Tinh Thần Samurai Trong Thế Giới Phẳng

CHƯƠNG 3: SỰ CỐNG HIẾN



Chúng ta sống bằng những gì chúng ta nhận được. Nhưng chúng ta tạo ra cuộc sống bằng những gì chúng ta cho đi.

– Winston Churchill

Bức tranh tổng thể của cuộc sống là gì? Là bức tranh mà khi nhìn vào, chiến binh nhân từ luôn tự hỏi: “Tôi có thể làm gì để phục vụ con người này, tổ chức này, hoặc đất nước này?”.

Trên thực tế, ý nghĩa phù hợp nhất của từ chiến binh (samurai) là “phục vụ”. Người bình thường hay thắc mắc: “Mình được lợi gì trong việc đó?”. Một doanh nhân bình thường sẽ sống một cuộc sống bình thường; doanh nhân xuất sắc tạo ra nhiều lợi nhuận và luôn chiến thắng trên thương trường. Nhưng đối với những doanh nhân là chiến binh nhân từ, bên cạnh sự thành công vượt bậc, họ còn quyết định chọn cách cống hiến lớn lao cho cộng đồng, đồng nghiệp, nhân viên và cho khách hàng của họ.

Chiến binh nhân từ còn cho tặng những người mà họ có thể không bao giờ gặp gỡ trong đời bằng cách để lại một di sản tích cực. Không chỉ là của cải vật chất mà bản thân họ chính là “món quà sống”. Các chiến binh này ý thức được rằng tất cả những thứ họ đang nắm giữ không chỉ phục vụ cho riêng họ, mà còn mang lại lợi ích cho nhiều người khác nữa. Đó có thể là tiền bạc, thời gian, tài năng và thậm chí là chính cuộc sống của họ. Cho dù ở bất cứ đâu, chiến binh nhân từ vẫn luôn tìm cách để cống hiến.

Đôi lúc họ được hưởng lợi từ việc cho đi, đôi lúc không. Có những thời điểm họ có rất nhiều để cho đi, cũng có khi họ không có gì cả. Bất chấp hoàn cảnh cá nhân thay đổi thế nào, họ vẫn sống với tôn chỉ cống hiến. Năm 1570, trong cuộc chiến nhằm hợp nhất Nhật Bản, trận Anegawa đã diễn ra. Các đạo quân của hai vị tướng vĩ đại nhất lúc bấy giờ là Asakura Yoshikage và Tokugawa Ieyasu đã giao tranh và quân của Asakura bị vây hãm. Để kéo dài thời gian cho Asakura lui binh và chấn chỉnh lực lượng, Makara Jurozaemon, vị tướng cừ khôi nhất của ông, đã đưa ra một lời thách thức với đối phương.

Một trong những vị tướng xuất sắc nhất của Tokugawa đã nhận thách đấu. Makara giành chiến thắng. Một vị tướng giỏi khác của Tokugawa lại đấu với ông. Hết trận đấu này đến trận đấu khác nối tiếp nhau, cuối cùng Makara bị đánh bại và chém đầu. Con trai Makara luôn ở bên cạnh ông trong suốt các trận đấu, trong khi quân của Asakura đã rút hết. Người con sau đó cũng bị chém đầu. Makara đã hy sinh mạng sống của mình để cứu cả đội quân, còn con trai ông cũng dùng chính mạng sống để ủng hộ cha mình. Họ không chỉ giải cứu được đạo quân, mà còn để lại một di sản tinh thần to lớn lưu danh cho đến tận hôm nay – hơn 400 năm sau cái chết anh dũng đó.

Chiến binh nhân từ sẵn sàng hy sinh mạng sống vì một sự nghiệp cao cả hoặc vì những nguyên tắc của bản thân. Người bình thường coi mạng sống là trên hết; họ muốn sống sót bằng mọi giá. Điều này không ngụ ý rằng chiến binh nhân từ là những người tử vì đạo, chỉ cho đi mà không giữ lại gì. Một số người chấp nhận tư tưởng này. Họ dành toàn bộ thời gian cho con trẻ, cho công việc và cộng đồng, mà không bao giờ để ý đến chính mình. Kết quả là họ kiệt quệ, và không ai được lợi trong chuyện này cả. Có người hiến tặng tiền của cho nhà thờ và cho những lý tưởng khác, nhưng lại không bao giờ đầu tư cho mình. Vì vậy, họ thường không có những khoản tiền lớn dành cho bất cứ công việc gì. Những người tử vì đạo sẵn sàng cho đi tất cả nếu hoàn cảnh yêu cầu, nhưng họ sao nhãng bản thân dưới chiếc áo của lòng cao thượng.

Cho tặng chính mình

Nếu bàn về việc cho tặng thì đâu là sự khác biệt giữa một người tử vì đạo và một chiến binh nhân từ? Sự khác biệt nằm ở nguyên tắc hành động. Chiến binh nhân từ vẫn chăm sóc bản thân, dù cách sống của họ là phục vụ. Với họ, cho tặng chính mình là điều bình thường. Họ không cảm thấy áy náy hay tội lỗi khi đón nhận. Trái lại, những người tử vì đạo thường day dứt trong lòng khi họ đạt được điều gì đó vì mục đích cá nhân, bởi họ tâm niệm rằng điều đó vi phạm tôn chỉ mục đích của họ. Rộng rãi với bản thân giúp bạn có nhiều khả năng giúp đỡ người khác hơn. Thật ra, đó chính là một phần của lối sống thiên về cho tặng, cống hiến. Tuy nhiên, nếu vì lợi ích cá nhân mà trục lợi hay tước đoạt lợi ích của người khác thì hành động đó không được chấp nhận.

Nếu bạn cho tặng tất cả số tiền mà bạn có, bạn sẽ sống bần cùng và không có quỹ dự trữ để tự giúp mình hoặc hỗ trợ người khác trong những tình thế khó khăn. Nếu bạn không dành thời gian để chăm sóc chính mình, bạn sẽ chẳng còn sức lực để mà hy sinh hay cống hiến nữa. Đừng nhầm lẫn điều này với tâm lý ích kỷ; bạn hoàn toàn có thể nghĩ rằng: “Tôi xứng đáng được nhận, cũng như những người khác vậy”. Chiến binh nhân từ cống hiến và hy sinh không ngừng, kể cả khi người nhận là chính mình. Họ trân trọng giá trị và phúc lành mà cuộc sống ban tặng.

Sáu lợi ích của việc cho tặng

Tại sao lại cho tặng? Chọn cách sống của chiến binh nhân từ đồng nghĩa với việc phải cống hiến, dù việc đó thuận lợi hay khó khăn, dù bạn muốn hay không, và bất kể việc đó có mang lại lợi ích cho cá nhân bạn hay không. Điều này có thể không đơn giản. Vì thế, chúng ta hãy xây dựng một mô hình để lý giải tại sao bạn nên cho tặng. Có sáu lợi ích cơ bản như sau:

1. Bạn thấy lòng thanh thản.

2. Khi cho đi, bạn sẽ được nhận lại.

3. Lòng trung thành được vun đắp.

4. Quyền lực của bạn gia tăng.

5. Sự hy sinh thầm lặng khiến sức mạnh nhân lên bội phần.

6. Tinh thần thăng hoa.

Lợi ích đầu tiên của việc cho tặng là mang lại cảm giác tích cực. Tôi học được một “kỹ thuật” của người mà tôi xem là một chiến binh nhân từ thực thụ, Bob Harrison (www.increase. org). Đó là ngoài khoản tiền cần dùng, bạn hãy luôn có thêm một ít tiền nữa trong ví. Bất cứ khi nào nghe thấy lời kêu gọi, bạn liền tặng ngay khoản tiền kia cho người cần đến. Niềm vui cuộc sống nằm ngay trong cử chỉ cho tặng ấy.

Lợi ích thứ hai của việc cho tặng nằm trong những gì bạn sẽ nhận về. Đó là quy luật – không phải quy luật xã hội mà là một quy luật giống như luật vạn vật hấp dẫn vậy. Không thể cho đi mà không được nhận lại gì. Người nông dân rất hiểu điều này; họ gieo hạt giống vào lòng đất và kỳ vọng một vụ mùa bội thu. Các công ty đáp ứng nhu cầu khách hàng và đạt được lợi nhuận trong kinh doanh nhờ những khách hàng trung thành đó. Hãng Nordstrom nổi tiếng về dịch vụ của mình: nhân viên bán hàng không ngại dẫn bạn đi khắp cửa hàng, giúp bạn tìm đúng loại hàng mà bạn muốn mua và đối đãi với bạn như thượng khách. Tương tự, Starbucks cũng tạo được uy tín nhờ dịch vụ đặc biệt. Nhân viên của hệ thống cửa hàng cà phê này thuộc tên những vị khách quen và còn nhớ cả thức uống mà họ ưa thích.

Một số người vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của việc cho tặng. Họ mong chờ người nhận đền đáp sự hy sinh hay cống hiến của họ. Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Sự đền đáp có thể đến từ một người khác, hoặc thậm chí từ một nơi khác. Những người bình thường khi cảm thấy bị công ty khai thác quá mức hay xao lãng công việc và tự nhủ: “Mình có được trả lương để làm việc vất vả thế này đâu!”. Chiến binh nhân từ không bao giờ hành động như vậy mà vẫn tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho công ty, bởi họ hiểu rằng chính nỗ lực đó sẽ mở ra muôn vàn cơ hội đưa họ đến với những tổ chức tốt đẹp hơn, nơi có công việc thú vị và mức lương hấp dẫn hơn.

Lợi ích thứ ba của việc cho tặng là bạn sẽ nhận được lòng trung thành. Ví dụ, nếu bạn cho nhân viên cấp dưới cơ hội, sự chở che hay dìu dắt, nâng đỡ, họ sẽ rất trung thành với bạn. Khi bạn giúp đỡ một người nào đó thì theo bản năng, người đó tin rằng họ đang nợ bạn, và món nợ đó thường là sự trung thành.

Lợi ích thứ tư bạn có thể nhận được chính là quyền lực. Đặc biệt là nếu bạn cống hiến một cách thầm lặng, bạn sẽ thật sự có quyền lực. Mọi người sẽ vô cùng cảm kích khi phát hiện ra bạn chính là người làm điều đó. Để hiểu thêm về khái niệm thú vị này, hãy tìm đọc quyển The Magnificent Obsession (Sự ám ảnh lạ thường) của Lloyd C. Douglas, hoặc xem bộ phim cùng tên với diễn xuất của Rock Hudson và Jane Wyman.

Con người thể hiện quyền lực không phải dựa vào khối lượng những gì họ tích lũy, mà bằng mức độ những cống hiến họ mang lại cho đời.

Lợi ích thứ năm là khi bạn cho tặng mà không màng đến sự đền đáp hay công nhận, một điều kỳ diệu sẽ xảy ra – bạn nhận thấy mình có quyền lực hoặc sức ảnh hưởng không sao lý giải nổi. Mọi người thể hiện quyền lực không phải dựa vào khối lượng những gì họ tích lũy được, mà bằng mức độ những cống hiến họ mang lại cho đời. Cống hiến thực ra là tự phục vụ. Hầu hết mọi người trưởng thành đều nghĩ rằng chúng ta đang sống trong một thế giới “cá lớn nuốt cá bé”, và nếu không tự lo cho bản thân thì sẽ chẳng có ai làm việc đó thay mình. Quan niệm này chỉ là triết lý mang tính ngắn hạn, nhất thời. Tôi càng cố gắng bao nhiêu để giành lấy “vị trí số 1” đó thì những người xung quanh tôi cũng nỗ lực nhiều bấy nhiêu để vươn tới, để rồi sau đó tôi nhận ra mình đang sống trong một thế giới cạnh tranh, chứ không phải một thế giới đoàn kết để cùng xây dựng những tiềm năng và vận hội tươi sáng.

Lợi ích thứ sáu là lợi ích tinh thần. Hãy quan sát một người lúc nào cũng theo đuổi một niềm tin mà bạn cho là tâm linh. Họ chính là những người biết cho tặng. Hành vi của họ bác bỏ giá trị của thế giới vật chất và tôn thờ năng lực tinh thần của đấng tối cao. Đây là lý do khiến việc đóng thuế thập phân trở thành một thông lệ tuyệt vời. Bạn luôn cảm giác là với việc đóng góp 10% đầu tiên của mọi khoản thu nhập, bạn đang tuyên bố với mọi người rằng tiền bạc không chi phối được bạn.

Nếu bạn trao tặng cho một nơi mà ở đó tinh thần bạn luôn được nuôi dưỡng, thì đó hẳn phải là nơi thật sự quan trọng đối với bạn. Những người bình thường lúc nào cũng bị ám ảnh bởi nỗi lo thiếu thốn. Họ tin mình là cái kho dự trữ mà nếu cho đi thì sẽ chẳng còn lại bao nhiêu… Ngay cả khi bạn không chấp nhận nguyên tắc tinh thần này thì nó vẫn làm gia tăng sự thịnh vượng cho bạn. Và những ai dám cho đi đều có quyền nhận lại những lợi ích ấy.

Sau đây là sự khác biệt cơ bản giữa người bình thường và chiến binh nhân từ: Người bình thường không phải là những người cho tặng hào phóng. Khi họ thật sự cống hiến, động lực chính của họ nằm ở một trong sáu lợi ích nêu trên. Còn chiến binh nhân từ nghĩ đến việc phục vụ trước khi nghĩ đến bản thân. Họ tin rằng cho tặng là việc làm tốt, và tinh thần đó còn cao thượng hơn khi động cơ không nhuốm màu vị kỷ. Chiến binh nhân từ thường làm những điều tốt đẹp cho người khác mà không bao giờ mong được đền đáp.

Không có gì sai trái khi bạn cho tặng và kỳ vọng được đền đáp, bởi đó chỉ đơn thuần là quy luật “gieo hạt và hái quả”. Điều lớn lao hơn là bạn gieo hạt mà không bị chi phối bởi nguồn gốc của những trái ngọt bạn sẽ hái về. Khái niệm này tương tự như một tình yêu cao cả, không vụ lợi. Cái khó ở đây là bạn phải nghĩ về sự cống hiến ở một cấp độ hoàn toàn mới. Những khách hàng mang lại lợi nhuận nhiều hơn bao giờ cũng được ưu tiên phục vụ tốt hơn. Người bình thường có khuynh hướng đặt câu hỏi “làm thế thì tôi được lợi gì chứ?”. Họ chẳng cho đi thứ gì cả, trừ phi họ được nhận lại một thứ khác.

Chiến binh nhân từ biết rằng họ sẽ được nhận lại, nhưng không phải vì điều đó mà họ cho tặng. Họ xem phục vụ người khác là một vinh dự và đặc quyền. Đó là lý do để họ tồn tại. Họ nhận thức rõ ràng mối liên hệ giữa con người với con người và cam kết mang lại sự khác biệt cho người khác. Họ hiểu rằng thân thể họ không phải là con người họ; nó không đồng nghĩa với sự tồn tại của họ. Do đó, họ mong muốn được nhìn vào một bức tranh tổng thể rộng lớn hơn bao trùm lên mọi mặt của đời sống con người.

Đừng cho những gì bạn muốn, hãy tặng những gì người khác cần

Khi người bình thường cân nhắc đến việc cho tặng ai đó, họ thường kéo một bức màn để phủ kín lên tất cả những thứ họ thực sự không muốn từ bỏ và chỉ hé ra những thứ họ muốn cho, và cố gắng giữ lại thật nhiều. Những thứ chúng ta cho là tốt nhất không phải lúc nào cũng có ý nghĩa trong mắt người nhận. Cho đi có nghĩa là hiến tặng những gì mà người khác muốn và cần, chứ không phải là thứ bạn muốn cho đi.

Xét ở một khía cạnh nào đó, đây có thể được xem là lối hành xử ngạo mạn. Cái tôi thường mách bảo rằng chúng ta luôn biết người khác cần gì. Một trong những cách cơ bản nhất để biết những gì mà một người, một cộng đồng hay một tổ chức muốn là hãy hỏi thẳng họ. Chỉ đơn giản vậy thôi. Trong các cuộc hội thảo, tôi đã nghe hàng ngàn người chồng kể rằng họ làm việc cật lực để có tiền mua nhà cửa, sắm quần áo đẹp và mang lại cuộc sống thoải mái cho gia đình. Tuy nhiên, khi bạn lắng nghe lời tâm tình của vợ họ, bạn mới hiểu rằng thà họ sống trong một ngôi nhà nhỏ hoặc ít đi nghỉ mát, còn hơn là chồng họ cứ bận rộn suốt ngày và không có thời gian dành cho con cái.

Nhiều người vợ chăm sóc con cái kỹ lưỡng và giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, ấy vậy mà chồng họ lại ước ao rằng thà phòng khách bừa bộn hoặc cả nhà phải ăn thêm vài bữa bên ngoài, còn hơn vợ họ không còn chút sức lực để thân mật với chồng lúc cuối ngày. Không phải tôi đang cố gắng chuẩn hóa các vai trò ở đây. Điều tôi muốn nói là chúng ta thường cho tặng người khác những gì mà ta nghĩ họ cần, chứ chẳng bao giờ chịu hỏi họ thật sự muốn gì.

Đôi khi, chúng ta dành nhiều thời gian ở công ty để làm thêm những điều ta thích, nhưng điều đó lại không đem lại thêm chút giá trị nào cho công ty. Mọi nỗ lực của chúng ta thật ra chẳng có ích gì, bởi đó không phải là những gì công ty trông đợi. Bạn đã bao giờ hỏi sếp về công việc mà ông muốn bạn giải quyết chưa? Lần gần đây nhất bạn hỏi vợ/ chồng hoặc con cái mình rằng bạn có thể làm gì cho họ là khi nào? Một lần, tôi và con trai Kelly cùng đi nghỉ mát ở Hawaii, nơi tôi đã lên kế hoạch đi câu cá và vô vàn các hoạt động có ý nghĩa khác. Sau đó, tôi phải kìm mình lại để áp dụng nghệ thuật của chiến binh nhân từ và hỏi con xem nó thích chơi những trò gì.

Kelly trả lời rằng nó chỉ ao ước được xem những bộ phim hành động mà mẹ không cho xem. Tôi quyết định sẽ dành một ngày trong kỳ nghỉ đó để xem phim cùng con. Và chúng tôi đã xem hết phim này đến phim khác trong suốt chín giờ liền. Chúng tôi gọi pizza về ăn và thậm chí không ra khỏi phòng. Đến hôm nay, sự việc đó đã trở thành một trong những kỷ niệm thú vị của nó về tình cha con của chúng tôi. Tuy con trai tôi luôn mong được ở bên tôi, nhưng nó không muốn nghe theo sự áp đặt của tôi hoặc làm những điều mà tôi tưởng rằng sẽ mang lại niềm vui cho nó. Lần đó, tôi không những có kỳ nghỉ tuyệt vời với con trai, mà về sau nó cũng nghe lời tôi hơn.

Đôi khi, mọi người yêu cầu bạn làm những điều mà bạn không thích hoặc khiến bạn cảm thấy khó chịu. Ba mươi năm trước, tôi từng tham dự một cuộc hội thảo dành cho nam giới do cố vấn Tom Whilhite hướng dẫn. Thậm chí, tôi còn giúp ông ấy thiết kế một số mục cho chương trình. Trong một hoạt động không thuộc phần thiết kế của tôi, ông đã nhờ chúng tôi bỏ ra vài ngày để đi lấp mấy ổ gà trên đường dẫn tới nông trại của gia đình ông ấy. Chúng tôi đã phải trả 7.500 đô-la để tham dự hội thảo nên chắc bạn có thể đoán ra phần nào phản ứng của chúng tôi. Hơn nữa, chúng tôi biết rằng chỉ sau cơn mưa đầu tiên, những ổ gà mà chúng tôi đã cố gắng lấp đi sẽ xuất hiện trở lại. Chúng tôi cho rằng con đường cần được trải nhựa, chứ không phải đắp sơ sài bằng thứ đất xốp như vậy. Nhưng cả mong muốn lẫn ý nghĩ của chúng tôi đều không thay đổi được tình hình. Quan trọng là phục vụ thầy của tôi và làm cho ông ấy điều ông ấy muốn, bất kể chúng tôi có hiểu lý do hay không.

Mãi sau này tôi mới nhận ra rằng phục vụ là đáp ứng những gì được yêu cầu, chứ không phải những gì bạn thích làm. Bài học đó đã giúp ích tôi rất nhiều trong những năm sau này. Bạn thậm chí không cần hiểu ý nghĩa hoặc giá trị của những việc bạn đang làm. Bạn chỉ cần biết rằng điều đó có ý nghĩa đối với những người khác – đây chính là bản chất của sự cống hiến. Bạn hãy tập hỏi sếp mình xem ông ấy thật sự mong muốn điều gì ở bạn. Hãy hỏi cả vợ/chồng và con bạn, người thân yêu và cả những người xa lạ.

Bạn sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng một số người không hề biết họ thực sự muốn gì. Có người cảm thấy e ngại không muốn nói ra, có người lại nghi ngờ động cơ của bạn, vì họ nghĩ rằng có thể bạn đang muốn lợi dụng họ. Chiến binh nhân từ là những chuyên gia giao tiếp và họ luôn biết cách trò chuyện để mọi người cởi mở nói về những ước mong của mình. Vị thế chuyên gia không đến ngay trong một sớm một chiều; nó đòi hỏi sự luyện tập chuyên cần, do vậy, bạn hãy bắt đầu ngay từ bây giờ.

Tại sao mọi người không thích cho tặng?

Có năm lý do cơ bản giải thích việc mọi người không thích cho tặng:

1. Họ tin rằng mình không có đủ để cho tặng.

2. Họ chỉ nghĩ đến bản thân.

3. Họ cho rằng những người khác không xứng đáng với món quà được trao tặng.

4. Họ nghĩ rằng mình đã cho tặng rồi.

5. Cái tôi nói với họ rằng việc cho tặng thật vớ vẩn, không đáng để làm.

Tâm lý “điều này hoặc điều kia”

Điều trở ngại khiến chúng ta không thể trở thành người cống hiến trọn đời và người có ý nghĩa quan trọng lâu dài chính là kiểu tư duy “điều này hoặc điều kia”, theo cách gọi của Bob Harrison. Niềm tin này chính là cốt lõi của sự thiếu hụt. Tâm lý này thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực tài chính và là một căn bệnh chung của những người bình thường. Họ đã quen nghĩ rằng mình chỉ có thể chọn hoặc lương tâm hoặc tiền bạc, chứ không thể cùng lúc chọn cả hai. Một niềm tin khác cũng thuộc dạng này liên quan đến lĩnh vực tài chính. Họ cho rằng chúng ta phải lựa chọn giữa giàu sang và giá trị, nghĩa là chúng ta chỉ có thể có tiền hoặc một trái tim nhân hậu, chứ không thể có cả hai.

Bản chất của niềm tin tài chính được lý giải như sau: lượng tiền bạc là cố định, và chúng ta chỉ có thể cho bản thân hoặc trao tặng cho người khác, chứ không thể cho cả đôi bên. Những người mang tâm lý này thường tự biện hộ: “Tôi chỉ có thể thành công trong công việc, hoặc chăm sóc gia đình, chứ không thể thực hiện cùng lúc cả hai nghĩa vụ đó”. Hoặc là bạn đúng, hoặc là tôi đúng, nhưng trong hai chúng ta ắt phải có một người sai. Bạn có thời gian để làm việc này hoặc làm việc kia, nhưng không có đủ thời gian để làm cả hai. Tư duy thiếu hụt đó buộc bạn phải ra quyết định dứt khoát để lựa chọn một phương án, bởi bạn không thể thực hiện cả hai một cách trọn vẹn.

Chiến binh nhân từ biết rằng chỉ cần một mình họ là đủ. Tuy bản thân không phải là nguồn của cải, nhưng họ được kết nối với nguồn lực đó, và họ hành động với ý thức rõ ràng rằng mọi thứ luôn dồi dào, phong phú.

Nếu cứ theo lối mòn của kiểu tư duy thiếu hụt như thế thì trên đời này sẽ chẳng bao giờ có đủ tiền bạc, tình yêu, thời gian, người tốt, cơ hội, tương lai, khách hàng hay bất cứ thứ gì khác. Điều này bắt nguồn từ niềm tin rằng con người là không đủ. Chiến binh nhân từ biết rằng chỉ cần mình họ là đủ. Tuy bản thân không phải là nguồn của cải, nhưng họ được kết nối với nguồn lực đó, và họ hành động với ý thức rõ ràng rằng mọi thứ luôn dồi dào phong phú. (Khái niệm này sẽ được thảo luận sâu hơn ở chương nói về sự sung túc). Đây là lý do khiến họ luôn thu hút được mọi người, tìm được các nguồn lực và cơ hội cần thiết.

Ai cũng tưởng rằng họ càng cho đi nhiều thì họ còn lại càng ít. Theo tư duy thiếu hụt, mọi thứ đều hữu hạn, như một cái bánh vậy: Nếu bạn cho đi một miếng, phần bánh còn lại sẽ ít đi. Lập luận này được xem là đúng ở nhiều khía cạnh cuộc sống. Tuy nhiên, tinh thần phục vụ là vô tận và luôn có cách để bạn cho tặng hoặc cống hiến. Có thể nói, bản chất của tư duy thiếu hụt, hay tâm lý “phương án này hoặc phương án kia” là tính vị kỷ, vốn bắt nguồn từ điều mà ta nghĩ là hiện thực và từ con người mà ta nghĩ là hiện thân của mình.

Những câu hỏi này được đưa ra mổ xẻ trong các buổi hội thảo của chúng tôi và phần nào được chi tiết hóa trong những cuốn sách của tôi, như If How-to’s Were Enough, We Would All Be Skinny, Rich & Happy (Chỉ cần biết cách, tất cả chúng ta đều sẽ khỏe mạnh, giàu có và hạnh phúc) và When Good Intentions Run Smack into Reality (Khi những dự định tốt đẹp va chạm với thực tiễn). Vấn đề đó bắt nguồn từ thời điểm chúng ta tin rằng mắt, tai và các giác quan khác của chúng ta xác định được thực tại. Tôi nhìn vào cơ thể mình và biết tôi là nam giới; cơ thể của vợ tôi là nữ giới. Tôi dường như hướng ngoại nhiều hơn, trong khi cô ấy là người hay e thẹn. Tôi đang đi công tác, và lúc này thì cơ thể tôi đang ở Úc, còn cơ thể cô ấy đang ở California.

Nhìn bên ngoài, chúng ta có vẻ tách biệt nhau nên chúng ta nghĩ rằng chúng ta là những thực thể vật chất riêng biệt. Bạn không phải là cơ thể của mình; bạn có một cơ thể – đó là sự khác biệt lớn. Người bình thường nghĩ rằng con người chỉ đơn thuần là một khối xương thịt, và họ cần quan tâm, chăm sóc cho nó. Thế nhưng khi bạn nhận ra bản thân chỉ sở hữu một hình hài trần tục và bạn được kết nối với những người khác trong một thế giới mà bạn không thể trông thấy, bạn sẽ thiên về phục vụ nhiều hơn.

Khi các công ty thuê chúng tôi huấn luyện nhân viên của họ cách làm việc nhóm, họ nghĩ rằng chúng tôi sẽ tạo ra một sự “gắn kết”, kiểu như kết bè vượt sông vậy. Điều đó không sai. Tuy nhiên, nếu nhóm làm việc được xây dựng theo cách chắp nối như thế thì mối gắn kết kia sẽ tan vỡ khi bề mặt thay đổi. Trong kinh doanh, các thành viên tham gia “cuộc chơi” thay đổi liên tục, vì thế chúng ta không thể lấy đó làm chuẩn mực. Tuy nhiên, khi con người thay đổi nhận thức về bản thân, họ có thể tự kết nối với những người khác, bất kể người đó là ai trong nhóm.

Lý do thứ ba ngăn cản người ta trở thành một người cống hiến vĩ đại là họ không cho rằng người khác xứng đáng được nhận điều họ trao tặng. Lối tư duy này cho thấy chúng ta đang cố gắng duy trì một sự cân bằng tổng thể nào đó, giống như cán cân công lý. Điều chiến binh nhân từ hướng tới không phải công lý, mà là sự khoan dung. Công lý là tiếp nhận những điều bạn xứng đáng, trong khi khoan dung là tiếp nhận những điều bạn không xứng đáng.

Điều kiện thứ tư hạn chế cống hiến là người ta cảm thấy dường như họ đã đóng góp rồi. Lập luận này dựa trên giả định rằng chỉ cần một khoản nào đó là đủ, hoặc họ không có khả năng vượt quá một mức độ nào đó, giống như hạn ngạch hàng tháng hoặc hàng năm. Một chiến binh nhân từ ý thức được nhu cầu là vô hạn, và bởi vì bản thân không phải là nguồn của cải nên họ sẵn sàng cho tặng vô hạn định.

Lý do thứ năm thật dễ hiểu nên không cần diễn giải gì thêm. Khi bạn để cái tôi lấn át tinh thần cống hiến thì bạn đã chấp nhận sống cuộc sống của một người bình thường.

Cống hiến không bao giờ thừa

Đôi khi, chiến binh nhân từ cho tặng và cống hiến ở nhiều cấp độ khác nhau. Tại sao? Bởi vì họ quan tâm đến việc cho tặng những gì cần thiết, chứ không xem đó như một hành động nhằm bảo vệ hình tượng của mình. Họ không để cho bản ngã can thiệp vào sứ mệnh phục vụ. Hơn ai hết, họ hiểu rằng nếu họ có địa vị cao trong xã hội thì khả năng phục vụ của họ cũng cao hơn. Microsoft, Wal-Mart, Home Depot và Sears đều trở thành những tổ chức lớn và được xem là mẫu mực trong lĩnh vực phục vụ khách hàng. Đó là một trong những lý do vì sao các công ty này đã lớn mạnh và phát triển thành những “người khổng lồ” như ngày nay.

Ngoài lợi ích tài chính, nhiều “chiến binh” trong kinh doanh nhận ra rằng họ phải hướng về sự phục vụ. Đó là lý do tại sao bạn thấy có những người thành công nhất thế giới luôn ý thức việc phục vụ nhân loại là nghĩa vụ thiêng liêng. Họ không chỉ hiến tặng tiền bạc, tài sản, mà còn cho tặng thời gian và cả tấm lòng mình. Nếu bạn là giám đốc điều hành-chiến binh nhân từ của một tập đoàn lớn, thì bạn vẫn cứ làm giám đốc điều hành trong các ngày làm việc, còn cuối tuần hãy tự nguyện tham gia dọn dẹp vệ sinh quanh những khu nhà ổ chuột trong thành phố.

Cựu Chủ tịch Microsoft Bill Gates dành thời gian giúp đỡ trẻ em châu Phi trong cuộc chiến chống căn bệnh AIDS đang hủy hoại các cộng đồng nơi đây. Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cũng nỗ lực không ngừng để mang lại hy vọng sống cho trẻ em nghèo bệnh tật ở những ngôi làng hẻo lánh tại châu Phi. Ngôi sao truyền hình Oprah Winfrey đã trở thành “mẹ” của hơn 50.000 trẻ em Nam Phi khi bà xây dựng các trung tâm giáo dục, bệnh viện và nhà ở cho những gia đình nghèo túng tại đây. Bono, ngôi sao nhạc rock từng đoạt giải Grammy, cũng cam kết dành trọn khoảng thời gian cuối đời cho các hoạt động nhân đạo. Với họ, không có gì là tầm thường hay thấp kém cả. Phục vụ chính là vinh hạnh. Đó là nét tính cách tiêu biểu mang đậm ý nghĩa của chiến binh nhân từ.

Lần đó, khi Tom, cố vấn của tôi, tổ chức một buổi hội thảo thì Bob, chủ một chuỗi nhà hàng rất lớn, tham gia đội ngũ tình nguyện viên. Tom vừa nói phải đổ rác, Bob ngay lập tức bắt tay vào việc và sau đó còn rửa sạch thùng rác. Sau này, Tom đùa rằng nếu ông không ngăn lại thì có lẽ Bob còn đem cái thùng rác đi mạ vàng cũng nên. Bob không quan tâm đến cái tôi của bản thân; đi đổ rác không phải là chuyện vặt, không xứng tầm.

Anh vẫn tỏ thái độ nghiêm túc khi làm một công việc đơn giản, nhỏ nhặt: chỉ cần nhận thấy nhu cầu là anh đáp ứng ngay. Đó mới là phục vụ, tức là cho tặng điều người khác cần, chứ không phải thứ chúng ta muốn cho đi.

Cho tặng những thứ bạn có rất ít

Chiến binh nhân từ thể hiện sức mạnh thông qua những gì họ đóng góp, chứ không phải những gì họ tích lũy được. Hãy cho đi những thứ bạn có rất ít, chứ không chỉ những thứ bạn đang dồi dào. Người bình thường chỉ hiến tặng những thứ họ dư thừa. Những người không có nhiều tiền của thường nói: “Tôi sẽ cống hiến thời gian hoặc tài năng của mình” như thể điều đó sẽ giúp họ không cần cho tặng tiền bạc nữa. Họ vẫn còn bị chi phối bởi tâm lý thiếu hụt. Nếu bạn cảm thấy khó xoay xở để cho tặng những gì người khác cần, thì đó lại càng là lý do để bạn cho tặng. Hãy xem việc cho tặng như một bộ tạ mà bạn sử dụng để tập luyện: Bạn càng tập những động tác khó khăn, cơ thể bạn càng rắn chắc. Bạn sẽ nâng cao năng lực cống hiến của mình.

Hành vi cho tặng tác động tích cực đến người cho cũng như người nhận.

Làm cách nào để nhận được nhiều hơn nữa thứ bạn muốn? Bạn hãy “gieo hạt” của chính loại quả mà bạn muốn có. Nếu bạn muốn có nhiều thời gian hơn, hãy cho đi một ít thời gian trong ngày. Những người thành công thường có rất ít thời gian để tham gia các hoạt động nhân đạo. Kết quả là họ thường tự hạn chế mình trước những loại hình công việc cần đến sự đóng góp công sức trực tiếp, và họ bù đắp bằng cách hiến tặng tiền bạc. Nhưng như thế nghĩa là họ chưa thực sự cống hiến hết mình. Họ cần cho đi những gì mà họ có ít, chứ không chỉ những thứ mà họ có dồi dào.

Nếu bạn có một trái tim vàng, hãy cho đi một phần trái tim mình. Hãy trao cho mọi người cơ hội chia sẻ tâm hồn, sự yếu mềm hoặc tình thân ái, bởi đó cũng có thể là những món quà tuyệt vời. Đôi khi, tiếp nhận chính là món quà quý giá nhất mà bạn có thể cho tặng. Cách cho tặng này mang ý nghĩa bao quát hơn cách cho tặng truyền thống. Chẳng hạn, khi cha tôi cho phép tôi giúp ông thì đó chính là điều to lớn nhất mà ông có thể làm cho tôi. Ông không cần làm bất cứ điều gì, nhưng việc để tôi được giúp ông cũng đã mang lại lợi ích cho tôi rồi. Ông đã làm quá nhiều điều cho tôi trong suốt bao năm qua, và giờ tôi chỉ muốn đền đáp tình yêu thương đó. Một số bậc cha mẹ xem việc tiếp nhận như biểu hiện của sự yếu đuối nên họ không cho phép con cái cho tặng lại họ bất cứ điều gì. Và điều đó thật đáng hổ thẹn.

Từ bỏ để đi lên

Mỗi tầng lớp xã hội có những khó khăn và thách thức khác nhau xoay quanh chuyện cho tặng. Nói chung, tôi cho rằng tầng lớp trung lưu thường cảm thấy thoải mái mà không cần phải nỗ lực nhiều. Người ta chỉ ích kỷ theo đuổi những mục tiêu tầm thường. Nếu chúng ta thấy mình đã sung túc và không nỗ lực vì những điều lớn lao hơn, có nghĩa là chúng ta chỉ đang chăm lo cho tình trạng của mình chứ không phải là chăm lo cho những người khác. Chúng ta đã ưu tiên sự thịnh vượng của bản thân hơn khả năng cống hiến cho người khác. Nếu bạn nhìn thấy một đứa trẻ sắp chết đói nhưng không thể cung cấp thực phẩm cho nó, thì tất cả những gì bạn làm được chỉ là thương hại đứa bé. Đây chính là tình trạng chung của những người bình thường.

Chiến binh nhân từ không ngừng nâng cao năng lực cống hiến để ngày càng cho tặng được nhiều hơn. Trong quyển Why We Want You to Be Rich (Tại sao chúng tôi muốn bạn giàu có), các tác giả Robert Kiyosaki và Donald Trump đã thảo luận một cách toàn diện kết quả thoái trào của tầng lớp trung lưu Mỹ trong thập kỷ tới. Họ cho rằng sẽ có hai giai cấp: người giàu và người nghèo. Họ nhận định rằng con người rơi vào giai cấp nào là do tự mình lựa chọn. Muốn bổ túc cho mình ngôn ngữ tài chính hay không cũng là do bạn tự quyết định. Người nghèo sẽ vẫn nghèo, trừ phi họ phát hiện ra tài năng thiên bẩm của mình và nhận ra rằng không ai buộc họ sống trong tình trạng khốn khó như vậy; đó không phải là sự cao quý về mặt tâm linh. Người giàu luôn thịnh vượng bởi họ biết áp dụng và tinh thông khoa học về sự giàu có. Họ hiểu các quy luật chi phối sự thịnh vượng và vận dụng sự sáng tạo để làm ra của cải vật chất.

Chiến binh nhân từ dùng tiền như một công cụ để đóng góp và tạo ra sự khác biệt. Tuy ảnh hưởng đến việc hoàn thành mục đích trong cuộc sống của họ, nhưng nó chỉ là phương tiện để làm cho cuộc sống của họ thêm trọn vẹn. Một số người cứ khư khư giữ chặt của cải, bởi vì họ cảm thấy tiền bạc sẽ đảm bảo cho cuộc sống của họ. Có người giữ tiền vì sợ họ sẽ bị nghèo đi, trong khi một số khác tin rằng dành dụm tích trữ là con đường dẫn đến sự giàu có.

Tôi không có ý nói rằng những người thuộc tầng lớp trung lưu không chịu cho tặng hay cống hiến. Báo cáo Thường niên của Mỹ năm 2000 (Báo cáo chu kỳ 10 năm) đưa ra một thống kê khá thú vị: có 200 tỷ đô-la được trao tặng cho các tổ chức phi lợi nhuận. Trong số đó, 5% từ các tập đoàn lớn, 7% từ các quỹ từ thiện và 88% là từ các cá nhân. Trong khoản tiền nhận được từ các cá nhân, 75% là từ những người có thu nhập dưới 150.000 đô-la/năm.

Nhà lãnh đạo giỏi luôn chọn người kế nhiệm giỏi hơn mình.

Đôi khi, chúng ta phải tạm xóa bỏ quyền lực để phát triển tổ chức. Nhiều lúc, để tham gia vào đội ngũ quản lý, chúng ta phải nhường vị trí “ngôi sao” cho người khác. Cho tặng không có nghĩa là bạn đánh mất đi cái gì đó, mặc dù đây là cách mà người bình thường vẫn hay nhìn nhận. Điểm nổi bật ở người lãnh đạo giỏi là truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho lớp người sau; một người lãnh đạo giỏi luôn tìm kiếm và đào tạo người giỏi hơn để thay thế mình. Còn người bình thường chỉ lo tích lũy kỹ năng và thông tin nhằm trở thành người duy nhất “biết làm việc”, nhưng trong quá trình đó, họ dần dần đánh mất công việc của mình.

Chiến binh nhân từ định hình thực tế bằng tầm nhìn của mình.

Người bình thường đóng khung tầm nhìn của mình theo thực tế.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.