Vũ Điệu Của Sự Mật Thiết

CHƯƠNG VII: ẤN ĐỊNH MỘT HẠN MỨC



“Em vốn thường quạu quọ với tật uống rượu của bố em” – Kristen phát biểu trong một nhóm tâm lý trị liệu – “nhưng cuối cùng em đã bỏ thái độ ấy”. Người được Kristen trực tiếp chia sẻ với ở đây là Alice, một thành viên khác của nhóm vốn đang cố “chữa trị” tật uống rượu của chồng mình.

Kristen giải thích tiếp: “Em biết rõ rằng mình không thể thay đổi được bố. Cả chục năm trời em đã thử đủ cách: nhỏ nhẹ phân giải và khuyên can ông, hay gào thét giãy nảy với ông, hoặc khẩn khoản van nài ông. Em nói với bố rằng chứng bịnh của ông đang phá hại cả gia đình. Đã hai lần má em và em đưa ông đi điều trị và để ông chới với ở đó. Nhưng tất cả đều vô hiệu. Em đã phải mất gần mười năm để nhận ra rằng mình không thể ngăn chặn được tật uống rượu của bố và rằng chẳng có dấu hiệu gì cho thấy ông sắp thay đổi cả.”

Alice chăm chú lắng nghe, chị cũng quá rõ rằng việc chị trút sạch mấy chai rượu của chồng xuống cống nước xả đã chẳng đem lại chút hiệu quả nào, và chị thiết tha nhận được một lời khuyên. Chị hỏi: “Thế bây giờ bạn đang dùng cách nào để ngăn chặn ông bố uống rượu?”

“Em phớt lờ” – Kristen nhanh nhẩu trả lời – “Cuối tuần rồi em về nhà và lập tức nhận ra bố đang xỉn. Lúc ấy đã sau bữa ăn trưa, vừa mới bước vào em nghe tiếng bố lè nhè đầy hơi rượu và trông tướng dạng ông thật khiếp. Vào ngày Chủ nhật bố khó mà có lúc nào tỉnh táo để nói chuyện đàng hoàng với bất cứ ai, hôm đó cũng vậy, bố xỉn suốt cả thời gian em có mặt ở nhà. Khi bố đi xuống nhà dưới, má em cho em biết rằng ông càng ngày càng uống nhiều hơn – và cự tuyệt cả việc đi xét nghiệm ở bác sĩ. Bố em vẫn không nhìn nhận rằng ông đang có vấn đề nghiêm trọng. Nhưng em không đưa ý kiến gì về chuyện uống rượu của ông nữa. Em hiểu rõ là mình không thể giúp được bố.”

“Bạn muốn nói là bạn phớt lờ chuyện uống rượu của ông? Bạn không bận tâm đến chuyện ấy nữa ư?” – Alice hỏi.

“Vâng” – Kirsten giải thích – “Em đã mất một thời gian khá lâu để hiểu rằng mình chẳng thể làm gì khác. Bố em uống rượu, và đó là chọn lựa của ông. Cả chị nữa, nếu chị cứ cố tìm cách bắt chồng chị ngừng uống rượu, rồi chị sẽ thấy không có kết quả gì đâu!”

Câu chuyện của Kristen là một câu chuyện có tầm phổ quát chứ không chỉ riêng trong vấn đề nghiện rượu. Nó phản ảnh một vấn đề rộng lớn hơn liên quan đến cách thế mà chúng ta phản ứng trong các mối quan hệ khi người thân của chúng ta tỏ ra hời hợt tắc trách hoặc có những cung cách mà ta khó chấp nhận hay không thể chịu đựng được. Vậy giải pháp nào thì kiến hiệu đối với chúng ta, còn giải pháp nào thì không?

Một khi chúng ta có thể hiểu ra và thực sự nhìn nhận những gì vô kiến hiệu, thì bấy giờ ta đã hầu như tiến được nửa chặng đường rồi. Kristen đã chia sẻ với nhóm về những gì mà cô biết là không kiến hiệu đối với bố cô. Sự phản ứng bộc trực đối với việc uống rượu của bố và nỗi bồn chồn lo lắng đổ dồn về ông – đó là cái tỏ ra không kiến hiệu. Khuyên can nhắc nhở ông về vấn đề của ông hay cố gắng giải quyết vấn đề ấy cho ông, đó cũng là cái không kiến hiệu. Nỗ lực để điều chỉnh hay để cứu vớt ông – ngay cả việc nghĩ rằng đó là điều có thể được – đó là cái không kiến hiệu. Sự ém nhẹm, bao che không cho người khác biết việc ông uống rượu cũng là điều không kiến hiệu. Phê bình, chỉ trích, tố cáo… cũng không kiến hiệu. Như chính Kristen giải thích, cô đã mất mười năm mới thật sự nhìn nhận rằng những thái độ cũ ấy của cô không hề có kiến hiệu.

Và quả thực, những cung cách ấy không thể có kiến hiệu. Dù vấn đề là thói uống rượu hay sự bạc nhược, tắc trách, hoang tưởng, hay bất cứ gì khác nơi người kia – bất cứ hay toàn thể những thái độ kể trên chỉ làm giảm khả năng hi vọng người ấy sẽ biết nhận trách nhiệm điều chỉnh chính mình. Một số trong chúng ta có thể mất lâu hơn mươi năm – có khi là cả đời – để xác tín sự thật rằng những cung cách ấy chẳng đưa đến đâu cả. Thật vậy, những cung cách ấy làm cho người kia thụ động bất cập và làm suy giảm cơ may đạt được mối thân tình gần gũi trên cơ sở quan tâm lẫn nhau.

Việc nhận ra rằng những lề lối cũ ấy không kiến hiệu sẽ giúp chúng ta biết dừng lại, suy nghĩ, thu thập thông tin, nghiên cứu các dữ kiện và tìm ra các hướng ứng xử mới cho mình. Nhưng làm được như vậy trong một bối cảnh tâm cảm bấn loạn quả là một kỳ công nếu không nói đó là một thành tích phi thường. Khi Kristen cố gắng thay đổi cung cách cũ của mình, cô đã vận dụng “giải pháp” nào? Theo chính cô cho biết, cô quyết định hoàn toàn không đếm xỉa gì đến vấn đề của bố cô nữa – như vậy, đây là một dạng lảng xa trong tâm cảm. Thế nhưng như chúng ta biết, sự lảng tránh một vấn đề hay một người nào đó vẫn là một phản ứng nông nổi, một phản ứng bị chi phối bởi tâm trạng bối rối. Nó chỉ nén nỗi bức xúc xuống ở một chỗ – và làm ta càng dễ bộc trực nông nổi hơn ở một chỗ nào đó khác mà thôi.

Nín thinh, làm như thể “không có gì xảy ra” khi bố mình uống rượu say xỉn, không có ý kiến gì về một vấn đề vốn gây phiền nhiễu cho mình và là vấn đề vẫn đang khiến mình day dứt – đó là thái độ nông nổi chứ không phải là thái độ có trách nhiệm trong một mối tương quan thiết yếu.

Kristen bấy giờ nói chuyện với mẹ về bố, chứ không nói chuyện với bố, và tình trạng này chỉ càng làm xơ cứng thêm sự gián cách cố hữu giữa bố và mẹ. Kristen đang ở trong một cục diện tay ba khá phổ biến trong các gia đình – trong đó người mẹ và cô con gái củng cố sự gần gũi với nhau xuyên qua nỗi thất vọng và chán chường của họ đối với người cha; thay vì lẽ ra mỗi người trong họ phải tiếp tục quan hệ trực tiếp với chồng (hay cha) mình để dàn xếp các gay cấn giữa mình với ông. Phần người cha cũng thế – ông góp hết sức mình vào cục diện gay cấn tay ba này bằng cách gia cố thêm vị trí đứng ngoài lề và thụ động tắc trách của ông.

Quan hệ của Kristen với bố của cô, cũng như quan hệ của Adrienne với Frank (chương 5), phản ảnh hai mẫu thức đặc trưng mà người ta dùng để xử lý nỗi lo. Chắc chắn chúng ta ai cũng có thể nhận ra hai mẫu thức ấy bằng chính kinh nghiệm bản thân của mình. Cách thứ nhất là thái độ nông nổi hiển nhiên, trong đó nhiều năng lực của cuộc sống (năng lực giận và/hoặc năng lực âu lo) được đổ dồn về phía người kia trong cố gắng lảng xa một ai đó hay một vấn đề đặc thù nào đó. Một khi những thái độ ấy trở thành sách lược được ta sử dụng lâu dài chứ không phải là một đối sách tạm thời trước cơn phiền não, thì bấy giờ chúng ta sẽ bị lún lại tại chỗ.

Vậy thì đâu là thế quân bình ở giữa một bên là tích cực thái quá và ôm đồm trách nhiệm – còn bên kia là lảng tránh và phủi tay?

Nêu một lập trường

Về phần Kristen, sau nhiều nỗ lực vất vả và lâu dài, cô đã đạt được khả năng xác lập mộtlằn mức giới hạn trong quan hệ với bố cô liên quan đến vấn đề uống rượu. Một cách cụ thể,việc xác lập giới hạn ấy thiết yếu bao hàm cái gì?

Trước hết, Kristen ngưng tình trạng giả vờ đui điếc trước thói nghiện rượu của bố – và cô nêu lập trường rõ ràng rằng cô sẽ không ở lại nhà bố, cũng không nói chuyện với bố trên điện thoại vào những lúc ông say xỉn. Và cô đã thực hiện được điều đó một cách tương đối điềm tĩnh chứ không phải quạu quọ với ông – cô xác tín rằng mình đang hành động vì ích lợi của bản thân mình đúng hơn là nhằm để ủng hộ hay chống đối bố. Đối với Kristen, việc giữ một lập trường như thế phát sinh nhiều chuyện rất gay go – thậm chí cô phải đương đầu với những chuyện như phải tính trước một chỗ nghỉ đêm khác để dự phòng trường hợp sau khi cô và con cái vượt đoạn đường bốn tiếng đồng hồ ô-tô về thăm ông bà ngoại, nhưng rồi khi đến nơi lại nhìn thấy ông ngoại chúng đang xỉn! Với sự giúp đỡ của nhóm tâm lý trị liệu và của nhóm Những Người Con Thành Niên Của Cha Mẹ Nghiện Rượu, Kristen đã có thể kiên thủ đúng đường lối của cô – hay nói chính xác hơn, cô đã có thể trở lại đúng đường sau những lần đi trật đường ray.

Chẳng hạn, khi bố cô lè nhè trên điện thoại và bịa lý do rằng “do bị cảm”, Kristen ôn tồn nói với ông: “Thưa bố, bố nói rằng bố không đang xỉn, nhưng con không thể tiếp tục hầu chuyện bố bây giờ được. Con xin phép cúp máy đây. Chào tạm biệt bố”. Những lúc bố cô tỉnh Kristen cố gắng tránh những lời nói chì chiết hạch tội ông (chẳng hạn: “Tại sao bố cứ làm khổ mẹ và con như thế?”), cô cũng không đề cập đến người thứ ba nào đó (chẳng hạn: “Bố có biết cuối tuần rồi bố đã gây phiền não cho mẹ đến mức nào không?”) Thay vào đó, Kristen cố bám lấy chỉ những lời nói về mình – những lời lẽ ôn tồn không vương oán trách để bộc bạch về chính mình.

Chẳng hạn trong chuyến về thăm cuối tuần nọ, Kristen đã hủy dự định lưu lại tại nhà bố mẹ. Thay vào đó, sau bữa cơm tối cô đưa các con mình tới một khách sạn gần đó để nghỉ đêm – bởi vì hôm ấy bố cô say khướt. Một cách nhẹ nhàng và tự nhiên, Kristen cho lũ trẻ biết lý do vì sao cô đã quyết định không ở lại nhà bố mẹ trong lúc ông ngoại chúng đang say. Sau đó trong tuần, trong một cuộc chuyện với bố, cô đã nói:

“Thưa bố, những lúc bố say, con buộc lòng phải tránh đi chỗ khác thôi. Không phải vì con không quan tâm đến bố. Ngược lại, chính vì con quan tâm tới bố mà con phải làm thế. Con biết rằng con không thể làm gì để giúp bố, nhưng thật quá đau đớn cho con khi nhìn thấy bố đang say li bì trước mặt mình, và nhất là khi hiểu rằng mình sẽ mất bố trong không mấy lâu nữa”.

Khi bố cô chống chế, bảo rằng nào là cô chỉ hay làm to chuyện, nào là cô muốn biến con chuột thành trái núi, Kristen điềm tĩnh nghe bố nói xong, rồi trả lời: “Thưa bố, con không đồng ý với bố được đâu. Con thấy vấn đề rõ ràng nghiêm trọng hơn bố tưởng nhiều – và chắc chắn là bố biết quan điểm của con về sự cần thiết bố phải chịu trị liệu. Dù sao đi nữa, con rất bứt rứt trong lòng khi ở gần bố mà thậm chí chỉ hồ nghi rằng bố đang say. Vì thế, cho dẫu có thể đôi khi là nông nổi quá quắt, con vẫn sẽ xách túi bỏ đi như tối thứ bảy tuần rồi con đã làm”.

Nhận chịu thử thách

Trong một bối cảnh bấn loạn tâm cảm trầm trọng như thế, quả là một thách đố thiên nan vạn nan việc suy nghĩ chín chắn thay vì là phản ứng bộc trực – nhất là khi những “thử thách” và những chống đối bắt đầu ập tới. Một tối khuya nọ, bố của Kristen gọi điện cho cô từ một máy điện thoại công cộng ở cách nhà cô chừng hai mươi phút chạy xe hơi. Số là ông đã đến thị trấn ấy để công tác trong ngày – và rõ ràng lúc này ông không còn đủ tỉnh táo để lái xe về nhà nữa. Lập tức Kristen phôn cho mẹ; mẹ cô hoảng hốt và yêu cầu cô đến đón bố ngay tức khắc kẻo ông gây tai nạn chết oan mạng hoặc làm cho người khác chết oan mạng. Nhưng Kristen (đây không phải là lần đầu cô gặp tình huống này) vốn đã từng nói với bố lần trước đó rằng cô sẽ không đi đón ông về nữa nếu ông say sỉn giữa đường – bởi vì việc đó thật quá vất vả cho cô, đồng thời đó cũng là điều không thể chấp nhận được trong mối quan hệ mà cô muốn xây dựng với bố.

Trong tình thế ấy, Kristen bối rối đến nỗi cô không thể suy nghĩ mạch lạc sáng suốt được chút nào cả. Cô biết rõ rằng sẽ chẳng có tác dụng gì việc cô lại xông pha đi cứu bố. Nhưng đồng thời, cô muốn hành động đúng đắn để tránh điều đáng tiếc có thể xảy ra trong tình hình hết sức khẩn trương này. Kristen quay điện thoại, lần này cô gọi cho người phụ trách nhóm Những Người Con Thành Niên Của Cha Mẹ Nghiện Rượu. Cuộc điện đàm ấy đã giúp cô trấn tĩnh và nghĩ ra một giải pháp. Cô quyết định gọi đến sở cảnh sát và giải thích tình hình cho họ. Kế đó cô gọi cho mẹ và báo cho bà rằng mình đã gọi cảnh sát. Bố cô được cảnh sát đưa về. Và thế là Kristen bắt đầu phải đương đầu với cơn phẫn uất bùng lên như hỏa diệm sơn của những người thân trong gia đình nay chĩa về phía cô.

“Sao mày lại có thể bất nhẫn với bố như vậy?”

Những lời đay nghiến như thế bắt đầu nổi lên. Sự chống đối và những thái độ bảo thủ cố chấp là điều không thể tránh khỏi một khi chúng ta thay đổi phần mình trong một kiểu thức cũ kỹ nào đó. Song việc ta ý thức được thực tế ấy không hề làm cho tình hình thành dễ dàng hơn để mình đương đầu. Cả bố lẫn mẹ Kristen đều sừng sộ với cô, nếu không muốn nói là sắp sửa từ cô. Họ mạt sát cô trên điện thoại thậm tệ đến nỗi cô phải cắn răng để đừng cúp ống nghe xuống. Nào là cô bôi nhọ thanh danh gia đình. Nào là cô đã làm hại cho hồ sơ lái xe của bố cô và đã nhận chìm uy tín nghề nghiệp của ông. Nào là cô đã bắt ông phải nộp một khoản tiền phạt lớn. Nào là chẳng có con gái nhà ai lại đi gọi cảnh sát trừng trị cha mình…

Kristen nghe thấy cơn giận bốc lên qua máy điện thoại cao đến nỗi cô hiểu rằng mình nên nhẫn nhịn chờ chứ không được đốp chát lại. Cô vẫn muốn thét lên rằng cô đã không gây ra những cớ sự ấy cho bố, rằng chính bố đã tự gieo tai rắc họa cho bản thân ông, và rằng sự việc bố phải trả giá cho những gì ông làm như vậy là quá trễ. Nhưng cô nén lòng để không thốt lên những lời ấy, vì kinh nghiệm cho cô biết rằng làm thế chẳng khác nào tưới dầu vào lửa.

Thay vào đó, Kristen kiên nhẫn lắng nghe cho đến khi nào cô hết chịu đựng nổi. Lúc ấy cô thưa với bố mẹ rằng cô cần cúp máy – và rằng cô sẽ suy nghĩ về những gì ông bà đã nói với cô, rồi sẽ gọi lại ông bà sau. “Đừng gọi lại làm chi thêm phiền”, đó là những tiếng quát cuối cùng của bố cô trước khi ông cúp máy. Rõ ràng bây giờ thì ông đang tỉnh táo chứ không lè nhè trong hơi rượu!

Lấy bức xúc để phản ứng lại bức xúc – đáp lại sự nóng nảy bằng sự nóng nảy nhiều hơn – điều đó chỉ càng làm cho tình hình thêm căng thẳng. Vì thế, Kristen đã quyết định viết cho bố mẹ một lá thư chia sẻ tin vui với lời lẽ thân mật tự nhiên, lá thư bắt đầu bằng tin tức về những thành tích mới nhất của con gái cô trên sân bóng đá.

Rồi cô vắn tắt đề cập đến vấn đề đang gay cấn giữa mình với bố mẹ, cố tránh sự giải thích và biện bạch dông dài vốn chỉ làm cho bố mẹ thêm cau có. Kristen trình bày một cách thẳng thắn và xoáy vào trọng tâm. Cô không nhân nhượng rút lại hạn mức mà mình đã ấn định.

Trước hết, Kristen xin lỗi về những điều đáng tiếc, về số tiền bố phải nộp phạt và về sự bẽ mặt mà cô đã gây ra cho bố qua việc cô gọi cảnh sát – cô cam đoan rằng mình không hề có ý định xúc phạm đến bố hoặc muốn gây phiền nhiễu cho gia đình. Cô viết: “Lúc ấy con hoàn toàn không biết phải làm cách nào khác. Cả đến bây giờ cũng vậy. Con không đích thân đến để đưa bố về, vì con biết rằng nếu làm thế là con đặt mình vào thế không thể chấp nhận được trong quan hệ với bố. Song con không thể không làm một cái gì khi mà trong lòng mình tràn ngập nỗi sợ rằng bố có thể liều lĩnh lái xe và chuốc lấy nguy hiểm. Vì thế con đã làm điều duy nhất mà mình có thể nghĩ ra, đó là gọi điện cho cảnh sát. Thực lòng với bố, nếu trường hợp ấy tái diễn, con cũng sẽ làm thế thôi, vì con không biết phải làm gì khác hơn”. Khi người anh trai của cô trách mắng cô về chuyện đó (“sao mày lại có thể đối xử với bố như vậy?”), Kristen cũng đã giải thích cho anh một cách vắn tắt tương tự.

Phản ứng của mẹ

Thật bất ngờ đối với Kristen, trong gia đình cô, người phản ứng kịch liệt nhất chống lại thái độ ứng xử mới của cô lại chính là mẹ cô. Nhưng phản ứng ấy của mẹ cô cũng chỉ là chuyện thường tình và dễ hiểu. Thông thường, hễ trong gia đình có người dám thách đố một lề lối cũ cố hữu nào đó bằng cách bắt đầu hành động khác hẳn, thì mọi thành viên khác trong nhà (gồm cả chúng ta) sẽ lo lắng phản ứng. Vì thế thật dễ hiểu tại sao mẹ của Kristen cảm thấy đặc biệt bị đe dọa – bởi vì lối ứng xử mới của con gái bà bắt bà phải đối mặt với lập trường của riêng mình (hoặc tình trạng thiếu một lập trường của riêng mình)_ liên quan với tật nghiện rượu của chồng bà. Thái độ của Kristen đã thách đố mẹ cô trong chính điều tin tưởng sâu xa của bà rằng bà đã làm tất cả những gì bà có thể, rằng không có cách nào khác ưu việt hơn.

Xuyên qua những tháng năm dài sống đời hôn nhân, mẹ của Kristen càng ngày càng tập trung nhiều năng lực hơn để quan tâm đến thói uống rượu của chồng – và đồng thời càng ngày càng ít quan tâm tìm cho chính mình một cách sống tốt nhất có thể. Bà quá tích cực với chồng (khi ông say xỉn ở ngoài, bà đi nhận ông về và chăm sóc từng li từng tí cho ông), song bà lại không ngó ngàng đủ đến chính bản thân mình (không buồn để ý đến chuyện xác lập cho mình những mục tiêu cuộc sống, cũng không vạch rõ giới hạn về những gì có thể chấp nhận được và những gì không thể chấp nhận được liên quan đến tật uống rượu của chồng – do đó cũng không tuyên bố được mình sẽ làm gì và sẽ không làm gì). Nghe người ta nói rằng nghiện rượu là một chứng bệnh, thế là bà vịn vào lý do ấy để không có ý kiến gì về cách xử lý của chồng mình đối với chứng bệnh ấy của ông. Bà không có được một hạn mức – và điều xảy ra là bà dính chặt vào những chu kỳ bất tận của cãi cọ, phàn nàn, trách mắng… mà không có khả năng để tuyên bố: “Đây là những điều tôi không thể chịu đựng và tôi sẽ không nhân nhượng nữa đâu”. Chính vì bà thực sự xác tín rằng bà không thể sống ngoài cuộc hôn nhân này với chồng bà, nên bà không thể có được sự lèo lái mạch lạc trong cuộc hôn nhân ấy.

Mẹ của Kristen thực ra cũng có đôi lúc đe dọa li dị, nhưng đó chỉ là những tối hậu thư được công bố do nóng nảy (“Khốn nạn! Nếu ông không bỏ được tật ấy, tôi sẽ bỏ ông!”) Thường những đe doạ như thế chỉ nhằm bộc lộ nỗi thất vọng và được bà dùng như những cố gắng cuối cùng thúc ép chồng bà sửa đổi. Trái lại, một lập trường có ấn định hạn mức được hình thành nhờ ở người ta chú tâm xem xét chính mình, nhờ ở người ta cảm thức sâu xa về những nhu cầu và những giới hạn chịu đựng của mình (cảm thức này là của mình chứ không giả tạo, vờ vĩnh hay vay mượn từ ai khác). Khi vạch ra hạn mức, ta không nhắm trước hết thay đổi hay khống chế người kia (mặc dù điều đó chắc hẳn cũng nằm trong mong muốn của ta) nhưng đúng hơn ta nhằm bảo toàn vị thế của mình, tính nhất quán của mình và sự vững mạnh của bản ngã mình. Không có một hạn mức nào “đúng” chung cho mọi cá nhân, song nếu ta không xác lập hạn mức thì mối quan hệ (với cha mẹ, con cái, đồng nghiệp, bạn hữu, người yêu, người bạn đời…) chắc chắn sẽ ngày càng rối rắm và lỏng lẻo hơn. Việc xác lập hạn mức vẫn cần thiết cả trong trường hợp ta tin rằng cung cách ứng xử của người kia là hệ quả của bệnh hoạn, của hoàn cảnh khó khăn, của những tố chất di truyền không tốt, của tính lười biếng, hay là do tà thần chi phối.

Trong ngót bốn chục năm trời, mẹ của Kristen đã cùng trình diễn với chồng một điệu nhảy vốn đòi phải trả những giá cao, và bà vẫn thầm nghĩ rằng mình đã “thử đủ cách”. Bỗng dưng bây giờ Kristen có được khả năng bứt ra khỏi nỗi hoang mang lo lắng về chứng nghiện rượu của bố – đồng thời cô minh định được một hạn mức liên quan đến việc uống rượu của bố và đến mối quan hệ giữa hai bố con. Sự kiện này đã làm rung chuyển tận gốc rễ những điều tin tưởng, những giả định và cung cách ứng xử của mẹ cô. Nó thách đố mẹ cô đối diện với sự thực rằng mọi sự đang như thế nào và mọi sự phải trở nên như thế nào. Nó khuấy động những cảm nghĩ sâu xa nhất của mẹ cô về mức độ trưởng thành của riêng bà.

Trước đây, ông bà ngoại của Kristen có một người con trai bị suy nhược tâm thần trần trọng và hai ông bà cụ đã dường như hy sinh cả cuộc sống mình cho người con ấy, chịu mòn mỏi tâm lực trong việc chịu đựng đủ thứ bướng bỉnh và mọi thái độ vô trách nhiệm của người con ấy – mà không hề xác định những vành đai giới hạn rõ ràng. Hai ông bà cụ cũng không thấy mình có thể làm gì khác (“chẳng lẽ chúng tôi vứt con trai mình ra ngoài đường?”) – họ chỉ biết oán trách anh ta (hay oán trách những gien di truyền của anh ta) đã làm họ mắc kẹt trong một cuộc sống bất hạnh. Sự trợ giúp chuyên môn và sự đỡ nâng của tập thể thời ấy không có sẵn cho hai ông bà cụ, còn những lời khuyên mà ông bà nhận được (“Tống cổ nó đi nếu nó làm ông bà phải quá khổ sở!”) thì chẳng ra làm sao cả!

Đến lượt mẹ của Kristen lặp lại khuôn mẫu ứng xử ấy – lần này với người chồng mình – và bà chấp nhận “thực tế” của gia đình (“không ai lại có thể vạch một hạn mức rõ ràng đối với một người thân của mình đang mắc bệnh”). Bằng việc sao lại nguyên khuôn mẫu ấy, bà có thể phủ nhận nỗi phẫn uất bị ức chế mà bà cảm thấy trong bầu khí gia đình cha mẹ mình, nỗi phẫn uất vốn đã hình thành và qui chiếu hoàn toàn về đứa em trai bệnh hoạn của bà. Bằng việc lặp lại nguyên khuôn mẫu ấy, bà đang tự chứng minh rằng hồi ấy gia đình cha mẹ bà cũng chẳng có thể làm gì khác hơn – bởi chẳng có cách nào khác hơn để mà áp dụng. Và ai cũng rõ, thật là một thách đố gai góc cho bất cứ ai trong chúng ta muốn vạch ra được những giới hạn, những qui tắc và những vành đai bất khả xâm phạm trong một lối ứng xử đã thành cứng nhắc – nếu như bố mẹ của chúng ta đã không đủ khả năng để vạch ra những giới hạn như thế với nhau, với chúng ta, và với các thành viên khác trong gia đình.

Càng hiểu rõ hơn về bức tranh toàn cảnh mở rộng nhiều thế hệ, chúng ta càng dễ nhận ra tầm mức vĩ đại của sự thay đổi mà Kristen đang thực hiện. Bất cứ thách đố nào đối với di sản ông bà để lại cũng đều chọc khuấy lên xúc động sâu xa. Quả thật dễ hiểu việc mẹ của Kristen bắt đầu âu lo trước thái độ mới của con gái bà và nỗi lo ấy bộc lộ qua việc bà chĩa hướng oán giận và trách móc về phía Kristen. Công việc của Kristen lúc này là phải khéo léo đương đầu với những phản ứng của mẹ mình sao cho vừa không cắt đứt mối liên lạc với mẹ vừa không để mình bị kéo lùi trở lại với lối mòn trước đây. Một thay đổi đích thực bao giờ cũng bao hàm công việc xử lý những lực phản kháng lại mình.

Chúng ta dễ có khuynh hướng ước mong sự thay đổi xảy ra với chỉ cần một điều chỉnh đơn giản nào đó của mình – nhưng sự thay đổi không bao giờ vận hành theo lối đó. Nó là cả một quá trình đòi hỏi chúng ta kiên trì hết sức có thể. Như trong câu chuyện của Kristen, sau cú gọi ấy cho cảnh sát, mọi người trong gia đình cô lồng lộn lên – và tất nhiên là Kristen gặp khó khăn rất nhiều để duy trì liên lạc với những người trong gia đình đang sừng sộ trách mắng cô hay đang làm mặt lạnh với cô. Tuy nhiên, nếu Kristen nghiêm túc muốn có sự thay đổi thiết yếu đích thực, cô cần phải tích cực tìm cách này hay cách khác dể duy trì mối liên lạc thích đáng với bố mẹ cô, chỉ lảng tránh bố mẹ một cách tạm thời thôi – và chỉ khi thật cần thiết thôi.

Nếu như Kristen giải quyết bằng cách cắt đứt hẳn liên lạc, thì chắc hẳn cô đã không xây dựng được một mô hình tương quan mới mẻ và tích cực hơn như thực tế cô đã làm được. Và nếu như hành động đối đầu của bố cô dẫn đến một hậu quả thật bi thảm (chẳng hạn ông gây tai nạn khi chạy xe và bị thương tích trầm trọng), thì nỗi lo lắng và áy náy trong lòng Kristen rất có thể sẽ làm rúng động và phá sản lập trường mới của cô – nếu như cô không tìm ra được cách nào đó có thể giữ vững một mối liên lạc đầy trách nhiệm. Cho dẫu trong thực tế nếu Kristen cứ theo mẫu ứng xử cũ thì rõ ràng nguy cơ ông bố gặp tai nạn bi thảm sẽ còn lớn hơn nhiều – song điều vừa nói trên kia không vì thế mà bớt đi tầm quan trọng của nó.

Nhưng điều quan trọng hơn cả – đó là khả năng duy trì mối liên lạc có trách nhiệm với các thành viên trong gia đình và xác lập một bản ngã vững mạnh trong cảnh vực này, nhờ đó ta có thể đi vào trong những tương quan mật thiết khác với một bản ngã vững chắc hơn. Trong trường hợp các mối quan hệ trong gia đình bị rách nát nghiêm trọng và nếu đã có sẵn những sự cắt đứt do các thế hệ trước truyền lại, việc tái tạo mối liên lạc sẽ là điều không dễ dàng. Nhưng lảng tránh hay cắt đứt quan hệ với người trong gia đình bao giờ cũng là một giá phải trả. Mối lợi mà ta thu được đó là mình có thể tránh những cảm nghĩ rất bực bội khó chịu chắc chắn dậy lên trong ta do sự tiếp xúc với những thành viên nào đó trong gia đình mình. Còn những giá mà ta phải trả thì không dễ nhận ra hơn, song cũng không hề rẻ hơn. Mối liên lạc trong gia đình, ngay cả khi các quan hệ này đang trong tình trạng rối rắm và gay cấn, vẫn là một yếu tố tiên vàn thiết yếu để ta giữ vững các mối quan hệ mật thiết của mình khỏi vướng các sự cố nghiêm trọng qua thời gian – và cũng để ta tránh được sự rối loạn và nông nổi quá độ. Ta càng giải quyết bức xúc bằng cách cắt đứt liên lạc với những người ruột thịt mình (kể cả với bà con thân quyến trong đại gia đình), thì ta sẽ càng đưa những bức xúc ấy vào trong các quan hệ khác – nhất là trong quan hệ với con cái mình. Trong một số trường hợp, ta có thể phải mất nhiều năm mới tìm được cách hàn gắn lại với một người thân nào đó, song nếu ta tiến được – dù chậm – trên chiều hướng hàn gắn chứ không phải trên chiều hướng cắt đứt nhiều hơn, chắc chắn sẽ có nhiều điều ích lợi cho chính bản thân ta và cho con cháu về sau nữa.

Câu chuyện của Kristen đã có một kết thúc có hậu – như tất cả chúng ta mong muốn. Mẹ của cô cuối cùng đã tìm cách chữa trị cho thái độ “cùng lệ thuộc” của bà. Ông bố đã thực sự nắm hiểu được vấn đề nghiện rượu của ông. Và mọi thành viên trong gia đình cô đã bắt đầu điều hợp các mối quan hệ của họ một cách tích cực hơn. Một kết cuộc như thế không khó xảy ra – song cũng không dễ. Điều đáng nói nhất trong câu chuyện này là không phải sự thay đổi của Kristen cuối cùng đã tạo ra những thay đổi tích cực nơi bố mẹ cô. Đúng hơn, Kristen đã xác lập một vị thế có trách nhiệm trong gia đình cô vì chính bản thân cô – một vị thế đã đặt cô trên nền móng vững chắc hơn để sẵn sàng đi vào mọi cuộc phiêu lưu trong các mối quan hệ và đó cũng là một vị thế tạo ra nhiều cơ hội nhất cho các thành viên khác trong gia đình có thể vận dụng khả năng của chính họ.

Đừng nóng nảy làm một cái gì đó – hãy từ từ!

Điều hữu ích nhất mà bạn có thể làm để hưởng ứng câu chuyện của Kristen là hãy chỉ suy nghĩ về nó thôi. Người ta vốn thường cố tạo ra những sự đổi thay mà họ chưa thật sẵnsàng để đón nhận, hoặc cố dàn xếp một vướng mắc nóng hổi trong khi còn chưa xử lý được ổn thỏa những vấn đề nhỏ hơn. Sau khi bạn đọc xong quyển sách này, bạn sẽ có nhiều khả năng hơn để xác định xem mình muốn thay đổi cái gì, thay đổi chỗ nào và lúc nào, và ngay cả xác định xem mình có mong muốn thay đổi hay không. Chắc chắn là không ai trong chúng ta lại muốn bắt đầu ở chỗ gay go nhất.

Câu chuyện của Kristen minh họa loại thay đổi khó khăn nhất. Tuy vậy, cần ghi nhớ rằng trong quá trình diễn tiến của câu chuyện ấy, Kristen có được lợi điểm là cô tham gia vào một nhóm tâm lý trị liệu và đồng thời là thành viên của một nhóm Những Người Con Lớn Của Cha Mẹ Nghiện Rượu. Việc minh định một lập trường mới với bố không phải là quyết định đột xuất của cô vào một ngày tình cờ nào đó. Đối với tất cả chúng ta, những thay đổi như vậy đòi phải có sự chuẩn bị chu đáo, phải lên kế hoạch, phải tập tành – và trong một số trường hợp, phải có sự giúp đỡ của giới chuyên môn nữa.

Dù sao, bạn cũng có thể dùng câu chuyện của Kristen như một bàn đạp để suy nghĩ về cách phản ứng của riêng bạn đối với một người tiêu cực thiếu trách nhiệm hoặc với một người thân nào đó có lối ứng xử thuộc loại không thể chấp nhận được. Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm về quá trình minh định một bản ngã trong các mối quan hệ – và vấn đề có hay không có một hạn mức xác định. Còn bây giờ, xin bạn đừng quên rằng điều cốt yếu trước nhất chính là lòng kiên nhẫn; dục tốc thì bất đạt!

Câu chuyện của Kristen còn có nhiều điều để ta suy nghĩ chứ không chỉ là vấn đề có mộtngười thân mắc chứng nghiện rượu mà thôi. Những thay đổi mà Kristen đã thực hiện đượcminh họa cuộc đấu tranh của cô để minh định rõ nét một bản ngã trong bối cảnh các mối quan hệ gia đình có nhiều bức xúc. Cuộc đấu tranh ấy cũng là cuộc đấu tranh của mỗi người chúng ta trong cả cuộc sống mình – và thật sự nằm ở trọng tâm cuộc sống mình. Và bởi vì chúng ta không thể níu giữ thời gian ngừng lại nên bao giờ ta cũng đang vận hành các mối quan hệ theo chiều hướng hoặc tăng thêm hoặc suy giảm ngã vị tính của mình.

Cuộc sống của mỗi người chúng ta sẽ xuôi chèo mát mái hơn nếu ta duy trì được mối tương giao thích đáng đối với những người thiết thân của mình, nếu ta có thể lắng nghe họ mà không hề cố thay đổi , thuyết phục hay điều chỉnh họ; và nếu ta có thể điềm tĩnh nói lên các quan điểm của mình một các đầy cân nhắc suy xét chứ không phải một cách bộc trực nông nổi. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta có thể xử lý một khó khăn hệ trọng (trong trường hợp của Kristen thì đó là tật uống rượu của bố cô) và có thể xác lập một lập trường rõ ràng – hơn là khư khư làm thinh hoặc cằn nhằn trách móc. Cuộc sống của mỗi người chúng ta sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta đưa ra được một hạn mức rõ rệt (“tôi không thể và không bằng lòng sống với những thái độ ấy của bạn”) chứ không phải bằng cách này cách khác tỏ ra rằng mình “chấp nhận hết mọi sự”. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu ta có thể trao đổi trực tiếp với những người thân có vấn đề gay cấn nhất với mình hơn là nói này nói nọ về họ với những người khác. Và cuối cùng, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta có thể ngừng bứt rứt ưu tư về vấn đề của người khác và thay vào đó biết dồn năng lực vào việc minh định những quan điểm, niềm tin, giá trị và những điều ưu tiên của mình – đồng thời biết vạch ra những kế hoạch và những mục tiêu cuộc sống ăn khớp với các quan điểm, niềm tin, v.v… ấy.

Câu chuyện của Kristen minh họa một số phương diện thiết yếu liên quan đến việc xác lập một bản ngã. Song vẫn còn nhiều phương diện khác nữa. Việc xác lập một bản ngã trọn vẹn và đích thực còn bao hàm việc chia sẻ cả mặt tích cực thái quá lẫn mặt thụ động bất cập của chúng ta với những người trong hàng thiết thân của mình – chứ không phải là lao vào những cuộc đối đầu trong đó chúng ta cứ đổ dồn chú ý đến các vấn đề của người khác mà không hề chia sẻ các vấn đề của bản thân mình. Mọi người, không trừ ai, đều có những điểm mạnh, những mặt hay cũng như những điểm yếu, những mặt dở; và phần lớn chúng ta đều cảm thấy khó khăn trong việc nhận ra và trình bày cả hai mặt ấy. Sẽ càng khó khăn hơn khi cuộc đối đầu giữa người ôm đồm và người tắc trách đã hình thành và leo thang tới mức thái độ của bên này chỉ có tác dụng kích động và gia cố thêm cho thái độ của bên kia.

Thật khó biết bao việc Kristen nghĩ đến việc chia sẻ khía cạnh tiêu cực tắc trách nào đó của cô với bố cô (chẳng hạn: “bố ạ, con đang có vấn đề này và con muốn được bố góp ý”) – điều ấy cũng khó không kém việc bố cô biết vận dụng khả năng của ông để ngừng uống rượu. Việc sửa đổi lối ứng xử tích cực thái quá cũng hết sức cam go – và những hậu quả tai hại của thái độ này thường rất kín ẩn. Tuy nhiên, vì ích lợi của chính bản thân chúng ta và của những người thân của mình, đó chắc chắn cũng là sự thách đố đáng để ta dành quan tâm suy nghĩ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.