Vũ Điệu Của Sự Mật Thiết

CHƯƠNG X: MẸ TÔI / BÀ NGOẠI TÔI / VÀ TÔI



Trước tiên so với mọi tư cách khác, chúng ta là con gái của mẹ mình. Mối quan hệ với mẹ là một trong những mối quan hệ có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất cuộc đời ta – và đây là mối quan hệ không bao giờ đơn giản. Ngay cả dù chúng ta phải bị cách ly khỏi mẹ từ lúc mới lọt lòng – hoặc về sau này, do mẹ qua đời hay do hoàn cảnh nào đó – thì vẫn có một mối ràng buộc chặt chẽ và không thể giải thích được nối kết giữa con gái và mẹ, giữa mẹ và con gái.

Cả khi ta đã trưởng thành, mối quan hệ giữa ta với mẹ có thể vẫn còn rất phức tạp. Ta có thể vẫn còn trách móc mẹ, vẫn còn cố gắng thay đổi hay điều chỉnh bà – hoặc vẫn còn lảng tránh bà về mặt tâm cảm. Ta có thể trở nên hoàn toàn xác quyết rằng mẹ mình “sao mà kỳ quá”, ta nghĩ mình đã thử đủ cách để cải thiện tình hình nhưng xem ra chẳng có cách nào đem lại kiến hiệu.

Vậy thì, vấn đề nằm ở đâu?

Vấn đề nằm ở chỗ: tất cả những điều ấy là dấu hiệu rõ ràng cho thấy ta đang vướng bế tắc trong mối quan hệ cốt yếu này. Đó là những dấu hiệu cho biết rằng chúng ta chưa ngã ngũ được cho mình một vị thế độc lập khỏi mẹ, cũng chưa hoàn toàn chấp nhận vị thế độc lập của mẹ đối với mình. Bao lâu ta còn tiếp tục trách móc mẹ, bấy lâu ta không thể thực sự chấp nhận bản ngã mình. Bao lâu ta còn chiến đấu hay lảng tránh mẹ, bấy lâu ta đang bộc trực phản ứng chứ không phải là đang dàn xếp nỗi gay cấn trong mối quan hệ này. Và nếu không khuôn đúc được cho mình một bản ngã vững vàng và sắc nét trong quan hệ với mẹ mình, thì làm sao ta có được một bản ngã độc lập và sắc nét để đi vào những mối quan hệ quan trọng khác. Như chúng ta đã thấy, bất cứ vấn đề nào còn bỏ ngõ chưa giải quyết trong gia đình gốc của mình cũng sẽ ngầm ẩn lại đâu đó – và rồi trào lên ở một chỗ khác, đặt ta vào thế bất ổn và dễ đụng chạm với người khác.

Bằng cách cố gắng ổn định mối tương giao với mẹ mình, ta có thể đưa vào mối quan hệ này một bản ngã phong phú hơn và đồng thời có thể học biết cách trân trọng “bản ngã độc lập” của người phụ nữ mà ta gọi bằng mẹ ấy. Người ta thường nói nhiều đến chuyện người mẹ gây cản trở cho khả năng tách biệt và độc lập của con gái bà. Ít người chú ý đến vấn đề rằng con gái khó cảm nhận mẹ mình như một người khác tách biệt khỏi mình, không giống như mình, với lịch sử cuộc đời riêng tư khác hẳn với mình.

Trong những trang sau đây, chúng ta sẽ theo dõi những thay đổi mà một phụ nữ – tên là Cathy – đã thực hiện được trong mối quan hệ với mẹ của chị. Câu chuyện của Cathy – cũng như những câu chuyện của các phụ nữ khác mà tôi đã chia sẻ – sẽ minh họa cái tiến trình chuyển biến hướng tới một sự mật thiết trưởng thành hơn qua đó chúng ta có thể minh định bản ngã mình và biết tôn trọng sự độc lập tâm cảm của người khác. Một khi đã khảo sát tiến trình này một mức đủ sâu, cuộc giằng co của Cathy sẽ giúp ta đúc kết và đánh giá lại đúng mức tính phức tạp của cuộc thay đổi và nhờ đó ta có thể suy nghĩ nhiều hơn về những mối quan hệ của bản thân mình.

Cathy và mẹ

“Thật không thể chịu đựng nổi mẹ tôi”, Cathy kết luận như thế sau khi kể lại những gì diễn ra trong một buổi tối mới đây tại nhà bố mẹ chị. Chị tiếp: “Mẹ tôi khư khư cố chấp. Bà chẳng bao giờ chịu lắng nghe ý kiến của tôi”.

“Chị hãy cho biết chị đang muốn bà ấy lắng nghe chị về điều gì?”, tôi hỏi – bởi vì Cathy là một thân chủ mới và tôi chưa biết nhiều về gia đình chị.

“Trước hết – Cathy trả lời – có một mớ chuyện khiến tôi bực mình đã từ lâu rồi, và tôi muốn dàn xếp cho xong. Tôi nghĩ rằng mình cứ nói thẳng ra thì tốt hơn là cố đè nén lại trong lòng mình”.

Cathy ngừng một chút để lấy hơi, rồi nói tiếp – với chất giọng đầy ngán ngẩm: “Mẹ tôi không bao giờ biết xem xét đến nỗi bực bội của tôi! Mỗi lần tôi nêu với bà một lời than phiền chính đáng nào đó, bà thường chỉ gật gù qua loa và rồi bao giờ rốt cuộc bà cũng chỉ trích tôi. Tôi muốn giải thích nhưng chẳng bao giờ có thể giải thích được cạn lời với bà”.

“Thế chị đang cần giải thích cho mẹ chị về điều gì?”, tôi hỏi – để nhắc cho Cathy rằng chị vẫn chưa trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi khi nãy.

“Trước hết, đó là chuyện Dennis – cậu em trai tôi – đang học hành lem nhem ở trường, và mẹ tôi lúc nào cũng hạch hỏi nào là phải chăng cậu ấy đang dính vào ma túy – nào là cậu ấy đi làm gì với chúng bạn mãi tới nửa đêm mới về. Đó là một trong những chuyện mà tôi muốn góp ý với bà. Rồi, còn chuyện bà cư xử với bố nữa – bà giành lấy quyền quyết định mọi sự thay cho bố. Cuối cùng, bà luôn luôn can thiệp vào cuộc sống của tôi, nhất là kể từ khi tôi ly hôn. Lúc nào bà cũng lo lắng về Jason – con trai tôi. Bà cứ nhắc đi nhắc lại rằng tôi phải cầu nguyện với Chúa Giêsu. Nói tóm lại, bà muốn nắm toàn quyền kiểm soát mọi chuyện và mọi người – và cả gia đình phải khổ vì điều đó”.

“Còn gì nữa không?”, tôi hỏi – tỏ ý sẵn sàng nghe chị nói thêm nữa.

“À – Cathy trả lời – đó là những điểm chính yếu mà tôi muốn đề cập hôm nay. Tất nhiên là còn nhiều chuyện khác nữa. Chuyện về mẹ tôi thì kể cả đời cũng không hết được!”

Những điều phiền trách của Cathy chẳng có gì lạ. Là một chuyên viên tâm lý trị liệu, tôi đã nghe biết bao phụ nữ kể với mình những điều phiền trách như thế – không thể nhớ là đã bao nhiêu lần và bằng bao nhiêu hình thức. Và Cathy – cũng như rất nhiều người trong chúng ta – đang tiến hành một lối quan hệ với mẹ chị chỉ có tác dụng củng cố tình hình như nó vốn đang diễn ra. Chị trách mẹ chị rằng bao nhiêu vấn đề rắc rối của gia đình là do bởi một mình bà gây ra. Chị tự coi mình là chuyên viên đang nắm hiểu cách thế mà mẹ mình phải áp dụng để chỉnh đốn các mối quan hệ của bà (chẳng hạn quan hệ với bố và với em trai chị). Và phản ứng của Cathy đong đưa giữa một bên là nín thinh và lảng tránh – còn bên kia là cãi cọ và trách móc. Như chúng ta đã thấy, những lối phản ứng ấy luôn kềm giữ ta trong thế kẹt, bởi vì các vấn đề sẽ không bao giờ được dàn xếp một cách tích cực, những lề lối phản ứng cũ sẽ không thay đổi và sự mật thiết là điều sẽ không bao giờ xảy ra.

Mẹ là người trách móc và mẹ là người áy náy

Cathy – cũng như mọi người chúng ta – đã tiếp cận mẹ mình với những ý hướng tốt lành nhất. Chị không cố ý trách móc mẹ và càng không muốn xúc phạm bà. Như Cathy cho biết, chị đương đầu với mẹ bởi vì muốn tạo cơ sở cho một mối quan hệ tốt đẹp hơn và đồng thời cũng vì chị muốn trợ giúp bà giải quyết các vấn đề khác trong gia đình.

“Làm sao chị biết chắc là mẹ chị không thể nghe bất cứ ý kiến nào của chị?”, tôi hỏi Cathy – một câu hỏi có vẻ quá sớm, bởi vì Cathy xem chừng vẫn còn rất hậm hực với mẹ chị đến nỗi thật khó hy vọng chị có thể điềm tĩnh ngẫm nghĩ lại mối quan hệ gay cấn ấy của mình – và nhất là suy nghĩ về phần trách nhiệm của chị trong việc điều hợp lại mối quan hệ ấy.

“Bởi vì mẹ tôi rất cố chấp. Bà luôn luôn nghĩ rằng tôi đổ lỗi cho bà và do đó bà cố khư khư tự vệ”, Cathy trả lời.

Dù không hề biết mẹ của Cathy, tôi vẫn có thể quyết chắc ở đây chính Cathy là tấm bia mà bà hướng tới. Bà nghĩ rằng bà bị đổ lỗi, bà cố khư khư tự vệ, bà rất cố chấp! Như vậy nghĩa là gì? Hay nói cách khác, tại sao bà phải phản ứng như thế?

Các bà mẹ thường gây phiền phức cho con cái mình vì có khuynh hướng áp đặt ý muốn của mình lên con cái. Vì vậy chẳng lạ gì việc một bà mẹ cảm thấy áy náy và bấn loạn trong lòng khi bà bị con gái mình phản đối này nọ. Thật vậy, áy náy là sợi chỉ đan suốt cuộc đời người phụ nữ. Một chuyên viên tâm lý trị liệu về các vấn đề gia đình đã nói: “Bạn hãy chỉ cho tôi một người đàn bà không áy náy, tôi sẽ chỉ cho bạn một người đàn ông”. Tâm trạng áy náy hằn sâu và bám chặt nhất trong lòng các bà mẹ – là những người đầu tiên bị trách móc và cũng là những người đầu tiên tự trách móc chính mình. Chẳng hạn, bạn hãy nhớ lại trường hợp bà Elaine – mẹ của Adrienne (chương 5); bà mẹ này đã dằn vặt vì có một đứa con trai tâm thần và vì bà đã đẩy nó vào viện. Hay trường hợp mẹ của Kimberly (chương 9) – người phụ nữ đêm đêm thao thức trằn trọc với ý nghĩ rằng có thể chính mình là nguyên nhân của tình trạng đồng tính luyến ái nơi con gái mình – hoặc sợ rằng thiên hạ sẽ nghĩ như thế.

Nỗi-áy-náy-của-người-mẹ không chỉ đơn thuần là vấn đề cá nhân của các bà mẹ. Đúng hơn, nó phát xuất tự nhiên từ một xã hội vốn vẫn gán cho người mẹ phần trách nhiệm chủ yếu đối với mọi rắc rối trong gia đình, một xã hội miễn cho người đàn ông khỏi phải đảm đương thật sự vai trò làm cha, một xã hội cung ứng quá ít ỏi sự hỗ trợ cho các nhu cầu thực tế của con cái và của các gia đình. Người mẹ được khuyến khích để tin rằng mình là môi trường sống của con mình, rằng nếu mình “tốt đủ” thì con cái mình sẽ triển nở tốt. Quả là điều dễ hiểu việc mẹ của Cathy nhạy cảm trước những oán trách và việc bà quyết liệt tự vệ khi bị tố cáo rằng bà chưa phải là người mẹ tốt đủ trong gia đình. Chỉ có bà mẹ nào vô cùng mềm dẻo và an tâm mới có thể phản ứng một cách khác.

Chúng ta hãy nhìn kỹ hơn cách mà Cathy lèo lái mối quan hệ với bà Anne – mẹ chị; từ đó ta có thể củng cố một số những bài học đã rút tỉa được liên quan đến việc thay đổi phần mình trong những kiểu quan hệ vốn gây chướng ngại cho sự mật thiết và chôn chặt mình trong bế tắc. Nằm đằng sau đa số các vụ lảng tránh và xung đột giữa mẹ và con gái là nỗi lúng túng trong việc tranh thủ sự tách biệt và sự độc lập trong mối quan hệ thiết yếu này – đồng thời đó cũng là sự nhập nhằng lẫn lộn không hiểu “tách biệt” và “độc lập” đích thực nghĩa là gì. Cathy cho rằng đương đầu với mẹ là thái độ can đảm để biểu hiện bản ngã “đích thực” và độc lập của chị. Thật ra, cung cách ấy của chị chỉ làm cho việc đạt đến mục tiêu đó càng trở thành khó khăn hơn.

Một vấn đề về những khác biệt

Mối quan hệ giữa Cathy và mẹ chị luôn luôn ở trong tình trạng đầy cảnh giác, thế nhưng nó đã chuyển từ tệ đến tệ hơn kể từ vụ ly hôn của Cathy hai năm về trước. “Mẹ tôi luôn luôn lấy chuyện của tôi làm chuyện của bà”, Cathy giải thích, “nhất là từ khi tôi sống một mình với Jason – con trai tôi, bà thực sự muốn nhảy vào lèo lái cuộc sống của tôi”.

Theo Cathy cho biết, bà Anne – mẹ chị – không ngừng lo lắng cho Jason và băn khoăn vì thấy chị thờ ơ với các giá trị tôn giáo. “Mẹ tôi lo sợ rằng Jason có thể bị chấn động bởi cuộc ly dị của tôi  – và bà cũng không thích cách tôi nuôi dạy Jason. Vấn đề tôn giáo là vấn đề nổi cộm nhất giữa bà và tôi. Ngày thứ bảy bà thường qua ăn cơm trưa với chúng tôi – và mỗi lần như vậy tôi phải chịu trận ngồi nghe bà lặp đi lặp lại bài giảng đạo cố hữu của bà – dĩ nhiên là trước mặt con trai tôi!”

Những “bài giảng đạo” của bà Anne mang nhiều hình thức, song tựu trung là: Thứ nhất, bà cho rằng Cathy nên đưa Jason đi nhà thờ vào các ngày chủ nhật. Thứ hai, bà muốn Cathy dành cho tôn giáo một chỗ trọng yếu hơn trong cuộc sống của chị. Bất cứ khi nào Cathy tỏ vẻ buồn bực về tình cảnh ly hôn của chị, bà nhắc nhở chị cầu nguyện. Cathy không có kiên nhẫn để nghe những lời khuyên hay sự phê phán của mẹ (mặc dù chính chị cũng khuyên và phê phán mẹ rất nhiều) – và chị không muốn bị góp ý về tư cách làm cha mẹ ngay trước mặt con trai mình.

Sự hiện diện của mẹ là một căng thẳng lớn đối với Cathy. Chị tin rằng mình đã cố thử đủ cách trong khả năng mình để thay đổi mối quan hệ đầy bức xúc với mẹ. Khi chẳng thấy cách nào tỏ ra có hiệu quả, chị chẩn đoán rằng như vậy tình hình đã hết thuốc chữa. Tuy nhiên, trong thực tế, Cathy đã không làm gì khác hơn là chuyển từ thái độ thinh lặng và lảng tránh đến thái độ cằn nhằn và oán trách – và cứ lặp lại cái vòng luân lưu ấy. Cả Cathy lẫn mẹ chị đều hành động như thể mình là chuyên gia giỏi giang nhất về vấn đề của người kia.

Điệu nhảy cũ

Mặc dù Cathy lúc nào cũng xung đột với mẹ về sự vụng về của bà trong các mối quan hệ khác trong gia đình, điều đáng ghi nhận hơn đó là chị làm thinh không nói gì cả những khi mà chính chị là bia đích của sự chỉ trích và những lời khuyên không-cần-mà-cho của mẹ chị. Chị tự cho phép mình không lên tiếng trong những trường hợp ấy. “Mẹ tôi sẽ chẳng nghe đâu, bởi vậy nếu tôi lên tiếng giải thích cho bà thì chỉ làm cho tình hình thêm tệ hại hơn thôi. Mẹ tôi không chấp nhận được sự thật!” Đôi khi Cathy thậm chí từ chối gặp mẹ chị: “Từ khi tôi ly hôn, mẹ tôi quấy rầy tôi quá đến nỗi tôi đã phải tránh gặp mặt bà trong mấy tháng liền. Lúc ấy nếu mà có đủ khả năng, chắc là tôi đã mua vé máy bay đi tị nạn ở Trung Quốc rồi”.

Bằng cách lảng tránh và làm thinh không lên tiếng, Cathy đã giữ mối quan hệ giữa mình với mẹ mình khỏi bị sóng gió. Xét như một phương thế xử lý âu lo, sự lảng tránh có tác dụng nhất định của nó trong ngắn hạn, và đó là lý do tại sao chúng ta dùng cách này. Tuy nhiên, trong trường hợp của Cathy, khi chị cố gắng gìn giữ một cái “chúng ta” hòa hợp giả hiệu, chị đã thí bỏ chính cái “tôi”. Tùy theo mức độ mà chúng ta có thể minh định rõ với gia đình gốc của mình rằng mình là ai, mình tin tưởng điều gì, lập trường của mình như thế nào liên quan đến những vấn đề gay cấn lớn… chúng ta sẽ có được mức độ “độc lập” và trưởng thành tâm cảm tương ứng để đem vào trong các mối quan hệ khác của mình. Nếu Cathy tiếp tục lẩn tránh việc xác lập lập trường đối với những rắc rối tâm cảm quan trọng, chị sẽ vẫn cứ “mắc kẹt” cùng với mẹ chị – và chị cũng sẽ rơi vào thế chênh vênh hơn trong các mối quan hệ khác nữa.

Theo Cathy cho biết, một đôi lúc chị “khẳng định lập trường mạnh mẽ” và “nói ra hết những gì mình nghĩ”. Nhưng thử hỏi sự kiện ấy có nghĩa là gì? Rõ ràng nó có nghĩa là Cathy chuyển từ tình trạng cắn răng nuốt giận trước mặt mẹ sang thái độ ào ào trút sạch sành sanh những gì mình đè nén trong lòng. Giống như một con lắc bị đẩy quá xa qua một bên, có những lúc chị vọt trở lại đối cực bên này trong quan hệ với mẹ chị. Mỗi khi điều này xảy ra, Cathy thường thuật lại trong cuộc gặp gỡ trị liệu như thể đó là một cuộc chạm trán giữa hai bà chằn lửa: “Mẹ tôi lại đem chuyện tôn giáo ra tấn công tôi nữa. Tôi nói thẳng với bà rằng bà chỉ dùng tôn giáo như kẻ què chống nạng – rằng bà xem tôn giáo như một giải pháp dễ dãi cho tất cả các vấn đề của cuộc sống con người. Thế là tình hình mỗi lúc mỗi căng thêm để rồi cuối cùng bà đùng đùng bước ra khỏi nhà như thói thường mỗi khi bà sôi giận”.

Cãi vã và trách móc – cũng như câm lặng và lảng xa – là những thái độ đã giữ cho cả hai mẹ con khỏi phải điều hợp tới nơi tới chốn tính cách độc lập đối với nhau. Cần nhắc lại ở đây rằng “độc lập” không hề có nghĩa là lảng xa trong tâm cảm – vì lảng xa như vậy chỉ là một phương thế để ứng phó với cơn bấn loạn hay nỗi bức xúc trong lòng. Đúng hơn, độc lập là sự bảo toàn cái “tôi” ở trong cái “chúng ta” – dó là khả năng nhận hiểu và tôn trọng những khác biệt và là khả năng đạt được tính chân thực của mình trong bối cảnh tương giao. Càng đạt được tính độc lập ấy trong vòng thân cận của mình, ta càng có khả năng xây dựng sự mật thiết trong các mối quan hệ khác – và ta càng có thể dàn xếp tốt các mối quan hệ sẽ còn hình thành trong suốt đời ta.

Minh định một bản ngã

Một trong những bước đầu tiên để đạt được độc lập hay để “minh định một bản ngã” đó là phải vượt qua khỏi thái độ nín nặng và thái độ đương đầu cãi vã – để bắt đầu nêu ra những tuyên bố rõ ràng về các điều tin tưởng của mình và cho biết lập trường của mình đối với những vấn đề gay cấn quan trọng. Chẳng hạn, Cathy có thể lựa một buổi tương đối đẹp trời nào đó để thưa với mẹ: “Mẹ à, con mong muốn rằng mẹ đừng phê phán cách con nuôi dạy Jason khi có mặt thằng bé. Nếu mẹ muốn đề cập đến chuyện vì sao con không đưa Jason đi nhà thờ, xin mẹ vui lòng lựa những lúc chỉ có mẹ và con thôi – sẽ tiện hơn rất nhiều”.

Cathy có thể học cách mổ xẻ những vấn đề thực thay vì cứ vòng vo giao chiến mà không hề biết cuộc chiến ấy thật sự có nghĩa lý gì. Trong lối ứng xử cũ, Cathy triền miên cãi vã với mẹ về chuyện có cần đưa Jason đi nhà thờ hay không, về vai trò của tôn giáo trong đời sống gia đình. Những hục hặc như thế chắc chắn là chẳng đi tới đâu cả – và Cathy bị mắc vào thế kẹt vì hai lý do: Thứ nhất, chị đang cố thay đổi cách nghĩ của mẹ mình, một điều không thể được. Thứ hai, chị đang hành xử như thể chỉ có một lẽ phải duy nhất (về tôn giáo, về việc nuôi dạy con, hoặc về bất cứ gì khác) mà cả chị lẫn mẹ chị đều phải chấp nhận.

Thực tế là Cathy và mẹ chị – bà Anne – là hai con người khác nhau và đương nhiên có những quan điểm khác biệt nhau về thế giới. Nếu không đánh giá đúng mức thực tế ấy, ta không thể nào đạt đến mật thiết đích thực; vì sự mật thiết luôn bao hàm thái độ tôn trọng sâu sắc đối với những khác biệt giữa mình và người kia. Chúng ta đã từng ghi nhận rằng ai trong chúng ta cũng rất dễ lẫn lộn giữa sự thân tình và sự giống nhau và do đó hành xử như thể mình cần phải suy nghĩ và cảm xúc y hệt người kia.

Điều vừa nói trên đặc biệt thường xảy ra giữa mẹ và con gái. Nếu không quên rằng “thế đứng của nữ giới” đã thay đổi hết sức ngoạn mục trong hai thập niên gần đây, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy các bà mẹ phản ứng mạnh mẽ vì nghe con gái họ tuyên bố rằng chúng khác với các thế hệ phụ nữ đã đi qua trong quá khứ. Người mẹ có thể cảm nhận trong vô thức rằng sự đổi khác đó là một bất trung hay bội phản – đó cũng có thể là một lời bình phẩm tiêu cực về cuộc sống của bản thân bà, hoặc giả đó duy chỉ là một sự chọc tức về những khả năng lựa chọn mà hồi trước bà không có được. Và tất nhiên là “bản tuyên ngôn độc lập” của cô con gái sẽ hết sức khó nuốt đối với những bà mẹ nào cảm thấy rằng mình chẳng còn gì – ngay cả bản ngã mình – để mà quay về sau khi con cái mình đã trưởng thành hẳn hoi. Khi phụ nữ được dạy cho hiểu rằng làm mẹ là một “sự nghiệp” chứ không phải là một tương quan, thì bấy giờ “sự về hưu” tất nhiên trở thành một khủng hoảng ghê gớm. Thêm vào đó, nhiều cô con gái đấu tranh để đòi độc lập bằng con đường lảng xa trách móc, hay cắt đứt – bấy giờ tâm trạng hụt hẫng của người mẹ sẽ càng khủng khiếp hơn nhiều. Các chuyên viên tâm thần có thể góp phần gieo tai rắc họa thêm bằng cách khuyên bà mẹ “tách biệt” khỏi con gái mình – cơ hồ như “tách biệt” chỉ có nghĩa đơn giản là vứt bỏ một cái gì đó – trong khi lẽ ra bà phải biết từ từ điều hợp để đạt đến một loại tương giao mới mẻ hứa hẹn nhiều phong phú hơn.

Chung qui, công việc của Cathy là phải mổ xẻ vấn đề khó khăn thực sự trong quan hệ với mẹ mình – phải biểu hiện rằng mình là một con người độc lập với những suy nghĩ, những niềm tin, những giá trị ưu tiên… khác với mẹ mình. Để làm được điều đó, Cathy phải chấm dứt thái độ cố thay đổi, phê phán, hoặc thuyết phục mẹ; thay vào đó chị phải bắt đầu chia sẻ nhiều hơn về bản thân mình, đồng thời vẫn tôn trọng quyền suy nghĩ, cảm xúc và phản ứng một cách khác biệt của mẹ chị.

Chẳng hạn, Cathy có thể thưa với mẹ: “Mẹ à, con biết rằng tôn giáo chiếm một chỗ quan trọng trong cuộc sống của mẹ, nhưng trong lúc này con chưa quan niệm như thế”. Giả như mẹ chị tranh cãi về quan điểm ấy hoặc chỉ trích chị, Cathy sẽ tránh không quay lại thái độ hục hặc cãi vã như trước nữa – vì chị đã kinh nghiệm rằng việc lý luận suông sẽ chẳng đưa đến đâu cả và chỉ cột trói mình trong thế kẹt. Thay vào đó, chị sẽ nghiêm túc lắng nghe hết những gì mẹ chị nói và rồi đơn giản đáp lại: “Thưa mẹ, con biết rằng đức tin của mẹ đem lại cho mẹ rất nhiều hữu ích. Nhưng phần mình, con không cảm thấy như thế”. Nếu mẹ chị đùng đùng nổi giận và bảo rằng chị đang gieo tai rắc họa cho gia đình và đang gây cho bà chứng nhồi máu cơ tim, Cathy sẽ nói: “Thưa mẹ, con rất tiếc vì bởi con mà mẹ phải thương tổn – song không bao giờ con muốn vậy”. Rồi nếu mẹ chị lại khơi lên vấn đề tôn giáo ấy lần thứ một trăm, Cathy sẽ vẫn tìm cách giả tảng hoặc dịu dàng trả lời: “Mẹ à, con hiểu cách cảm nghĩ của mẹ, nhưng con thì không cảm nghĩ như thế”.

Có phải là điều đơn giản không? Đương nhiên là không, để nói chuyện được như vậy chúng ta phải có đầy dũng khí trong mình – bởi vì thái độ đối thoại ấy sẽ làm nổi bật tính cách tách biệt giữa mẹ và con gái – và vì thế sẽ tạo ra nỗi bất an trầm trọng. Nếu Cathy vẫn tiếp tục kiên định với lập trường này, mẹ chỉ sẽ phản ứng mãnh liệt đối với thái độ mới của con gái bà bằng cách tăng cường đối kháng theo hình thức nào đó, chẳng hạn bà chỉ trích và oán trách Cathy hoặc đe dọa sẽ cắt đứt quan hệ mẹ con với chị.

Rất cần phải ghi nhớ rằng các lực phản kháng hay các phản ứng thúc ép tháo lui luôn luôn xảy ra khi chúng ta đạt đến một mức nào đó về lòng kiên quyết, về tính độc lập và trưởng thành trong một mối tương quan thiết yếu. Khi chúng ta là người xướng xuất sự thay đổi, ta sẽ dễ quên rằng các lực phản kháng chỉ cho thấy rằng người kia đang bị hoang mang chứ không hề có nghĩa rằng người kia đang không yêu thương mình – và những lực phản kháng ấy bao giờ cũng xảy ra một cách đương nhiên. Sự thách đố đối với Cathy đó là chị phải giữ vững một cái nhìn toàn bộ về tiến trình thay đổi, đồng thời phải bình tĩnh trước những phản kháng của mẹ chị mà không quay lại (ít là không nán lại quá lâu) với lối phản ứng lảng xa hay đối đầu như thuở trước. Nếu cần, chị phải biết học cách nhẫn nhục chịu đựng trước vô số “thử thách”. Chúng ta đã rõ sự thay đổi trong một mối quan hệ bế tắc thường làm cho tình hình ngày càng gay cấn như một cuộc chiến leo thang. Để thay đổi được như vậy, cần phải có đủ nghị lực và động lực, cũng như phải có một ít tinh thần hài hước – để vượt qua những trở lực lớn lao tất yếu xảy đến cả từ bên trong lẫn bên ngoài mình.

Tiếp cận những vấn đề nóng bỏng

Thực tế Cathy đã tiến hành thế nào để làm cái công việc đầy khó khăn là “minh định một bản ngã” trong quan hệ với mẹ chị? Trong một số lãnh vực, Cathy tỏ ra khá trôi chảy. Chảng hạn, chị giữ lập trường hết sức rõ ràng và nhất quán rằng chị sẽ không trao đổi với mẹ về vấn đề nuôi dạy Jason – con trai chị – khi có mặt thằng bé; và nếu mẹ chị vẫn tiếp tục “nói gần nói xa” trước mặt Jason, Cathy cũng nhất quyết không để mình sập bẫy. Thay vào đó, chị sẽ tìm cách pha trò hoặc đánh trống lảng lái sang chuyện khác – rồi sau đó khi không có mặt con trai mình, chị sẽ đề cập lại đề tài ấy. Cathy không tỏ ra bức xúc hay bộc trực trước những “thử thách” và những lực phản kháng từ phía mẹ – chị luôn luôn tâm niệm trong lòng rằng mình sẽ không tham gia tranh cãi về việc nuôi dạy Jason nếu có sự hiện diện của thằng bé – cho dù chị được “mời” tranh cãi.

Tuy nhiên, mỗi khi mẹ chị nêu vấn đề tôn giáo ra thì Cathy gặp khó khăn hơn nhiều. Như chị kể: “Mỗi lần mẹ tôi đưa Chúa Giêsu vào cuộc chuyện hoặc  mỗi lần bà nhắc nhở tôi cầu nguyện, tôi cảm thấy như mình không thể kềm chế nổi”. Dần dần, Cathy biết kềm chế phản ứng của mình hơn, song xúc cảm trong lòng thì vẫn nhạy y như cũ. “Khi mẹ tôi thao thao bất tuyệt về vấn đề tôn giáo, tôi nghe ruột gan mình sôi lên và tôi chỉ muốn gào lên với bà” – Cathy giải thích – “điều tốt nhất mà tôi có thể làm là cắt đứt câu chuyện đó và đổi ngay sang đề tài khác”.

Hiểu một cách nào đó, Cathy xử sự như vậy là đúng đắn. Để thảo luận về một gay cấn nóng bỏng trong một mối quan hệ bế tắc thì không có thời điểm nào dở bằng lúc mình đang bực bội căng thẳng. Khi bức xúc trào lên trong lòng thì người ta hầu như chỉ muốn phản ứng nóng nảy với nhau theo nhịp leo thang, hơn là chịu suy nghĩ một cách khách quan và thấu đáo về vấn đề lưỡng nan của mình. Trong tình hình Cathy cảm thấy ruột gan mình sôi lên và muốn thét gào lên với mẹ, thì quả là điều hay nếu chị chọn giải pháp cắt đứt câu chuyện, đổi đề tài, đứng dậy đi bách bộ một chút., hoặc biến vào phòng tắm để tị nạn trong chốc lát. Dù sao, trong tiến trình lâu dài, Cathy sẽ gắng hết sức để có thể tiếp cận với đề tài về tôn giáo – để có một tầm nhận hiểu rộng hơn về thái độ của mẹ chị và về nỗi bức xúc mãnh liệt của bản thân chị đối với vấn đề này. Vậy bằng cách nào Cathy có thể tiến tới mổ xẻ được một vấn đề gai góc như thế của mình?

Bức tranh toàn cảnh

Gia đình nào cũng có những vấn đề gay cấn riêng; đây là những vấn đề không được xử lý xong trong một thế hệ và bùng lên trong thế hệ tiếp theo sau. Trong gia đình của Cathy, tôn giáo là một vấn đề gay cấn – đặc biệt trong mối quan hệ giữa mẹ và con gái. Bạn có thể nhận ra một vấn đề gay cấn trong gia đình bạn nếu đó là đề tài được mọi người sốt sắng và thường xuyên qui chiếu đến – hoặc trái lại, đó có thể là một đề tài không được ai đề cập đến bao giờ. Bạn cũng có thể quyết chắc một vấn đề là gay cấn nếu bạn nghe ruột gan mình sôi lên khi có người khui nó ra.

Bằng cách nào Cathy đã đạt được một cái nhìn điềm tĩnh và khách quan hơn đối với vấn đề tôn giáo vốn rất nóng bỏng trong gia đình chị? Trước tiên, chị phải mở tiêu điểm nhìn của mình rộng ra hơn. Nhằm mục đích này, tôi đã đặt ra cho Cathy rất nhiều câu hỏi để giúp chị suy nghĩ về ý nghĩa của tôn giáo đối với gia đình chị trong các thế hệ trước đây. Tôn giáo giữ vị trí nào trong gia đình của mẹ chị khi bà còn là một thiếu nữ đang lớn lên? Mẹ của chị có những quan điểm nào khác biệt với bà ngoại chị không – nếu có, những khác biệt ấy có được bày tỏ công khai không? Mẹ và bà ngoại chị đã xử lý như thế nào về những khác biệt giữa họ? Nếu như mẹ chị tuyên bố mình vô thần – như thái độ của chị bây giờ – thì bà ngoại chị rất có thể đã phản ứng ra sao? Điều gì đã đưa mẹ chị đến với những niềm tin tín ngưỡng và tâm linh như hiện nay của bà – và những niềm tin ấy đã phát triển ra sao? Mẹ chị đã bắt đầu sùng đạo khi bà bao nhiêu tuổi và điều gì đã ảnh hưởng chủ yếu trên lòng sùng đạo của bà? Trong những thế hệ trước của gia đình chị, có ai đã từng “bỏ” đạo không? Nếu có, ai là người bị dính líu rầy rà nhất đối với sự kiện ấy? Vào thời điểm mà những thay đổi quan trọng như thế xảy ra thì có những chuyện gì khác đáng ghi nhận đang xảy ra trong gia đình không?

Hẳn nhiên là thật cam go đối với Cathy việc tiếp cận và trao đổi với mẹ chị trong thái độ bình tĩnh, chân thực và nồng nhiệt về đề tài đặc biệt này. Bao giờ cũng vậy, những vấn đề gay cấn trong gia đình rất khó được mổ xẻ một cách tích cực và khách quan – và tất nhiên hễ ta càng tránh mổ xẻ nó thì nó sẽ càng trở nên gay cấn hơn. Cuối cùng, khi Cathy có đủ khả năng để khai mở vấn đề ấy ra trong cuộc chuyện – một cách điềm nhiên và với tinh thần vô tư tìm hiểu, chị bắt đầu nhận hiểu nhiều hơn về mối nhạy cảm sâu sắc trong gia đình mình xung quanh vấn đề tôn giáo nóng bỏng này.

Một đoạn lịch sử

Cuộc trao đổi giữa Cathy và mẹ cuối cùng khui ra câu chuyện về một cái chết sớm đầy chấn động trong gia đình của bà Anne – mẹ chị. Hồi bà Anne lên năm tuổi, đứa em trai ba tuổi của bà – tên là Jeff – đã chết vì nuốt phải một chất độc do người lớn để sơ hở trong nhà. Cùng với nỗi thương đau mất đứa con, bà ngoại của Cathy trở nên dằn vặt áy náy cực độ vì bà bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng chính mình có góp phần vào cái chết của Jeff. Số là khi sự cố xảy ra cho thằng bé, bà là người duy nhất có mặt ở nhà với nó.

Bà Anne không biết nhiều về những gì diễn ra xung quanh vụ ngộ độc của em trai mình, bởi vì cái chết ấy đã trở thành một điểm nóng của gia đình – một đề tài cấm kỵ đã không bao giờ được ai mổ xẻ đến. Trong phạm vi những gì bà Anne có thể chia sẻ với Cathy, được biết dường như tâm tình tín ngưỡng của mẹ bà đã trở nên đặc biệt mãnh liệt kể từ sau cái chết của Jeff – khi bà cụ ở trong tâm trạng giằng co về cái chết ấy. Họa hiếm có những lúc tên của Jeff được nhắc đến, thì luôn luôn được nhắc đến với tâm tình tín ngưỡng hết sức tích cực: “Thiên Chúa luôn chọn cho Ngài điều tốt nhất”. “Đó là thánh ý Chúa”. “Jeff đang hưởng hạnh phúc với Chúa.” “Chúa đã muốn gọi Jeff về với Ngài.” Cả hai cụ thân sinh ra bà Anne đều bám víu một cách vô vọng vào cái khung suy nghĩ ấy liên quan đến tấn bi kịch xảy ra cho họ – và bằng cách này ông bà cụ đã chặn đứng không cho người nhà khui vấn đề ra để đàm luận công khai.

Cathy vốn đã loáng thoáng biết từ lâu rồi rằng mẹ chị mất một người em trai ở tuổi ấu thời. Song sự kiện ấy không thực mấy đối với chị – chị cũng không bao giờ nhận ra ảnh hưởng thực tế của biến cố ấy trên cuộc đời của mẹ mình. Giờ đây Cathy hiểu rằng mẹ mình đã không bao giờ có đủ bình tâm để chất vấn về những niềm tin tôn giáo của bà ngoại – quả thực sau bi kịch ấy, bà Anne đã “bảo vệ” mẹ mình bằng cách đè nén những quan điểm khác biệt trong nhiều chuyện. Bà Anne tin rằng tôn giáo là chiếc phao cứu sinh của mẹ bà, rằng chính nhờ tôn giáo mà mẹ bà đã có thể sống còn được. Vì thế, việc chất vấn những điều tin tưởng của mẹ, hay thậm chí việc nuôi dưỡng niềm tin tưởng khác với mẹ – đó không phải là cái mà bà Anne cho phép mình chọn lựa. Bây giờ thì Cathy – con gái bà – lại đang tỏ ra lạnh lùng với mọi vấn đề tôn giáo, điều này làm sống dậy những cảm xúc đã bị chôn vùi trước đây liên quan đến một cái chết bi đát vốn không bao giờ được trao đổi và được dàn xếp cho hết lấn cấn trong lòng.

Ghi nhận mới này đã giúp Cathy móc nối được sự liên hệ giữa hai thế hệ mẹ và con gái trong gia đình chị. Đối với thách đố gay go của việc xác lập bản ngã trong quan hệ với mẹ mình, “giải pháp” của bà Anne là che giấu và từ chối biểu hiện những khác biệt – không chỉ trong vấn đề tôn giáo mà còn trong nhiều vấn đề quan trọng khác nữa. Cathy chọn giải pháp ngược lại – song về thực chất thì vẫn không khác. Cathy cố gắng minh định một bản ngã độc lập bằng cách tỏ ra càng khác với mẹ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Bất cứ lúc nào mẹ chị nói “phải” thì Cathy phải nói “không phải”. Cố tỏ ra khác biệt với mẹ mình cũng không thể hiện bản ngã đích thực của mình nhiều hơn so với việc cố rập khuôn theo mẹ.

Cathy đã gặt hái được những gì?

Cathy đã học hỏi được những gì về biến cố quan trọng ấy trong gia đình của mẹ chị? Một đàng, Cathy cảm thấy dễ cảm thông hơn và bớt bộc trực hơn mỗi khi đề tài tôn giáo thò cái đuôi gây hấn của nó ra trong cuộc chuyện. Thật vậy, nhờ suy tư về những tác động do cái chết của Jeff, Cathy đã có thể nhìn những “thái độ trái khoáy” của mẹ bằng một cái nhìn rộng thoáng hơn. Chẳng hạn, trước đây Cathy rất bực dọc khi thấy mẹ chị băn khoăn lo lắng về em trai chị và nhất là về Jason – con trai chị – sau khi chị và bố nó ly hôn. Bây giờ thì Cathy đã hiểu rằng những nỗi âu lo ấy của mẹ mình trong hiện tại có phần tác động bởi biến cố đau buồn chất ngất chưa được giải tỏa ngày xưa trong gia đình gốc của bà. Chắc chắn rằng sự sống còn và sự nên người của những đứa con trai, cháu trai đã trở thành mối thao thức trĩu nặng trong lòng bà Anne tự lúc nào.

Khi Cathy bắt đầu giải tỏa vấn đề tôn giáo nóng bỏng ấy bằng cách nghiêm túc thảo luận về nó và mở rộng thêm tầm nhìn của mình, chị cũng bắt đầu có khả năng nhìn lại toàn bộ những quan điểm riêng của chị về vấn đề này một cách rõ ràng hơn. Lập trường của Cathy về tôn giáo (“tôi thà chết chứ không bao giờ đưa Jason đến nhà thờ”) là một lập trường quá khích, nóng nảy, và qua đó chị cũng không thể hiện tính độc lập nhiều hơn so với mẹ chị khi bà vô vọng bám chặt vào các ý niệm tôn giáo sáo mòn. Khi Cathy bắt đầu xem xét di sản về các giá trị tôn giáo trong gia đình mình qua một lăng kính rộng hơn – nhờ đó nhận hiểu tốt hơn về lịch sử cuộc đời mẹ chị, chị đã có thể hình thành các quan điểm của chính mình về tôn giáo mà không vô ý chống lại những niềm tin của hai thế hệ phụ nữ đi trước mình.

Song quan trọng hơn tất cả, đó là cuộc trao đổi giữa Cathy với mẹ đã cho phép chị cảm nghiệm rõ mẹ mình – bà Anne – là một “ngã vị thực sự”, một “người khác” tách biệt và không giống với mình, một người có lịch sử bản thân không như mình. Việc thu thập thông tin vềcuộc đời cha mẹ chúng ta, dù các ngài còn sống hay đã khuất là một phần quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm một bản ngã rõ nét – một bản ngã vốn đã bắt rễ sâu trong giòng lịch sử thực của gia đình mình. Và như Cathy đã khám phá thấy, thông tin về mỗi thế hệ trước đây đều có sức làm thay đổi và mở rộng ý nghĩa của chính cung cách ứng xử. Chẳng hạn, khi Cathy nắm hiểu nhiều hơn về cuộc di cư đầy sóng gió của ông bà ngoại mình từ Ba – Lan sang Mỹ, bao gồm cả những mất mát to lớn và những nỗi đoạn trường mà mỗi người phải nếm cảm trong thời kỳ ấy – chị có được tia sáng mới để nhận hiểu những cá tính “cực đoan” của ông bà ngoại mình. Thái độ vờ vĩnh và phê phán trước đây của chị (“Ồ, ông bà ngoại sùng đạo chỉ vì mất đứa con ấy mà!”) giờ đây đã được thay thế bằng niềm trân trọng chân thành đối với những mất mát lớn lao của ông bà cũng như đối với nghị lực và lòng can đảm của các ngài trong nỗ lực tìm ra lẽ sống cho mình sau cái chết của đứa con.

Vậy bạn có nghĩ là bạn đã hiểu gia đình bạn?

Giống như nhiều người trong chúng ta Cathy bắt đầu nhận tâm lý trị liệu trong tâm trạng nghĩ rằng chị đã nắm hiểu gia đình mình. Nghĩa là chị có thừa chuyện để kể về mỗi thành viên trong gia đình và đồng thời có kết luận chẩn đoán tâm thần cho từng người trong dòng họ chị. Kỳ thực, những câu chuyện mà chúng ta nói về gia đình thường chỉ phản ảnh những sự phân cực hình thành do ảnh hưởng của căng thẳng (“Mẹ tôi như một bà thánh”, “cậu Joe tội lỗi quá”) – và những câu chuyện ấy không có mấy liên hệ đến tính phức tạp của những nhân vật thực và của giòng lịch sử thực. Khi mối rối rắm dâng cao, ta đánh giá những người này thì tốt, những người kia thì xấu – và ta thấy rõ mình đang đứng về phe nào.

Nếu chúng ta có thể xúc tiến thu thập một lịch sử xác thực hơn về gia đình mình – và mở rộng bối cảnh của lịch sử ấy đến vài thế hệ, ta sẽ có được một cái nhìn khách quan hơn về những người trong gia đình ta. Ta sẽ có thể nhìn cha mẹ mình, và các thân quyến khác, như là những con người thực trong bối cảnh, và nơi họ có cả mặt mạnh lẫn mặt yếu – như bất cứ thân phận con người nào. Và một khi đã có được cái nhìn khách quan về gia đình mình, ta sẽ thấy những mối quan hệ khác bỗng rất dễ xuôi chèo mát mái.

Cách tốt nhất để bắt đầu tiến trình này là đúc kết một lược sử gia đình mình. Đây là một công việc giản dị và không có gì khúc mắc – vì một bản lược sử như vậy chẳng qua chỉ là một minh họa về những sự kiện trong gia đình. Những sự kiện đó bao gồm: ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm qua đời, kết hôn, ly thân, ly dị, những bệnh trạng chủ yếu, trình độ học vấn cao nhất, nghề nghiệp của mỗi thành viên trong gia đình.

Nếu làm công việc này một cách nghiêm túc bạn sẽ nhận thấy rằng bản lược sử của mình là một xúc tác tốt giúp bạn suy nghĩ về nhiều ý tưởng được trình bày trong quyển sách này – hoặc giả bạn có thể chỉ chú ý đến những chi tiết thú vị. Chẳng hạn, bạn có thể nhận ra rằng mình có được khá nhiều thông tin về bên nội và dường như chẳng nắm hiểu mấy về bên ngoại – (hay ngược lại). Bạn có thể kiểm chứng rõ những vấn đề gay cấn và những vụ đoạn tuyệt trong gia tộc bạn bằng thực tế là bạn không có thông tin hoặc qua sự kiện rằng bạn cảm thấy rất rụt rè khi dò hỏi. (“Tại sao dì Jeff chết và dì ấy chết khi nào?”, “Một cách chính xác con được nhận làm con nuôi vào ngày tháng năm nào?”). Bạn có thể bắt đầu nhận ra một số kiểu cách đã thành nếp mà gia đình bên nội (hay bên ngoại) đã áp dụng để đối phó với phiền não, chẳng hạn, phía bên nội bạn có thể đã xảy ra những trường hợp lảng tránh nghiêm trọng trong đó gồm cả nhiều vụ ly dị, đoạn tuyệt, và nhiều trường hợp người này không đối thoại được với người kia. Có thể bạn sẽ nhận thấy rằng chẳng có mấy người trong dòng họ mình mà mình thực sự có quan hệ với – hoặc những quan hệ mà mình có được thì hết sức gay cấn.

Bản lược sử gia đình cũng là nguồn để giúp bạn biết các niên hạn kỷ niệm quan trọng và đồng thời cung cấp cho bạn một bối cảnh để hiểu tại sao các mối quan hệ trở thành gay cấn hoặc đổ vỡ vào những thời kỳ đặc biệt nào đó. Độ tuổi của những người gặp mất mát, qua đời, ly dị, hay suy sụp trong các thế hệ trước sẽ cung cấp cho bạn chìa khóa để biết rằng những năm nào (và cả về những chuyện gì) là những năm đặc biệt rắc rối trong quá khứ và vào những độ tuổi nào trong tương lai đời bạn có thể sẽ đặc biệt xảy ra những phiền toái. Bạn cũng có thể sẽ nhận ra một số kiểu cách phản ứng và một số cục diện tay ba chủ yếu đã lập đi lập lại qua các thế hệ hoặc bạn sẽ quan sát thấy ý nghĩa của vị thứ trong gia đình – như trường hợp Adrienne (chương 5) đã nhận ra một vấn đề có liên quan đến đứa con trai thứ hai trong gia đình chị. Càng thu thập nhiều dữ kiện, bạn càng ghi nhận được nhiều vấn đề hơn.

Dần dần, việc nghiên cứu bản lược sử gia đình sẽ giúp ta biết ưu tiên chú ý đến bản ngã mình trong cái khung cảnh có tầm quan trọng và có sức ảnh hưởng nhất này – tức gia đình gốc của mình. Bản lược sử gia đình sẽ giúp ta nhìn các vấn đề khó khăn trong quan hệ bằng một cái nhìn rộng thoáng hơn, cái nhìn xuyên qua các thế hệ – thay vì chỉ bó hẹp sự tập chú vào một vài thành viên nào đó trong nhà, mà đó thường là những người đã được thần tượng hóa hay “tệ hại” hóa. Một khi có thể suy nghĩ khách quan hơn về di sản của gia đình mình và tương giao được với nhiều người hơn trong dòng họ mình, ta sẽ đạt được một bản ngã rõ nét hơn và sẽ có nhiều khả năng hơn để xác lập một vị thế trong gia đình – như Cathy đã làm với bà Anne, mẹ chị. Đành rằng chúng ta có thể chẳng bao giờ thu thập được đầy đủ một bản lược sử gia đình hoặc có thể chẳng bao giờ ta có được sự khách quan trọn vẹn khi khảo sát bản lược sử đó – điều ấy rõ ràng rất khó; song một bản lược sử như thế bao giờ cũng có thể làm một định hướng tốt cho ta.








Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.