VỤ ÁN MẠNG Ở VÙNG MESOPOTAMIE

CHƯƠNG 4 : TỚI HASSANIEH



Ba hôm sau, tôi rời Baghdad, rất tiếc phải chia tay cùng bà Kelsey và cháu bé. Thiếu tá Kelsey tiễn tôi ra ga. Sáng hôm sau tầu sẽ tới Kirkouk, ở đó sẽ có người đón tôi.
Tôi không bao giờ ngủ được trên tầu, đêm đó tôi chỉ chập chờn với bao ác mộng.
Tuy nhiên, sáng sớm hôm sau, nhìn qua cửa sổ toa tầu, thấy trời đẹp, tôi lại thấy trong người niềm háo hức sắp bước vào một môi trường mới.
Tôi đứng trên sân ga, rụt rè nhìn quan, và thấy một người tiến lại. Bộ mặt tròn múp míp, trông ông ta cứ như một nhân vật trong tiểu thuyết của P.G. Wodehouse.
– Chào cô! Có phải là cô Leatheran mà tôi được hân hạnh…? A! phải rồi. Ha! Ha! Tôi là Coleman. Giáo sư Leidner nhờ tôi đi đón. Cô đi đường mạnh khỏe chứ? Ôi, đi tầu thế này thì mệt nhọc rồi. Dù sao cũng đã tới. Cô ăn gì chưa? Hành lý cô đây à? Ôi, có thế này thôi ư? Không như bà Leidner, đi đâu thì phải một hòm và bốn vali, chưa kể hộp mũ và cái gối đặc biệt mang theo mình. Tôi nói nhiều quá có phải không? Thôi, ta ra xe.
Bên ngoài, một chiếc xe đang đợi. Người ta gọi nó là “xe của nhà ga”, chẳng ra xe khách, cũng chẳng là xe tải. Ông Coleman giúp tôi trèo lên, dặn ngồi cạnh lái xe cho đỡ xóc.
Đỡ xóc! Đến giờ tôi còn lấy làm lạ là sao xe không vỡ ra từng mảnh ở dọc đường, đầy ổ gà và rãnh sâu. Ôi! Phương Đông hằng mơ ước. Tôi bâng khuâng nhớ đến những quốc lộ phẳng lỳ ở nước Anh. Coleman ngả người về phía trước, hét vào tai tôi: “Đường không xấu lắm, phải không?” đúng lúc chúng tôi bị hất lên cao, suýt đụng đầu vào nóc xe. Vậy mà anh ta vẫn nói một cách nghiêm chỉnh nhất đời!
– Xóc như thế này làm cho gan thêm khỏe. Chắc cô biết thế?
– Vỡ đầu rồi thì còn cần gì gan? – tôi bực mình đáp.
– Nếu trời mưa, cô còn thấy nhiều hơn nữa.
Tôi không buồn trả lời.
Lát sau, chúng tôi phải qua sông trên một chiếc phà thô sơ đến cực kỳ. Thật lạ là cuối cùng cũng sang được bờ bên kia, và mọi người cho đó là chuyện tự nhiên.
Phải bốn giờ nữa chúng tôi mới tới Hassanieh. Ngạc nhiên làm sao, đó là một thành phố lớn, cảnh tượng rất đẹp. Từ chỗ chúng tôi nhìn thấy từ bên kia sông, nó hiện lên trắng toát, với vô số những ngọn tháp. Tuy nhiên khi qua cầu để vào thành phố, chúng tôi hơi vỡ mộng. Đâu đâu cũng là những ngôi nhà ọp ẹp, mùi hôi thối xông lên, toàn bùn và rác bẩn.
Coleman đưa tôi đến nhà bác sĩ Reilly. Anh ta nói bác sĩ đang đợi để cùng ăn trưa.
Bác sĩ niềm nở tiếp chúng tôi trong căn nhà sạch bong. Tôi tắm xong, bận trang phục y tá vào rồi xuống nhà, hoàn toàn hết mỏi mệt.
Bữa trưa đã dọn, bác sĩ mời chúng tôi sang phòng ăn, và xin lỗi vì cô con gái vẫn xuống muộn như thường lệ.
Chúng tôi ăn được một lát thì cô xuất hiện. Bác sĩ giới thiệu:
– Đây là cô Amy Leatheran. Còn đây là Shela, con gái tôi.
Cô bắt tay tôi, hỏi thăm chuyện đi đường, quẳng mũ lên ghế, lạnh lùng chào Coleman, rồi ngồi vào bàn.
– Thế nào, Bill? Tốt chứ?
Trong lúc Coleman trả lời, nói tin tức về những bạn bè của cả hai, tôi quan sát cô gái. Thú thật tôi tấy không có cảm tình lắm. Cô ta khá xinh, nhưng có cái vẻ khinh khỉnh, ăn nói thì bạt mạng. Tóc đen, mắt xanh, môi tô son đậm. Ở bệnh viện, tôi có một nhân viên giống cô ta: khả năng chuyên môn thì tốt, nhưng tác phong thì không thể mê.
Tôi đoán Coleman có vẻ say mê Sheila. Anh ta ấp a ấp úng, nói chuyện chẳng ra đâu vào đâu. Trông anh ta như con chó ngao vẫy đuôi để nịnh chủ.
Sau bữa ăn, bác sĩ Reilly cáo biệt để đến bệnh viện. Coleman ra phố mua bán. Sheila hỏi tôi muốn ở nhà hay đi ra ngoài. Một giờ nữa Coleman mới đến đón tôi đi.
– Có gì đáng xem ngoài phố? – tôi hỏi.
– Một vài chỗ hay hay, nhưng không biết cô có thích không, vì nơi nào cũng bẩn.
Cuối cùng, cô đưa tôi đến câu lạc bộ của cô, ở đó sạch sẽ, nhìn ra cảnh đẹp, lại có báo chí từ Anh mới sang.
Chúng tôi về nhà thì Coleman vẫn chưa về. Trong khi chờ đợi, chúng tôi ngồi nói chuyện, song không khí giữa hai người không thỏa mái. Sheila hỏi tôi đã gặp bà Leidner chưa?
– Chưa, tôi chỉ mới gặp ông chồng – tôi đáp.
– Khi gặp, tôi rất tò mò muốn biết ý kiến cô ra sao.
Tôi im lặng. Cô nói tiếp:
– Tôi rất mến giáo sư Leidner. Ai cũng quý ông ấy.
Tôi nghĩ thầm trong bụng: nói cách khác, cô ghét bà vợ. Tôi thấy mình cứ im là hơn. Sheila lại hối hả hỏi:
– Bà ta bị cái gì nhỉ? Ông Leidner nói gì với cô không?
Chả lẽ lại nói xấu một người bệnh mình chưa giáp mặt, nên tôi trả lời chung chung:
– Hình như bà ấy bị suy nhược, nên cần có người chăm sóc.
Sheila bật lên tiếng cười hiểm ác:
– Trời đất quỷ thần ơi! Bà không có tới chín người chăm sóc rồi sao?
– Người nào có việc của người ấy!
– Có việc? Đành thế, nhưng bao giờ việc của bà Louise chả là quan trọng nhất… và bà ấy biết cách làm ra quan trọng.
Tôi lại nhủ thầm: “Đúng rồi, mày không ưa bà ta rồi”.
Sheila Reilly lại tiếp tục nói:
– Không hiểu sao bà ta lại cần một y tá chuyên nghiệp. Theo tôi, giá có một bà nào làm bầu bạn thì tốt hơn y tá chỉ có việc cặp nhiệt độ, bắt mạch để rồi kết luận là chẳng có bệnh tật gì.
Lần này, thì cô ta đã gợi trí tò mò của tôi:
– Vậy cô cho là bà không ốm đau?
– Không! Chẳng bệnh tật gì hết. Bà ta khỏe như bò. Chỉ rên la là giỏi. “Đêm qua không ngủ được”, “Ôi, mắt quầng thâm rồi”. Quầng thâm gì đâu, bà ấy bôi chì lên mắt! Tất cả cốt để mọi người chú ý, chạy nháo lên vì lo lắng.
Điều Sheila nói có phần dựa vào sự thật. Là y tá, tôi từng biết những người bệnh suốt ngày kêu ca, thích làm cho mọi người xung quanh phải chăm sóc, thương hại mình. Chợt có bác sĩ hay y tá nào nói: “Không có gì đâu, bà không đau gì hết”, họ không tin và phản ứng kịch liệt.
Bà Leidner hẳn thuộc loại bệnh tưởng này và ông chồng tất nhiên là người đầu tiên bị lừa. Tôi có nhận xét là các ông chồng nói chung đều rất cả tin, một khi liên quan đến sức khỏe của vợ. Tuy nhiên, lời lẽ của Sheila chưa thật ăn khớp với từ “an toàn” mà giáo sư Leidner nói, từ ấy vẫn lởn vởn trong óc tôi.
Tôi hỏi:
– Bà Leidner có phải là người nhút nhát, sợ hãi phải sống ở nơi xa lạ?
– Bà ấy sợ cái gì cơ chứ? Trong nhà có tới mười người thay phiên nhau canh gác để bảo vệ cổ vật. Ồ, không! Bà ta không nhút nhát…
Bỗng Sheila như chợt nẩy ra ý gì, ngừng bặt một lúc rồi mới nói:
– Câu hỏi vừa rồi làm tôi chợt nhớ…
– Nhớ cái gì?
– Thiếu úy phi công Jervis và tôi có đến đấy sáng hôm nọ. Mọi người đều đã ra làm việc ngoài hiện trường. Bà Leidner ngồi ở bàn, đang viết thư. Hẳn bà không nghe thấy chúng tôi đến, mà tên hầu thường dẫn khách lại đi đâu vắng, nên chúng tôi bước thẳng vào hiên. Bà ta nhìn thấy bóng thiếu úy Jarvis chiếu lên tường… thế là hét lên. Sau bà ấy xin lỗi mãi, nói tưởng có người lạ đột nhập. Kỳ quặc, có phải không? Là tôi muốn nói, dù là người lạ chăng nữa, việc gì phải hốt hoảng như vậy?
Tôi gật đầu đồng tình.
Sheila ngừng vài giây, rồi lại thao thao:
– Tôi không hiểu năm nay tại sao tất cả cứ như bị ma ám. Họ đều sợ sệt. Cô Johnson vẻ mặt cau có, không nói không rằng; David thì chỉ nói khi không thể đừng. Còn Bill Coleman, chàng này luôn miệng, trái ngược với người khác câm như hến. Carey thì cứ dè dặt như lúc nào cũng có bẫy rình rập. Và tất cả dò xét nhau cứ như… cứ như… tôi không biết nói thế nào, nhưng thật là kỳ cục.
Dù sao, có điều lạ là hai người khác nhau hoàn toàn như cô Sheila và thiếu tá Pennyman cùng có một cảm giác giống nhau.
Đúng lúc ấy, Bill Coleman chạy xổ vào.
– À! Tôi về đây rồi. Tôi đã hoàn thành mọi nhiệm vụ, có ai làm tốt hơn tôi, xin cứ cho biết! Cô Sheila đã dẫn cô Leatheran đi xem thành phố chưa?
– Rồi, nhưng cô ấy chẳng thích mấy – Sheila đáp.
– Không lấy làm lạ – Coleman cười – Chỗ nào cũng là di tích đổ nát.
– A! Ra anh không thích những công trình của thời cổ đại? Vậy tại sao anh lại ôm lấy cái nghề khảo cổ này?
– Đó là tại ông thày đỡ đầu của tôi. Ông ấy là bác học, là con mọt sách, cả ngày ru rú trong phòng đọc. Ông ấy không chịu được một trò như loại tôi!
– Để bị áp đặt cho mình một nghề mình không thích, thật dại dột – Sheila Reilly trách.
– Lầm rồi! Tôi không bị áp đặt. Ông thầy hỏi tôi thích nghề gì, tôi đáp không thích gì, thế là ông ta thu xếp cho tôi đến làm việc một mùa ở đây.
– Anh thực sự không biết mình muốn gì trên đời? Phải có mục đích chứ.
– Ồ! Tôi có mục đích này: bỏ hết mọi công việc, có nhiều tiền và đua xe ô tô.
– Vớ vẩn! – Sheila bực tức thốt lên.
– Tôi biết tham vọng của tôi là vô lý – Coleman vẫn cười – Nhưng nếu tôi buộc phải làm việc gì, bất cứ việc gì, thì miễn cho tôi phải suốt ngày ngồi trong buồng giấy. Với lại tôi thích du lịch các nơi. Tôi nói với ông thày: “Thôi được, tôi nhận”. Thế là tôi đến đây.
– Và chắc anh chỉ làm những việc vặt trong đoàn.
– Ấy, điều này thì cô lầm to. Không có ai lạy thánh Ala to hơn tôi mỗi lần người ta đào được vật gì. Hơn nữa, tôi không xoàng về vẽ. Ở trường, tôi chuyên bắt chước chữ mọi người. Lẽ ra tôi phải trở thành chuyên viên giả mạo cao cấp. Với lại, ai biết đâu về đường hậu vận. Ngày nào cô đứng chờ xe buýt mà thấy tôi lái xe Rolls-Royce phóng qua, ngày ấy cô sẽ biết là tôi đã thăng tiến trong nghề nghiệp.
Sheila nói lạnh nhạt:
– Anh nên thu xếp lên đường đi, nói linh tinh mãi.
– Được thôi! Ra ở đây hiếu khách như thế đấy, có phải không, cô Leatheran?
– Tôi chắc cô Leatheran đang mong mau tới nơi.
– Cô thì cái gì cũng chắc.
Đúng là như vậy. Cô gái này nói cái gì cũng chắc nịch.
– Anh Coleman, có lẽ ta nên đi thôi – tôi nói.
– Vâng, tôi đã sẵn sàng.
Tôi bắt tay Sheila, cảm ơn cô, rồi cùng Coleman lên đường.
– Con gái bác sĩ Reilly xinh đấy chứ, cô nhỉ. Phải cái hay trên chọc mọi người.
Ô tô đi qua thành phố rồi theo một con đường nhỏ giữa cánh đồng rau, đầy rãnh sâu, xóc nẩy người. Sau nửa tiếng, Coleman đưa tay chỉ một mô đất gần bờ sông, nói:
– Kia là Tell Yarimiah.
Tôi nhìn theo, thấy có những chấm đen chạy đi chạy lại như đàn kiến. Bỗng tất cả đều chạy xuống dốc. Coleman nói:
– Hết ca làm việc! Một giờ trước khi mặt trời lặn, là mọi việc đều ngừng.
Nhà ở cách xa sông một quãng. Xe ngoặt hình thước thợ, đi qua một cổng vòm hẹp: chúng tôi tới nơi.
Những tòa nhà vây quanh một sân rộng hình chữ nhật. Thoạt đầu, nhà chỉ có ở cạnh phía nam của sân, thêm mấy nhà phụ phía Đông. Đoàn khai quật tiếp tục xây thêm cả bốn phía. Trong quá trình kể chuyện, cách bố trí các phòng là rất quan trọng, do đó tôi thấy cần vẽ sơ đồ khu nhà của đoàn ở.
Tất cả các phòng đều có cửa và cửa sổ mở ra sân, trừ những phòng của tòa nhà phía Nam, những phòng này cũng có cửa sổ nhưng lại mở ra phía ngoài, nhìn ra cánh đồng, và đều có chấn song sắt. Ở góc Tây Nam, có một cầu thang để trèo lên sân thượng dài có lan can chạy suốt phần phía Nam.
Coleman dẫn tôi đi dọc cạnh sân phía Đông tới một cửa lớn ở chính giữa phần phía Nam tòa nhà. Anh ta đẩy cửa phía bên phải và chúng tôi vào một căn phòng ở đó nhiều người ngồi quanh một cái bàn.
– Chào cả nhà! Xin giới thiệu: Nàng Sarah Camp(1).
Người phụ nữ ngồi đầu bàn đứng dậy, đi về phía tôi.
Lần đầu tiên, tôi giáp mặt Louise Leidner.

Chú thích
(1) Sarah Camp: tên một nữ y tá, nhân vật trong tiểu thuyết của Charles Dickens.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.