Nếu có ai hỏi tớ ghét nhất thứ gì trên đời, tớ sẽ không ngại ngần trả “nhời”:
– Ghét nhất cái đứa hàng xóm!
Ngày xưa ý, cái hồi mẫu giáo nhớn ý, tớ có một đứa bạn hàng xóm chơi rất thân. Những trò như nghịch đất đá, chơi đồ hàng xịn (chúng tớ dành cái tên sang trọng đó cho cái trò nấu nướng bằng thức ăn thật chứ không thèm dùng đồ giả), rồi làm MC, đóng kịch… đều kinh qua cả. Thân nhau là thế, vậy mà từ khi đi học, mọi chuyện đã đổi khác hẳn.
Người ta nói cấm có sai, từ khi vác cái cặp sách lên vai là từ ấy biết khổ.
Chúng tớ bắt đầu trở thành chủ đề bàn tán của hai mẹ. Điểm số của nhóc bạn thân kia được mẹ tớ update nhanh hơn cả của con mình.
Tớ vẫn nhớ như in câu chuyện thường nói với mẹ mỗi lần đi học về:
– Hôm nay đi học được mấy điểm?”
– Hôm nay cao hơn hôm qua, 9 điểm mẹ ạ – Tớ lí nhí.
– Thế T nhà bác H được mấy? 10 đúng không?
– Vâng – Tớ cúi gằm mặt xuống.
Ối giời ơi là giời, con nhà người ta chăm học như thế, viết chữ đẹp như thế, tính toán nhanh như thế, kiểu gì mà chả được 10. Con nhà mình được chiều chuộng quen rồi, lười học, mải chơi, điểm kém là đúng!
Tớ lủi thủi đi vào nhà, ứa nước mắt. Tớ đã phải học bài đến tận khuya để được điểm 9 môn toán cuối kỳ – môn học “khó nhằn” nhất với tớ.
Và ngược lại, nhỏ bạn thân cũng được huấn luyện trở thành một tay đua cự phách với đối thủ là tớ. Cuộc đua trở nên gay cấn hơn trong những kỳ thi học sinh giỏi hay thi chuyển cấp.
Lẽ tất nhiên là tớ và nhỏ bạn không thể nào thân thiết với nhau như xưa nữa. Sau này, thỉnh thoảng thấy nó up ảnh bé tí tẹo của hai đứa giả vờ làm ca sĩ khuấy đảo cộng đồng xóm trên Facebook, tớ thấy vừa buồn cười, lại vừa thấy tiếc…
Bị so sánh với những tên khác bằng hoặc hơn một vài tuổi đã đành, ba mẹ còn rất hứng thú với việc đặt tớ lên bàn cân với những bà, những ông, những bác, những cô từ xưa xửa xừa xưa… đặc biệt là với chính ba mẹ của những năm một ngàn mấy trăm hồi đó. Khi ấy, tớ làm gì đã có mặt trên đời mà kiểm chứng. Thế nên khi cả ba và mẹ thi nhau vẽ lên tấm gương sáng ngời trong quá khứ của mình thì tớ cũng chỉ biết gật gù hưởng ứng, mặc dù trong lòng đầy nghi hoặc.
Cuối năm học vừa rồi, vì “phốt” môn thể dục dưới 6,5 mà tớ không được học sinh giỏi. Y như rằng, cái cấu trúc so sánh:“ Ngày xưa tao…. Bây giờ mày…” được lặp lại:
Ngày xưa tao đi bộ mấy cây số đi học, đồ dùng học tập thiếu thốn đủ thứ, vậy mà không năm nào thoát học sinh giỏi. Bây giờ mày ngồi lên xe đạp điện, vù một cái là đến cổng trường, cần cái gì là bố mẹ sắm sửa cho không thiếu thứ gì, thế mà học hành bê bết, môn thể dục dễ như ăn ớt cũng điểm thấp lè tè…
Và đôi khi, sự so sánh còn vượt lên tầm vĩ mô mà tớ chưa bao giờ nghĩ đến.
Ấy là khi tớ cũng muốn tận hưởng cái cảm giác được xả hơi và đòi hỏi một chút. Tớ muốn chơi game hay xem phim Hàn Quốc cả ngày chủ nhật, tớ muốn mua một bộ quần áo “đăn đắt đèm đẹp”dù chỉ một lần trong tháng hay trong năm.
Nhưng mỗi lúc như thế, ngay lập tức tớ sẽ phải nghe những câu kiểu như: “Trên đời này còn nhiều người đói khổ lắm con ạ. Trong khi họ không có cơm ăn, áo mặc thì con phung phí tiền vào những thứ vớ vẩn như thế này. Con (lại) nhìn bạn T. lớp con mà xem, đi học về còn phải đi đóng than tổ ong phụ bố mẹ, ấy thế mà vẫn được học sinh giỏi. Bạn ấy chắc chẳng bao giờ đòi mua 1 cái áo đến nửa triệu bạc…”
Và rồi, tớ thấy mình đang gào lên:
“Vâng! Con không ra gì, con chỉ có thế thôi. Ba mẹ đi mà nhận thằng T. làm con cho rồi!!!”
Chuyên gia go bom ra tay
Ái chà, bạn có nhớ cậu bé người máy trong phim “Trí tuệ nhân tạo” của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg? Cậu bé người máy muốn trở thành một con người thực sự. Qua bao nhiêu trắc trở, gian nan mà mong ước đó vẫn chưa thành hiện thực. Cuối cùng, cậu lạc vào một căn phòng có những người máy y chang mình. Một cách cực kỳ phẫn nộ, cậu bé lao vào đập phá những bản sao. Bởi vì, cậu nghĩ rằng cậu là duy nhất trên cõi đời. Bất ngờ thay, lúc đó phép màu đã xảy ra và cậu bé người máy đã trở thành người. Lý do thật đơn giản, chỉ có một con người mới nhận thức được rằng mình “là Một, là Riêng, là Duy nhất”.
Vậy mà trong cuộc sống, không ít lần, bố mẹ lại muốn chúng ta giống với một ai đó. “Tại sao con không phải là con cô Hoa cùng cơ quan mẹ? Con bé vừa ngoan lại vừa giỏi giang?” hay: “Con nhìn bạn lớp trưởng xem, điểm của cậu ta cao như thế, còn con thì…” Những câu nói như một bài hát thảm họa để chế độ replay hết ngày này sang ngày khác.
Đề rồi, đến một lúc nào đó, teen thấy chính mình biến thành “chim cú”: “Thế sao bố mẹ không mang con cô Hoa về nuôi?”, “Con cứ như là con nuôi của bố mẹ ý, bố mẹ chả thương con gì cả?” Những phép so sánh khiến cả hai bên đều cảm thấy bức xúc bực bội, và chiến tranh được dịp “leo thang”.
1. Tìm xem ngòi nổ nằm ở đâu
Con mình là nhất
Lý do đầu tiên và có lẽ quan trọng nhất để bố mẹ biện minh cho việc đặt con cái lên bàn cân chính là sự kỳ vọng. Bố mẹ luôn tin tưởng và thậm chí, có phần áp đặt rằng, con mình thông minh nhất, giỏi giang nhất, xinh đẹp nhất, thành công nhất.
Ngày qua ngày, sự kỳ vọng biến thành ám ảnh thường trực trong suy nghĩ của bố mẹ chúng ta. Chỉ cần nhìn thấy hình ảnh phản ánh đúng mong ước của bố mẹ là lập tức sẽ xuất hiện một đường link dẫn tới hình ảnh thực tại của con mình. Nếu hai hình ảnh này không trùng khít với nhau thì thật… tai hại. Lúc đó, ngòi nổ của quả bom so sánh lập tức được châm lửa.
Khích tướng nào
Một số phụ huynh khác lại cho rằng, thực hiện phép so sánh cũng là một cách để động viên ý thức của con cái. Nếu lấy một cô bạn A, B, C hay cậu bé hàng xóm X, Y, Z nào đó làm “đòn bẩy” thì biết đâu teen lại chả “nóng mắt” lên với suy nghĩ: “Bạn ấy làm được thì mình cũng làm được. Tại sao không?”.
Có rất nhiều cách để khích lệ tinh thần cố gắng của teen song cách này không ổn tẹo nào. Bởi, ngay cả khi cố gắng thì trong teen chỉ có tâm lý hiếu thắng để vượt qua một ai đó nhằm chứng tỏ sự “lợi hại” của mình mà không phải là xuất phát từ những đam mê đích thực. Khi sự hiếu thắng lên cao, teen sẽ chỉ còn biết đến thắng – bại, không để ý đến cảm xúc của người khác thậm chí là “quên béng” cảm xúc của chính mình.
Ai mua dưa tôi bán dưa cho
Rất nhiều trường hợp, bố mẹ chúng ta cũng không hiểu vì sao mình lại so sánh con mình với con người khác nữa. Mà nhất là mẹ ý, nói nhỏ thôi nhé: “Bởi vì mẹ hay đi buôn dưa lê ”. Các mẹ buôn dưa lê xong, nghe bà hàng xóm khoe con mình được thế nọ thế kia, rồi về “buôn” lại với chúng ta, nhưng vô tình lại khiến chúng ta nghĩ là đang so sánh.
Nhưng cũng có trường hợp, các mẹ thấy con mình thua kém thật, rồi về “buôn” lại với teen nhà mình với một giọng không mấy dễ chịu. Có thể do các mẹ bị cảm xúc chi phối thôi, đó là tâm lý bình thường khi cảm thấy “cục cưng” của mình lại thua kém con mấy bà hàng xóm.
Không khách quan khi đánh giá về con cái
Ngoài ra, sự so sánh còn nảy sinh khi bản thân bố mẹ cũng có sự phiến diện nhất định khi đánh giá con cái. Thay vì nhìn nhận ưu điểm của con thì bố mẹ lại chỉ nhận ra khuyết điểm. Bởi đơn giản, những gì teen chiếm ưu thế lại không thuộc phạm vi quan tâm của bố mẹ. Đặt giả thiết bố mẹ bạn chỉ muốn bạn thi vào Đại học Y và trở thành một bác sỹ tài giỏi chẳng hạn. Vậy thì, dù bạn có hát hò siêu hay, có nấu ăn siêu ngon đi chăng nữa thì với bố mẹ bạn, những tài lẻ đó cũng chẳng có chút gram giá trị. Tâm niệm của bố mẹ lại là việc bạn trở thành một bác sỹ cơ. Còn những tài năng khác thì bố mẹ sẽ tỏ thái độ “không nghe, không biết, không thấy”.
2. Khi teen “trúng bom”
Chẳng teen nào muốn trở thành nhân vật chính trong phép so sánh bất tận của bố mẹ. Trong khi bố mẹ muốn “hô biến” những đứa con của mình thành một phiên bản khác, tốt đẹp, thành công và đúng với kỳ vọng của họ thì mặt ngược lại, những đứa con chẳng hào hứng với mong muốn đó chút nào.
Cố gắng bao nhiêu là đủ?
Đó là khi bạn hớn hở mang về nhà phần thưởng cho học sinh đạt danh hiệu tiên tiến và mẹ bạn thờ ơ bảo, cô bạn nhà bên cạnh còn đạt danh hiệu xuất sắc cơ. Là lúc bạn vui mừng vì đã giành điểm 9 trong môn tiếng Anh và bố bạn khẽ khàng, rằng con của một cô ở cơ quan vừa giành được học bổng du học ở nước ngoài. Giây phút đó, bạn hụt hẫng vô cùng. Hẳn bạn sẽ thấy để đạt được sự hài lòng của bố mẹ cũng giống như việc chạy trên một con đường dài và càng chạy thì đích đến càng xa. Bạn sẽ ghét lây cả những đối tượng được làm “điểm tựa” cho sự so sánh. Rồi một ngày, bạn thấy chán nản, không muốn cố gắng nữa bởi cố gắng bao nhiêu cũng chẳng được ghi nhận.
Hoài nghi, tự ti
Nếu bị so sánh trong một thời gian dài, teen sẽ bị mặc định trong đầu suy nghĩ là mình làm gì cũng kém bạn bè. Từ đó, ngay cả những công việc hàng ngày hoặc việc học ở trường cũng dễ dàng khiến teen “mắc lỗi”. Càng mắc lỗi, teen lại càng lún xuống hố sâu tự ti. Giống như câu chuyện về cô bạn Xuân ở lớp tôi. Xuân có tật nói lắp, nói tiếng Việt thôi đã khó khăn, nói tiếng Anh lại càng tệ. Giờ tiếng Anh nào cũng vậy, mỗi lần Xuân đứng dậy đọc bài là cô bạn đều luống cuống tới mức đánh rơi cả sách. Thế nên, điểm ngoại ngữ của cô bạn không cao. Cứ mỗi lần họp phụ huynh về là một lần Xuân nghe bố mẹ phàn nàn: “Con nhà người ta nói tiếng Anh như gió. Con mình thì…” Cô bạn đã lặng đi và lủi thủi đi về góc học tập của mình sau khi nghe câu nói đó.
“Bật ngược” lại bố mẹ
Để phản ứng lại những so sánh của phụ huynh, các teen cá tính mạnh thường có xu hướng làm ngược lại những điều được bố mẹ so sánh. Việc làm này có thể đem lại cho teen cảm giác dễ chịu và hả hê tức thời.
“Miễn nhiễm” với so sánh
Không “bật ngược”, không làm theo, một số teen khác lại mặc kệ những gì bố mẹ so sánh, cứ lẳng lặng làm theo ý mình với phương châm “bố mẹ nói cứ nói, con thích làm gì cứ làm”. Sẽ rất tốt nếu như các bạn tự định hướng được đường đi nước bước cho mình. Tuy nhiên, khi bạn còn trẻ, còn non nớt với kinh nghiệm sống chưa được bao nhiêu thì “miễn nhiễm” với so sánh cũng là khước từ sự hỗ trợ và giúp đỡ của bố mẹ.
3. Nào mình cùng “gỡ bom”
Thật không dễ dàng gì khi teen phải ”sống chung với lũ” nếu không có các tuyệt chiêu.
Tuyệt chiêu số 1: Khen đối tượng được so sánh và lái sang vấn đề khác
Mẹ: “Con bác Vinh ở đầu ngõ vừa được học bổng đấy, con học hành thế nào thì học nhé…”
Teen: “Vậy ạ, uầy, nó giỏi thế, công nhận nó chăm học thật. Mẹ ơi, thế dạo này bác Vinh vẫn bán bún riêu ạ? Mai con với mẹ sang đấy ăn nhé! Lâu rồi con không ăn bún riêu.”
Mẹ: “Uhm, bác ý vẫn bán bún riêu ngon lắm…”
Đó, câu chuyện là như vậy. Bí quyết là các teen phải quản lý được cảm xúc của mình, không được tỏ thái độ, mà ngược lại còn phải khen đối tượng kia, và khéo léo lái sang một vấn đề hoàn toàn khác. Bố mẹ chúng ta sẽ bị cuốn theo ngay. Bởi vì, người nào đặt câu hỏi là người kiểm soát cuộc nói chuyện mà.
Tuyệt chiêu số 2: Trở thành đồng minh với mẹ
Mẹ: “Con chú Sáu ở gần nhà bác Lan vừa đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh xong… Sao con bé đấy ngoan và học giỏi thế nhỉ?…Con mình thì…”
Teen: “À vâng, tin đó con biết rồi, cái Hoa lớp con cũng đi thi đấy ạ, à thằng Hùng lớp con cũng vừa được giải Tỉnh xong…”
Đây là cách teen nhà mình trở thành đồng minh với mẹ trong việc “buôn chuyện”, lúc ấy, mẹ sẽ quên đi cả việc đang có ý định so sánh mà là cùng chúng ta nói về những chuyện khác. Nhưng nhớ là được một lúc phải kiếm cớ chuồn đi nhé… không đến lúc mẹ tỉnh ra thì…
Tuyệt chiêu số 3: Trách “yêu” bố mẹ
Bố: “Con bé Loan nhà bác Chiến sáng nào nó cũng dậy sớm quét nhà, lau nhà sạch sẽ, con nhà mình thì ngủ trương mắt ếch đến tận 8-9giờ sáng chưa thèm dậy…”
Teen: “Thế tý nữa, con sang bảo cái Loan là bố muốn nhận nó làm con nuôi nhé… Con sẽ gọi nó là chị luôn, thế là nhà mình sáng nào cũng được lau nhà, quét nhà rồi…”
Bố: “Vớ vẩn… đi quét nhà đi!”
Tuyệt chiêu này sẽ giúp cho bố mẹ của teen nhận ra là tại sao mình lại đi khen con người khác nhỉ, đây mới là con của mình chứ. Dù nó thế nào thì nó vẫn là con mình. Bố mẹ sẽ hơi xấu hổ đấy…
Tuyệt chiêu số 4: Bộc lộ khả năng tiềm ẩn
Hãy thuyết phục bố mẹ về những giá trị của chính mình. Khoa học hiện đại quan niệm có 7 loại trí thông minh. Bạn không thông minh ở lĩnh vực này nhưng ở lĩnh vực khác bạn lại là “chuyên gia” thì sao? Bạn không học giỏi Toán xong bạn lại rất thành công trong bộ môn Lịch sử, bạn không đạt điểm “đỉnh của đỉnh” với việc học nhưng bạn có thể chơi đàn rất cừ… Mỗi người đều có một giá trị để theo đuổi và bạn cũng thế. Hãy chứng tỏ rằng, bạn không cần phải mệt nhọc để áp mình lên một “hệ tọa độ” của con cái nhà người khác vì bản thân bạn cũng đã có hệ thống giá trị “chuẩn” của riêng mình.
Tuyệt chiêu số 5: Chủ động so sánh
Và cuối cùng, nếu bố mẹ bạn vẫn không thể từ bỏ được thói quen so sánh thì bạn hãy thử “thươnglượng” với bố mẹ xem sao. Để bố mẹ có thể chuyển từ việc so sánh bạn với con cái của những gia đình khác sang việc so sánh bạn của ngày hôm nay với những ngày trước đó. Cũng là phép so sánh đấy thôi. Chỉ có điều, nó sẽ giúp bố mẹ thấy được sự tiến bộ, trưởng thành của bạn ngày hôm nay so với ngày hôm qua.