Khi Cha Mẹ Làm Teen Phát Điên

9. “Sao làm gì tắt mắt mà phải đóng cửa phòng hả con? Muốn tự kỷ à?”



Đùa chứ, mỗi lần ngắm ảnh tụi bạn post lên Face khoe phòng riêng mà tớ thấy GATO ứ chịu được. Phòng của chúng nó cá tính kinh dị, ton sur ton, mà lại còn toàn đồ xịn. Con bạn thân của tớ mới vác về cả một bộ Minion bằng bông, bày la liệt trên giường vì hiện tại nó đang cuồng “Kẻ cắp mặt trăng”. Thế nào mấy hôm nữa có cái gì khác hot hot, nó lại cũng có một bộ sưu tập mới cho xem. Ngắm phòng chúng nó mà nhìn lại cái “đại bản doanh” của mình, tớ mới thấy ngao ngán làm sao. Tủ này, giường này, bàn học này, mỗi thứ một màu, quê quê, cục cục. Cái gì trông cũng có vẻ chắc chắn, còn lâu mới hỏng, mỗi tội xấu. Cái phòng của tớ rõ ràng là mang phong cách thập niên bảy mươi của bố mẹ. Tớ mà khuân về cái gì cá tính một tí là y như rằng ngay lập tức sẽ bị vất lên gác xép cho nó gọn phòng.
Xoạch!!!
Làm gì mà ru rú trong phòng suốt cả sáng thế? Khẩn trương đi đánh răng rửa mặt mà còn ăn cơm chứ! Được ngày nghỉ chả giúp gì cho ba mẹ, chỉ có ngủ.
Giật hết cả mình! Đang suy nghĩ vẩn vơ thì bị đột kích bất ngờ. May mà tớ vẫn ngồi trên bàn học chứ không thì lại phải nghe thêm vài bài ca nữa mới được ăn cơm. Mẹ tớ lúc nào cũng khó chịu như thế đấy. Đi vào phòng người khác không bao giờ gõ cửa cả. Với tớ, cái vô dụng nhất trong nhà ấy chính là cánh cửa. Thà ngay từ đầu ba mẹ đừng làm cánh cửa cho phòng tớ nữa cho xong, có cũng như không. Mà có khi cũng chả cần phòng riêng nữa, ba mẹ con cái cứ ra tất chỗ uống nước ngồi học bài, xem ti vi, thêu thùa may vá. Như vậy ba mẹ sẽ chẳng bao giờ phải rình mò, theo dõi xem tớ đang làm gì trong phòng nữa.
 
“Sáng con làm gì trong phòng thế? Mẹ nghe thấy tiếng lạch cạch dậy từ sớm rồi cơ mà.”
Đấy, thấy chưa, biết ngay kiểu gì mẹ cũng hỏi câu đấy mà. Tớ ở trong phòng có vài tiếng đồng hồ thôi chứ có phải mất tích đâu mà mẹ phải tha thiết biết tớ làm cái gì như thế. Tớ trả lời cho có: “Con học bài.”
Mẹ tớ “Ố, á” như kiểu chưa bao giờ thấy tớ học bài không bằng: “Học bài á? Con mà cũng học bài vào cái giờ ấy hả? Mẹ chưa phải giục thì thôi.”
Mẹ không tin thì hỏi tớ làm cái gì không biết. Bực mình tập một.
Ngày nghỉ sướng thật! Ăn xong lại mò vào trong phòng nằm, chả phải học hành gì. Thế nên tớ còn biết làm gì khác ngoài việc ngắm ảnh và xem MV anh T.O.P của tớ chứ. Hi hi. Dưng mà với ba mẹ thì tớ lúc nào cũng phải cảnh giác cao độ. Muốn xem xét cái gì thì tớ cũng phải tạo hiện trường giả cái đã. Sách Văn để sẵn trên bàn nè, mở sẵn một tab: hocmai.vn nè. Ba mẹ mà có đổ bộ bất ngờ thì tớ lại ngoan ngoãn học bài được ngay tức khắc. Hi hi, quả là một kế hoạch mới hoàn hảo làm sao.
Xoạch!
“Làm gì thế ? Mò mẫm cái gì trong ấy thế?”
Mẹ hỏi lạ thật đấy, tớ ở trong phòng riêng chứ có phải ở trong hang quỷ đâu mà mẹ tra xét kiểu nguy hiểm vậy.
“Con học bài chứ làm gì ạ.”
“Bỗng dưng lại chăm học thế chứ. Nếu được thế thì tốt.”
 
Như người khác chắc sẽ tin lời con mình nói ngay. Mẹ tớ thì còn phải đi tuần quanh cái bàn học của tớ mấy lần để kiểm chứng mới ghê chứ. Cũng may mà cái hiện trường giả của tớ không tì vết. Bây giờ mới thấy có khi ngày nghỉ mới là cái ngày tù tội nhất í. Vì tớ mà nghỉ thì ba mẹ cũng ở nhà, không phải đi làm. Thế là ba mẹ tha hồ mà super soi, dò hỏi, điều tra xem tớ làm gì ở trong phòng. Thế mà ba mẹ cũng bày đặt làm phòng riêng cho tớ làm cái gì không biết. Cũng kiểu có cửa cho nó có vẻ phòng riêng, chứ thực ra chả riêng chút nào.
Ngồi có tí tẹo, xem được cỡ chục cái MV và một bộ phim mà đã chiều rồi nè. Tớ quyết định sẽ tự động đi tắm chứ không đợi đến lúc mẹ lấy cớ xông vào phòng ước ao sẽ bắt được quả tang tớ đang làm điều gì mờ ám, mặc dù chả có cái gì.
Rời khỏi địa bàn tác chiến mà tớ bỗng thấy bồn chồn lạ lùng. Thôi tắm cho nhanh không thì có địch đột kích mất.
Xoạch!
“Ơ, ba mẹ đang làm gì trong phòng con thế này?”
“Dọn dẹp chứ làm gì? Con gái con đứa bừa bộn. Cả ngày ở trong phòng mà để cái phòng bẩn thế này.”
Tớ ghét nhất cái kiểu đột nhập vào phòng riêng của người khác rồi phê phán này nọ. Tớ đang “bận học” thì dọn làm sao được? Tí nữa xong xuôi rồi đâu sẽ vào đấy.
Bỗng dưng mặt mẹ tớ nghiêm lại:
“Thế mấy tờ giấy nháp vất trong thùng rác là thế nào? Toàn nói chuyện con trai, con gái thích nhau. Con đã đến tuổi yêu đương chưa? Quan tâm đến chuyện đó làm gì?”
Thôi chết! Tớ biết ngay mà. Đen thế không biết. Nhưng mà sao mẹ lại đọc trộm thư của tớ? Nếu nó có ở thùng rác thì cũng không bao giờ được đọc thư của người khác chứ.
“Sao mẹ đọc mấy cái đấy của con?”
Mẹ tớ nói giọng nghe rất chi là khó chịu:
“Đấy, bố nó xem, tí tuổi đầu đã yêu đương. Ở trong phòng cả ngày tưởng làm gì hóa ra là viết vẽ mấy cái thứ này đây.”
 
Đấy là bức thư tớ viết cho con bạn tớ để tư vấn chuyện tình yêu, tình báo. Giờ mẹ đang cầm nó trên tay rồi mỉa mai nghe mới đáng ghét làm sao. Tức chết mất!
“Ba mẹ vô lý vừa chứ! Con mà xông vào phòng riêng, đọc trộm thư của ba mẹ thì ba mẹ có chịu được không?”
Ba lúc này mới bắt đầu cất lời, nhẹ nhàng thôi mà cũng nguy hiểm không kém:
“Ba mẹ không tin tưởng được con nữa. Cả ngày cứ ở một mình trong phòng riêng rồi không học hành gì cả. Từ mai mang sách vở ra ngoài phòng khách học bài, không phải riêng tư gì hết.”
Bó tay! Bó tay luôn rồi đấy! Phòng riêng làm cái qué gì chứ! Phòng đã xấu thì chớ, bây giờ lại còn cấm đoán không được về phòng. Đã thế tớ ứ cần.
Vâng! Từ bây giờ con không cần riêng tư gì nữa. Ba mẹ cứ đem con ra phòng khách mà soi!
Chuyên gia gỡ bom ra tay
1. Tìm xem ngòi nổ ở đâu 
Suốt ngày học, không gian riêng để làm gì?
Thắc mắc này được nhiều phụ huynh cho là rất – chính – đáng khi mà việc học đã choán gần như toàn bộ quỹ thời gian của teen. Mà việc học là việc
 
tốt, cần “công khai”. Vì thế, khi teen đề xuất về một “sự riêng tư”nho nhỏ cho riêng mình, bố mẹ sẽ nhanh chóng lắc đầu. Thêm vào đó, bố mẹ còn cho rằng, có một chốn riêng tư sẽ khiến teen dễ tụ tập bạn bè, chơi bời đàn đúm mà bê trễ học hành. Hơn nữa, bây giờ xã hội đầy những cạm bẫy. ai mà biết được teen có làm gì “bậy bạ” trong không gian riêng của mình? Đấy, thế nên lúc nào bố mẹ cũng có mặt mà kè kè theo dõi hoặc xét nét, cấm đoán.
Là bố mẹ, tôi có quyền
Với tư cách của các bậc phụ huynh, bố mẹ tự cho mình những đặc quyền hay lắm nhé. Quyền xâm nhập phòng riêng của teen không giới hạn thời gian này, quyền kiểm tra những vật dụng của teen (sách vở, sổ tay, máy tính) bất kể teen có chấp thuận hay không này, quyền làm “thần đèn” xê dịch đồ dùng của teen từ vị trí này sang vị trí khác dù teen có phản đối rầm rầm này. Bố mẹ lý luận là: “Bố mẹ đã tốn bao nhiêu công sức để nuôi con lớn đến chừng này. Chẳng lẽ, vào phòng riêng của con cũng bị coi làm xâm nhập bất hợp pháp?” Thực ra, không teen nào quy kết như vậy nhưng chính sự tùy tiện của bố mẹ đã đẩy teen đến với cảm giác bức xúc không cần thiết. Cô bạn thân của tớ từng kêu gào: “Cứ mỗi lần đi chơi xa về là mình không nhận ra cái phòng của mình nữa. Mọi thứ được sắp xếp lại gọn gàng, đâu vào đấy. Những hạt bụi cũng được lau đi, sạch như li như lau. Nhưng đến lúc cần tìm một món đồ thì lục khắp phòng mà không thấy”.
Con có bị làm sao không đấy?
Bản tính lo xa và thương yêu con vô giới hạn khiến bố mẹ chúng ta nhìn đâu cũng ra bệnh. Thực ra, nỗi lo này cũng có lý khi thông tin về các trẻ em bị tự kỷ ngày một phổ biến trên các phương tiện truyền thông. Hình ảnh những đứa trẻ tự giới hạn mình trong một không gian nhỏ hẹp, từ chối giao tiếp với người xung quanh dễ dàng tạo ra sự liên tưởng với sự cô độc, khép kín của teen. Từ lo lắng, nghi ngại có thật đó, bố mẹ đã đặt dấu hỏi to đùng cho những khoảnh khắc teen giấu mình trong phòng cắm cúi làm việc gì đó. Từ lo lắng ấy, bố mẹ quyết định hạn chế tối đa những hoàn cảnh đưa đẩy teen từ “bệnh giả” thành “bệnh thật”. Thế là, tèn tén ten, một không gian riêng thực sự vẫn là “giấc mơ chỉ là giấc mơ”.
 
Lại cắt xén thời gian cho gia đình
Từng có một clip vui chiếu cảnh bữa cơm của gia đình nọ. Bà mẹ khản cổ vẫn không gọi được cậu quý tử xuống ăn cơm; cực chẳng đã, bà đành phải đăng nhập vào Facebook để nhắn tin. Lúc đó, cậu mới lò dò bước xuống. Xã hội càng hiện đại, khoảng cách giữa bố mẹ và con càng lớn. Thời gian teen hiện diện ở nhà không nhiều. Vậy mà, teen còn chìm đắm trong thế giới của mình để thoải mái nghe nhạc, chơi game, lướt web… thì thử hỏi còn bao nhiêu thời gian dành cho người thân nữa. Bố mẹ muốn “bứt” teen ra khỏi tổ kén cũng là muốn đưa những đứa con trở thành một phần gắn bó của gia đình. Động cơ tích cực là thế đấy song cách thực hiện có khi lại “phũ phàng” và cực đoan lắm cơ. Như chính mẹ tớ đây này. Có lần thấy tớ ngồi mọc rễ trong phòng trước giờ cơm, mẹ đã lôi xềnh xệch tớ xuống bàn ăn (không nói ngoa đâu nhé). Can thiệp thô bạo vậy nên tớ và nhiều teen cùng chung cảnh ngộ chẳng bao giờ muốn rời khỏi cái chốn riêng tư và ấm áp ấy là phải.
2. Khi teen trúng bom
Không gian riêng của teen giống một khoảng trời để teen thỏa sức vẫy vùng. Không được sở hữu khoảng trời riêng ấy, các bạn trẻ chẳng khác gì chú chim bị cắt đi đôi cánh và giam hãm trong một chiếc lồng nhỏ. Khi đó, sẽ có cả phản ứng tiêu cực và tích cực. Cùng “zoom” vào những phản ứng ấy xem nhé!
Bạn bè con, đứa nào cũng có phòng riêng
Những ai chưa được sở hữu một không gian riêng hoặc có nhưng là cái không gian bị chung đụng bởi một cậu em trai nghịch như quỷ sứ, nhỏ em gái mồm mép tép nhảy ắt sẽ nghĩ chiêu này sẽ có ngày phát huy tác dụng. “Mưa dầm thấm lâu”, nghe hoài, nghe mãi, bố mẹ sẽ thấy cám cảnh cho sự thiệt thòi của con mà suy xét và nghĩ lại chăng?
Thôi con giấu cho riêng con biết
Có phòng riêng nhưng lúc nào người lớn cũng có thể xâm nhập thì với teen, không gian riêng đó có cũng như không. Hơn nữa, nếu trót chủ quan đặt trọn niềm tin vào không gian riêng của mình, biết đâu một ngày nào đó, teen sẽ lơ là, mất cảnh giác với những vật dụng thuộc phạm vi “bí mật cá nhân”. Phát hiện ra nhật ký của mình thường xuyên bị mẹ đọc trộm, tớ đã đi đến một quyết định khá đau lòng là “mã hóa” toàn bộ cuốn nhật ký của mình. Tức là, bên cạnh việc chế thêm một ổ khóa nhỏ ngoài bìa, tớ còn ghi nhật ký bằng thứ ký tự do tớ tự nghĩ ra. Nhìn qua, cuốn nhật ký của tớ như một đám giá đỗ. Đảm bảo, lần sau, mẹ có cuốn sổ trong tay cũng chỉ như nhìn vào… bức vách. Không chỉ có tớ mới phải khổ sở với công cuộc che giấu đời tư đến vậy đâu. Đám bạn ở lớp tớ còn bỏ thói quen viết nhật ký từ lâu. Bọn nó chuyển hết tâm sự qua những note, status của Facebook và blog trên các trang mạng xã hội với niềm tin rằng “còn khuya” bố mẹ mới lần ra những chốn riêng tư ấy. Bố mẹ có biết, những đứa con “mật mã” đã ra đời như thế?
Những khoảng trời riêng không ở nhà
Không tìm được cho mình một chỗ nương náu thực sự bên những người thân thiết, nhiều teen đã tìm cho mình một góc bình yên khác ngoài xã hội. Một chiếc bàn ở quán cà phê, một chỗ ngồi trong thư viện, một góc nhỏ của công viên gần nhà, một trung tâm thể thao… Là những nơi teen cảm thấy thoải mái để sống với sở thích của mình. Hạn chế của những địa điểm này là teen sẽ phải chịu sự bị động nhất định về thời gian và có nguy cơ “viêm màng túi”nặng.
Quyết chí ra riêng
Một bộ phận teen lại dũng cảm chọn việc “ly khai” với bố mẹ để tìm cho mình sự tự do tuyệt đối. Ra riêng, có nghĩa là teen sẽ tự trang trải các chi phí trong cuộc sống của mình, phải quán xuyến mọi việc từ bé như cái tăm đến to như trả tiền nhà tiền điện… Chẳng ai thích phải xách balo ra khỏi nhà để dấn thân vào cuộc sống từ quá sớm, song với những teen độc lập và bản lĩnh thì đây cũng là một chiêu không tồi. Chỉ có điều, cuộc sống vốn phức tạp và khó khăn hơn teen nghĩ. Tách khỏi sự quản lý, giám sát của gia đình, bạn sẽ được ăn những món mình thích, làm những thứ mình ham, những người trong nhà có một phen ngưỡng mộ và chẳng gọi bạn là trẻ con nữa… Đó là mặt tích cực. Còn mặt tiêu cực là teen phải đối diện với áp lực về tài chính, cảm giác bơ vơ khi tự xoay xở một mình. Muốn bay xa trong khi chưa đủ lông đủ cánh chưa bao giờ là một điều dễ dàng, teen nhỉ?
3. Cùng gỡ bom
Từ từ rồi khoai mới nhừ
Đừng có ầm ầm gào thét, đá thúng đụng nia và đóng rầm cánh cửa trước mặt bố mẹ sau khi để lại những câu chẳng dễ nghe như: “Bố không tôn trọng con gì cả”, “Bố mẹ có bao giờ để con tự do đâu” hay “Con làm gì có quyền trong cái nhà này”.
Để được bố mẹ lắng nghe và tôn trọng, trước hết, bạn hãy dành điều đó cho bố mẹ đã. Hãy bình tĩnh nói chuyện với bố mẹ rằng bạn đang lớn, bạn cần một không gian riêng tư để học tập và sinh hoạt. Cũng chớ có dại dột minh họa mong ước đó bằng việc trưng ra những hình ảnh bạn A, bạn B có căn phòng riêng rộng rãi, đẹp đẽ thế nào. Bố mẹ sẽ nghĩ ngay rằng bạn đang đua đòi theo bạn bè đấy. Lúc đó, nguyện vọng của bạn đừng mong được đáp ứng.
Có thời gian biểu rõ ràng
Đây là một cách hữu hiệu cho bố mẹ thấy bạn không làm việc vô bổ trong không gian riêng của mình. Hãy kẻ bảng, lập ô và list ra những công việc cụ thể bạn làm hàng ngày với mốc thời gian rõ ràng. Bố mẹ sẽ nhìn nhận bạn biết cách sắp xếp quản lý thời gian. Do đó, chẳng còn nguy cơ xao lãng học hành hay để thời gian trôi qua vèo vèo trong sự thờ ơ nữa. Dù bạn ở trường, ở nhà, có trong sự giám sát của người thân hay không thì các hoạt động của bạn vẫn đảm bảo được tính hiệu quả. Chú ý nè, khi xây dựng thời gian biểu, bạn cần phải cân nhắc giữa tính hợp lý với tính khả thi của các công việc nhé. Đừng vì tham lam, nhồi nhét cho kín thời gian biểu chỉ để che mắt bố mẹ. Bạn có muốn bố mẹ đặt dấu hỏi cho cái thời gian biểu trên cả hoàn hảo của mình không?
Khi tự do song hành cùng tự lập
Nếu ngày ngày, tháng tháng bố mẹ đều phải rình rập, theo dõi việc học, việc chơi của teen thì chính bản thân bố mẹ cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi, khổ sở chứ chẳng sung sướng gì. Thử chia sẻ cảm giác này với bố mẹ để tìm ra một giải pháp tốt cho tất cả xem nào. Sẽ thế nào, nếu như bạn hạn chế những việc làm gây thắc mắc với bố mẹ như “nấu cháo điện thoại” trong phòng riêng, cười đùa khúc khích trước desktop hay giấu giấu diếm diếm sổ sách? Biết đâu, bố mẹ chúng mình cũng muốn đặt lòng tin vào các con, cho con một không gian riêng để biết sống tự lập và có trách nhiệm với bản thân hơn mà chưa có cơ hội? Một cách không bao giờ thừa là hãy cho bố mẹ thấy mình xứng đáng với niềm tin đó như thế nào, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như giữ gìn “khoảng trời riêng” gọn gàng, ngăn nắp.
Nhớ phân chia hợp lý
Ngay cả khi bạn được bố mẹ tin tưởng, cho phép bạn tự do trong khuôn khổ của riêng mình, bạn cũng nên dành thời gian và sự quan tâm cần thiết cho những người thân yêu. Dù có thích sự riêng tư đến chừng nào, bạn cũng đừng “cửa đóng then cài”, ở trong phòng triền miên với những bận bịu của riêng mình. Nhớ nhé, vẫn luôn có một khoảng trời rộng lớn hơn, với những người thân yêu đang chờ đón bạn đấy.
 
 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.