Vũ Điệu Của Sự Mật Thiết

CHƯƠNG II: SỰ THÁCH ĐỐ THAY ĐỔI



Cốt lõi chủ đề mà quyển sách này bàn đến là sự thay đổi. Điều tôi mong muốn không phải là bạn sẽ nắm được một bảng liệt kê các phương pháp kỹ thuật để “đạt được thân thiết”, nhưng đúng hơn tôi mong bạn có thể nhận thức được các động lực thay đổi nhiều hơn mức mà bạn vốn hình dung.

Tại sao phải thay đổi? Vì chỉ với nỗ lực phát triển và minh định lại bản ngã trong các tương quan thiết yếu của mình, ta mới thực sự có thể tăng cường khả năng mật thiết của chúng ta. Rõ ràng không có con đường nào khác.

thay đổi hay không thay đổi

Trong xã hội đang chuyển biến rất nhanh của chúng ta hiện nay, có thể kể ra chỉ hai điều sẽ không bao giờ thay đổi. Hai điều ấy là: ý muốn thay đổi và nỗi sợ thay đổi. Chính ý muốn thay đổi thúc đẩy chúng ta kiếm tìm sự trợ giúp. Và rồi chính nỗi sợ thay đổi thúc đẩy ta chống cưỡng lại sự trợ giúp mà mình kiếm tìm.

Có câu chuyện kể về một bác nông dân nọ ở New England được mời tham dự một hội nghị sắp diễn ra tại trụ sở hội đồng thị trấn. Người nông dân hỏi:

– Tại sao tôi cần phải tham dự cuộc họp ấy? Đi họp như vậy sẽ được ích gì không?

– À, người ta sẽ giúp bác biết cách để trở thành một nhà nông giỏi hơn.

Trước một câu trả lời đầy nhiệt tình như vậy, người nông dân ra chiều đăm chiêu trong giây lát. Cuối cùng, ông phân bua:

– Tôi cần gì phải học cách trở thành nhà nông giỏi hơn khi mà hiện nay tôi chưa được giỏi đủ theo chính những phương pháp mà mình đã biết!

Tất cả chúng ta đều có những cảm nghĩ hết sức nhập nhằng về sự thay đổi. Ta tìm học khôn nơi người khác trong khi chưa dùng hết cái khôn sẵn có của mình – và rồi chống cưỡng không chịu vận dụng cái khôn mà mình học được, thậm chí dù ta đang bỏ tiền ra để học nó. Ta làm thế không phải vì điên khùng hay hèn nhát, nhưng vì cả hai đàng – ý muốn thay đổi và ước ao giữ mọi thứ nguyên như cũ – cả hai đều có lý do để cùng tồn tại. Cả hai đều thiết yếu cho sự lành mạnh tâm cảm của chúng ta và đều đáng được ta dành lưu tâm và trân trọng như nhau.

Một sách lược bảo thủ

Tôi vốn không hay sử dụng từ “bảo thủ”, nhưng chính từ này mới lột tả rõ nhất điều tôi nghĩ đối với sự thay đổi của mỗi con người. Trong khi chúng ta phấn đấu để thay đổi, chúng ta cũng đồng thời phấn đấu để giữ lại những gì giá trị nhất và quen thuộc nhất trong bản ngã mình. Và trong một xã hội mà chúng ta thường xuyên bị thúc ép phải cải thiện, hiện thực hóa và kiện toàn bản ngã mình – có lẽ nên đặt vấn đề tại sao ta lại phải thay đổi và ai trách nhiệm việc thiết định đường hướng đổi thay.

Chúng ta thường mong ước dứt bỏ một phần nào đó thuộc bản ngã mình – như cắt bỏ một cuống ruột thừa đang nhiễm trùng và gây đau đớn vậy – mà không nhận ra những khía cạnh tích cực của một tính cách hay thái độ “tiêu cực” đặc thù nào đó. Ít có cái gì “hoàn toàn tốt” hoặc “hoàn toàn xấu”. Tôi nhớ lần nọ cách đây nhiều năm, trong một cuộc họp mặt của một nhóm chị em phụ nữ, sau khi đã hơi thấm chất men của bữa liên hoan, chúng tôi từng người đi quanh một vòng để bộc bạch những gì mình thích nhất và những gì mình ít thích nhất về nhau. Thật thú vị làm sao! những cái được gọi là “hay nhất” và “dở nhất” gán cho mỗi người rốt cục cũng chỉ là một mà thôi, hay nói chính xác hơn, chúng chỉ là những biến tướng khác nhau của cùng một gốc chung. Chẳng hạn, nét khó ưa nhất của một chị là khuynh hướng muốn được nổi bật hơn các thành viên khác trong nhóm, thì điều được ưa thích nhất nơi chị ấy chính là sự năng nổ và tính cách vui nhộn của mình. Nơi một chị khác, điều khó ưa là tính cách thiếu thẳng thắn và thiếu cởi mở tự nhiên, trong khi đó chị được đánh giá cao về lòng từ tâm, sự tế nhị và thái độ tôn trọng cảm nghĩ của người khác. Một chị khác nữa – bị phê phán về tính bướng bỉnh và thái độ thiếu khoan nhượng – lại rất được ngưỡng mộ về khả năng xác định các mục tiêu và khả năng tranh thủ các mục tiêu ấy. Các trường hợp khác cũng tương tự như thế. Và đó là buổi chiều mà tôi bắt đầu có được sự trân trọng hơn đối với bản chất không tách rời của các mặt mạnh và mặt yếu nơi người ta. Những mặt mạnh và những mặt yếu không đối lập nhau, chúng được đan kết từ cùng một sợi như nhau.

Kinh nghiệm nói trên cũng đã giúp củng cố một chiều hướng mà tôi đang triển khai trong nghề nghiệp chuyên môn của mình. Hồi mới chân ướt chân ráo vào nghề trị liệu tâm lý, tôi nghĩ rằng công việc của mình là giúp các bệnh nhân dứt bỏ một số tính khí nào đó của họ – chẳng hạn tính ương ngạnh, lầm lì, tính hay đòi hỏi, hay chống đối, hoặc bất cứ tính cách ứng xử nào xem ra đang làm cho cuộc sống của họ (hoặc công việc của tôi) gặp khó khăn đáng kể. Hoặc giả tôi gợi ý cho người này trở nên gần gũi với bố hơn, người kia độc lập với mẹ hơn, hoặc thêm (hay bớt) tham vọng, vị kỷ, khép kín, tự tin… hơn. Tuy nhiên, tôi khám phá ra rằng sẽ hữu ích hơn nhiều nếu tôi có thể nhận ra và trân trọng các khía cạnh tích cực của những gì vốn được thấy như là tiêu cực nhất. Nghịch lý làm sao, chính sự trân trọng ấy đã giúp cho các bệnh nhân của tôi đi vào cuộc đổi thay một cách thong dong thoải mái hơn.

Các vấn đề phục vụ cho một mục đích

Về sau, trong nghề nghiệp mình, tôi bắt đầu nghiên cứu về các gia đình. Và tôi càng lưu tâm nhiều hơn đến vấn đề bằng cách nào mà những lối ứng xử tiêu cực lại thường đóng vai trò quan trọng và tích cực – ngay cả khi những lối ứng xử này đẩy kẻ khác ra xa hoặc làm họ bức xúc. Như câu chuyện sau đây là một ví dụ:

Bé gái Judy, bảy tuổi, được bố mẹ đưa đi trị liệu tâm lý vì em có những cơn cáu bẳn bất chợt và mắc chứng đau dạ dày, em đang bộc lộ rất nhiều tính cách kỳ cục. Gia đình kết luận rằng em “có vấn đề”, rằng em bị bệnh và cần phải được chữa trị. Bố mẹ bé Judy hy vọng tôi có thể sửa chữa được em và giúp loại trừ khỏi em những thái độ hung hăng quấy quá.

Sau khi hỏi han cặn kẽ để tìm hiểu, tôi biết rằng các vấn đề của Judy đã bắt đầu ít lâu sau cái chết của ông nội em – người mà em rất mực gắn bó. Gia đình em không làm gì để xử lý sự mất mát này, thậm chí không nói nhiều đến nó. Thêm vào đó, bố của Judy trở nên ngày càng trầm mặc và suy sụp tinh thần hơn kể từ cái chết của thân phụ ông. Càng ngày ông càng tỏ ra xa cách hơn đối với cả vợ và con gái – cùng với tình trạng suy sụp rõ ràng nơi ông, điều mà không ai đề cập đến – tất cả đã đặt mọi người vào một cảnh rất phiền não. Tuy thế, về phần mẹ của Judy, bà không minh nhiên nhìn nhận rằng mình đang ưu tư về chồng mình và về mối quan hệ lạnh lùng giữa vợ chồng. Thay vào đó, bà đổ dồn chú ý đến con gái mình nhiều hơn.

Judy thường hay “nổi cơn” nhất vào những khi nào? Từ những yếu tố tổng hợp được, tôi biết rằng đó là những khi mà sự xa cách của cha và nỗi lo lắng của mẹ đối với em lên tới mức không thể chịu đựng được nữa. Và sau mỗi lần Judy nổi cơn cáu bẳn như vậy thì kết quả gì xảy đến? Người bố lạnh lùng của em bị lôi trở lại với gia đình (và được giúp đỡ để biết bực tức hơn là buồn nản), bố mẹ em có thể xích lại với nhau, hiệp nhất với nhau – dù chỉ tạm thời – qua việc cùng quan tâm tới đứa con gái của họ.

Thái độ của Judy, cách nào đó, chính là một cố gắng để giải quyết một vấn đề gia đình. Thái độ đó cũng phản ảnh mức độ ưu phiền của gia đình này vào những thời điểm đặc biệt căng thẳng trong cuộc sống của họ. Rất thường khi, những gì chúng ta gọi là “vấn đề” cần được thay đổi hay điều chỉnh thì kỳ thực chẳng phải là vấn đề gì cả. Như vậy, chuyện của Judy cho thấy, người ta thậm chí có thể nỗ lực một cách lạc hướng trong việc tìm giải pháp. Và cái gọi là “giải pháp” mà ta hay người khác áp dụng chỉ càng hình thành và gia cố thêm chính cái vấn đề mà ta đang muốn điều chỉnh, (như trong câu chuyện của Judy, giải pháp của bố mẹ em là tập trung chú ý đến em nhiều hơn và bớt chú ý hơn đối với các vấn đề của chính bản thân họ).

Những thay đổi nho nhỏ

Dùng một phương thức dè dặt để thay đổi con người mình cũng hàm nghĩa rằng chúng ta chấp nhận tiến triển từ từ và đồng thời chấp nhận rằng những bước tiến của mình sẽ có kèm theo những sai trật và nản chán không tránh khỏi. Việc suy nghĩ chi li sẽ cho ta cơ hội để quan sát và kiểm tra tác động của mỗi thái độ ứng xử mới trên một hệ thống tương quan, và để đón nhận các ích lợi và các đòi hỏi của sự thay đổi. Nó cũng giúp giảm trừ bớt khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là vào cuộc một cách đầy khí thế để rồi buông xuôi hoàn toàn khi những hệ quả đầu tiên xảy đến không đúng như mình mong muốn.

Lần nọ một thân chủ của tôi báo rằng cô sẽ dành kỳ nghỉ sắp tới để tiếp cận cha cô nhằm cố “xuyên thủng bức tường sừng sững” của ông để trở nên thân mật với ông hơn. Tôi nghi rằng cô ta sẽ không thành công. Dù thực tình tôi không biết chính xác việc “xuyên thủng bức tường sừng sững” của ông bao hàm cái gì, tôi vẫn không cảm thấy ngạc nhiên khi cô trở về với vẻ đầy bực mình và thất vọng.

Rất có thể kết quả sẽ khác đi nếu cô bớt tham vọng hơn và biết vạch một kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu của mình. Ví dụ, cô có thể dàn xếp để có một lúc nào đó chỉ hai cha con với nhau, hoặc để uống cà phê hoặc để đi bách bộ dăm ba phút. Vì cô và cha cô không bao giờ được lúc nào một mình với nhau trong suốt kỳ nghỉ của gia đình, nên một khoảnh khắc như vậy tự nó sẽ là một thay đổi lớn, ngay cả dù hai cha con không nói chuyện gì khác hơn ngoài chuyện thời tiết. Và giả như cha cô tỏ ra đề kháng nỗ lực của cô, thì cô sẽ hiểu rằng cô cần phải bắt đầu bằng một cách nào đó tế nhị hơn nữa.

Từ một quan điểm dè dặt hơn, dễ thấy rằng cô thân chủ của tôi không nên thực hiện bất cứ một tác động nào quá sớm cho đến khi cô đã dành đủ thời giờ để có được thái độ điềm tĩnh hơn và ít phiền trách hơn về khoảng cách giữa cô và cha cô. Có lẽ cô đã tạo ra một cuộc đối mặt mà trong vô thức cô hiểu rằng sẽ chẳng giải quyết được gì, bởi vì chính cô cần củng cố khoảng cách giữa mình và cha mình, đồng thời cô tự xem mình như là một người dễ gần gũi. Trong bất luận trường hợp nào, việc xuyên phá bức tường sừng sững của một ai đó đều phải là một quá trình tác động từ từ và suy nghĩ chín chắn.

Trong các mối tương quan thiết yếu, sự thay đổi đích thực ít khi đến xuyên qua việc đối đầu kịch liệt. Trái lại, sự thay đổi đúng nghĩa thường là kết quả của một quá trình suy nghĩ cặn kẽ và hoạch định những bước tác động vừa tầm dựa trên sự nhận hiểu vững chắc về vấn đề – gồm cả phần mình trong đó nữa. Làm sao có thể trở thành tác nhân thay đổi được nếu chúng ta cứ nhắm mắt nhắm mũi mà nhảy bừa!

Mãi còn cái bất biến

Dĩ nhiên, sẽ là điều hay nếu chúng ta có thể thực hiện những đổi thay lớn một cách nhanh chóng. Các em bé có một khả năng thay đổi và phát triển phi thường như thế, và chúng ta nên tự hỏi tại sao người lớn mình lại không thể giữ được khả năng ấy. Hồi tôi mới cho ra mắt quyển sách đầu tay của mình, cu Ben, con trai nhỏ của tôi, được sáu tuổi, có lần tôi nghe lóm cu cậu khoe với một nhóc bạn: “Ê, bồ có biết không, mẹ tớ đã viết một quyển sách cho cả đời tớ đó!” Điều ấy quả không sai. Và trong suốt thời gian mà tôi hoàn thành được một lượng công việc xem chừng khá lớn ấy thì về phần Ben, cu cậu đã làm những gì? Từ một bản ngã được hình thành rất thô sơ với khả năng ngôn ngữ, cử động, nhận hiểu đều hết sức giới hạn, cu cậu đã chuyển thành một nhân cách rõ rệt của đứa trẻ lên sáu hiểu biết ít nhiều về những công việc bên trong của ngành xuất bản New York. Đó, thay đổi là thế đó!

Sau đó, trong cùng buổi chiều, tôi và một người bạn đã trò chuyện với nhau và cùng cảm thấy rằng sẽ tuyệt diệu biết bao nếu người lớn mình không đánh mất khả năng học hỏi và thay đổi phi thường ấy. Thực ra, đó có thể chỉ là một ác mộng thôi, nếu bạn thực sự nghĩ kỹ hơn về điều đó. Căn tính của ta, cảm thức của ta về sự liên tục và sự ổn định trong thế giới này, và tất cả những tương quan thiết yếu của ta đều có được là do bởi ta nắm được đáng kể tính thường hằng, tính có-thể-dự-đoán, và tính bất biến của sự vật. Nếu sau ba năm xa vắng bạn ghé về thăm cha bạn, hẳn là bạn chắc mẩm ông cụ sẽ vẫn còn là con người như thế như thế… như ông từng vẫn thế – cho dầu bạn không thích ông là “con người như thế” mấy đi nữa. Thật vậy, bạn có thể chắc mẩm điều ấy đến nỗi bạn không nhận ra và không tin một số thay đổi thực nơi ông suốt thời gian qua.

Mặt khác, thay đổi là điều tất yếu và thường hằng. Dù ta có cố chống chọi sự thay đổi, dù ta có cố giữ kim đồng hồ đứng lại hoặc cố nhìn đời như cái gì tĩnh tại (“một ngày nào đó khi tôi có được nhà cửa, công việc làm, thân thể, cá tính đúng y như tôi muốn… tôi sẽ khỏe re!”) thì chúng ta vẫn luôn luôn tiến hóa và luôn luôn điều khiển bước chân mình trong điệu nhảy “slow” mà ta nhảy với chính mình và với kẻ khác: tới lui, lui tới giữa ý muốn thay đổi và ý muốn đừng thay đổi, giữa ý người khác muốn ta thay đổi và sự lo lắng phản kháng của họ khi mình thay đổi, giữa ước mơ thân mật gần gũi khi mình cảm thấy trống trải chơ vơ và nhu cầu có một khoảng cách khi “sự gắn bó” trở nên quá gò bó hay ngột ngạt.

Khi mối tương quan bị mắc kẹt

Sự thách đố thay đổi lên tới mức quyết liệt nhất khi một mối tương quan nào đó hóa thành nguồn cơn tiêu cực và nản chán – và khi mọi cố gắng của ta nhằm điều chỉnh sự việc chỉ làm cho sự việc ra tệ hại hơn. Đó chính là những lúc mà ta sẽ đặc biệt chú ý đến các mẫu ví dụ sẽ kể sau đây. Các mối tương quan bị mắc kẹt này thường là ở dạng “quá gắn chặt” và/hay “quá hời hợt”, không cho phép người ta đạt được sự mật thiết thực sự.

Quá gắn chặt nghĩa là một bên đổ dồn chú ý thái quá vào bên kia, với đầy phiền trách hay lo lắng, hay với sự cố sức điều chỉnh uốn nắn bên kia. Cũng có thể là hai bên đều đổ dồn chú ý thái quá vào nhau và không bên nào chú ý đủ đến bản thân mình. Quá hời hợt nghĩa là không có mấy sự gần gũi và chia sẻ thực về bản ngã thực của mình trong mối tương quan. Những vấn đề quan trọng được xử lý ngầm hơn là được mổ xẻ chính thức và công khai với nhau. Rất nhiều mối tương quan hời hợt cũng đồng thời là gắn chặt – bởi vì hời hợt cũng là một cách để người ta giữ sự chặt chẽ. Nếu bạn không gặp người chồng cũ của bạn trong năm năm nay và nếu bạn không thể nói chuyện với anh ta về con cái mà không níu chặt lấy anh – thì đó là bạn đang có một tương quan rất gắn chặt đấy!

Một khi một mối tương quan lâm vào thế kẹt, động lực thay đổi sự việc sẽ không đủ để làm thay đổi nó. Vì một đàng, chúng ta dễ bị quá dằn vặt bởi những cảm xúc mạnh đến nỗi không thể suy nghĩ một cách rõ ràng và khách quan về vấn đề đang xảy ra, bao gồm cả phần của chính mình trong đó. Khi quá gắn chặt với một người, chúng ta phản ứng (thay vì quan sát và suy nghĩ), ta đổ dồn chú ý vào người kia (thay vì là xem xét chính mình), ta thấy mình ở vị thế đối cực không thể nhìn ra gì ngoài một mặt của vấn đề và không thể tìm được những cách thế mới để tác động thay đổi. Chúng ta dễ lèo lái các mối tương quan theo hướng sao cho trước mắt giảm bớt phiền não của mình, song cũng đồng thời làm cùn nhụt khả năng đạt được sự mật thiết của mình trong dài hạn.

Hơn nữa, chúng ta có thể vừa khao khát mãnh liệt thay đổi vừa không ý thức được đâu là nguồn cội thực sự của mối phiền não vốn đang gây ra sự cố cho mối tương quan và đang làm tắc nghẽn con đường mật thiết. Chúng ta chúi mũi vào chỉ một tương quan nào đó, còn nguồn gốc của vấn đề thì không được ta chú ý đến hoặc không muốn chú ý đến. Ta giống như nhân vật trong câu chuyện mang tính ẩn dụ nọ: do say xỉn, đánh mất xâu chìa khóa trong hẻm, song lại dáo dác tìm kiếm ngay dưới cột đèn chỗ đường rộng, vì chỗ này… sáng hơn! Chẳng hạn như trường hợp của Judy, tính cách của em được xác nhận là “có vấn đề”, nhưng sự rối rắm trong gia đình thì kỳ thực do bởi một mất mát thiết yếu. Tất cả quan hệ gia đình trở thành lỏng lẻo vì người ta không thể đề cập đến cái chết của ông nội và không thể xử lý nỗi mất mát do cái chết ấy.

Nếu chúng ta đang trải qua một giai đoạn đặc biệt khổ sở trong một mối tương quan, thì chính mối tương quan ấy là cái ta muốn đề cập tới và muốn thay đổi. Ước muốn dồn chú ývào chỗ đau là điều xem ra tự nhiên và dễ hiểu thôi, có điều là đôi khi ta thấy không cần phải xem xét gì thêm. Trong khi đó, một sự cố xảy đến với một mối tương quan nào đó thường là hệ lụy của nhiều yếu tố không xác định – của quá khứ và của hiện tại – trong một cảnh vực khác. Đôi khi bạn không thể đạt được mật thiết hơn với chồng hay bạn trai bạn cho tới khi nào bạn đã giải tỏa được một điều gì đó với cha mình, đã đạt được một vị thế mới với mẹ mình, đã đổi được vai trò mình trong một mẫu gia đình cũ kỹ, hoặc đã tìm hiểu nhiều hơn về cái chết của một ông cậu mình.

Trong tập sách này, chúng ta sẽ đào sâu để hiểu những mối tương quan bị lâm thế kẹt – bằng cách dõi theo những bước chân đầy ý nghĩa mà một số chị em đã thực hiện để hướng tới một bản ngã vững vàng hơn và một mối tương giao mật thiết hơn với người khác. Ta sẽ nhận ra rằng việc đổi thay bất kỳ vấn đề tương quan nào cũng tùy thuộc trực tiếp vào khả năng của ta trong việc điều hợp bản ngã mình nhiều hơn trong mối tương quan ấy. Nếu không có được một “cái tôi” rõ rệt, toàn vẹn và riêng biệt, thì các mối tương quan chắc chắn sẽ trở thành quá gắn chặt, quá hời hợt, hoặc đong đưa giữa hai thái cực ấy. Mong muốn thân tình gần gũi, nhưng ta lại trở thành những tác nhân thiếu kiến hiệu và rất quờ quạng trong nỗ lực đổi thay, tuần này ta lồng lộn kêu ca, tuần sau ta lạnh lùng co rút – chẳng có phản ứng nào trong các kiểu ấy có thể đem lại điều gì mới mẻ. Không có một “cái tôi” rõ rệt, ta sẽ phản ứng thái quá đối với những gì mà người kia đang làm cho ta, hay không đang làm cho ta – để rồi rốt cuộc ta cảm thấy mình vô tích sự và bất lực trong việc minh định một vị trí mới cho mình trong mối tương quan.

Xã hội chúng ta rất nhấn mạnh việc phát huy “cái tôi”. Những từ ngữ như “tự trị”, “độc lập”, “tính cách riêng”, “đích thực” và “ngã vị” là những từ ngữ rất được ưa dùng nếu không muốn nói là những mục tiêu có tầm phổ quát. Tuy nhiên, có quá nhiều ngộ nhận về ý nghĩa thực của các từ ngữ ấy, về vấn đề ai phải trách nhiệm định nghĩa chúng, và về cách thế nào ta có thể lượng giá và cải thiện chỗ đứng của mình trên “nấc thang ngã vị”. Vì sự mật thiết đúng nghĩa phụ thuộc nghiêm ngặt vào công cuộc này của “bản ngã” – nên chúng ta rất cần có một khảo sát cặn kẽ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.