Sau khi Mã Tông và Triệu Thái đi khỏi, Địch công nói tiếp với lão Hồng và Tào Can:
– Trong khi hai anh bạn của chúng ta tới Tràng Bình chúng ta cũng không thể nhàn rỗi. Trưa nay trong lúc dùng cơm ta đã để toàn bộ thời gian đó suy nghĩ về Lưu Phi Bộ và Hán Dương Hoàng, hai kẻ tình nghi chính của chúng ta về cái chết của cô kỹ nữ. Ta có thể nói với hai ngươi là ta sẽ không ngồi yên tại đây chờ đợi hành động tiếp theo của hai người đó! Ta quyết định sẽ bắt giữ Lưu Phi Bộ ngay ngày hôm nay!
– Chúng ta không thể làm điều đó, thưa đại nhân! – lão Hồng kinh ngạc kêu lên – Chúng ta chỉ mới tình nghi thôi, làm thế nào mà chúng ta có thể…
– Ta chắc chắn sẽ bắt giữ Lưu và ta có trách nhiệm làm điều đó – quan án ngắt lời – Lưu đã có một lời buộc tội nghiêm trọng với giáo sư Đặng tại tòa án và cáo buộc này đến nay đã được chứng minh là sai. Ta thừa nhận rằng không ai có thể đỗ lỗi cho ta nếu để cho vấn đề chìm vào quên lãng, đặc biệt là Lưu làm điều đó vì nỗi đau mất con và giáo sư không đưa ra lời buộc tội ông ta vì tội vu khống.Tuy nhiên pháp luật có quy định là nếu buộc tội sai thì người buộc tội sẽ mang tội vu khống. Luật pháp đã giúp chúng ta trong trường hợp này, và trong trường hợp này thì ta sẽ vận dụng những điều ghi trong pháp luật để giải quyết vấn đề.
Lão Hồng có vẻ lo lắng nhưng Địch công đã lấy bút ra và viết một lệnh bắt giữ Lưu Phi Bộ. Sau đó, ông viết tiếp một tờ thứ hai và nói trong khi viết:
– Đồng thời ta cũng ra lệnh bắt giữ Quan Duy Phong vì đã cho lời khai giả tại tòa án liên quan đến con gái ông ta và giáo sư Đặng. Hai người hãy đi ngay bây giờ cùng với bốn bộ đầu đến nhà của Lưu Phi Bộ và bắt giữ ông ta. Trên đường ra, Hồng, nói với đội trưởng bộ đầu cho hai người của ông ta đến bắt giữ Quan Duy Phong. Hãy cho hai tù nhân vào kiệu kín và mang về đây nhốt vào hai phòng giam riêng biệt cách xa nhau để họ không thể thông cung! Ta sẽ thẩm vấn cả hai vào phiên tòa chiều nay và ta nghĩ rằng chúng ta sẽ biết được một vài điều gì đó!
Lão Hồng có vẻ nghi ngờ nhưng Tào Can vừa cười vừa nhận xét:
– Nó giống như cờ bạc: nếu bạn có một con xúc xắc tốt thì khi ném ra bạn sẽ có một kết quả tốt đẹp.
Khi lão Hồng và Tào Can đã đi khỏi, Địch công lấy từ ngăn kéo ra tờ giấy có hình bàn cờ vây. Ông không chắc chắn quyết định vừa rồi của ông được hai thuộc hạ của mình tin tưởng. Tuy nhiên, ông cảm thấy mình đã bắt đầu chủ động tấn công. Và hai vụ bắt giữ vừa rồi là cách duy nhất để ông có thể đạt được mục tiêu đó. Ông quay lại chiếc ghế của mình và lấy ra một bàn cờ vây từ chiếc tủ phía sau. Ông sắp xếp những quân cờ màu đen và trắng lên bàn cờ theo như hình vẽ. Ông tin chắc bàn cờ này chính là chìa khóa của câu chuyện mà người vũ công đã chết phát hiện ra. Nó đã có từ bảy mươi năm trước đây và những cao thủ cờ vây đã cố gắng trong vô vọng để phá giải nó. Hạnh Hoa không phải là một người chơi cờ nhưng đã chọn nó thì chắc không phải là về cờ mà nó có một ý nghĩa khác. Nó có thể là điều gì? Nhíu chặt lông mày, ông bắt đầu sắp xếp các quân cờ và cố gắng tìm lời nhắn ẩn giấu phía sau.
Trong lúc đó lão Hồng đã đưa ra các hướng dẫn về việc bắt giữ Quan Duy Phong cho đội trưởng bộ đầu và cùng với Tào Can đi đến nhà của Lưu Phi Bộ. Bốn bộ đầu theo họ ở một khoảng cách kín đáo cùng với một chiếc kiệu khép kín.
Lão Hồng gõ vào cánh cửa bằng sơn mài màu đỏ to lớn. Khi cánh cửa nhỏ trên cổng mở ra lão Hồng tiến lên và nói:
– Thẩm phán ra lệnh cho chúng tôi gặp ngài Lưu Phi Bộ!
Người gác cổng mở cửa và dẫn hai người đến phòng chờ nhỏ. Ngay sau đó một ông già xuất hiện và tự giới thiệu là quản gia của Lưu Phi Bộ.
– Tôi muốn nói – ông ta nói – việc gặp gỡ có thể không được vì ông chủ của tôi đang ngủ trưa một mình ở trong vườn. Ông ta không muốn bị quấy rầy.
– Chúng tôi được lệnh phải gặp được ông Lưu bằng bất cứ giá nào – lão Hồng nói – Ông tốt hơn là đi đánh thức ông ta nhanh lên!
– Không thể được! – người quản gia kêu lên với vẻ sợ hãi – tôi sẽ bị đuổi việc mất!
– Chỉ cần chỉ chỗ ông ta cho chúng tôi – Tào Can nói khô khốc – sau đó chúng tôi sẽ tự mình đánh thức ông ta. Anh bạn dẫn đường đi! Đừng cản trở chúng tôi thực hiện nhiệm vụ!
Người quản gia quay lại, chòm râu màu xám của ông ta rung rung đầy giận dữ. Ông đi qua một khoảng sân rộng rãi lót gạch màu, phía sau là lão Hồng và Tào Can. Họ đi qua bốn hành lang quanh co để đến một khu vườn có tường cao bao bọc xung quanh. Những chiếc bình sứ lớn trồng các loại hoa quý hiếm đặt trên chiếc sân lót đá cẩm thạch rộng rãi, một khu vườn xinh đẹp với một hồ sen ở chính giữa. Đi vòng quanh hồ, người quản gia đưa họ đến một hòn non bộ ở mặt sau của khu vườn. Hòn non bộ được tạo nên bởi những tảng đá có hình dạng thú vị. Bên cạnh hòn non bộ là một cây thông, một khung tre có cây thường xuân dày quấn quanh. Chỉ vào cây thông, người quản gia nói gắt gỏng:
– Ông sẽ tìm thấy chủ nhân của tôi trong đó. Tôi sẽ chờ ở đây.
Lão Hồng vạch lá cây ra và tiến vào. Phía trong mát mẻ chỉ có một cái ghế dựa bằng mây và một bàn trà nhỏ. Không có ai ở đó.
Hai người nhanh chóng ra gặp người quản gia, lão Hồng nói với vẻ bực bội:
– Đừng có cố gắng lừa chúng tôi! Ông Lưu không có ở đó!
Người quản gia có vẻ sợ hãi. Ông ta suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
– Ông ta đã đi đến thư viện.
– Đừng có nói quanh co nữa! – Tào Can nói – dẫn đường!
Người quản gia một lần nữa đưa họ qua một hành lang dài. Ông ta dừng lại trước một cánh cửa bằng gỗ mun đen, trang trí những hoa văn phức tạp bằng kim loại. Ông ta gõ cửa nhiều lần nhưng không thấy trả lời. Sau đó, ông đẩy cửa nhưng nó đã bị khóa.
– Tránh ra!
Tào Can hét lên với vẻ bực tức. Anh lấy ra một gói nhỏ chứa các dụng cụ từ tay áo của mình và bắt đầu mở khóa. Sau một tiếng click anh đẩy cánh cửa mở ra. Họ nhìn thấy một thư viện rộng rãi với nội thất sang trọng. Những chiếc ghế và các tủ sách cao đều được làm bằng gỗ mun chạm khắc công phu. Nhưng không có ai ở đó.
Tào Can đi thẳng đến bàn viết. Tất cả ngăn kéo đã được mở, trên tấm thảm lót sàn màu xanh nằm rãi rác các bức thư và bao thư.
– Có một tên trộm đã vào đây! – người quản gia kêu lên.
– Không có tên trộm nào cả! – Tào Can ngắt lời – Những ngăn kéo không bị phá vỡ. Nó đã được mở ra bằng chìa khóa.
Người quản gia đưa bàn tay run rẫy chỉ vào một bức tranh treo giữa hai tủ sách. Tào Can bước đến và kéo bức tranh sang một bên. Cánh cửa sắt vuông trên tường đằng sau bức tranh không bị khóa. Nhưng hộc tủ bên trong trống rỗng.
– Ổ khóa này chưa được mở hoặc… – Tào Can nhận xét với lão Hồng – chúng ta sẽ tìm kiếm ở toàn bộ ngôi nhà nhưng tôi e rằng con chim đã bay mất!
Lão Hồng gọi bốn bộ đầu và họ lục soát toàn bộ ngôi nhà thậm chí nơi ở của những người phụ nữ. Tuy nhiên Lưu Phi Bộ tựa hồ tan biến vào không khí và không có ai nhìn thấy ông ta sau bữa ăn trưa.
Hai người quay trở về tòa án trong tâm trạng buồn rầu. Trong sân tòa án họ gặp đội trưởng bộ đầu, người này nói đã bắt giữ Quan Duy Phong không một chút khó khăn. Hiện nay hắn ta đã bị nhốt vào tù.
Họ tìm thấy Địch công trong văn phòng riêng của ông, vẫn còn đang nghiên cứu ván cờ.
– Quan Duy Phong đã bị bắt giam, thưa đại nhân – lão Hồng báo cáo – nhưng Lưu Phi Bộ biến mất không một dấu vết.
– Biến mất? – quan án hỏi với vẻ ngạc nhiên.
– Và mang theo người tất cả tiền bạc của mình cùng những giấy tờ quan trọng! – Tào Can nói thêm – Ông ta đã lẻn ra ngoài theo cổng vườn mà không cho bất cứ ai biết.
Địch công giận dữ đấm tay lên bàn.
– Ta đã quá muộn! – ông thốt lên một cách buồn bã. Ông đứng lên và bắt đầu đi lại trong phòng. Sau một thời gian ông dừng lại và nói một cách giận dữ:
– Tất cả là lỗi của thằng nhóc ngớ ngẫn họ Đặng! Nếu mà ta sớm biết giáo sư Đặng vô tội … Ông giận dữ kéo bộ râu của mình. Sau đó ông đột nhiên nói:
– Tào Can, đi tìm và mang người thư ký của ngài Ủy viên Lương đến đây, nhanh lên. Vẫn còn thời gian để đặt câu hỏi với anh ta trước khi phiên tòa bắt đầu.
Sau khi Tào Can vội vã đi ra, ông nói tiếp với lão Hồng:
– Sự biến mất của Lưu đúng là một trở ngại xấu, Hồng! Một vụ giết người là quan trọng nhưng vẫn còn có những việc quan trọng khác!
Lão Hồng muốn yêu cầu quan án giải thích thêm về nhận xét vừa rồi nhưng nhìn khuôn mặt kín như bưng của Địch công ông ta đành bỏ dở ý định đó. Quan án tiếp tục đi lại quanh phòng sau đó ông chắp tay sau lưng và đứng trước cửa sổ nhìn ra bên ngoài.
Thật ngạc nhiên chỉ trong một thời gian ngắn Tào Can đã quay lại cùng với Lương Phan. Người thanh niên thậm chí còn có vẻ lo lắng hơn lần đầu quan án nhìn thấy anh ta. Địch công dựa vào bàn làm việc và không mời Lương Phan ngồi xuống. Khoanh tay trước ngực và nghiêm nghị nhìn chàng thanh niên, ông nói:
– Lần này ta sẽ nói chuyện một cách thẳng thắn, anh Lương. Ta nói với anh rằng ta nghi ngờ anh liên can vào một tội ác đê hèn. Bởi vì ta muốn tôn trọng tình cảm đối với ngài Ủy viên già nên ta hỏi anh tại đây chứ không phải là trong tòa án.
Mặt Lương bất chợt tái mét. Anh muốn nói gì đó nhưng quan án đưa tay lên.
– Trước hết – ông nói tiếp – câu chuyện cảm động về việc chi tiêu thiếu thận trọng của ngài Ủy viên cũng có thể được giải thích như là một nỗ lực để che đậy thực tế là ngươi đang lợi dụng quyền hạn của mình để chiếm đoạt tiền của ông ta. Thứ hai, ta tìm thấy trong phòng của người vũ công đã chết, Hạnh Hoa, những bức thư tình viết tay của ngươi. Những bức thư gần đây nhất đã chứng minh là ngươi muốn cắt đứt quan hệ với cô ta. Có lẽ vì ngươi đã yêu Liễu Hạ, con gái của Hán Dương Hoàng.
– Làm thế nào mà ngài biết được? – Lương Phan kêu lên – Chúng tôi…
Nhưng một lần nữa Địch công cắt ngang lời anh ta:
– Ngươi không thể giết chết người vũ công bởi vì ngươi không có mặt trên chiếc thuyền hoa. Nhưng ngươi có liên lạc với cô ta và thậm chí còn gặp gỡ bí mật với cô ta trong phòng của ngươi. Ngươi dễ dàng đưa cô ta vào phòng mình bằng cửa sau của khu vườn. Không, ta không muốn nói thế! Ta muốn nói là ta không quan tâm đến cuộc sống riêng tư của ngươi, những trò giải trí của ngươi ở phố cây Liễu. Nhưng ngươi phải nói cho ta biết tất cả về mối quan hệ của ngươi với người vũ công đã chết. Một người đàn ông trẻ tuổi dại dột đã cản trở việc điều tra của ta và ta không muốn điều đó lặp lại lần nữa! Nói tất cả sự thật cho ta biết!
– Điều đó không phải là sự thật, tôi thề đấy, thưa đại nhân! – chàng thanh niên khóc lớn và giơ tay lên với vẻ tuyệt vọng – Tôi không hề biết cô vũ công đó và tôi chưa từng chiếm đoạt dù chỉ một đồng từ chủ tôi! Tôi thừa nhận là có yêu Liễu Hạ và hy vọng là mối tình đó sẽ được đáp lại. Tôi chưa bao giờ nói chuyện với cô ta nhưng tôi thường xuyên nhìn thấy cô ấy trong chùa và.. nhưng đại nhân đã biết được bí mật sâu thẳm này của tôi, ngài phải biết rằng những chuyện còn lại là không đúng sự thật!
Địch công đưa cho anh ta một bức thư lấy từ nơi người vũ công đã chết và hỏi:
– Ngươi viết bức thư này phải không?
Lương Phan cẩn thận kiểm tra bức thư. Sau khi trả bức thư lại cho quan án, anh ta bình tĩnh nói:
– Những chữ viết tay này nhìn thoáng qua giống như chữ của tôi, thậm chí còn có những đặc điểm riêng đặc thù. Tuy nhiên không phải do tôi viết. Người giả mạo bức thư này hẳn phải có rất nhiều bút tích của tôi để có thể làm giả bức thư này. Đó là tất cả những điều tôi có thể nói!
Quan án nhìn anh ta với vẻ hoài nghi và nói cộc lốc:
– Quan Duy Phong đã bị bắt và ta sẽ thẩm vấn ông ta. Ngươi phải tham gia buổi xử án. Ngươi có thể vào hội trường tòa án ngay bây giờ.
Khi người thanh niên đã đi khỏi, lão Hồng nhận xét:
– Tôi nghĩ rằng anh ta nói sự thật, thưa đại nhân!
Địch công không có phản ứng. Ông ra hiệu cho lão Hồng giúp ông thay quan phục để thăng đường.
Ba hồi chiêng vang lên báo hiệu buổi xử án vào ban đêm bắt đầu. Địch công rời khỏi văn phòng riêng của mình theo sau là lão Hồng và Tào Can. Khi ông ngồi sau bàn xử án thì thấy trong công đường có khoảng hơn chục người tham dự. Người dân của Hán Dương rõ ràng không nghĩ rằng có thể nghe được những tin tức giật gân nữa. Tuy nhiên, ông nhận thấy Hán Dương Hoàng và Lương Phan đứng ở hàng ghế đầu và phía sau họ là ông chủ Sô.
Ngay sau khi ra hiệu cho mọi người yên lặng, ông lấy một tờ giấy và điền vào ra lệnh cho cai ngục dẫn Quan Duy Phong đến trước công đường.
Quan Duy Phong hoàn toàn bình tĩnh mặc dù bị bắt. Ông ta nhìn quan án một cách trơ tráo sau đó quỳ xuống và trả lời bằng giọng nói bình thản những câu hỏi liên quan đến tên tuổi và nghề nghiệp của mình. Sau đó, Địch công nói:
– Ta đã có bằng chứng ngươi đã khai dối tại tòa án này. Chính ngươi đã thuyết phục giáo sư Đặng mua con gái của ngươi. Ngươi có muốn nghe bằng chứng hay là thú nhận sự thật?
– Kẻ hèn này – Quan Duy Phong trả lời trân trọng – thừa nhận mình đã nói dối, thưa đại nhân. Tôi cho phép mình khai dối để nhằm mục đích giúp đỡ cho người bạn đồng thời là người bảo trợ của tôi là ông Lưu Phi Bộ trong vụ kiện với giáo sư Đặng. Theo luật pháp tôi có thể được tại ngoại nếu nộp một số tiền và tôi xin được nộp số tiền đó. Không nghi ngờ gì ông Lưu Phi Bộ sẽ nộp số tiền đó cho tôi để tôi được tại ngoại.
– Thứ hai – Địch công nói – tòa án này có bằng chứng cho thấy ngươi đã lợi dụng sự lú lẫn của ngài Ủy viên do tuổi già để thuyết phục ông ta tham gia vào các giao dịch tài chính thiếu thận trọng nhằm trục lợi cá nhân.
Cáo buộc thứ hai này có vẻ chẳng nhằm nhò gì đối với Quan Duy Phong. Ông ta điềm tĩnh nói:
– Tôi xin bác bỏ cáo buộc tôi đã lừa đảo ông Lương, thưa đại nhân. Ông Lưu Phi Bộ với thiệu tôi với ông Lương và theo lời khuyên của ông Lưu thì ông Lương nên bán một số bất động sản mà theo ý kiến chuyên gia của ông Lưu thì trong tương lai nó sẽ bị sụt giảm giá trị. Ông Lưu có thể cung cấp bằng chứng cho quý tòa.
– Ta không thể làm được điều đó – Địch công nói cộc lốc – ông Lưu Phi Bộ đã bỏ đi mà không báo trước đồng thời mang theo toàn bộ tiền bạc và giấy tờ.
Quan Duy Phong đứng bật dậy. Khuôn mặt ông ta đột nhiên tái xanh, ông hét lên:
– Ông ta đã đi đâu? Đến kinh thành à?
Đội trưởng bộ đầu muốn nhấn Quan quỳ xuống nhưng quan án lắc đầu. Ông nói:
– Ông Lưu đã biến mất và người trong gia đình không ai biết ông ta đi đâu.
Quan Duy Phong đã không còn tự chủ nữa. Mồ hôi trên trán túa ra. Ông ta lẩm bẩm như tự nói với chính mình:
– Lưu đã bỏ trốn …
Sau đó ông ta ngước nhìn lên quan án và chậm rãi nói:
– Trong trường hợp này thì tôi muốn xem xét lại những lời khai trước đây của mình.
Ông ta ngập ngừng một lúc lâu rồi nói tiếp:
– Tôi xin đại nhân cho tôi một chút thời gian để suy nghĩ.
– Yêu cầu của ngươi được chấp thuận – Địch công trả lời ngay. Ông nhìn thấy vẻ van nài điên cuồng trong mắt Quan.
Khi Quan đã được dẫn về nhà giam. Địch công cầm búa lên chuẩn bị đập xuống để tuyên bố bãi đường. Nhưng ngay lúc đó ông chủ Sô tiến lên phía trước cùng với hai thành viên trong phường hội của mình. Ông trình bày một vụ kiện về vấn đề buôn bán ngọc. Một đại lý ngọc bán cho các người thợ một khối ngọc bích nhưng khi tách nó ra thành từng miếng nhỏ thì phát hiện chúng có khiếm khuyết nên những thợ ngọc từ chối trả tiền. Nhưng sau khi tách nó ra thì không thể trả về cho người bán. Sô đã đề nghị họ thỏa thuận với nhau nhưng cả hai bên đều khăng khăng giữ ý kiến của mình và không chấp nhận thỏa thuận.
Địch công kiên nhẫn lắng nghe lời giải thích dài dòng của cả hai bên. Quan sát hành lang tòa án ông nhận thấy Hán Dương Hoàng đã đi khỏi tòa án. Khi Sô một lần nữa tóm tắt vụ án, Địch công nói chuyện với hai đại lý và các thợ ngọc:
– Tòa án này thấy cả hai bên đều có lỗi. Đại lý là một chuyên gia mà không nhận thấy khối ngọc đã bị lỗi khi ngươi mua nó và các thợ ngọc là những người có nhiều kinh nghiệm đúng ra phải phát hiện ra những khiếm khuyết mà không cần cắt ngọc ra. Đại lý đã mua khối ngọc với giá mười miếng bạc và bán cho thợ ngọc với giá mười lăm miếng bạc. Tòa án ra lệnh cho đại lý phải trả lại cho thợ ngọc mười miếng bạc, những mảnh ngọc đã cắt ra được chia đều cho hai bên và mỗi bên chịu thiệt hai miếng rưỡi bạc. Như vậy số bạc năm miếng đó là tiền phạt cho sự thiếu chuyên nghiệp của các ngươi.
Ông đập búa và tuyên bố bãi đường.
Trở lại văn phòng riêng của mình Địch công nói với lão Hồng và Tào Can với vẻ thỏa mãn:
– Quan Duy Phong muốn nói với ta một điều gì đó nhưng hắn không dám tiết lộ giữa công đường. Có một quy tắc là cấm thẩm phán tra hỏi tù nhân riêng tư nhưng trong trường hợp này ta cảm thấy hợp lý để thực hiện một trường hợp ngoại lệ. Ta muốn gặp hắn ta ngay bây giờ để xem hắn ta nói như thế nào về trường hợp bỏ trốn của Lưu Phi Bộ. Bây giờ chúng ta sẽ biết được nhiều hơn.
Đột nhiên cánh cửa mở tung và đội trưởng chạy vào, phía sau là cai ngục của nhà giam. Họ vừa thở hỗn hễn vừa nói:
– Quan Duy Phong đã tự sát, thưa đại nhân!
Địch công đấm tay lên bàn. Ông quát vào mặt cai ngục:
– Tại sao không kiểm tra kỹ trên người hắn, đồ ngu?
Cai ngục quỳ xuống:
– Tôi thề rằng không hề có cái bánh ngọt đó ở trên người hắn ta khi tôi nhốt hắn vào phòng giam, thưa đại nhân! Ai đó đã lén lút mang cái bánh độc đó vào phòng giam!
– Như vậy ngươi thừa nhận đã có một vị khách đến phòng giam! – quan án hét lên.
– Không có ai từ bên ngoài đi vào phòng giam cả, thưa đại nhân! – cai ngục khóc nức nở – đó quả là một câu đố bí ẩn!
Địch công đứng lên và đi ra cửa, phía sau là lão Hồng và Tào Can. Ông băng ngang sân đi vào hành lang phía sau tòa án và đi vào khu vực phòng giam. Cai ngục cầm chiếc đèn lồng dẫn đường.
Quan Duy Phong nằm sóng soài trên nền nhà trước chiếc giường nhỏ bằng gỗ. Ánh sáng từ chiếc đèn lồng rọi sáng khuôn mặt méo mó, trên đôi môi hắn ta ứa ra nước bọt và máu. Cai ngục lặng lẽ chỉ vào một chiếc bánh hình tròn nằm trên sàn nhà cạnh tay phải của Quan. Chiếc bánh bị mất một miếng, rõ ràng Quan đã cắn vào đó và chỉ một miếng duy nhất. Địch công cúi xuống nhìn kỹ chiếc bánh. Đó là một chiếc bánh nhân đậu xanh bình thường mà tất cả các nơi bán bánh ngoài chợ đều bán. Nhưng điểm khác biệt duy nhất là trên mặt bánh thay vì dấu hiệu của nơi làm bánh thì lại có hình một bông sen nhỏ.
Quan án gói chiếc bánh trong khăn tay của ông và bỏ vào tay áo. Ông quay lại và âm thầm trở về văn phòng của mình.
Lão Hồng và Tào Can lo lắng nhìn vào khuôn mặt trầm ngâm của Địch công khi ông ngồi xuống bàn. Địch công biết rằng dấu hiệu của hoa sen không phải dành cho Quan bởi vì bóng tối trong phòng giam đã mang đến cho Quan một món quà chết người. Bông hoa sen đó là dành cho ông, thẩm phán của Hán Dương! Đó là một lời cảnh cáo từ Bạch Liên giáo! Ông nói bằng một giọng mệt mỏi:
– Quan đã bị giết để diệt khẩu. Chiếc bánh tẩm độc đã được trao cho hắn từ một người trong tòa án. Chúng ta có nội gián trong tòa án này!