Tinh Thần Samurai Trong Thế Giới Phẳng

CHƯƠNG 1: CAM KẾT



Cam kết là khả năng tập trung ý chí vào một mục tiêu, một hành động hay một lý tưởng mà ý nghĩa của nó còn quan trọng hơn cả sự sống còn.

– Howard Thurman, Những nguyên tắc tinh thần, 1963.

Vấn đề cam kết thường gợi lên nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Chiến binh nhân từ tin rằng cam kết nghĩa là thực hiện điều mà anh ta nói rằng sẽ thực hiện. Người bình thường cũng tin như vậy, nhưng chỉ… đôi khi, nghĩa là họ sẽ giữ đúng cam kết khi các điều kiện khách quan là tối ưu hoặc thuận lợi để thực hiện lời nói đó. Thực ra, cam kết không phụ thuộc vào bất kỳ điều kiện nào. Chiến binh nhân từ luôn thực hiện cam kết của mình bất kể hoàn cảnh, còn người bình thường chỉ thực hiện những điều họ thích làm.

Các chiến binh trong lịch sử luôn giữ đúng cam kết cho dù phải đánh đổi bằng mạng sống của chính mình. Không phải họ không yêu quý bản thân, nhưng họ biết đặt lời hứa và nguyên tắc lên trên tất cả. Các chiến binh cam kết bảo vệ danh dự, vốn là một trong mười đức tính mà tôi đã nêu trong phần giới thiệu. Nếu một chiến binh bị sát hại vì anh ta bảo vệ nguyên tắc giữ lời hứa thì cái chết của anh ta đáng được tôn vinh. Đối với chiến binh nhân từ, cái chết không phải là điều đáng sợ. Bi kịch lớn nhất của họ là sống một cuộc sống không viên mãn hoặc thiếu nguyên tắc. Những chiến binh trong lịch sử chọn cách tự sát chứ quyết không làm ô danh bản thân hay môn phái.

Tuy nhiên, hầu hết những người bình thường hiện nay đã không còn tôn vinh tư tưởng này. Thậm chí, chúng ta đang sống trong một xã hội có khuynh hướng vận động theo chiều ngược lại. Mục tiêu của tôi, của quyển sách này là thay đổi tư duy phổ biến ấy.

Người bình thường không quan tâm đến việc phải giữ cam kết và giá trị lời nói của họ trở nên rẻ rúng đến mức hầu như ngày nào họ cũng thất hứa. Người bán hàng bình thường sẵn sàng hứa hẹn những điều mà họ không thể thực hiện, nhưng họ vẫn hứa, cốt sao để bán được hàng; những bậc cha mẹ bình thường luôn miệng hứa với con cái rằng họ sẽ dành thời gian chơi với chúng hay đưa chúng đi công viên, và chẳng chút ân hận khi không thực hiện được những lời hứa đó; nhiều người kinh doanh kiểu hộ gia đình đưa ra những lời hứa phi thực tế chỉ nhằm mục đích thu hút khách hàng, và kết quả là uy tín của cả ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Khi trễ hẹn, người bình thường không xem đó là việc phá vỡ một cam kết. Tỷ lệ ly hôn ở mức rất cao. Các vụ bê bối doanh nghiệp thường xuyên trở thành những tin tức được đăng trên trang nhất. Tình bạn thân thiết lâu năm không còn. Các món nợ cá nhân đẩy nhiều công ty đến bờ vực phá sản. Niềm tin bị xói mòn và người ta sợ phải làm ăn với những người chèo kéo họ. Tất cả đều bắt nguồn từ những cam kết bị phá vỡ. Danh sách này có thể kéo dài vô tận, nhưng tôi nghĩ rằng bạn đã nắm được mấu chốt vấn đề: Cam kết là cơ sở của niềm tin và là nền tảng của mọi mối quan hệ. Phá vỡ cam kết đồng nghĩa với việc hủy hoại niềm tin.

Khi niềm tin mất đi, các mối quan hệ chắc chắn sẽ lung lay, gãy đổ. Hơn thế nữa, khi các cam kết không được tôn trọng, quá trình tương tác trong kinh doanh và những mối liên kết lành mạnh giữa các cá nhân cũng bị đảo lộn. Khi một người không giữ lời hứa, những người khác sẽ không muốn làm ăn hoặc thiết lập mối quan hệ cá nhân với anh ta, người phá vỡ cam kết sẽ bị cô lập. Điều này làm thiệt hại vô khối thời gian và tiền bạc, hủy hoại tình bạn, sức khỏe và hầu như tất cả những gì thực sự có ý nghĩa.

Hãy thôi biện hộ – Chỉ nói và làm

Nhiều người viện ra những cái cớ nực cười để biện hộ cho việc họ không muốn cam kết. Bởi lẽ họ chỉ là những người bình thường, thậm chí tầm thường trong cuộc sống. Cam kết là thực hiện những điều chúng ta hứa sẽ làm. Đơn giản thế thôi. Tuy nhiên, những người bình thường cũng có thể chẳng gặp khó khăn gì khi thực hiện những điều đã hứa – vì họ chẳng bao giờ thực sự hứa hẹn một điều gì! Họ không bao giờ cam kết với chính mình.

Có những người không bao giờ chịu viết ra Những quyết tâm trong năm mới. Tại sao họ lại né tránh? Đó là vì họ đã trót đầu tư vào cái mã đẹp đẽ là “người không phá vỡ bất kỳ lời hứa nào”. Họ đang sống một cuộc sống dễ dàng và thoải mái. Tuy nhiên, họ phải trả một cái giá rất đắt là không bao giờ đạt được những điều lớn lao. Họ đang từ bỏ những sức mạnh vốn có của mình, bởi không điều gì có thể trở thành hiện thực nếu không có sự cam kết. Đáng buồn là rất nhiều người thích thú với lối sống này.

Bạn có muốn trở thành một chiến binh nhân từ không? Nếu có, bạn phải đưa ra những cam kết lớn lao và quyết tâm giữ đúng những cam kết đó. Cuộc sống dường như tỷ lệ thuận với tầm vóc của các cam kết cũng như khả năng hoàn thành các cam kết đó. Nếu bạn còn băn khoăn liệu mình có thực hiện nổi các cam kết hay không thì hãy vững tin và thực hành theo tôi. Trước tiên, bạn cần nói ra những điều mình dự định làm. Hãy mạnh dạn bày tỏ, dù trong lòng còn chút e ngại, nhưng dù sao bạn cũng nhất định phải nói ra.

Hàng triệu người hạ quyết tâm vào đêm giao thừa rằng sẽ giảm cân, sẽ xây dựng một mối quan hệ mới, hoặc thậm chí tìm một công việc lương cao hơn, nhưng rồi phần lớn trong số đó không tránh khỏi thất bại. Nguyên nhân là vì họ không phải là những chiến binh nhân từ. Chiến binh nhân từ luôn đạt được kết quả mong muốn và tự tạo động lực hướng đến những mục tiêu cao cả hơn. Ngược lại, cảm giác thất vọng luôn xâm chiếm suy nghĩ của những người bình thường mỗi khi họ không thể thực hiện các quyết tâm trong đêm giao thừa.

Hãy mạnh dạn nói ra những điều bạn dự định làm.

Đừng sợ hãi hay nghi ngại.

Khi không thể giảm cân, không tìm được người phù hợp, không được thăng chức hoặc tăng lương, người bình thường sẽ dễ dàng chấp nhận thất bại và bỏ cuộc. Thay vì thẳng thắn xem xét nguyên nhân tại sao mình không đạt được mục tiêu (là điều mà chiến binh nhân từ sẽ làm), người bình thường lại dùng những lời sáo rỗng để thanh minh cho thất bại đó. Chắc bạn đã từng nghe không ít lời biện hộ như vậy. Thậm chí chính bạn cũng đôi lần nói ra những câu từ này.

• Thật ra tôi không cần đến những thứ đó.

• Tôi không thích có quá nhiều ‘thứ này’.

• Những người muốn có những điều tốt nhất trong cuộc sống chỉ đơn thuần là những người lúc nào cũng nghĩ đến vật chất.

• Chìa khóa đạt đến hạnh phúc là không khát khao điều gì cả.

• Đó là ý Trời.

• Chúng ta không thể vừa sống giàu tình cảm lại vừa đạt được thành công.

• Người giàu thường tham lam và nhẫn tâm.

Xét cho cùng, đây đều là những lời biện hộ cho việc không đạt được mục tiêu, không hiện thực hóa được ước mơ và khước từ trách nhiệm đối với xã hội. Sự tầm thường là đỉnh cao của tính ích kỷ và những lời biện hộ, suy cho cùng, là biểu hiện của sự thiếu trung thực. Chúng ta thử nhìn lại bản thân xem: Đúng là giao thông có tắc nghẽn, nhưng lẽ ra bạn có thể thức dậy sớm hơn. Lẽ ra bạn nên nói với mẹ rằng ngay lúc này bạn không có nhiều thời gian trò chuyện bởi bạn đang phải thực hiện một lời cam kết. Có thể sự thật sẽ không dễ dàng được sếp (hoặc chính bạn) chấp nhận, vì thế bạn đã đưa ra một lời biện hộ.

Sự tầm thường là đỉnh điểm của tính ích kỷ.

Nhìn chung, lời biện hộ nào nghe cũng hợp tình hợp lý. Nhưng dần dà, bạn sẽ trở thành nô lệ của chúng và do đó không thể tận hưởng cảm giác tự do mà các kết quả mang đến. Vince Lombardi, huấn luyện viên bóng bầu dục nổi tiếng của Mỹ, thường nói với các cầu thủ của mình trước mỗi trận đấu: “Sau vài tiếng nữa, tất cả chúng ta sẽ quay trở lại đây, và tất nhiên các bạn sẽ đưa ra những lời biện hộ hoặc mang về những thành tích lớn lao. Các bạn mong muốn điều gì?”. Chẳng phải vô tình mà ông trở thành huấn luyện viên của những đội bóng vô địch giải Super Bowl. Dù có tuyết rơi hoặc tiền vệ giỏi nhất bị gãy tay thì cũng chẳng hề hấn gì – đó chỉ là những lý do biện hộ mà thôi. Các cầu thủ của ông đã trở thành những chiến binh nhân từ và quyết tâm đạt được kết quả tốt nhất, thay vì chỉ đạt mức trung bình và tìm ra những lý do bào chữa thỏa đáng.

Nếu là bạn, bạn sẽ chọn cách nào đây? Người bình thường luôn đưa ra lời biện hộ hợp lý cho hầu hết những thất bại của mình. Họ sẽ được chấp nhận, cảm thông và miễn trách để khỏi phải cố gắng thêm nữa. Nhưng đáng tiếc là điều này cũng đồng nghĩa với việc họ đã từ bỏ sống cuộc đời thật sự có ý nghĩa của một chiến binh nhân từ. Do đó, ngay bây giờ, bạn hãy mạnh dạn cam kết thực hiện những điều có ý nghĩa đối với bản thân, bởi vì bạn sinh ra là để tạo sự khác biệt cho cuộc sống này. Cách duy nhất để nhìn thấy một điều gì đó trở thành hiện thực là hãy đưa ra lời cam kết của chính mình.

Năm 1972, tôi tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point của Mỹ. Khi vừa bước chân vào học viện, chỉ trong năm phút đầu tiên, chúng tôi đã nhận được một bài học quý. Một người thầy đã dạy rằng chúng tôi chỉ có bốn câu trả lời cho bất cứ câu hỏi nào và không được đưa ra bất kỳ câu trả lời nào khác. Chúng tôi chỉ được phép nói:

1. Vâng, thưa sếp.

2. Không, thưa sếp.

3. Thưa sếp, tôi không có gì để biện hộ.

4. Thưa sếp, tôi không hiểu.

Nếu chẳng may đến lớp trễ, tôi chỉ có thể nói một trong bốn câu trên. Dù đó là do tai nạn xe hơi hay do tôi thức dậy trễ, thì câu trả lời duy nhất vẫn là “Thưa sếp, tôi không có gì để biện hộ”. Tôi không biết vì sao phải làm như vậy, nhưng các chỉ huy dạy chúng tôi không được dùng những lời biện hộ. Thậm chí nếu đó là một “lý do chính đáng”, chẳng hạn tôi phải dừng lại để cứu mạng của một người đang bị đột quỵ, thì câu trả lời vẫn là “Thưa sếp, tôi không có gì để biện hộ”.

Điều đó không có nghĩa là chúng ta không có một lựa chọn nào khác. Đôi khi, chiến binh nhân từ cũng sẽ làm như vậy: chọn cứu sống một người và phá vỡ cam kết của mình. Tuy nhiên, họ vẫn không biện hộ. Đơn giản vì họ chịu trách nhiệm với chọn lựa của mình.

Khi đọc đến đây, có lẽ có nhiều độc giả chưa từng được huấn luyện trong quân ngũ sẽ khó hình dung mức độ kỷ luật mà tôi đang nói đến. Giả sử bạn đang được huấn luyện để đạt những điều lớn lao thì việc đưa ra lời biện hộ dù rất hợp tình hợp lý cũng không thể giúp bạn vươn đến ước mơ lớn của đời mình.

Người bình thường sẽ cố gắng hoặc nỗ lực hơn một chút, trong khi chiến binh nhân từ sẽ hoàn thành kết quả một cách xuất sắc, bất kể lý do gì. Hãy học tập ngôn ngữ của chiến binh nhân từ: Dám đưa ra những cam kết lớn lao, đồng thời quyết tâm thực hiện cam kết và không bao giờ biện hộ khi thất bại. Jim Stovall, một chiến binh nhân từ thực thụ, thường tham gia nói chuyện trong các hội thảo Tâm hồn của Chiến binh Nhân từ. Ông là tác giả của quyển sách nổi tiếng thế giới và đã được chuyển thể thành phim, tựa đề Món Quà Vô Giá. Jim sở hữu những kênh truyền hình vệ tinh, được trao giải Emmy – được xem là giải Oscar dành cho thể loại truyền hình, đoạt huy chương vàng Olympic môn cử tạ, nhận giải Doanh nhân Tiêu biểu của năm do Ủy ban Cơ hội Công bằng của Tổng thống trao tặng.

Ông là người duy nhất đoạt giải Người nhân đạo Quốc tế của năm[2] – vinh dự từng được trao cho Mẹ Teresa, nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái ở Ấn Độ đã chăm sóc người nghèo, bệnh tật, trẻ mồ côi, người hấp hối… trong suốt 40 năm. Khi biết về tất cả những thành tựu lớn lao này, chúng ta sẽ khó tin rằng Jim bị mù khi chỉ mới 20 tuổi. Nếu lớn lên ông trở thành một người bình thường và không đạt được một thành quả nào thì cũng là điều dễ hiểu và hoàn toàn chấp nhận được. Ít nhất thì tình trạng khuyết tật của ông vẫn thuyết phục hơn lý do của rất nhiều người khác. Vậy mà ông đã dùng chính hình ảnh của mình để tiếp thêm sức mạnh và tạo ảnh hưởng tích cực đến biết bao người khác. Jim đã chọn cách trở thành một chiến binh nhân từ và cam kết tạo ra sự khác biệt cho bản thân và xã hội. Tôi không hề có ý rằng bạn phải đưa ra những cam kết lớn như mua lại toàn bộ chuỗi khách sạn Four Seasons, hoặc sở hữu các cửa hàng nhượng quyền thương hiệu McDonald’s. Bạn chỉ cần bắt đầu từ điều kiện hiện tại của mình và nỗ lực vươn xa hơn. Có thể bạn sẽ cam kết luôn đúng giờ trong tất cả những khoảng thời gian dành cho công việc hay gia đình. Hay quyết định tham gia các khóa học, tham dự buổi hội thảo cuối tuần để quản lý thời gian và tài chính tốt hơn. Đó cũng có thể là lời tự hứa sẽ hẹn hò với một người khác giới, nếu bạn còn độc thân.

Bạn hoàn toàn có thể bắt đầu dù đang ở trong bất kỳ tình huống nào. Hãy nói ra cam kết của mình và bắt đầu thực hiện từ bước đơn giản nhất. Ngay khi chuyển ý nghĩ thành lời nói cũng là lúc bạn khởi động guồng máy để đưa mình đến với mục tiêu. Bạn không ý thức điều mình đang làm, nhưng chính tiềm thức của bạn đang quyết định kết quả.

Vấn đề mang tính sống còn

“Chỉ có cái chết mới chia lìa chúng ta. Dù giàu sang hay nghèo hèn. Dù đau ốm hay khỏe mạnh…”. Chúng ta vẫn thường nghe những câu tuyên thệ như vậy trong các lễ cưới ở nhà thờ. Chúng thật sự có ý nghĩa gì không? Dựa trên các thống kê về tỷ lệ ly hôn, chúng ta có thể kết luận rằng người bình thường không xem trọng những lời nguyện thề này. Đối với một chiến binh, lời tuyên thệ mang tính sống còn. Bạn đã bao giờ thực hiện một lời cam kết mạnh mẽ đến như vậy chưa? Những chiến binh ấy sống như thể họ không còn có ngày mai và đó chính là nguyên tắc sống của họ. Điều này nghe có vẻ bị nhiều ràng buộc nhưng thật sự lại rất tự do. Khi một người sống và chiến đấu như thể anh ta rồi phải chết thì anh ta sẽ cống hiến hết mình cho hiện tại.

Bạn đã bao giờ nhìn thấy một đấu sĩ như thế chưa? Người đó trở nên dũng mãnh tột cùng và chiến đấu bằng tất cả sức lực vốn có. Ngược lại, khi một người cố gắng níu kéo cuộc sống, anh ta sẽ tìm mọi cách bảo hiểm cho những rủi ro. Dù trong hôn nhân, kinh doanh hay bất cứ lĩnh vực nào, người bình thường sẽ đặt một chân lên cần đạp ga, chân kia lên đế thắng để đề phòng trường hợp bất trắc. Họ cố gắng ôm giữ những gì đang có và đó là một trong những nguyên nhân khiến họ trở nên tầm thường. Nếu một người không sẵn sàng hy sinh bản thân vì một lý tưởng nào đó thì người đó cũng không xứng đáng được sống.

• Bạn sẵn sàng hy sinh vì điều gì?

• Liệt kê những giá trị mà bạn tin tưởng tuyệt đối đến mức có thể từ bỏ mọi thứ để bảo toàn những giá trị ấy?

• Ngay lúc này đây, bạn có nghĩ đến điều gì đáng để mình phải hy sinh?

• Bạn thật sự dám thể hiện đến mức độ nào nhằm chứng tỏ sự cống hiến hết mình cho mục đích thiết tha nhất trong trái tim?

Khi đặt các câu hỏi này, tôi liên tưởng đến những con người đã quyết tâm thực hiện cam kết để bảo vệ niềm tin. Một trong những người mà tôi kính trọng nhất là Martin Luther King, Jr., vị lãnh tụ vĩ đại nhất của phong trào nhân quyền ở Mỹ. Ông có một người vợ xinh đẹp, bốn đứa con ngoan và là mục sư của nhà thờ Ebenezer Baptist ở Atlanta, Georgia. Dù chịu khá nhiều mất mát, nhưng ông vẫn luôn chiến đấu bằng tinh thần cam kết của một chiến binh nhân từ.

Tôi không để lại tiền của. Tôi không để lại cho đời những thứ xa hoa đẹp đẽ. Tôi chỉ muốn để lại một cuộc đời đã cống hiến hết mình.

– Martin Luther King, Jr.

Điều này không có nghĩa rằng chiến binh nhân từ phải từ bỏ cuộc sống của mình; mà đơn giản là họ sẵn sàng từ bỏ những điều mà một người bình thường quý trọng. Nelson Mandela là một chiến binh nhân từ điển hình. Ông đã kiên cường trải qua 27 năm biệt giam ở nhà tù Nam Phi để thực hiện ước mơ lớn nhất của cuộc đời là giải phóng đất nước. Warren Buffett, một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất của thời đại chúng ta, cũng là một chiến binh nhân từ. Ông không từ chối sự giàu sang tột đỉnh, nhưng ông cũng thể hiện mạnh mẽ cam kết đối với những giá trị sống của bản thân thông qua quyết định cho tặng gần như toàn bộ gia sản của mình, trị giá hàng chục tỉ đô-la, để tạo nên sự thay đổi cho nhân loại.

Tuy nhiên, có những cam kết dù kiên định nhưng không tạo nên phẩm chất của một chiến binh nhân từ. Hãy xem những tên khủng bố đã thể hiện sự cam kết ra sao vào cái ngày chết chóc 11/9/2001 khi chúng cướp những chiếc máy bay thương mại rồi lao thẳng vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc, làm chết hàng ngàn người. Quyết tâm của bọn chúng quả là khó tin. Nỗ lực ấy đã thất bại khi chúng cố phá hủy Trung tâm Thương mại Thế giới vào năm 1993, tám năm trước khi chúng tấn công lần thứ hai khiến nó sụp đổ hoàn toàn. Một cam kết kéo dài đến tám năm. Những tên khủng bố sẵn sàng hy sinh tính mạng cho niềm tin của mình. Nhưng chúng không bao giờ được xem là những chiến binh nhân từ bởi chúng thiếu phẩm chất quan trọng nhất: phụng sự cộng đồng.

Ý nghĩa của những điều khiến một số người sẵn sàng hy sinh bản thân không phải lúc nào cũng vinh quang và cao cả. Điều quan trọng là phải nhận ra rằng những người tốt hoặc đáng kính không phải lúc nào cũng thành công. Luân thường đạo lý không phải lúc nào cũng đánh bại sự vô luân; cái thiện không chắc chắn luôn chiến thắng cái ác. Trên thế giới này, những ai dám đi đến tận cùng để thực hiện cam kết của bản thân sẽ là người chiến thắng. Đó là lý do khiến những người được kính trọng trong một xã hội đại đồng – một xã hội vì mọi người – không ngừng gia tăng mức độ cam kết của mình.

Trên thế giới này, những ai dám đi đến tận cùng để thực hiện cam kết của bản thân sẽ là người chiến thắng.

Hiện nay có hàng tỷ người không thể có được một cuộc sống đúng nghĩa. Tôi đang nói đến 50% dân số thế giới không được sử dụng nước sạch, 20% không có nhà ở ổn định và 70% mù chữ. Tôi cũng muốn nói đến 33% dân số thế giới không có đủ tiền để mua lương thực và 3% chết đói mỗi năm. Ngoài ra cũng có nhiều dạng thức khác nhau của một cuộc sống không đúng nghĩa, ví dụ như phải làm một công việc mà bạn ghét cay ghét đắng, hoặc cảm thấy cô đơn vì không có người sẻ chia.

Chiến binh nhân từ cảm thấy vinh dự và tự hào khi vừa tạo ra sự khác biệt cho người khác, lại vừa đạt được giá trị sống của bản thân. Ngày nay, những cá nhân có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ cần phải có mong muốn này để tạo ra một thế giới vì nhân loại, một thế giới của những con người được sống một cuộc sống đúng nghĩa.

Tại sao một số người né tránh cam kết?

Tại sao những người bình thường tìm mọi cách để khỏi phải đưa ra một cam kết nào đó? Vì họ chỉ muốn có một vẻ ngoài hoàn hảo do không bao giờ phá vỡ một lời hứa nào cả. Một số người thậm chí còn cho rằng đó là nét tính cách mà họ bị ảnh hưởng từ thời thơ ấu. Sau đây là một số động cơ hoặc hành vi khiến những người bình thường không muốn đưa ra các cam kết cần thiết để hướng đến những kết quả phi thường:

• Tỏ ra giỏi giang

• Cảm thấy thoải mái

• Tỏ ra đúng đắn

• Được chấp nhận

Một số người luôn muốn tỏ ra giỏi giang, vì thế họ không dám cam kết thực hiện những điều mà họ không đủ khả năng theo đuổi. Những người khác chỉ thích hưởng thụ cảm giác thoải mái nên không muốn nỗ lực để vươn cao hơn hoặc tiến xa hơn. Họ tự hỏi: “Tại sao tôi phải tham dự buổi hội thảo nói về việc tự phát triển bản thân? Tôi đang rất ổn mà”. Có lẽ họ ổn thật. Tuy nhiên, họ lại quên rằng những khả năng tiềm ẩn còn có thể giúp họ tiến xa hơn và giúp được nhiều người hơn. Họ chấp nhận để cho cái tốtchắn ngang con đường dẫn đến sự xuất sắc của chính mình.

Những người này thường tỏ ra bực bội với những người thách thức và thúc đẩy họ hướng đến điều tốt đẹp hơn. Nếu có năng lực tốt hơn, bạn hoàn toàn có thể làm được nhiều điều hơn cho mình và cho những người khác, do đó thái độ do dự của bạn đối với cơ hội phát triển bản thân có thể khiến bạn xa rời thế giới xung quanh. Đó là thái độ tự cao và ích kỷ. Họ cố tỏ ra mình luôn luôn đúng đến mức không thể đưa ra bất kỳ cam kết nào có khả năng đẩy họ vào tình huống có thể phạm sai lầm.

Bạn đã bao giờ tranh cãi với một người thân và cố gắng buộc người kia nhận sai về một điều không hề quan trọng, chẳng hạn như xác định xem một sự việc đã xảy ra bao lâu rồi. Một tranh cãi nhỏ như thế có thể khiến mối quan hệ của các bạn xấu đi. Sau đó, vì muốn tỏ ra mình đúng, bạn không thèm trò chuyện với người thân của mình suốt mấy ngày, hoặc thậm chí lạnh lùng với họ cả tuần sau đó. Ly hôn thường xảy ra bởi vì ai cũng muốn chứng tỏ mình đúng, thay vì tập trung vun đắp cho mối quan hệ. Một chiến binh nhân từ luôn có ý thức về những ưu tiên trong cuộc sống và không phức tạp hóa các vấn đề nhỏ nhặt.

Mặc dù tâm lý thích tỏ ra là mình luôn đúng về bản chất không có gì sai, nhưng điều này sẽ dẫn đến tình huống phải có một người thừa nhận rằng mình đã sai. Có những trường hợp cả hai đều đúng. Ví dụ như có một quyển sách có bìa trước màu xanh da trời và bìa sau màu đỏ. Một người nhìn quyển sách từ phía trước sẽ nói rằng quyển sách màu xanh, còn người nhìn từ phía sau sẽ nói rằng đó là quyền sách màu đỏ. Rất có thể cả hai người này sẽ tranh cãi xem “ai đúng, ai sai”. Chiến binh nhân từ luôn tự cam kết rằng họ sẽ cố gắng hết mức để bản thân không rơi vào trường hợp như vậy.

Có những người né tránh việc đưa ra cam kết bởi họ muốn được chấp nhận. Những nhân viên bình thường sẽ không dám nhận những mục tiêu lớn lao, bởi vì họ sợ khác biệt so với những người không muốn làm việc nhiều. Một số học sinh không dám cam kết sẽ học thật giỏi bởi vì chúng không muốn khác biệt với các bạn. Chiến binh nhân từ không bao giờ trốn chạy cam kết, mà họ luôn hướng tới những cam kết cần thiết vì biết rằng đó chính là nền tảng của cuộc sống và của hiệu quả làm việc.

Sợ đưa ra cam kết

Phần lớn tâm lý ngại cam kết xuất phát từ nỗi sợ hãi – sợ không thực hiện được cam kết đó, hoặc e rằng cam kết đó sẽ cản trở bạn thực hiện những ước muốn khác. Có những quan điểm hết sức thú vị rằng nghĩa vụ sẽ ngăn cản khả năng chọn lựa. Đúng là ngay tại thời điểm đó, bạn không có quyền lựa chọn, nhưng bạn sẽ nhận được rất nhiều khi giữ đúng lời hứa của mình. Trong hôn nhân, rất nhiều đàn ông sợ phải cam kết trở thành người chồng, người cha mẫu mực. Họ luôn tự nhủ biết đâu sau này mình sẽ gặp một cơ hội tốt hơn?

Thầy tôi dạy rằng: “Các quy tắc sẽ mang đến tự do”. Quy tắc cũng giống như lời cam kết vậy. Nếu không có luật giao thông, mọi người sẽ lái xe tùy thích, sẽ dừng lại hay tiếp tục đi bất kể đèn xanh hay đèn đỏ. Nếu không phân ra các làn đường thì giao thông sẽ ra sao? Nếu không có giới hạn tốc độ, bạn có thể chạy 3 km/giờ, trong khi người phía sau lại muốn chạy 150 km/giờ. Khi đó, bạn có nghĩ bạn được tự do hơn không? Chắc chắn là bạn sẽ ít tự do hơn.

Trong vấn đề tuyển dụng, chiến binh nhân từ luôn đưa ra những quy định hết sức cụ thể. Khi ngỏ lời cầu hôn, họ cũng nhìn nhận rõ ràng về luật hôn nhân. Hầu hết chúng ta đều ngầm hiểu mỗi người sẽ hoàn thành vai trò của mình, ngay cả khi vai trò đó chưa được phân định cụ thể. Như thế thật nguy hiểm! Thử tưởng tượng nếu bạn và tôi cùng chơi bóng đá, nhưng tôi chơi theo luật bóng đá Mỹ, còn bạn chơi theo luật bóng đá châu Âu, sân bóng sẽ náo loạn và lộn xộn ra sao. Do vậy, hãy học cách đưa ra các cam kết để bản thân và những người xung quanh được tự do trong từng hành động.

Cam kết quá đà

Nhiều người cam kết quá đà vì muốn được yêu mến và xem là người tài giỏi. Cơ bản là do họ sợ bị từ chối. Họ nhận triển khai những công việc mà bản thân không có đủ thời gian thực hiện hoặc thiếu nguồn lực phù hợp. Kết quả thực tế thường không giống như họ hình dung. Họ chỉ có thể làm cho khách hàng hài lòng trong chốc lát, nhưng về lâu về dài thì hoàn toàn không. Có một câu nói trong giới kinh doanh rằng “Bạn sẽ kiếm được nhiều tiền nhờ những công việc mà bạn từ chối”. Câu nói này hàm chứa nhiều nghĩa. Chẳng hạn như bạn nhận thực hiện một công việc chỉ để chứng tỏ mình là người giỏi, hoặc vì sợ đánh mất cơ hội, thì sau cùng chính bạn sẽ không thể đáp ứng về thời hạn và chất lượng công việc, mà đây chính là điều sẽ khiến bạn “mất điểm” trong quá trình tiến cử sau này.

Quan điểm chấp nhận là một trong những nét tính cách điển hình của các chiến binh nhân từ (nội dung này sẽ được đề cập đến ở phần sau). Chiến binh nhân từ nói không và chấp nhận tình trạng không thoải mái trước mắt để tận hưởng cảm giác hài lòng khi thực hiện trọn vẹn các cam kết khác.

Tất cả mọi người đều đang cam kết

Đến đây có lẽ bạn bắt đầu nhận ra rằng tất cả chúng ta đều phải cam kết, chỉ có điều những người bình thường không quyết tâm thực hiện mà thôi. Đó là lý do tại sao câu nói “Tôi không thể cam kết” nghe rất khôi hài. Có thể bạn quyết định không đưa ra cam kết, không đặt niềm tin vào con người, nhưng bạn vẫn đang cam kết rất nhiều điều. Chiến binh nhân từ cống hiến tất cả vì kết quả sau cùng và sống theo mười đức tính được nêu ra trong quyển sách này. Người bình thường luôn phải đấu tranh giữa những cam kết mâu thuẫn nhau, giữa nhận thức và tiềm thức của chính mình.

Một chiến binh nhân từ luôn duy trì sự rõ ràng và chính trực bởi nhận thức và tiềm thức của anh ta cùng cam kết một điều. Chúng ta tổ chức cuộc sống theo cách tối ưu, nhưng dần dà chính cách thức đó ngăn trở chúng ta vươn lên, và đây thực sự là một điểm yếu. Điều này được gọi là cam kết xung đột. Sau đây là một số câu hỏi giúp bạn xác định các cam kết xung đột:

1. Tôi luôn làm gì để thể hiện mình có giá trị và hữu ích?

2. Tôi thực sự giỏi trong lĩnh vực nào? Đâu là điểm mạnh mà tôi thường dựa vào để giải quyết mọi vấn đề?

3. Tôi xuất hiện trước người khác như thế nào để đưa ra những nhận định về giá trị bản thân?

4. Nếu tôi thật sự thành công, tôi sợ phải thay đổi điều gì trong mối quan hệ với gia đình và bạn bè?

5. Tôi thường được cho là giỏi giang trong lĩnh vực gì?

6. Hành động nào của tôi khiến tôi không thể phối hợp nhịp nhàng với các đồng nghiệp?

Tôi tạo nên giá trị bản thân thông qua sự tự tin và thái độ nghiêm túc trong mọi công việc, vốn rất có ích cho việc học của tôi. Tôi không phải là cậu bé thông minh nhất ở trường trung học. Tuy nhiên, để được nhận vào học viện, tôi đã làm việc chăm chỉ hơn so với các bạn đồng niên và tôi thường được giáo viên chủ nhiệm chú ý. Trong thể thao cũng vậy. Tôi có dáng người nhỏ bé, chỉ cao khoảng 1,65 mét và nặng 70 kg. Một lần nữa, sự tự tin và thái độ nghiêm túc trong mọi công việc đã giúp tôi được chọn vào đội thi đấu giải liên trường. Thậm chí tôi còn được bình chọn là Hậu vệ xuất sắc nhất trong trận đấu diễn ra vào ngày lễ Tạ ơn.

Tôi không có năng khiếu bẩm sinh nào cả, nhưng sự cống hiến hết mình, thái độ nghiêm túc trong công việc với tư cách một doanh nhân đã giúp tôi xây dựng thành công công ty Klemmer & Associates, có doanh thu hàng năm lên đến hơn 10 triệu đô-la. Tuy nhiên, để doanh thu công ty đạt mức 100 triệu đô-la/năm, tôi cần phải thay đổi nhiều. Khi in quyển sách này, chúng tôi vẫn chưa đạt được mục tiêu đó, nhưng đó là cam kết của chúng tôi. Tôi chia sẻ với các bạn mục tiêu này để buộc chính tôi và mọi nhân viên trong công ty cam kết thực hiện. Tôi khám phá ra rằng điểm mạnh của mình giờ đây đã trở thành điểm yếu. Sự chăm chỉ hơn các nhân viên của mình và sự tự tin thái quá khiến tôi không thể kết nối với tất cả đồng nghiệp, do đó tôi không thể phát huy sự nhiệt tình và tiềm năng vốn có của họ.

Thỉnh thoảng họ nhìn thấy ở tôi thái độ hoài nghi hoặc thất vọng. Họ phải hiểu rằng tôi không thể giải đáp mọi thắc mắc. Vì thế, cam kết xung đột của tôi đã trở thành nhu cầu phải xây dựng giá trị bằng sự chăm chỉ làm việc và niềm tin vào quyết tâm phát triển công ty. Mọi người đều có những cam kết xung đột. Chiến binh nhân từ hiểu rõ sự cống hiến hết mình đối với những nguyên tắc của họ. Điều đó luôn quan trọng hơn bất cứ nghĩa vụ xung đột nào.

Khi người thợ thủ công chế tác thanh kiếm samurai nguyên bản, họ nung nóng, uốn rồi đập hai loại thép đến 80.000 lần. Quá trình này tạo ra độ bền và độ nén tuyệt đỉnh. Việc cam kết tạo ra những giá trị lớn lao cũng giống như thế – phải luyện tập. Sau hàng ngàn lần diễn tập, bạn có thể tiếp thu nét tính cách đầu tiên này của một chiến binh nhân từ.

1. Giá trị lớn lao nhất mà bạn từng cam kết và đạt được là gì?

2. Bạn có thể cam kết và đạt được một giá trị khác lớn lao hơn thế không?

Bảy lần ngã, tám lần đứng dậy.

– Châm ngôn của Chiến binh

Chiến binh nhân từ chủ động chọn cách sống cho mình.

Người bình thường bị hoàn cảnh đưa đẩy đến tình thế


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.