Khi Cha Mẹ Làm Teen Phát Điên

5. “Bạn con là con cái nhà ai thế ?”



Tháng trước, tớ mới phát hiện ra phụ huynh của tớ cũng dùng Facebook. Mặc dù chỉ thỉnh thoảng post mấy cái xì ta tút sến sẩm nhưng mà từ ngày có Face, ba mẹ lợi hại hơn hẳn. May mà tớ thông minh, lập nhanh một cái “Fake” book, avatar là hình mèo Kitty, “xì ta tút” học hành, ngoan hiền để add friend với ba mẹ không thì die luôn. Tớ biết chắc là ba mẹ đang ngày ngày soi Wall và đào xới List friend của tớ để tìm hiểu Lý lịch trích loạn của tụi bạn tớ. Vì đối với ba mẹ, “xuất xứ, nguồn gốc” của mấy đứa bạn nham nhở ấy là cực kỳ …cực kỳ quan trọng.
Tớ có năm đứa bạn thân. Thân đến nỗi chuyện gì tụi tớ cũng tâm sự với nhau. Đứa nào thích hot boy nào, bức xúc gì với ai, mê ăn món gì, có mấy cái “Fake”book… bọn tớ đều biết tuốt tuồn tuột… Mỗi tội, tớ quên mất chẳng bao giờ quan tâm đến ba mẹ chúng nó làm nghề gì, công ty ở đâu, cách dạy dỗ con cái thế nào. Nên khi ba mẹ tớ có tra hỏi, tớ cũng chỉ biết gãi đầu gãi tai mà lí nhí: “Con bỗng dưng quên mất tiêu rồi ạ…”
Có thế thôi mà tớ bị ba mẹ quy cho bao nhiêu là tội, mà toàn tội nghe có vẻ rất to tát: “Chơi thì phải biết chọn bạn mà chơi, chơi bừa bãi như vậy thì chơi làm gì?”
Rồi là: “Thiếu trách nhiệm trong tình bạn, không có ý thức tìm kiếm tình bạn thực sự, chơi bời theo cảm tính. Bao giờ thì mới lớn được hả con?”
Liên quan các ấy nhỉ! Tớ chơi với bạn tớ chứ đâu có chơi với ba mẹ tụi nó đâu. Mà không may tớ không phải là con của bố mẹ tớ mà là con của mấy bác “Bụi đời Chợ Lớn” thì tớ “FA” cả đời, không bao giờ có ai chơi với à?
 
Hồi tớ còn trẻ trâu, lúc nào tớ cũng phải học cùng, chơi cùng với một con bé mà tớ chẳng ưa tẹo nào. Tệ hại hơn là mẹ của nó lại thỉnh thoảng đưa nó sang ngủ với tớ cho có vẻ giống hai chị em thân thiết nữa chứ. Nguyên nhân là bởi ba mẹ của chúng tớ làm cùng công ty này, hay đi mua sắm với nhau này, buôn dưa lê, dưa chuột mấy tạ một ngày này… Bây giờ có hỏi tớ về con bé đấy, tớ sẽ đọc vanh vách ba mẹ nó như thế nào, làm ở đâu, thích style ăn mặc gì, muốn dạy con thế nào… mỗi tội, tớ chả nhớ gì về chính nó cả.
 
Ba mẹ chỉ yên tâm khi tớ thân thiết với những bạn có “nguồn gốc, xuất xứ” rõ ràng. Thế nên đứa bạn nào đến nhà tớ chơi cũng bị ba mẹ tra hỏi giống như là FBI tra hỏi nhân chứng: “Nhà cháu ở đâu? Ba mẹ cháu làm gì? Ở nhà ba mẹ có ép cháu học không chứ T nhà bác lười lắm, bác bảo học chả bao giờ học cả …blabla…”
Mọi khi, lúc đổ bộ vào nhà đứa nào, tụi tớ cũng chỉ muốn chui tót vào phòng riêng để tha hồ mà quậy tưng bừng. Thế nhưng, ba mẹ lúc nào cũng phá hỏng ý định của bọn tớ bằng mấy câu hỏi có vẻ nghiêm trọng như trên. Từ hồi tớ bé tí tẹo, mẹ đã dạy tớ là khi ba mẹ có khách, con cái không được phép ngồi hóng chuyện trừ khi ba mẹ đồng ý. Vậy mà bây giờ, lúc nào mẹ cũng thích ngồi nghe chuyện của bọn tớ, điều tra, xét hỏi từng tí một. Bức xúc ghê gớm. Tớ bắt đầu nghĩ đến việc sẽ sắm cho mấy đứa bạn thân cái ID Card đeo trước ngực khai báo về trình độ văn hóa, tình hình kinh tế của phụ huynh để ba mẹ tớ được yên tâm mỗi khi chúng nó đến nhà tớ chơi.
Tình hình trở nên rất tình hình khi mà ba mẹ phát hiện ra trong nhóm Ngũ quỷ của bọn tớ có một đứa với vấn đề XYZ gì đó về nơi sản xuất. Thế là chẳng cần biết chúng tớ thân thiết như thế nào, ba mẹ đã cấm tiệt tớ theo cái kiểu: “Ba mẹ cấm con không được chơi với đứa ABC vì bố mẹ nó làm nghề XYZ. Con còn nhỏ, không hiểu được những điều phức tạp ấy nên tốt nhất cứ nghe lời ba mẹ đi đã. Nhớ đấy, nếu ba mẹ còn nhìn thấy con chơi với cái đứa ABC thì cứ liệu hồn.”
 
A a a ahhh!!! Có ai thèm hiểu rằng cái đứa ABC ấy và tớ thân thiết với nhau đến thế nào không? Cái đứa ABC ấy tốt với tớ như thế nào, đã bao che tội lỗi cho tớ mấy lần, đã còng lưng đạp xe đèo tớ về nhà mấy lần vì tớ đau chân… Có ai thèm để ý không?
Chuyên gia gỡ bom bất bình
Giá mà có một điều ước, tớ chỉ ước được là cô bạn thân của tớ. Người đâu mà sung sướng quá thế. Ngoài việc học hành ngon nghẻ, xinh xắn, đáng yêu thì bạn ý còn có một “hậu phương” vô cùng tuyệt vời. Mỗi lần tớ đến nhà bạn ý chơi, chẳng bao giờ phải qua màn chào hỏi, thưa bẩm gì với nhị vị phụ huynh nhà bạn ý hết. Có chăng, chỉ cần một câu giới thiệu ngắn gọn là xong. Còn tớ thì sao? Hic hic, cậu bạn cùng lớp tớ, mới chỉ hơi “rung rinh” tớ một tẹo thôi đã bị một phen hết hồn khi gọi điện đến nhà tớ. Xui xẻo cho cậu ấy là mẹ tớ nhấc máy. Sau những câu chào hỏi ban đầu, mẹ tớ bắt đầu màn hỏi cung “thảm khốc”: “Cháu định gọi điện cho con gái cô làm gì? Cháu với nó chơi với nhau như thế nào? Cả ngày học với nhau ở trường sao không hỏi mà đến đêm hôm mới a lô cho nhau là sao?” Tớ chết đứng ở cầu thang và “ai oán” nhìn mẹ. Mới có 9 giờ tối mà mẹ đã bảo là đêm hôm? Hôm sau, tớ đến lớp và chỉ còn biết ao ước mặt đất nứt ra một nỗ nẻ để tớ chui xuống mỗi lần gặp cậu ấy thôi. Tình cảnh ấy còn được lặp lại vài lần, với vài người khác, trai có gái có. Đến nỗi, số điện thoại nhà tớ được cho vào “black list” của đám bạn ở lớp luôn.
1. Tìm xem ngòi nổ ở đâu
Tìm đâu 3 lạng niềm tin?
Hiện nay, câu nói “Thời buổi đất chật người đông/ Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều” đã trở nên quen thuộc. Xã hội ngày càng phức tạp khiến cho lòng tin của con người trở nên mỏng manh. Vì vậy, bố mẹ cho rằng có tạo dựng xung quanh con mình một “bức tường lửa” cũng chẳng có gì là quá
 
đáng. Lý luận của bố mẹ tớ là như thế này ạ: “Con có thấy đầy rẫy những cảnh bạn bè đánh nhau rồi up clip tràn lan lên mạng không? À, mẹ còn mới đọc cái tin một cô bé bị mấy bạn gái lừa bán sang Trung Quốc đấy. Đừng có tin rằng tất cả những người đối tốt với mình đều là bạn bè mình”. Hic hic, lý do này của bố mẹ không phải là không có lý song nó nhuốm màu hoài nghi quá nhiều. Trong mắt bố mẹ, dường như đứa bạn nào của tớ cũng tiềm tàng mầm mống của một “mafia” hoặc “mẹ mìn” chính hiệu. Càng nguy hơn nếu những đứa bạn ấy không có “nguồn gốc, xuất xứ” rõ ràng. Nỗi lo lắng mơ hồ trong bố mẹ ngày qua ngày, được dồn tụ và chuyển hóa vào những hành vi mang tính chất cấm đoán với giải thích: “Bố mẹ chỉ muốn điều an toàn nhất cho con”. Hơ hơ, vậy chẳng lẽ chơi với bạn bè là không an toàn?
Là bạn hay là bè?
Nếu ở lý do trước, bố mẹ không tin tưởng vào môi trường bên ngoài dẫn đến sự “cảnh giác” trong việc kết bạn của teen thì ở lý do này, nguyên nhân lại xuất phát từ chính teen nữa. Với các “mẫu hậu” nhà mình, lắm khi teen cũng chỉ là những “đứa trẻ to đầu mà dại” hoặc “có lớn mà chẳng có khôn”. Bố mẹ ngầm định nghĩa teen với những tính từ chả có gì hay ho như “nông nổi, cảm tính nhất thời, hấp tấp, a dua” và cho rằng khi kết bạn teen chẳng bao giờ biết “nhìn trước ngó sau” xem xét bạn mình là người như thế nào. Vì thế, để bố mẹ “xét nét” bạn bè giùm thì cũng hổng có sao. Kẻo rồi, có ngày, bạn sẽ bị lôi kéo, dụ dỗ theo đám bạn của mình lao vào những thói hư tật xấu đang ngày đêm đổ bộ vào giới trẻ. Nói cách khác, niềm tin bố mẹ dành cho teen cực kỳ thiếu và yếu nên teen khó được bố mẹ đồng tình, ủng hộ, kể cả trong việc giao du, kết bạn.
Thói quen “dán nhãn”
Vốn dày dặn kinh nghiệm sống, bố mẹ cũng “tự tin” lắm cơ khi cho rằng chỉ cần liếc mắt một cái là có thể “oánh giá” ngay một con người như thế nào. Thế nên, chẳng cần nghe con cái giải thích dài dòng, bố mẹ đã quyết chí dán luôn một cái nhãn lên bè bạn thân thương của con. Kiểu như, nếu bố mẹ làm một công việc ổn định, mặt mũi hiền lành, ngoan ngoãn, thưa bẩm lễ độ thì sẽ được dán cho cái nhãn đẹp. Trong khi, chính những người được dán nhãn đẹp ấy lại là những người thật… nhạt nhẽo và teen sẽ thấy buồn kinh khủng nếu kết thân với một người bạn chả hiểu mình tí xíu nào ngoài cái mác ngoan hiền. Thói quen áp đặt của bố mẹ thật tai hại khi nó tước đi cơ hội có những người bạn thấu hiểu và phù hợp với tính cách của teen.
“Vằn đi với vằn, đốm đi với đốm”
Là khi bố mẹ lập phương trình “con = bạn bè của con”. Tức là, nếu đứa bạn của con cá tính, ngỗ ngược thì ắt hẳn con nhà mình cũng y như thế. Nếu chơi với một cô nàng ăn mặc diêm dúa, cầu kỳ thì con gái nhà mình có khi cũng chỉ biết đến quần áo, tóc tai và đầu óc thì “mít đặc”. Thực ra, bố mẹ không biết rằng, teen kết thân với nhau chính vì những điểm khác biệt. Điểm khác biệt ấy mới tạo nên lực hút, để cho teen giữ được một tình bạn dài lâu. Cứ suy nghĩ máy móc như vậy, bố mẹ sẽ khiến teen cảm thấy ấm ức lắm đấy vì chẳng lẽ lại toàn phải kết bạn với những người y chang mình?
2. Khi teen trúng bom
Vòng vo
Trong những trường hợp bị bố mẹ “dồn vào chân tường” ở những màn hỏi đáp, teen sẽ chọn ngay phương pháp này. Bởi teen nghĩ, chẳng khi nào bố mẹ lần ra tung tích chính xác của những đứa bạn mình được. Nói bạn A, B, C có bố mẹ là các ông, bà X, Y, Z đính kèm thông tin về những nghề nghiệp hết sức ổn; bố mẹ sẽ gật gù mà cho qua ngay thôi. Thực ra, phải nói dối về bạn bè, teen cũng chả vui vẻ gì đâu. Với teen, bạn từ đâu đến, bố mẹ là ai, tiềm lực kinh tế có khá giả không chẳng là “xi nhê” nếu so với việc tính cách của bạn ấy “tuyệt vời ông mặt trời” như thế nào. Nhưng trước sự căn vặn của bố mẹ, teen còn biết làm gì khác ngoài việc tặc lưỡi nghĩ “Nói vòng vo, loanh quanh chút có sao đâu”. Về lâu về dài, teen sẽ hình thành thói quen không thật thà. Tốt hay không, chắc teen cũng tự hiểu.
Mặc áo tàng hình cho bạn bè
Xem truyện về chú mèo máy Doremon, tớ còn nhớ mãi chiếc khăn tàng hình giấu trong chiếc túi thần kỳ của chú mèo ấy. Mỗi lần muốn làm biến mất một ai đó hoặc một đồ vật, Doremon chỉ cần trùm chiếc khăn lên. Trong phút chốc, chú mèo máy sẽ được thỏa nguyện. Là teen, teen cũng biết đến cách “tàng hình” cho bạn bè. Bố mẹ cấm đoán thì teen sẽ làm như không chơi, không biết, không thấy bạn bè nữa là được. Nghĩa là, giờ tan học không bén bảng đến nhóm bạn nào đang tưng bừng ra khỏi cổng trường, điện thoại im hơi lặng tiếng, bố mẹ có tình cờ hỏi về bạn bè thì ừ hứ rồi ngó lơ… Còn sau lưng bố mẹ, teen làm gì, đi đâu với bạn bè thì chỉ có trời biết, đất biết, teen biết và bạn bè của teen biết. Những tình bạn được xem như một bí mật khiến teen vừa hào hứng, hồi hộp vừa lo lắng nếu như một ngày bố mẹ khám phá ra. Nhưng cách này lại tiềm ẩn những rủi ro vì bố mẹ sẽ không còn được coi là những quân sư của teen nữa, đồng thời khoảng cách giữa hai bên bị giãn ra đáng kể. Trong khi đó, đâu phải lúc nào teen cũng có những nhìn nhận chính xác về bạn bè mình. Lấy ai “tuýt còi” cho teen nếu người mà teen kết bạn không thực sự ổn như teen nghĩ?
Khổ nhục kế
“Vì bạn bè con chẳng có bố mẹ giàu có tử tế, chẳng học hành giỏi giang nên lần nào cũng như lần nào, thấy chúng nó là bố mẹ tránh như tránh tà ấy”, “Vì con chẳng ra làm sao nên bạn bè con cũng được đối xử như là đồ rơi vãi ngoài đường. Con biết thân biết phận của con rồi”. Đó là nguyên văn câu nói của cậu em nhà tớ đấy, ghê không. Nghe cu cậu nói xong, bố mẹ tớ cứ gọi là “mắt tròn mắt dẹt” và cũng lăn tăn nghĩ ngợi chút. Nhưng tớ không nghĩ rằng đấy là chiêu trò của cu cậu, vì nhìn vào mắt nó lúc ấy có vẻ buồn. Cũng phải thôi, vì ai chẳng muốn bạn bè mình được tôn trọng và đối xử thật tốt. Sự phân biệt đối xử của bố mẹ với bạn bè con chỉ vì những lý do không phải xuất phát từ chính họ cũng khiến teen buồn ghê gớm ấy chứ.
Đá xoáy những hình mẫu tiêu biểu của bố mẹ
Phản ứng này khá quen thuộc phải không? Thông thường, ứng với mỗi phẩm chất mẫu mực mà bố mẹ mong muốn bạn bè của con phải có sẽ kèm theo một hình ảnh minh họa. Thậm chí, có bậc phụ huynh còn thẳng tay ra chiếu chỉ: “Chỉ nên kết bạn với con nhà này, không kết bạn với con nhà kia. Cái
 
thằng bé đó trông “lấc ca lấc cấc” như vậy có chắc là sẽ ngoan không?” Teen sẽ để bụng rồi khi nào có thời cơ thuận lợi, sẽ “đá đểu” những ví dụ của bố mẹ không thương tiếc. Giả thiết như trước một chuyến đi chơi xa, hay một việc part time có vẻ khó nhằn, teen sẽ bỏ nhỏ với mẹ: “Là bạn A, B, C kia chắc sẽ không đi đâu mẹ nhỉ? Bạn ấy được bố mẹ chiều chuộng, quan tâm vậy cơ mà. Con nhà ngon lành cành đào như bạn B sẽ chẳng thèm làm việc này đâu. Chán òm, lương lại thấp nữa chứ?” Này teen ơi, “đâm bị thóc, chọc bị gạo” như thế teen có thấy vui không?
3. Cùng gỡ bom
“Vitamin” cho teen
Bằng một cách khéo léo, teen hãy để bố mẹ thấy rằng, bạn bè là một loại “vitamin” bổ ích, là một phần không thể thiếu cho lứa tuổi học trò của mình. Ai là người cùng teen tìm tòi, đưa ra những cách giải mới cho một bài Toán? Ai là người cần mẫn làm bài tập nhóm với teen hay cùng lắng nghe teen chia sẻ những chuyện “trời ơi đất hỡi” của lứa tuổi dở dở ương ương? Chính là bạn bè chứ không là ai khác. Cuộc sống của teen được lấp đầy bằng cách này hay cách khác, bởi những nét độc đáo, riêng biệt của những người bạn. Đêm bố mẹ đi công tác xa nhà, ngày bố mẹ bận rộn không cùng teen trò chuyện; nếu không có bạn bè thì teen sẽ thế nào? Chính tính cách, sự quan tâm và tình cảm dành cho nhau mới là nền tảng để xây dựng nên một tình bạn tốt. Bố mẹ đã từng có những người bạn nối khố của mình. Và teen cũng thế. Hãy tự tin chứng tỏ niềm tin vào tình bạn vững chắc của mình. Mọi dị nghị của bố mẹ sẽ nhòa dần theo thời gian.
Kèm theo “Footnote”
Bình thường, nếu bạn hay nói dối hay lòng vòng về bạn bè của mình thì sao không thử nói thật cùng bố mẹ. Đính kèm mỗi người bạn là một “footnote” (chú thích). Ví dụ như tớ nè, tớ sẽ bảo với mẹ: “Bạn Huyền lớp con có gia đình không trọn vẹn, nhưng lại là người rất tình cảm và trân trọng bạn bè”. Nói nhẹ nhàng, từ tốn thôi nha. Biết đâu, bố mẹ sẽ nghe ra và nhìn nhận được những giá trị tích cực mà bạn bè mang lại cho bạn. Đằng sau mỗi người bạn là một câu chuyện để kể. Điều quan trọng là bạn có biết cách kể câu chuyện ấy để bố mẹ ủng hộ việc chọn bạn mà chơi của bạn hay không.
Không trốn tránh
Làm thế nào khi bạn thân của teen có một vài điểm không tốt lắm và đáng buồn hơn điều đó lại là sự thật? Chối bay chối biến hay là giấu nhẹm đi? Chắc chắn, một ngày đẹp trời nào đó (trong buổi họp phụ huynh chẳng hạn), bố mẹ cũng phát hiện ra sự thật bạn đang che giấu nếu như cậu bạn thân của bạn nổi danh trong lớp bởi những thành tích cá biệt. Trong trường hợp này, bạn đừng trốn tránh. Hãy thừa nhận những tính cách có phần xấu xí ở bạn mình và nói rõ quan điểm của bạn. “Nói gần nói xa chẳng qua nói thật” mà. Sự thành khẩn ở bạn sẽ hóa giải nỗi hoài nghi trong lòng bố mẹ đấy.
Hãy là “thanh niên nghiêm túc”
Nghiêm túc trong quá trình lựa chọn bạn bè và có những chuẩn mực cho riêng mình. Không phải hôm qua bạn mới kết giao với một cô nàng “hót gơn” tiếng xấu nhiều hơn tiếng tốt, hôm nay đã lại ngồi học cùng một “mọt sách”, không phải là người bạn ở ngoài cuộc sống một kiểu mà bạn trên những trang mạng xã hội là một kiểu hoàn toàn khác. Để mỗi lần nhìn vào danh sách bạn bè của bạn, bố mẹ không khỏi bán tín bán nghi: “Rốt cuộc bạn bè của nó thuộc dạng nào?” Vốn dĩ bố mẹ chẳng đặt nhiều niềm tin vào những đứa trẻ chưa chịu lớn là chúng ta đây. Để củng cố niềm tin trong bố mẹ chẳng có cách nào khác ngoài việc cho bố mẹ thấy được, chúng mình cũng có một màng lọc để tự biết ai phù hợp và ta đâu có kết bạn tùm lum. Cũng là suy nghĩ thận trọng, ngẫm ngợi chán chê khi “make friend” với ai đó đấy chứ. Thỉnh thoảng, bạn có thể chêm vào giữa những cuộc nói chuyện thân mật với bố mẹ những câu mang tính tuyên ngôn kiểu: “Bạn con phải là người thế này… con sẽ không bao giờ chơi với những người thế kia…”. He he, có khi bạn lại được tăng vài “chân kính” trong mắt phụ huynh đấy!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.