Khi Cha Mẹ Làm Teen Phát Điên

2. “Mày mặc cái rèm cửa lên người đấy à con”



“Hố hố, há há! Hot quá quá hot!” – Đó là tiếng hét pha lẫn tiếng cười của lũ bạn “nửa người, nửa quỷ” khi chúng nó “đào bới” được cái album ảnh thời bé của tớ.
Nhưng phải công nhận, thời ấy trông tớ mới lúa làm sao…
Trong bức ảnh nào má của tớ cũng được phết hồng rực, môi đỏ choét, tóc buộc hai bên, mái rẽ luống với thôi rồi nhiều cặp, nhiều nơ chi chít trên đầu. Nhất là những bộ váy áo mới thật sự là thảm họa, khi hồng, khi xanh nõn chuối và lằng tằng nhằng những phụ kiện không mấy liên quan.
Thường thì trong những bức hình ấy, bên cạnh tớ là mẹ. Mẹ thời ấy mới trẻ và đẹp làm sao. Mái tóc bồng bềnh kiểu bắp cải, quần ống loe hoặc váy style công nương Pháp… tất cả những mode mới của thời xưa thật là xưa ấy đều chứng tỏ mẹ của tớ từng là người rất sành điệu.
Nhưng đáng buồn thay, đã hơn 10 năm rồi mà mẹ vẫn không hề thay đổi suy nghĩ về thời trang, không chịu update những mốt mới. Và căn nguyên của mọi thảm họa, ấy là mẹ dường như không bao giờ để ý: Từ bấy đến nay, tớ đã lớn thêm những mười tuổi…
 
Tớ chúa ghét việc mặc đồng phục và ác mộng hơn nữa là phải đóng thùng tới trường. Còn mẹ, thậm chí cả khi tớ đi học thêm, đi chơi mẹ cũng gật gù khuyến khích: “Con sơ vin vào trông thật đẹp, lịch sự ấy”. 
Và để mẹ được vui lòng, tớ đi đâu cũng sơ vin đến tận nách, không được cắt mái ngố, đi dép quai hậu không được giẫm gót và nhất là phải cài cúc áo cho đến tận cái khuy trên cùng. Xong! Hội những kẻ ngộ chữ đã sẵn sàng chào đón tớ!
Mẹ không bao giờ hiểu là tụi con trai sẽ chẳng bao giờ thèm để ý đến một đứa con gái ăn mặc giống cừu Dolly được nhân bản vô tính như thế. Nhất là khi tụi bạn tớ toàn là những đứa trông cá tính điên lên. Chúng nó ăn mặc rất chi là hay hớm, đôi khi quậy quậy, bụi bụi mà vẫn rất đáng yêu. Đó là lý do tớ phát cuồng vì những chiếc legging giả jean rách, áo free style, mũ lưỡi chai, vòng đinh tán… Mỗi lần tớ mặc như vậy, lũ bạn của tớ chỉ có mà trầm trồ:
“Uầy, trông style chẳng khác gì Dara. Saranghaeyo!”
Còn bọn con trai thì nhìn tớ với con mắt ấn tượng hơn hẳn.
 
Nhưng đấy là chuyện của tớ và lũ bạn am hiểu thời trang, còn mẹ thì lúc nào cũng hét toáng:
Ôi trời ơi! Ở đâu ra cái kiểu ăn mặc rách rưới, gái không ra gái, trai không ra trai thế hả? Quần áo tử tế đâu mà đi khoác cái rèm cửa lên trên người, hoa hòe hoa sói, trông không khác gì mấy đứa ăn chơi, đàn đúm.
 
Thế đấy, thời trang đích thực của năm 2014 bị coi là cái rèm cửa, trang phục của ăn mày, bụi đời, của mấy đứa đầu đường xó chợ. Nếu có như vậy thì tớ cũng thà làm thành viên hội “Cái bang” còn hơn là cứ suốt ngày đóng thùng, rẽ luống, đeo ba lô hồng để làm Hội trưởng Hội những kẻ ngộ chữ.
Cuộc chiến thời trang chính thức châm ngòi!!
Hôm ấy, tớ rón rén mãi, mới tậu về một cái crop top xinh không bút nào tả xiết, chưa kịp mặc đã bị mẹ phát hiện ra: “Áo cộc thế này thì đi đâu được hả con?”, chiếc quần Jeans loang hợp xu thế bị mẹ chê: “Trông cứ như đánh đổ cả lọ Javen vào ấy”. Và đỉnh điểm nhất, trong lần xúng xính chuẩn bị váy áo xinh tươi cho dịp sinh nhật nhỏ bạn thân, tớ đã bị mẹ mắng cho một trận te tua vì: “Váy với áo, đẹp đâu chả thấy. Chỉ thấy toàn những thứ lố lăng”. Trong khi tớ thấy, những thứ mình khoác lên người chả có thứ nào có tên là “lố lăng”. Đôi giày đinh tán hầm hố này, mốt của năm nay đấy chứ. Chân váy da này, có hở chỗ nào đâu? Thế là tớ lớn giọng cự nự mẹ: “Mặc thế nào là quyền của con. Mọi người có bình luận thế nào cũng là bình luận về con chứ đâu phải bình luận về mẹ”. Chỉ đợi có thế, mẹ tớ cáu ầm lên, dọa “hóa vàng” tất cả quần áo của tớ!
Chuyên gia gỡ bom ra tay
1. Tìm xem ngòi nổ ở đâu 
Phải có ai chịu trách nhiệm cho “cuộc chiến thời trang” này chứ nhỉ.
Không cùng kênh
Thử nghĩ mà xem nhé, trong khi phụ huynh của teen luôn nghĩ rằng, cái bọn trẻ con (là teen chúng mình đấy ạ) thì cần gì phải ăn mặc tưng bừng, rực rỡ trong khi việc của chúng nó chỉ là ngày ngày từ nhà đến trường, đến lớp học thêm. Chấm hết. Cho chúng nó ăn mặc đẹp thì có ngày chỉ quần quần, áo
 
áo; xao lãng hết chuyện học. Trong khi với teen, việc ăn mặc thế nào quan trọng hơn nhiều. Trang phục không chỉ là thứ khoác vào cho xong, nó thể hiện cả cá tính của người mặc nó. Hơn nữa, trang phục còn góp phần giúp teen “ghi điểm” với “gà bông”. Thế nên, đầu tư vào trang phục có bao giờ thừa? Trong khi bố mẹ chỉ chịu chi vào những trang phục quen thuộc, có phần phổ biến, đại trà cho teen thì teen lại không chấp nhận dừng lại ở đó. Sáng tạo, phá cách, thậm chí có phần nổi loạn trong cách ăn mặc sẽ khiến teen cảm thấy tự tin hơn trong việc xây dựng hình ảnh cá nhân của mình. Những tiếng xuýt xoa khen ngợi, lời trầm trồ của bạn bè khiến teen “phổng mũi” lắm chứ. Cứ thế, bố mẹ và teen ngày càng xa rời nhau trong quan niệm về thời trang.
Teen có nhiều lựa chọn hơn
Thật vậy, trong khi bố mẹ ngày xưa chỉ có nhu cầu “ăn no mặc ấm” thì ngày nay, đời sống phát triển, hàng hóa phong phú đã đáp ứng được nhu cầu “ăn ngon mặc đẹp”. Đâu phải chỉ bố mẹ mà đôi khi chính teen cũng phát hoảng lên với thị trường rộng lớn, phong phú của quần áo, phụ kiện và trăm thứ hầm bà nhằng khác. Cũng chẳng thể nào trách teen được, nếu chẳng may lạc giữa mê cung ấy, teen lại trót chọn cho mình những bộ đồ “hổng giống ai” và khiến bố mẹ sững sờ. Nhiều lựa chọn hơn đồng nghĩa với việc teen có nhiều cơ hội để thể hiện bản sắc của mình hơn. Không còn cái cảnh teen chỉ biết ngậm ngùi nhìn hình ảnh mơ ước của mình trên phim rồi để đấy. Bây giờ, để “hiện thực hóa” hình ảnh mơ ước dễ hơn nhiều. Như cô bạn Trang học cùng lớp tớ ấy. Một ngày đẹp trời nọ, Trang bỗng chốc muốn hình ảnh của mình phải đậm chất tomboy giống kiểu cô nàng nhân vật chính trong phim “You are so handsome”. Thế là áo phông dáng rộng, mũ lưỡi trai ở đâu được cô nàng khuân về mặc cho bố mẹ lắc đầu: “Người thì được một mẩu…”
Ôi, thần tượng – tượng thần
Thì đấy, làn sóng phim Hàn Quốc, Nhật Bản và nền âm nhạc châu Á, châu Âu đã lăng xê không biết bao nhiêu trào lưu thời trang. Còn nhớ, hồi bộ phim đình đám “Full house” (ngôi nhà hạnh phúc) tràn ngập màn ảnh Việt, ra đường, người ta thấy cô nàng nào cũng mặc áo lửng. Một dạo khác, khi “xì tai” Harajuku lên ngôi, có nhiều bậc phụ huynh phát hoảng với những gương mặt được “kẻ vẽ” khác người, những bộ trang phục màu mè, có phần lập dị của teen. Ở lứa tuổi đang dần định hình nhân cách, việc dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những trào lưu từ nước ngoài tràn vào là điều dễ hiểu. Chỉ có điều, không phải phụ huynh nào cũng nhạy cảm với các trào lưu ấy như teen. Thử hỏi bố mẹ chúng ta xem Harajuku là “xì tai” nào, hẳn bố mẹ sẽ mắng cho một trận ý chứ. Không biết, không hiểu nên khi chứng kiến con mình ăn theo những trào lưu lạ lẫm đó, bố mẹ sẽ thấy bực mình là điều đương nhiên.
Bố mẹ bị “nhồi sọ”
Tình huống không hiếm gặp với những bậc phụ huynh có thời gian rảnh rỗi để tán gẫu cùng nhau với đề tài muôn thưở “bọn trẻ bây giờ…”. Chẳng chóng thì chày, tất tần tật các vấn đề liên quan đến teen sẽ được đem ra mổ xẻ bằng hết, trong đó có cả chuyện ăn mặc. Nghe nhiều, nghe mãi, dần dà, những bậc phụ huynh cũng có ngày “giật mình” nhìn lại cậu ấm, cô chiêu nhà mình. Vốn bị ảnh hưởng sẵn từ những “comment” trước đó, bố mẹ sẽ “trầm trọng hóa” vấn đề nếu thấy con nhà mình có một vài biểu hiệu của triệu chứng ăn chơi, đua đòi. Lúc đó thì teen cứ gọi là “lãnh đủ”.
2. Khi teen trúng bom
Hầu như teen nào cũng thích mọi người nhớ đến mình với một dấu ấn nào đó. Bởi vậy, chấp nhận trở thành một người giống mọi người (ít nhất là ở khoản ăn mặc) là điều chẳng teen nào mong muốn. Ngoan ngoãn nghe theo những “chỉ thị” của bố mẹ ư? Điều đó nghe thật miễn cưỡng.
Càng cấm càng ham
Là khi bản tính “cố chấp” của teen nổi lên, càng cấm thì teen lại cố làm bằng được. Hôm trước, mẹ cấm mặc short ra chỗ đông người thì hôm sau tủ đồ của con gái có thêm… một tá short. Bố cấm con trai để tóc tai bờm xờm, trông không ra dáng nam nhi tý nào thì con trai sẽ để tóc càng dài hơn, thậm chí, còn khuyến mại thêm cả một chiếc khuyên tai. Đặc thù của lứa tuổi này là thế. Teen sẽ chỉ làm những cái mà teen thấy nó thực sự cần thiết và hữu ích mà chẳng màng đến việc mọi người sẽ đánh giá mình thế nào. Mọi người càng nói nhiều về một hành vi thì teen sẽ càng lặp lại nhiều hơn với tư tưởng: “Xem ai chịu được lâu hơn”. Và khi đó, sự góp ý của phụ huynh đã bị “vô hiệu hóa” không thương tiếc.
Sự “chống đối” được chuyển hóa
Trước phản ứng quá gay gắt của bố mẹ, nhiều teen sẽ chọn giải pháp thoáng nghe có vẻ rất “thỏa hiệp” là “chuyển hướng chiến lược” sang một xì tai khác. Hôm trước còn theo trường phái hầm hồ, áo quần rặt những dây móc với xích sắt, hôm sau đã có thể “ngoan hiền” với áo sơ mi, quần Jeans giản dị rồi. Đừng tưởng như vậy là teen đã chịu đầu hàng trước sự cứng rắn của bố mẹ nhé. Vì biết đâu, dưới lớp sơ mi kia lại là một hình xăm được giấu đi khéo léo, một kiểu “nghịch ngầm” cộp mác “made by teen” đây mà.
Vâng dạ và… để đấy
Đó là kiểu của cô nàng tên Minh, học thêm cùng lớp tiếng Anh ngữ với tớ. Thấy con gái hôm trước mặc một cái áo “trắng quá nhìn xuyên qua” đến lớp học thêm, mẹ Minh “e hèm”. Cô nàng làm bộ “chột dạ”, mấy hôm sau ăn mặc đúng chất “thanh niên nghiêm túc”. Được một tuần, Minh tiếp tục “bổn cũ soạn lại”, vẫn là cái áo đấy tới một lớp học khác, tất nhiên là có sự che chở của một chiếc áo khoác lúc ra khỏi nhà. Với chiêu này thì chỉ có “trời biết, đất biết” và chủ nhân của chiếc áo xuyên thấu kia biết. Chưa hết, có dạo rộ lên mốt móng tay sơn nhung, sơn dạ quang. Minh cũng hào hứng ăn theo mốt này. Thấy móng tay con gái lấp lánh, mẹ Minh tỏ ý nghi ngại về độ an toàn của loại sơn này, cô nàng hứa hẹn sẽ đoạn tuyệt ngay nhưng rồi đâu lại vào đấy.
3. Nào mình cùng gỡ bom
Ai cũng một thời “trẻ trâu”
Teen hãy thử nói chuyện với bố mẹ, bằng một vẻ thật hóm hỉnh: “Bố mẹ ơi, con nghe bố mẹ kể những năm 80, ông bà từng cấm tiệt bố mẹ mặc quần ống loe, ấy thế mà trong album ảnh cũ vẫn thấy bố mẹ mặc đấy thôi.” Hãy để cho con được sống đúng với lứa tuổi của mình, miễn là đừng quá lố là được. Một chút nhấn nhá trên trang phục, thoảng màu hồng trên môi, vài phụ kiện nho nhỏ thì đâu có biến chúng con trở nên hư hỏng? Mỗi thời đều có một chuẩn mực riêng và bố mẹ đừng quá áp đặt mắt thẩm mỹ của mình lên các con. Chúng con đều hiểu được cái gì phù hợp với mình và sẽ biết cách sử dụng hợp lý.
Quần áo không làm nên thầy tu, nhưng…
Quần áo không tạo nên giá trị của một con người, nhưng lại thể hiện sức sáng tạo, sự say mê thể hiện bản thân. Vì thế, các bậc phụ huynh hãy nhìn nhận về trang phục của teen trong sự đối chiếu những mặt tốt và mặt xấu nhé. Bên cạnh những yếu tố tiêu cực như nếu quá chú tâm vào vẻ bề ngoài thì teen sẽ lơ là học tập, rèn luyện, tiêu tốn tiền nong thì bố mẹ nên cho rằng, sự sáng tạo trong trang phục là một cách để teen xả “xì trét” hiệu quả. Say mê thể hiện bản thân chẳng có gì sai nếu như việc đó tiếp thêm năng lượng để học tập. Bởi vì học tập cũng cần lắm những sự sáng tạo.
Ngoài ra, trang phục cũng là cách giúp teen xích lại gần nhau hơn, nhận ra đâu là bè bạn của mình. Thông qua những gì mình thể hiện, teen có thể nhìn thấy và nhận ra nhau dễ dàng, biết rằng ai có chung sở thích, chung một “fashion icon” nào đó với mình.
Tuy vậy, teen cũng đừng “quá lố” trong cách ăn mặc của mình, đừng quá chạy theo mốt này mốt nọ. Là chính mình, đó mới là điều tuyệt vời nhất!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.