạo việc này, không sợ sai lầm. Nhưng ở đây tôi là dân mới toanh, vì vậy phải mở to mắt.
Tất nhiên, tôi nghĩ ông Poirot bảo tôi đi để ngăn tôi khỏi hóng chuyện, có thể ông chỉ cho rằng nếu không có tôi, Carey sẽ ăn nói thoải mái, tự do hơn.
Tôi không thuộc loại người cố tình nghe trộm chuyện riêng của người khác. Dù tò mò, không bao giờ tôi làm cái việc vô văn hóa ấy. Nếu là một cuộc hội đàm bí mật, không bao giờ tôi hạ mình làm cái việc hôm ấy tôi làm. Tôi tin chắc là đã không vượt quá quyền của mình. Thật vậy, làm nghề nữ y tá, tôi đã nghe nhiều lời nói thốt ra từ miệng bệnh nhân trong lúc hôn mê. Người bệnh hoàn toàn không biết điều đó, nhưng sự thật là tôi đã nghe. Theo quan điểm tôi, lúc này, ông Carey cũng là một bệnh nhân trên bàn mổ, ông không biết gì nên chẳng hề sao. Các bạn sẽ cho tôi là tọc mạch chăng? Tôi xin nhận. Tôi không muốn bỏ qua một chi tiết quan trọng nào.
Và xin thú thật là tôi liền quay ngược lại, đi theo đường tắt đến gần chỗ họ đứng, sau một mô đất hoàn toàn che khuất khiến họ không nhìn thấy tôi. Nếu ai bảo cách làm ấy là không hay, tôi xin cãi lại: với người y tá trực, không được giấu điều gì, mặc dù quyền quyết định là thuộc về bác sĩ mổ hoặc điều trị.
Bằng cách vòng vèo nào mà Poirot đã đề cập vấn đề mà ông quan tâm? Bí mật! Chỉ biết là khi tôi nghe được ông đang đi vào trúng mục đích.
– Hơn ai khác, tôi rất kính trọng ông Leidner về tình yêu tận tụy của ông với vợ – Poirot nói – Nhưng nhiều khi ta hiểu một người hơn, khi hỏi đối thủ của họ hơn là hỏi bạn bè.
– Vậy ông quan tâm đến những khuyết điểm của nạn nhân hơn là tính tốt? – Carey đáp lại, giọng gắt gỏng.
– Vâng… nếu liên quan đến một vụ giết người. Theo tôi nghĩ, bà ấy bị giết không phải vì quá đạo đức! Mặc dù theo ý tôi, đạo đức quá toàn bích đôi khi cũng làm người khác khó chịu!
– Tôi sợ là sẽ không nói được điều gì có ích cho ông – Carey nói – Thực thà ra, tôi và bà Leidner không có cảm tình đặc biệt với nhau. Không phải bạn, cũng chẳng phải kẻ thù. Có thể bà Leidner ghen với tôi vì tôi là bạn lâu năm của chồng bà. Dù rất chiêm ngưỡng sắc đẹp của bà, tôi vẫn không ưa vì bà ảnh hưởng không hay đến giáo sư. Kết quả: quan hệ giữa chúng tôi chỉ giữ ở mức độ phải phép, không hơn không kém.
– Một lời giải thích tuyệt vời – Poirot kêu.
Chỉ nhìn thấy chỏm đầu của hai người, nhưng tôi cũng biết ông Carey quay ngoắt lại như vừa bị nghe những lời chói tai.
Poirot nói tiếp.
– Sự lạnh lẽo giữa ông và bà vợ có làm cho ông chồng nghĩ gì?
Carey nghĩ một lúc rồi đáp:
– Tôi không biết. Bản thân ông Leidner chẳng bao giờ đả động, và tôi nghĩ ông mê mải với công việc, thì giờ đâu mà để ý.
– Tóm lại, ông không ưa bà Leidner.
Carey nhún vai:
– Có thể tôi đối xử thân ái hơn với bà ta, nếu bà không phải là vợ của Leidner.
Ông bật lên cười, có vẻ thích thú về câu nói ấy.
Poirot nói, giọng mơ màng xa xôi:
– Sáng nay tôi có hỏi cô Johnson, cô công nhận hơi có định kiến với bà Leidner và không đánh giá cao, nhưng cô lại vội đính chính là bà Leidner luôn tỏ sự thân ái với cô.
– Điều đó là đúng – Carey công nhận.
– Tôi đã tin lời cô ấy. Tiếp theo, tôi nói chuyện với bà Mereado. Bà này không ngớt lời ca ngợi và tỏ ra hết sức yêu mến bà Leidner.
Carey không đáp. Ngừng một lát, Poirot tiếp:
– Tôi không tin bà ta! Thế rồi, đến gặp ông… Ông nói… nhưng tôi cũng không tin.
Carey nhổm người lên. Có sự nhận dữ trong giọng nói:
– Tin hay không tin, là tùy ông. Tôi đã nói sự thật, ông chấp nhận hay bác bỏ thì can gì đến tôi?
Poirot vẫn giữ bình tĩnh, nói nhẹ nhàng hơn:
– Tôi tin… hay không tin, đâu phải lỗi tại tôi? Tôi có đôi tai thính. Có tiếng này tiếng nọ… lời đồn đại bàng bạc trên không. Tôi lắng nghe. Vâng, người ta nói lắm chuyện.
Carey chồm lên. Tôi nhìn rõ máu đang sôi trong đầu ông. Nhìn nghiêng, bộ mặt đẹp làm sao! Cái hàm bạnh, đầy nghị lực! Người ấy làm phụ nữ chết mê chết mệt, không có gì lạ.
– Những chuyện gì? – Carey hung hăng hỏi lại
– Chắc ông cũng biết… những chuyện về ông và bà Leidner.
– Sao thiên hạ độc mồm độc miệng vậy? Và ông tin những chuyện ngồi lê đôi mách ấy?
– Tôi chỉ nghe… hy vọng tìm ra sự thật – Poirot nghiêm nghị đáp.
Carey cười gằn:
– Nhưng nếu người ta nói sự thật, liệu ông có nhận ra không?
– Thì ông hãy thử đi – Poirot cứng cỏi đáp lại.
– Vậy thì tôi nói! Xin làm vừa lòng ông! Tôi căm ghét Louise Leidner… Đó là sự thật cho ông đấy! Tôi ghét bà ta đến tận đáy lòng!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.