Lớp tớ là lớp chọn Văn nên con gái thì nhiều mà con trai được có mấy mống. Tớ không ghét bỏ gì bọn con trai lớp tớ, thậm chí còn rất quý. Nhưng mà bảo tớ thích tụi nó theo cái kiểu: “I love U” thì Never! Đối tượng của tớ ở bên lớp chọn Toán, thế giới của những bạn trai thông minh, ga lăng. Lần đầu tiên tớ nhìn thấy H. là trong buổi họp mặt các đội tuyển học sinh giỏi của trường. Cậu ấy nổi bật giữa cả đống đầu to mắt trố khác. Người gì mà vừa cao, lại còn đẹp trai, phong cách, học thì giỏi, chả thiếu thứ gì. Từ hôm ấy tớ cứ ngẩn ngơ mãi. Ngày nào đến trường, tớ cũng mong được nhìn thấy H. dù chỉ một lần. Dần dần, tớ thuộc cả giờ H. đến trường, giờ cậu ấy xuống căng tin ăn sáng, giờ cậu ấy chơi bóng rổ, nhận ra cái xe đạp, cái ba lô, cái mũ xì tin của cậu ấy cho dù có đứng xa hàng kilômét. Chẳng thể tả nổi cái cảm giác mỗi khi tớ nhìn thấy H., vừa sung sướng lại vừa ngại ngùng, hồi hộp.
Tớ đã vui âm ỉ mấy ngày hôm nay vì biết lớp chọn Văn học phụ đạo buổi chiều ở phòng của lớp chọn Toán. Và nghiễm nhiên tớ phải tranh bằng được bàn cuối, chỗ mà H. vẫn ngồi hàng ngày. Tớ thích thú đọc mấy dòng chữ nguệch ngoạc, vui vui trên mặt bàn của H., thì ra đây là nét chữ của cậu ấy. Chữ chả đẹp giống người gì cả, được cái là rất đáng yêu. Tớ hì hụi tô vẽ mấy cái kí hiệu lên trên mặt bàn, mong rằng, có lần H. sẽ nghía qua rùi tự hỏi: “Không biết ai vẽ mấy cái hình cute này lên mặt bàn mình vậy ta?”
Chuyện tớ thích H., bọn con gái lớp tớ đứa nào cũng biết. Chúng nó thi nhau đi khai thác thông tin về H. để “báo cáo” với tớ:
– Ều, hôm nay tao nhìn thấy bạn H. của mày được bố đưa đi bằng ô tô nhé. Lúc xuống xe í, bạn ấy vẫn cười nói bình thường chứ không kiêu sa như mấy đứa nhà giàu bên A1 đâu.
– Bạn tao học chọn Toán kể là bạn H. của mày á, tốt tính cực kỳ, chơi thân với cả lớp.
– Có cái em gì trường mình cũng thích bạn H. lắm, nhưng mà bạn ấy không thích.
– …
Rồi đến một hôm, “thằng” bạn thân của tớ đột nhiên phi vào lớp như tên bắn, mặt hớn hở cầm tờ giấy gì đó trên tay. Nó hạ cánh trước mặt tớ rồi hét toáng cả lên:
– Mày đội ơn tao đi, mày đãi kem tao đi. Tao xin mãi thầy T. mới cho lớp mình chọn chỗ học Thể dục chung sân với lớp Toán đấy. Yeah!
– Thật á? Mày nói thật không đấy?
– Thật, thật, tí về đãi kem tao nhé.
Nó vừa nói, vừa đấm cho tớ mấy phát để cho tỉnh. Cả lũ con gái lớp tớ nhao nhao lên vì sự kiện trọng đại ấy:
– Ngày mai có tiết thể dục, mày nhớ đứng cuối để được chạy khởi động chung với bạn ấy nhé.
– Ngày mai nhớ mặt quần độn mông để quyến rũ nhá. Há há.
– Ngày mai bọn tao sẽ lập đội hình cổ vũ cho mày để bạn í nhìn mày nhé. He he.
Tớ phát điên lên vì sung sướng. Cả buổi tớ chỉ ngồi tưởng tượng đến cái cảnh tớ được chạy chung với H. Ngày mai tớ sẽ đi giày mới để tập thể dục.
Đấy là lần đầu tiên tớ được nhìn thấy H gần như thế. Cậu ấy đứng sát vai tớ lúc xếp hàng học thể dục. Ui, tớ chỉ cao được đến ngực cậu ấy thôi à. Nhưng không sao, vì có đứa thì thầm sau lưng tớ:
– Mày với H. đẹp đôi thế!
Tớ sướng rung rinh, mặt đỏ dừ. Tớ với H. bây giờ trông đã giống một đôi rồi đấy. Cậu ấy cứ nói cười mãi, thỉnh thoảng lại hơi xô vào người tớ. Chắc chắn là H phải biết tớ là ai, vì mấy lần bắt gặp tớ nhìn cậu ấy mà. Hình như vì thế nên H. cứ nói cười mãi để tớ chú ý hay sao ấy. Cũng nguy hiểm ra phết chứ đùa à.
Chả hiểu sao hôm nay tự dưng thầy lại cho học nhảy cao chứ không phải là thể dục nhịp điệu như mọi khi. Tớ nhìn thấy cái xà lù lù chắn ngang đã khiếp đảm rồi, nói gì đến việc nhảy qua. Chả biết là được lợi lộc gì mà tự dưng lại đi lấy cái xà ngáng qua rồi nhảy. Quan trọng là mấy cái động tác ấy chả con gái tí nào, mặt mũi thì nhăn nhó, vóc dáng thì phu phen, nhảy qua xà có khi còn ngã chổng ngược. H. mà nhìn thấy tớ như thế thì chẳng có lỗ nào mà chui nữa.
Tớ một mắt nhìn xà, một mắt nhìn H, cậu ấy cũng đang nhìn tớ kìa, vì bọn bạn tớ hét tên tớ to quá mà. Tuyệt thật đấy. Tớ lấy sức phi qua xà, điệu bộ xì pót ty.
– Oạch!
Ùi giời ơi là giời! Biết ngay mà… Ngã chổng mông thế này thì còn ai mê nổi nữa chứ. Tớ nằm bất động trên mặt đất, không phải vì tớ đau mà là tớ chẳng muốn ngó mặt lên trong cái hoàn cảnh bôi bác này. Đến lúc hoàn hồn lại thì tớ lại shock tập hai, vì… vì… vì tớ nhìn thấy trước mặt tớ, rất gần, đó là H., H. đang nhìn tớ, vẻ lo lắng, tò mò. Tớ đứng phắt dậy, phủi quần áo, gãi đầu, gãi tai. Bọn con gái lớp tớ “Ồ” lên rõ to, làm cho tớ ngượng chín cả mặt. H. nhìn tớ cười thật hiền rồi chạy biến mất hút. Tớ đứng ngẩn ngơ nhìn theo H., nụ cười của H. còn nguyên trong đầu tớ. Tớ thậm chí còn có thể tưởng tượng lại để đếm được H. đã nhe ra bao nhiêu cái răng. Nụ cười đáng yêu, thân thiện ấy, chắc chắn tớ sẽ không bao giờ quên.
Tớ bắt đầu nghĩ đến việc phải bày tỏ tình cảm của mình với H., rõ ràng là cậu ấy cũng thích tớ, tớ nhìn thấy điều đó trong nụ cười của H. Lũ bạn thân của tớ bàn bạc một hồi rồi đưa ra quyết định cuối cùng:
– Mày viết thư cho bạn ấy đi, nhưng đừng mùi mẫn quá. Nó sợ đấy!
– Tao sợ thư lộ ra, cô giáo biết, ba mẹ tao biết thì tao chết luôn.
– Mày lo gì? Không ai nói thì biết sao được. Mày không viết thì chẳng ai thích lại mày đâu. Tối nay về viết đi nhé.
Ba mẹ tớ lúc nào cũng nghĩ tớ là một đứa tồ tẹt, chuyên gây sự với bọn con trai như hồi tiểu học. Nhưng mà bây giờ khác rồi, yểu điệu thục nữ thì tớ có thừa. Chắc nếu ba mẹ biết tớ cũng rung rinh thế này thì shock mất mấy ngày không hết. Nhưng kệ, tớ nhất định phải viết thư cho H., tớ muốn nói cho H. biết là tớ thích H. như thế nào. Còn ra sao thì mặc kệ, tớ không nghĩ đến điều ấy nữa. Vừa về đến nhà, tớ vào ngay trong phòng hì hục viết tâm thư. Mẹ nghi ngờ lắm nhưng tớ không quan tâm nữa:
– Làm gì mà vừa về đến nhà đã ở lì trong phòng thế?
Tớ trả lời bâng quơ:
– Con học mà cũng không được ạ.
– Học nhanh rồi còn tắm rửa mà ăn cơm. Bỗng dưng lại học!
Trong đầu tớ khi ấy chỉ có nụ cười của H., tớ viết đi viết lại mấy lần liền vì vẫn chưa hài lòng về cái độ chân thành, xúc động. Vài dòng viết hỏng tớ ném mỗi góc một cái, lổm nhổm, gạch xóa như thế thì ba mẹ có bắt được cũng chả hiểu là tớ viết cái gì.
– Cạch!
Mẹ bước vào phòng tớ, như bao lần, không thèm gõ cửa, tớ giấu vội bức thư vào tập vở Văn.
Tự dưng mẹ lại dịu giọng xuống. Lâu lâu rồi tớ mới thấy mẹ như thế:
– Con có chuyện gì đúng không? Mẹ sẽ hiểu chuyện, con kể cho mẹ nghe đi.
Tớ muốn kể hết với mẹ, tớ muốn mẹ biết là tớ đã thích một bạn trai rất tuyệt vời và hình như bạn ấy cũng để ý đến tớ. Nhưng liệu có mạo hiểm không nhỉ? Từ trước đến nay mẹ vẫn nghĩ tớ theo cách của mẹ mà chả bao giờ chịu nghe tớ nói. Nhưng không hiểu sao bây giờ, tớ rất muốn được tâm sự với mẹ. Có khi lần này sẽ khác.
– Có một bạn con thích… à thích con. Mà không, cũng chẳng có gì đâu nhưng mà con cũng thinh thích ấy… học lớp chọn Toán… Con cũng chỉ thấy hơi một tẹo thôi…
Nhưng tớ chưa kịp nói hết thì mẹ đã ngắt lời:
– Biết ngay mà, dí dủm viết thư, viết từ, thấy mẹ vào thì giấu. Nứt mắt ra đã yêu đương. Mẹ không hỏi thì con còn đến mức nào nữa. Mẹ cấm, bây giờ chưa phải lúc… Tí tuổi đầu.
Không thể tưởng tượng nổi mẹ lại nói những câu như vậy trong khi tớ đang định tâm sự hết với mẹ. Đáng nhẽ ra tớ nên câm như thóc và không bao giờ tiết lộ cho mẹ biết bất cứ điều gì riêng tư cả. Tớ đang nghiêm túc mà mẹ lại mỉa mai giống như tớ là một đứa đua đòi, yêu đương lăng nhăng, vớ vẩn. Sao tớ lại nói ra điều ấy với mẹ chứ. Mẹ làm tớ không còn muốn viết thư với chả viết thiếc gì nữa. Cứ nghĩ đến việc nói với mẹ những câu như vậy, tớ lại vừa thấy xấu hổ, vừa thấy nhục nhục kiểu gì ấy.
– Khôn hồn thì lo học hành đi. Vớ va vớ vẩn, mẹ còn bắt gặp một lần nữa thì mẹ chuyển trường.
Mẹ muốn tớ phải nổ tung đầu vì những câu cấm đoán vô lý, mỉa mai của mẹ hay sao? Ai thèm yêu đương gì? Có hiểu gì đâu mà nói thế chứ.
– Sao không nói gì? Đã nhớ chưa?
Mẹ còn không biết là mình đã quá đáng như thế nào nữa. Tớ gào lên, nước mắt giàn giụa:
– Mẹ đi ra ngoài đi! Con muốn ở một mình.
– Con với cái, lớn đầu mà dại, toàn đua đòi vớ vẩn.
Chuyên gia gỡ bom phàn nàn
Hôm trước, tớ đã vô cùng sơ hở và bất cẩn khi để quên điện thoại di động ở phòng khách. Chỉ đợi có thế, mẹ đã “tóm sống” em dế xinh yêu của tớ. Tai họa hơn nữa là tớ không cài chế độ khóa màn hình điện thoại. Với nỗi lo lắng thường trực của bà mẹ có đứa con đang tuổi lớn cộng với chút tò mò, mẹ đã xộc thẳng vào inbox. Chẳng phải đợi đến hôm sau, giông bão đã đùng đùng trút xuống đầu tớ ngay sau đó.
Mẹ (mặt đen xì, tối sầm): Đang tuổi đi học mà đã yêu đương tưng bừng thế này à? Tôi mà không phát hiện kịp thời thì không biết sẽ đến đâu. Hừ hừ… Đến lớp mà còn hẹn hò ăn kem, ăn ốc sau giờ học với “sờ wét lớp” (sweet love) thế này đây.
1. Tìm xem ngòi nổ ở đâu?
Đã đủ tuổi yêu?
Mới ngày nào, chúng mình còn bé xíu. Mẹ có thể réo tên ở nhà của từng đứa gọi vọng lên từ tầng trệt tới tầng thượng: “Mít ơi, Tèo ơi, Bống ơi…” Đùng một cái, những đứa trẻ của bố mẹ lớn lên. Chúng không những cực lực phản đối việc gọi tên ở nhà mà còn dần xa cách bố mẹ. Không còn vòng tay bé bỏng ôm chặt lấy mỗi lần bố mẹ đón con từ trường về, cũng không còn những câu chuyện rộn ràng sau mỗi buổi tan trường. Thỉnh thoảng, các cậu ấm cô chiêu còn lơ đãng trong giờ học, mắt mơ màng dõi đi xa xăm. Hay là bọn chúng đã yêu? Ý nghĩ vừa manh nha thì hầu hết bố mẹ đã gạt phắt đi vì không tin rằng những đứa trẻ bé bỏng là thế đã đến tuổi biết thầm thương trộm nhớ. Bố mẹ muốn vòng tay mình có thể ôm trọn cuộc sống của con, chối từ thực tế con đang lớn lên từng ngày. Chính vì vậy, khi thấy teen có những biểu hiện bất bình thường, hẳn là bố mẹ sẽ rất bất ngờ, có người còn… choáng váng nữa cơ.
Khi bố mẹ thích “trầm trọng hóa” vấn đề
Yêu đương trong suy nghĩ của bố mẹ = hẹn hò (đàn đúm) + nhớ nhung + chat chit hàng tối, nhắn tin hàng tiếng + treo ngược tâm hồn ngoài cửa sổ + đưa rước khi đi học đi chơi về… Đó chỉ mới là phép tính sơ sơ. Những “số hạng” của phép cộng này làm bố mẹ sợ chết khiếp. Bởi, nếu chỉ cần đi qua chừng này công đoạn thôi thì thời gian nào cho teen tập trung vào sự nghiệp học hành nữa? Là bởi, bố mẹ đã đồng nhất tình yêu của người lớn với những rung động đầu đời, thoáng qua của tuổi teen. Tất nhiên, cũng có chút xao nhãng, có xuyến xao đấy song không phải rung động nào cũng có thể gây nên một cơn “sang chấn” ghê gớm trong cuộc sống của teen đến vậy. Như một cơn gió thoảng qua, một áng mây buổi sớm, teen có thể bất chợt cảm thấy ai đó thật đặc biệt, cảm thấy cuộc sống của mình trở nên rộn ràng và tươi mới hơn. Chỉ có điều, bố mẹ chúng ta rất sợ cuộc sống của con mình đảo lộn và thời gian để “đầu tư” vào thứ tình yêu học trò sẽ trở thành vô ích khi nó không mang lại một kết quả tích cực. Cách tốt nhất để không tốn thời gian là cấm tiệt từ đầu. Bố mẹ hẳn đã nghĩ thế đấy.
Là yêu hay là mốt?
Sự hoài nghi của bố mẹ thật sự hợp lý nếu như bạn sôi sùng sục lên khi bạn A được tặng hoa nhân ngày Quốc tế phụ nữ, bạn B được tặng socola dịp Valentine, bạn C up ảnh đi chơi với người yêu tưng bừng, vui vẻ… Trong khi đó, bạn vẫn “vườn không nhà trống” vào những ngày lễ tết, thứ quà duy nhất bạn mang về dịp 20/10 là bông hoa phát chẩn của tụi con trai trong lớp. Sự khác biệt với đám con gái khiến bạn thấy khổ sở. Con trai cũng không kém đâu nhé. Thấy hội “đầu đinh” kháo nhau chiến tích cưa cẩm, đốn ngã cô bé nọ, làm “rụng tim” cô bé kia…, con trai cũng có lúc cay cú với suy nghĩ “Hay là mình không tài năng bằng tụi nó?” Cứ thế, dần dần, suy nghĩ này thôi thúc khiến teen “quyết sống, quyết chết” tìm ra “một nửa” của mình, dẫu thật gượng ép. Đáng buồn là bố mẹ có thể nhìn thấu cái sự “kém miếng khó chịu” này của teen. Tuổi trẻ bồng bột, nông nổi nên tình yêu cũng có khi trở thành mốt, ai không theo kịp thì sẽ bị rớt lại phía sau. Bố mẹ muốn chúng ta thà rớt lại phía sau để học hành cho tốt còn hơn là bị cái mốt yêu sớm cuốn đi. Bạn hiểu vì sao các bậc phụ huynh nhà mình luôn không tán đồng tình yêu tuổi học trò rồi chứ?
Yêu sớm chỉ hư người
Hơn cả khi “trầm trọng hóa” vấn đề ở trên, bố mẹ còn cảnh giác tới độ sợ tình yêu sẽ khiến bạn trở nên thay đổi, dễ sa ngã. Nhất là ngày ngày báo, đài cứ ra rả những thông tin teen ngày càng yêu sớm, yêu mạnh dạn ở nơi công cộng, yêu nhau nên trốn nhà bỏ học, với bố mẹ thì nói dối như Cuội… Ôi thôi, có bao nhiêu là cạm bẫy núp dưới tên “tình yêu”. Đó là còn chưa kể, khi teen chưa có nhiều kinh nghiệm sống, lại khờ khạo, cả tin thì nguy cơ bị ai đó lợi dụng bởi danh nghĩa “tình yêu” là không hề hiếm. Để đảm bảo an toàn nhất, bố mẹ thiết kế luôn một vòng cấm vận để tình yêu tránh xa teen ra, dù teen có ý kiến thế nào đi chăng nữa.
2. Khi teen trúng bom
Chưa phải là người lớn, song cũng không còn là một nhóc tì để bố mẹ “gọi dạ bảo vâng” nên teen đâu dễ dàng cam chịu, đầu hàng sự quản thúc hay ngăn cấm của bố mẹ. Với lại, cấm thì cấm, bố mẹ vẫn không thể nào quản lý hoàn toàn được những cái đầu ma lanh với đủ mọi chiêu trò của teen. Để xem teen sẽ ứng phó thế nào khi “trúng bom” của bố mẹ nào:
Kệ…
“Kệ” có nghĩa là gì? Là bỏ ngoài tai những gì bố mẹ vẫn nói hàng ngày, phớt lờ những cái tít to đùng bố mẹ “link” về từ những bài báo nóng hôi hổi trên mạng, thôi luôn sự tò mò về tình hình chiến sự yêu đương của con cái đồng nghiệp bạn bố mẹ, anh chị em họ nhà nội, nhà ngoại được bố mẹ “bêu gương”. Bố mẹ muốn nói gì thì nói, teen cứ lẳng lặng với tình yêu lớn, tình yêu nhỏ của mình thôi. Chung quy cũng bởi, nghe bố mẹ nói mãi, chán lắm rồi. Thái độ “phớt đời” này khiến bố mẹ tức điên lên. Nhưng mà kệ, yêu là cứ yêu thôi – teen nghĩ thế.
Vượt muôn trùng vây
Người lớn nghĩ rằng đưa ra những thử thách hoặc ngăn cấm teen thì teen sẽ nhanh chóng từ bỏ tình yêu của mình. Không đâu. Ai đó nói tuổi trẻ như một con ngựa vậy. Càng ghìm cương thì nó càng lao điên cuồng về phía trước. Nghe sợ chưa nào? Hôm trước, mình mới đọc được trên Facebook của một người bạn mới quen những dòng này: “Có lẽ, mình sẽ đi theo anh ấy. Có lẽ, bố mẹ không biết rằng con gái bố mẹ mạnh mẽ thế nào… Tình yêu là gì chứ? Mà sao, mình lại lao đao vì nó thế này?” Không biết bố mẹ bạn ấy có sốc khi đọc những dòng này không chứ mình thì khá sốc đấy. Dù sao, bạn ấy cũng đã đến 18 tuổi đâu. Nếu chú ý theo dõi thông tin đời sống giới trẻ, bạn sẽ thấy chẳng xa xôi gì những thông tin về tuổi teen bây giờ. Không biết có phải là bị phóng đại lên không chứ, tớ thấy việc teen trốn bố mẹ để có thời gian cho tình yêu hoặc bỏ nhà ra đi khi bị bố mẹ phát hiện, cấm đoán đã không còn là thông tin hiếm có khó tìm nữa. Chiêu này thoạt nghe có vẻ rất… khí thế khi teen tìm mọi cách để chứng tỏ được tình yêu của mình. Còn đằng sau nó, lại tiềm tàng đầy rẫy nguy cơ đấy teen ạ. Không còn gần gũi với bố mẹ là một này, dấn thân vào một (số) mối quan hệ rắc rối là hai này, khả năng bị “xỏ mũi” là ba này…
Chỉ là tình bạn khác dấu
“Con với bạn ấy có yêu nhau đâu. Bố mẹ đừng hiểu nhầm tình bạn trong sáng của chúng con” hoặc “Trời ơi, bọn con chỉ là bạn thân thôi. Bố mẹ đừng nhạy cảm quá thế”. Để bố mẹ không đặt dấu chấm hỏi lên mối quan hệ của mình với một người bạn khác giới, teen thường lấy lý do đó chỉ là một người bạn bình thường. Đồng thời, những hành vi của người bạn này cũng được phủ sóng rộng rãi cho bố mẹ thấy. Những câu chuyện hàng ngày, những lời nói đùa vu vơ teen sẽ khéo léo lồng ghép hình ảnh người bạn kia vào để bố mẹ gật gù nhận ra cái đứa mà mình ngỡ là “người yêu” của con mình chỉ là một người bạn như bao người bạn khác. Dần dần, tình bạn trái dấu trở nên quen thuộc và bố mẹ sẽ mất dần sự cảnh giác. Cách núp dưới danh nghĩa tình bạn này có ý nghĩa ở chỗ nó sẽ khiến teen có một tình bạn thực sự trước khi nâng cấp tình cảm ấy lên một tình cảm khác, cao hơn tình bạn. Còn sau đó thế nào thì chỉ có teen biết được mà thôi.
3. Gỡ bom
Chạm đến tình yêu tuổi teen là chạm đến một vấn đề khiến không ít ông bố, bà mẹ “điên cái đầu”. Bởi, chuyện tình cảm không phải đùng đùng cấm cản là xong. Hơn nữa, chính bố mẹ cũng hiểu rằng, phủ nhận những điều trái tim thực sự cảm nhận là rất khó, nhất là trong hoàn cảnh teen trưởng thành từng ngày về cảm xúc, suy nghĩ. Song, ứng xử với những rung động tuổi teen thế nào để cả bố mẹ và con không đứng về hai phía khác nhau chẳng phải là một câu hỏi dễ trả lời. Cùng “nghía” qua những gợi ý dưới đây teen nhé!
Ngày xưa bố…
Bạn thử gợi nhắc bố nhớ về thời thanh niên sôi nổi xem. Ngày xưa, biết đâu, bố cũng từng được cô bạn cùng lớp tặng khăn tay hoặc ép phượng hồng trong sổ lưu bút. Gợi nhắc không phải để “bắt lỗi” bố mẹ quá chừng vô lý với mình mà để bố mẹ nhận ra ai cũng có thời trái tim rung rinh như một chiếc chuông gió như thế. Nếu chỉ nhìn nhận rằng tình yêu tuổi teen hệt như một chiếc chuông leng keng khi có cơn gió thoảng qua thì mọi thứ sẽ đơn giản hơn nhiều, teen nhỉ?
Còn có những mặt tích cực
Phải đâu lúc nào tình yêu tuổi teen cũng đồng hành với những xấu xa và tội lỗi đâu. Sẽ thú vị biết bao nếu bạn trót “thầm thương trộm nhớ” cậu lớp trưởng, người mà tháng nào cũng đứng đầu trong bảng xếp hạng của lớp. Mến mộ một con người giỏi giang như thế, ắt bạn cũng không dám để cho mình ì ạch ở hạng bét được, phải không? Động lực của tình yêu chính là ở đây đấy. Ngoài ra, teen có thể học nhóm cùng nhau, giúp đỡ nhau khi bài vở khó khăn hoặc cùng tham gia các hoạt động cộng đồng như các câu lạc bộ ngoại khóa, những lần tình nguyện nữa. Nếu biết dừng lại ở một chừng mực nhất định, cộng với sự thành khẩn với bố mẹ và một động cơ trong sáng thì tình cảm rung động của teen có thể mang lại những hệ quả tích cực không ngờ đấy. Điều quan trọng là bạn hãy chứng minh cho bố mẹ thấy điều này, để bố mẹ thấy rằng, tình cảm thân thiết, yêu quý có khi hơn cả tình bạn giữa teen là có thật. Nhưng trên tất cả, các bạn vẫn biết cố gắng vì học hành và tương lai trước mắt.
Biến bố mẹ thành “đồng minh”
Chiêu này là… của tớ. Hồi học lớp 9, tớ trót để mình “cảm nắng” cậu bí thư. Chẳng hiểu sao mẹ tớ lại biết được. May sao, mẹ không tra khảo hay căn vặn như những bà mẹ khác. Mẹ chỉ dặn tớ có điều gì bối rối thì hãy chia sẻ với mẹ. Được đà lấn tới, có chuyện vui buồn gì với “gà bông” là tớ đều í ới hỏi mẹ. Từ chuyện nên tặng gì cho cậu ấy dịp sinh nhật, về cảm giác đặc biệt khi cậu ấy được quan tâm đến việc nên nói thế nào vào cái ngày tớ thấy mình hết “cảm nắng” cậu ấy (he he, buồn cười nhỉ?)… Mẹ lắng nghe tớ và cho những lời khuyên rất kịp thời và hợp lý. Sau lần ấy, tớ nhận ra sao tớ phải giấu diếm mẹ chuyện tình cảm của mình nhỉ? Hãy cứ mở lòng mình ra trước, coi bố mẹ là người bạn lớn của mình trước. Từ đó, chúng ta sẽ được tin tưởng, sẽ chẳng phải vòng vo khi nói về cái người khiến tim ta đập loạn xạ khi đối diện nữa. Tất nhiên, không phải bố mẹ nào cũng tâm lý và dễ dàng đón nhận chuyện tình cảm của con cái. Nhưng không thử thì làm sao bạn biết bố mẹ có sẵn sàng trở thành “đồng minh” không, teen nhỉ?
“Bình thường hóa” tình yêu
Hãy chứng tỏ bạn đủ chững chạc để đối diện và đi qua những cảm xúc ẩm ương của lứa tuổi mới lớn. Tuyệt đối tránh thể hiện bạn là người sáng nắng, chiều mưa, không thể làm chủ được cảm xúc của mình. Khi bố mẹ còn nghi ngại về khả năng làm chủ cảm xúc của bạn thì sẽ chẳng bao giờ có chuyện bạn không bị xét nét về chuyện yêu đương đâu. Chấp nhận tình yêu như một trong những góc khác nhau làm nên bức tranh cuộc sống của bạn chứ không phải sống chết vì nó. Bố mẹ bạn sẽ tặc lưỡi: “Thằng bé/con bé biết nghĩ rồi đấy. Nó sẽ không quá lệ thuộc vào tình cảm yêu đương nhăng nhít đâu”.