Vụ Giết Người Trên Chiếc Thuyền Hoa

CHƯƠNG 7: MỘT KHÁM PHÁ RÙNG RỢN DẪN ĐẾN MỘT VỤ ÁN MỚI ĐỊCH CÔNG THĂM HAI NGƯỜI NỔI TIẾNG



Họ đứng im lặng chung quanh quan tài, nhìn chằm chằm với vẻ kinh ngạc vào xác chết nằm trong đó. Trán của xác chết bị vỡ toát ra bởi một cú đánh đáng sợ. Với máu khô bao phủ xung quanh, cái đầu trông thật ghê tởm.
– Con gái tôi đâu? – Lưu Phi Bộ đột nhiên hét lên – Tôi muốn con gái tôi!
Ông chủ Quảng đưa cánh tay đỡ lấy người đàn ông đang xúc động mạnh và dẫn ông ta đi. Ông ta khóc nức nở.
Địch công quay người lại và bước đến bàn xử án. Ông đập bàn và nói một cách gắt gỏng:
– Hãy để mọi người quay trở về nhà của mình! Mã Tông, lục soát toàn bộ ngôi chùa này! Người mai táng hãy nói phụ tá của ông đưa xác chết ra khỏi quan tài!
Hai người đàn ông từ từ nâng xác chết đã cứng đờ ra khỏi quan tài và đặt nó xuống chiếc chiếu. Người nhân viên điều tra quỳ xuống bên cạnh và cẩn thận gỡ bộ quần áo dính máu ra khỏi xác chết. Chiếc áo khoác và quần dài bằng vải thô chằng chịt những miếng vá. Ông xếp gọn chúng thành một bó sau đó nhìn lên quan án với vẻ chờ đợi.
Địch công chấm bút vào nghiên mực và viết vào đầu văn bản ” Một người nam không rõ danh tính “. Ông viết phần mở đầu rồi đưa cho người ghi chép.
Người điều tra nhúng chiếc khăn vào chậu nước và lau sạch máu trên đầu xác chết làm rộ ra vết thương khủng khiếp. Sau đó, ông ta lau rửa toàn bộ thi thể và kiểm tra kỹ lưỡng từ trên xuống dưới. Cuối cùng ông đứng lên và báo cáo:
– Thi thể là một người nam, hệ thống cơ phát triển tốt, tuổi khoảng năm mươi. Năm ngón tay thô và có một móng tay bị hỏng ở ngón cái tay phải, bàn tay phải có nhiều vết chai. Râu ngắn và có ria mép màu xám, đầu hói. Nguyên nhân dẫn đến cái chết: một vết thương giữa trán rộng một phân và sâu hai phân, có lẽ được gây ra bởi một thanh kiếm dài hoặc một cái rìu lớn.
Khi người ghi chép đã ghi đầy đủ những chi tiết đó vào tờ giấy, người nhân viên điều tra điểm chỉ vào và trình nó cho quan án. Sau đó, Địch công ra lệnh cho ông ta lục tìm trong quần áo của người chết. Người nhân viên điều tra tìm thấy trong tay áo một cây thước kẻ và một tờ giấy bẩn. Ông đặt tất cả những thứ đó lên bàn.
Quan án nhìn sơ qua cây thước sau đó nhìn chăm chú vào mảnh giấy. Ông nhướn mày. Sau khi bỏ mảnh giấy vào tay áo của mình, ông nói:
– Tất cả mọi người bước đến đây và nhìn qua xác chết xem có nhận ra người đàn ông này không. Bắt đầu là Lưu Phi Bộ và ông chủ Quảng.
Lưu Phi Bộ nhìn qua loa khuôn mặt bị biến dạng của xác chết sau đó nhanh chóng lắc đầu và bước ra. Ông chủ Quảng cũng định bắt chước theo nhưng đột nhiên ông ta thốt lên một tiếng kêu kinh ngạc. Cố gắng ngăn nỗi sợ hãi, ông ta cúi xuống bên cạnh xác chết sau đó kêu lên:
– Tôi biết người đàn ông này! Đó là người thợ mộc tên là Mao Dương! Tuần trước ông ta đến nhà tôi để sửa chữa một cái bàn!
– Ông ta sống ở đâu? – quan án hỏi nhanh.
– Điều này thì tôi không biết, thưa đại nhân – Quảng trả lời – nhưng tôi sẽ hỏi người quản gia của tôi vì người này đi gọi ông ta.
Địch công lặng lẽ vuốt râu. Sau đó, đột nhiên ông quát người mai táng:
– Tại sao nhà ngươi, một người mai táng chuyên nghiệp biết rõ công việc của mình, lại không lập tức báo cho ta là quan tài đã bị tráo đổi? Hoặc đây không phải là cái quan tài mà ngươi đã bỏ thi thể của người phụ nữ đã chết vào đó? Mau khai ra tất cả sự thật!
Người mai táng sợ hãi lắp bắp:
– Tôi… tôi xin thề đúng là chiếc quan tài đó, thưa đại nhân! Tôi mua nó cho bản thân tôi cách đây hai tuần và đã đóng dấu vào đó. Nhưng nó có thể mở ra dễ dàng, thưa đại nhân! Nó chỉ là một chiếc quan tài tạm thời nên chúng tôi không đóng chắc chắn và…
Địch công khoát tay ngắt lời ông ta.
– Xác chết này – ông tuyên bố – sẽ được phủ một tấm vải liệm và bỏ vào trong quan tài này. Ta sẽ tham khảo ý kiến gia đình của người quá cố về việc chôn cất. Cho đến lúc đó, hai bộ đầu sẽ túc trực ở đây đề phòng trường hợp xác chết lại biến mất một lần nữa! Đội trưởng, đưa người coi sóc ngôi đền đến gặp ta! Tại sao tên khốn đó lại không có mặt ở đây? Hắn phải đến đây ra mắt với ta chứ!
– Người trông coi ngôi đền là một ông lão rất già, thưa đại nhân – đội trưởng nói nhanh – Ông ta sống nhờ vào những bát cơm mà những người sùng đạo đem đến mỗi ngày hai lần đặt cạnh cổng chùa. Ông ta bị điếc và gần như bị mù.
– Mù và điếc, thật là hay! – quan án thì thầm một cách giận dữ. Ông nói cộc lốc với Lưu Phi Bộ:
– Ta đành chậm trễ trong việc điều tra về nguyên nhân cái chết từ thi thể con gái ông.
Sau đó, Mã Tông bước vào hội trường và báo cáo:
– Tôi xin báo cáo – anh nói – Tôi đã tìm kiếm toàn bộ ngôi chùa này, bao gồm cả khu vườn phía sau. Không có dấu vết cho thấy một xác chết đã bị che giấu hay chôn cất ở đó.
– Tới nhà của ông chủ Quảng – Địch công ra lệnh – tìm ra nơi ở của người thợ mộc và kiểm tra ở đó. Ta muốn biết tất cả những việc của ông ta đã làm trong ngày cuối cùng trước khi bị giết. Và nếu ông ta có thân nhân thì ta muốn đưa thân nhân của ông ta đến công đường để thẩm vấn.
Sau khi nói xong, quan án đập bàn và tuyên bố bãi đường.
Trước khi rời khỏi phòng ông bước đến quan tài và xem xét kỹ lưỡng bên trong nó. Không có vết máu. Sau đó, ông kiểm tra sàn nhà xung quanh quan tài nhưng ngoài những dấu chân lộn xộn ông không thấy vết ố hay vết máu đã bị xóa trên đó.Rõ ràng người thợ mộc đã bị giết ở nơi khác và thi thể bị mang đến hội trường và bỏ vào trong quan tài sau khi máu đã đông lại. Ông đi ra khỏi hội trường theo sau là lão Hồng.
Địch công im lặng trong suốt đoạn đường về. Nhưng sau khi đã về đến phòng riêng và lão Hồng giúp ông thay một bộ thường phục thoải mái thì ông đã thoát ra khỏi tâm trạng buồn rầu. Khi ông ngồi xuống bàn, ông nói với nụ cười:
– Phải, bác Hồng, rất nhiều vấn đề cần được giải quyết! Bằng cách này ta đã có thể quản thúc vị giáo sư tại nhà ông ta. Hãy nhìn xem người thợ mộc mang gì trong tay áo của ông ta!
Ông đẩy tờ giấy về phía lão Hồng, lão Hồng xem qua và kêu lên đầy kinh ngạc:
– Tên và địa chỉ nhà của giáo sư Đặng được viết nguệch ngoạc ở đây, thưa đại nhân!
– Phải – Địch công hài lòng nói – vị giáo sư của chúng ta hình như bỏ qua điều này! Bây giờ bác đưa cho ta xem danh sách mà ta nhờ bác làm giúp, bác Hồng.
Viên chấp sự lấy một miếng giấy gấp từ tay áo của mình. Khi đưa nó cho quan án, ông nói một cách chán nản:
– Theo như tôi thấy, thưa đại nhân, chữ viết tay của giáo sư khác hoàn toàn với chữ viết trên bức thư tình.
– Bác nói đúng – quan án nói – đúng là hoàn toàn không giống nhau.
Ông ném tờ giấy lên bàn và nói tiếp:
– Khi bác ăn cơm trưa xong hãy đến phòng lưu trữ của tòa án và xác định các mẫu chữ viết tay của Hán, Lưu, Quảng và Sô. Những người này thế nào cũng có gửi thư đến tòa án.
Ông lấy ra hai tấm danh thiếp lớn màu đỏ từ ngăn kéo bàn đưa cho lão Hồng và nói thêm:
– Bác đưa hai danh thiếp này đến Hán Dương Hoàng và ngài uỷ viên Lương, báo với họ rằng ta sẽ đến thăm họ vào chiều nay.
Khi Địch công đứng dậy, viên chấp sự hỏi:
– Thế thi thể của bà Đặng biến đi đâu, thưa đại nhân?
– Ta cũng không rõ, bác Hồng – quan án trả lời – đây đúng là một câu đố mà các dữ kiện chưa được đầy đủ. Bây giờ ta sẽ gạt bỏ mọi vấn đề ra khỏi tâm trí của mình. Ta sẽ dùng cơm trưa tại nhà và sau đó thăm hỏi vợ và các đứa con của ta. Một bữa nọ người vợ thứ ba của ta nói rằng hai đứa con trai của ta viết một bài luận rất tốt. Nhưng chúng là lũ ranh con, bác biết đấy!
Vào xế chiều, khi Địch công quay lại văn phòng riêng của ông, ông nhìn thấy lão Hồng và Mã Tông đang đứng bên cạnh bàn đang cúi xuống xem một vài tờ giấy. Lão Hồng nhìn lên và nói:
– Ở đây chúng ta có các mẫu chữ viết tay của bốn nghi phạm của chúng ta, thưa đại nhân. Nhưng không có mẫu chữ nào giống với mẫu chữ trong bức thư tình của người vũ công.
Địch công ngồi xuống và cẩn thận so sánh các mẫu chữ với nhau. Sau một thời gian ông nhìn lên và nói;
– Không, không phải là không có gì! Nét chữ của Lưu Phi Bộ có đôi chút giống với nét chữ của người ký tên là Trúc Lâm thư sinh.Ta có thể tưởng tượng rằng Lưu đã cố sửa nét chữ của mình khi viết những bức thư tình. Nét chữ của chúng ta là một cái gì đó rất nhạy cảm. Mặc dù chúng ta cố gắng sửa cho nó khác đi nhưng vẫn có những chỗ giống với nét chữ nguyên thủy.
– Lưu Phi Bộ có thể biết đến bút danh của chàng tú tài họ Đặng thông qua con gái ông ta, thưa đại nhân – viên chấp sự háo hức nói – và ông ta sử dụng nó để ký tên vào những bức thư tình của mình để mong muốn tạo ấn tượng tốt hơn!
– Phải – quan án trầm ngâm nói – ta phải tìm hiểu thêm về Lưu Phi Bộ. Đó là một trong những đối tượng mà ta quan tâm, ta đã có kế hoạch tìm hiểu về ông ta thông qua Hán và ngài Ủy viên. Họ sẽ nói cho ta biết thêm về ông ta. Mã Tông, ngươi tìm hiểu được gì về người thợ mộc?
Mã Tông buồn bã lắc đầu.
– Không tìm thấy được gì nhiều về ông ta, thưa đại nhân. Mao Dương sống ở một căn nhà tồi tàn cạnh bờ hồ, gần khu chợ cá. Ông ta có một bà vợ già, ngài chưa bao giờ nhìn thấy một người phụ nữ xấu xí như bà ta! Bà ta chẳng hề lo lắng về sự vắng mặt của người chồng bởi vì do công việc ông ta thường vắng nhà một vài ngày. Và tôi không muốn trách mắng ông ta hay nguyền rủa ông ta vì có một người vợ như thế! Ba ngày trước đây ông ta nói sẽ đến nhà của giáo sư Đặng để sửa chữa một số bàn ghế chuẩn bị cho đám cưới sắp tới. Ông ta nói với vợ mình sẽ tìm một nơi để ngủ bởi vì công việc sẽ mất vài ngày. Đó là lần cuối cùng người vợ nhìn thấy ông ta!
Mã Tông vuốt mặt và nói tiếp:
– Khi tôi báo cho bà ta tin buồn của người chồng thì bà ta nói rằng đã sớm đoán được kết cuộc xấu sẽ xảy đến với ông chồng già của mình bởi vì ông ta luôn luôn đi đến sòng bạc và quán rượu cùng với người em họ Mao Lỗ của ông ta. Sau đó bà ta hỏi đến tiền đền bù cho cái chết của người chồng!
– Thật là một người phụ nữ vô đạo đức! – Địch công kêu lên giận dữ.
– Tôi nói với bà ta – Mã Tông nói – rằng bà ta không thể nhận được tiền đền bù trước khi kẻ giết người bị bắt và kết án. Thế là bà ta lồng lộn lên chửi rủa và nói rằng tôi đã ăn chận số tiền đó! Tôi vội vã bỏ đi và tìm gặp những người trong khu phố để hỏi thăm tin tức. Những người này nói rằng Mao Dương là một người đàn ông làm việc chăm chỉ và tốt bụng, không ai trách cứ chuyện ông ta say xỉn bởi vì ông ta đã lấy nhầm một bà vợ như thế thì không say xỉn để quên đi bà vợ mới là chuyện lạ. Nhưng họ nói thêm người em họ Mao Lỗ của ông ta đúng là có rất nhiều tật xấu. Anh ta cũng là thợ mộc chuyên nghiệp nhưng không có chỗ ở cố định, ông ta đi lang thang khắp nơi tìm kiếm công việc lặt vặt ở những gia đình giàu có và số tiền kiếm được ông ta dùng để uống rượu và đánh bạc. Gần đây không ai nhìn thấy anh ta trong khu phố và có tin đồn anh ta bị trục xuất khỏi phường hội thợ mộc vì đả thương một người khác bằng dao trong một cuộc ẩu đả tại quán rượu. Mao Dương không còn người thân nào khác.
Địch công chậm rãi nhấm nháp trà. Sau đó ông nói:
– Ngươi làm rất tốt, Mã Tông. Bây giờ ít nhất chúng ta cũng biết được ý nghĩa của tờ giấy chúng ta tìm thấy trong tay người đàn ông bị giết. Ngươi nên đi ngay đến nhà của vị giáo sư và cùng với Triệu Thái đang ở đó tìm hiểu xem Mao Dương đến nhà giáo sư lúc nào, ông ta đã làm những công việc gì và lúc nào thì ông ta rời khỏi đó. Chú ý quan sát nơi đó biết đâu ngươi gặp được kẻ đã nhìn trộm ta qua cửa sổ.
Ông đứng lên và nói tiếp:
– Trong khi ta đi, bác Hồng hãy đến khu phố nơi Lưu Phi Bộ sinh sống và quan sát xung quanh. Bác dò hỏi những người sống nơi đó và các cửa hàng về ông ta và gia đình ông ta. Ông ta là người khiếu nại trong vụ kiện giữa Lưu với Đặng nhưng đồng thời ông ta cũng là nghi phạm chính của chúng ta trong vụ án người vũ công bị giết.
Ông uống hết tách trà của mình và đi qua sân đến nơi kiệu của ông đang chờ.
Ngoài đường phố vẫn còn khá nóng nhưng may mắn thay biệt thự của Hán Dương Hoàng không xa tòa án.
Hán Dương Hoàng đứng bên trong cánh cổng hoành tráng chờ đợi quan án. Sau những nghi thức chào hỏi thông thường ông dẫn vị khách của mình vào một căn phòng sáng lờ mờ được làm mát bằng hai chiếc chậu tròn bằng đồng chứa các khối băng đặt trong đó. Hán mời quan án ngồi vào chiếc ghế bành đặt cạnh bàn uống trà. Hán vỗ tay ra hiệu cho người quản gia đang đứng khúm núm gần đó mang trà ra đãi khách, quan án nhìn quanh. Ông ước tính căn nhà đã có hơn trăm năm. Gỗ trong những cây cột lớn và những bức chạm khắc đã nhuốm đen vì thời gian, những bức tranh treo trên tường mang lại sự thanh lịch cho căn phòng. Cả căn phòng tràn ngập bầu không khí yên tĩnh.
Sau khi nước trà thơm ngát đựng trong chén sứ cổ được mang ra, Hán hắng giọng và nói:
– Tôi xin đại nhân lượng thứ cho hành vi bất lịch sự của tôi đêm qua.
– Đó là một tình huống bất thường ngoài dự đoán – Địch công mỉm cười nói – Chúng ta hãy quên nó đi! Nói cho ta biết ông có bao nhiêu người con trai?
– Tôi chỉ có một đứa con gái – Hán trả lời một cách lạnh lùng.
Có một sự lúng túng trong giây lát. Nhưng quan án nghĩ rằng ngài không có lỗi trong trường hợp này. Người ta nghĩ rằng một người như Hán hẳn phải có rất nhiều vợ và thê thiếp và do đó có vài đứa con trai. Ông không nao núng nói tiếp:
– Ta muốn thẳng thắn nói với ông rằng ta hoàn toàn bối rối vì vụ giết người trên chiếc thuyền hoa và vụ án của con gái Lưu Phi Bộ. Ta hy vọng ông sẽ vui lòng cho ta một vài ý kiến của ông về những người và sự kiện liên quan đến hai vụ án này.
Hán cúi đầu một cách lịch sự và trả lời:
– Tôi hoàn toàn tin tưởng ở sự phán xét của đại nhân. Việc tranh cãi giữa hai người bạn của tôi là Lưu và Đặng đã làm cho tôi bị sốc nặng. cả hai người đều là công dân nổi bật của thị trấn này. Tôi hy vọng và tin tưởng đại nhân sẽ đứng ra hòa giải chuyện này, mà có lẽ…
– Trước khi nghĩ đến bất kỳ nỗ lực hòa giải nào – quan án ngắt lời ông ta – trước tiên ta phải xem cái chết của cô dâu có tự nhiên hay không, nếu không thì phải trừng phạt kẻ sát nhân gây ra cái chết đó. Nhưng chúng ta hãy bắt đầu với trường hợp cái chết của người vũ công.
Hán giơ tay lên. Ông kêu lên với vẻ khó chịu:
– Nhưng hai trường hợp này khác xa nhau như Trời với Đất, thưa đại nhân! Cô kỹ nữ là một phụ nữ đẹp, một người có tài năng nhưng sau tất cả những thứ đó cô ta chỉ là một vũ công! Loại gái tham gia vào tất cả những vấn đề không lành mạnh. Có trời mới biết bao nhiêu người như thế bị giết chết vì những lý do nào đó!
Ông lại tiếp tục bộc bạch với quan án bằng giọng thì thầm:
– Tôi có thể đảm bảo với đại nhân sẽ chẳng có ai đến đây khiếu nại nếu vụ án đó được tòa án này xử một cách, à… qua loa. Và tôi nghĩ rằng chính quyền cấp cao hơn cũng chẳng quan tâm đến cái chết của người phụ nữ đó. Nhưng vụ án của Lưu với Đặng thì ảnh hưởng đến danh tiếng của toàn bộ thị trấn này, thưa đại nhân! Tất cả chúng tôi ở đây sẽ biết ơn sâu sắc nếu đại nhân có thể thuyết phục được họ thỏa hiệp, có lẽ bằng cách gợi ý…
– Quan điểm của chúng ta về thực thi pháp luật – Địch công lạnh lùng ngắt lời ông ta – rõ ràng là khác xa nhau để có thể thảo luận về nó. Ta xin đặt một số câu hỏi với ông. Đầu tiên là cá nhân ông có quan hệ thế nào với người vũ công tên Hạnh Hoa?
Hán đỏ bừng mặt. Giọng ông ta run lên vì tức giận:
– Ngài nghĩ là tôi sẽ trả lời câu hỏi đó?
– Chắc chắn! – quan án nói với vẻ điềm tỉnh – nếu không thì ta đã không hỏi!
– Nếu tôi từ chối trả lời! – Hán gằn giọng.
– Ở đây và ngay bây giờ sẽ tốt cho ông – quan án bình tĩnh nói – Ta sẽ đặt ra cùng một câu hỏi như thế tại công đường và ông sẽ phải trả lời. Nếu ông từ chối thì ông sẽ bị đánh năm mươi roi vì tội khinh thường tòa án. Vì muốn tốt cho ông nên ta đặt câu hỏi đó ngay tại đây.
Hán nhìn Địch công với đôi mắt rực lửa. Ông rất khó khăn để tự chủ lại và trả lời bằng một giọng nói đều đều:
– Cô kỹ nữ Hạnh Hoa đó là một cô gái xinh đẹp và vũ công tài giỏi, cô nói chuyện rất có duyên. Vì vậy tôi nghĩ rằng cô ta đủ điều kiện để được khách hàng của tôi thuê để giải trí. Bên cạnh đó, cô ta không là gì đối với tôi. Việc cô ta còn sống hay đã chết tôi hoàn toàn không quan tâm.
– Lúc nãy ông nói ông chỉ có một đứa con gái? – Địch công hỏi.
Hán dường như coi câu hỏi này là một nỗ lực nhằm thay đổi chủ đề. Ông ra lệnh cho người quản gia đang đứng ở gần đó mang tới trái cây và bánh mứt. Sau đó, ông nói một cách thân thiện:
– Phải, thưa đại nhân. Tên nó là Liễu Hạ. Mặc dù một người cha không nên khen con cái của mình nhưng tôi dám nói rằng nó là một đứa con gái đáng chú ý. Nó có tài năng tuyệt vời trong vẽ tranh và viết thư pháp. Nó thậm chí đã… – Ông dừng lại vì thấy rằng mình nói quá nhiều – Nhưng vấn đề về gia đình của tôi chắc đại nhân không quan tâm.
– Bây giờ đến câu hỏi thứ hai của ta – Địch công nói – ông đánh giá như thế nào về hai ông chủ phường hội Quảng và Sô?
– Nhiều năm trước đây – Hán trả lời trịnh trọng – Quảng và Sô được các thành viên trong phường hội của họ bầu làm chủ phường hội để đại diện và chăm sóc quyền lợi cho họ. Họ được bầu vì uy tín và những hành vi ứng xử không có gì để chê trách. Tôi không có gì để nói thêm.
– Bây giờ là một câu hỏi về vụ án giữa Lưu với Đặng – quan án nói tiếp – Tại sao vị giáo sư lại từ chức sớm thế?
Hán xoay trở trên chiếc ghế của ông ta với vẻ không thoải mái.
– Câu chuyện cũ lại phải bới lên một lần nữa? – ông ta gắt gỏng nói – Đã xác định được những nghi ngờ từ đơn tố cáo của cô gái là do cô ta loạn trí. Nhưng vị giáo sư vẫn nhất định từ chức bởi vì ông nói rằng một vị giáo sư của trường Khổng Tử không thể nào để bị tai tiếng, ngay cả khi ông được chứng minh là hoàn toàn vô tội.
– Ta sẽ tham khảo hồ sơ của tòa án về trường hợp đó – Địch công nói.
– Ồ, đại nhân sẽ không tìm thấy bất cứ điều gì về nó trong hồ sơ đâu – Hán nói nhanh – May mắn thay, vụ án đó chưa bao giờ được đưa ra tòa án. Chúng tôi, những công dân hàng đầu của Hán Dương, đã nghe những người có liên quan và giải quyết trường hợp đó cùng với hiệu trưởng của trường Khổng Tử. Chúng tôi xét thấy nhiệm vụ của chúng tôi, thưa đại nhân, là tránh cho nhà chức trách những công việc không cần thiết.
– Ta hiểu điều đó! – quan án nhận xét khô khan.
Ông đứng lên và cảm ơn Hán về việc tiếp đãi vừa rồi. Khi Hán tiễn ông ra kiệu, ông nghĩ rằng cuộc phỏng vấn vừa rồi không có vẻ sẽ đặt nền móng cho một tình bạn lâu dài.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.