Tinh Thần Samurai Trong Thế Giới Phẳng

CHƯƠNG 8: SỰ SUNG TÚC



Bạn không thể cam chịu sự nghèo khổ.

– Khuyết danh

Những quyển sách viết về sự thịnh vượng thường không xếp những chương về tiền bạc và sung túc lên phía trước. Lý do cũng dễ đoán thôi: Để hiểu rõ sự sung túc, bạn cần được trang bị một số kiến thức nền tảng. Độc giả hay bỏ qua những chương khác và đi thẳng đến chương mà họ tin rằng sẽ giải phóng họ khỏi chốn giam cầm của nợ nần và nghèo khổ. Trên thực tế, lý do họ mắc cảnh nợ nần trước hết là vì họ đã tiếp cận cuộc sống của mình cũng giống như cách mà họ đọc những quyển sách ấy – họ đã bỏ qua những bước chuẩn bị cần thiết.

Sẵn sàng trả giá

Một trong những yếu tố đầu tiên trong tư duy về sự sung túc là bạn phải sẵn sàng trả giá. Không có bữa ăn nào miễn phí cả. Tất nhiên có những cách làm việc hiệu quả hơn, nhưng chiến binh nhân từ sẵn sàng đầu tư thời gian, tiền bạc, công sức và thậm chí cả thất bại để thực hiện ước mơ. Người bình thường, do nôn nóng tìm kiếm những phương thức dễ dàng nên thường đốt cháy giai đoạn. Họ lờ đi những thông tin quan trọng mà không nhận thức được rằng cần phải đứng thật vững ở nấc thang này mới có thể vươn lên nấc thang kế tiếp. Của cải cũng không đến trong chớp mắt, mà được tích lũy theo thời gian.

Những người bình thường hay bỏ qua khoảng giai đoạn học hỏi. Quản lý một doanh nghiệp nhỏ với thu nhập khiêm tốn sẽ cho bạn những bài học quý giá về dòng tiền mặt, hoạch định nhân sự, duy trì môi trường văn hóa kinh doanh, trong khi số lượng nhân viên không ngừng gia tăng. Một trong những khoảng thời gian đào tạo tuyệt nhất mà tôi từng trải qua với vai trò người tổ chức sự kiện là khi tôi xung phong giúp Tom, cố vấn của tôi, tiếp thị cho các buổi hội thảo của ông.

Tôi không chỉ đơn thuần học những kỹ năng thuyết trình hoặc nội dung của bài thuyết trình. Tôi còn gặp gỡ và học cách giao tiếp với những người khó tính nhất, những người chưa bao giờ nghe đến những buổi hội thảo của Tom và những người cảm thấy như bị ép buộc phải nghe những thông tin tôi đang trình bày. Tôi đã học được cách xử lý những tình huống bất lợi, chẳng hạn như khi một em bé thét to giữa lúc tôi đang nói. Tôi cũng học được cách dự đoán và phòng tránh các vấn đề phát sinh. Tôi không được trả lương khi làm công việc này, nhưng những gì tôi học được là những kinh nghiệm mà tôi đã áp dụng hàng ngàn lần trong sự nghiệp tổ chức sự kiện của mình sau này. Từ nhiều năm trước, tôi đã sẵn sàng trả giá để có thể đứng ở vị trí ngày hôm nay.

Hãy tìm hiểu cái được và mất rồi sau đó quyết định xem liệu có đáng đánh đổi không. Nếu cái giá phải trả là xứng đáng thì bạn hãy sẵn sàng chịu hao tổn thời gian, tiền bạc, thậm chí công sức để có được thứ mình mong muốn.

“Đừng bước qua đồng một đô-la để nhặt đồng mười xu”. Câu ngạn ngữ này thể hiện một kiểu đi giật lùi, xét về khái niệm sung túc. Người có tư duy rộng mở không ngại cho đi để nhận lại nhiều hơn. Tôi từng nghe nhiều người phàn nàn về mức thù lao họ phải chi trả cho nhà tư vấn tài chính. Các nhà tư vấn có thể đòi lệ phí lên đến 4.000 – 5.000 đô-la. Thỉnh thoảng, cũng có người chưa tham dự các buổi hội thảo của chúng tôi đã nhận xét rằng những buổi hội thảo, sách hoặc đĩa của chúng tôi quá đắt.

Vậy lệ phí của những nhà tư vấn tài chính hoặc của những buổi hội thảo của chúng tôi có quá đắt thật không? Câu trả lời tùy thuộc vào những gì bạn nhận được từ khoản đầu tư của mình. Đó là một trong những lý do chúng tôi luôn đánh giá kết quả hội thảo và công bố chúng trên trang web của công ty mình. Ví dụ, khóa hội thảo Hoàn thiện bản thân cuối tuần của chúng tôi có giá từ 500 – 900 đô-la. Dựa trên kết quả của các cuộc khảo sát, một người kinh doanh tại nhà hoặc bán hàng trực tuyến, sau khi tham dự hội thảo của chúng tôi, trung bình có thể tăng thu nhập mỗi tháng thêm 352 đô-la. Như vậy trong vòng một năm, khoản thu nhập phụ trội sẽ là 4.224 đô-la, trong khi họ chỉ đầu tư có 500 – 900 đô-la, tức là tỷ suất lợi nhuận tương đương 500 – 1.000%.

Một chiến binh nhân từ không ngồi đếm từng đồng xu khi họ có thể đếm những tờ giấy bạc 100 đô-la. Một chiến binh nhân từ sẵn sàng trả tiền cho các chuyên gia tư vấn tài chính, nhà chiến lược thuế, môi giới bất động sản, chuyên gia dinh dưỡng, huấn luyện viên sức khỏe, hoặc chuyên gia gây dựng quan hệ – là những người có thể thực sự tạo ra sự khác biệt trong mọi lĩnh vực cuộc sống của họ.

Để có cuộc sống sung túc, trước hết bạn phải nghĩ về sự sung túc.

Muốn có cuộc sống sung túc, trước hết bạn phải nghĩ về sự sung túc. Nếu hình ảnh của sự sung túc chưa bao giờ hình thành trong đầu bạn, chắc bạn sẽ không bao giờ giàu có được. Vì thế, nếu bạn đã lướt qua những chương trước, hãy quay lại và đọc từ đầu. Hãy đọc phần Giới thiệu. Còn nếu bạn đã đọc tất cả những chương trước để đến được đây thì bạn có thể đọc tiếp. Bây giờ hãy chuyển sang phần kế tiếp và chuẩn bị tinh thần để đón nhận sự sung túc.

Tâm lý thiếu hụt

Hãy cùng tìm hiểu sự sung túc từ khái niệm ngược lại: tâm lý thiếu hụt. Thiếu hụt là tình trạng không bao giờ có cảm giác đầy đủ. Người bình thường sẽ nhìn bảy tỷ người trên hành tinh này và nghĩ: Mình chỉ là một người bình thường thôi. Mình không hề đầy đủ!

Sau đó, những kinh nghiệm từng trải qua trong cuộc sống khiến họ cảm nhận điều này rõ ràng hơn. Có người ở trường học không giỏi, hoặc có người không thể kết bạn với ai, hay không thể ngăn cha mẹ mình ly hôn. Rồi họ bắt đầu nhìn ra xung quanh và nghĩ:

• Mình không có đủ khách hàng.

• Trên đời này không có đủ đàn ông (hay phụ nữ) tốt.

• Mình không có đủ thời gian.

• Mình không có đủ tiền bạc.

• Mình không được yêu thương trọn vẹn.

• Mình không có đủ…

Người bình thường nghĩ rằng sự sung túc là một khoản thu nhập hoặc giá trị ròng. Một số nhà triết học lớn, ví dụ như Buckminster Fuller[3], thì định nghĩa sự sung túc là số ngày mà bạn có thể sống mà không cần làm việc nhưng vẫn duy trì được phong cách sống của mình. Đây là những định nghĩa hay. Còn định nghĩa của chúng tôi dùng phương pháp tiếp cận bản chất vấn đề, theo đó tính đầy đủ và trọn vẹn không phụ thuộc vào những yếu tố khách quan. Hãy khắc ghi điều đó vào tâm trí. Đó chính là định nghĩa của chúng tôi về sự sung túc. Nó rất khác biệt so với cách định nghĩa khác của hầu hết mọi người.

Sung túc là tình trạng đầy đủ và trọn vẹn mà không phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài.

Từ khi chào đời, bạn đã nhận được đầy đủ và trọn vẹn sự sung túc đó. Hơn nữa, khái niệm đầy đủ và trọn vẹn phụ thuộc hoàn toàn vào nội lực của bạn, chứ không phải bất cứ yếu tố nào khác. Nếu bạn không có những phẩm chất tốt đẹp, bạn buộc phải chứng tỏ giá trị bản thân bằng cách nỗ lực ở những lĩnh vực khác. Trên thực tế, đó chính là cái đích mà những người bình thường muốn vươn tới nhằm được công nhận – như thông qua bạn bè, danh hiệu, công việc và sự giàu có về vật chất.

Bạn có để ý thấy nhiều người lúc nào cũng lo tích lũy tài sản nhưng chưa bao giờ họ cảm thấy hạnh phúc không? Khi người ta cố dùng vật chất để tự thỏa mãn, thì bao nhiêu tài sản cũng không đủ. Họ như con nghiện vậy – cứ tích lũy và tích lũy mãi không thôi. Đó chính là tâm lý thiên về tình trạng thiếu hụt. Tôi biết nhiều người đổi xe hơi mới mỗi năm để bạn bè, hàng xóm và đồng nghiệp nghĩ rằng họ đang làm ăn phát đạt. Đây cũng là tư duy về sự thiếu hụt. Một số người không thể ổn định chỗ ở. Họ liên tục chuyển từ chỗ này sang chỗ kia. Họ không hề phân biệt được sự thỏa mãn với cảm giác “nhiều hơn – tốt hơn – khác biệt”.

Một chiến binh nhân từ hiểu rõ nguồn gốc sự thỏa mãn và quyết định chọn phương pháp “nhiều hơn – tốt hơn – khác biệt” để có thể sáng tạo không ngừng. Họ cũng không màng đến sự công nhận ở khía cạnh này, bởi họ hiểu đó là một trò chơi không có hồi kết. Họ không bao giờ quan tâm đến những gì người khác sở hữu – bản thân sự quan tâm đó đã là dấu hiệu phản ánh tư duy thiếu hụt rồi.

Một ví dụ khác về tâm lý thiếu hụt là một người lúc nào cũng làm việc và không bao giờ nghỉ ngơi một ngày trọn vẹn. Người này tin rằng mình không thể để mất một ngày lương, rằng hệ thống sẽ ngừng hoạt động nếu thiếu anh ta. Họ cứ làm việc liên tục, kiếm được vô khối tiền, nhưng lại không dành thời gian để cùng hưởng thụ với những người thân.

Con người thường bộc lộ tâm lý thiếu hụt theo nhiều kiểu khác nhau, bất kể họ có bao nhiêu tiền. Để tình trạng sung túc có thể tồn tại lâu dài, bạn phải xây dựng nó từ trong ý thức, rồi mới phát triển các mối quan hệ và tài chính. Gần đây, trên trang chủ AOL, tôi đọc được một câu chuyện về người đàn ông trúng số vào năm 2002. Bài báo viết rằng đến 2007, ông ta đã khánh kiệt. Bạn đừng vội cho rằng người đàn ông này chỉ mất khoảng 5 triệu đô-la. Ông ấy đã trúng 315 triệu đô-la vào năm 2002, nhưng chỉ năm năm sau đó, ông ấy lại chẳng còn xu nào. Bạn có thể tự mình tìm hiểu thêm về thông tin này. Ông ấy nói rằng bị mất trộm. Cho dù là thật đi nữa thì tôi dám chắc 315 triệu đô-la không phải là một số tiền nhỏ để ai đó có thể dễ dàng đánh cắp.

Thực tế ở đây là người đàn ông này có tâm lý thiếu hụt. Nếu ông ấy có tâm lý sung túc, hẳn ông ấy đã dùng tài sản đó để tạo ra nhiều của cải hơn nữa. Vì ngay trong suy nghĩ, người đàn ông này cũng chưa bao giờ tính đến cách xử lý số tiền lớn như thế, nên khi nhận số tiền ông ấy không biết phải làm gì. Đây là trường hợp phổ biến với những người trúng xổ số. Do đó, trước hết bạn cần phải thay đổi tư duy tiềm thức và cả tính cách của mình.

Tư duy luôn tạo ra của cải cho cuộc sống của bạn. Và tư duy cũng sẽ hình thành trong bạn những thói quen thích hợp để duy trì sự giàu sang vĩnh cửu.

Bạn hẳn đã nghe câu “Tiền sinh ra tiền”. Châm ngôn đó không phải lúc nào cũng đúng. Chính tư duy về sự sung túc mới tạo ra tiền. Tư duy luôn tạo ra của cải cho cuộc sống của bạn. Và tư duy cũng sẽ hình thành trong bạn những thói quen thích hợp để giúp bạn duy trì sự giàu sang vĩnh cửu. Rõ ràng, người đàn ông trúng số 315 triệu đô-la đã không có tư duy của một triệu phú. Và vì không nghĩ được như triệu phú nên tiền đã nhanh chóng rời bỏ ông ta. Chính suy nghĩ cho rằng bản thân không đầy đủ đã hạ thấp giá trị của người này xuống mức tương đồng với tư duy của ông ta.

Thế còn bạn, tư duy của bạn ra sao? Bạn có vấn đề gì với cuộc sống thịnh vượng của người khác hay không?

Vì ý thức thực tại

Chiến binh nhân từ học được cách chế ngự tiềm thức trước khi tình huống thực tế xảy ra, còn người bình thường luôn cố gắng vượt qua những tình huống đó. Tom đã cho tôi một bài học lớn về cách chế ngự tư duy thiếu hụt trong những thời điểm khó khăn về tài chính. Cuối thập niên 70, công ty tổ chức hội thảo của ông vận hành không được tốt và họ đã lâm vào cảnh nợ nần. Tom kéo tôi ra và bảo: “Chúng ta cần mua một chiếc xe hơi mới. Tôi phải tự nhủ rằng ngay cả khi đang thua lỗ, tôi vẫn đủ sức để xoay chuyển tình thế”. Nhiều khi sự hợp nhất và cắt giảm là cần thiết, nhưng thường thì việc tự rèn luyện để tâm trí không bị cuốn vào thực tại còn hiệu quả hơn nhiều.

Một chiến binh nhân từ sẽ giữ vững tầm nhìn và điều chỉnh thực tế. Còn những người bình thường lại dựa vào thực tế để điều chỉnh tầm nhìn. Tâm trí của bạn chỉ có thể mang lại thành quả ở những lĩnh vực mà bạn tập trung. Nếu bạn cứ lo ngay ngáy về khoản nợ của công ty, chắc bạn sẽ càng mắc nợ nhiều hơn. Niềm tin luôn thay đổi thông qua sự lặp đi lặp lại của một sự việc và cảm xúc có liên quan. Việc sở hữu một chiếc xe Lincoln mới với giá vài trăm đô-la trả dần hàng tháng sẽ không thay đổi được thực tại, nhưng lại thay đổi tư duy của chúng tôi về thực tại.

Ý nghĩ đầu tiên của tôi là: “Liệu nhân viên sẽ nghĩ gì?”. Tôi đã yêu cầu họ tạm giữ lại séc, khoan rút tiền. Tom nói: “Đó là lý do chúng ta không mua hẳn một chiếc Rolls-Royce, mặc dù chúng ta có khả năng chi trả. Tuy nhiên, điều đó vượt quá phạm vi cần thiết và chúng ta sẽ gặp phản kháng mạnh mẽ hơn mức mà tôi muốn xử lý trong thời điểm hiện tại”. Đối với tôi việc mua xe trong khi đang mắc nợ là một điều khó chấp nhận. Nhưng Tom đã xoay chuyển được tình thế và những năm sau này khi công ty đã phát đạt trở lại, ông đã mua một chiếc Rolls-Royce.

Sau việc chiếc xe Lincoln, tôi không bao giờ phàn nàn về bất cứ khoản chi tiêu nào của Tom bởi vì tôi nhận ra rằng nó quan trọng với ông đến mức nào để ông có thể luôn ngẩng cao đầu. Tất cả chúng tôi có việc làm cũng nhờ chiếc xe đó. Việc mua chiếc Lincoln đã thay đổi tư duy của chúng tôi và thật sự mở ra hướng đi thuận lợi cho công ty. Tom đã giải quyết mong muốn có một chiếc xe Lincoln bằng cách nghĩ mình là người giàu có. Vào thời điểm khó khăn đó, ông cần nghĩ như vậy để có thể tiếp tục cố gắng.

Sau này, rất lâu sau khi Tom qua đời, công ty lại rơi vào thời kỳ bấp bênh. Nhiều người không biết có giữ được việc làm hay không. Tôi cũng không biết liệu mình có muốn ở lại không và sẽ làm gì nếu rời công ty. Từ bài học với Tom và chiếc xe Lincoln, tôi đã quyết định mua một chiếc Jaguar đã qua sử dụng nhưng còn rất đẹp. Tôi luôn quả quyết rằng bản thân có khả năng làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp trong mọi hoàn cảnh.

Đối với những người luôn dõi theo bạn, đôi khi điều bạn làm có thể là thiếu hợp lý. Một chiến binh nhân từ không bao giờ lo lắng về điều đó vì họ luôn sống theo những nguyên tắc của chính mình.

Cách thực hành sự sung túc: Đóng thuế thập phân

Đóng thuế thập phân là “tặng” 1/10 thu nhập đầu tiên của bạn cho bất cứ nơi nào bạn nhận được nuôi dưỡng về mặt tâm linh, có thể là nhà thờ, chùa chiền hay đền miếu. Bây giờ, hãy tạm gác khía cạnh tâm linh để bàn về hành động này từ khía cạnh sung túc. Những người bình thường chịu đựng tâm lý thiếu hụt, dẫn đến hành vi bám víu vào những gì mà họ tôn thờ: tiền bạc, thời gian hoặc tài sản. Hãy tưởng tượng rằng mỗi khi nhận được một khoản thu nhập nào đó, bạn lại dành 10% tặng cho nhà thờ, đền chùa mà bạn hay viếng thăm. Có lẽ bạn cũng biết những người không giàu có nhưng vẫn tham gia đóng thuế thập phân. Tôi biết điều này có thể gây ngạc nhiên cho những người không bao giờ thực hiện công việc quyên góp hay hiến tặng. Việc quyên góp là sự khởi đầu và là phương cách tuyệt vời để chống lại tư duy thiếu hụt. Quyên góp cho những hoạt động nhân đạo như Hội Ung thư hay Hội Người nghèo là một nghĩa cử vượt ra khỏi sự trao tặng mang tính tôn giáo. Từ khía cạnh tài chính, tất cả mọi hành động trao tặng, bất kể là trao tặng cho ai, đều có tác dụng chống lại lối tư duy hay tâm lý thiếu hụt.

Trở ngại vô hình đối với sự sung túc: Tiếp nhận

Một trong những chìa khóa mở ra cánh cửa sung túc là khả năng tiếp nhận của bạn. Những người bình thường không có khả năng tiếp nhận một cuộc sống sung túc. Tại sao chứ? Bạn nghĩ rằng tiếp nhận là dễ dàng ư? Không đâu. Hãy tưởng tượng bạn có một cái ly nhỏ và ai đó bắt đầu đổ cả đại dương vào cái ly đó. “Nước của cả đại dương đang được đổ vào ly của bạn” thì sao? Ồ, bạn chỉ có thể giữ lại chỗ nước mà cái ly có thể chứa thôi. Vậy thì bạn cần gia tăng kích thước cái ly của mình.

Một lần nọ, có một mục sư nhờ tôi tư vấn cho ông về tài chính. Tôi hỏi liệu ông ấy có quyên góp 10% thu nhập của mình hay không. Ông cười và nói: “Tất nhiên rồi”. Tôi lại hỏi liệu ông có dùng 10% thu nhập để đầu tư cho bản thân không. Ông nhíu mày tỏ ra không hiểu. “Ông có dành ra 10% tiếp theo để đầu tư vào cổ phiếu, bất động sản hay thứ gì khác với mục đích gia tăng giá trị tài sản ròng của mình không?”. Ông đáp ông không bao giờ có khả năng làm việc đó.

Ông quyên góp cho nhà thờ, trao tặng cho con cái, cho bạn bè, cho cả người lạ, nhưng chưa bao giờ tự trao tặng chính mình. Ông đã không chú ý đến khả năng tiếp nhận của mình. Khi cho tặng bản thân là bạn đang thay đổi tiềm thức của bạn. Bạn sẽ bắt đầu nghĩ rằng mình giàu có hơn, rằng bạn là người có giá trị. Chiến binh nhân từ có khả năng tiếp nhận, bởi vì họ hiểu giá trị bản thân. Người bình thường thì khác – họ không cảm thấy xứng đáng để tiếp nhận từ chính mình.

Khi mua chiếc Jaguar đầu tiên, tôi lái đi mà thấy trong lòng bối rối. Cảm giác bản thân không xứng đáng được hưởng thụ đang chống lại tôi. Khi bạn khen ngợi một người bình thường, người đó sẽ đáp: “Có gì ghê gớm đâu chứ”, còn chiến binh nhân từ thì trả lời: “Cảm ơn bạn!”. Người bình thường hay nhầm lẫn giữa thái độ khiêm tốn với hình ảnh kém cỏi của bản thân. Bạn khiêm tốn tức là bạn hiểu rằng chính cuộc sống mới là nguồn cung cấp, chứ không phải bạn. Đó là nguồn nước vô tận để rót đầy chiếc ly của bạn. Bạn xứng đáng được nhận những điều tốt đẹp hơn. Hãy dành thời gian và tiền bạc cho chính mình. Đó không phải là ích kỷ, nếu bạn biết cân bằng giữa hưởng thụ và sự cống hiến.

Thiết lập hệ thống

Đây là lý do vì sao hệ thống “10-10-80” phát huy tối đa hiệu quả trong lĩnh vực tài chính. Một chiến binh nhân từ sẽ trao tặng 10% đầu tiên từ thu nhập của mình cho nơi nuôi dưỡng tâm linh, 10% tiếp theo dùng để đầu tư, và 80% còn lại được sử dụng để thanh toán tất cả các chi phí, bao gồm thuế, bảo hiểm, tiền tiêu vặt, tiền trả góp mua xe hơi và những khoản khác. Chiến binh nhân từ luôn đảm bảo tăng dần các khoản quyên góp và đầu tư khi họ kinh doanh thuận lợi, cũng như luôn giữ mức cân bằng giữa tỷ lệ hiến tặng và tỷ lệ đầu tư. Vì vậy, họ vẫn luôn cảm thấy cuộc sống đầy đủ và sung túc, kể cả khi nguồn thu nhập giảm đi.

Những hoạt động trao tặng và tiếp nhận một cách hệ thống sẽ kích hoạt sức mạnh của lãi suất kép. Hầu hết mọi người đều quen thuộc với nguyên tắc này, nhưng rất ít người thực hiện hay tuân theo. Nếu mỗi tháng, bạn đều đặn đầu tư 100 đô-la với mức lãi suất 16% thì trong 40 năm bạn sẽ tích lũy được hơn 3 triệu đô-la! Người bình thường có tầm nhìn hạn hẹp nên chỉ nhìn thấy những ích lợi trước mắt. Họ nghĩ rằng 100 đô-la sẽ không thể thay đổi điều gì. Cũng có thể họ nhìn thấy 1.200 đô-la, số tiền tích lũy sau một năm, nhưng vẫn cho rằng khoản tiền ấy chưa đủ để tạo ra một thay đổi nào đó. Người bình thường không hiểu được rằng sức mạnh của lãi suất kép có thể đem về 3 triệu đô-la.

Thời gian cũng tương tự như vậy. Nếu mỗi tuần bạn dành ra năm ngày, mỗi ngày 30 phút để viết văn, bạn có thể trở thành một tác giả nổi bật chỉ trong sáu tháng. Chỉ cần bạn có kỷ luật. Các hệ thống mà bạn áp dụng sẽ cân đối và phát huy hiệu quả của thời gian, tiền bạc và khả năng của bạn – những công cụ có thể tạo ra sự sung túc. Bạn cần áp dụng một hệ thống nếu bạn muốn có một cuộc sống sung túc. Trước hết, sự thịnh vượng không phải là một điều gì quá lớn lao mà chỉ là một nguyên tắc bạn cần tuân thủ. Nếu bạn sống theo nguyên tắc của sự sung túc, bạn sẽ trải nghiệm được sự sung túc.

Có nhiều việc bạn cần làm và chúng phải trở thành một phần tính cách của bạn nếu bạn muốn sống sung túc. Những chiến binh truyền thống luôn sống thanh đạm. Đó không phải là tính keo kiệt. Sự thanh đạm, hoặc đánh giá đúng giá trị của sự vật, là một hệ thống quy tắc tuyệt vời mà bạn có thể áp dụng vào cuộc sống. Khi đó, bạn sẽ đảm bảo không phung phí hoặc chi tiêu quá mức. Lên kế hoạch ngân sách hoặc một kế hoạch phân bổ thu nhập cũng là một hệ thống. Những người bình thường không áp dụng hệ thống nào, hoặc nếu có thì lại không tuân thủ các nguyên tắc trong hệ thống đó. Bất kể kiếm được nhiều tiền hay ít tiền, chiến binh nhân từ luôn lên kế hoạch ngân sách. Đó là một cách tư duy.

Hệ thống sẽ vận hành như một lộ trình để xác định đích đến của bạn. Hệ thống không bó buộc bạn, mà ngược lại giúp bạn luôn linh hoạt. Vậy bạn đã đặt ra những hệ thống để cải thiện cuộc sống của mình chưa?

Luôn tìm kiếm giải pháp

Một chìa khóa khác góp phần đưa bạn tới cuộc sống sung túc là luôn tư duy hướng đến giải pháp. Người bình thường nghĩ về bản thân một cách tích cực, nhưng anh ta lại không chủ động tìm kiếm giải pháp. Khi tôi đang viết chương này, một chuyên viên trang trí nội thất tương đối thành đạt đã tìm đến nhà tôi. Chúng tôi bắt đầu bàn luận về công việc kinh doanh. Tôi đã tặng cô ấy vài quyển sách và cô ấy tỏ ra thích thú. Tôi đề cập đến buổi hội thảo mà chúng tôi sắp tổ chức tại địa phương trong vài tuần tới. Ngay lập tức, cô ấy nói: “Tôi rất muốn đến, nhưng không thể được vì tôi phải làm việc vào ngày thứ Bảy”. Cô ấy có cách suy nghĩ của người bình thường, chứ không phải là tinh thần của một chiến binh nhân từ.

Khi người bình thường tự hỏi: “Mình có thể làm được không?”, tức là họ chỉ xem xét đến những bối cảnh trước mắt. Người phụ nữ ấy chỉ nghĩ đến lịch làm việc nên khi đặt câu hỏi “Mình có thể tham gia không?”, cô ấy đã tự phủ nhận khả năng tham gia. Một người có tư duy sung túc sẽ đặt ra câu hỏi khác. Họ sẽ hỏi: “Tôi có thể làm bằng cách nào?”. Sự biến đổi đơn giản về mặt từ ngữ trong câu hỏi đã tạo nên sự khác biệt lớn. Bạn buộc phải tìm ra một giải pháp để thực hiện mong muốn của mình. Nếu người phụ nữ này đặt câu hỏi “Tôi có thể tham gia bằng cách nào?”, thì trong đầu cô ắt sẽ tự có câu trả lời.

Khi bạn nói “Tôi không biết phải làm thế nào” nghĩa là trong đầu bạn chưa hình thành ý nghĩ về những việc phải làm. Người bình thường luôn trở thành nạn nhân ý thức của chính họ, vì đó là tất cả những gì mà họ nhận biết. Trên thực tế, tiềm thức của bạn có thể giải quyết hàng trăm vấn đề mà ý thức của bạn không thể giải quyết được.

Một chiến binh nhân từ không cần lý luận nhiều. Người bình thường sẽ chọn lý lẽ. Lý lẽ ngự trị trong ý thức và mang một chức năng rất quan trọng, nhưng nó không thể giải quyết vấn đề. Lý lẽ chỉ xem xét hoàn cảnh và quá khứ của bạn. Nhưng tất cả những gì quá khứ thể hiện chỉ là những niềm tin của bạn. Quá khứ không liên quan đến những gì bạn có khả năng thực hiện, bởi vì bạn có thể thay đổi niềm tin của mình.

Có vô vàn cách giải quyết vấn đề và bạn luôn tìm được một cách khả thi nào đó. Tuy nhiên, người bình thường lại vận dụng tư duy thiếu hụt và tin rằng mỗi việc chỉ có một cách giải quyết – mua nhà, bán nhà, thăng chức, nói chuyện với con trẻ… Người bình thường luôn băn khoăn để tìm ra cách duy nhất đó.

Bạn đừng lo lắng như vậy. Lần sau, mỗi khi lúng túng, bạn hãy suy nghĩ như một chiến binh nhân từ, tức là luôn có vô số “lối ra”, dù bạn chưa nhìn thấy chúng ngay. Có thể là sự tham gia của người mà bạn chưa quen. Có thể là số tiền mà bạn không có hoặc bạn chưa nhìn thấy. Cũng có thể là kiến thức mà bạn chưa biết đến. Chiến binh nhân từ luôn tìm kiếm giải pháp bằng cách đặt câu hỏi: “Tôi có thể làm bằng cách nào?”.

Hãy phóng đại tối đa!

Một khi giải pháp luôn có sẵn, vậy bạn sẵn sàng tư duy sâu đến mức nào? Người bình thường suy nghĩ rất hạn hẹp về những điều mắt thấy tai nghe. Một chiến binh nhân từ thường phóng đại những điều mình thấy và nghe, rồi tự hỏi: “Tôi có thể phóng đại lên gấp mười lần bằng cách nào?”.

Một lần nọ, trong một cuộc trao đổi với Tom Schreiter, một người nổi tiếng trong lĩnh vực bán hàng tại nhà, tác giả ăn khách, nhà từ thiện và là một triệu phú, tôi đã hỏi: “Tom, anh là tác giả của nhiều quyển sách bán chạy, và tôi cũng vậy. Thế anh nghĩ sao về sách của tôi?”. Ông ấy hỏi ngược lại tôi:

– Anh bán được bao nhiêu quyển trong các buổi hội thảo?

– Thường khoảng vài trăm quyển.

– Hãy nghĩ cách bán 10.000 quyển đi!

– Làm sao tôi có thể bán được 10.000 quyển một lần được?

– Hãy bắt đầu với tôi.

Và chúng tôi bắt đầu ngay. Chỉ trong hai tháng, tôi đã bán được thêm hai đợt 10.000 quyển cho những người khác! Tôi bắt đầu tìm cách bán sỉ sách cho những người thành đạt, vì thế tôi bán được nhiều đợt 100 quyển. Rõ ràng cơ hội có mặt khắp nơi, chẳng qua tôi tư duy chưa đủ sâu mà thôi.

Bạn tôi Bob Harrison mới thực sự là một chiến binh nhân từ. Ông được mệnh danh là “Tiến sĩ Gia tăng” (Dr. Increase) vì bản chất con người ông và sự hấp dẫn trong cách giảng dạy của ông. Ông mua được căn biệt thự chỉ với giá một đô-la và không cần phải thanh toán thêm khoản nào. Sự thật không đơn giản, nhưng vẫn là sự thật. Bạn có thể tìm hiểu toàn bộ câu chuyện này trên trang web của ông, www.increase.org. Sự việc bắt đầu từ một mẩu quảng cáo mà ông tình cờ đọc được: “Không có đề xuất hợp lý nào bị từ chối cả”. Ông liền nghĩ: Nếu họ không từ chối một đề xuất hợp lý, chưa chắc họ sẽ từ chối một đề xuất không hợp lý!

Ông suy nghĩ rất lâu về điều đó chứ không quan tâm nhiều tới tình hình tài chính của bản thân. Một người bình thường sẽ không bao giờ tìm kiếm những thương vụ khổng lồ, thậm chí không dám mơ đến những khả năng tương tự. Đối với bạn, mức thu nhập gấp đôi hiện nay sẽ có ý nghĩa như thế nào? Bạn cảm thấy thế nào khi huy động được một triệu đô-la để đầu tư cho sự nghiệp mà mình tin tưởng? Bạn thấy thế nào nếu có một công việc mà mỗi sáng bạn đều thấy hứng khởi để đi làm? Bạn có thể chọn ra một ước mơ hiện tại và phóng đại nó lên gấp đôi, gấp mười không?

Suy nghĩ thăng trầm của người bình thường

Chúng ta đã bàn luận khá toàn diện về tư duy thiếu hụt khiến người bình thường cảm thấy khổ sở. Một số người bị ám ảnh quá mức đến nỗi họ chấp nhận sống trong nghèo khổ, bất kể thời cuộc tốt hay xấu. Trong khi đó, chiến binh nhân từ lại luôn có một cuộc sống sung túc. Trên thực tế, trong các giai đoạn suy thoái kinh tế thường xuất hiện nhiều triệu phú hơn là trong thời kỳ hưng thịnh, phồn vinh. Tuy nhiên, đa số mọi người đều trải qua những thăng trầm cùng với khối của cải của mình và ở tất cả các lĩnh vực đời sống.

Hãy bắt đầu từ bất cứ điểm nào trên sơ đồ. Người bình thường nghĩ rằng: Tình hình sẽ khá hơn thôi. Khi sự việc khởi sắc, họ bảo: “Thấy chưa, tôi biết rằng nó sẽ tốt hơn mà”. Khi mọi chuyện khả quan hơn, họ nói: “Thời khắc tốt đẹp đang ở phía trước”. Tiếp theo đó là: “Tôi không thể tưởng tượng được là tình hình có thể tốt hơn”. Đó là khi thành công của họ bắt đầu chững lại. Họ bắt đầu nghĩ: “Những điều tốt đẹp chẳng bao giờ tồn tại mãi mãi. Tất cả những điều tốt đẹp đều phải đến hồi kết thúc”. Thế là thành quả của họ bắt đầu tuột dốc. “Tôi đã biết sự việc không thể cứ tiếp diễn mãi như thế này”. Sự việc bắt đầu trở nên tệ hại. “Ôi, tệ quá, không ổn rồi”. Tình hình vẫn cứ tiếp tục xấu đi. “Thật kinh khủng. Thật không thể tệ hại hơn được nữa”. Họ chạm đến bờ vực thất bại. Khi đó họ nghĩ: “Sự việc không thể cứ thế này mãi. Sẽ phải trở nên tốt hơn thôi”. Và mọi việc lại diễn ra theo trình tự cũ.

Không hề có sự thiếu hụt. Chỉ có dư thừa. Bạn có nhiều hơn mức bạn cần. Luôn có một nguồn cung cấp dồi dào cho tất cả mọi thứ bạn cần!

Tâm lý sung túc thực sự không bao giờ bị lung lay bởi nền kinh tế, tình trạng suy thoái hay lạm phát. Trong thực tế, tâm lý sung túc luôn có căn cứ vững chắc, thậm chí nếu sự sung túc dường như không tồn tại, tôi sẽ tạo ra nó. Chiến binh nhân từ nhận thức rằng vũ trụ này có tài nguyên dư dả cho tất cả mọi người, đủ để làm cho họ hạnh phúc và no đủ. Vì thế, họ chẳng có lý do gì để tham lam hay ganh tị. Nếu bạn không thể kiểm soát tính đố kị khi người khác kiếm được nhiều tiền hơn thì bạn đang có tư duy thiếu hụt đấy.

Chẳng có sự thiếu hụt. Chỉ có sự dư thừa. Bạn có nhiều hơn mức bạn cần. Luôn có một nguồn cung cấp dồi dào cho tất cả mọi thứ bạn cần! Là một chiến binh nhân từ, bạn phải tạo dựng cho mình tư duy sung túc. Điều đó phải tồn tại sâu trong tâm trí bạn để bạn không cần phải băn khoăn lo nghĩ điều gì. Bất kể trong hoàn cảnh nào, sự nghiệp của bạn ở thời điểm thăng hay trầm, hãy luôn nghĩ về sự sung túc.

Hãy chủ động trong cuộc sống. Hãy tìm kiếm và giải quyết những vấn đề mang tính thách thức. Sớm muộn gì thử thách cũng sẽ tìm đến bạn – và đó là khi tất cả những đặc điểm tính cách, bao gồm cả tư duy về sự sung túc, cần được thể hiện.

Chiến binh nhân từ hỏi: “Nếu tôi không chấp nhận rủi ro này thì sao?”

Người bình thường hỏi: “Nhỡ tôi thất bại thì sao?”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.