Vụ Giết Người Trên Chiếc Thuyền Hoa

CHƯƠNG 5: MÃ TÔNG KỂ VỀ NHỮNG BÍ MẬT CỦA NGƯỜI VŨ CÔNG MỘT VỊ GIÁO SƯ BỊ CÁO BUỘC NHỮNG TỘI ÁC GHÊ TỞM



Sáng sớm hôm sau, sau lúc bình minh, khi lão Hồng đến báo cáo những nhiệm vụ thì thấy Địch công đã quần áo chỉnh tề ngồi trong văn phòng riêng của ông ở phía sau tòa án.
Quan án sắp xếp lại các bức thư tìm thấy tối qua trong hộp quần áo của người kỹ nữ thành một đống gọn gàng trên bàn. Khi lão Hồng rót trà cho ông, quan án nói:
– Ta đã đọc qua tất cả những lá thư này một cách cẩn thận, chuyện tình của cô gái với anh chàng ký tên là Trúc Lâm thư sinh đã bắt đầu khoảng nửa năm trước đây. Các bức thư đầu tiên đề cập đến một tình bạn bắt đầu phát triển, những bức thư tiếp theo nói về sự đam mê, tình yêu. Khoảng hai tháng trước thì niềm đam mê này đột nhiên bị suy giảm. Bằng chứng là cách thay đổi ngữ điệu trong những bức thư, ta tìm thấy một số đoạn trong những bức thư có biểu hiện của sự đe dọa. Phải tìm ra người đàn ông đó, bác Hồng!
– Các ghi chép của tòa án chúng ta cho biết đó là một nhà thơ nghiệp dư, thưa đại nhân – lão Hồng háo hức nói – Trong thời gian rãnh rỗi của mình anh ta làm thư ký ghi chép cho một hội những nhà văn địa phương. Anh ta chắc chắn được nhận ra nhờ vào bút danh đó.
– Tuyệt vời! – Địch công reo lên – Bác hãy đến kho lưu trữ và tìm xem anh ta ở đâu. Nhưng trước tiên ta muốn cho bác xem cái này.
Ông lấy một tờ giấy mỏng từ ngăn kéo bàn làm việc và trãi rộng nó ra trên mặt bàn. Lão Hồng nhận ra đó là hình bàn cờ vây tìm thấy trong tay áo cô vũ công đã chết. Dùng ngón trỏ chỉ vào đó, quan án nói:
– Đêm hôm qua sau khi từ phố Cây Liễu trở về ta đã nghiên cứu rất kỹ ván cờ trên tờ giấy này. Điều lỳ lạ là ta không thấy được điểm bắt đầu và kết thúc của nó.
Ta thừa nhận rằng ta không phải là bậc thầy trong trò chơi này nhưng ta đã thường xuyên chơi nó trong suốt những năm còn đi học. Như bác thấy đó, bàn cờ được chia thành 18 cột cho mỗi cạnh thành ra 289 điểm cắt chéo nhau. Mỗi người chơi có 150 quân, một người cầm quân trắng còn người kia là quân đen, những quân cờ này là những viên đá tròn nhỏ. Khi bắt đầu ván cờ hai người chơi sẽ lần lượt đặt các quân cờ của mình vào các điểm trên bàn cờ. Mục đích là để vây quân đối phương theo nhóm hay riêng lẻ, khi thực hiện được điều đó thì quân bị vây sẽ bị lấy ra khỏi bàn cờ. Người thắng là người chiếm được nhiều điểm nhất trên bàn cờ.
Bức hình Bàn cờ vây
– Thật là một việc đơn giản! – lão Hồng nhận xét.
Địch công mỉm cười trả lời.
– Các quy định thì rất đơn giản nhưng trò chơi mới thực sự phức tạp, người ta nói rằng cả cuộc đời của một người đàn ông cũng không đủ để giải quyết các vấn đề phức tạp của một ván cờ!
Bậc thầy về cờ vây thường viết các cuốn sách hướng dẫn về trò chơi kèm theo các hình vẽ minh họa và đôi khi giải thích chi tiết các ván cờ. Tờ giấy này chắc chắn đã được xé ra từ một cuốn sách hướng dẫn như thế. Đây là trang cuối cùng, bác có thể thấy dòng chữ kết thúc ghi ở góc dưới bên trái. Thật không may là không biết được tựa của quyển sách này. Bác phải cố gắng xác định được ai là bậc thầy về cờ vây tại Hán Dương này, Hồng. Một người như thế chắc chắn sẽ cho chúng ta biết được tờ giấy này được xé ra từ quyển sách hướng dẫn nào. Những giải thích về ván cờ này phải được in trên trang áp chót.
Mã Tông và Triệu Thái bước vào và cúi chào quan án. Khi họ đã ngồi xuống trước bàn của ông, ông nói với Mã Tông:
– Ta cho rằng đêm qua ngươi ở lại để thu thập thông tin. Nói cho ta biết ngươi đã tìm được gì!
Mã Tông đặt nắm tay to lớn của mình lên đầu gối. Anh mỉm cười và nói:
– Hôm qua đại nhân có đề cập đến khả năng sẽ tìm được thông tin về cuộc sống của cô kỹ nữ từ những người sống chung. Đêm qua trên đường đến hồ tôi chú ý đến một cô gái đứng trên ban công. Vì vậy sau khi chúng ta đến phố Cây Liễu, tôi đã mô tả cô gái đó với người quản lý và ông ta đã gọi cô ta ra khỏi bữa tiệc mà cô ta đang tham dự. Tên cô ta là Xuân Đào, một cái tên rất thích hợp với cô ta!
Mã Tông dừng lại. Anh vân vê ria mép của mình và nụ cười của anh càng nở rộng hơn khi anh tiếp tục:
Cô ấy thực sự là một cô gái quyến rũ nhất mà tôi từng biết, tôi dường như hoàn toàn hài lòng về cô ấy. Ít nhất cô ấy…
– Thôi đủ rồi – Địch công cắt ngang một cách cáu kỉnh – ta không muốn nghe về những chuyện đam mê của ngươi. Những chuyện đó ngươi nên nói khi chỉ có hai người với nhau. Bây giờ cho ta biết những gì cô ta nói với ngươi về người vũ công đã chết?
Mã Tông có vẻ bị tổn thương. Anh thở dài sau đó nói tiếp với vẻ nhẫn nhục.
– Phải, thưa đại nhân, cô gái Xuân Đào này là người bạn thân của cô kỹ nữ đã chết. Các cô gái đã đến phố Cây Liễu khoảng một năm trước đây, họ gồm bốn cô gái được một tên ma cô đưa đến đây từ kinh đô. Cô ta nói Xuân Đào là cô ta đã rời khỏi quê nhà ở Sơn Tây vì một sự cố đáng tiếc và có lẽ mãi mãi cô không còn cơ hội để quay trở về. Mặc dù một số vị khách đã cố gắng chiếm lấy cảm tình của cô ta nhưng cô lịch sự từ chối tất cả. Ông chủ Sô là người siêng năng nhất trong việc chiếm lấy tình cảm của cô bằng cách tặng cô nhiều món quà đắt tiền, nhưng ông ta không bao giờ có cơ hội.
– Như vậy – Địch công ngắt lời – chúng ta sẽ chú ý điểm này đối với Sô. Tình yêu không được đáp lại thường là một động cơ mạnh mẽ.
– Tuy nhiên – Mã Tông tiếp tục – Xuân Đào tin rằng Hạnh Hoa không phải là một người phụ nữ lạnh lùng, thực tế là cô có một người tình bí mật. Ít nhất mỗi tuần một lần cô xin phép người quản lý ra ngoài để đi mua sắm. Vì cô là một cô gái ngoan ngoãn, biết vâng lời và không hề có ý định bỏ trốn nên người quản lý luôn đồng ý. Cô luôn đi một mình và bạn của cô nói rằng cô đi đến điểm hẹn bí mật. Nhưng cô ta không bao giờ phát hiện ra người tình bí mật đó là ai hoặc nơi cô ấy gặp anh ta, mặc dù không phải là cô ta không cố gắng để tìm hiểu, tôi chắc chắn điều đó!
– Cô ta mỗi lần đi trong bao lâu? – quan án hỏi.
– Cô ấy đi sau khi ăn trưa – Mã Tông trả lời – và quay trở về trước bữa ăn chiều.
– Điều này chứng tỏ cô ta không thể đi ra ngoài phạm vi của thị trấn – Địch công nhận xét – Hãy đi tìm người thư ký của tòa án và tìm ra người có bút danh đó, bác Hồng!
Khi lão Hồng đã đi ra ngoài, một gia nhân bước vào và đưa cho quan án một phong bì lớn dán kín. Địch công mở ra và lấy từ trong đó một bức thư dài đặt trên bàn. Nó có hai bản sao đính kèm. Ông vừa đọc bức thư vừa chậm rãi vuốt ve bộ râu dài của mình. Khi ông vừa đọc xong và dựa lưng vào chiếc ghế thì lão Hồng cũng quay trở lại. Lão Hồng vừa lắc đầu vừa nói:
– Người thư ký của chúng ta khẳng định là không một học giả hay nhà văn nào của thị trấn này sử dụng bút danh ” Trúc Lâm thư sinh”.
– Đó thật là một điều đáng tiếc! – Địch công nói. Sau đó, ông ngồi thẳng lên và chỉ vào bức thư trước mặt nói nhanh – Bây giờ chúng ta có bản báo cáo của người quản lý cô vũ công vừa mới chết. Tên thật của cô ta là Phạm Hồ Y và cô ta được mua cách đây bảy tháng từ một tên ma cô ở kinh đô, đúng như những gì mà Xuân Đào đã nói với Mã Tông. Giá mua là hai miếng vàng.
Gã ma cô nói rằng hắn đã mua cô ta trong một hoàn cảnh bất thường. Cô ta đã đến gặp hắn và đồng ý bán mình với giá một thanh vàng và năm mươi miếng bạc, với điều kiện là cô sẽ được bán lại chỉ tại Hán Dương. Gã ma cô lấy làm lạ khi thấy một cô gái đến giao dịch thỏa thuận với mình thay vì thông qua cha mẹ hay một người trung gian. Nhưng do cô xinh đẹp và có kỹ năng trong ca hát và nhảy múa, gã thấy được mình chắc chắn sẽ kiếm được lợi nhuận nên cảm thấy rất khó khăn để hỏi cô về điều này. Hắn trả tiền cho cô và cô cất giữ số tiền đó cho bản thân cô ta. Tuy nhiên, vì nhà chứa ở phố Cây Liễu là khách hàng thân thiết nên gã ma cô nghĩ rằng tốt hơn nên thông báo cho người quản lý về hoàn cảnh bất thường khi mua cô ta, để không phải chịu trách nhiệm nếu sau này có xảy ra các biến cố gì.
Nói đến đây quan án dừng lại và giận dữ lắc đầu. Sau đó, ông nói tiếp:
– Người quản lý cũng có hỏi cô một vài câu hỏi về thân thế của cô ta nhưng cô từ chối trả lời. Ông nghĩ rằng cô bị cha mẹ đuổi đi vì một mối tình bất hợp pháp. Các chi tiết khác về cuộc sống của cô tại nhà chứa thì giống như những gì Mã Tông đã nghe được từ những cô gái khác. Người quản lý đã ghi chú tên của những người quan tâm đến cô, danh sách gần như đầy đủ tất cả những công dân hàng đầu của Hán Dương chỉ trừ có Lưu Phi Bộ và Hán Dương Hoàng. Người quản lý cũng bảo cô hãy chọn một người trong số đó làm người yêu của mình nhưng cô kiên quyết từ chối. Kể từ khi cô đem lại lợi nhuận lớn cho nhà chứa bằng cách ca hát và nhảy múa, người quản lý chưa bao giờ ép buộc cô.
Bây giờ, trong phần cuối của báo cáo của mình, ông ta nói rằng cô thích làm thơ, viết chữ rất đẹp, vẽ tranh về các loài hoa và chim cũng rất khá. Tuy nhiên, ông nói rằng cô ta không thích cờ vây!
Nói đến đây Địch công dừng lại. Nhìn vào những phụ tá của mình, ông hỏi:
– Bây giờ làm thế nào để giải thích chuyện cô ấy hỏi ta có biết chơi cờ vây và cô ta lại có một tờ giấy với hình bàn cờ trong tay áo?
Mã Tông bối rối gãi đầu. Triệu Thái hỏi:
– Tôi có thể nhìn qua ván cờ được không, thưa đại nhân? Tôi cũng không rành về cờ vây lắm.
Quan án đẩy tờ giấy về phía anh ta. Triệu Thái nghiên cứu ván cờ trong một lúc, sau đó anh nói:
– Đây là một ván cờ hoàn toàn vô nghĩa, thưa đại nhân! Quân trắng hầu như chiếm toàn bộ bàn cờ. Người ta sắp xếp cho quân trắng chặn toàn bộ hướng di chuyển của quân đen, nhưng vị trí của quân đen được sắp xếp không theo một quy luật nào!
Địch công nhíu đôi lông mày. Ông im lặng suy nghĩ trong một lúc lâu.
Ông thức tỉnh bởi ba tiếng chiêng phát ra từ chiếc chiêng đồng lớn treo ở cổng chính. Nó vang dội khắp tòa án, thông báo là phiên tòa buổi sáng sắp sửa bắt đầu.
Quan án bỏ tờ giấy vào ngăn kéo bàn của mình rồi đứng lên với tiếng thở dài. Lão Hồng giúp ông thay bộ quan phục bằng gấm xanh lá cây. Khi ông sửa lại chiếc mũ cánh chuồn màu đen trên đầu, ông nói với ba phụ tá của mình:
– Trước tiên ta sẽ xem xét về vụ giết người trên chiếc thuyền hoa. May mắn thay, không có vụ án nào chờ giải quyết, vì vậy chúng ta có thể tập trung sự chú ý của chúng ta cho vụ giết người khó hiểu này.
Mã Tông vén tấm màn ngăn cách phòng riêng của thẩm phán với công đường xử án. Địch công bước qua và lên bục. Ông ngồi xuống bàn xử án được trải gấm đỏ. Mã Tông và Triệu Thái đứng đằng sau ghế của ông, lão Hồng ngồi vào vị trí của mình ở chiếc bàn bên tay phải của Địch công.
Các bộ đầu đứng thành hai hàng trước công đường, mang theo gậy, roi, xiềng xích và các vật dụng khác. Người thư ký tòa án và trợ lý của ông ta ngồi ở chiếc bàn thấp đặt hai bên công đường, sẵn sàng để ghi lại các thủ tục tố tụng.
Địch công quan sát hành lang của công đường. Ông nhận thấy một đám đông dân chúng đã tụ tập tại đó. Tin tức về vụ giết người trên chiếc thuyền hoa đã lan nhanh khắp thị trấn và dân chúng Hán Dương không muốn bỏ lỡ dịp theo dõi vụ án này. Ở hàng ghế đầu ông nhìn thấy Hán Dương Hoàng, anh em nhà họ Khang cùng hai ông chủ Phan và Sô. Ông tự hỏi tại sao Lưu Phi Bộ và ông Quảng lại vắng mặt, người đội trưởng bộ đầu đã thông báo là tất cả mọi người đều phải có mặt tại tòa án.
Ông đập búa lên bàn và tuyên bố khai mạc phiên tòa. Sau đó ông bắt đầu gọi đọc bản cáo trạng.
Đột nhiên một nhóm người xuất hiện ở lối vào hành lang tòa án. Dẫn đầu là Lưu Phi Bộ, ông này hét lên đầy vẻ kích động:
– Tôi yêu cầu công lý! Tên tội phạm phải bị trừng trị!
Địch công ra hiệu cho đội trưởng. Ông này đi đến gặp những người mới đến và dẫn họ vào trước công đường.
Lưu Phi Bộ và giáo sư Đặng trước công đường
Lưu Phi Bộ quỳ trên nền nhà bằng đá lát. Một người đàn ông trung niên cao gầy mặc chiếc áo dài màu xanh giản dị và đội chiếc nón nhỏ màu đen quỳ bên cạnh ông ta. Bốn người đàn ông khác vẫn đứng bên ngoài hàng rào của các bộ đầu. Địch công nhận ra ông Quảng trong số đó, ba người còn lại thì ông không biết.
– Thưa đại nhân! – Lưu kêu lên – Con gái của tôi đã bị sát hại tàn nhẫn trong đêm tân hôn của nó!
Địch công nhướn mày. Ông nói cộc lốc:
– Người thưa kiện Lưu Phi Bộ phải trình bày mọi việc theo thứ tự. Ta đã biết được tại bữa tiệc trong đêm qua là đám cưới của con gái ngươi được tổ chức vào ngày hôm kia. Tại sao đến bây giờ, hai ngày sau khi đám cưới ngươi mới đến đây báo về cái chết của con gái ngươi tại tòa án này?
– Tất cả là do âm mưu độc ác của tên xấu xa này! – Lưu kêu lên và chỉ vào người đàn ông đang quỳ cạnh ông ta.
– Người dưới công đường mau khai ra tên tuổi và nghề nghiệp! – Địch công ra lệnh cho người đàn ông trung niên đang quỳ cạnh Lưu Phi Bộ.
– Kẻ hèn này – người kia bình tĩnh nói – tên là Đặng Quang Đăng, tiến sĩ văn học. Một tai họa đáng sợ đã xảy ra tại nhà tôi, cướp đi cùng lúc đứa con trai duy nhất của tôi và người vợ mới cưới của nó. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ, người đàn ông tên Lưu Phi Bộ này còn buộc tội tôi phải chịu trách nhiệm về việc đó! Tôi cầu xin đại nhân xem xét nỗi oan này của tôi!
– Thằng khốn trơ tráo! – Lưu Phi Bộ thét lên.
Địch công đập búa lên bàn.
– Người thưa kiện Lưu Phi Bộ! – ông nghiêm khắc nói – không được làm náo loạn công đường! Bổn quan sẽ xem xét trường hợp của ngươi!
Lưu Phi Bộ cố gắng tự chủ lại. Ông ta rõ ràng đang trong trạng thái đau buồn và tức giận, ông như biến thành một người hoàn toàn khác so với buổi tối vừa rồi. Sau một vài phút, ông bắt đầu nói với giọng nói đã bình tĩnh hơn.
– Thượng đế tối cao đã không ban cho tôi một đứa con trai. Đứa con duy nhất của tôi là một đứa con gái, tên của nó là Nguyệt Tiên. Nó đã chứng minh là nó đã đền bù cho tôi việc thiếu đi một đứa con trai. Nó rất quyến rũ, ngọt ngào tuy có đôi chút nóng tính. Khi trưởng thành nó trở thành một thiếu nữ xinh đẹp và thông minh, là niềm vui lớn cho cuộc đời tôi, tôi…
Ông dừng lại và nấc nghẹn vì xúc động. Ông nuốt nước miếng vài lần rồi sau đó nói tiếp với giọng run run.
– Năm ngoái, con gái tôi hỏi xin tôi được tham gia vào một lớp học tư nhân về văn học được vị giáo sư này tổ chức tại nhà cho một nhóm thiếu nữ trẻ. Tôi đồng ý vì cho đến lúc đó con gái tôi chỉ quan tâm chủ yếu đến cưỡi ngựa và săn bắn, và tôi đã hết sức vui mừng khi con gái tôi bây giờ cũng quan tâm đến văn chương. Làm sao tôi có thể thấy trước được những tai họa sẽ xảy ra sau đó? Nguyệt Tiên đã nhìn thấy tại nhà của vị giáo sư người con trai của ông ta, thư sinh Đặng Hồ Bảo và đem lòng yêu anh ta. Tôi muốn tìm hiểu kỹ hơn về gia đình họ Đặng này trước khi đưa ra quyết định nhưng Nguyệt Tiên năn nỉ tôi phải đồng ý hứa hôn và người vợ lớn của tôi, một người phụ nữ ngu ngốc, lại ủng hộ con tôi mặc dù đúng ra bà ta phải tìm hiểu việc này kỹ lưỡng.
Khi đã được tôi đồng ý, một người mai mối được lựa chọn, và việc hôn nhân được đính ước. Sau đó, một người bạn buôn bán của tôi là ông Quan Duy Phong đã cảnh báo với tôi tiến sĩ Đặng là một người đàn ông trụy lạc, người trước đây đã cố gắng trong vô vọng quyến rũ con anh ta thành một công cụ phục vụ cho những ham muốn bệnh hoạn của ông ta. Tôi lập tức hủy bỏ hôn ước. Nhưng sau đó Nguyệt Tiên ngã bệnh và vợ của tôi nói rằng con gái tôi đã si tình và sẽ chết nếu tôi không thay đổi quyết định của mình. Hơn nữa, tiến sĩ Đặng vì không muốn để sổng con mồi của mình đã từ chối việc hủy bỏ hôn ước.
Lưu bắn một cái nhìn độc ác về phía vị giáo sư rồi nói tiếp:
– Vì vậy, mặc dù rất miễn cưỡng nhưng tôi phải chấp nhận tổ chức đám cưới. Ngày hôm đó nến đỏ đã được thắp lên trong căn biệt thự của giáo sư Đặng và cuộc hôn nhân đã được tiến hành trước bàn thờ gia tiên. Lễ cưới có sự tham gia của hơn ba mươi công dân nổi bật nhất tại Hán Dương, bao gồm cả những vị khách có mặt tại buổi tiệc trên chiếc thuyền hoa.
Vào sáng nay vị giáo sư đã chạy đến nhà tôi trong trạnh thái kích động và báo rằng ngày hôm qua Nguyệt Tiên được tìm thấy đã chết trên chiếc giường cưới. Tôi hỏi tại sao ông ta không báo cho tôi ngay lúc đó. Ông trả lời là chú rể, con trai ông, đã biến mất không dấu vết nên ông đang đi tìm kiếm con ông. Tôi hỏi điều gì đã gây ra cái chết cho con gái tôi nhưng ông ta chỉ lầm bầm một số từ khó hiểu. Tôi muốn cùng ông ta đến đó để xem thi thể của con gái tôi nhưng ông ta rất bình tĩnh khi nói thi thể đã được bỏ vào quan tài và đưa đến ngôi chùa phật giáo gần đó!
Địch công ngồi thẳng lên. Ông muốn ngắt lời Lưu nhưng nghĩ lại và quyết định nghe ông ta nói tiếp.
– Một mối nghi ngờ khủng khiếp đã nảy sinh trong tâm trí tôi – Lưu nói tiếp – Tôi vội vàng hỏi qua ý kiến của người hàng xóm của tôi, ông Quảng. Ông ta đồng ý với tôi rằng có thể con gái tôi là nạn nhân của một tội ác ghê tởm. Tôi thông báo cho giáo sư Đặng là tôi sẽ đến tòa án để tố cáo. Ông Quảng đi kêu những người bạn của mình làm nhân chứng. Bây giờ tôi, Lưu Phi Bộ, đang quỳ trước mặt đại nhân và cầu xin ngài trừng trị kẻ tội phạm xấu xa để linh hồn của đứa con gái tội nghiệp của tôi có thể yên nghĩ!
Sau khi nói xong, Lưu dập đầu ba lần dưới nền đá của công đường.
Địch công chậm rãi vuốt ve bộ râu dài của mình. Sau một lúc suy nghĩ ông hỏi:
– Ngươi muốn nói rằng anh chàng họ Đặng đã giết chết vợ mình và sau đó bỏ trốn?
– Tôi xin đại nhân tha lỗi! – Lưu nhanh chóng trả lời – Tôi rất lấy làm tiếc khi không nói rõ ý mình. Anh chàng họ Đặng yếu ớt đó vô tội. Đó chính là người cha dâm dục của anh ta, ông ta mới chính là thủ phạm! Ông ta đã thèm muốn Nguyệt Tiên từ lâu và được kích thích bởi rượu ông ta đã mò vào phòng tân hôn và đặt bàn tay dơ bẩn lên người con gái của tôi, vợ của con trai ông ta. Đứa con gái tội nghiệp của tôi đã tự tử vì xấu hổ và anh chàng Đặng hoảng sợ vì hành vi đồi bại của cha mình đã bỏ chạy trong tuyệt vọng. Sáng hôm sau vị giáo sư độc ác tỉnh dậy và thấy xác chết của con gái tôi. Lo sợ hành vi đê tiện của mình bị phát hiện ông ta đã bỏ xác chết vào quan tài để che giấu sự thật là con tôi tự tử. Vì vậy tôi buộc tội giáo sư Đặng đã cưỡng hiếp và gây ra cái chết của con gái tôi, Nguyệt Tiên.
Địch công bảo người thư lại đọc ra lời buộc tội của ông Lưu như ông đã nói. Lưu đồng ý đó là chính xác như những gì ông ta đã nói và đóng dấu tay vào. Sau đó, quan án nói:
– Bây giờ bị cáo Đặng Nguyên Đăng sẽ cung cấp bằng chứng của mình về những việc đã xảy ra.
– Kẻ hèn này – vị giáo sư bắt đầu bằng một giọng nói nhỏ nhẹ đầy vẻ mô phạm – cầu xin đại nhân tha thứ vì những hành vi không đúng của mình. Tôi muốn nói rằng tôi đã nhận ra mình đã hành động một cách ngu ngốc. Cuộc sống yên tĩnh suốt ngày vùi đầu vào những quyển sách đã làm cho tôi không có khả năng đối phó với một sự kiện khủng khiếp giáng xuống ngôi nhà bất hạnh của tôi. Nhưng tôi dứt khoát bác bỏ cáo buộc về việc tôi có ý định sàm sỡ với đứa con dâu, người vợ của con trai tôi, hay là việc tôi đã cưỡng hiếp cô ta. Sau đây là những việc đã xảy ra trong cái đêm định mệnh đó.
Vị giáo sư dừng lại một chút như để thu thập suy nghĩ của mình sau đó nói tiếp:
– Sáng hôm qua trong lúc tôi đang ăn sáng tại căn nhà mát trong khu vườn của tôi thì người nữ tỳ tên Mẫu Đơn đến và thông báo là cô ta đem bữa ăn sáng đến phòng cho cô dâu, cô ta gõ cửa nhiều lần nhưng không thấy trả lời. Tôi nói là cặp vợ chồng mới cưới không muốn bị quấy rầy và ra lệnh cho cô ta hãy đến đó sau một giờ hoặc lâu hơn.
Sau đó cũng trong buổi sáng ấy, lúc tôi đang tưới hoa thì Mẫu Đơn lại đến và nói với tôi là vẫn không thấy trong phòng có động tĩnh gì. Tôi bắt đầu cảm thấy hơi lo lắng. Tôi tự đi đến căn phòng của con tôi và gõ cửa rất mạnh. Khi vẫn không thấy trả lời tôi liền kêu to tên con tôi và đập cửa mạnh hơn nhưng vẫn không có kết quả.
Sau đó, tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn đã xảy ra. Tôi vội vã đi gặp người hàng xóm và cũng là người bạn của tôi, thương gia bán trà tên Công, và hỏi ý kiến ông ta. Ông ta bảo tôi phải phá cửa ra. Tôi gọi người quản gia của tôi và ông này dùng rìu đập vỡ ổ khóa.
Giáo sư Đặng dừng lại. Ông nuốt nước bọt sau đó nói tiếp bằng giọng nói buồn bã:
– Thân thể trần truồng của Nguyệt Tiên nằm duỗi dài trên giường và nhuốm đầy máu. Con trai của tôi đã biến mất. Tôi vội vã bước đến giường và dùng một cái chăn đắp lên thân thể cô ta. Sau đó tôi nghe nhịp tim của cô ta. Nó đã ngừng đập và tay cô ta lạnh như băng. Cô ta đã chết.
Ông Công lúc đó đã đi gọi đại phu tên Hà, một người sống gần đó và ông này đã tiến hành khám nghiệm tử thi. Ông nói rằng nguyên nhân cái chết là do mất quá nhiều máu sau khi giao hợp. Tôi nghĩ rằng con trai của tôi do quá đau buồn nên đã bỏ trốn. Tôi sợ rằng nó sẽ đi đến một nơi hoang vắng nào đó để tự tử, tôi muốn ra ngoài tìm con trai tôi để ngăn chặn hành động nông nổi đó. Khi đại phu Hà nhận xét là trong thời tiết nóng bức như thế này thi thể rất dễ bị phân hủy cần phải khâm liệm ngay lập tức. Tôi ra lệnh cho gọi một người mai táng đến rửa sạch thi thể và bỏ vào một quan tài tạm thời. Công đề nghị đưa quan tài vào một ngôi chùa phật giáo để chờ an táng. Tôi yêu cầu tất cả mọi người giữ bí mật về cái chết này cho đến khi tôi tìm thấy con trai tôi, còn sống hay đã chết. Sau đó tôi đi tìm kiếm con trai tôi tôi cùng với ông Công và người quản gia.
Toàn bộ ngày hôm qua chúng tôi lang thang trong thị trấn và vùng ngoại ô, hỏi thăm tất cả những người mà chúng tôi gặp nhưng không tìm thấy một manh mối nào dù là nhỏ nhất. Khi chúng tôi quay về nhà, có một người ngư phủ chờ chúng tôi trước cổng. Ông ta đưa cho tôi một chiếc thắt lưng mà ông ta nhặt được khi đang đánh bắt cá trong hồ. Không cần xem tên thêu trên thắt lưng tôi cũng nhận ra đó là của con trai tôi. Cú sốc thứ hai này đã quá sức chịu đựng của tôi làm tôi ngất đi, người quản gia và Công dìu tôi vào giường. Hoàn toàn kiệt sức, tôi ngủ cho đến sáng nay…
Ngay khi tỉnh dậy tôi nhớ đến trách nhiệm của tôi phải báo cho cha cô dâu về việc này. Tôi vội vã chạy đến dinh thự của Lưu và báo cho ông ta tấn thảm kịch đáng sợ này. Thay vì thông cảm với tôi và cùng tôi than vãn về số phận tàn nhẫn đã cướp đi hai người con của chúng tôi thì người đàn ông nhẫn tâm này đã chất lên đầu tôi hàng loạt cáo buộc điên rồ nhất và đe dọa sẽ kiện tôi ra tòa. Tôi cầu xin đại nhân hãy soi xét để công lý được thực hiện với tôi, người trong cùng một ngày đã mất đi đứa con trai duy nhất và đứa con dâu, và bây giờ đang phải đối mặt với những cáo buộc khủng khiếp sẽ làm ô uế danh dự của cả dòng họ!
Sau đó, vị giáo sư dập đầu nhiều lần trên sàn nhà.
Địch công ra dấu cho người thư lại. Ông này đọc to bản ghi chép lòi khai của giáo sư Đặng và giáo sư đóng dấu ngón tay cái của mình vào đó. Sau đó, quan án nói.
– Bây giờ ta sẽ nghe lời khai của các nhân chứng của người khiếu nại và tố cáo. Nhân chứng Quan Duy Phong hãy tiến về phía trước.
Địch công chăm chú quan sát ông ta. Ông nhớ rằng tên của người này đã từng được đề cập đến trong cuộc cãi vã của anh em nhà họ Khang. Quan Duy Phong là một người đàn ông trạc tuổi bốn mươi, da mặt mịn màng và hơi có vẻ xanh xao với một bộ ria mép ngắn màu đen.
Quan nói rằng hai năm trước đây người vợ thứ hai của giáo sư Đặng đã chết. Kể từ khi người vợ đầu tiên và thứ ba của ông ta đã qua đời trước đó và vị giáo sư chỉ còn lại một mình. Ông đã tiếp cận Quan và đưa ra đề nghị lấy con gái Quan làm vợ lẽ. Quan đã phẫn nộ từ chối lời đề nghị đó mà không cần người mai mối. Giáo sư Đặng, vì bị cản trở sự thèm khát của mình, đã lan truyền tin đồn ác ý rằng Quan là một kẻ lừa đảo có các cuộc giao dịch bí mật bất hợp pháp. Do biết được con người xấu xa của giáo sư nên Quan nghĩ mình có nhiệm vụ phải cảnh báo cho Lưu Phi Bộ đừng kết thông gia với một người như thế.
Ngay sau khi Quan Duy Phong nói xong, giáo sư Đặng hét lên giận dữ:
– Tôi cầu xin đại nhân đừng tin vào những lời khai dối trá và phi lý đó. Thật sự thì tôi có nhận xét không hay lắm về Quan Duy Phong. Ngay tại đây tôi không ngần ngại tuyên bố gã đàn ông này là một tên gian lận và lừa đảo. Ngay sau khi người vợ thứ hai của tôi qua đời thì hắn ta mới là người tiếp cận tôi và đề nghị tôi cưới con gái hắn ta như là vợ lẽ. Hắn ta nói rằng kể từ lúc vợ hắn qua đời hắn không thể chăm sóc con gái của mình đúng cách. Rõ ràng hắn ta muốn tống tiền tôi và để ngăn chặn tôi đừng chỉ trích phương pháp kinh doanh của hắn thêm nữa. Nhưng tôi lập tức từ chối lời đề nghị trơ tráo này!
Địch công giận dữ đập búa lên bàn và kêu lên:
– Ta, thẩm phán tại đây đang bị đùa cợt. Rõ ràng một trong hai người đang nói dối trắng trợn. Các ngươi phải biết rằng ta sẽ điều tra kỹ lưỡng về việc này và nếu ai cố gắng đánh lừa ta thì hắn sẽ phải hối tiếc là tại sao mẹ hắn lại sinh ra hắn trên đời!
Giận dữ giật mạnh bộ râu của mình, quan án ra hiệu cho ông chủ Quảng tiến về phía trước.
Lời khai của Quảng chỉ nhấn mạnh thêm cho Lưu Phi Bộ về những vấn đề ông này nêu ra. Nhưng Quảng rất ý tứ khi bày tỏ ý kiến về những giả thuyết tội ác mà Lưu Phi Bộ cáo buộc giáo sư Đặng. Ông nói rằng chỉ muốn giúp cho Lưu Phi Bộ bình tĩnh lại và ông bảo lưu ý kiến của mình về những gì đã thực sự xảy ra trong ngày cưới.
Sau đó, Địch công cho gọi hai người làm chứng của bị cáo. Đầu tiên là thương gia trà tên Công, người này xác nhận lại những điều mà giáo sư Đặng đã nói và nói thêm rằng giáo sư là một người có thói quen tiết kiệm và là một người đáng kính. Khi đại phu Hà quỳ trước công đường, Địch công ra lệnh cho đội trưởng đi gọi nhân viên điều tra của tòa án. Sau đó quan án nghiêm khắc nói với Hà:
– Ngươi, là một đại phu chuyên nghiệp, nên biết rằng trong tất cả các trường hợp tử vong đột ngột thi thể không được khâm liệm trước khi báo cho tòa án và nhân viên điều tra đã kiểm tra xác chết. Ngươi đã làm trái luật pháp và ngươi sẽ bị trừng phạt thích đáng. Bây giờ ngươi, trước sự chứng kiến của nhân viên điều tra, mô tả lại những gì ngươi tìm thấy trên thi thể và kết luận của ngươi về nguyên nhân cái chết!
Đại phu Hà nhanh chóng miêu tả chi tiết các triệu chứng được tìm thấy trên cơ thể cô gái đã chết. Khi ông ta nói xong, Địch công nhìn nhân viên điều tra với vẻ dò hỏi, người này nói:
– Tôi trân trọng báo cáo với đại nhân, mặc dù cái chết của một trinh nữ trong mọi trường hợp được mô tả rất hiếm khi xảy ra nhưng cuốn sách về y học của chúng tôi thực sự cũng có nhắc đến một vài trường hợp trong quá khứ. Không phủ nhận việc cái chết có thể xảy ra sau đó mặc dù thời gian bất tỉnh kéo dài hơn thông thường. Các triệu chứng được mô tả bởi đại phu Hà phù hợp với mọi chi tiết ghi trong sách.
Địch công gật đầu. Sau khi phán quyết phạt tiền nặng đại phu Hà, ông quay về những người có mặt trong công đường và nói:
– Ta lên kế hoạch sáng nay sẽ xem xét vụ án giết người kỹ nữ, nhưng vụ án mới này bắt buộc phải kiểm tra trực tiếp hiện trường phạm tội.
Ông đập búa và tuyên bố bãi đường.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.