VỤ ÁN MẠNG Ở VÙNG MESOPOTAMIE
CHƯƠNG 22 : DAVID EMMOTT, CHA LAVIGNY, MỘT PHÁT HIỆN
Qarey quay ngoắt đằng sau, đi nhanh. Poirot nhìn theo, lẩm bẩm:
– A! Phải, tôi hiểu…
Không quay đầu lại, ông nói to:
– Cô y tá, chờ một phút rồi hãy ra khỏi chỗ nấp. Ông ta có thể quay trở lại. Bây giờ, nguy hiểm đã qua. Cô tìm được khăn tay rồi chứ? Cảm ơn. Cô tốt quá
Ông không đả động việc tôi nấp sau mô đất, nhưng ông biết là tôi đã nghe. Ông làm thế nào nhỉ? Có lần nào ông quay nhìn về phía tôi đâu. Nhưng như thế cũng dễ chịu. Lương tâm tôi không phải ân hận, chứ nếu phải giải thích cách làm của tôi thì cũng lúng túng. Tôi biết ơn ông đã không nói gì.
– Ông có thực tin là ông ta ghét bà Leidner?- tôi hỏi.
Poirot thong thả gật đầu:
– Tin… Tôi tin.
Ông bất thần nhỏm dậy, trèo lên đỉnh mô đất nơi công nhân làm việc. Tôi đi theo. Thoạt đầu, chỉ toàn gặp phu Ả rập, sau mới tìm thấy ông Emmott đang cúi gập người xuống đất, phủi lớp bụi bám lên bộ xương mới đào được. Thấy chúng tôi, ông đón chào bằng nụ cười nghiêm trang:
– Ông và cô đi thăm công trường? Chờ một chút, tôi xin có ngay.
Ông đứng lên, lấy con dao cạo lớp đất còn bám vào xương cốt, thỉnh thoảng ngừng lại để thổi chút bụi mắc vào các kẽ. Tôi thấy phương pháp này thật mất vệ sinh.
– Ông Emmott ơi, làm thế ông hít vào bao nhiêu chướng khí đấy! – tôi nói.
– Tôi đã quen chướng khí rồi: vi trùng và hơi độc phải tránh xa người khảo cổ – ông đáp.
Ông còn lau tiếp một khúc xương đùi, rồi dặn dò người đốc công.
– Xong! – Ông đứng dậy, thở phào – Chiều nay Reiter có thể chụp quý bà này. Bà ta mang theo xuống mồ khối vật kỷ niệm đẹp.
Ông chỉ một cái liễn bằng đồng đã han gỉ, và những vụn đá màu xanh vốn là chuỗi hạt đeo cổ của người chết.
Xương cốt và những vật linh tinh sau khi rửa sạch, được bày tại chỗ để chờ chụp ảnh.
– Bà ta là ai? – Poirot hỏi.
– Thuộc thiên niên kỷ thứ nhất. Chắc là một bà quý tộc. Xương sọ bị méo một cách hơi lạ… có vẻ bà này chết vì bị đánh vào đầu. Tôi sẽ bảo ông Mercado xem qua.
– Một bà Leidner từ hai nghìn năm trước?
– Biết đâu?
Bill Coleman cầm cuốc cuốc vào một bức tường. David Emmott nói to với anh ta điều gì tôi không hiểu, rồi dẫn Poirot đi xem khu khai quật, vừa đi vừa giảng giải. Xem xong, Emmott đưa tay nhìn đồng hồ.
– Mười phút nữa chúng ta sẽ rời công trường. Ta về nhà chứ?
– Vâng – Poirot đáp.
Chúng tôi chầm chậm đi theo con đường nhỏ. Poirot nói:
– Chắc mọi người rất vui được trở lại làm việc?
– Ồ đó là cách tốt nhất. Ngồi nhà bàn tán mãi cũng chán.
– Nhất là khi nghĩ, một trong các người là hung thủ.
Emmott không phản ứng. Bây giờ tôi biết rằng, ngay từ đầu, sau khi hỏi han bọn gia nhân, ông đã thoáng nhìn ra sự thật.
Một lát sau, ông hỏi, giọng bình thản:
– Ông Poirot, cuộc điều tra của ông tiến hành đến đâu rồi?
– Ông có thể giúp tôi tiến thêm vài bước nữa được không?
– Ô, tôi không mong gì hơn!
Poirot nhìn thẳng người đối thoại, nói:
– Trung tâm của sự việc là bà Leidner. Tôi muốn tìm hiểu về bà ấy.
– Ông nói thế là nghĩa thế nào?
– Ngày sinh tháng đẻ, tên thời con gái là gì, mặt mũi ra sao, những thứ ấy tôi không quan tâm. Cái tôi cần biết nhất là tính cách, cá tính của bà.
– Ông cho là điều đó quan trọng đối với cuộc điều tra?
– Nhất định.
Emmott im lặng một lát, gật đầu:
– Có lẽ ông nói đúng.
– Và về vấn đề ấy ông có thể giúp chúng tôi. Chẳng hạn, ông cho biết bà ấy là người thế nào, loại đàn bà nào.
– Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi tôi như thế.
– Và cuối cùng ông đã hình thành sự đánh giá của mình?
– Phải, có thế!
– Vậy thì…?
Nhưng ông Emmott vẫn chưa nói. Lặng yên một lát, ông hỏi tôi:
– Thế cô Leatheran nghĩ thế nào? Phụ nữ dễ hiểu phụ nữ hơn. Hơn nữa, một nữ y tá thường có kinh nghiệm phong phú về tâm lý con người.
Poirot không để tôi kịp thưa một lời, ấy là giả dụ tôi muốn nói.
– Cái tôi muốn biết, là đàn ông nghĩ gì về bà ấy kia!’
Emmott hơi mỉm miệng cười:
– Họ nghĩ giống nhau… Bà Leidner không còn trẻ lắm, nhưng sắc đẹp của bà thật đặc biệt.
– Ông trả lời như thế không phải là trả lời – Poirot nói.
– Dù sao, cũng gần như một câu trả lời.
Ngừng một lát, ông lại tiếp:
– Tôi nhớ hồi nhỏ, có đọc một chuyện cổ tích – Bà chúa tuyết. Bà Leidner gợi tôi nhớ Bà chúa Tuyết, luôn luôn có chú bé Key đi theo.
– A! Chuyện của Andersen phải không? Có cả một bé gái là bé Gerda, nếu tôi nhớ không nhầm?
– Có thể. Tôi không nhớ kỹ đến thế.
– Ông có thể nói thêm nữa không, ông Emmott?
David Emmott lắc đầu:
– Tôi không chắc mình đánh giá đúng bà. Đó là một người đàn bà bí ẩn, hôm nay có thể hèn hạ, hôm sau lại hào phóng, bao dung. Tôi giống như ông, cũng coi bà là hạt nhân của vấn đề. Mọi cố gắng của bà đều hướng theo một mục đích: trở thành trung tâm của vũ trụ. Bà muốn mọi người phải châu tuần quanh bà, không phải chỉ đưa bà thức ăn hay thức uống, mà phải dâng cả trí tuệ và trái tim cho bà.
– Và nếu ai từ chối không chịu chiều theo những thói đỏng đảnh ấy? – Poirot hỏi.
– Thế thì bà lập tức ra tay!
Emmott cắn môi và nghiến răng.
– Ông Emmott, ông có thể cho biết, cho riêng tôi thôi, ai là kẻ đã giết, theo ý ông?
– Tôi không biết. Tôi không mảy may có ý kiến gì. Nếu tôi là Carl… Carl Reiter, tôi đã thủ tiêu bà từ lâu. Bà đã làm cho Carl khốn khổ! Nhưng, nói riêng với ông thôi nhé, hắn bị thế cũng đáng. Ai đời nhu nhược đến mức chìa lưng ra cho nguời đá đít.
– Bà Leidner đã… đá đít anh ta?
Emmott cười khẩy:
– Không! Chỉ là lấy kim thêu châm chọc một chút thôi… Đó là cách bà ta làm.
Tôi liếc nhìn Poirot, thấy môi ông hơi rung rung. Ông hỏi:
– Ông có nghi là Carl Reiter đã giết bà Leidner?
– Không, ai lại giết một người đàn bà chỉ vì người ấy hay đem mình ra làm trò cười.
Poirot gật gật đầu, suy nghĩ.
Theo ông Emmott, bà Leidner không còn gì là một con người. Cần phải nghe một tiếng chuông khác. Tôi định có dịp, sẽ nói với ông Poirot về điều này.
Về tới nhà, Emmott đưa Poirot về phòng mình, để nhân thể rửa mặt mũi chân tay. Còn tôi cũng vội vã về phòng riêng.
Tôi đi ra hầu như cùng lúc với hai người, và cả ba sang phòng ăn, thì cha Lavigny mở cửa phòng mình, mời ông Poirot vào.
Ông Emmott và tôi vào phòng ăn. Ở đấy đã có cô Johnson và bà Mercado, và vài phút sau, ông Mercado, ông Reiter và Bill Coleman cũng tới.
Chúng tôi vừa ngồi xuống, và ông Mercado sai tên bồi đi báo cho cha Lavigny là bữa ăn đã dọn, thì một tiếng kêu khẽ làm tất cả giật mình. Thần kinh vốn sẵn căng thẳng, tất cả chúng tôi đứng chồm dậy, và cô Johnson, mặt xanh như tàu lá kêu lên:
– Lại cái gì nữa đây?
Bà Mercado đăm đăm nhìn cô, nói:
– Cô Johnson, cô làm sao thế? Chỉ là tiếng động ngoài đồng.
Đúng lúc đó. Poirot và cha Lavigny bước vào.
Cô Johnson nói:
– Tôi cứ tưởng lại có ai bị thương.
– Ngàn lần xin lỗi. Chính là tôi đó. Cha Lavigny đang giải thích cho tôi những chữ khắc trong văn bản cổ. Tôi cầm một bản ra gần cửa sổ để xem cho rõ thì bị trẹo chân. Lúc đó đau quá nên tôi kêu.
– Cứ tưởng lại một vụ án mạng thứ hai! – bà Mercado nói.
– Marie! – ông Mercado gắt vợ.
Trước lời nhắc nhở ấy, bà Mercado cắn môi, đỏ mặt.
Cô Johnson liền lái câu chuyện sang việc khai quật, nói về những cổ vật quí mới đào được buổi sáng. Từ lúc ấy, suốt bữa ăn, mọi người toàn nói chuyện khảo cổ. Dù sao, đó là đề tài dễ nói hơn cả.
Sau tách cà phê, chúng tôi chuyển sang phòng chung. Đàn ông, trừ cha Lavigny, lại đi ra công trường.
Cha Lavigny đưa Poirot sang phòng cổ vật, tôi cũng sang theo. Tôi đã bắt đầu quen thuộc với những đồ vật đủ loại có giá trị này, và cảm thấy một chút tự hào – cứ như đó là vật sở hữu của riêng mình – khi cha Lavigny lấy một cái liễn vàng trên giá, và Poirot thì suýt soa:
– Trời, đẹp quá! Đúng là một công trình nghệ thuật!
Cha Lavigny càng đế thêm vào, phân tích chi tiết mọi vẻ đẹp của cái liễn một cách hào hứng. Tôi bỗng nhận xét:
– Ồ, hôm nay, không thấy có sáp phủ bên trên.
– Sáp ư? – Poirot nhìn vào mắt tôi, hỏi.
– Sáp? – Cha Lavigny lặp lại.
Tôi cắt nghĩa, và cha Lavigny ồ lên:
– À tôi hiểu, đó là một vết nến.
Điều đó đưa chúng tôi trở lại chuyện có người lạ vào đây ban đêm. Coi như không có tôi, hai người nói với nhau bằng tiếng Pháp. Tôi để họ ở lại, trở về phòng chung.
Bà Mercado đang vá bít tất cho chồng và cô Johnson đang đọc sách, điều ít khi thấy, vì lúc nào cô cũng bận việc.
Một lát sau, cha Lavigny và Poirot đi ra. Cha Lavigny xin phép đi có việc, còn Poirot vào với chúng tôi.
– Một con người rất hay – ông nói.
Rồi ông hỏi cha Lavigny có nhiều việc ở đây không.
Cô Johnson giải thích: đến nay, số thư tịch cổ, đá khắc chữ, và ấn tín… tìm được rất ít. Tuy nhiên, cha Lavigny làm tròn trách nhiệm của mình và có nhiều tiến bộ, chịu khó học tiếng Ả rập.
Cô đứng lên lấy trong tủ ra cho chúng tôi xem một tờ giấy to đầy những dấu ấn tròn in ra để lưu trữ. Chúng tôi cúi xuống ngắm nghía kết quả công việc sao chép công phu ấy, và tôi đoán chiều hôm xẩy ra án mạng, hẳn cô cũng đang lúi húi với việc này.
Trong lúc chuyện trò, tôi nhận thấy Poirot lăn đi lăn lại và nhào nặn trong tay một khối chất dẻo dùng để in dấu ấn. Ông hỏi:
– Cô có phải dùng đến nhiều chất dẻo này không?
– Cũng khá. Năm nay, có vẻ tốn khá nhiều chất dẻo này, nhưng tôi không rõ còn dùng vào những việc gì. Nói chung, một phần nửa dự trữ của chúng tôi đã hết.
– Nửa còn lại để ở đâu?
– Ở đây trong tủ này.
Cô đặt lại tờ giấy in vào tủ, nhân thể chỉ vào ngăn đựng những thỏi chất dẻo và một số vật liệu chuyên môn khác.
Poirot cúi xuống:
– Thế còn cái này?
Ông đã khoắng tay xuống đáy ngăn, lấy lên một vật hình thù kỳ dị. Đó là một kiểu mặt nạ mà mắt và mũi được vẽ sơ sài bằng mực tàu, tất cả được tráng bằng một màng chất dẻo.
Cô Johnson kêu lên:
– Ồ, quái lạ! Lần đầu tôi trông thấy thứ này. Tại sao có cái mặt nạ này? Nó có ý nghĩa gì?
– Tại sao nó ở đây ư? Đây là một chỗ cất giấu tốt, vì chắc không ai dọn dẹp cái ngăn này trước khi hết mùa khai quật. Còn nó là cái gì ư. Là cái mặt nạ mà bà Leidner đã tả. Bộ mặt ma quái lơ lửng… thấp thoáng sau cửa sổ của bà trong đêm tối.
Bà Mercado khẽ kêu một tiếng.
Cô Johnson, mặt xanh mét, hổn hển:
– Như vậy, những chuyện bà Leidner kể không phải là ảo giác, tưởng tượng, mà là có thật. Ai làm cái trò đùa quái ác này?
– Phải – bà Mercado phụ họa – ai là tác giả?
Không tìm cách giải đáp các câu hỏi ấy, Poirot đăm chiêu đi sang phòng bên, lấy về một hộp các tông rỗng rồi đặt chiếc mặt nạ vào đó, nói:
– Tôi sẽ đưa cho cảnh sát.
– Thật kinh khủng – cô Johnson vẫn không ngớt lẩm bẩm – Kinh khủng!
– Còn cái gì giấu trong ngăn nữa không? – bà Mercado rít lên – Biết đâu hung khí tên sát nhân sử dụng… cái vồ dính máu… cũng còn trong đó? Eo ôi, tôi hãi quá.
Cô Johnson ôm vai bà:
– Bà hãy bình tĩnh. Ông Leidner đến đây này. Đừng làm ông thêm não lòng.
Thật vậy, xe đã về. Giáo sư bước xuống, qua sân rồi bước vào phòng chung. Trông ông mệt mỏi, già xọm hẳn so với ba hôm trước. Ông báo tin:
– Mười một giờ sáng mai sẽ cử hành tang lễ. Cô cũng dự chứ, cô Johnson?
– Có chứ ạ. Tất cả mọi người đều dự.
Cô không nói gì thêm. Tuy nhiên ánh mắt cô để lộ những tình cảm lẽ ra không nên có, và giáo sư bỗng tỏ ra đầy vui vẻ và thương mến. Ông nói:
– Cô tốt lắm, trong đau buồn, cô đã an ủi, giúp đỡ tôi rất nhiều!
Ông đặt tay lên vai cô Johnson, và tôi thấy mặt ông hơi đỏ, còn cô Johnson trả lời nhỏ nhẹ:
– Ồ, đó là tất nhiên thôi, thưa giáo sư.
Khuôn mặt cô sáng lên, và tôi hiểu, trong khoảnh khắc ngắn ngủi này, cô Johnson đang say vì hạnh phúc.
Một ý khác thoáng qua óc tôi. Có thể chẳng bao lâu nữa, theo sự sắp xếp hợp lý của tự nhiên, giáo sư Leidner sẽ tìm sự khuây khỏa bên cạnh người bạn gái cũ, và mọi việc sẽ kết thúc tốt đẹp.
Các bạn đừng cho tôi là kẻ hay gán ghép. Tính đến chuyện kết hợp hai con người ấy với nhau vào trước hôm đưa tang bà Leidner thì thật không đúng lúc. Dù sao, giải pháp ấy sẽ là hợp lẽ về mọi mặt. Ông vốn rất mến cô Johnson, và cô luôn tận tụy với ông đến hết đời.
Giáo sư chào Poirot và hỏi cuộc điều tra đã tới đâu.
Cô Johnson đứng phía sau giáo sư, lắc đầu lia lịa, nhìn vào cái hộp Poipot cầm trên tay, như vẻ ra hiệu cho nhà thám tử đừng đả động đến chiếc mặt nạ trước mặt giáo sư. Chắc là cô cho giáo sư đã quá đau buồn rồi, không nên khoét sâu nữa.
Poirot chiều theo ý đó.
– Thưa giáo sư, còn cần nhiều thời gian.
Sau vài câu xã giao, Poirot cáo từ. Tôi tiễn ông ra xe, rất muốn hỏi ông nhiều điều, nhưng thấy cách ông nhìn tôi, tôi lại thôi. Bỗng tôi ngạc nhiên khi nghe ông nói:
– Cô phải giữ mình cẩn thận, cô y tá ạ.
Rồi ông tiếp ngay:
– Tôi đang nghĩ không biết có nên để cô ở lại đây hay không.
– Trước khi xin thôi việc, tôi phải nói chuyện với giáo sư Leidner đã. Và tôi định chờ sau lễ tang sẽ nói.
Ông gật đầu đồng tình:
– Trong khi chờ đợi, cô chớ nên xục xạo vào vấn đề. Chớ tỏ ra là mình quá sắc sảo.
Và ông cười, nói thêm:
– Cứ để tôi mổ, cô chỉ việc băng bó.
Tôi giật mình: cái ông này, sao cứ như đi guốc trong bụng người ta!
Ông đột ngột chuyển sang đề tài khác:
– Cha Lavigny, một con người kỳ quặc!
– Thầy tu mà làm việc khảo cổ, tôi cũng thấy lạ! – tôi nói.
– À, phải, tôi quên: cô theo đạo Tin lành. Tôi theo công giáo, tôi biết rõ các thầy tu và giáo sĩ.
Ông cau mày, do dự một lát, rồi nói:
– Ông ta khôn lắm, ta không khéo thì hớ với ông ta đấy.
Nếu là ông định bảo tôi chớ bép xép, thì lời khuyên đó là thừa.
Sau khi nói lời từ biệt, ông lên xe đi. Tôi quay vào nhà, vừa đi vừa ngẫm nghĩ những việc xẩy ra trong ngày. Nhớ những vết kim tiêm trên cánh tay ông Mercado, nhưng không rõ ông dùng chất ma túy nào. Nhớ chiếc mặt nạ ma quái phết chất dẻo. Và tại sao Poirot và cô Johnson không nghe thấy tiếng kêu của tôi trong phòng chung; trong khi ở phòng ăn, chúng tôi lại nghe tiếng kêu của thám tử? Mà phòng của cha Lavigny và phòng của bà Leidner đều cách phòng chung một khoảng bằng nhau.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.