Tinh Thần Samurai Trong Thế Giới Phẳng

CHƯƠNG 4: SỰ TẬP TRUNG



Hãy nói cho tôi biết bạn chú tâm vào điều gì, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai.

– Jesé Ortega y Gasset

Tập trung là khả năng chuyển sự chú ý, nỗ lực hoặc hoạt động của bạn vào một phương hướng hoặc một đối tượng mong muốn. Chiến binh nhân từ một khi quyết định tập trung vào điều gì thì luôn duy trì sự tập trung ấy. Người bình thường không làm được như vậy. Thuộc tính đáng kinh ngạc của sự tập trung là tính chất đòn bẩy – chỉ với tài năng trung bình, thời gian ít ỏi, hoặc nguồn lực tối thiểu, bạn vẫn có thể tạo nên những kết quả phi thường. Đó chính là điểm tựa của đòn bẩy. Chắc chắn khả năng tập trung có thể tạo nên, nhưng cũng có thể hủy hoại một chiến binh nhân từ. Phẩm chất này cũng là nhân tố quyết định khả năng đạt được những thành quả vĩ đại của chiến binh nhân từ.

Sự tập trung là đòn bẩy cho sức mạnh, cũng giống như kính lúp có thể hội tụ sức nóng của mặt trời. Dù bạn có kính lúp hay không, năng lượng mặt trời vẫn giữ nguyên độ nóng. Nhưng nếu được định hướng thông qua kính lúp, năng lượng đó đủ sức tạo ra lửa. Với cùng mức năng lượng dùng để thắp sáng chiếc bóng đèn 75 watt nhưng một tia laser có thể cắt xuyên qua thép dày 15 cm. Điểm khác biệt chính là sự tập trung.

Trong quyển Chỉ cần biết cách, tất cả chúng ta đều khỏe mạnh, giàu có và hạnh phúc, tôi đã đưa ra mô hình về loài người với ba cấp độ: tư duy ý thức hoặc trí óc, tiềm thức hoặc trái tim, và cấp độ vô lượng mà tôi gọi là Thượng đế. Ý thức của bạn là nơi ngự trị của lựa chọn và tập trung. Điều quan trọng là cái kính lúp (ý thức của bạn) không bị nhầm lẫn và nghĩ rằng nó là năng lượng của mặt trời (Thượng đế). Chiến binh nhân từ luôn tỏ ra khiêm nhường khi làm những việc vĩ đại, bởi vì họ nhận ra mình chỉ đơn thuần là chiếc kính lúp.

Người bình thường khó tập trung vì ba lý do:

1. Họ không sẵn sàng hoặc không thể tập trung.

2. Họ tập trung vào những việc khiến họ trở nên vô dụng.

3. Họ tập trung, nhưng vẫn nhận thức được những điều xung quanh.

Trước hết hãy bàn về việc không sẵn sàng hoặc không thể tập trung. Cuộc sống đầy rẫy những điều làm ta phân tâm và ít ai có thể thực sự tập trung. Nếu bạn yêu cầu một nhóm người mô tả mục đích của họ, đa phần sẽ lắp bắp, ngập ngừng và nói rằng họ không biết. Cuộc sống của họ không có trọng tâm. Vào giờ ăn sáng, hầu hết những người được hỏi về ba việc phải hoàn thành trong ngày đều không thể trả lời một cách rành mạch. Họ chỉ biết sẽ làm việc chăm chỉ và xử lý những việc phát sinh – bất kể đó là việc gì. Họ không tập trung. Khi hỏi hầu hết các cặp vợ chồng về trọng tâm hôn nhân thì chắc là bạn sẽ chỉ nhận được cái nhìn trống rỗng.

Một lý do khiến người bình thường không học cách tập trung là họ nhầm tưởng rằng sự tập trung đòi hỏi rất nhiều công sức và luôn gây căng thẳng. Trên thực tế, hầu hết mọi người khi tập trung thì căng thẳng, và không tập trung thì thoải mái, vui vẻ. Kiểu mẫu này lại liên quan đến tâm lý về sự thiếu hụt đã bàn ở chương trước. Khi tập trung và thư giãn, chiến binh nhân từ có khả năng đưa ra những quyết định thông minh hơn, tư duy mạch lạc hơn và tinh thần sảng khoái hơn.

Nhiều năm trước, Tom, cố vấn của tôi, đã tổ chức một buổi hội thảo mười ngày dành cho nam giới ở một nông trại. Khoảng 40 người từ đủ mọi tầng lớp tham gia hội thảo. Dù chỉ một số được đánh giá là có nguồn tài chính dồi dào, nhưng mỗi người đều phải đóng 7.500 đô-la để tham gia. Một hôm, Tom yêu cầu chúng tôi lấy trong ví ra 100 đô-la. Mặc dù không hiểu ý đồ của ông, nhưng tôi đoán ông sắp trình bày một bài học quý giá về cuộc sống – đó chính là bản chất của ông.

Quan sát những người trong nhóm, tôi thấy có nhiều phản ứng khác nhau. Có người không muốn làm theo và tỏ ra nghi hoặc. Có người tỏ vẻ thất vọng vì không mang nhiều tiền mặt. Có người rút tiền khoe khoang – dường như họ nghĩ rằng giá trị tài sản liên quan trực tiếp đến giá trị bản thân họ vậy. Những người khác thì làm theo với vẻ tò mò. Sau khi ai nấy đã lấy ra một tờ tiền giấy (với khả năng tốt nhất của mỗi người), Tom rút ra một khẩu súng.

Rồi ông giải thích luật chơi. Chúng tôi tham gia vào cuộc thi với lệ phí 100 đô-la. Mỗi người có một phút để bắn năm lần vào mục tiêu. Ai có điểm số cao nhất sẽ được hưởng toàn bộ số tiền lúc đó, khoảng 4.000 đô-la. Tôi còn nhớ mình đã rất tự tin: Hay đấy. Mình từng gia nhập quân đội, đã bắn súng nhiều lần, trong khi hầu hết mấy gã này có lẽ chưa bao giờ đụng đến vũ khí. Tôi nghĩ thể nào mình cũng sẽ giành chiến thắng.

Người đầu tiên đứng dậy. Khi ông chuẩn bị bóp cò, Tom bất ngờ hét vào tai ông. Người đàn ông giật mình và bắn trượt. Tom cười và nói rằng chỉ còn bốn viên đạn và 40 giây, tốt nhất là ông nên bỏ cuộc. Ông không bao giờ thắng được đâu. Người đàn ông sửng sốt. Ông đặt khẩu súng xuống và bỏ đi. Quý ông tiếp theo đứng lên. Trước khi bắn, ông liếc sang Tom. Tom mỉm cười. Người đàn ông quay lại đối diện với mục tiêu. Một lần nữa, ông cố vấn của chúng tôi lại hét lên như người điên. Chuyện cứ tiếp diễn cho đến người cuối cùng. Chắc bạn cũng đoán ra rằng tất cả chúng tôi cùng hét vào tai Tom khi đến lượt ông bắn. Cuối cùng, chúng tôi so sánh các kết quả. Tôi về nhì – không tệ lắm, nhưng không có tiền thưởng. Tom về nhất với điểm số cao nhất. Cảm thấy như thể mình vừa chơi trò lừa bịp, mọi người tản dần ra.

Mặc dù không hiểu bài học Tom muốn dạy, nhưng tôi biết chắc rằng ông luôn có ẩn ý nào đó. Thế là tôi hỏi thẳng Tom. Ông hỏi lại tôi một câu đơn giản: “Trong cuộc sống liệu có những điều làm ta sao nhãng hay không?”. Câu trả lời quá dễ – dĩ nhiên là có, nhiều là đằng khác. Rồi ông hỏi tiếp một câu đơn giản khác: “Trong cuộc sống có áp lực về thời gian và tiền bạc hay không?”. Tôi lại trả lời có, trong khi vẫn cố gắng suy nghĩ để tìm hiểu vấn đề. Sau đó, ông kết luận rằng trò chơi ấy phản ánh cuộc sống. Việc ông la hét đã giả lập điều làm ta sao nhãng: điện thoại làm ảnh hưởng đến kế hoạch công việc, công việc can thiệp vào các mối quan hệ và các mối quan hệ không tích cực lại ảnh hưởng đến nghề nghiệp. Những khó khăn vất vả trong việc nuôi dạy con cái làm chúng ta quên đi sự lãng mạn của cuộc hôn nhân. Một căn bệnh nguy kịch làm đổ vỡ các kế hoạch đã định. Cuộc sống đầy rẫy những điều làm ta sao nhãng.

Nguy cơ mất đi 100 đô-la so với khả năng giành được 4.000 đô-la trong trò chơi đã giả lập áp lực về tài chính. Trong thế giới vật chất, con người có thể hạn chế sự sao nhãng, nhưng áp lực tiền bạc luôn tồn tại. Mua nhà hay thuê nhà đều phải tốn tiền. Học ở trường tốt rất tốn kém. Chúng ta thường xuyên phải kiếm tiền để mua sắm đủ loại đồ dùng và tạp phẩm, chưa kể đến việc chạy theo xu thế thời trang mà luôn thay đổi những bộ quần áo hợp mốt hay đi xe hơi sang trọng.

Giới hạn về thời gian – một phút phải bắn năm phát – giả lập áp lực về thời gian mà ai cũng phải chịu. Chúng ta muốn nói chuyện với con cái, nhưng chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn. Chúng nhanh chóng mất kiên nhẫn và muốn quay trở lại cuộc sống của riêng chúng. Chúng ta có một buổi chào hàng hoặc một cuộc họp, và ngay cả khi lượng thông tin không nhiều, chúng ta vẫn chỉ có thời gian hạn hẹp để làm xong việc hoặc ra quyết định đúng đắn. Những áp lực thời gian và tiền bạc là một phần cuộc sống – chúng sẽ chẳng bao giờ biến mất.

Nếu bạn chưa bao giờ bắn súng, tôi xin mách nước cho bạn: Nếu bạn tập trung vào mục tiêu, nhưng lại quá căng thẳng, bạn sẽ bắn trượt. Nếu bạn thư giãn, nhưng không tập trung, bạn cũng sẽ bắn trượt. Nhiều người cứ cười nói ồn ào khi tôi phải đọc thuộc lòng những bài học mà tôi cần ghi nhớ. Mặc dù lúc ấy tôi không hiểu họ đang cố dạy tôi điều gì, nhưng tôi đã học được cách vừa thư giãn vừa tập trung. Sự khổ luyện đã giúp tôi về nhì trong trò chơi nhỏ của Tom – chỉ vì khả năng tập trung của ông tốt hơn tôi.

Dù bạn sao nhãng bao nhiêu, dù bạn phải chịu áp lực về thời gian và tài chính bao nhiêu, nhưng nếu bạn tập trung mà vẫn giữ được tâm trí thoải mái, bạn sẽ luôn bắn trúng hồng tâm. Đó là một trong những kỹ năng của chiến binh nhân từ và cũng là một trong những lý do khiến tôi yêu thích môn đánh golf – tôi có thể thực hành, vừa tập trung, vừa thư giãn. Khi tôi thư giãn và tập trung, quả bóng tôi đánh ra luôn bay xa và chính xác hơn so với khi tôi căng thẳng và gắng dùng sức.

Người bạn tốt của tôi, Doug Firebaugh, được xem là bậc thầy và huấn luyện viên xuất sắc trong ngành tiếp thị đa cấp tại nhà nhờ những thành quả mà ông đạt được và hàng chục ngàn người được ông giúp đỡ (www.passionfire.com). Cứ đến kỳ Giáng sinh, khóa đào tạo của Doug lại đề cập đến công việc kinh doanh tiếp thị đa cấp vốn trì trệ vào kỳ nghỉ, trong khi lẽ ra phải tăng tốc bởi vì mọi người đang có tâm trạng muốn mua sắm. Người bình thường vẫn muốn nghỉ ngơi thoải mái trong các kỳ nghỉ lễ và trở nên mất tập trung. Vì thế, Doug đã hướng dẫn cho các học viên cách thức thư giãn trong khi vẫn tập trung và kết quả là họ có thể gia tăng doanh số đáng kể.

Tập trung vào những việc kém hiệu quả

Mục đích sống của bạn là gì? Vì sao bạn tồn tại? Câu trả lời sẽ giúp bạn đặt trọng tâm cho cuộc sống của mình. Đây là những vấn đề quan trọng bạn cần phải thấm nhuần nếu bạn muốn tập tính tập trung. Sau đó, bạn chỉ việc chú tâm sao cho sự sao nhãng trong cuộc sống không làm bạn chệch hướng khỏi mục tiêu của mình. Chiến binh nhân từ tập trung vào sự phục vụ hoặc cống hiến trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Người bình thường chỉ tập trung vào bản thân và không quan tâm đến những chuyện xảy ra với người khác. Tôi có thể kiếm được bao nhiêu tiền? Tôi có vui vẻ không? Tôi được lợi gì trong mối quan hệ ấy? Ngoại hình của tôi ra sao? Người bình thường nghĩ đến người khác chỉ vì họ mong muốn nhận được nhiều hơn, cảm thấy thoải mái hơn, và vì được ở vị trí dẫn đầu.

Chiến binh nhân từ tập trung vào phục vụ hoặc đóng góp, bất chấp hoàn cảnh.

Những lãnh tụ vĩ đại như anh hùng dân tộc Ấn Độ Mohandas Gandhi, mục sư và nhà hoạt động nhân quyền Mỹ, gốc Phi Martin Luther King Jr., cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela và Mẹ Teresa đều phải trải qua áp lực phi thường. Những chiến binh nhân từ này có điểm chung là không ngừng tập trung vào tầm nhìn vì một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người. Họ chưa bao giờ nao núng. Họ luôn kiên định dù phải chịu nhiều áp lực. Họ bị tra tấn, mạng sống người thân bị đe dọa, họ không có tiền để chi cho các dự án của mình và còn phải chịu đựng sự chế nhạo của công chúng. Các chiến binh nhân từ vẫn luôn tập trung vào trọng tâm của mình bất chấp hoàn cảnh bên ngoài, bởi họ hiểu rằng chỉ một sự sao nhãng dù nhỏ nhất cũng có thể phải trả giá bằng sinh mạng của biết bao con người. Người bình thường hay tìm cách trốn tránh trách nhiệm với lập luận rằng chỉ một số người đặc biệt mới có thể tập trung ở mức độ tuyệt đối như vậy. Tuy nhiên không phải vậy, bất cứ ai cũng có thể trở thành chiến binh nhân từ.

Một trong những cách giúp chiến binh nhân từ luôn tập trung là nghĩ đến cái chết có thể xảy ra mọi lúc. Trước khi phán xét đó là kiểu suy nghĩ tiêu cực, bạn hãy suy nghĩ theo hướng này: đối với họ, mỗi ngày họ đều sống như thể đó là ngày cuối cùng của mình, vì thế họ trải nghiệm cuộc sống bằng tất cả tâm, trí, lực và tình yêu cuộc sống. Việc đối diện với chuyện sinh tử của chính mình sẽ giảm nhẹ nỗi sợ hãi của bạn về sự chết chóc, đồng thời làm cho mục đích sống trở nên rõ ràng. Khi tự cho rằng mình có thể sống ít nhất 75 năm nữa, những người bình thường đã làm giảm đi khả năng tồn tại của chính họ.

Thomas Cleary đã viết trong quyển The Code of the Samurai (Quy tắc Chiến binh) rằng:

Người được xem là chiến binh luôn nghĩ đến cái chết như một mối quan tâm thường trực – từng ngày từng đêm, từ sáng ngày đầu năm đến tận đêm giao thừa.

Khi trong tâm trí bạn luôn nghĩ đến cái chết, bạn sẽ làm tròn những nghĩa vụ về lòng trung thành và nghĩa vụ gia đình. Bạn cũng sẽ tránh được vô số sự xấu xa và tai ương, thân thể bạn sẽ luôn tráng kiện và bạn sẽ sống rất thọ. Hơn nữa, tính cách của bạn được cải thiện và đức hạnh của bạn cũng phát triển.

……

Khi bạn giả định rằng sự tồn tại của bạn trong thế giới này còn kéo dài, bạn sẽ có rất nhiều ước muốn và trở nên đầy tham vọng. Bạn muốn có những gì mà người khác có. Bạn cố bám víu vào tài sản của mình. Đây là nguồn gốc phát sinh tâm tính vụ lợi.

Cleary khuyến nghị rằng việc luôn nghĩ đến cái chết là cách chữa trị bệnh thèm muốn và lòng tham vốn song hành cùng muôn vàn điều xấu xa khác. Mục đích của cách chữa trị này là không để cho bạn có nhiều thời gian lựa chọn cái chết cho mình. Bạn sẽ có ý thức về mục tiêu và tính cấp bách. Nếu hôm nay là ngày cuối cùng, bạn sẽ sử dụng thời gian như thế nào? Bạn sẽ mang lại hạnh phúc cho ai? Bạn sẽ làm gì để hỗ trợ những người mà bạn yêu quý? Bạn sẽ gọi điện và nói chuyện với người bạn cũ, hoặc bạn có chắc rằng mình dám tỏ tình với người mình yêu không? Bạn có tìm kiếm một con đường tâm linh mà bạn luôn mơ đến hay không?

Nếu hôm nay là ngày sống cuối cùng, bạn sẽ dùng thời gian như thế nào?

Dù sao đi nữa, bạn cũng sẽ sống mà không vướng bận đến những điều trần tục vì chúng chỉ là những sự sao nhãng mà thôi. Khi bạn sống mà luôn nghĩ đến cái chết, bạn không cần cố gắng duy trì cuộc sống chỉ đơn thuần cho mục đích tồn tại, bởi bạn biết rằng động cơ đó đã không còn. Bạn sẽ cống hiến hết mình bởi vì bạn không có gì để mất.

Biết cách quên đi: Chìa khóa để tập trung vào những việc hiệu quả

Tôi viết phần này trên máy bay sau khi thực hiện một trong những buổi hội thảo ngắn ở Detroit. Vào cuối buổi hội thảo, một phụ nữ tiến lại chỗ tôi và bày tỏ ước muốn tham gia buổi hội thảo cuối tuần của chúng tôi với chủ đề Hoàn thiện bản thân, nhưng lại không đủ tiền.

Tôi hỏi: “Cô có ý tưởng gì để kiếm tiền chưa?”. Cô trả lời là chưa. Hãy lưu ý là cô ấy năng động, nhiệt tình và tràn đầy sinh lực. Vậy vấn đề của cô là gì? Sự tập trung của cô đã đi sai hướng. Cô ấy đang tập trung vào vấn đề của mình, chứ không phải vào giải pháp cho vấn đề đó.

Vấn đề của người phụ nữ – rằng cô không có tiền – là một điều kiện trước đây của cô ấy. Cô ấy phải quên đi vấn đề và quá khứ của mình. Không tập trung tìm kiếm một giải pháp khả dĩ nên cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi cô không đưa ra được câu trả lời nào. Những người bình thường sẽ hỏi: “Tôi có làm được không?”. Câu trả lời của họ thường bám vào những điều đã xảy ra. Chiến binh nhân từ lại đặt câu hỏi theo kiểu khác: “Tôi làm điều đó bằng cách nào?”. Do câu hỏi này có trọng tâm khác nên ngay cả khi không dùng thêm sức lực, họ vẫn tạo ra những kết quả khác biệt.

Hãy thử trải nghiệm điều đó. Hãy chọn một việc mà bạn cho rằng mình không có khả năng thực hiện vì một lý do nào đó. Có thể bạn không đủ thời gian hoặc tiền bạc, hoặc cũng có thể bạn không tìm được người trông trẻ. Cũng có thể là mua nhà, giảm cân hoặc tìm một công việc mới. Hãy viết ra. Hãy tự cam kết sẽ dành mỗi ngày một giờ để tập trung giải quyết vấn đề đó.

Bạn thu được kết quả gì? Nếu là một độc giả bình thường, bạn sẽ ngạc nhiên với câu hỏi của tôi. Bạn sẽ chờ tôi nói cho bạn nghe kết quả của bạn. Hãy đặt cuốn sách xuống và dành một giờ để giải quyết bất cứ vấn đề nào mà bạn cho rằng mình không thể giải quyết được.

Chiến binh nhân từ không thể đạt đẳng cấp nếu chỉ học qua sách vở. Họ phải hành động. Họ phải kinh qua nhiều trận chiến và dành nhiều thời gian để rèn luyện.

Hãy xem đây là một trong những bí quyết hướng dẫn bạn cách tập trung. Vậy thì bạn sẽ làm gì? Bạn có cảm thấy sự kháng cự nào đối với việc đó không? Đó chính là sự mất khả năng tập trung. Một chiến binh nhân từ có thể quyết định tập trung vào bất cứ điều gì và duy trì sự tập trung ấy.

Trong buổi hội thảo Hoàn thiện bản thân, chúng tôi cho mọi người luyện tập nghệ thuật và kỹ năng tập trung. Vấn đề không phải là họ có tập trung hay không, mà quan trọng là họ có nhận ra điều họ đang tập trung hay không.

Tôi đã từng yêu cầu các học viên ở hội thảo dùng tay để bẻ những tấm bảng dày 2,5 cm. Khả năng hoàn thành bài tập này không nằm ở cơ bắp, mà ở sự tập trung tối đa. Lần đầu tiên chúng tôi thực hiện bài tập, vợ tôi phản đối kịch liệt. Điều đó không ảnh hưởng gì, bởi những buổi hội thảo của chúng tôi tập trung vào sự lựa chọn cá nhân. Trọng tâm đặt vào “học tập”. Những người tham gia có thể khám phá ra nhiều điều tương tự hoặc thậm chí nhiều hơn bằng cách không thực hiện bài tập mà lẽ ra họ nên tham gia.

Sau đó, vợ tôi tận mắt chứng kiến một cô bé 13 tuổi có vóc dáng nhỏ nhắn bẻ gãy tấm bảng. Cô bé thừa nhận bài tập không liên quan gì đến sức mạnh, vì thế cô bé dồn hết can đảm và tự thực hiện bài tập. Chúng tôi đặt tấm bảng bị bẻ gãy vào một cái khung rất đẹp và treo trong nhà. Mỗi khi nhìn vào khung hình, vợ tôi lại cảm nhận được sức mạnh của sự tập trung. Và một sự kiện đã diễn ra ngay sau đó. Cô ấy đứng ra tổ chức một buổi tiệc tối gây quỹ cho Hội Phụ huynh ở trường học của con. Trước đó, cô ấy vẫn luôn tự nguyện tham gia các sự kiện, nhưng chưa bao giờ đứng ở vai trò lãnh đạo. Bằng cách quên đi hình ảnh trước đó, cô ấy đã tạo ra được một sự kiện thành công nhất của Hội Phụ huynh.

Sự tập trung có thể vượt qua những lợi thế đáng kinh ngạc bằng cách phát triển lợi thế của chính nó. Ý tưởng này được áp dụng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Bạn có thể bỏ qua việc vợ/chồng bạn không nhớ ngày cưới và quên tặng bạn một tấm thiệp hay quà mừng không? Nếu làm được như thế, bạn sẽ có một cuộc hôn nhân tuyệt vời. Người bình thường tập trung vào những vấn đề không đáng có do họ không thể quên những chuyện bên lề như thế. Điều tồi tệ nhất bạn từng phạm phải là gì? Bạn có thể quên được không? Nếu bạn không làm được, ít nhất bạn có thể dung hòa nó mà không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn không?

Chiến binh nhân từ có thể bỏ qua mọi vấn đề. Tôi đã từng chứng kiến hàng ngàn người bị quá khứ chi phối và điều đó gây họa cho tương lai của chính họ. Sau khi trải qua một bi kịch nào đó, họ vẫn không thể quên được dù đã nhiều năm trôi qua. Họ để cho nỗi ám ảnh tiêu cực của quá khứ trở thành hiện thực cuộc sống hàng ngày. Chừng nào còn để cho quá khứ trói chân, bạn sẽ không bao giờ được tự do theo đuổi tương lai. Thậm chí bạn không thể tập trung vào hiện tại.

Chiến binh nhân từ biết quên đi cả những thành công và thất bại.

Đó là điểm nổi bật. Chiến binh nhân từ quên đi cả những thành công lẫn thất bại của mình! Người bình thường hay sống với hào quang của quá khứ và đánh mất những thành tích còn kỳ diệu hơn của hôm nay.

Đừng bao giờ để quá khứ chắn ngang con đường dẫn đến sự vĩ đại của bạn. Việc không nhớ các sự việc sẽ giải phóng đầu óc chúng ta, giúp chúng ta tập trung vào những mục tiêu mới. Chiến binh nhân từ không bao giờ để việc quan trọng nhất bị ảnh hưởng bởi những thứ tầm thường. Họ chỉ tập trung vào những gì quan trọng nhất.

Sự đau khổ là do tùy chọn; sự đau đớn lại không phải vậy. Đau khổ là việc kéo dài không cần thiết đối với một trải nghiệm đau đớn vì bạn vẫn còn nghĩ đến cơn đau đó.

Tập trung vào hiện tại

Khái niệm này có nghĩa là cả cơ thể, cảm giác, tinh thần và suy nghĩ của bạn đều ở cùng một chỗ tại cùng một thời điểm. Bạn đã bao giờ về nhà mà tâm trí vẫn để lại nơi làm việc chưa? Điều đó có nghĩa là bạn không tập trung vào hiện tại. Bạn đã bao giờ làm một công việc nhưng không dành tâm huyết cho việc đó chưa? Đó cũng là không tập trung vào hiện tại. Không tập trung vào hiện tại có thể giết chết tính hiệu quả trong mọi việc bạn làm.

Không tập trung vào hiện tại có thể giết chết tính hiệu quả trong mọi việc bạn làm.

Khi người bình thường vấp phải một vấn đề, họ cứ loay hoay với vấn đề đó mà không tập trung tìm giải pháp. Bạn đã bao giờ nhìn thấy một con nai bị lóa mắt vì ánh đèn pha xe hơi chưa? Thường thì chiếc xe sẽ đâm thẳng vào con nai bởi vì nó cứ đứng yên đó như trời trồng. Nó đã tập trung sai chỗ – đèn chiếu sáng – nên sao nhãng hiện thực. Con nai có thể dễ dàng tránh chiếc xe, nhưng việc tập trung sai chỗ làm nó như tê liệt trước tình huống bất ngờ. Đó là câu chuyện về cuộc sống của người bình thường. Chiến binh nhân từ không bao giờ để cho tình huống làm giảm sự tập trung của họ vào những điều quan trọng.

Tập trung nhưng không mù quáng

Một số người nhất định cho rằng việc tập trung sẽ làm cho họ thiệt thòi do bỏ qua quá nhiều thứ khác. Bạn có biết những người vì tập trung quá mức vào công việc mà sao nhãng gia đình không? Dĩ nhiên là có. Thật ra ở đây có sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm. Đó là kết quả tự nhiên của cả tư duy về sự thiếu hụt lẫn tâm lý “điều này hoặc điều kia”. Chiến binh nhân từ rất tập trung, nhưng họ vẫn nhận biết tất cả mọi việc diễn ra quanh mình. Đó là một kỹ năng cần phát triển. Ví dụ, trong môn võ Aikido, đối thủ của bạn có thể tung nắm đấm và bạn phải tập trung để trả đòn, nhưng bạn cũng phải tỉnh táo để nhận biết điều gì đang diễn ra quanh bạn. Rất có thể đang có một nguy cơ khác phía sau lưng bạn. Liệu còn người nào ở cạnh đó không? Họ có thiện chí với bạn không?

Tôi nổi tiếng trong gia đình và trong công ty về khả năng tập trung mạnh mẽ. Khả năng duy trì nhận thức xung quanh là điều mà tôi đã phải khổ công luyện tập. Nếu tôi tập trung lái xe còn các cọn tôi đang đi theo chiều ngược lại và vẫy tay chào thì tôi cũng không bao giờ nhìn thấy chúng.

Có lẽ, ví dụ hài hước nhất là câu chuyện xảy ra vào một ngày tháng Mười. Tôi trở về sau chuyến công tác và đến nhà khoảng 7 giờ sáng. Tôi gặp vợ và con gái ngay trước khi cháu đi học. Roma hỏi tôi có muốn nhận một món quà Giáng sinh sớm không. Tôi trả lời: “Ồ không, anh thích đợi đến thời điểm đó hơn”. Cô ấy cười khúc khích. Tôi không hiểu gì cả. Roma bảo tôi trở lại phòng khách mà xem. Thật ngạc nhiên, có một chiếc ti-vi màn hình rộng 54 inch ở đó với một dải ruy băng quà tặng quấn quanh.

Tôi đã đi ngang phòng khách ít nhất ba lần, vừa uống cà phê vừa suy nghĩ. Tôi đã tập trung suy nghĩ đến nỗi không nhìn thấy chiếc ti-vi. Làm sao bạn không nhìn thấy một cái ti-vi to đến 54 inch sờ sờ ngay trước mắt cơ chứ? Chỉ khi nào bạn quá tập trung vào điều gì khác mà thôi! Mọi người trong gia đình thường gọi đùa tôi là “Vua nhận thức”. Bạn có bao giờ bỏ lỡ một cơ hội to như cái ti-vi 54 inch chỉ vì bạn không tập trung? Hay phải chăng bạn đã tập trung nhưng thiếu sự nhận biết về những điều đang diễn ra xung quanh?

Nhiều nam giới do quá tập trung vào sự nghiệp công danh mà không nhận biết những mâu thuẫn đang nảy sinh trong gia đình. Giải pháp cho vấn đề này là bạn không được để bị chi phối bởi tâm lý thiếu hụt, đồng thời không thực hiện phương án lựa chọn một trong hai, mà phải chọn cả hai. Ban đầu, bạn có thể phải luyện cách tập trung vào những điều trước mắt, sau đó đổi ngược lại. Nói cách khác, bạn tập trung vào công việc khi bạn ở công ty và tập trung vào gia đình khi bạn ở nhà. Hãy tập trung vào một vấn đề tại nơi làm việc với một người quản lý, rồi mười phút sau hãy giải phóng toàn bộ tư duy đó để tập trung vào vấn đề hoàn toàn khác, với một người khác.

Tốc độ chuyển đổi sự tập trung phụ thuộc vào khả năng của bạn. Bạn nên dành thời gian để rèn luyện khả năng này, bởi nó sẽ huy động sức mạnh và tính sáng tạo của bạn một cách hiệu quả. Nhưng đây mới chỉ là một bước nhỏ trên con đường tiến đến khả năng tập trung, trong khi vẫn nhận thức được toàn bộ diễn biến xung quanh.

Khi trò chuyện, bạn hãy tập trung vào ngôn từ của người đang đối thoại. Chỉ điều đó thôi cũng rất khó khăn rồi. Hầu hết mọi người tập trung quá mức vào những điều mà họ muốn nói cho nên cứ nôn nóng tìm khoảng trống để được nói ra. Kết quả là họ không thực sự tập trung vào những gì người kia đang nói. Hoặc có thể họ bị phân tâm bởi những khủng hoảng gia đình và mải miết nghĩ về điều đó trong khi người kia nói.

Khi bạn học cách tập trung vào “điều người kia nói”, bạn đồng thời hãy học cách gia tăng sự nhận biết về các diễn biến xung quanh bạn. Bạn sẽ hiểu được không chỉ những điều người đối diện đang nói, mà còn đoán biết cả cảm xúc của họ. Thậm chí bạn còn cảm nhận được những gì người kia không tiện nói ra – mà điều này khá quan trọng. Bạn sẽ nhận biết được cả những điều đang diễn ra với người thứ ba, ngay cả khi họ chẳng nói gì với nhau. Bạn hoàn toàn có thể nhận biết được năng lượng tổng quát trong căn phòng.

Chiến binh nhân từ nói ra những điều thật ý nghĩa và luôn trau chuốt từng lời.

Người bình thường chỉ trung thực khi họ ở hoàn cảnh thuận tiện.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.