Dạo này kết quả học tập của tớ tự dưng đứt phanh xuống dốc không kéo lại được. Căn bản là tại môn Toán năm nay khoai quá, tự dưng lại bắt học mấy cái thứ hại não, chả biết dùng để làm gì. Đã thế cô giáo dạy Toán lại là cô chủ nhiệm, nên lúc nào mà có tiết trống, cả lớp cười chưa kịp ngậm miệng thì cô đã bước vào, buông một câu thản nhiên:
Cả lớp giở Toán ra học nào!
Giờ sinh hoạt hay hoạt động ngoài giờ lên lớp đôi khi cũng dành để chữa Toán. Cô giáo tớ hăng hái, hùng hổ phi từ góc bảng này sáng góc bảng khác, bay từ đầu lớp đến cuối lớp, miệng giảng bài không ngớt. Nhưng mà đầu tớ như cái máy tính đời cổ, chuột càng di điên loạn thì máy càng đơ. Kết quả là điểm kiểm tra Toán của tớ giống như kiểu hô bước đều: 1, 2, 1, 2…
Đã thế mỗi lần đi học về, tớ lại bị ba mẹ tra hỏi về chuyện điểm chác:
“Hôm nay đi học được mấy điểm?”
“Đã trả bài kiểm tra Toán một tiết chưa? Được mấy thế?”
Khó chịu lắm ấy, tớ đã chẳng muốn nghĩ đến mấy bài kiểm tra chết tiệt ấy nữa mà còn cứ bắt tớ phải nhắc lại.
Con được 2 thôi. Nhưng mà bài khó kinh khủng. Lớp con toàn 1 điểm. Cán sự Toán mà còn được có 5. Lần này như kiểu cô cho đề để chọn mấy đứa trên 2 điểm vào đội tuyển Toán ấy ba mẹ ạ.
Mặt ba mẹ tớ tối sầm lại. Bão sắp về, bão giật cấp 12, sắp cuốn trôi đi một bé gái tội nghiệp về nhà với cái bụng đói meo còn chưa kịp bỏ balô khỏi vai. Tớ thấy thương tớ quá. Hu hu. Và bão đổ bộ:
“À, thế ra chị sắp được vào đội tuyển Toán à? Có mà đội đầu đất, ra kia ngồi để tôi trồng cây lên đầu cho đỡ tốn diện tích. Mất bao nhiêu công ăn học, học thêm, học nếm, ngốn không biết bao nhiêu tiền. Toàn một, hai thế này thì học cái gì? Ở nhà mà đi làm kiếm tiền tự nuôi thân…”
Đầu tớ lại đơ ra. Tớ chỉ nghe văng vẳng tiếng gì vo ve bên tai chứ chả nghe được ba mẹ mắng gì. Đại ý chắc là tớ ngu kỷ lục, không ai địch nổi, rồi ba mẹ thấy xấu hổ vì sinh ra một đứa đần như tớ.
Kể từ đó, mẹ quyết định ngày ngày sẽ trực tiếp kèm cặp và kiểm tra bài vở của tớ. Quả là một sự ám ảnh không hề nhẹ. Hồi tớ học mẫu giáo nhớn, mẹ cứ dạy tớ viết được một chữ thì phải mắng tớ đến mấy câu, làm cho tớ sợ xanh mắt mèo, vừa viết tay vừa run, chữ càng nguệch ngoạc. Bây giờ cái thảm cảnh đó có nguy cơ tái diễn rồi đây.
Trước buổi học cô giáo Mẹ, tớ đã tranh thủ đọc trước bài để có gì mẹ hỏi còn biết. Thực ra thì tớ ngồi ngẫm nghĩ một lúc cũng thấy dễ hiểu ra phết, đâu có phức tạp như cô giáo giảng đâu nhể. Hiểu bài thế này thì tí mami dạy chỉ có mà khen tớ mỏi cả miệng.
Thế quái nào mà mẹ càng giảng tớ lại càng chẳng hiểu cái mô tê mù tịt gì. Mẹ nói nhiều ơi là nhiều mà đầu tớ cứ toàn tiếng ve ve, vù vù.
“À, A ở đây là cái B, mà cái B là từ cái C mà có. Quay trở lại vấn đề tìm cái A làm cái gì? Để tìm D chứ làm cái gì? È è è è…”
“À, số này ở bên đây là dương, ném qua kia là âm, nhốt vào ngoặc là dương, cộng với cái này ra âm…”
Đại loại là sau một hồi mẹ giảng bài, tớ đã quên sạch mấy thứ tớ vừa hiểu lúc tự đọc sách. Giống như kiểu tớ đang ở đích, mẹ lại ném tớ vào mê cung xong quát tháo, bắt tớ phải tìm đường ra ấy.
Đã thế thỉnh thoảng mẹ lại cứ hỏi tớ:
“Hiểu chưa?”
“Đúng không?”
“Rõ chưa?”
Mỗi lần bị hỏi tớ lại càng thêm bấn loạn, tớ cứ gật đầu loạn xạ mà vẻ mặt vô hồn, hay có thể gọi là đần đụt. Lúc mẹ để tớ tự làm bài tập, tớ giống như là bức tượng Người không suy nghĩ, đầu óc rỗng tuếch, ngồi tỏ vẻ tư duy nhưng thực ra trong đầu chẳng có cái chết gì. Tớ làm bài sai be, sai bét hết cả. Mà nói thật là bây giờ tớ chỉ cần nghe mẹ giảng bài hay mắng một câu nữa thôi là đầu tớ nổ tung luôn. Nhưng mà hình như đầu mẹ nổ tung trước tớ hay sao ấy.
“Học với hành, ngu như con bò. Giảng đến rạc cả cổ mà mặt vẫn ngơ ra. Ăn làm cái gì cho nó to chân to tay rồi não teo lại thế? Đúng là Ngu si tứ chi phát triển.”
Phụt, phụt, phừng phừng, não tớ cháy thành than mất rồi. Ức chế điên dại cả người.
“Sao mẹ lại mắng thế? bò mà biết mặc quần áo, mà biết đi học à?”
Mẹ tớ hét toáng cả lên:
“Không ngu mà có mỗi cái bài đơn giản mà giảng mãi cũng không hiểu. Ngu như con bò mà còn ngụy biện.”
Tự dưng nước mắt tớ cứ tuôn ra rào rào. Tớ bắt đầu nghi ngờ không biết tớ có phải con của ba mẹ không? Tại sao ba mẹ lại mắng nhiếc tớ tàn tệ đến mức ấy. Hay là ba mẹ không thương tớ nữa, ba mẹ căm ghét tớ. Chắc bây giờ họ chỉ mong tớ biến đi nơi khác cho khuất mắt. Tớ gào lên, nước mắt, nước mũi nhòe nhoẹt trên mặt:
“Sao lúc mới sinh ra ba mẹ không vứt luôn con đi để khỏi phải nuôi một đứa ngu thế này? Ba mẹ đi mà nuôi đứa khác giỏi giang hơn. Con ngu thì con chết cho xong.”
Mẹ tớ giận đỏ cả mặt:
“Mày càng nói càng ngu. Sai không biết nhận lỗi còn bảo thủ. Đồ đầu đất.”
Chuyên gia gỡ bom phân vân
Tớ còn nhớ như in hồi cấp hai, bọn tớ đã từng được bình luận về mấy câu tục ngữ kiểu như: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hoặc “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Nhưng chắc đấy chỉ là lý thuyết thôi ấy. Chứ tớ thấy người lớn có bao giờ chịu thực hành đâu. Như bố mẹ tớ đây này. Cứ mỗi lần tớ ôm về một con điểm kém là y như rằng nhà cửa cứ tanh bành cả lên. Mẹ hết tra hỏi tớ nguồn cơn vì sao lại thế rồi đầu óc tớ để đâu mà học hành thua bạn kém bè làm bố mẹ mất mặt với những phụ huynh khác? Hết chuyện điểm số, mẹ lại lan man sang cả những chuyện khác, nghe có vẻ rất liên quan, kiểu như: vì mải mê những thú vui vô bổ, như thức xuyên đêm để “luyện phim” hoặc suốt ngày chỉ Facebook với bè bạn nên mới học hành chớt chát. Cứ thế, “dây cà ra dây muống”, câu kết của mẹ bao giờ cũng là “Đến phải kiếm cái nỗ lẻ để chui xuống mất. Con người ta học hành đâu ra đấy, nghĩ mà mát cả mặt. Con nhà này thì bổ đầu ra cũng không nhét được chữ vào”. Đến nước này thì tớ mới là người mong có cái lỗ nẻ trước, để mà chui xuống, tránh xa volume quá cỡ của mẹ. Khổ nỗi, tình huống ấy, lần nào cũng như lần nào. Tại sao bố mẹ chúng ta lại thích mắng mỏ con cái thế nhỉ?
1. Ngòi nổ ở đâu?
Nói nặng thì ấm vào thân
Bố mẹ chúng ta nhiều khi cũng lo xa lắm cơ. Lo con mình không chí thú học hành, chỉ chăm chăm vào chuyện chơi bời, yêu đương này; lo con mình sau này tương lai mịt mờ, tăm tối này. Cộng vào đó, là sở thích “ham chơi hơn ham học” của một số teen khiến bố mẹ nóng mắt lên. Bên cạnh đó, một số phụ huynh nhà mình còn giữ một quan điểm khá cứng nhắc và bảo thủ: “Thương cho roi cho vọt/ Ghét cho ngọt cho bùi” nên kiên quyết không nói ngọt với con cái. Cũng bởi, chung một suy nghĩ, nếu nói năng ngọt ngào, mềm mại thì những đứa trẻ đang lớn sẽ nghĩ là bố mẹ dễ dãi, chẳng mấy chốc bị bọn nó qua mặt nên những lời nói của bố mẹ một mặt luôn được phát ngôn trong sự “đề cao cảnh giác”, mặt khác phải bảo đảm sự nghiêm khắc và uy lực cần thiết. Những lời quát nạt sinh ra là vì thế.
Thân lừa ưa… cử tạ
Đã bao giờ bạn bị bố mẹ sai làm một việc và bạn cứ lần lữa cho đến khi bố mẹ phải gắt lên bạn mới chịu đi làm chưa? Đấy, “thân lừa ưa… cử tạ” là như vậy đấy. Điều đó chả khác gì liều thuốc thử tính kiên nhẫn của bố mẹ, đến khi vượt khả năng chịu đựng thì bố mẹ cũng dễ dàng bùng nổ như chúng ta vậy. Trên thực tế, tình trạng để “nước đến chân mới nhảy” không phải là một điều xa lạ với teen. Có nhiều bạn, cứ gần đến kỳ thi mới hệ thống lại toàn bộ kiến thức để đi thi hoặc ngày mai kiểm tra thì tối khuya hôm nay mới lấy sách vở ra ngồi “tụng kinh”. Chứng kiến cảnh đó, chính bố mẹ cũng thấy sốt ruột vì sự đủng đỉnh và thói quen làm việc không có kế hoạch, sống hôm nay không biết đến ngày mai của teen. Dần dần, cùng với sự quan sát là cảm giác bực mình. Bực bội nên bố mẹ trút cả vào lời nói, những mong khi nghe được teen sẽ biết để thay đổi.
Bởi bố mẹ bị “xì trét”
Lời trách mắng còn được phát ra khi bố mẹ về nhà sau những giờ làm việc căng thẳng mà bạn lại trót làm những việc không vừa ý. Cuộc sống của một người lớn có rất nhiều áp lực nên khả năng cân bằng giữa công việc, gia đình và các mối quan hệ xã hội cũng có lúc suy giảm. Đâu chỉ teen mới có những lúc cảm thấy chênh vênh. Bố mẹ cũng có những khoảnh khắc không thể gọi tên được cảm xúc của mình. Những lúc ấy, chỉ cần bất kỳ một hành vi nhỏ nhặt nào của teen mà không hợp mắt bố mẹ là có thể bị ăn mắng ngay. Trong khi đó, bạn lại loăng quăng trước mặt bố mẹ và chìa cho bố mẹ cuốn sổ liên lạc với những lời phê không mấy ngọt ngào từ giáo viên chủ nhiệm thì… hãy đợi đấy, “chiếc loa rè” sẽ được mở lên, nhanh thôi.
Trẻ con, biết cái gì
Vì bố mẹ nghĩ teen là trẻ con, trẻ con chẳng biết gì cả nên nói cách nào cũng được, quát mắng kiểu gì cũng xong. Nhiệm vụ của trẻ con chỉ là học hành suôn sẻ, ngoan ngoãn, vâng lời. Còn lại, trẻ con chẳng được tham gia vào việc gì, bao gồm cả việc đánh giá cách nói năng của bố mẹ. Thái độ này còn nói lên sự coi thường con trẻ của không ít vị phụ huynh. Nghĩ rằng con mình chỉ là một đứa trẻ nên thường xuyên nói nặng vô cớ, hoặc lặp đi lặp lại những lời nói đùa, xoáy vào khuyết điểm của teen. Có ai biết rằng, mỗi teen là một cá nhân cần sự tôn trọng nhất định của bố mẹ.
2. Khi teen trúng bom
Teen vấp phải những lời la mắng của bố mẹ cứ gọi là “thua liểng xiểng”. Làm thế nào trước những câu nói, lời quát tháo đầy tổn thương của bố mẹ bây giờ? Teen đã có những phương án đối phó thế này này.
Lờ lớ lơ
Tức là, bố mẹ nói thì cứ nói còn nghe hay không là quyền của con. Hôm trước, qua nhà nhỏ bạn thân học nhóm, tớ mới thấy nó đang áp dụng triệt để phương pháp này. Chả là, buổi trưa nó hay phải ăn cơm một mình. Sợ con mình ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, mẹ nó đã chuẩn bị sẵn đồ ăn trong tủ lạnh. Việc của nó chỉ là cắm một nồi cơm cấp tốc để ăn thôi. Thế mà bữa nào nó cũng điệp khúc mì tôm trứng hoặc mì tôm xúc xích. Biết được sự thật, bà mẹ đáng kính rầy la cô con gái một hồi: “Sao con không nấu cơm tử tế mà ăn? Ăn uống đầy đủ thì tốt cho con chứ tốt cho ai mà còn lười biếng?”. Mặc kệ những gì mẹ nói, hôm sau, bạn thân tớ lại tiếp tục bản tình ca mì tôm. Thế mới biết, những lời càm ràm của bố mẹ không phải lúc nào cũng có tác dụng nếu như bố mẹ nói ra rồi để đấy, không thực hiện quyết liệt đến cùng.
Tác dụng ngược
Trái với mong muốn cho con mình tốt đẹp và hoàn hảo hơn, những lời phê bình gay gắt, những quát tháo ồn ào của bố mẹ có thể đẩy teen vào nỗi sợ hãi, tình trạng không thoải mái, mất tự tin hơn bình thường. Nói đâu xa, tớ đã từng sợ mẹ và sợ môn Hóa xanh mắt mèo. Không phải vì môn Hóa khó mà vì mẹ tớ, vốn là một cây Hóa hồi còn sinh viên đã kèm tớ như kèm kem. Chả hiểu tại sao, ở lớp, tớ học hành ngon lành mà về nhà học với mẹ, đầu óc tớ rối bời. Cứ mỗi lần mẹ nghiêm giọng “Con nghĩ kỹ đi. Bài dễ thế mà giải cũng sai. Không biết ở lớp học được cái gì?” là bao nhiêu kiến thức trong đầu tớ loạn tùng phèo. Hậu quả là tớ tính hóa trị sai lung tung, cái phương trình hóa học dễ ợt mà không cân bằng được. Vậy là lại bị ăn mắng. Lần sau ngồi học với gia sư mẹ, tớ lại càng sợ hơn, sai nhiều hơn.
Con biết rồi, khổ lắm, nói mãi
Vùng vằng, giận dỗi, gay gắt đáp trả lại bố mẹ. Đó là những biểu hiện quen thuộc nếu teen bị đè nén, áp lực bởi những lời nói nặng của bố mẹ từ ngày này sang ngày khác. Cảnh tượng thường thấy sẽ là sau khi bố mẹ nói xong, con ấm ức đáp lại, sau đó nữa cánh cửa phòng của con đóng sập trước mặt bố mẹ. Cả hai bên ai cũng giận dữ, cũng cảm thấy bị tổn thương nặng nề. Chẳng mấy chốc, giữa bố mẹ và con chỉ còn sự phẫn nộ, bực bội mỗi khi nghĩ về nhau.
Ở trọ trong nhà
Không tìm thấy sự bình yên trong ngôi nhà quen thuộc, sợ phải đối mặt với áp lực về điểm số và những lời ca thán của bố mẹ, nhiều teen đã chọn cách ở trọ trong nhà. Tức là, sống hệt như một cái bóng, lảng tránh tối đa những dò hỏi của bố mẹ, giao tiếp hời hợt, bố mẹ hỏi thì nói, không hỏi thì thôi. Cách này có thể mang lại sự yên ổn tức thời cho teen nhưng về lâu dài, nó sẽ “đóng băng” mối quan hệ giữa bố mẹ và teen. Trở nên xa lạ trong chính ngôi nhà của mình đâu phải là điều dễ chịu. Đó là chưa nói đến việc, nếu trốn tránh, giấu diếm những vấn đề về điểm số thì người lớn sẽ không biết được thực lực của teen để có biện pháp điều chỉnh phù hợp.
3. Cùng “gỡ bom”
Trả lại tên cho con
Con có tên do cha mẹ khai sinh ra chứ tuyệt đối không là tên của mấy loài động vật nên bố mẹ đừng mắng con “Ngu như bò” hoặc “Chỉ biết ăn mà không biết nghĩ, có heo nó mới thế”, bla bla bla… Bố mẹ có lẽ không biết khi bị so sánh như vậy, teen thấy buồn và thất vọng về mình vô cùng tận. Những lúc bố mẹ đã qua cơn nóng giận, bạn hãy thành thật nói về những cảm giác của mình. Nhưng hãy nhớ, vì chúng ta là con nên hãy nói nhẹ nhàng và ôn tồn thôi. Tuyệt đối tránh cái kiểu bố mẹ chưa dứt lời đã ngoạc miệng ra cãi lại: “Bố mẹ bảo con là bò, là heo thì còn sinh ra con làm gì? Con chưa từng được bố mẹ tôn trọng bao giờ hết á”. Bạn mà hành xử kiểu đó, chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa, kết quả đâu chẳng thấy, khéo hậu quả còn “thảm hại” hơn nữa kia.
Tìm ra điểm tích cực
Đôi khi, bố mẹ chúng ta nóng nảy vì không nhận ra sự tiến bộ của teen. Nếu bài kiểm tra trước bạn được “ngỗng” mà bài kiểm tra này bạn vác “gậy” về thì rõ ràng là bạn chả tiến thêm được một bước nào rồi. Hoặc, bữa trước mẹ vừa hướng dẫn bạn làm một món ngon tuyệt cú mèo, bạn gật gù chừng như đã nắm được hết công thức của mẹ; thế mà bữa này, cũng món ấy bạn nấu sai bét. Hãy giải thích với bố mẹ rằng, bạn cần thời gian để tiếp thu và khắc phục trong những lần sau. Đừng ngay lập tức cực lực lên án: “Bố mẹ có chịu hiểu con đã cố gắng như thế nào đâu. Con không phải là thần đồng mà học nhanh được như thế”. Vì bạn không là thần đồng nên những lời khuyên bảo, thậm chí là mắng mỏ của bố mẹ không bao giờ là thừa. Nhìn theo khía cạnh tích cực, khi bố mẹ còn mắng là còn mong bạn tiến bộ. Bởi thế, hãy tìm trong mỗi lời mắng một điểm tích cực và xin bố mẹ gia hạn để bạn đáp ứng được mong muốn của bố mẹ, teen nhé!
Bố mẹ ơi, hãy “hạ chuẩn”
Nếu bạn không có năng khiếu gì với mấy môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, nếu chỉ cần nhìn thấy những cái gì nhiều số là đã thấy hoa hết cả mắt (như tớ này, hi hi) thì kỳ vọng bạn trở thành một thần đồng Toán học hoặc ẵm giải Nhất, giải Nhì trong mấy kỳ thi học sinh giỏi có vẻ là “quá sức” đối với bạn rồi. Vậy mà bố mẹ bạn lại nhất quyết đòi bạn phải được như kỳ vọng của bố mẹ cơ, nếu không thì sẽ không đúng chuẩn của bố mẹ. Chà chà, tình huống có vẻ nan giải đây. Thế này thì bạn chỉ còn cách là phải nói thật với bố mẹ về khả năng của mình thôi. Nếu bố mẹ không tin thì nhờ thêm cả cô giáo phụ trách bộ môn, cô giáo chủ nhiệm nói đỡ nữa. Thành thật về những ưu điểm và hạn chế của mình sẽ giúp bố mẹ có cái nhìn chân thật về bạn hơn và tránh đưa ra những yêu cầu ngoài tầm với. Từ đó, bố mẹ không phải thất vọng về bạn nữa, đồng nghĩa với nguy cơ cáu giận sẽ giảm đi kha khá rồi đấy.
Quy ước cách diễn đạt khác
Ai cũng sẽ có lúc nóng giận, buồn bã hoặc bực tức phải không? Vấn đề chỉ là cách thể hiện ra thế nào thôi. Sẽ tuyệt hơn nhiều nếu như bạn và bố mẹ có thể quy ước về một cách diễn đạt khác, êm đềm và đỡ gây hấn hơn. Chẳng hạn, bạn đề nghị bố mẹ nói nhỏ hơn trong mỗi lần tức giận. Như vậy, chẳng ai phải xấu mặt với nhà hàng xóm. Hoặc, thay vì nói sẵng với bạn ngay sau mỗi lần phạm lỗi, bố mẹ có thể gom lại để nói hoặc góp ý vào mỗi cuối tuần, trong một lần sinh hoạt chung của cả gia đình hay để bạn tự nhìn nhận rồi viết bản kiểm điểm thì sao? Bạn cũng có thể đề xuất, bố mẹ đừng mắng bạn té tát mà chỉ cần bảo: “Tèo này, bố mẹ rất buồn/ thất vọng khi thấy con làm…” hay: “Con có hứa lần sau, con sẽ làm việc này tốt hơn không?’’ Để bố mẹ thấy rằng, trong mỗi teen vẫn còn một đứa trẻ chưa lớn hết. Vì vậy, vẫn cần người lớn quan tâm, bảo ban nhẹ nhàng. Tất cả đều phụ thuộc vào sự hợp tác giữa bạn và bố mẹ thôi.
Có khán giả thì sao?
Khơi gợi trí tưởng tượng của bố mẹ rằng, giả sử đang lúc cao trào mắng mỏ bạn mà có ông bà, họ hàng hoặc đồng nghiệp chứng kiến được thì mọi người sẽ nghĩ thế nào. Hoặc tệ hơn, khi việc mắng mỏ trở thành một thói quen, có thể ngay giữa nơi công cộng bố mẹ cũng buột miệng, lớn tiếng với bạn. Khi đó, sẽ “mất mặt” biết chừng nào. Còn gì là thể diện gia đình nữa, bố mẹ nhỉ?