Vũ Điệu Của Sự Mật Thiết

CHƯƠNG IV: VƯƠNG VÀO LO LẮNG: GỌI TÊN VẤN ĐỀ



“Lo âu là nỗi chán nhất đời!”, tôi có lần than thở như thế với một chị bạn thân. Số là lúc ấy tôi đang có chuyện nặng trĩu trong lòng. Chị bạn đã dí dỏm góp ý với tôi rằng người ta không ai chết vì mấy thứ lo âu – và rằng lo âu nào rồi cũng sẽ trôi qua. Đó không phải là một lời nhắc nhở xoàng. Lo âu có thể làm bạn dao động, mất ngủ, bạn cảm thấy chóng mặt hay buồn nôn. Nó có thể khiến bạn nghĩ rằng mình đang mất trí nhớ, thậm chí mất trí khôn. Nhưng lo âu ít khi giết chết ai. Và cuối cùng sóng sẽ yên, gió sẽ lặng.

Song dĩ nhiên câu chuyện không chỉ đơn giản thế. Những gì chúng ta làm để tránh bị lo âu – và những cách phản ứng thông thường của ta đối với nỗi lo – đều có thể làm cho các mối tương quan, và cả bản ngã của mình, bị kẹt trong thế khó chịu. Những phản ứng theo cảm tính và xem chừng phù hợp trong nhất thời có thể sinh ra hệ lụy ghê gớm về sau – thậm chí hệ lụy ấy có thể còn truyền sang nhiều thế hệ.

Ảnh hưởng đầu tiên của lo âu trong một mối tương quan bao giờ cũng là sự gia tăng phản ứng nông nổi. Nghĩa là người ta phản ứng hoàn toàn tự động, không cân nhắc. Khi ta phản ứng nông nổi, ta bị cảm xúc của mình điều khiển, ta không có khả năng suy nghĩ để chọn cách thế bày tỏ cảm xúc của mình. Thật vậy, ta không thể suy nghĩ một cách đủ khách quan về bản ngã hoặc về các mối tương quan của mình. Ta thành tâm muốn các vấn đề lắng xuống và muốn có sự mật thiết nhiều hơn, song ta lại cứ tiếp tục hành động bộc trực – và điều này chỉ làm cho vấn đề càng trở thành vấn đề hơn.

Khi các mối tương quan chủ yếu gặp căng thẳng, chúng ta phản ứng kiểu này hoặc kiểu khác – theo đuổi, phớt lờ, giằng co, lấy một đứa trẻ làm mục tiêu chú ý, hành xử thái quá, hành xử bất cập – dù kiểu nào đi nữa, phản ứng của ta cũng sẽ mãnh liệt hơn, nếu ta đang ở trong trạng thái rối loạn về cảm xúc. Điều này không lạ. Chỉ có điều quan trọng là: Rồi sự việc sẽ đến đâu? Phản ứng nông nổi của mình sẽ dẫn đến cái gì?

Trong một số trường hợp, ta có thể biết kìm chế một chút, bớt phản ứng nông nổi đối với người kia, và làm một cái gì đó nhằm giải quyết vấn đề. Ta có thể bắt đầu nhận hiểu lối dàn xếp của riêng mình, khảo sát sự tương tác giữa phong cách ấy và phong cách của người kia, và điều chỉnh phần mình trong nố bế tắc vốn đang gây trở ngại cho sự mật thiết. Tuy nhiên, đôi khi ta không thể hạ sự nông nổi của mình xuống duy chỉ bằng ý chí. Thay vào đó ta cần phải nhận hiểu đâu là đầu mối phiền não vốn đang làm mình lồng lộn lên. Rất thường xuyên, phản ứng nông nổi của ta trong một mối tương quan lại là hệ quả của một vấn đề khó khăn thuộc một nguồn gốc khác. Sau đây ta thử xem xét quá trình này có thể diễn tiến như thế nào.

Nỗi phiền và vòng rượt đuổi

Cách đây vài năm, chị tôi chia sẻ với tôi rằng chị đang trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn với người bạn đường của chị là David. Mặc dù Susan – chị tôi – cảm thấy mình hoàn toàn sẵn sàng dấn mình vào mối tương quan ấy, song David bảo với chị rằng anh cần có thêm thời gian để cân nhắc thu xếp các vấn đề riêng của mình trước khi có thể đi đến quyết định sống chung. Đây là một tình huống khó, bởi vì Susan và David sống ở hai thành phố khác nhau, và cứ phải lặn lội đường xa để gặp nhau mỗi cuối tuần. Tuy nhiên, việc phải lặn lội đường xa để gặp nhau cuối tuần như vậy – và cả tình trạng lưỡng lự chưa quyết định của David nữa – đều không phải là cái gì mới mẻ, bởi sự việc vốn vẫn thế lâu nay rồi.

Chỉ có một điều mới, đó là bỗng dưng chị tôi cảm thấy rất bất an, và do đó chị gây sức ép bắt David phải làm một quyết định mà anh chưa sẵn sàng để làm. Vì chị tôi đã từng nếm trải kinh nghiệm theo đuổi những người đàn ông thuộc loại lảng tránh trong tương quan tình cảm – nên chị có thể coi phản ứng trên của mình như một cảnh báo quyết liệt. Tuy vậy, chị đã không thể giảm sự bộc trực của mình xuống và     ngừng rượt đuổi David. Lúc gọi điện cho tôi, chị đang trong tình trạng hoang mang cực độ.

Khi suy nghĩ về trường hợp của chị tôi, một điều làm tôi đặc biệt chú ý đó là thời điểm bộc phát vấn đề. Nỗi hoang mang của Susan và phản ứng nóng nảy của chị đối với David đã bùng lên sau chuyến đi của hai chị em về thăm bố mẹ và cậu Si ở Phoenix – cậu Si đang từng ngày tiến gần đến cái chết vì căn bệnh ung thư phổi đang hồi giai đoạn cuối. Chúng tôi bị sốc bởi bệnh trạng của cậu Si – cậu to, cao, lực lưỡng và tràn trề sinh lực như thế kia, ai cũng nghĩ rằng cậu sẽ sống lâu hơn hết mọi người. Chuyến viếng thăm cậu cũng nhắc chúng tôi nhớ đến những người đã khuất, những người sắp sửa ra đi, nhớ đến những vấn đề sức khỏe gần đây của mình và tình trạng gia đình ngày càng trống vắng đìu hiu. Nỗi ám ảnh nhất và rõ nhất trong số những lo sợ nói trên, đối với chị em tôi, chính là kết luận chẩn đoán trước đó về cha tôi rằng ông bị suy nhược não ác tính. Nhưng rồi cha tôi đã làm mọi người phải ngạc nhiên khi ông chứng tỏ có sự hồi phục đáng kể; và sự chẩn đoán ghê gớm nói trên đã được thay thế bằng một chẩn đoán khác lạc quan hơn nhiều.

Trong cuộc điện đàm với Susan, tôi đã hỏi chị phải chăng có một mối liên hệ giữa nỗi hoang mang của chị về David và tất cả những cảm xúc đã dậy lên nơi chúng tôi trong chuyến về Phoenix vừa qua. Một đàng, câu hỏi ấy rất thú vị đối với chị – nhưng đàng khác, chị thấy vấn đề đặt như thế có vẻ hơi mông lung trừu tượng, vì thực tế là chị không trực giác được mối liên hệ nào rõ nét cả. Thực vậy, không phải là chuyện dễ dàng đối với bất cứ ai, việc nhận ra rằng các biến cố trong gia đình cha mẹ mình – và cách mình phản ứng đối với các biến cố ấy – có một ảnh hưởng rất sâu sắc trên những quan hệ tình cảm của mình trong hiện tại (và cả tương lai nữa).

Ít lâu sau, Susan đi nghỉ hè ở Topeka và chị quyết định dành thời gian ấy để tham vấn một bác sĩ tâm lý trị liệu chuyên về các vấn đề gia đình. Kết quả là chị bắt đầu nhìn nhận đầy đủ hơn về mối liên hệ giữa các sự cố về sức khỏe mới đây trong  gia đình chúng tôi với nỗi hoang mang lo lắng của chị trong quan hệ với David. Và chỉ cần suy nghĩ về mối liên hệ ấy thôi, chị Susan đã có thể giảm bớt trăn trở về David và có được phản ứng điềm tĩnh và khách quan hơn đối với tình huống hiện tại của      mình.

Đó cũng là dịp bắt chị Susan phải suy nghĩ về mối tương quan theo dạng trốn tìm mà chị đang ở trong cuộc. Cơ hồ như một trăm phần trăm nỗi băn khoăn và sự bất quyết về việc sống chung là ở David. Cơ hồ như Susan đang ở tình trạng một trăm phần trăm sẵn sàng đi vào cuộc sống chung – như lời chị nói: “Chỉ còn lo một điều là nên trang trí căn hộ như thế nào thôi”. Những đối cực như vậy rất thường xảy ra – (chị Susan tiêu biểu cho thái độ nồng nhiệt gắn bó, David tiêu biểu cho thái độ dửng dưng xa cách) – song phải nhận rằng những đối cực ấy bóp méo cảm nhận của chúng ta về mình và về người khác, và giữ chúng ta trong thế bất ổn.

Cuối cùng, Susan đối diện với sự thực rằng chị đang dồn quá nhiều năng lực vào mối tương quan với David đến nỗi chị bỏ bê không quan tâm đến công việc và sự nghiệp mình cả trước mắt lẫn lâu dài. Một đàng, chị có lý do để đổ dồn chú ý đến mối quan hệ ấy bởi vì sự thành công trong mối quan hệ ấy là điều quan trọng nhất đối với chị. Đàng khác, việc tập trung quan tâm đến một mối tương quan đến độ không thiết đến chính đời sống và sự nghiệp của mình lại làm cho mối tương quan ấy bị quá tải. Cách thế đúng đắn nhất mà Susan có thể dùng để xử lý vấn đề trong quan hệ với David là điều hợp  lại chính bản ngã của chị. Công việc xét lại mình này là một giải pháp thực tiễn thích dụng cho tất cả chúng ta.

Phác họa một kế hoạch

Xem xét và nhận hiểu là những việc rất cần thiết nhưng không đủ để giải quyết một vấn đề. Thách đố kế tiếp đối với Susan là phải chuyển nhận thức thành hành động. Susan có thể làm điều gì mới mẻ khi chị trở về nhà sau chuyến đi nghỉ ấy – để làm lắng nỗi âu lo của chị xuống và để đạt được một mối tương quan quân bình và êm ả hơn với David? Lúc rời Topeka, chị đã vạch sẵn một kế hoạch. Bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy hoang mang bất ổn, sẽ thật hữu ích nếu có được một kế hoạch rõ ràng – một kế hoạch không phải dựa trên phản ứng nông nổi và trên nhu cầu phải làm một cái gì đó (bất cứ cái gì!), nhưng là dựa trên ý thức phản tỉnh và sự nhận hiểu thấu đáo vấn đề của mình.

Phá vỡ vòng rượt đuổi

Chị tôi – Susan – đã làm gì khi chị trở về nhà sau chuyến nghỉ hè đó? Trước hết, chị chia sẻ với David rằng chị đã suy nghĩ về mối quan hệ giữa hai người trong suốt thời gian hai người không có mặt bên nhau vừa qua – và chị cho anh ấy biết rằng chị đã nhận hiểu được phần nào về lối ứng xử của mình. Chị nói với David: “Em đã hiểu ra rằng việc em quay quắt  muốn sống chung chẳng có mấy liên quan đến anh và đến mối quan hệ giữa chúng ta – vì thực ra nó liên quan nhiều hơn đến nỗi âu lo của em về một số chuyện khác”. Rồi chị bộc bạch cho David rõ những chuyện khác ấy là gì – đó là những vấn đề đau ốm bệnh hoạn và chết chóc của những người trong gia đình chúng tôi. David cảm thông với chị, và anh ấy khuây khỏa thấy rõ.

Susan cũng cho David biết rằng có lẽ chị sẽ chấp nhận thái độ lưỡng lự bất quyết của anh đối với cả hai người – một điều xem ra không mấy công bằng. Chị phân giải rằng chính kinh nghiệm của chị trong các mối quan hệ trước đây đã giải thích vì sao chị nóng lòng đi vào hôn nhân, song chị sẽ tự trấn áp nỗi nóng lòng ấy bằng cách tập trung quan tâm đến các vướng mắc của anh và nguyện vọng của anh được trì hoãn việc đưa ra quyết định.

Đây là cuộc đối thoại hết sức gai góc đối với Susan, vì khi chúng ta đang rơi vào thế đối cực kẻ trốn người tìm, thì người tìm sẽ xác tín rằng tất cả những gì mình muốn là gần gũi thêm hơn – và kẻ trốn sẽ xác tín rằng mình chỉ muốn rời xa hơn. Đôi khi chỉ sau khi cái vòng săn đuổi này bị phá vỡ, mỗi bên mới có thể bắt đầu cảm nghiệm  được cả ước muốn tách ra lẫn ước muốn kết hợp mà tất cả chúng ta đều phải đương đầu với.

Sau hết, Susan nói với David rằng bấy lâu nay chị đã không đoái hoài quan tâm đến các dự phóng nghề nghiệp riêng của bản thân mình – và giờ đây chị cần dành nhiều thời giờ và lưu tâm hơn cho các dự phóng ấy. Chị nói: “Tuần này em sẽ không đi chơi cuối tuần nữa. Em sẽ ở nhà để làm vài công việc”. Đã lâu lắm rồi, đây là lần đầu tiên Susan ăn nói theo chiều hướng giãn ra hơn thay vì sấn vào, và chị đã nói lên điều ấy không phải vì giận hờn, nông nổi nhưng là nói với sự điềm tĩnh của một người đang ý thức hơn về bản ngã của mình. Thật vậy, khi Susan bắt đầu chú ý hơn đến công việc nghề nghiệp của chị, chị cũng bắt đầu day dứt vì mình đã quá hờ hững với nó trong thời gian qua.

Những thay đổi mà Susan thực hiện được đã tỏ ra có kiến hiệu trong việc phá vỡ tình trạng quan hệ trốn – tìm vốn đã làm chị phải nhiều khổ sở. Nếu chúng ta là người săn đuổi, chúng ta sẽ thấy rằng thật hết sức khó khăn việc triển khai và duy trì những chuyển biến như thế một cách điềm nhiên, bình tĩnh. Thường thì người rượt đuổi là người phản ứng nông nổi khi gặp sự phiền não. Trong trường hợp đó, ban đầu chúng  ta sẽ cảm thấy mình càng bấn loạn hơn trong khi cố gắng kiểm soát chính nỗi bấn  loạn.

Vậy thì, để có thể thay đổi được như vậy, ta sẽ lấy nguồn động lực và can đảm từ đâu? Như một đồng nghiệp của tôi đã chỉ ra, chính trong niềm xác tín rằng cốt cách cũ của mình hoàn toàn vô kiến hiệu mà ta nhận được nguồn động lực và lòng can đảm để đổi thay.

truy tìm nguồn gốc

Trước khi Susan rời Topeka, chị cũng có nghĩ đến một phương án nữa nhằm mục đích làm lắng dịu mọi căng thẳng với David. Bất cứ khi nào chị cảm thấy bất an trong quan hệ ấy và cảm thấy mình có chiều hướng muốn quay trở lại với sách lược đeo đuổi, chị sẽ tự trấn tĩnh để ngồi xuống viết một lá thư cho bố, hoặc phôn một cú về nhà. Điều này ban đầu nghe có vẻ hơi khó, song hiệu quả của nó thật đáng kể. Nếu Susan xử lý nỗi khó của chị đối với các vấn đề của gia đình bằng cách lảng tránh, thì có thể chị tìm được khuây khỏa một mức nào đó đối với các vấn đề ấy – song trong mối quan hệ với David ắt hẳn là chị sẽ càng lún vào căng thẳng nhiều hơn. Ngược lại, nếu chị có đủ bản lĩnh để đối diện với nguồn gốc thực của nỗi bấn loạn của mình thay vì tránh né nó, thì rất có thể chị phải ưu phiền nhiều hơn – chẳng hạn – về tình hình sức khỏe tệ hại của bố mẹ chúng tôi, song mối âu lo của chị trong quan hệ với David sẽ không đè nặng đến như vậy. Quả vậy, một khi chúng ta biết duy trì dây liên đới với những người trong gia đình mình và biết tích cực xử lý những khó khăn tâm cảm chủ yếu tại chính nguồn của chúng, chúng ta sẽ có thêm khả năng để đạt được những tương quan mật thiết và bền vững hơn cả trong trước mắt lẫn về lâu về dài.

Dĩ nhiên, việc duy trì liên đới với các thành viên khác trong gia đình và việc xử lý những mối tương quan này là một thách đố đòi ta phải dành thời giờ và nỗ lực đáng kể. Thật vậy, công việc này là một loại công việc không bao giờ làm xong – chỉ sợ chúng ta không có động cơ đủ mạnh để kiên trì. Nếu Susan tiếp tục nhận sự điều trị tâm lý thì ắt hẳn chị sẽ chọn lựa tiếp tục đào sâu công việc nói trên một cách lâu dài. Nhưng chỉ một bước nhỏ thôi cũng có thể cho thấy sự chuyển biến trong cả cục diện lớn. Trong trường hợp Susan, chỉ việc gìn giữ mối liên lạc với gia đình cũng giúp chị giảm bớt phản ứng bộc trực đối với sự dè dặt và thái độ xa cách bất chợt của David. Và khi giảm được phản ứng nông nổi, Susan tự khắc có thể sửa đổi được thói đeo đuổi khư khư theo cảm tính của mình.

Khi người ấy không thể quyết định dứt khoát

Câu hỏi đặt ra là ta phải làm sao nếu người kia cứ lờn vờn không chịu đi vào một ràng buộc chính thức trong tương quan? Ta phải làm sao nếu anh ta không sẵn sàng đặt vấn đề hôn nhân, không sẵn sàng giũ bỏ một quan hệ nào đó, nếu anh ta không thật chắc chắn về chính tình cảm của anh? Anh ta (hay cô ta) có thể khất việc quyết định thêm hai năm – hay hai chục năm nữa. Phải chăng câu chuyện của Susan hàm ý rằng chúng ta nên dậm chân ở đó mà chờ thiên thu, chỉ tập trung lo những việc riêng của mình và không cần quan tâm tới nỗi bất quyết của người kia? Phải chăng chúng ta được khuyên rằng đừng bao giờ xác lập lập trường của mình đối với thái độ xa cách và sự thiếu dứt khoát của người kia? Chắc chắn là không! Sự lưỡng lự kéo dài của người kia đúng là một vấn đề đặt ra cho chúng ta – nếu thực sự chúng ta muốn dàn xếp sự việc cho yên ổn.

Tuy nhiên, sẽ ít có cơ may thành công nhất trong việc xử lý vấn đề hôn nhân – hay bất luận vấn đề nào – nếu chúng ta xử lý khư khư theo cảm tính và theo sự nông nổi của mình. Điều tiên quyết là phải làm sao để dập tắt cơn bấn loạn trong mình, bởi vì bấn loạn sinh ra nông nổi – và nông nổi tạo ra đối đầu. (Tất cả những gì anh ấy có thể làm là tránh né. Tất cả những gì mà chị ấy có thể làm là sấn tới đeo đuổi.) Đã đành, phiền não là cái mà ta không thể loại hẳn ra khỏi kiếp người mình. Các mối tương quan mật thiết của chúng ta sẽ mãi còn bị đè nặng bởi hành trang tâm cảm chồng chất trên ta từ gia đình cha mẹ mình trước đây cũng như từ những căng thẳng ập đến với ta từ xung quanh mình trong hiện tại. Nhưng hễ ta càng chú ý đến cơ man những nguồn phiền não đang hành sách đời mình, ta sẽ càng điềm tĩnh và mạch lạc hơn trong việc xử lý những tình huống căng thẳng với người thiết thân.

Nhẹ nhàng nhưng quyết liệt

Chúng ta hãy xem một người phụ nữ có khả năng xác lập một lập trường rõ ràng với người bạn tình rất dè dặt và lưỡng lự của cô, một lập trường xem ra thoát được nhiều sự chi phối của phản ứng nông nổi và của những biểu hiện đeo đuổi trong tâm trạng bất an. Gwenna là một nhân viên nhà đất hai mươi sáu tuổi; cô đã đến với tôi vì gặp một khó khăn đặc biệt trong quan hệ. Đã hai năm rưỡi rồi cô quan hệ tình cảm với Greg, một chuyên viên qui hoạch thành phố đã từng trải qua hai cuộc hôn nhân đầy bi thảm và không thể dứt khoát quyết định đi vào cuộc hôn nhân thứ ba. Gwenna hiểu rằng do bị dồn ép mà Greg thoái lui xa cô, song cô vẫn không muốn kéo dài vô hạn định cảnh sống hiện tại của mình. Cuối cùng cô đã dàn xếp tình hình như thế nào?

Trước hết, Gwenna trao đổi với Greg về mối quan hệ giữa hai người, cô điềm tĩnh mở cuộc đối thoại với anh trong một cung cách rất khoan thai. Cô chia sẻ cảm nhận của mình cả về các điểm mạnh lẫn về các yếu điểm trong mối quan hệ giữa hai người – và cô cho anh biết cô hy vọng gì trong tương lai. Gwenna cũng yêu cầu Greg chia sẻ tương tự. Không giống như bất cứ cuộc trao đổi nào trước đó, cuộc đối thoại này được tiến hành không với thái độ đeo bám anh, gây áp lực cho anh hoặc kết luận này nọ về các vấn đề của anh trong quan hệ với phụ nữ. Đồng thời, cô đặt ra cho Greg một số câu hỏi rõ ràng – chính những câu hỏi này đã làm phô bày ra sự mập mờ bất quyết của anh.

– “Bằng cách nào anh sẽ biết khi nào là lúc anh sẵn sàng để quyết định đi đến hôn nhân? Một cách đặc biệt, những gì cần phải thay đổi khác hơn so với tình trạng hiện nay?”

– “Anh không rõ”, đó là câu trả lời của Greg. Khi được chất vấn thêm, Greg cũng không có câu trả lời nào sáng tỏ hơn rằng anh ta “chỉ cảm thấy như thế”.

– “Vậy anh cần thêm bao lâu nữa để có được một quyết định dứt khoát nào    đó?”

– “Anh không thể biết chắc là bao lâu”, Greg đáp, “có lẽ là vài năm – song thực sự anh cũng không quyết chắc. Anh không thể tiên lượng hay sắp xếp được các cảm nghĩ của mình”.

Và sự việc diễn tiến như thế.

Gwenna thật sự yêu người đàn ông này, nhưng đợi chờ hai năm (và có thể còn lâu hơn) là điều mà cô không thể chấp nhận được. Vì thế, sau khi cân nhắc kỹ, cô cho Greg biết rằng cô sẽ chờ cho đến mùa thu (khoảng mười tháng), và rằng cô sẽ không tiếp tục đợi chờ nữa nếu như anh không thể quyết định chuyện hôn nhân trong khoảng thời gian ấy. Cô thẳng thắn bộc lộ ao ước lập gia đình với anh, nhưng cô cũng xác định rõ rằng điều quan trọng nhất đối với cô là một mối quan hệ có sự dấn thân qua lại. Nếu Greg không đáp ứng được yêu cầu ấy trong khoảng trước mùa thu, cô sẽ chấm dứt quan hệ với anh – dù cay đắng mấy cũng đành.

Trong thời gian chờ đợi ấy, Gwenna có đủ bản lĩnh để không đeo bám anh, cũng không lẩn tránh anh hoặc tỏ thái độ nông nổi nào đối với tính cách lưỡng lự và bất quyết của anh. Bằng cách đó, cô đã giúp cho Greg có được một không gian tâm cảm để đấu tranh với thế lưỡng nan của mình – và mối quan hệ giữa hai người có được nhiều cơ may nhất để đạt đến thành tựu. Yêu sách then chốt của cô (“phải quyết định trước mùa thu”) không phải là một đe dọa hay một cách để trói buộc Greg, song đúng hơn đó là một minh định thực bản ngã mình và là một sự thông đạt rõ giới hạn của những gì cô có thể chấp nhận trong mối tương quan với anh và trong chính bản ngã cô.

Rất có thể Gwenna đã không đủ khả năng làm được như thế nếu mối quan hệ giữa cô với Greg bị đè nặng bởi hệ lụy còn lại từ quá khứ và hiện tại của mình mà cô không đang lưu ý tới. Trong thời gian chờ đợi này, Gwenna dồn tâm lực để dàn xếp các vấn đề riêng. Trong đó có nỗi oán giận đối với người cha đã qua đời của cô – người cha mà cô cảm thấy rất xa cách cả khi ông còn sinh thời, và hệ lụy của nỗi oán giận đó là khuynh hướng cô chọn quan hệ với những người đàn ông lạnh lùng với những quá  trình bản thân đầy phiền toái. Dĩ nhiên, sự nỗ lực của chúng ta không hề bảo đảm rằng mọi sự rồi sẽ ngã ngũ như ý mình mong muốn. Trong khi chị tôi và David hiện nay đang sống hạnh phúc với nhau – thì câu chuyện của Gwenna đã đi tới một kết cuộc khác.

Khi mùa thu đến, Greg nói với Gwenna rằng anh cần có thêm sáu tháng nữa để có thể quyết định dứt khoát. Gwenna suy nghĩ một hồi rồi đồng ý rằng cô sẽ đợi thêm sáu tháng nữa. Nhưng khi sáu tháng ấy trôi qua, Greg vẫn do dự và yêu cầu được có thêm thời gian. Và chính lúc này Gwenna mạnh dạn đặt dấu chấm hết cuối cùng đầy đau xót: kết thúc cuộc quan hệ với Greg.

Lo lắng… bởi đâu và từ khi nào?

Lo lắng! Tất cả chúng ta đều biết rằng nó tác động lên mọi sự, từ hệ đề kháng của cơ thể chúng ta cho đến các mối tương quan thiết thân nhất. Làm sao để ta có     thể nhận ra nguồn gốc đích thực của các mối lo và các nỗi bức xúc trong đời sống mình?

Đôi khi những nguồn gốc ấy được thấy rất rõ rệt. Có thể đó là một biến cố căng thẳng vừa xảy ra, hay một sự đổi thay tiêu cực hoặc ngay cả tích cực nào đó mà ta có thể xác định rõ nó chính là nguồn cội của mối phiền não đang ảnh hưởng nặng nề   trên một mối tương quan của mình. Ví phỏng ta không nhìn ra, người xung quanh sẽ  có thể nhìn ra giùm ta (“Chẳng có gì lạ chuyện cô hục hặc nhiều hơn với Jim – anh ấy và cô mới chuyển chỗ ở được có một năm, và sự kiện ấy đòi một cuộc thích nghi lớn”).

Đôi khi, một cách nào đó, ta biết rằng biến cố này hay sự thay đổi kia là cái gây ra căng thẳng, song ta không hoàn toàn đo lường được nó đang thực sự căng thẳng đến mức nào. Chẳng hạn, chúng ta có thể không đánh giá đúng mức ảnh hưởng tâm cảm của những sự kiện rất có ý nghĩa như: một cuộc sinh nở, một đứa trẻ bỏ nhà, một dịp tốt nghiệp, một đám cưới, một sự thay đổi nghề nghiệp, một sự thăng tiến trong nghề nghiệp, một cuộc về hưu, hay một người cha (hay mẹ) đau yếu v.v… bởi vì đó “chỉ là những chuyện thường tình” xảy ra trong dòng đời người ta. Một số người xem ra có thể đi qua các sự kiện ấy một cách thản nhiên như không. Nghĩa là chúng ta không nhận hiểu được rằng “những điều thường tình” ấy – một khi tạo ra thay đổi – sẽ ghi dấu ấn sâu xa trên các mối ràng buộc thiết thân nhất của chúng ta.

Trong một số trường hợp khác, chúng ta hoàn toàn không nhìn thấy mối liên quan giữa nỗi lo âu của vấn đề này với tình trạng bế tắc trong mối quan hệ kia, hoặc có thể ta coi nhẹ hay phớt lờ những biến cố quan trọng trong gia đình cha mẹ mình vốn đang khơi lên bức xúc ở một chuyện khác. Chị tôi, chẳng hạn, ban đầu không ý thức được rằng thái độ nông nổi của chị đối với David chính là hệ quả của tâm trạng chị sau chuyến về thăm gia đình, mặc dù cái này xảy đến bén gót liền sau cái kia. Tầm chú ý hẹp hòi của chúng ta trên chỉ một mối tương quan mật thiết nào đó thường che mờ đi không cho ta thấy cả bối cảnh tâm cảm rộng lớn hơn nhiều.

Nhìn toàn cục bối cảnh tâm cảm

Bạn hãy xem xét trường hợp của Heather, người phụ nữ bỗng nhiên thấy mình bị “xử tệ” bởi một người đàn ông đã có gia đình tên là Ira – và chị cảm thấy khổ sở vô cùng trước thái độ ấm lạnh bất chợt của Ira đối với chị. Quá dằn vặt với tâm trạng bức xúc của mình, chị đã gọi tôi để bắt đầu một cuộc trị liệu tâm lý.

Theo Heather cho biết, “chẳng có gì khác thường xảy ra” trong cuộc sống của chị khi mà mối quan hệ giữa chị với Ira bỗng trở nên gay cấn. Nghĩa là, chị tin rằng mọi sự khó khăn bỗng dưng đã xảy ra trong một bối cảnh tâm cảm vốn êm xuôi bình lặng. Thế nhưng, khi điều tra kỹ lưỡng, tôi biết rằng sự gắn bó tình cảm của Heather đối với Ira đẵ bắt đầu chỉ ít lâu sau cái chết của bà ngoại chị. Trong cuộc đời của Heather, bà ngoại chị vốn là một khuôn mặt lạnh lùng xa xăm, vì thế đối với chị cái chết của bà ngoại xem ra không gây cảm xúc đặc biệt nào.

Song cớ sự không phải vậy. Người mẹ góa bụa của Heather và bà ngoại chị vốn hết sức gần gũi, họ vốn dành nhiều thời giờ quấn quít bên nhau. Cái chết của bà ngoại, vì thế, tạo ra những vấn đề không dễ dàng gì cho Heather liên quan đến mối ưu tư về tình cảnh của mẹ mình – và cái chết ấy cũng làm Heather lo lắng rằng đã đến lượt chị phải đảm nhận vai trò lấp đầy khoảng trống trong cuộc đời mẹ mình. Sự kiện này cũng khơi dậy mãnh liệt cảm xúc của Heather về cái chết trước đó nữa của cha chị. Và như Heather nhận ra, sự dửng dưng của chúng ta đối với những người trong gia đình mình không hề tránh cho chúng ta khỏi những chấn động tâm cảm mãnh liệt trước cái chết của họ.

Chính trạng thái tâm cảm ẩn tàng xung quanh cái chết của bà ngoại mình đã tạo nên một nỗi bấn loạn trong đó mối gắn bó đầy cay đắng của Heather với Ira bộc lộ ra. Trước mọi hành tung của Ira, sự nông nổi của chị đều bốc lên cao. Tuy nhiên, theo Heather cảm nhận thì “không có gì khác thường xảy ra” khi vấn đề của hai người bộc phát.

Đôi khi, mối phiền não hay sự bức xúc đang làm sôi lên nỗi khó khăn cho một mối tương quan hiện tại lại có nguồn gốc từ một kinh nghiệm đã lâu rồi trong quá khứ – chẳng hạn, một vụ loạn luân, một cái tang xa xưa lắm rồi, hay vô số những sự gay cấn trong gia đình cha mẹ chúng ta đã không bao giờ được dàn xếp hoặc giải quyết. Sự chấn động ấy hay vấn đề trong gia đình ấy, vốn không được ai nhắc đến, có thể đã xảy ra năm năm rồi hoặc thậm chí cách đây năm mươi lăm năm rồi. Và mối liên quan giữa hai đàng có thể được nhận ra một cách tương đối dễ dàng (ví dụ: “tôi biết sự khó khăn của tôi trong việc đạt được mật thiết với Sam có liên hệ tới chuyện tôi bị lạm dụng tình dục trước đây trong đời mình”). Song cũng có thể chúng ta không nhận ra được mối liên quan ấy gì cả.

Chẳng hạn, trường hợp của Lois và Frances, hai chị em gái ở độ tuổi gần năm mươi đã câm lặng không nói chuyện với nhau kể từ cái chết của bà mẹ họ sáu năm về trước. Lois vẫn còn phẫn nộ vì Frances đã không chu toàn trách nhiệm phụng dưỡng mẹ trong thời gian mẹ cần được chăm sóc nhất. Còn Frances thì cho rằng Lois đã đơn phương định đoạt chuyện săn sóc mẹ mà chẳng tham khảo bàn bạc với mình. Thế là hai chị em lún vào thế trách móc nhau, hướng đến khả năng đoạn tuyệt hoàn toàn mãi sang đời con cháu. Bên này cho rằng cớ sự xảy ra là do lỗi của bên kia. Chẳng có ai trong hai chị em hiểu được rằng cơn khủng hoảng giữa hai người (đầu tiên là cãi vã và bây giờ là xa tránh nhau) có nguồn gốc từ nỗi phiền não dâng cao xung quanh căn bệnh cuối cùng và biến cố qua đời của mẹ họ.

Việc tiếp tục oán giận và xa tránh nhau có tác dụng giúp cho cả Lois lẫn Frances khỏi bị tràn ngập bởi nỗi niềm xót xa tang tóc – nỗi niềm mà họ chắc hẳn sẽ uống cạn nếu họ thực sự làm hòa và xích lại với nhau. Nó cũng tránh cho Lois khỏi cảm thấy oán giận mẹ mình – vì bà đã để lại cho Frances hơn nửa di sản viện lẽ rằng Lois có được một người chồng giàu có hơn. Tình trạng căng thẳng của hai chị em đã làm cho niềm thương tiếc của họ đối với mẹ không đạt được trọn vẹn, làm cho việc giải quyết vấn đề thừa kế bị ách tắc, và làm cho họ coi nhẹ mối ràng buộc cốt nhục chị em.

Sáu năm sau khi mẹ họ qua đời, Lois và Frances vẫn chưa bứt ra được khỏi thái độ bức xúc đối với nhau. Có thể rồi một ngày nào đó, nhờ một khủng hoảng nào đó, một người trong họ sẽ tiên phong đi bước quyết định tiến tới hàn gắn với người kia. Nếu điều ấy xảy ra, chắc chắn đó sẽ là một hành động thay đổi đầy dũng cảm.

Nghĩ về những niên hạn kỷ niệm

Các mối quan hệ thiết thân nhất của chúng ta tựa như những cột thu lôi hút lấy các căng thẳng và phiền nhiễu từ bất cứ nguồn nào và từ bất cứ thuở nào trong quá khứ. Những dịp kỷ niệm tròn năm bao giờ cũng khơi dậy lên nỗi hoang mang, dù ta có ý thức hay không ý thức về điều đó. Đối với tôi, thời kỳ bước vào tuổi bốn mươi là một thời kỳ có tính thách đố vì mẹ tôi được chẩn đoán ung thư lần đầu hồi bà bốn mươi bảy hay bốn mươi tám tuổi – bà ngoại tôi thì qua đời ở tuổi bốn mươi tư. Tôi tin rằng những năm năm mươi tuổi sẽ dễ dàng hơn, nếu như bổn cũ lịch sử diễn lại y nguyên – song dĩ nhiên sự việc không bao giờ như thế. Nếu một cơn khủng hoảng ập tới với gia đình bạn khi bạn lên sáu tuổi, có thể bạn chắc mẩm rằng mình sẽ lại đương đầu với tình huống rắc rối khi con mình lên sáu tuổi – và khi mình bước tới tuổi của mẹ mình thuở ấy.

Nói thế không có nghĩa rằng chúng ta sẽ cảm thấy hoang mang hơn tại một thời điểm kỷ niệm quan trọng nào đó. Khi con gái bạn lên chín tuổi, bằng tuổi của bạn lúc ba má bạn ly dị, bạn thậm chí có thể chẳng nhớ gì đến biến cố kia. Thay vào đó, có thể bạn cảm thấy khó chịu hơn đối với chồng mình, hoặc cũng có thể bạn cảm thấy lệ thuộc và bất an hơn. Cũng có thể là bạn sẽ nhận thấy một khoảng cách lạnh lùng giữa mình và con gái mình – hoặc bạn nhận ra ngày nào mình cũng cằn nhằn con gái về việc học hành hay về quan hệ bạn bè của nó.

Những gì mà chúng ta cảm nhận thường xuyên nhất trong những thời điểm kỷ niệm chính là kết quả của nỗi hoang mang dâng cao, và những kiểu diễn biến có thể đoán trước ấy trong tình huống ta gặp căng thẳng sẽ làm cho các mối tương quan của chúng ta hóa nên khô cứng và hình thành các đối cực. Một số người nhận hiểu được sự liên quan ấy (ví dụ: “tôi biết tôi muốn bỏ Joe bởi vì tôi đang bước vào độ tuổi mà mẹ tôi ngày xưa lâm trọng bệnh”). Nhưng phần lớn chúng ta chẳng hề nhận thấy mối liên quan này. Thay vào đó, chúng ta ào ào phản ứng bộc trực và rồi một mối tương quan đặc biệt nào đó có thể sẽ tuột dốc thê thảm. Hoặc giả chúng ta sẽ nổi xung lên bất cứ chỗ nào mình có mặt. Cấp trên phàn nàn về công việc của ta, thế là một đám mây u ám chán chường trùm phủ xuống ta cả một ngày sống! Một người bạn trai tỏ ra hơi hững hờ hơn trước, thế là chúng ta cuống lên hốt hoảng. Bất cứ gì cũng có thể làm ta bộc trực nóng nảy phản ứng.

Dĩ nhiên, chẳng có gì thực sự là mới mẻ ở đây. Ai cũng biết rằng có vô số nguồn gốc căng thẳng cùng tác động đến một mối tương quan cụ thể nào đó và tại một thời điểm nhất định nào đó. Và dĩ nhiên tất cả chúng ta đều rõ rằng những mối lo âu và những vấn đề còn bỏ ngõ trong gia đình cha mẹ mình trước đây vẫn đang còn đẩy ta vào rối rắm hôm nay. Dù sao, việc suy nghĩ về những nguồn căn chính của mối lo âu cũng vẫn là một thách đố ghê gớm. Và việc xử lý các nguồn căn ấy lại càng là một thách đố gớm ghê hơn.

Đâu là vấn đề?

Đa số chúng ta bị lẫn lộn giữa hệ quả của nỗi hoang mang cao độ với chính “vấn đề” thực. Chẳng hạn, tôi bị xem là “vấn đề” trong thời gian mẹ tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư – và vì thế tôi được gửi đi trị liệu tâm lý. Cũng tựa như trường hợp để xử lý nỗi bấn loạn nào đó, người ta hục hặc hay lạnh lùng với vợ hay chồng mình – và thế là họ kết luận rằng vấn đề của mình là “vấn đề hôn nhân”. Trong một gia đình khác, người bố có thể sa vào nghiện ngập say sưa hoặc người mẹ có thể suy sụp tinh thần nghiêm trọng và những người còn lại trong gia đình thì chỉ xúm quanh một cách bất lực.

Khi cơn phiền não đè nặng trên một gia đình vượt quá mức có thể đối phó, người ta sẽ đến với tâm lý trị liệu và trình bày vấn đề của họ theo một trong ba hướng sau đây:

1. Tập chú vào đứa trẻ: Một đứa trẻ được xem là vấn đề, còn mọi chuyện khác thì được coi như vẫn ổn cả.

2. Sự hục hặc và/hay lạnh nhạt giữa vợ chồng: “cuộc hôn nhân” của hai người là vấn đề.

3. Người bạn đời bỗng trở chứng: Người vợ hay người chồng đang hóa nên bất cập vôtrách nhiệm hoặc đang có triệu chứng đó.

Khi ta chỉ gán nhãn “vấn đề” cho một ai đó hoặc cho một mối tương quan nào đó, thì ta sẽ trở nên mù mờ không nhận thấy rõ những khía cạnh khác. Chẳng hạn, nếu chị tôi xem sự dửng dưng của David (hay sự đeo đuổi của chính chị) là “vấn đề mấu chốt”, thì chị đã không thấy rõ vấn đề mấu chốt là gì. Một đàng, thật hữu ích việc chị quan sát và thay đổi chính bản thân mình trong một cuộc chơi “trốn tìm” vốn chỉ đem lại cho chị nỗi dày vò khổ sở. Hiểu theo nghĩa đó thì chính tính cách “trốn tìm” ấy là vấn đề. Đàng khác, cũng quan trọng không kém việc chỉ mở rộng hướng lưu tâm của mình ra để chú ý đến cả những nguồn lo âu khác nữa vốn đang tiếp hơi cho thái độ nông nổi của chị.

Đạt được một tầm nhìn rộng bao quát không hề là một việc dễ dàng. Theo bản tính tự nhiên, chúng ta chỉ muốn tập trung chú ý đến chỗ đau thôi – và phớt lơ không xem xét đến các chỗ khác. Chẳng hạn, nếu chúng ta đem con mình đến với nhà trị liệu, ta sẽ muốn mọi nỗ lực trị liệu chỉ đổ dồn về đứa trẻ ấy thôi. Đã đành, cha mẹ quan tâm tới con cái thì mấy cũng chẳng thừa. Thế nhưng, điều thiết yếu nhất mà chúng ta cần làm chính là xem xét sự phản ứng nông nổi của chính mình đối với cha hay mẹ kế của đứa trẻ, hoặc có thể ta cần phải xem xét mình đang lèo lái thế nào mối quan hệ giữa mình với mẹ mình.

Chúng ta chỉ muốn nhìn chỗ mà mình muốn nhìn. Và khi nỗi ưu tư càng dâng cao thì sự thiển cận của chúng ta lại càng quá đáng hơn và ta càng bị đay nghiến dằn vặt trong nỗi khổ. Tuy nhiên, như sẽ được tiếp tục minh họa trong chương sau, chúng ta không thể xử lý những vấn đề trong các quan hệ mật thiết nếu chỉ cứ khư khư bó hẹp sự chú ý của mình vào chỉ một mối quan hệ nào đó – hoặc chỉ một khía cạnh nào đó của vấn đề.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.