Vũ Điệu Của Sự Mật Thiết
CHƯƠNG I: KIẾM TÌM SỰ MẬT THIẾT – VIỆC CỦA PHỤ NỮ?
Đang loay hoay quét dọn căn gác của mình, tôi tình cờ bắt gặp một khúc thơ mà mình viết hồi còn học năm thứ hai đại học ở Madison, Wisconsin. Bỗng bâng quơ nhớ lại cuộc tình ngắn ngủi đã khơi dậy mấy vần thơ này thuở ấy – bắt đầu là yêu đương cháy bỏng để rồi kết cuộc là một khoảng cách ngàn trùng chẳng thể nào nối nhịp, tất cả sự việc diễn ra ngay cả trước khi mình và người ấy kịp ý thức được điều gì đang diễn tiến:
Vòng tay ấy người ôm tôi, ôm siết
Mình quyện lấy nhau, lòng sát vào lòng
Chặt quá đỗi, đến thành xuyên thấu
Lưng đấu lại lưng, ta hóa lạ…
… như chưa hề quen biết bao giờ.
Cả bài thơ lẫn chất lãng mạn của cuộc tình ấy không phải là điều đáng nhớ – và chắc chắn những từ ngữ trên của tôi đã không lột tả hết được niềm đau tê tái mà mình thấm thía khi mối tình đầu tuyệt vời đổ sụp. Điều tôi được nhắc nhớ ở đây chính là sự thật về mối tương quan mật thiết – nó không phải là gì và nó là gì.
“Khởi đầu nào cũng dễ thương”, người Pháp có câu tục ngữ như thế. Nhưng sự mật thiết thì không hề có dây mơ rễ má gì với cái “thuở ban đầu lưu luyến ấy” của các mối tương quan. Chỉ khi chúng ta – hoặc do mình cần hoặc do mình muốn – duy trì một mối tương quan nào đó đủ lâu, bấy giờ khả năng biến mối tương quan ấy thành mật thiết mới thực sự được trắc nghiệm. Chỉ trong những tương quan lâu dài chúng ta mới được mời gọi lèo lái thật khéo thế cân bằng mong manh giữa tính cách riêng và khả năng hòa nhập; và cũng chỉ trong những tương quan lâu dài chúng ta mới đương đầu với thách đố phải giữ vững được cả hai, không đánh mất tính cách nào ngay cả khi hành trình lâm vào giông tố.
Mật thiết không phải là mãnh liệt, tha thiết; dù chúng ta đang ở trong một nền văn hóa có phần nhập nhằng lẫn lộn giữa hai từ ngữ này. Những cảm nghĩ tha thiết – dù tích cực đến mấy đi nữa – cũng không thể được coi như là thước đo cho thấy tình thân đích thực và bền vững. Kỳ thực, những cảm nghĩ tha thiết có thể chặn đứng không cho ta có một cái nhìn kỹ lưỡng và khách quan về điệu nhảy mà mình đang nhảy với bao người trong đời mình. Và, như mấy câu thơ của tôi muốn diễn tả, sự quấn quít mãnh liệt có thể dễ dàng lật ngược thành khoảng cách xa vời vợi – hay thành xung đột kịch liệt.
Cuối cùng, mật thiết không phải là sự thách đố chỉ giới hạn trong vấn đề đàn ông, hay hôn nhân hay trong những cuộc gặp gỡ lãng mạn – mặc dù nhiều người chúng ta có vẻ chỉ muốn gói sự “mật thiết” lại trong những hình ảnh mùi mẫn du dương đôi lứa. Một lời thề thốt ban đầu với một người đàn ông chỉ phản ảnh một cơ hội để tiến tới mật thiết ở trong một thế giới còn có rất nhiều khả năng cho ta gắn kết vào.
Dù bạn định nghĩa mật thiết như thế nào đi nữa, quyển sách này cũng được phác họa để thách đố và mở rộng sự mật thiết ấy. Nó sẽ không dạy bạn phải làm những gì để khiến chàng (hay nàng) phải ngưỡng mộ bạn. Nó cũng không nhằm cung cấp những chỉ nam cho một người đang yêu. Thậm chí bạn sẽ không thấy đề cập đến cảm xúc thân mật theo nghĩa thông thường và trực tiếp của từ này. Và chắc chắn nó không nhằm làm thay đổi người kia – một điều vốn không thể được. Thay vào đó, nó muốn giúp bạn thực hiện những thay đổi trường kỳ và đầy trách nhiệm – qua đó bạn được tăng cường khả năng vun trồng mối thân mật đích thực trên suốt hành trình tương quan đầy thách đố.
Định nghĩa vài hạn từ
Chúng ta cần nêu một định nghĩa làm-việc-được cho hạn từ mối tương quan mật thiết. Và thử tìm xem mối tương quan ấy đòi ta những gì.
Trước hết, mật thiết có nghĩa rằng ta có thể là ta khi ở trong một mối tương quan, và đồng thời ta cho phép người kia có thể là chính họ. Để “mình được là mình”, ta phải có khả năng bộc bạch được những điều mình cho là thiết yếu, có thể xác lập quan điểm rõ ràng về những vấn đề nhạy cảm và quan trọng, và có thể minh định rõ giới hạn của những gì mình có thể chấp nhận hay có thể chịu đựng được – trong một mối tương quan. “Cho phép người kia có thể là chính họ” nghĩa là chúng ta có thể vẫn quan hệ với người kia một cách nồng nàn trong khi họ vẫn suy nghĩ, cảm xúc và tin tưởng một cách không giống với ta – song ta không cần phải thay đổi, thuyết phục hay uốn nắn họ.
Tương quan mật thiết là một mối tương quan trong đó không có bên nào phải trấn áp, thí bỏ hay phản bội chính mình và mỗi bên đều có thể biểu lộ mặt mạnh và mặt yếu, sở đoản và sở trường của mình ra một cách quân bình.
Đã hẳn là còn có nhiều yếu tố nữa liên quan đến công việc điều hợp tính cách riêng (cái “tôi”) và khả năng hòa nhập (cái “chúng ta”), song tôi không muốn trình bày chỉ bằng lý thuyết khô khan. Với tất cả tính phức tạp của nó, vấn đề sẽ được liên hội vào đời sống trong những chương sau, khi chúng ta khảo sát các bước quặt trong cuộc đời của những phụ nữ đã can đảm thay đổi bước nhảy của mình trong những điệu nhảy tương quan vốn eo sèo và khổ sở. Trong mỗi trưỡng hợp như vậy, các thay đổi đều được thực hiện trong chiều hướng định nghĩa một cái “tôi” vừa toàn vẹn vừa cá biệt hơn. Mỗi trường hợp ấy cũng cung ứng nền móng cho một cái “chúng ta” ý vị và mật thiết hơn. Và không hề có trường hợp nào mà sự thay đổi được thấy là dễ dàng và dễ chịu.
Trong các chương theo sau, chúng ta sẽ tiến tới một định nghĩa mới và phức hợp hơn về sự mật thiết, đồng thời sẽ triển khai những hướng dẫn thay đổi đặt nền trên một lý thuyết vững chắc về những cách thế làm cho các mối tương quan xuôi chèo mát mái cũng như về các nguyên nhân làm cho chúng lâm vào phiền lụy. Những hành động thay đổi đầy can đảm mà chúng ta sẽ xem xét một cách chi tiết ấy chính là “những khác biệt làm nên một khác biệt” – những chuyển dịch đặc biệt mà ta có thể tạo ra với những con người trong đời ta sẽ tác động thật sâu xa đến cảm thức của ta về bản ngã và đến cách thức mà ta gìn giữ mối thân tình với người khác. Mục tiêu của chúng ta là đạt được những mối tương quan với cả đàn ông cũng như phụ nữ mà sự vận hành của các tương quan ấy không bắt ta phải thí bỏ bản ngã mình, đồng thời ta nhằm đạt được một bản ngã mà sự vận hành của nó không đòi hỏi phải thí bỏ bản ngã của người kia. Đây quả là một đòi hỏi cam go – hay nói chính xác hơn, một thách đố theo suốt cả đời người. Nhưng tất cả cốt lõi và linh hồn của sự mật thiết là ở đó.
“Xin khách hàng lưu ý!”
Tôi tưởng phụ nữ chúng ta cần biết hồ nghi đúng mức khi đọc tất cả những cuốn sách chỉ dẫn rèn luyện bản thân, kể cả quyển sách này. Người ta luôn luôn dạy chúng ta thay đổi chính mình – để trở thành người tình, người vợ, người mẹ tốt hơn, để quyến rũ hơn đối với đàn ông hoặc để bớt cần họ hơn, để cân bằng hợp lý hơn giữa công việc và gia đình, hoặc để làm sao trút bỏ được mươi kí-lô thể trọng quá cân. Đã có quá nhiều sách viết riêng cho người phụ nữ yêu nhiều quá, hay yêu ít quá, hoặc yêu không đúng cách, hoặc những chị em đang sống với người bạn đời mà mình đã lỡ chọn lựa một cách mù quáng. Chắc rằng chúng ta không cần thêm một quyển nữa thuộc các loại trên. Tuy nhiên, có điều cũng thật rõ ràng, đó là chúng ta cần phải trở nên tác nhân hữu hiệu đem lại thay đổi cho các mối tương quan thiết yếu của mình.
Trước tiên có lẽ nên dành thì giờ để suy ngẫm tại sao một công việc chuyên biệt của phụ nữ là bận tâm tới các mối tương quan – chuyên biệt như việc thay tã lót cho em bé vậy. Quan tâm tới các mối tương quan, xử lý chúng, trau giồi các khiếu năng ứng xử của mình – đó là những chuyện thuộc địa hạt truyền thống của phụ nữ. Khi một trục trặc nào đó xảy ra, chị em chúng ta thường là người đầu tiên bày tỏ phản ứng, đau khổ, tìm sự cứu giúp, và gắng tìm ra cách để điều chỉnh. Nói vậy không có nghĩa là phụ nữ cần các mối tương quan nhiều hơn nam giới. Thật ra, trái ngược với điều thêu dệt và tin tưởng của nhiều người, kết quả nghiên cứu cho biết rằng phụ nữ sống một mình tốt hơn nam giới – và trong hôn nhân phụ nữ không hưởng được nhiều điều lợi bằng phía đàn ông. Thế nhưng hơi kỳ quặc là đàn ông thường có vẻ không quan tâm đến việc cải thiện hay sửa đổi một mối tương quan khi mà họ đã đạt được mối tương quan ấy rồi. Đàn ông hiếm khi nuôi hoài bão cải thiện khiếu năng ứng xử với người nhà, trừ phi điều đó giúp họ tiến thân – hoặc được truy nhận – trong lãnh vực nghề nghiệp.
Trước thực tế ấy, chúng ta có thể tự nêu cho mình một vài vấn nạn. Tại sao phụ nữ lo lắng đến việc rèn luyện khiếu năng giao tế của mình đến thế, đặc biệt trong tương quan với nam giới? Tại sao cánh đàn ông thì lại xem ra không có mấy quan tâm? Để hiểu được các nguồn căn của sự khác biệt này, chúng ta hãy xem lại tình yêu lứa đôi và hôn nhân theo truyền thống, vì chính ở đây hiện lộ nhiều nhất tính cách không cân bằng trong chuyện tương quan như vừa nói trên.
Đàn bà là chuyên gia
Tôi lớn lên vào một thời mà đối với đàn bà con gái, khiếu năng giao tế là cái có tầm quyết định sống còn. Qui định của cuộc chơi thật rất rõ ràng và đơn giản: Nam giới lo bươn chải kiếm tiền, còn nữ giới thì lo bươn chải kiếm nam giới. Việc của đàn ông là khẳng định cho mình một chỗ đứng trong cuộc sống; còn việc của phụ nữ là kiếm ra cho mình một người đàn ông thành công. Ngay cả khi đã phác họa viễn cảnh sự nghiệp cho mình, tôi vẫn cảm thấy đó là sự khác biệt truyền kiếp và cơ bản nhất giữa nam và nữ. Đàn ông phải trở thành một ai đó, và phụ nữ phải tìm ra một ai đó. “Tìm ra một ai đó” đã là một việc được thấy chẳng dễ dàng gì, chưa nói đến chuyện “giữ” cho được cái “một ai đó” mà mình đã tìm ra. Chị em bạn bè chúng tôi hồi đó ở đại học khi thảo luận với nhau về nam giới đã tỏ ra sôi động hăng hái hơn nhiều so với khi thảo luận về bài vở nhà trường.
Ngày nay, phụ nữ không còn bị định nghĩa duy chỉ qua liên hệ với nam giới và trẻ em nữa, tuy nhiên chúng ta vẫn cứ còn là những chuyên gia cần mẫn về các mối tương quan. Mặc dù sự quan tâm và khả năng điều hợp của phụ nữ đối với những phiền nhiễu trong các tương giao có thể được giải thích bằng một khía cạnh sinh học nào đó, song mớ khôn ngoan ấy của chúng ta không hề được ban cho thông qua món quà kỳ bí gọi là “trực giác của phái nữ” do nhiễm sắc thể X mang lại. Đúng hơn, trong những mối tương quan giữa các nhóm trọng yếu và các nhóm phụ thuộc, thành viên của nhóm phụ thuộc bao giờ cũng nắm hiểu nhiều hơn về thành viên của nhóm trọng yếu và về văn hóa của nhóm ấy – chứ không ngược lại. Người da đen, chẳng hạn, hiểu biết rất nhiều về các qui chế và vai trò của văn hóa và các mối tương quan da trắng. Người da trắng không có được cùng một sự nhạy cảm và một kiến thức như thế về người da đen.
Trong khi, một đàng, phụ nữ đã thủ đắc được những khiếu năng giao tế để “câu”, để “đánh bẫy”, hay để “tóm” được một tấm chồng có thể hứa hẹn cho mình sự yên ổn về kinh tế và tình trạng xã hội – thì đàng khác, vị trí của nữ giới hiện nay cũng được thấy là không có sự thay đổi triệt để như vậy. Rất nhiều sự thành công của chị em chúng ta vẫn còn tùy thuộc vào khả năng thích ứng của mình đối với “văn hóa nam giới”, tùy thuộc vào khả năng làm mát lòng nam giới, và tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng vận dụng những giá trị của phái nam cho các cơ chế của nữ giới chúng ta. Chẳng hạn trong nghề nghiệp của bản thân tôi, những khiếu năng mà tôi có được và ý chí muốn sử dụng chúng đều có liên quan tới vấn đề bài vở của mình có được các báo chuyên ngành chấp nhận hay không, mình có ngoi lên được trong môi trường làm việc của mình hay không, và các dự án của mình có được nhìn nhận là có chút quan trọng nào và có ý nghĩa gì không. Trước khi phong trào nữ quyền dấy lên gần đây, phụ nữ hoàn toàn phụ thuộc vào nam giới trong việc hợp thức hóa và phổ biến các ý kiến của mình và trong việc xác định cái gì là quan trọng. Cho dù chị em chúng ta làm việc ở nhà, trong khu trù mật ổ chuột, hay là làm việc ở chóp bu guồng máy hành chánh – thì chúng ta cũng không thể dễ dàng tỏ thái độ bất cần nam giới hay phớt lờ không thèm biết đến đặc điểm tâm lý của họ. Ngay cả thời nay, một phụ nữ mất chồng thì thường là mất cả địa vị xã hội và mất luôn mức sống của mình (và của con cái mình).
Và cuối cùng, xã hội chúng ta vẫn không nhìn nhận giá trị bình đẳng cho những chị em thiếu một đấng trượng phu để nấp bóng, bất chấp sự kiện rằng một người đàn ông tốt thật đâu phải là cái gì dễ kiếm ra – vấn đề càng khó khăn hơn khi chị em chúng ta thêm luống tuổi và già dặn hơn. Thấm cảm bài học “có còn hơn không” (nghĩa là có một ông dù xoàng xoàng vẫn tốt hơn là không có ông nào), chị em chúng ta nhiều khi chấp nhận hi sinh các tiêu chuẩn của mình nhiều hơn mức mà mình có thể chịu đựng được về sau. Rồi chúng ta dồn năng lực vào việc cố thay đổi anh ta, một điều có thể ví như dã tràng xe cát. Loay hoay cố thay đổi kẻ khác thì có khác gì chuyện đuổi theo một con sóc để bắt bồ với nó đâu.
Nói rằng khuynh hướng quan tâm đến các mối tương quan của chúng ta một phần phát xuất từ tình trạng phụ thuộc của người phụ nữ – thì điều đó cũng không hàm ý rằng các cảm nghĩ của chúng ta sai lạc hay quá trớn. Trái lại, việc trân trọng sự mật thiết và tình gắn bó là một điểm son chứ không phải là một của nợ. Thật vậy, quan tâm đến các mối tương quan là đặc điểm quí báu đáng tự hào và là thế mạnh của người phụ nữ. Thế nhưng, sẽ có vấn đề nếu như chúng ta lẫn lộn sự mật thiết với việc tranh thủ sự nhìn nhận, nếu như chúng ta xem các mối tương quan mật thiết như là nguồn duy nhất để tự đánh giá mình, và nếu như chúng ta đành chấp nhận thí bỏ bản ngã để mưu cầu các mối tương quan. Như xưa nay vẫn thấy, phụ nữ cứ lo học cách hi sinh cái “tôi” để lấy cái “chúng ta”, trong khi đó phía đàn ông thì được khích lệ làm ngược lại: họ chọn quay lưng lại với các mối quan hệ đầy trách nhiệm với người khác để củng cố cái “tôi” của họ.
Sự thiếu quan tâm của nam giới
Người đàn ông thường chẳng mấy am hiểu vấn đề thay đổi các mối quan hệ mật thiết của họ, vì họ đâu cảm thấy nhu cầu đó. Phụ nữ lại tỏ ra đòi hỏi quá ít trong các mối quan hệ với nam giới – từ vấn đề trách nhiệm dưỡng nuôi tình cảm cho đến chuyện ai sẽ dọn dẹp nhà bếp. Chúng ta thường dễ hài lòng với sự thay đổi nhỏ nhoi nơi người yêu hay chồng mình và dễ chịu đựng những cung cách ứng xử và những lối sắp xếp sinh hoạt của anh ta; có điều là nếu cũng những cung cách và những lối sắp xếp ấy mà được thấy nơi một chị bạn thân thì chắc chắn ta sẽ không thể nào chấp nhận được. Cũng vậy, trong vấn đề giao tế và trong những liên hệ có trách nhiệm, các bậc cha mẹ có vẻ đòi hỏi nơi con trai ít hơn nơi con gái ( – “con trai thì vậy đó mà!”), trong khi con cái thì tập đòi hỏi nơi cha ít hơn nơi mẹ. Bao lâu phụ nữ chúng ta chưa có thể kỳ vọng nhiều hơn từ phía nam giới để ở lại với họ hay để tiếp tục công việc với họ, thì bấy lâu người đàn ông dường như vẫn không cảm thấy cần phải thay đổi hay ngay cả lưu tâm.
Trong hôn nhân, khoảng cách biệt giữa đàn ông và đàn bà trong khả năng điều hợp các mối tương quan thường giãn rộng ra đáng kể theo với thời gian. Anh chồng không cần chú ý rằng đôi giày của cu tí đã bị rách, thậm chí anh không cần nhớ rằng ngày sinh nhật của mẹ mình đang đến gần, nếu những chuyện ấy đã có bà xã anh lo. Anh cũng không cần để lòng nhiều đến việc tiếp đón bố mẹ anh sắp ghé thăm – vì vợ anh đã bố trí sẵn sẽ làm những gì để ông bà cụ được vui và được thoải mái, cả đến những chuyện chi li như bảo đảm có giấy vệ sinh trong toa-lét. Tóm một lời, bao lâu phụ nữ còn quán xuyến thay cho đàn ông thì bấy lâu đàn ông không cần phải thay đổi gì.
Đàn ông thường cảm thấy lúng túng không biết phải làm sao để vận hành những mối quan hệ thân tình, mặc dù sự bối rối của họ có thể được che đậy bằng thái độ làm như dửng dưng hay lãnh đạm. Nhiều người đàn ông đã lớn lên trong những gia đình mà người cha quá xa vắng về tình cảm hoặc về thể lý, còn người mẹ luôn có mặt bên họ thì có quá nhiều nữ tính mà họ – trong tư cách là đàn ông con trai – đã được dạy cho biết phải tẩy chay triệt để. Não trạng cũ ấy về gia đình khó mà cung cấp được một cảnh vực đào tạo tốt để phát triển một bản ngã đàn ông rõ rệt trong giao cảm với người khác. Gặp chuyện trục trặc, đàn ông có khuynh hướng rời bỏ đối tượng (hoặc kiếm một đối tượng khác) hơn là kiên thủ và phấn đấu sửa đổi.
Cuối cùng – và có lẽ là điều có ý nghĩa nhất – nam giới không được tưởng thưởng nếu đầu tư tâm lực vào các mối quan hệ con người, tức một địa hạt thuộc tâm cảm. Trong xã hội chuộng năng suất của chúng ta, không có sự biểu dương nào dành cho những người đàn ông dành ưu tiên cho các mối ràng buộc riêng tư hơn là lo bán thêm một sản phẩm, tiếp thêm một khách hàng, hay xuất bản thêm một tờ báo. Trong nghề nghiệp của tôi có câu chuyện khôi hài khá phổ biến kể về cậu con trai của một bác sĩ phân tâm – khi được hỏi: “lớn lên cháu thích làm gì?”, cậu bé trả lời: “cháu thích làm bệnh nhân, vì như vậy cháu sẽ gặp được bố cháu năm lần một tuần!”. Loại chuyện hài hước như thế được những đàn ông hết lòng dấn thân cho công việc kể ra với vẻ hoàn toàn đắc chí, chứ không phải đượm nỗi day dứt đâu. Bạn xem đi, tên tuổi và vinh quang đâu có đến với những người đàn ông biết gắng gìn giữ cho đời sống mình được quân bình và những người không chịu phớt lơ các mối tương quan thiết yếu của họ. Những người ấy chỉ nhận được sự tưởng thưởng trong vòng rất riêng tư thôi.
Tôi rin rằng, đối với cả phụ nữ lẫn nam giới, điều cần học hỏi nhất chính là học nhận hiểu và bồi bổ những mối tương quan mật thiết với bạn hữu, người yêu và thân quyến của mình. Dù nhằm trao đổi trực tiếp với chị em phụ nữ, tôi vẫn cho rằng đề tài này cũng liên quan tới nam giới không kém – và do đó cả nam giới nữa cũng được mời gọi đọc tập sách này. Tất cả chúng ta đều lớn lên được là nhờ ở các mối giao cảm với người khác – và chúng ta không ngừng cần đến những mối tương quan thân thiết trong suốt cuộc đời mình. Chỉ nhờ tương giao với người khác mà ta mới thực sự hiểu biết và bồi bổ bản ngã của ta. Cũng vậy, chỉ nhờ biết điều hợp bản ngã mình mà ta mới có thể bắt đầu thăng tiến các mối tương giao với người khác.
Khi tách mình ra khỏi các quan hệ thiết yếu hoặc khi thử tỏ ra bất cần đến người ta, chúng ta lập tức gặp rắc rối. Tương tự như thế, chúng ta sẽ gặp rắc rối khi một mối tương quan có dấu hiệu diễn tiến xấu đi mà ta phớt lờ hoặc không dành một chút cố gắng nào để tìm cách điều chỉnh. May thay, không bao giờ là quá trễ để người ta học cách đổi mới các mối tương quan thiết yếu của mình. Trong nhất thời, những thay đổi mà ta tạo ra – và các phản ứng đầu tiên mà ta mường tượng – có thể làm ta cảm thấy kinh sợ, dao động, bức xúc, và rất đơn côi…, song cuộc sống vốn vậy: đó chỉ là chuyện “vạn sự khởi đầu nan” thôi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.