Vũ Điệu Của Sự Mật Thiết
CHƯƠNG VI: ỨNG PHÓ VỚI NHỮNG KHÁC BIỆT
John xuất thân từ một gia đình gắn bó rất chặt chẽ theo tôn chỉ “một người vì tất cả và tất cả vì một người”. Khi anh dần dần đấu tranh để tạo cho mình một bản sắc riêng, anh trở nên dị ứng với tình trạng quá thân mật, quá xúm xít gần gũi và quá nặng tình cảm trong gia đình mình. Để phản ứng lại tình trạng ấy, John có khuynh hướng thích những người phụ nữ thuộc loại tách rời và giãn xa trong tình cảm. Anh đã yêu Suzanne, cô gái xuất thân từ một gia đình vốn đề cao tính biệt lập trong tình cảm và đặt quan trọng hàng đầu bản lĩnh tự lực cánh sinh của mỗi cá nhân thành viên trong gia đình.
Suzanne, về phần chị, cảm thấy dị ứng với bầu khí xa cách và hời hợt trong gia đình mình. Chị cảm thấy bị lôi cuốn đặc biệt bởi gia đình vừa lớn rộng vừa đầy giao cảm của John. Nhưng rồi chị đã phàn nàn về những gì – qua năm năm sống đời hôn nhân? Suzanne cảm thấy bị đóng kín và bị ngột ngạt trong vòng đai gia đình đầy sự đòi hỏi của John (“gia đình anh ấy giống như một mạng nhện to lớn kín bưng”) – và chị phát cáu vì John không chịu “buông vạt áo mẹ”. Còn đối với John, dạng tình cảm “vừa trầm vừa tinh túy” vốn cuốn hút anh ban đầu ấy giờ đây đã trở thành mối bất mãn chủ yếu nhất của anh.
Tập trung chú ý đến chính mình
Khi Suzanne càng có thể suy nghĩ nhiều hơn trên sơ sở “những khác biệt về truyền thống văn hóa” giữa chị và John, chị càng trở nên dịu dàng hơn. Và khi chị càng dịu dàng hơn thì John dễ xử lý nỗi khó khăn của anh hơn. Thực sự Suzanne không cần phải trở thành một chuyên viên về các vấn đề nhân chủng học để có thể cải thiện mối quan hệ của chị. Những khác biệt nhân chủng học, chẳng hạn vấn đề con thứ mấy trong gia đình, chỉ là một trong vô vàn yếu tố chi phối đến cách chúng ta minh định bản ngã, đến lối sống và cách ta xây dựng các mối tương quan. Tuy nhiên, đối với Suzanne, cuộc “tìm hiểu” của chị đã giúp chị bớt tiêu cực hơn khi nhìn nỗi khó khăn của John. Sự khách quan mà chị mới đạt được này là bước tiên quyết dẫn đến thay đổi.
Khi Suzanne bắt đầu bớt phản ứng nông nổi hơn với nỗi giằng co của chồng chị, chị cũng bắt đầu có thể chú ý nhiều hơn đến những vấn đề vẫn còn đang dang dở trong gia đình riêng của mình. Suzanne bực bội khi thấy John liên tục gọi điện thoại về nhà, đó một phần cũng vì sự xa cách giữa chị và gia đình chị. Dần dần, Suzanne bắt đầu hình thành mối giao cảm trực tiếp hơn với bố mẹ và em gái mình, và đồng thời chị bớt tập trung bận tâm hơn đối với những gì John đang làm hay không đang làm với cha mẹ và thân quyến của anh. Khi chúng ta không chú ý đủ đến mối liên hệ giữa mình với gia đình gốc của mình, chúng ta sẽ tỏ ra bộc trực quá đáng đối với gia đình bên chồng (hay bên vợ) mình – hoặc đối với cách mà chồng (hay vợ) mình đang điều hợp những vấn đề của gia đình bên ấy.
Mặc dù Suzanne đã biết đứng ngoài những chuyện của gia đình John, chị vẫn xác lập rõ lập trường về những gì có liên can trực tiếp đến chị. Chẳng hạn, chị và John hoạch định một chuyến đi tám ngày về quê chồng ở miền Đông; gia đình John cố nài rằng vợ chồng chị sẽ lưu lại với họ trong toàn bộ thời gian ấy. Song đối với Suzanne, chị cảm thấy cách dàn xếp như vậy có vẻ “gò bó” – và chị muốn ở lại vớí các bạn hữu mình, sẽ có mặt ở gia đình John vào ban ngày thôi. Đầu tiên chồng chị nêu quan điểm rằng gia đình anh sẽ không bao giờ thông cảm và chấp nhận cách dàn xếp như vậy – và rằng ngay cả anh cũng không chấp nhận điều ấy.
Nếu theo lối phản ứng cũ thì trong trường hợp ấy Suzanne sẽ thấp thỏm theo dõi những cú điện thoại của John, sẽ phê phán tính cách chủ quyền và những đòi hỏi phi lý của cha mẹ anh, và sẽ chỉ cho anh biết phải làm thế này thế nọ để chống cưỡng lại ông bà cụ. Nhưng với lối phản ứng mới, Suzanne hoàn toàn đứng ngoài những cuộc thương lượng giữa chồng chị và cha mẹ anh, song đồng thời chị vẫn tuyên bố rõ ràng lập trường của chị về những gì có liên quan trực tiếp đến chị. Chẳng hạn, chị cho John biết rằng đối với chị thật là quan trọng việc có thời gian một mình với anh, và chị giải thích rằng chuyến viếng thăm sẽ rất căng thẳng đối với chị nếu phải trải qua trọn thời gian với gia đình anh. Và cuối cùng John đã dứt khoát báo cho cha mẹ anh rằng vợ chồng anh sẽ ở trọ khách sạn ba trong số tám ngày của chuyến đi ấy – với lý do là anh và vợ anh cần một ít thời gian một mình với nhau. Vì chính Suzanne cảm thấy cần có thời gian ở ngoài bầu khí gia đình của John nên chị đấu tranh để có được điều đó. Giá như John vẫn khư khư quyết định rằng anh và chị sẽ lưu lại trọn vẹn tám ngày ở nhà cha mẹ anh, thì rất có thể rốt cuộc Suzanne sẽ chấp nhận chìu theo ý anh – song cũng rất có thể chị sẽ dàn xếp một cách nào đó khác.
Đối với John, quả là một thách đố việc bắt đầu vạch ra một số vành đai giới hạn với cha mẹ mình khi mà “lực gắn bó” xem chừng đã quá chế ngự anh. Cũng vậy, Suzanne bị thách đố xích lại gần gia đình chị khi mà “lực tách biệt” đã đạt đến tột mức. Tuy nhiên, chính khi làm những việc đầy thách đố như thế, cuối cùng họ đã chấm dứt giao tranh với nhau và đã tìm được thế quân bình dễ chịu cho mình giữa hai áp lực tách biệt và gắn bó cùng tồn tại trong cuộc sống chung của họ.
Bài học của câu chuyện ấy
Có thể chúng ta không hoàn toàn chia sẻ những nét cá biệt trong câu chuyện của Suzanne. Cứ sự thường thì – xét phương diện phái tính – anh mới là người lảng xa và chị mới là người tìm cách gia tăng gắn bó; và thường thì con gái – chứ không phải con trai – mới băn khoăn nhiều hơn đến vấn đề chăm sóc và trách nhiệm đối với gia đình.
Tuy nhiên, nỗi giằng co của Suzanne là điều được thấy rất phổ biến. Mỗi chúng ta xuất thân từ một “bối cảnh văn hóa khác nhau”, với những vai trò và qui tắc của gia đình đã được hình thành qua bao thế hệ. Dù trong những vấn đề lớn (như: phải chăm sóc cha mẹ già như thế nào? phải quản lý tiền bạc làm sao? phải làm gì để uốn con cái vào khuôn khổ?) hoặc trong những vấn đề nhỏ hơn (như: có được phiền trách, hay khoe khoang, hay tỏ ra nổi bật không?), cả đến trong những chuyện vặt vãnh (như: mấy củ hành đó nên xắt dày hay xắt mỏng?)… tất cả chúng ta đều chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi các khuôn mẫu và truyền thống gia đình, những khuôn mẫu và truyền thống vốn được xem như thể là chính chân lý vậy, trong khi kỳ thực đó chỉ là một cách cảm nhận ở giữa nhiều lối cảm nhận khác.
Cách riêng, chúng ta có thể không trân trọng đúng mức sự khác biệt trong những cách hành xử được chế định sẵn mà mỗi người thể hiện khi các mối quan hệ gặp căng thẳng. Để xử lý một tình huống gay cấn, nếu kiểu của chúng ta là bày tỏ cảm nghĩ của mình và cố kiếm tìm thêm sự hậu thuẫn, chúng ta sẽ dễ bực dọc với người kia nếu để xử lý cùng sự căng thẳng đó, người ấy lại thích giữ kín trong lòng và tự lo liệu lấy hơn. Nếu mỗi khi lâm vào chuyện ưu tư, chúng ta có khuynh hướng ôm đồm lấy trách nhiệm và loay hoay tìm cách điều chỉnh, chúng ta sẽ dễ sốt ruột khi thấy người kia ứng phó bằng cách tỏ ra thờ ơ hoặc có vẻ hơi tránh né. Và chúng ta càng kiên thủ với cách của mình thì người kia càng bám chặt lấy kiểu của họ. Người lảng tránh sẽ lảng tránh xa hơn nếu thấy mình bị đeo đuổi. Người thụ động bất cập sẽ càng thụ động bất cập hơn nếu thấy xung quanh mình là những kẻ tích cực thái quá. Và ngược lại cũng thế. Một khi chúng ta dồn chú tâm vào cung cách ứng xử của người kia thay vì là lưu ý đến cung cách của mình, chúng ta sẽ càng bị lún vào bế tắc nhiều hơn.
Khi sự rối rắm trong một mối tương quan càng tăng cao và càng kéo dài, những điểm khác biệt sẽ càng dễ biến chúng ta thành đối cực và ta bị chôn chặt dài lâu trong một lập trường độc đoán và cứng nhắc. Chúng ta có khuynh hướng muốn xử lý nỗi gay cấn bằng cách chia thành hai phe, nhanh chóng đánh mất khả năng nhìn thấy hai mặt (hay hơn hai mặt) của một vấn đề.
Một minh họa khá tốt cho điều vừa nói trên là câu chuyện của một đôi vợ chồng nọ đến với tâm lý trị liệu khi đang ở bờ vực li dị. Đứa con duy nhất của họ, một bé gái sáu tuổi, đã trở thành tàn phế trong một tai nạn xe hơi hai năm về trước. Trong cùng năm ấy, ông nội của đứa bé được chẩn đoán là bị chứng bại não. Rõ ràng là mối phiền não trong gia đình này đã tăng đến mức nghiêm trọng; riêng đứa bé gái – tên Deborah – lúc ấy còn phải chịu những khó khăn về tâm cảm ở trường nữa.
Lúc bắt đầu đến với tâm lý trị liệu theo sự khuyến cáo của chuyên viên tư vấn nhà trường, đôi vợ chồng này dường như không thể nói chuyện với nhau. Người chồng cho biết: “Tôi không thể chịu đựng ở gần vợ tôi được nữa! Cô ấy cứ ảo não than vắn thở dài về cái tai nạn đó, cứ nhắc đi nhắc lại những khó khăn của Deborah, cô ấy làm cho bầu khí gia đình trở nên tang tóc mà thực ra đã có ai chết chóc gì đâu”. Còn người vợ thì nói: “Chồng tôi không biết bày tỏ cảm nghĩ, anh ta chẳng bao giờ đề cập đến những gì đã xảy ra, anh ta chỉ muốn tránh né càng xa càng tốt. Tôi không thể chịu đựng một mình những nỗi khó khăn ấy”.
Đôi vợ chồng này đã trở thành đối đầu nhau kịch liệt trước tình trạng tàn tật của con gái họ. Cả hai người đều đã không rút ra được những kinh nghiệm thiết yếu mà họ đang trình bày cho nhau bằng hình thức cường điệu. Người mẹ chìm lỉm trong nuối tiếc. Người cha thì cố che giấu cảm xúc và chủ trương cứ tiếp tục sống thản nhiên. Khi lắng nghe hai vợ chồng này cay cú chỉ trích nhau, người ta có thể khó nhận ra sự thực rằng cả hai người đều phải biết hối tiếc và cả hai người đều phải biết tiếp tục sống thản nhiên – dù không phải cùng bằng những cách thế hay cùng thời gian biểu như nhau.
Phản ứng nông nổi: vặn nó xuống
Phản ứng nông nổi của chúng ta đối với những khác biệt chính là cái làm ta lún vào những lập trường thái quá và bế tắc trong các mối quan hệ – những lập trường ấy trở thành cứng nhắc và xung khắc đến nỗi làm chúng ta mất khả năng xem xét cả mặt mạnh lẫn mặt yếu của người kia – cũng như cả mặt mạnh và mặt yếu nơi chính mình. Thay vào đó, ta trở nên quá lưu tâm đến mặt yếu của người kia và không chú ý đủ đến mặt yếu nơi bản thân mình. Ta không thể nhìn thấy hơn một khía cạnh của vấn đề, không thể nghĩ ra những hướng đổi mới, không thể quan sát và điều hợp phần mình trong một kiểu quan hệ vốn đang khóa chặt mình trong thế bí.
Ai trong chúng ta cũng có lúc này hay lúc khác phản ứng bộc trực, và ta biết nó khi nó gây đụng chạm. Chỉ cần người kia bước xuống khỏi máy bay, hay bỏ vào phòng, hay về nhà trễ mười phút, hoặc nhắc đến một chuyện đặc biệt nào đó – thế là ta cảm thấy sôi ruột lên, ta đùng đùng nổi giận, hoặc bất chợt thấy chán chường cực độ, hoặc nghe nặng trĩu trong lòng. Suzanne đã kinh nghiệm loại cảm xúc vừa mãnh liệt vừa tự động như thế mỗi khi chị nghe chồng mình nhấc máy điện thoại lên để gọi về cha mẹ anh ở New York. Còn đôi vợ chồng có đứa con gái bị tàn tật vì tai nạn xe hơi nói trên thì kinh nghiệm loại cảm xúc ấy dường như bất cứ lúc nào họ có mặt với nhau trong cùng một phòng và tìm cách nói chuyện với nhau về con gái mình. Sự bộc trực của chúng ta có thể khoác hình thức một cơn nhức đầu choáng váng hay một cơn đau bụng nào đó vào ngày đầu hay ngày cuối của mỗi chuyến về thăm nhà. Ta càng dính lâu trong phản ứng bộc trực, những khác biệt của chúng ta sẽ càng được đẩy mạnh và trở nên đối kháng dữ dội hơn.
Li dị về pháp lý – song mối liên lụy xúc cảm vẫn cứ còn
Hãy xem xét trường hợp của June và Tom, một đôi vợ chồng li dị, song giống như nhiều cuộc li dị khác – họ chỉ rời xa nhau về mặt pháp lý chứ không phải về mặt tâm cảm. Những khác biệt giữa hai người rõ rệt đến nỗi ngay cả người bàng quan nhất cũng dễ dàng nhận ra. June xử lý âu lo bằng cách tích cực thái quá, một đặc trưng vị thứ của chị trong gia đình: là chị cả trong số bốn chị em gái. Nghĩa là, khi căng thẳng xảy ra, chị lập tức ôm đồm lấy trách nhiệm và cố điều chỉnh tình hình. Mối ưu tư càng dâng cao, chị càng loay hoay xoay xở cần cù hơn, và đồng thời chị càng đổ dồn chú ý hơn đến những kẻ không chu toàn trách nhiệm hoặc không làm xong công việc của họ. Những người mến June thì thán phục chị là người tháo vát, trưởng thành và đáng tin cậy. Còn những ai không thích chị thì chê rằng chị có tính bà chủ, khắt khe, quá quyết đoán và hay đòi hỏi. Những nét ấy vốn là đặc điểm của một người chị lớn trong gia đình có nhiều chị em.
Khác hẳn với June, Tom phản ứng bất cập khi gặp căng thẳng. Anh dễ trở thành hời hợt và tránh trách nhiệm, anh đùn đẩy cho người khác nhận định và đảm nhận công việc thay anh. Chẳng hạn, anh báo với June là anh sẽ đưa lũ trẻ trở về cho chị vào khoảng 6 giờ tối Chủ nhật, nhưng rồi mãi cho tới 6 giờ 40 anh mới đến. Anh không buồn nghĩ đến chuyện phôn cho chị biết rằng mình sẽ đến trễ – mặc dù anh hiểu rõ không gì làm chị sốt ruột cho bằng đã hẹn mà rồi đến trễ. Những người thích Tom thì khen anh nồng nhiệt, vô tư, thoải mái. Còn những người không có cảm tình với anh thì nghĩ anh cần phải chín chắn hơn, biết giữ chữ “tín” hơn và biết nghĩ đến người khác hơn. Rõ ràng Tom phản ảnh nhiều đặc điểm đặc trưng con út.
Lối sống của June và của Tom cũng phản ảnh các khác biệt giữa họ. June là một nhân viên nhà đất rất thành công và có nhiều tham vọng, chị không giấu giếm rằng chị thích thưởng ngoạn những thứ tốt hơn và ngon hơn trong cuộc sống. Một cuộc sống dễ chịu với dồi dào tiện nghi vật chất là điều thật quan trọng đối với chị, và do đó chị làm việc cật lực để cung ứng cái tốt nhất cho bản thân mình và cho con cái. Phần Tom, trái lại, làm việc trong ngành giáo dục trẻ chậm tâm thần với đồng lương thấp – anh tự hào rằng mình đề cao những giá trị đối nghịch với vật chất. Anh chọn bầu bạn với những người thuộc loại có máu nghệ sĩ trong khu vực anh sống, và tất cả bạn hữu của anh đều có lối sống giản dị.
Lúc Tom và June đến gặp tôi trong buổi tư vấn đầu tiên, hai người tập trung cau có với nhau, hồi chưa li dị, phần lớn cuộc sống vợ chồng của họ cũng đã được dùng để cau có với nhau như vậy. Sở dĩ họ chấp nhận ngồi lại với nhau trong cùng một gian phòng chỉ bởi vì lúc này họ đang cùng quan tâm đến hai đứa con của họ – cả hai đứa đang có những dấu hiệu khó khăn về tâm cảm. Trong suốt mấy buổi gặp trị liệu đầu tiên, hai người cứ trách lẫn nhau là đã “gây ra” các khó khăn ấy cho con cái. June tin rằng thái độ thiếu trách nhiệm và ấu trĩ của Tom là cái gây ảnh hưởng khủng khiếp, đặc biệt đối với đứa con trai nhỏ của hai người. Phần Tom, anh lại nghĩ tương tự về các giá trị mà June đề cao và về lối sống của chị (“không thể tưởng tượng được việc mua một chiếc xe hơi thể thao mới cho một đứa con gái mười bảy tuổi! Không biết mẹ của con bé muốn dạy cho nó cái gì đây?”)
Những khác biệt giữa June và Tom là cái ban đầu đã từng kéo hai người lại với nhau. Vốn lớn lên trong một gia đình long đong lận đận, Tom tìm thấy nơi June sự vững vàng và chắc chắn mà anh hằng khao khát. Còn June, vốn là một con người trầm lặng với ngập đầy trách nhiệm – chị nhận ra Tom có thể giúp chị biết thư giãn và biết hài hước với đời hơn. Song điều đã xảy ra là chính những khác biệt từng lôi kéo họ lại với nhau đã nhanh chóng hóa thành trọng tâm khơi lên nỗi oán giận nhau trong lòng họ.
Giờ đây, mười tám năm sau khi cưới nhau và sáu năm sau khi li dị, cơn giận nông nổi của họ lại chính là chất keo không cho hai người rời nhau ra hay li dị nhau thật sự về mặt tâm cảm. Bao lâu nỗi oán giận ấy còn đó trong lòng thì bấy lâu họ vẫn còn ràng buộc như xưa. Thái độ nông nổi của họ đối với nhau đã giữ họ gần gũi (dù chỉ gần gũi một cách tiêu cực), và chẳng có ai trong họ sẵn sàng giũ bỏ sự nông nổi ấy.
Ai là kẻ độc ác và ai là nạn nhân? Bạn bè của June thì ủng hộ chị, còn bạn bè của Tom thì đứng về phe anh. Kỳ thực, cả Tom lẫn June đều có đầy đủ năng lực để làm cha làm mẹ và không có lối sống nào của họ là xấu trong tự thân nó – cho chính họ hoặc cho con cái họ. Đơn giản là họ có những lối sống khác nhau. Cũng vậy, thái độ tích cực thái quá hay thụ động bất cập đều là những kiểu thức thông thường mà người ta dùng để xử lý nỗi lo lắng. Tuy nhiên, khi chúng ta bị chôn cứng trong những vị thế quá khích hay đối cực, chúng ta sẽ bắt đầu hành động theo hướng đánh mất cả chính mình lẫn người khác.
Vậy trong tình hình hai đứa trẻ đang đi vào rắc rối nghiêm trọng này thử hỏi đâu là vấn đề thực sự và đó là vấn đề của ai? Vấn đề thực sự không nằm ở chỗ những tính cách riêng hay phẩm chất hoặc quan điểm giá trị của cha hay mẹ chúng. Cả Tom và June đều có các điểm mạnh và điểm yếu. Vấn đề thực sự là chính thái độ nông nổi của họ đối với nhau, một thái độ nông nổi đang ở mức tột bực và không có dấu hiệu gì vơi lắng xuống.
Chẳng hạn, khi Tom đưa các con về nhà trễ một tiếng đồng hồ, June sẽ làm thinh chẳng nói chẳng rằng, nhưng bầu khí trong nhà thì căng thẳng đến nỗi cô con gái của chị nhận ra một cách dễ dàng. Năm phút sau, chị quay điện thoại cho người bạn thân để than vắn thở dài về sự thiếu trách nhiệm và sự ấu trĩ của Tom – cũng như về nỗi lo lũ trẻ sẽ chịu ảnh hưởng bởi anh ta. Thì ra June có nhiều thứ khả năng song lại thiếu khả năng xem xét và ghi nhận những mặt mạnh của Tom trong tư cách làm cha.
Tất nhiên là Tom cũng góp sức tối đa phần mình để duy trì tình trạng bức xúc ấy. Anh không chỉ biết rõ cách làm cho chị phải phiền toái và liên lụy (chẳng hạn anh không phôn để báo tin mình sẽ đến trễ), mà anh còn tỏ ra rất bộc trực nóng nảy đối với chị nữa. Chẳng hạn khi đi cắm trại với anh và với một số bạn bè anh, các con anh đi những đôi giày thể thao trị giá sáu mươi đô la mà mẹ chúng đã sắm cho chúng – và điều này làm Tom rất bứt rứt khó chịu. Trong suốt buổi cắm trại ấy, anh nói đi nói lại mấy lần về “những đôi giày của con nhà giàu” ấy – rõ ràng là anh nhằm phê phán mẹ của bọn trẻ.
Còn bọn trẻ thì sao? Đến lượt chúng phản ứng nông nổi để trả đũa lại sự nông nổi của cha và mẹ chúng. Nhất là cậu em trai càng ngày càng bực dọc hơn vì phải vật lộn với câu hỏi mình đang ở “phe nào”. Không thể ổn định một quan hệ riêng với cha hoặc với mẹ mà không bị chi phối bởi tình hình gay cấn giữa hai bên, cậu bé trở chứng quậy phá ở trường và đâm đầu vào đủ thứ chuyện rắc rối.
Tom và June chấm dứt công việc trị liệu với tôi sau vài buổi gặp gỡ. Mấy tháng sau, June gọi đến báo cho tôi biết rằng chị đã gửi hai đứa con của chị đi trị liệu tâm lý riêng từng đứa và chị hy vọng rằng như vậy chúng sẽ có điều kiện để giải quyết các quyết định khó khăn của chúng – những vấn đề mà chị chắc mẩm rằng do chính bố chúng nó gây ra. Tom thì kịch liệt phản đối việc trị liệu ấy và từ chối lái xe đưa bọn trẻ đến văn phòng trị liệu, đồng thời anh cũng không hỗ trợ chi phí cho việc đó dưới bất cứ hình thức nào.
Theo June cho biết, vị chuyên viên trị liệu mới này nhất trí với chị rằng việc tập trung trị liệu cho hai đứa con là điều thích đáng – đồng thời vị chuyên viên ấy cũng xem Tom như một người cha thiếu trách nhiệm, không đóng góp gì cho thiện ích của con cái mình. Nỗi bức xúc đay nghiến giữa Tom và June lúc ấy đã lên đến cực điểm trong mối quan hệ giữa hai người. Và tôi không rõ hiện nay tình hình đã khá hơn hay càng tệ hại hơn.
Câu chuyện vừa kể trên là một câu chuyện thuộc dạng tay ba tập trung vào đứa trẻ – trong những trang sau chúng ta sẽ xem xét cách thức mà những câu chuyện tay ba như vậy diễn biến. Câu chuyện trên cũng minh họa sự kiện rằng mỗi người hiểu vấn đề mỗi khác (kể cả các chuyên gia cũng thế). Dù sao ở đây tôi muốn rút ra vài điểm cốt yếu từ câu chuyện của Tom và June.
Một là, những khác biệt tự chúng ít khi là “vấn đề” trong các mối quan hệ, thay vào đó, chính phản ứng nông nổi của chúng ta đối với sự khác biệt mới là vấn đề. Chẳng hạn,trong trường hợp li dị, con cái có thể không có vấn đề gì cho dù cha mẹ chúng rõ ràng đề cao những giá trị khác nhau, những lối sống khác nhau và những cách xử lý khác nhau khi gặp phiền não. Trái lại, con cái sẽ bị ảnh hưởng thê thảm khi sự nông nổi hay bức xúc tâm cảm giữa cha mẹ chúng tăng cao, và càng thê thảm hơn nữa nếu chúng trở thành tiêu điểm của sự nông nổi và bức xúc ấy. Tất nhiên là trong tình hình ấy cha mẹ chúng cũng tiếp tục lún sâu vào bế tắc hơn thôi.
Hai là, sự phản ứng nông nổi sẽ đẩy mạnh thêm và sẽ làm xơ cứng những khác biệt.Chẳng hạn, việc June tập trung thái quá đến những mặt yếu của chồng chị (và đồng thời không chú ý đủ đối với các vấn đề của bản thân chị) chỉ có tác dụng thúc đẩy anh ta tiến xa hơn nữa trong chiều hướng vô trách nhiệm, và càng đặt hai người vào thế đối đầu nhiều hơn. Tương tự, nỗi cau có của Tom đổ dồn trên tư tưởng duy vật nơi người vợ li hôn của anh (và anh muốn tự chứng minh “ngược lại”) làm cho khó mà hi vọng rằng hai người có thể đạt được bất cứ sự gặp gỡ nào dựa vào một giá trị hay niềm tin hay khát vọng nào đó mà cả hai cùng chia sẻ. Thông thường con cái họ sẽ cảm thấy bị áp lực phải chọn hoặc “giống bố” hoặc “giống mẹ” (một cuộc giằng co vô phương giải quyết về vấn đề trung thành) – thay vì lẽ ra chúng có thể ghi nhận và tiếp thu bất cứ tính cách nào, dù của cha hay của mẹ, mà chúng thấy là tốt cho chúng.
Nén sự nông nổi xuống – dường như đó là bước cam go và có tính quyết định nhất để ta có thể tháo gỡ các rào cản không cho phép ta đạt được sự mật thiết, hay có thể nói đó là bước quyết định nhất để ta giải quyết bất cứ vấn đề nào trong cuộc nhân sinh. Đó là lý do tại sao tôi đã yêu cầu Suzanne đến thư viện để tìm hiểu thêm về các truyền thống văn hóa. Tôi muốn chị có thể suy nghĩ về những khác biệt trong cuộc sống hôn nhân của chị – thay vì chỉ tập trung phản ứng lại chúng. Đó cũng là lý do tại sao tôi thách đố chị xây dựng một mối liên hệ gần gũi hơn với gia đình gốc của mình. Vì một khi giải quyết được tình trạng gián cách và đoạn giao với gia đình, chị sẽ giảm bớt khuynh hướng phản ứng nông nổi trong quan hệ với chồng mình hay trong bất cứ mối quan hệ thiết yếu nào khác. Như chúng ta đã thấy trong trường hợp của Susan – và cả của Adrienne nữa – sự thay đổi chỉ xảy ra khi ta bắt đầu suy nghĩ và điều chỉnh chính mình thay vì là tập trung chì chiết và phản ứng bộc trực với người kia.
Bớt nông nổi và bớt đổ dồn chú ý vào tính cách vô trách nhiệm của người chồng li hôn của bạn, sự bạc nhược của chồng bạn, tính soi mói của ông chủ bạn, thái độ lảng tránh của em trai bạn, tật uống rượu của cha bạn, thói ưa phàn nàn của mẹ bạn… một cách chính xác điều ấy có nghĩa gì? Phải chăng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh được một mối quan hệ chỉ bằng cách chấp nhận và đánh giá cao những khác biệt? Phải chăng ta được khuyến khích xuề xòa gật gù “sao cũng được”? Phải chăng ta cứ giữ kín nỗi ấm ức trong lòng còn bên ngoài thì vẫn im thin thít không nói gì? Chắc chắn là không phải thế.
Giảm bớt bộc trực và ngừng tập trung vào người kia không hề có nghĩa là lảng tránh, cắt đứt, làm thinh hay quá xuề xòa dễ dãi. Nó không có nghĩa rằng ta cứ phớt lơ đối với những gì đang gây rắc rối cho ta – viện cớ rằng phớt lơ như vậy để tránh làm cho tình hình thêm tệ hại hơn. Thực ra, giảm sự bộc trực xuống hàm nghĩa rằng ta tăng thêm năng lực vào nỗ lực hàn gắn và minh định thế đứng của mình liên quan tới những vấn đề còn vướng mắc trong các mối quan hệ thiết thân, song ta sẽ làm thế bằng một cung cách mới: đó là đổ dồn chú ý về chính mình – chứ không phải về người kia. Chúng ta sẽ xem mình có thể thực hiện điều ấy bằng cách nào.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.