Tinh Thần Samurai Trong Thế Giới Phẳng

CHƯƠNG 10: KIẾN THỨC



Tôi có nên nói cho bạn nghe bí quyết của một học giả thực thụ không nhỉ? Bí quyết đó là: mỗi con người tôi từng gặp gỡ đều là thầy của tôi về một phương diện nào đó, và tôi đã học hỏi từ họ ở chính phương diện ấy.

– Ralph Waldo Emerson

Khi bạn nghĩ về một người có kiến thức sâu rộng, bạn thường liên tưởng đến điều gì? Người bình thường sẽ nghĩ ngay đến những người học hành giỏi giang, thường đạt điểm cao, tốt nghiệp từ những trường danh tiếng như Harvard hoặc Yale, hay luôn đứng đầu bảng trong các khóa học. Có người nghĩ đến những cá nhân làm việc trong các ngành nghề chuyên môn sâu, như các nhà khoa học tại NASA có khả năng thiết kế cách thức di chuyển trong không gian, hay những bác sĩ thực hiện những ca phẫu thuật tách các cặp sinh đôi dính liền.

Đặc điểm thứ mười của chiến binh nhân từ mang nghĩa rộng hơn thế, phản ánh những kiến thức cụ thể, khả năng hăng say học tập không ngừng và trí tuệ thực tiễn để áp dụng kiến thức vào các tình huống cụ thể nhằm đạt được kết quả mong muốn. Chiến binh nhân từ nhận ra rằng kiến thức chuyên sâu mang lại cho họ một lợi thế. Họ không ngừng tìm kiếm kiến thức và các chuyên gia để được học những kiến thức mới ở mọi lĩnh vực, từ công nghệ và tài chính, đến phát triển quan hệ, phát triển cá nhân, sức khỏe và nghệ thuật lãnh đạo.

Đừng bằng lòng với những gì bạn có

Người bình thường tin rằng họ không cần trau dồi thêm gì cả, hoặc tự mãn cho rằng họ thực sự không cần phải học nữa. Tôi đã gặp những người không nhận ra được nhu cầu cần thiết phải tham gia các khóa hội thảo về hoàn thiện bản thân hay những khóa học về kỹ năng lãnh đạo, bởi vì họ nghĩ rằng như thế là đã ổn. Thực tế là họ đặt ra những câu hỏi sai. Họ cho rằng mình rất ổn, nhưng họ dừng lại ở mức ổn ấy để làm gì? Bạn có cần trở nên khánh kiệt mới bắt đầu muốn kiếm tiền hay không?

Chó có thích xương không? Hầu như ai cũng đáp ngay: “Tất nhiên là có!”. Nhưng thật ra chó không thích xương! Chúng thích những miếng bít-tết thơm ngon, và chúng chỉ tạm hài lòng với xương thôi. Bạn nghĩ mà xem, nếu bảo chú cún nhà bạn dọn bàn ăn, ai sẽ là người nhận những khúc xương? Hẳn chúng sẽ để xương cho chúng ta và dành phần bít-tết cho chúng, bạn có nghĩ vậy không? Thực tế là chúng ta cho chó ăn xương trước khi chúng ta nghĩ rằng chúng thích xương.

Chiến binh nhân từ mưu cầu sự hoàn hảo và luôn tìm cách vượt qua giới hạn hiện tại.

Tôi không hề có ý xui bạn phải thay đổi công việc hay bạn đời, mà là bạn phải làm cho mối quan hệ của bạn trở nên chất lượng hơn. Nếu bạn đã có nhà, xe, công việc ổn định và bạn có mức lương bằng hoặc cao hơn hầu hết những người láng giềng của bạn, thế nào bạn cũng dễ dàng bằng lòng với mức thu nhập đó chứ không cố gắng phấn đấu để có thu nhập cao hơn. Chiến binh nhân từ luôn tìm cách vượt qua hiện tại để vươn lên một đẳng cấp cao hơn.

Hài lòng nhưng không an phận

Nhưng thách thức nằm ở chỗ người bình thường cảm thấy bối rối và nghĩ: Nếu tôi đòi hỏi thêm nghĩa là tôi không bằng lòng với những gì đang có. Điều này không chỉ không đúng, mà còn tạo ra một tình huống mà trong đó sự thúc đẩy đồng nghĩa với sự bất mãn. Lối suy nghĩ đó thật điên rồ vì nó gắn kết một cách gượng ép khái niệm hạnh phúc với sự bất mãn.

Người bình thường cho rằng việc sở hữu một vật sẽ mang lại cho họ hạnh phúc. Họ phấn đấu có được vật ấy, để rồi sau đó vỡ lẽ ra rằng đó vẫn chưa phải là hạnh phúc. Vấn đề là sự hài lòng không nằm trong phạm vi của khái niệm nhiều hơn và tốt hơn. Đây là một vấn đề sâu sắc mà hầu hết những người trải nghiệm đều hiểu.

Hãy cùng tìm hiểu những thuật ngữ mà tôi sử dụng trong bảng so sánh trên. Ở ô bên trái, hài lòng là cảm giác hợp nhất với mục tiêu của bạn. “Đây là nó và tôi cảm thấy hài lòng”. Tuy nhiên, ở ô bên phải, sự mãn nguyện là cảm giác có được khi đạt một mục tiêu nào đó. “Tôi cảm thấy mãn nguyện khi đạt được nhiều điều tốt đẹp hơn, khác biệt hơn điều tôi đang có”.

Hãy thử nghĩ về một thứ trong cuộc sống, thứ mà bạn không thích. Có thể đó là cuộc hôn nhân đang rơi vào tình trạng khủng hoảng, hoặc có thể công việc không mang lại những lợi ích kinh tế và tài chính xứng đáng, cũng có thể là bạn đang thừa cân hay đang mắc phải một căn bệnh mãn tính. Hãy thử lựa chọn một điều mà bạn chán ghét và tự nói với mình thế này: Công việc của tôi rất nhàm chán và tôi hài lòng. Rõ ràng là không ổn rồi. Rõ ràng là bạn không muốn nói những câu mâu thuẫn như vậy, bởi vì từ trong tiềm thức, bạn nghĩ khả năng chịu đựng của bạn sẽ giúp thay đổi mọi việc. Không đâu. Sự kháng cự của bạn không những không thay đổi được điều gì, mà còn ngăn cản bạn đạt được mong ước tốt đẹp hơn. Không phản đối không có nghĩa là đầu hàng và bỏ cuộc. Ví dụ, trong võ thuật, bạn không chống lại một cú đấm của đối phương, bạn sẽ lãnh trọn cú đấm ấy. Nhưng nếu bạn tránh đòn và nương theo cú đấm, bạn có thể đảo ngược tình hình và giành lại quyền kiểm soát trận đấu.

Khi phản kháng, bạn sẽ mất khả năng kiểm soát và mất cả khả năng sáng tạo – một khả năng mang lại lợi ích “nhiều hơn – tốt hơn – khác biệt”. Bạn sẽ tìm thấy sự thỏa mãn hay sự hài lòng ở cuộc sống mà bạn được hưởng và xứng đáng được hưởng. Bạn sẽ tìm thấy nó khi biết hướng đến mục tiêu rõ ràng. Điều này đòi hỏi bạn phải (1) biết rõ mục đích của mình và (2) hiểu rằng ý định nào cũng có vô số cách thực hiện.

Bạn có tìm cách tận dụng chuyện thừa cân để đạt mục tiêu của mình không? Giả sử mục tiêu của bạn là tạo ra sự khác biệt hoặc chỉ để tìm kiếm bạn bè thì bạn có kể chuyện thừa cân để thu hút mọi người không? Bạn có thể trở nên nổi bật và có nhiều bạn bè hơn. Vì thế, từ góc độ đó, bạn sẽ hài lòng với chính mình. Bạn giảm cân không phải để cảm thấy hài lòng, bởi vì bạn đã hài lòng rồi. Bạn giảm cân vì đó là thành tích và nó mang lại cho bạn cảm giác phấn khích. Bạn có nhận ra điểm khác biệt ở đây không?

Tâm lý này giúp chiến binh nhân từ cảm thấy mãn nguyện, dù họ có thích tình huống đó hay không. Quyền tự do này quả là tuyệt vời! Người bình thường chịu đựng những hoàn cảnh mà họ không thích bởi tâm lý thiếu hụt khiến họ nghĩ rằng họ chỉ có thể đạt được mục tiêu trong một vài trường hợp cụ thể. Hãy đặt cảm giác mà chúng ta gọi là thỏa mãn hay hài lòng vào ô bên trái.

Bây giờ, chúng ta nhìn sang ô bên phải “nhiều hơn – tốt hơn – khác biệt”. Bạn đã bao giờ mua xe mới chưa? Bạn cảm thấy thế nào? Cảm xúc trào dâng. Hãy gọi đó là cảm giác phấn khích. Thế cảm giác đó tồn tại trong bao lâu? Có lẽ chỉ vài tháng. Trong vòng một năm, bạn lại đi xem và mua một chiếc xe khác bởi vì bạn muốn nhận được cảm xúc đó lần nữa. Cuối cùng, chúng ta tự tạo rắc rối khi nhầm lẫn cảm giác phấn khích với cảm giác thỏa mãn và hài lòng.

Khi bạn thật sự hướng đến một mục tiêu rõ ràng, những gì không hỗ trợ cho mục tiêu đó đều không còn quan trọng.

Người bình thường tìm cảm giác phấn khích từ những chuyện giảm cân, mua xe mới hoặc kiếm thật nhiều tiền. Khi không tìm được cảm giác thỏa mãn, họ sẽ rơi vào trạng thái trầm uất. Họ nhầm lẫn giữa cảm giác phấn khích – vốn là cảm giác về thành tích – với việc đạt được mục tiêu. Khi bạn thật sự hướng đến một mục tiêu rõ ràng, những gì không hỗ trợ cho mục tiêu đó đều không còn quan trọng.

Cảm giác phấn khích và cảm giác thỏa mãn thuộc về hai lĩnh vực khác nhau. Đây là một đề tài mà phải mất nhiều năm trải nghiệm bạn mới nhận ra. Vì thế nếu bạn chưa hiểu thì cũng đừng quá bận tâm. Thường thì cách nắm bắt tốt nhất là bằng con tim, chứ không phải khối óc. Lần đầu tiên khi khám phá ra điều này, một số người đã hỏi: “Nếu cảm giác thỏa mãn không phụ thuộc vào bất cứ điều gì thì tôi phải mất công tìm kiếm sự ‘nhiều hơn – tốt hơn – khác biệt’ làm gì chứ?”. Đây là một câu hỏi hay. “Nhiều hơn – tốt hơn – khác biệt” liên quan đến sự sáng tạo vốn tạo nên quán tính và sự hưng phấn tạm thời mà ta gọi là sự hài lòng.

Trong mọi lĩnh vực, từ kinh doanh, hôn nhân đến sức khỏe, chiến binh nhân từ đều tạo nên trò chơi với tiêu chí “nhiều hơn – tốt hơn – khác biệt” nhằm mục đích sáng tạo. Cái khó ở chỗ chúng ta phải áp dụng đồng thời cả hai ô trên. Ô bên trái liên quan đến sự tồn tại trong khoảnh khắc, trong khi ô bên phải liên quan đến tương lai vì nó tạo ra những khả năng mới. Người bình thường cố gắng tối ưu hóa cảm giác hài lòng bằng sự “nhiều hơn – tốt hơn – khác biệt”. Điều này là không thể được. Chính vì vậy mà vẫn xuất hiện những người có đủ tiền tài và danh vọng, cuộc sống dư dả nhưng vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Người bình thường không hề định hướng hoàn cảnh cụ thể của họ theo mục tiêu của bản thân nên họ lạc lối ở bên phía “nhiều hơn – tốt hơn – khác biệt”. Nếu bạn đẩy cảm giác thỏa mãn, hài lòng sang ô bên phải thì bạn đã dựng nên một bối cảnh trong đó bạn không hề cảm thấy hứng thú để tạo ra động lực! Hãy tưởng tượng nó giống như chiếc hộp và bạn phải sống trong đó.

Hãy nhớ kỹ điều này: Để có sự cân bằng hợp lý trong cuộc sống, cả hai ô đều phải luôn được vận hành đồng thời để tạo ra cả cảm giác hài lòng lẫn mãn nguyện.

Tâm trạng của người mới bắt đầu

Vượt trội trong lĩnh vực “nhiều hơn – tốt hơn – khác biệt” nghĩa là vượt trội trong lĩnh vực sáng tạo. Để làm được điều này và trở thành một chiến binh nhân từ, bạn cần có tâm thế của một người mới bắt đầu. Điều đó không có nghĩa là bạn phải lặp đi lặp lại cùng một bài học nào đó. Học đi học lại một bài học cũ chỉ là sự điên rồ.

Điên rồ tức là vẫn làm đúng một việc theo cùng một cách hết lần này đến lần khác và kỳ vọng những kết quả khác nhau.

– Albert Einstein

Thất bại không có gì sai. Chiến binh nhân từ không phủ nhận thất bại, mà họ còn sử dụng thất bại đó làm bàn đạp để tiến gần hơn đến mục tiêu của mình. Sau mỗi thất bại, họ lại rút ra một bài học. Người bình thường thì khác – họ cố tránh thất bại và vì thế bỏ lỡ những bài học kinh nghiệm quý giá. Người mới bắt đầu thường nói: “Tôi luôn có nhiều điều cần học hỏi”. Đây là khởi đầu của tính khiêm tốn. Dù bạn biết nhiều đến đâu thì vẫn luôn có nhiều điều khác bạn chưa biết và cần phải học. Bạn hãy nói thật to rằng: “Tôi luôn có nhiều điều cần học hỏi”. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy rất tuyệt. Nếu bạn chỉ cảm thấy tàm tạm thì có thể bạn đang đối mặt với niềm tự hào rằng mình đã biết mọi thứ và thực sự chẳng cần phải học hỏi thêm gì.

Không như những người bình thường, chiến binh nhân từ cống hiến hết mình cho việc học hỏi bởi họ nhận ra rằng luôn có nhiều điều để học. Nhiều người bình thường, sau khi tốt nghiệp đại học, mỗi năm chưa đọc nổi một quyển sách để tự hoàn thiện bản thân. Mà đây là chuyện khá phổ biến. Họ nghĩ: Mình đã đọc ở trường đủ rồi. Mình sẽ không đọc thêm nữa trừ phi tình thế bắt buộc.Chiến binh nhân từ luôn khao khát được đọc, học hỏi để nâng cao trình độ và nhận thức.

Khi bạn mang tâm thế của người mới bắt đầu, tuổi tác cũng như vị trí của bạn trong công ty sẽ không còn là vấn đề. Ở cấp độ này, bạn không phải lo lắng về hình tượng của mình. Một chiến binh nhân từ chỉ có nỗi lo duy nhất là làm thế nào để trở nên giỏi giang hơn. Bạn rõ ràng, rành mạch với những mặt cần cải thiện, nhưng sẽ không nhìn ra những điểm yếu của mình nếu bạn không mang tâm thế của người mới bắt đầu. Tuy nhiên, cũng không dễ tạo ra tâm thế của người mới bắt đầu trong lĩnh vực chuyên môn. Khi người bình thường tin rằng bản thân không cần học thêm điều gì thì đó chỉ là cái cớ để tự an ủi cái tôi của anh ta. Chiến binh nhân từ quan tâm đến việc học tập hơn là cái tôi của họ.

Mang tâm thế của người mới bắt đầu không phải là cứ ngây ngô, mà là mặc dù đã hiểu biết nhiều, bạn vẫn tiếp cận sự việc với góc nhìn hoàn toàn mới. Ví dụ, nếu bạn đã làm công việc quản lý được mười năm thì có thể bạn đã mất đi tâm thế của người mới bắt đầu. Điều này sẽ khiến bạn tụt hậu. Thật nguy hiểm khi không duy trì được tâm thế này. Khi nghĩ rằng bản thân đã biết mọi thứ, bạn sẽ tự tách mình ra khỏi điểm xuất phát kế tiếp. Bạn buộc mình chỉ được tồn tại trong phạm vi kiến thức của mình.

Thành đạt là tốt, thế nhưng đôi khi sự thành đạt đi liền với cách hành xử sai lầm. Thành công có thể khiến bạn trở nên ngạo mạn. Khi đó, bạn sẽ không khỏi vấp ngã bởi bạn không thấy giá trị của việc lắng nghe người khác, đặc biệt là khi bạn cảm thấy họ đang ở tầm dưới, thấp hơn bạn. Để có thể hành xử như một chiến binh nhân từ, bạn phải tập tính khiêm tốn. Hãy nhớ rằng chiến binh nhân từ không ngừng học hỏi vì họ biết rằng luôn có những điều mới mẻ để học. Bạn có thể học tập từ nhiều người khác nhau – từ nhân viên cấp dưới, những người không thành đạt hay thông minh bằng bạn, hoặc ngay cả những người lạ. Bạn sẽ tiếp thu nhiều ý tưởng hay lời khuyên của người khác hơn khi bạn nghĩ họ có một điều gì đó đáng để học hỏi. Biết đâu chừng những lời chỉ giáo đó có thể làm thay đổi cuộc đời bạn.

Hãy khiêm nhường tiếp thu lời chỉ giáo từ những người có thể trước đây bạn không muốn tiếp nhận.

Kẻ thù của kiến thức là tính tự ti

Kẻ thù lớn của người mới bắt đầu là tính tự ti. Bản thân sự tự ti đã là một vấn đề, nhưng mối liên hệ giữa tính tự ti và sự từ chối tiếp nhận kiến thức còn là vấn đề nghiêm trọng hơn. Người tự ti luôn cố ngụy trang bản tính này. Họ cố gắng khoác lên mình hình tượng “biết tuốt” để che giấu sự kém cỏi, dốt nát, yếu đuối. Khi họ không có tâm thế của người mới bắt đầu, hẳn họ đang gặp phải một vấn đề tâm lý nào đó.

Mô thức đúng/sai

Liên quan chặt chẽ với việc từ chối tiếp nhận kiến thức bằng tâm thế của người mới bắt đầu là mô thức đúng/sai. Một trong những trải nghiệm của chiến binh nhân từ là sống ngoài vòng thị phi. Điều này không thuộc phạm trù đạo đức. Bạn biết chiến binh nhân từ luôn có một bộ quy tắc đạo đức rất nghiêm ngặt và mọi hành vi đều được đánh giá dựa trên “hệ quy chiếu” đó. Điều chúng ta đang bàn luận ở đây là tính đúng sai của hành vi xét từ góc độ một trải nghiệm.

Nếu chiến binh nhân từ rơi vào cảnh nghèo túng, họ không xem đó là một tình huống sai; họ chỉ đơn thuần áp dụng bộ quy tắc của mình vào những trường hợp như vậy. Nếu họ rơi vào một cuộc xung đột, họ không xem việc tham gia trận đấu là sai; họ chỉ áp dụng những nét tính cách hoặc bộ quy tắc này vào trận đấu. Nói chung, họ không cưỡng lại hoàn cảnh, vì thế họ có thể vận dụng toàn bộ năng lượng sẵn có.

Trong Hiệp khí đạo, nếu đối thủ tung một cú đấm về phía bạn, bạn sẽ không nghĩ như thế là bất công mà chỉ nói: “Ồ, đây là cách chúng ta đáp trả một cú đấm”. Người bình thường cho rằng có nhiều tình huống sai và cố chống lại hay phủ nhận chúng. Họ không chấp nhận cách thức để xảy ra tình huống, họ dùng hết sức để chống lại, và việc này khiến họ có rất ít cơ hội sáng tạo. Một chiến binh nhân từ không xem quan điểm của mình là đúng, còn quan điểm của người khác là sai. Chiến binh nhân từ lắng nghe quan điểm của người khác nhưng không cần bảo vệ quan điểm của mình. Họ không đánh giá quan điểm của người khác. Họ chỉ đơn giản tiếp nhận nó, tìm điểm thích hợp hoặc hữu ích của nó để áp dụng vào hoàn cảnh của mình.

Đó là lý do khiến chiến binh nhân từ luôn xuất sắc trong việc tiếp nhận phản hồi. Giả sử một đứa trẻ nói với cha: “Cha chẳng yêu con gì cả!”. Một chiến binh nhân từ sẽ không tranh cãi mà chỉ nghĩ: “À, một quan điểm thú vị đây. Sao thằng bé lại nói như vậy nhỉ? Mình đã làm hay nói điều gì khiến nó nói như thế? Mình có cần thay đổi cách biểu lộ tình yêu của mình không?”.

Trong cuộc sống cũng xảy ra những chuyện tương tự. Người bình thường hay tranh luận để bảo vệ quan điểm “đúng” của mình, và hoàn cảnh của họ sẽ chẳng bao giờ thay đổi.

Cẩn thận với những nguy cơ này

Một khi bạn không cởi mở để tiếp nhận kiến thức và không mang tâm thế của người mới bắt đầu, bạn sẽ phải đối mặt với một số nguy cơ.

1. Nếu cứ cho rằng mình đã biết tất cả thì chẳng bao giờ chúng ta nhận ra được bài học nào bổ ích. Đừng tỏ ra “biết tuốt”. Khi tự cho rằng bản thân đã biết hết thảy mọi điều, chúng ta sẽ nhanh chóng tụt hậu.

2. Khi không có khát vọng phát triển và thiếu tâm thế của người mới bắt đầu, chúng ta thường có khuynh hướng xa rời mọi người. Khi chúng ta không muốn tiếp nhận kiến thức, mọi người sẽ né tránh chúng ta và ngần ngại thể hiện quan điểm của họ.

3. Cuộc sống vốn tự tạo ra những bản sao. Sau một thời gian, chính những người chúng ta đã dẫn dắt bắt đầu nghĩ rằng họ biết nhiều hơn chúng ta. Họ tự khép kín bản thân mà không biết rằng chúng ta còn có thể mang lại cho họ những kiến thức mới nữa.

4. Khi chúng ta nghĩ rằng mình đã biết điều đó, chúng ta bắt đầu xem thường và xa rời mục tiêu của mình. Điều này khiến chúng ta không thể đối mặt với thách thức một cách hiệu quả.

5. Chúng ta sẽ đánh mất niềm đam mê và sự mới mẻ của cuộc sống.

Hãy thận trọng trước những nguy cơ này và nên giữ vững cam kết nỗ lực phát triển mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Hãy nỗ lực nâng cao kiến thức, trí tuệ và sự hiểu biết.

Kiến thức chuyên môn

Với tâm thế của người mới bắt đầu và khát khao học hỏi, chúng ta sẽ tiếp thu được rất nhiều kiến thức chuyên môn. Đã bao giờ bạn nghe câu “Giá như mình biết trước”? Câu này thường được dùng để biện hộ cho những sai lầm hay hành vi. Khi bạn chưa có đủ kiến thức liên quan, quyết định của bạn dường như hoàn toàn hợp lý, nhưng các thông tin mới mẻ đã làm chúng trở nên ngớ ngẩn. Rõ ràng khối lượng kiến thức luôn tỷ lệ thuận với ưu thế của người ra quyết định.

Lấy ví dụ từ chính tôi. Khi bắt đầu xây dựng công ty, tôi đã bán một mảnh đất và phải trả thuế đến 60.000 đô-la một cách không cần thiết. Tôi không biết mình có thể tiết kiệm được khoản tiền đó. Nhiều người có thể tư vấn cho tôi, nhưng tôi đã không tìm đến họ vì tôi không có tâm thế của một chiến binh nhân từ. Kết quả là tôi phải mất rất nhiều tiền để trả khoản thuế thu nhập từ việc bán tài sản.

Viên kế toán thuế của tôi đã nói rằng sớm muộn gì tôi cũng phải trả, vì vậy tôi nên trả ngay. Tôi thấy có lý. Thế là tôi viết ngay tấm séc thanh toán. Khoảng một năm sau, tôi bắt đầu tìm một kế toán mới. Tôi đã phỏng vấn vài người từng làm việc cho những người bạn giàu có của tôi. Và tôi rất ngạc nhiên khi khám phá ra rằng có vài cách hợp pháp để không phải trả khoản thuế thu nhập đó.

Đó quả là cái giá quá đắt mà tôi phải trả để hiểu rằng không phải mọi kế toán đều giống nhau. Họ có những kỹ năng chuyên môn và mức độ sáng tạo khác nhau. Nếu tôi mang tâm thế của người mới bắt đầu, có lẽ tôi đã hăm hở tìm hiểu thêm về thuế, không phải để tự kiêm vị trí kế toán mà là để hiểu nguyên nhân của những việc mình đang làm. Lẽ ra tôi có thể hỏi kinh nghiệm của những người khác nhằm kiểm tra xem liệu mình đang có một giao dịch tốt hay chỉ đơn giản là để tiền tuột khỏi tay. Từ đó, tôi luôn ủng hộ việc trả thù lao cho các nhà chuyên môn.

Người bình thường không muốn trả tiền cho các chuyên gia tư vấn, bởi vì họ mang tâm lý thiếu hụt. Họ tự mình làm mọi việc, nếu không thì cố gắng thuê nhà cung cấp rẻ nhất. Trong suy nghĩ của họ, tiền thuê chuyên gia là quá tốn kém. Chiến binh nhân từ sẵn sàng trả những khoản tiền hậu hĩnh cho các chuyên gia để đảm bảo rằng mình được tư vấn một cách chuyên nghiệp. Nếu tôi tự làm công việc khai thuế, tôi sẽ mất nhiều thời gian hơn, tôi sẽ lỡ mất cơ hội tiết kiệm được tiền bạc và tôi cũng mất cả cơ hội kiếm tiền nhiều hơn trong thời gian đó. Tôi hiểu mình giỏi nhất trong lĩnh vực nào.

Duy trì tâm thế của người mới bắt đầu không có nghĩa là bạn phải tự mình làm một việc gì đó “để học hỏi”, mà là bạn cần tìm kiếm những kiến thức trên tầm hiện tại để bạn có thể sử dụng chuyên môn của người khác một cách hợp lý. Nếu bạn có một nhân viên kế toán, bạn vẫn cần đến một lượng kiến thức nhất định về cách quản lý dòng tiền của công ty. Tìm kiếm và học hỏi những kiến thức cơ bản chính là duy trì tâm thế của người mới bắt đầu, bởi vì bạn đang khai thác những nguồn lực xung quanh. Hãy kết nối kiến thức với thành tích và dùng kiến thức làm bàn đạp để nâng cao thành tích hiện tại của bạn.

Có hai lĩnh vực kiến thức khác nhau: kiến thức chuyên môn và sự chuyển biến mô thức hoặc soi sáng tinh thần. Kiến thức chuyên môn tạo lợi thế cho bạn trong các lĩnh vực như tài chính, xây dựng quan hệ, sức khỏe và tinh thần. Hãy cùng xem xét lĩnh vực tài chính. Bạn có thể học được gì về việc kiếm tiền, về việc tiết kiệm tiền bằng cách tìm hiểu phương thức xử lý thuế? Giờ thì bạn đã muốn thuê chuyên gia giúp bạn chưa?

Chắc chắn bạn sẽ không bắt kịp những thông tin mới nhất nếu bạn không làm trong lĩnh vực đó. Nhưng nếu không tự học, bạn sẽ không biết đặt ra những câu hỏi cần thiết có thể giúp bạn tìm ra người tư vấn đủ trình độ, chưa kể đến việc đáp ứng chính xác được yêu cầu của bạn. Lần cuối cùng bạn đọc một quyển sách về xây dựng mối quan hệ là khi nào? Có phải bạn đang bước vào một giai đoạn thách thức mới như làm cha mẹ, hoặc cô đơn ngay trong chính tổ ấm của mình? Hay là bạn đang chăm sóc cha mẹ già yếu? Bạn có đếm được bao nhiêu điều mới mẻ được khám phá chỉ trong thời gian mười năm qua? Các chuyên gia có cập nhật gì mới về vitamin không?…

Còn nữa, bạn có biết mức cholesterol bình thường là bao nhiêu không? Cả huyết áp nữa? Cần rất ít thời gian để tìm hiểu những kiến thức cơ bản đó. Nếu mỗi ngày bạn dành ra nửa giờ để đọc sách thì sau năm năm, bạn sẽ trở thành một trong những người hiểu biết nhất trong bất kỳ lĩnh vực nào. Hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, hãy sắp xếp thời gian và địa điểm để thường xuyên đọc sách vì không phải ai cũng có lịch trình và nhịp độ làm việc giống nhau.

Chiến binh nhân từ là những người rất kỷ luật. Bạn cũng cần tự đề ra kỷ luật và kiên trì tuân thủ. Đừng dùng lối sống của mình để biện hộ rằng bạn không thể tạo nên thói quen này. Sau đó, hãy xác định hệ thống các đề tài cần học tập. Bạn có muốn tập trung vào một lĩnh vực nào đó trong vòng một năm không? Hay bạn muốn mỗi tháng sẽ tìm hiểu một chủ đề khác nhau? Hãy chọn loại sách phù hợp với bạn. Hãy quản lý thời gian của chính mình bằng cách chủ động lên lịch đọc sách – đọc để học hỏi và để bổ sung kiến thức. Như vậy, bạn có thể đọc vào nhiều thời điểm khác nhau, mà không phụ thuộc vào một khoảng thời gian duy nhất nào đó. “Không lên kế hoạch nghĩa là bạn đang lên kế hoạch để thất bại” – như một câu châm ngôn đã nói.

Có người không thích đọc. Vậy nghe băng đĩa thì sao? Bạn có thể tải tài liệu vào máy MP3 để nghe. Mọi người lúc nào cũng trêu tôi về những cuộn băng cassette mà tôi hay giữ trong xe. Khi lái xe, tôi thường nghe các bài giảng được thu vào băng. Dù tôi không thể ghi chú lại như khi ngồi ở nhà, nhưng tôi vẫn tận dụng được thời gian của mình. Một phần trong bài tập thể dục của tôi ở nhà là đạp xe tại chỗ trong vòng 30 phút, rồi đến các bài tập kéo giãn, tập cơ bụng và chống đẩy. Đó cũng là khoảng thời gian tôi nghe các bài giảng qua đĩa CD.

Chúng ta đã bàn luận xong về kiến thức chuyên môn. Bây giờ, hãy chuyển sang l oại kiến thức thứ hai – sự chuyển biến mô thức, hay sự soi sáng tinh thần – trong hệ thống niềm tin của bạn. Loại kiến thức này chỉ có thể đạt được thông qua việc học hỏi bằng kinh nghiệm: bạn tham gia vào một hoạt động mà bạn đã có kinh nghiệm và hoạt động này có thể thay đổi quan điểm của bạn về một điều gì đó. Bạn có định chờ đợi cuộc sống mang lại cho bạn kinh nghiệm cần thiết để cải thiện nghề nghiệp, mối quan hệ, sức khỏe hay tinh thần không?

Cuộc sống là người thầy mà ta phải trả học phí cao nhất, xét về mặt thời gian, tiền bạc và các mối quan hệ. Đó chính là lý do vì sao tôi ủng hộ các buổi hội thảo truyền đạt kinh nghiệm. Đây là cách nhanh nhất, rẻ nhất và thú vị nhất để đẩy nhanh tốc độ phát triển của bạn. Chỉ riêng cơ hội gặp gỡ các diễn giả thông thái có những giá trị tinh thần to lớn cũng đã xứng đáng với khoảng thời gian và tiền bạc mà bạn bỏ ra.

Một số mô thức hay niềm tin đã giúp tôi thành công trong quân đội, nhưng không giúp tôi thành công trong vai trò doanh nhân. Điều đó không có nghĩa rằng những niềm tin cũ là sai lầm. Đơn giản là tôi đã có một tấm bản đồ không phù hợp với vùng lãnh thổ mới, hoặc mô thức mới cho hoàn cảnh sống mới.

Không phải tất cả các mô thức giúp tôi thành công trong vai trò doanh nhân đều có tác dụng biến một công ty trị giá vài triệu đô-la trở thành một công ty trị giá 100 triệu đô-la. Đó là một quá trình khám phá không ngừng và bạn luôn cần giữ tâm thế của người mới bắt đầu – điều mà chiến binh nhân từ vẫn làm.

Hãy xem công ty là của bạn, ngay cả khi bạn làm việc cho người khác. Bạn làm việc cho người khác và công việc là nguồn thu nhập chính của bạn, nhưng bạn vẫn là một “công ty riêng” của mình. Quy mô và tính hiệu quả của bất kỳ tổ chức nào cũng được đo lường bằng hai yếu tố: hệ thống và nguồn nhân lực. Vậy hãy dành một phần trong tổng thu nhập của bạn để phát triển cá nhân. Đó là hành động khôn ngoan.

Hãy dành ít nhất 5% thu nhập để đầu tư cho các hoạt động phát triển cá nhân. Nếu một năm bạn kiếm được 50.000 đô- la, hãy dành ra 2.500 đô-la để mua sách, băng đĩa học tập và tham dự các buổi hội thảo. Nếu có thể, hãy cố gắng chi nhiều thêm, cũng giống như một công ty tăng trưởng nhanh thường bỏ thêm vốn để đầu tư nguồn nhân lực vậy.

Khai thác các nguồn lực xung quanh

Chiến binh nhân từ luôn nhận ra tiềm năng ở những người khác và hiểu rằng sức mạnh đó có thể mang lại lợi ích vô cùng to lớn, giúp họ vượt qua những tình huống khó khăn. Họ thường tìm kiếm những nguồn lực ít được kỳ vọng nhất và hay bị bỏ qua nhất. Có những kiến thức hữu dụng mà bạn có thể khai thác đang tồn tại ngay trong tầm ảnh hưởng của chính bạn. Bạn thực sự không cần phải đi thật xa để tiếp nhận kiến thức, đặc biệt khi bạn đã thực sự chủ động cởi mở để đón nhận kiến thức.

Những kiến thức hữu dụng mà bạn có thể khai thác đang tồn tại ngay trong tầm ảnh hưởng của chính bạn.

Có thể những gì bạn cần đều ở đâu đó quanh bạn, nhưng bạn lại không nhận ra bởi vì nó không tồn tại dưới dạng có thể khiến bạn chú ý. Đôi khi, một người không gắn kết trực tiếp đến công việc hay nghề nghiệp của bạn lại có thể đưa ra những lời khuyên rất lý thú về một chủ đề cụ thể nào đó.

Nhận xét đó không hề thiên vị. Doanh nhân thường nghĩ về kinh doanh. Vận động viên thường nghĩ về thể thao. Các mục sư thường nghĩ đến việc truyền bá phúc âm. Thầy cô thì thường nghĩ về giảng dạy… Việc kết nối với những người có suy nghĩ giống bạn tất nhiên là hữu ích, nhưng tiếp xúc với những người có quan điểm hoàn toàn khác biệt, hoặc ở trong các lĩnh vực xa lạ đối với bạn cũng mang lại cho bạn những lợi ích to lớn.

Sự sáng suốt và tầm nhìn xa trông rộng

Chỉ sở hữu kiến thức chuyên ngành thì chưa đủ. Có những người xuất sắc vào thời đi học, nhưng về sau dường như không kiếm đủ tiền để nuôi sống gia đình, thậm chí họ không tìm được một công việc tử tế. Làm sao một người được trang bị đầy đủ kiến thức từ sách vở lại không thể hoàn thành những mục tiêu trong thế giới hiện thực? Vì đôi khi họ không liên hệ được kiến thức ấy với hoàn cảnh cụ thể, hoặc đó là những kiến thức không phù hợp để áp dụng vào cuộc sống của họ. Cũng có người không đủ can đảm áp dụng kiến thức mà họ đã tiếp thu.

Chiến binh nhân từ luôn có kiến thức phù hợp và sự hiểu biết sâu sắc để áp dụng kiến thức ấy vào cuộc sống và họ can đảm thực hiện điều đó. Sự sáng suốt là khả năng nhìn xuyên thấu những điều mà mắt thường nhận biết được. Khi thấy một ngôi nhà đang được rao bán, người bình thường chỉ biết giá cả và điều kiện giao dịch của ngôi nhà, tức là những gì họ có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Một người sáng suốt cũng nhìn thấy những điều đó, nhưng họ biết liên hệ với những thông tin khác để tạo ra những kết quả có ý nghĩa.

Sự sáng suốt sẽ dẫn đến tầm nhìn xa trông rộng – khả năng nhìn thấy cách thức phát triển của sự việc trước khi nó thực sự diễn ra. Kiến thức và kinh nghiệm giúp gia tăng sự sáng suốt của bạn. Sau khi tham gia nhiều giao dịch chứng khoán hoặc bất động sản, một người có thể phát triển kiến thức chuyên sâu giúp anh ta đánh giá mức sinh lợi một cách nhanh chóng, dù chỉ nhìn lướt qua một bất động sản hoặc cổ phiếu nào đó. Ý thức và tiềm thức của anh ta hòa điệu vào nhau và anh ta có khả năng cảm nhận bằng nhiều hơn năm giác quan bình thường.

Người lái tàu và nhà cố vấn

Có hai người đàn ông lớn lên trong cùng khu phố và học một trường. Thỉnh thoảng, họ hẹn hò với cùng một cô gái và cùng tham dự những buổi tiệc. Một ngày nọ, cả hai đều đi xa, nhưng sau nhiều năm, cuối cùng họ lại cùng làm việc trên một chiếc tàu: một người là lái tàu, còn người kia là cố vấn của nhà vua. Người lái tàu cảm thấy ghen tị với công việc của nhà cố vấn và tin rằng lẽ ra anh ta cũng phải là một cố vấn. Anh ta cũng được hưởng nền giáo dục như người kia, vậy sao anh ta lại không thể làm cố vấn? Thật chẳng công bằng chút nào!

Nhà vua nghe được những lời phàn nàn của người lái tàu. Khi con tàu vào bờ, ông nói với anh ta: “Anh hãy đi lên đỉnh đồi và nói cho ta biết anh nhìn thấy gì”. Người lái tàu chạy nhanh lên đỉnh đồi, nhìn ngó xung quanh rồi trở xuống nói rằng có lũ mèo đang cắn nhau. Vị vua hỏi: “Có bao nhiêu con mèo?”. Sau khi leo lên đỉnh đồi lại lần nữa, người lái tàu nói có năm con mèo. Vị vua hỏi tiếp: “Thế mấy con mèo đó màu gì?”. Người này lại chạy lên đỉnh đồi và khi quay lại, anh ta nói rằng có hai con mèo đen và ba con mèo nâu. Nhà vua lại hỏi: “Chúng thuộc giống nào?”. Sau khi leo lên đồi lần nữa, người lái tàu trả lời rằng chúng là giống mèo Manx.

Vị vua gọi người cố vấn lại và nói: “Hãy đi lên đỉnh đồi rồi bảo cho ta biết ngươi nhìn thấy gì”. Khi quay trở lại, người cố vấn trả lời rằng: “Có năm con mèo giống Manx đang cắn nhau. Hai con đen và ba con nâu. Một anh bạn ở bên kia ngọn đồi là chủ của những con mèo này. Anh ta nói rằng nếu bệ hạ khó chịu với những con mèo thì anh ta sẽ mang chúng vào trong. Nhưng nếu bệ hạ thích, anh ta sẽ tặng bệ hạ một con”.

Người lái tàu chỉ làm những gì được sai khiến. Anh ta làm việc tốt thật đấy, nhưng lại chỉ làm mỗi công việc của mình thôi. Người cố vấn – một chiến binh nhân từ – thì khác: Anh ta nhìn thấy một bức tranh tổng thể. Bên cạnh công việc, anh ta còn cung cấp những thông tin mà anh cho rằng cấp trên của mình cần biết. Đến đây, bạn thấy mình giống người lái tàu hay là người cố vấn?

Chiến binh nhân từ nói những điều họ nghĩ và biến lời nói thành hành động. Họ đưa ra những lời hứa táo bạo và quyết tâm giữ lời hứa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.