Hôm nọ tớ vừa bòn đống giấy vụn từ năm học trước bán đi được năm mươi ngàn đồng. Thế mà tớ lại phải chia cho đứa em tớ vì nó cũng có góp một ít sách vở cũ. Nhưng mà con em tớ vốn là cái bơm Tàu xịn. Nó về khoe với mẹ hồn nhiên như chưa hề nhận tiền:
“Mẹ ơi, sáng nay chị bán giấy vụn được năm mươi nghìn mẹ ạ.”
Mẹ tớ nở nụ cười đầy nguy hiểm rồi nhẹ nhàng nói:
“Đưa đây mẹ giữ hộ cho. Trẻ con cầm tiền làm gì.”
“Mẹ giữ hộ cho” – cụm từ nghe sao mà quen thế nhỉ. Hình như là mấy năm nay, Tết nào tớ cũng nghe mẹ nói thế hay sao í. Mỗi tội là không biết sẽ “hộ”đến khi nào, và mẹ sẽ chẳng bao giờ nhớ đã giữ của tớ bao nhiêu. Mẹ là địa chủ gian ác còn tớ thì là người nông dân tội nghiệp. Địa chủ đã bảo vậy thì người nông dân biết “nàm thao”?
Mặc kệ cho tớ có tỏ ra người lớn đến mấy thì mẹ cũng chẳng bao giờ tin tưởng tớ chuyện tiền nong. Nhìn tụi bạn thỏa thích ăn quà vặt ngoài cổng trường tớ chỉ có nước đứng thèm nhỏ dãi. Thỉnh thoảng tụi quỷ ngồi chém gió chuyện mua sắm mấy đồ Handmade cute, chúng nó lại bơ tớ đi vì chắc mẩm tớ chẳng bao giờ có quỹ đen mà mơ đến mấy thứ đồ đó.
Tớ kể cho các ấy chuyện này vì tớ đang chuẩn bị góp vốn làm ăn nhớn với lũ bạn. Bọn tớ định mở shop online bán đồ Handmade. Tớ háo hức lắm lắm luôn í vì tớ cực kỳ thích làm đồ Handmade! Nhưng tình hình là trong cái ví dày khự của tớ toàn là giấy ăn với thẻ xe bus, nên việc này thấy khó ghê. Đành phải cầu cứu địa chủ chứ biết sao được bây giờ.
Mẹ hình như đang đắp mặt nạ trong phòng thì phải. Tranh thủ lúc mẹ đang relax cần nói ngay mới được. Tớ rón rén nhẹ nhàng:
Mẹ ơi! *bóp vai, bóp vai*, chuyện là bọn con tính bán đồ hand made trên mạng. Mẹ cho con xin khoảng ba trăm nghìn để góp vốn với các bạn mẹ nhé.
Ờ, ok, ok…
“What dờ hợi”! Mẹ vừa nói gì thế? Tớ có nằm mơ không chứ! Tớ phi như tên bắn về phòng, lấy điện thoại và gọi cho con bạn thân, giọng điệu “like a boss”:
“Nô! Anh em triển đi nhá. Đại ca ok rồi. Ba trăm nghìn hẳn hoi nhá. Xà lách cứ gọi bằng cụ về độ oách.”
Sướng thế cơ chứ! Không thể nào mà ngủ được mất. Tớ cứ tưởng tượng đến cảnh được làm chủ tịch hội đồng quản trị vì vốn to nhất mà sướng run cả người.
Buổi sáng đến roài, chửa bao giờ thấy sáng nào mà đẹp thế! Chắc là tụi bạn tớ đang cặm cụi đi mua nguyên liệu về để chuẩn bị làm hàng đây.
“Mẹ! Mẹ ơi! Mẹ cho con tiền đi mẹ ơi!”
Tớ gọi toáng cả lên và mẹ tớ lập tức xuất hiện.
“Tiền nào? Tiền gì? Bỗng dưng sáng ra lại đòi tiền là làm sao?”
“Tối qua mẹ hứa cho con ba trăm nghìn để góp vốn với các bạn bán hàng mà?”
Mẹ tớ la lên ngạc nhiên như thể tớ vừa bịa chuyện trắng trợn không bằng:
“Cái gì? Mẹ hứa lúc nào? Mà cần nhiều tiền thế làm cái gì? Con có đói khát gì không mà phải buôn với chả bán. Bố mẹ để cho con thiếu thốn nên phải đi kiếm tiền à? Vớ vẩn, dẹp hết! Tập trung vào học hành đi. Đừng nhắc đến chuyện này với mẹ nữa. Trẻ con trẻ cái, tiền với chả nong.”
Tớ đứng chết ngất, tớ nghĩ đến cảnh tụi bạn tớ đang háo hức đi chọn đồ về trang trí, tớ nghĩ đến cả đêm hôm qua tớ không ngủ được vì sung sướng. Tớ ghét mẹ vô cùng! Mẹ vừa ki bo lại vừa thất hứa nữa.
Bây giờ tớ chẳng nghĩ được gì khác ngoài lũ bạn tớ với cái kế hoạch kinh doanh sẽ bị đổ bể. Giá như tớ có một người mẹ tốt hơn thì không bao giờ chuyện đó xảy ra. Mẹ là nguyên nhân của cái chuyện đau đầu này. Chán ơi là chán!!!
Chuyện gia gỡ bom ra tay
1. Tìm xem ngòi nổ ở đâu
Trẻ con cần tiền làm gì?
Bố mẹ luôn nghĩ rằng, sự trang bị của bố mẹ cho teen là đủ đầy, tươm tất lắm rồi nên cái bọn trẻ con là chúng ta đây rõ thật vô lý khi cứ vòi vĩnh xin tiền. Cứ nghe mẩu đối thoại giữa mẹ tớ với bác hàng xóm mà xem: “Bác tính, cái gì em cũng sắm đủ cho nó. Đồng phục đi học thì nhà trường may, sách vở mua một lố từ đầu năm, dép một lúc mua cả hai đôi, đi bao giờ mới hỏng? Thế mà suốt ngày nó mè nheo tiền nọ, tiền kia”. Vì chưa nhìn ra những khoản rất – đáng – chi nên bố mẹ thấy teen thật vô lý khi tốn tiền cho những thứ vô bổ. Những khoản tiền có tên lẫn không tên như quỹ nhóm, tiền liên hoan, tiền tiêu vặt… đều không được bố mẹ “thẩm thấu”. Bởi bố mẹ nghĩ rằng những khoản chi đó không phục vụ cho mục đích chính là học hành cho tốt. Vì thế, đừng có trông đợi bố mẹ rút hầu bao.
Tiêu tiền chỉ tổ hư người
Đó là khi bố mẹ lo lắng thái quá, thậm chí, có phần “đa nghi” nữa. Cũng phải thôi, vì rất nhiều những bộ phim hay tiểu phẩm nói về tuổi ô mai, đều đề cập đến những thú vui bên ngoài cổng trường. Nào là những hàng quà vặt thơm ngon, những quán game mở cửa thâu đêm suốt sáng, shop quần áo lung linh trên đường đến trường… Tất thảy đều tỏa ra một sức cuốn hút khó bề chối từ. Trong khi teen lại “trẻ người non dạ”, “vui đâu chầu đấy”. Không có tiền thì thôi, có tiền là sa ngay vào những chốn ấy rồi hư thân có ngày. Tớ dám cá là có ít nhất trên 50% các vị phụ huynh nhà mình từng có trong đầu suy nghĩ này.
Lấy ví dụ là bạn mê mệt mấy quán thuê truyện gần trường chẳng hạn. Nếu bị phát giác, thế nào bạn cũng bị mẹ tố cho một bài là ham mê truyện mà bỏ bê học hành. Hình phạt áp dụng là cắt mọi nguồn tài chính để bạn không có cơ hội bén bảng đến gần những quán thuê truyện nữa. Thực ra, bố mẹ đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi đồng nhất đồng tiền với khả năng tự quản lý của teen. Vì không nhận ra với những teen biết cách chi tiêu hợp lý và có khả năng nhìn nhận đâu là thú vui không lành mạnh thì có hay không có, nắm trong tay ít hay nhiều tiền đều không là vấn đề nên bố mẹ đã chặn đứng mọi cơ hội để teen có được một khoản tài chính cá nhân, dù là eo hẹp.
Kiếm đi rồi hãy tiêu
Bạn thấy câu này có quen không? Nếu không thấy quen thì ắt hẳn bạn là người ít phải ngửa tay xin tiền bố mẹ rồi. Cách khích tướng của bố mẹ kiểu này không ổn chút nào. Bởi, một mặt, bọn trẻ chúng mình được coi là “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”, mặt khác, lại bị bố mẹ đưa vào thử thách phải tự mình tạo ra thu nhập thì mới được chi tiêu. Có thể đây chỉ là một câu nói đùa thôi, hoặc, bố mẹ cứ nói cứng thế bởi chắc cú là còn lâu bọn mình mới tự kiếm được tiền. Nhưng, cách nói này dễ đẩy teen vào việc muốn thử sức mình để bố mẹ “biết tay”. Trong khi đó, kiếm được tiền ở lứa tuổi teen đâu có đơn giản. Biết tìm việc ở đâu khi kinh nghiệm sống chưa được bao nhiêu dễ khiến teen sa vào những cái bẫy tuyển dụng như một số báo đài đã đưa tin. Hiểu ở một góc độ khác, có thể bố mẹ cho rằng, teen chưa trực tiếp lao động, chưa hiểu nỗi vất vả của bố mẹ nên mới tùy tiện “xin xỏ”. Vì vậy, thắt chặt chi tiêu cũng đồng nghĩa với việc giáo dục cho con cái hiểu được giá trị của lao động. Dù nhiều khi teen cũng biết cảm thông với bố mẹ đấy chứ. Tuy nhiên, chưa tự tạo được tài chính cá nhân nên teen vẫn phải xin tiền bố mẹ đều đều thôi.
Đi qua bão giá nào
Thời buổi vật giá leo thang, nhà nhà tiết kiệm, người người tiết kiệm nên chả có lý gì bố mẹ lại phải chi những khoản vô tội vạ cho teen. Tiền để dành được, cũng là lo cho tương lai của con cái sau này chứ có mất đi đâu. Vì thế, bố mẹ đành khóa két thật kỹ và teen chỉ có nước khóc thét mỗi khi cần sự trợ giúp tài chính từ gia đình. Đành là “bão giã” đang càn quét qua mọi gia đình, nhưng có nhất thiết là phải nghiêm ngặt với con như thế không bố mẹ ơi?
2. Khi teen trúng bom
Đúng như người ta vẫn nói, phụ thuộc về kinh tế là sẽ phụ thuộc về mọi thứ. Không có một khoản thu nhập nhất định, làm gì teen cũng phải ngó trước ngó sau, vừa làm vừa phấp phỏng với vấn đề “đầu tiên” đến là mệt. Nhưng “cái khó ló cái khôn”, đừng nghĩ rằng bố mẹ thắt chặt chi tiêu mà teen không có kế sách gì để đối phó nhé.
Sao con sinh ra không giàu?
Trước hết là sự ấm ức. Như một bài diễn văn lê thê để chế độ “replay”liên tục, teen sẽ ngày đêm ra rả cái sự ấm ức của mình thế này: “Bố mẹ xem, thằng Hiếu được bố nó phóng tay mua luôn cho chiếc smartphone vừa để liên lạc, lại vừa học, vừa chơi. Cái Hoa được mẹ mua cho hết bộ váy này đến bộ váy khác mà có bị kêu ca gì đâu. Hu hu hu, sao con không được như bọn nó chứ?” Hệ lụy kéo theo là những so sánh bất tận từ ngày này qua ngày khác của teen với hy vọng một ngày nào đó, quá mệt mỏi với điệp khúc này, bố mẹ sẽ chậc lưỡi cho qua và đáp ứng mong muốn của teen. Khi kinh tế nhà mình khó khăn thật sự thì đi một lẽ, song nếu không quá khó khăn, teen sẽ càng ấm ức hơn vì không hiểu được nguyên nhân sâu xa trong việc làm của bố mẹ.
Bố mẹ không thương con thì thôi, bố mẹ cứ để tiền mà tiêu
Ôi ôi, câu này nghe mới rõ là hờn giận chứ. Đính kèm với nó sẽ là cái bản mặt hệt cái bánh đa ngâm nước. Những câu quy kết kiểu này dễ khiến bố mẹ mủi lòng mà nghĩ lại lắm đấy. Chẳng phải nói đâu xa, cậu em nhà hàng xóm của tớ đã thắng lợi rực rỡ khi dùng tuyệt chiêu này. Chả là, cậu ta đem lòng thương nhớ một “em” dây chuyền bạc Ý, tổng thiệt hại cũng ngót nghét gần 3 triệu. Tất nhiên, chẳng bà mẹ nào dễ dàng trích ra nửa tháng lương để mua cái thứ xa xỉ phẩm ấy. Thế là, vừa lăn đùng đùng ra theo đúng chất… ăn vạ, vừa thống thiết kêu gào: “Mẹ có thương con đâu. Có mỗi cái dây chuyền bạc đeo để tránh gió mà mẹ cũng tiếc. Thôi, mẹ cứ giữ tiền cho nặng ví. Mai con trúng gió, ốm lăn ra đấy là cùng chứ gì?” Nghe cậu con trai tự “trù ẻo”, cộng với tính thương con; cô hàng xóm nhà tớ đã phải đích thân dắt cậu quý tử đi mua dây chuyền bạc thật đấy. Thì ra, đôi khi, cứ tỏ vẻ sụt sùi chút lại hiệu quả ra trò.
“Rút ruột công trình”
Có phải thỉnh thoảng bạn vẫn được bố mẹ giao tiền để đóng học phí, đóng tiền may đồng phục, mua sách vở hay các loại quỹ hội phụ huynh, quỹ lớp, quỹ tổ không? Đâu phải lúc nào bố mẹ cũng biết chính xác số tiền phải đóng là bao nhiêu. Đấy, cơ hội để “rút ruột công trình” chính là ở đấy. Không ít teen đã dùng đến chiêu này và cũng thu được kha khá. Thay vì mua cái áo giá 200.000đ, teen có thể mua một cái áo cũng kiểu đó nhưng chất lượng kém đi một chút, chỉ khoảng 150.000đ, cuốn sổ khổ to giá 30.000đ nay chuyển sang khổ nhỏ hơn giá 25.000đ. Chỉ có điều, tích lũy thu nhập kiểu này rất phập phù vì đâu phải lúc nào cũng có việc gì đó để bố mẹ chi tiền đâu. Hơn nữa, nếu cứ tiếp diễn dài dài thì nguy cơ bị phát giác là khá cao. Lúc đó thì teen không chỉ mất tiền tiêu vặt mà còn mất tiêu cả niềm tin của bố mẹ.
Tự túc là hạnh phúc
Òa, xem ra trong các cách để “sống chung với lũ” thì cách này có vẻ lành mạnh hơn cả. Không xin xỏ, ỉ ôi để bố mẹ đưa tiền ra, một bộ phận teen đã quyết chí dấn thân vào công cuộc cày cuốc kiếm tiền để đảm bảo những nhu cầu cá nhân. Vốn năng động, xông xáo nên teen có thể tiếp cận được nhiều cơ hội khác nhau như gia sư này, viết bài cộng tác gửi báo này, kinh doanh online này, thậm chí, tớ còn biết có teen cứ thấy cuộc thi nào là cũng hùng hục dự thi để kiếm giải cơ. Cái lợi là teen sẽ có một khoản thu nhập chủ động, thậm chí, còn có thể chi tiêu rủng rỉnh. Còn cái hại là một khi đam mê part time, teen có thể lơ là học hành, điểm số xuống dốc lúc nào không hay.
1. Gỡ bom nào
Làm thế nào để có thể “tổng động viên” nguồn tài chính tại gia một cách hiệu quả mà không bị bố mẹ phàn nàn? Muốn vậy, teen hãy xác định cho mình những phương pháp phù hợp để bố mẹ không “nóng con mắt bên trái, đỏ con mắt bên phải” khi nghe teen nhắc đến tiền nhé!
Cùng chia sẻ
Có phải thỉnh thoảng bố mẹ chúng ta vẫn thở dài là thời buổi người khôn của khó này mà bọn trẻ
thật vô tư đến vô tâm trước những lo toan của bố mẹ không? Vậy thì còn chờ gì nữa mà bạn không thể hiện sự lo lắng và quan tâm của bạn tới gánh nặng tài chính của bố mẹ. Không phải là bạn làm việc cật lực kiếm tiền trang trải cho bản thân hay gia đình đâu. Có những hành động đơn sơ nhưng nói lên được tinh thần tự giác của bạn đấy. Như là việc bạn hỏi han bố mẹ về giá trị của những món đồ được mua về. Là con gái, cuối tuần, bạn thử cùng mẹ đi chợ, quan sát và lắng nghe về cách mẹ mặc cả từng mớ rau, con cá. Là con trai, bạn cùng bố “đại tu” lại xe cộ vào dịp rảnh rỗi thay cho việc ra hàng sửa chữa. Rồi sẽ có một ngày, bố mẹ nhận ra cậu ấm cô chiêu nhà mình đã có ý thức chăm lo cho đời sống gia đình thật rồi. Khi đó, giao tiền tiêu vặt cho bạn, bố mẹ cũng không còn lo ngay ngáy là bạn sẽ nướng số tiền đó vào những trò vô bổ nữa.
Biết thế nào là đủ
Cô bạn cùng lớp khoe bộ đầm lung linh để chuẩn bị cho buổi dạ hội cuối năm, cậu bạn cùng lớp vênh váo với chiếc địa hình hầm hố… Bạn cảm thấy bồn chồn, ngộp thở và tự hỏi sao mà bọn nó sung sướng thế! Triệu chứng này cho thấy bạn đang ghen tỵ với những người xung quanh vì những giá trị vật chất mà họ có. Như vậy, bạn sẽ không bao giờ biết thế nào là đủ được. Hãy cân nhắc thật kỹ trước khi hỏi xin bố mẹ mua một món đồ. Nếu bạn chỉ cần gọi điện và nhắn tin thì đâu cần phải xài tới smart phone. Nếu bạn chỉ cần một chiếc máy tính để làm bài tập thì sao phải bắt buộc là laptop? Biết đủ để đưa ra những đề xuất hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế nhà mình, bố mẹ sẽ gật gù vì sự “biết nghĩ” của bạn đấy.
Công khai các khoản chi tiêu
Lập một cái list cho các khoản chi tiêu của bạn trong tuần hoặc tháng và giải trình với bố mẹ. Sự thật thà bao giờ cũng là câu trả lời tốt cho những nghi vấn. Bố mẹ sẽ không phải thắc mắc bạn dùng tiền để đi đâu, làm gì, với ai. Bên cạnh đó, nếu biết lập kế hoạch chi tiêu, bạn sẽ chứng tỏ được với bố mẹ rằng bạn đã có ý thức trong việc tiêu tiền và muốn bố mẹ đặt lòng tin ở mình lắm lắm.