Vũ Điệu Của Sự Mật Thiết
CHƯƠNG IX: NHỮNG VẤN ĐỀ NÓNG BỎNG: MỘT CÁI NHÌN TOÀN CỤC TIẾN TRÌNH THAY ĐỔI
Là con gái cưng của mẹ,
mình biết làm sao đây?
Chuyện không hay ấy nếu giãi bày,
có làm mẹ mình bối rối?
Hay là mẹ sẽ
lắc đầu xua tay?
“Bài Ca Của Con Gái”
Phải chăng mình sai?
Và mình mới là người đáng trách?
Mình đã làm gì cho con gái,
để đến nông nỗi này?
Vì sao ai biết cớ sự vì sao?
Và … và có thể nào,
con gái mình khác mình
đến vậy?
“Bài Ca Của Mẹ”
(Chuyển ý từ lời Anh ngữ của Jo-Ann Krestan)
Ba tuần trước đám cưới của chị ruột mình, Kimberly đáp máy bay từ Kansas City về Dallas và tiết lộ cho bố mẹ biết rằng mình là một cô gái đồng tính luyến ái. Mary, người tình của cô đã ba năm nay, cũng có mặt với cô trong cuộc tự bạch này. Nghe con gái mình kể chuyện, ông bố Kimberly tưởng như bị sét đánh ngang tai. Ông chẳng nói chẳng rằng, lặng lẽ bỏ đi. Mẹ cô thì òa khóc – và sau một hồi – bà bắt đầu hạch hỏi xối xả: “Con kể điều đó với bố mẹ để làm gì?” “Sao con có thể ngồi đó để kể lể rằng mình là một kẻ đồng tính luyến ái?” “Con có lo chạy chữa cho chính mình chưa?”
Mọi cố gắng của Kimberly nhằm biện hộ cho bản thân cô đều chỉ như nước đổ đầu vịt. Sau khoảng mười lăm phút, Kimberly thưa với bố mẹ rằng cô và Mary đã không dự tính về đây để nghe những lời nhục mạ – và cho biết các cô sẽ đến nghỉ đêm tại nhà một người bạn. Kimberly để lại số điện thoại của người bạn ấy trên bàn ăn – kèm theo mấy chữ nhắn rằng bố mẹ hãy gọi đến cho cô khi và chỉ khi bố mẹ cảm thấy sẵn sàng để thảo luận về vấn đề ấy một cách đàng hoàng và thiện chí. Kimberly không nhận được cú điện thoại nào. Cô trở về Kansas City và quyết định coi như bố mẹ mình không có trên đời nếu bố mẹ không nhìn nhận người bạn tình của cô và không tôn trọng quyền chọn lựa lối sống của cô. Cô cũng quyết định không tham dự đám cưới của người chị ruột – mà theo cô, “một phần cũng vì lý do tài chánh”. Cô đã tiêu tiền “đủ chỉ tiêu” trong chuyến về nhà vừa rồi.
Khoảng sáu tuần lễ sau đó, Kimberly trở nên mềm dẻo hơn. Cô quyết định cho bố mẹ mình “thêm một cơ hội”. Cô thu thập những sách vở tài liệu nói về giới đồng tính luyến ái và gởi về Dallas – kèm với một lá thư ngỏ ý dàn hòa. Cô bày tỏ ước mong rằng bố mẹ sẽ đọc những tài liệu đó và sẽ tự nhận ra thái độ khiếp sợ quá quắt của mình đối với những vấn đề đồng tính luyến ái – nhờ vậy, bố mẹ sẽ có thể có được một quan điểm thoáng hơn.
Bố mẹ cô mở gói bưu phẩm ra, gói lại y như cũ và gửi trả lại cho cô – không đính kèm theo dù chỉ một lời. Tuy nhiên, sau đó một tháng, họ gởi cho cô một thiệp mừng sinh nhật, ghi: “Thương con – Mẹ và bố” – không có thư cũng chẳng có quà như thông lệ. Tới đây thì Kimberly tuyên bố mình là một đứa con mồ côi, không thể chịu đựng bố mẹ mình thêm được nữa.
Vài năm trước “ngày bùng nổ” ấy – như cách mệnh danh của Kimberly sau này – cô đã có ý muốn chia sẻ đặc điểm đồng tính luyến ái của mình với bố mẹ, nhất là với mẹ cô. Mặc dù một chuyên viên tâm lý trị liệu trước đó đã khuyên cô đừng kể (“Ba má bạn không chia sẻ với bạn về đời sống tình dục của họ. Cớ gì bạn phải kể với họ về chuyện của bạn?”) Tuy vậy, Kimberly tự cảm thấy mình cần phải nói ra. Cô ý thức rằng việc giữ kín một bí mật quan trọng như vậy đối với gia đình chắc chắn sẽ tiếp tục kìm hãm mối quan hệ giữa cô với bố mẹ trong tình trạng hời hợt và lạnh lùng, được điểm xuyết bởi những sự câm lặng và những lời nói dối. Tình trạng mập mờ bưng bít của cô trong vai trò người tình cũng ảnh hưởng rất nhiều đến mối quan hệ giữa cô với Mary.
Bí mật mà Kimberly giữ kín đối với gia đình không phải là bí mật chỉ liên quan đến “khuynh năng dục tính” – nghĩa là, đó không phải chỉ là vấn đề cô đang chăn gối với ai hay cô cảm thấy bị lôi cuốn về phía ai. Tình trạng đồng tính luyến ái của Kimberly – trong bản chất của nó – còn bao gồm cả những mối ràng buộc tâm cảm quan trọng của cô, cả việc cô chọn lựa lối sống qui hướng về phụ nữ, và cả những chi tiết lớn nhỏ trong đời sống hằng ngày: từ chuyện cô đi nghỉ hè với ai và dùng thời gian rảnh như thế nào, cho đến chuyện cô mới đảm nhận vai trò một nhà tổ chức năng nổ trong cộng đồng phụ nữ đồng tính luyến ái. Những hệ quả lâu dài của việc cô tiếp tục bưng bít không chỉ khóa chặt nẻo đường giao cảm với những người thân trong gia đình mà còn dần dà làm xói mòn nơi cô cảm thức về phẩm cách và lòng tự trọng. Nó cũng tàn phá nghị lực và niềm vui sống của cô (bất cứ sự giữ bí mật nào cũng phải trả giá này) – một cách rúc rỉa từ từ khó nhận ra song đầy sức bành trướng – và điều này gây ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ giữa cô và Mary.
Việc Kimberly quyết định nói ra sự thực quả là một hành vi dũng cảm. Tuy nhiên, sự chọn lựa bưng bít điều uẩn khúc ấy cũng không hề có nghĩa rằng cô không dũng cảm. Như tôi đã đề cập trước đây, không ai có thể đoán trước được các hệ quả của sự thay đổi – không đoán trước được cho chính mình và càng chắc chắn không đoán trước được cho người khác. Chúng ta không biết đối với một cá nhân cụ thể và vào một thời điểm nhất định thì thay đổi đến mức độ nào là vừa; ta cũng không biết người ấy có khả năng chịu đựng phiền não đến cỡ nào. Chúng ta không thể nào thực sự nắm vững ngọn ngành câu chuyện của một người khác. Trong nhiều năm, bạn bè của Kimberly đã thúc đẩy cô trình bày sự thực của mình với gia đình, nhưng cô đã đề kháng. Sự đề kháng này của cô cũng là một hành vi dũng cảm, bởi vì cô nhận hiểu được rằng mình chưa chuẩn bị đủ bản lĩnh để giãi bày điều đó.
Giãi bày sự thật: một khó khăn của nữ giới
Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn hoàn cảnh của Kimberly, vì thố lộ sự thật là một điều gay go đối với bất cứ phụ nữ nào. Ai trong chúng ta cũng có những gánh nặng tâm cảm trong gia đình mà mình cảm thấy khó đề cập đến. Ai trong chúng ta – trong một mối quan hệ nào đó – cũng thấy mình phải chọn lựa giữa hai đàng: hoặc chọn tính đích thực hoặc chấp nhận sự hoà điệu. Ai trong chúng ta cũng phải đương đầu với những lực phản kháng mạnh mẽ và sự cám dỗ “quay về đường cũ” – cả ở bên trong lẫn từ bên ngoài mình – nếu chúng ta xác lập một cái “tôi” độc lập khỏi những khuôn thước của gia đình và của nền văn hóa. Và tất cả chúng ta, vì là phụ nữ, đều đã được dạy cho biết cách bảo vệ và làm đẹp các mối quan hệ bằng sự thinh lặng, hy sinh và thí bỏ bản ngã mình.
Kinh nghiệm của Kimberly sẽ giúp chúng ta củng cố một số bài học mà chúng ta đã rút tỉa được liên quan đến việc minh định cái “tôi” của mình. Câu chuyện của cô cũng dạy ta biết phải sửa soạn đón nhận những gì khi ta đụng chạm đến bất cứ một gánh nặng tâm cảm nào và cố dàn xếp nó với những người thiết thân của ta. Câu chuyện ấy nhắc ta đừng quên thế lưỡng nan của những khác biệt vốn luôn luôn đầy sức đe dọa khi các khác biệt bắt đầu chường mặt ra – và các khác biệt ấy sẽ buộc ta xét lại tất cả những giả định của mình về sự giống nhau giữa mình và người khác. Chúng ta có thể lấy vấn đề đồng-tính-luyến-ái-nữ để làm điển hình về một bất đồng đặc biệt nghiêm trọng trong các gia đình của xã hội chúng ta hôm nay, một xã hội đậm tính dị ứng với chuyện đồng tính luyến ái.
Đừng quên rằng các gánh nặng tâm cảm có thể xuất hiện bằng mọi hình dạng và thể cách. Một số vấn đề, chẳng hạn sự loạn luân, thì rõ ràng là vấn đề hệ trọng. Một số vấn đề khác có vẻ không gay cấn mấy dưới cái nhìn bàng quan của người ngoài (“Mẹ à, con đã quyết định bỏ đạo”) song lại là hoàn toàn húy kỵ đối với một cá nhân cụ thể trong một gia đình cụ thể nào đó. Đối với Adrienne các sự kiện và các cảm xúc xung quanh việc quyết định gửi Greg vào viện tâm thần đã làm cho chuyện ấy trở thành một trái bom tâm cảm. Đối với Jo-Anne, người tác giả vô danh của lá thư ở chương 2, việc tuyên bố với chồng rằng mình quyết định tiếp tục mua báo Phụ Nữ có thể được xem như một “sự bộc lộ” mà tầm nguy hiểm của nó cũng không hề thua kém. Đôi khi phải cần đến nhiều năm chuẩn bị, ta mới có thể đưa ra được một câu hỏi thẳng thắn xoáy vào sự thực (”Bố ạ, thực tế chú Bill đã chết như thế nào hở bố?”)
Tại sao chúng ta lại phải mất công suy nghĩ về việc dàn xếp một vấn đề gay cấn mà không ai muốn đề cập đến? Tại sao chúng ta cần phải san sẻ cái gì đó hoặc hỏi một điều gì đó cho dẫu khi làm thế ta thấy như mình đang ném một quả bom vào tâm hồn của những người thân trong gia đình mình? Thường thì chúng ta ái ngại không dám. Tuy nhiên, đôi khi bởi vì không thể chia sẻ một điều gì đó – hay hỏi một điều gì đó – mà ta bị suy nhược nặng nề trong cảm thức về bản ngã, trong lòng tự tin và tự trọng, và trong khả năng xây dựng quan hệ mật thiết với những người trong hàng thiết thân của mình. Cần nhắc lại rằng tình trạng bức xúc trong một mối quan hệ thiết yếu trong gia đình sẽ không biến mất nếu chúng ta xử lý nó bằng con đường lảng tránh và cắt đứt. Nó chỉ được khỏa lấp tạm thời thôi.
Bằng cách nào chúng ta có thể giải tỏa một vấn đề khó khăn sao cho cuối cùng việc ấy đem lại công hiệu chữa trị, tạo điều kiện cho ta đạt được mức thân mật gần gũi nhiều hơn? Bằng cách nào chúng ta có thể tránh được một thế đối đầu chỉ làm cho ta thêm phản ứng nông nổi và cắt đứt? Đó là những câu hỏi mà Kimberly đã không đặt ra cho mình trước khi cô bay về nhà và giãi bày sự thực với bố mẹ.
Nhìn lại “ngày bùng nổ” ấy
Kimberly gõ cửa tâm lý trị liệu chín tháng sau “ngày bùng nổ”. Tấm thiệp sinh nhật mà bố mẹ cô gửi cho cô là sự liên lạc cuối cùng giữa hai bên – và Kimberly vẫn còn phẫn uất với thái độ của bố mẹ. Cô đã tìm đến tôi vì nghe đồn rằng tôi là một “chuyên gia về các cơn giận” – mà cô thì đang giận. Đồng thời, lúc ấy cô không hề cảm thấy muốn nối lại liên lạc với gia đình. Cô chỉ muốn “tống khứ cơn giận của mình đi” thôi – không cần đặt vấn đề giận ai hay giận cái gì – và cô mong ước quá trình trị liệu sẽ không đòi cô phải làm bất cứ điều gì mới mẻ đối với những người có liên quan.
Kimberly cho tôi biết rằng cô đã thố lộ với bố mẹ về tình trạng đồng tính luyến ái của mình với hy vọng sẽ đạt được “mối quan hệ thực sự” với bố mẹ – chấm dứt kiểu quan hệ hời hợt và thiếu thành thực bấy lâu nay. Thế nhưng thay vì tạo được bước nhảy đến chỗ mật thiết nhiều hơn, mối quan hệ ấy vốn đã cách xa lại trở nên càng xa cách – và giờ đây biến thành một cuộc chiến tranh lạnh. Thử hỏi: tiến trình nào đã diễn ra? và tiến trình nào đã không diễn ra?
Đó là một tiến trình
Mặc dù Kimberly là một cô gái thông minh nhạy cảm, cô vẫn nghĩ về việc thố lộ sự thật như là một cái gì thật đơn giản, kiểu như chỉ cần bay về nhà và “nói” (“chà, thế là xong!”) – trong khi đáng ra phải nhìn việc đó chỉ như một bước nhỏ đầu tiên trong cả một tiến trình lâu dài. Cô đã lẫn lộn phản ứng ban đầu của bố mẹ mình với những kết quả có thể sẽ xảy đến sau này nhờ nỗ lực của cô. Kimberly đã không có được một cái nhìn toàn cục về cả tiến trình thay đổi. Thật vậy, cô thậm chí không có một cái nhìn khách quan về quá trình của chính cô. Từ khi cô lần đầu tiên nhận ra tình trạng khác thường của mình với những cảm nghĩ thật “bi đát” cho đến khi rốt cuộc cô tích cực chấp nhận khuynh năng tình cảm và tính dục hướng về nữ giới của mình – giữa hai vạch mốc đó là một quãng thời gian nhiều năm dài.
Như chúng ta đã thấy, sự thay đổi đích thực thường làm gia tăng nỗi bấn loạn – kèm theo với những lực phản kháng (“trở lại con đường cũ, nếu không thì…”). Nếu chúng ta nghiêm túc muốn thay đổi, ta không thể không tiên lượng các lực phản kháng và vạch kế hoạch xử lý thái độ phản ứng bộc trực của chính mình khi đối mặt với những lực phản kháng ấy. Sự xuất hiện của các lực phản kháng (chẳng hạn “Tôi không thể tin là bạn có ý nghĩ đó!” “Sao bạn có thể ích kỷ đến vậy?”) không hề có nghĩa rằng các nỗ lực thay đổi của chúng ta là sai lầm và thất bại. Nó chỉ có nghĩa rằng tiến trình thay đổi ấy đang diễn ra một cách hết sức bình thường. Công việc của chúng ta là phải kiên định trước những trở lực, song vẫn không cố thủ, không cố gắng thuyết phục người khác thay đổi cách cảm nghĩ, và không cắt đứt quan hệ.
Có tính đến những trở lực
Margie, một phụ nữ hai mươi sáu tuổi, đã nói với tôi trong một buổi trị liệu rằng cô có cảm tưởng như mình đang “tiết lộ bí mật” khi quyết định chia sẻ một số điều rắc rối của mình với mẹ. Trong gia đình gốc của Margie, cô được gán cho biệt danh là “Con Bé Tốt Số”. Hồi tưởng lại cả cuộc đời mình cho đến tận cùng ký ức, cô nhận thấy mình đúng là “Đứa Con Luôn Luôn Đem Lại Niềm Vui”. Cô không làm gì khiến mẹ phải bận lòng; cô không giống như bố – một người đàn ông mê cờ bạc và thường xuyên dính líu vào những vụ làm ăn điên rồ liều lĩnh. Rõ ràng là mẹ cô đã luôn luôn bận bịu cảnh giác đối với những dấu hiệu ưu phiền cỏn con nhất của con gái bà – và bà đã biết cách giúp Margie vận dụng chính khả năng mình để xử lý những cơn buồn chán không thể tránh được vào lúc này lúc khác trong cuộc sống.
Trong ký ức xa xăm nhất của Margie, cô nhớ ngày xưa có lần từ nhà trẻ về nhà, mình đã khóc tấm tức và cảm thấy tủi thân vì bị chúng bạn chế giễu. Cô nhớ lúc ấy mình chỉ muốn ở một mình trong phòng – nhưng rồi mẹ bước vào, “gạn hỏi” từng li từng tí, vô vọng xoay xở hết cách này đến cách khác để dỗ dành con gái. Rồi cô nhớ khi thấy mình càng eo sèo hơn, thì… chính mẹ đã òa lên khóc!
Được biết, mẹ cô có một người em trai đã tự tử ở tuổi vừa quá đôi mươi và trong gia đình còn hai người khác được chẩn đoán mắc chứng cuồng loạn đột biến. Có một mối ám ảnh ngầm trong gia đình này, đó là mẹ cô lo sợ rằng bà có thể truyền cái “gien trầm uất” hay “gien tự tử” ấy cho con gái mình. Vì thế bổn phận của Margie trong gia đình là phải không tỏ ra trầm uất để không làm mẹ lo lắng.
Khi Margie bắt đầu nhận trị liệu tâm lý, cô đang ở trong một vị thế đối cực – trong đó người bạn sống chung không giá thú của cô là người suy sụp tinh thần. Margie đổ dồn quá nhiều chú ý về anh và phản ứng tích cực thái quá đối với anh. Cô đã theo đuổi tâm lý trị liệu hơn hai năm để nắm hiểu sự di truyền và ý nghĩa của “tình trạng trầm uất” bên trong gia đình mình trước khi cô có thể sẵn sàng để thử nghiệm và dần dà chia sẻ với mẹ một phần mặt yếu của cô.
Thoạt đầu, trong khoảng một năm, bà mẹ tìm cách cản trở hoặc hạn chế tối đa những cố gắng trang trải nỗi lòng của Margie. Đôi khi bà đánh trống lảng và chuyển sang đề tài khác khi Margie mới hé ra một chút khía cạnh hành xử bất cập của mình. Phải mất một thời gian dò dẫm rất lâu, câu chuyện trao đổi giữa hai mẹ con mới có thể thoáng đụng đến những vấn đề nóng như trầm uất và tự tử. Ngay cả bây giờ, đã bốn năm trôi qua, mỗi khi có chuyện phiền não dâng cao, mẹ của Margie vẫn quay về với lề lối cũ của bà (“Ngủ thêm một chút đi, và con sẽ thấy thanh thản, con yêu!”) và Margie có thể nhẹ nhàng chế giễu mẹ về điều ấy. Trước cái nhìn của người ngoài cuộc, Margie xem ra đã chỉ thực hiện “những thay đổi nhỏ nhoi” (“có gì mà ầm ĩ việc một cô con gái thủ thỉ với mẹ rằng tuần lễ rồi mình rất nản?”). Thế nhưng, vì Margie vốn thuộc loại tích cực thái quá trầm trọng – nên đối với cô, những thay đổi ấy là cả một kỳ công. Chính bước đầu tiên này đã giúp cô sửa đổi được thái độ phản ứng thái quá của mình đối với người yêu và cuối cùng cô đã có khả năng xây dựng mối thân tình đích thực.
Làm sao Margie có thể bắt đầu đạt đến sự thay đổi ấy được nếu cô không tâm niệm trong lòng rằng đó là một quá trình đòi hỏi phải có thời gian! Rất có thể cô đã thất bại nếu như cô cương quyết chọn cách hành động ồn ào (chẳng hạn đấu tranh kịch liệt hoặc nhanh chóng “đi sâu vào vấn đề” với mẹ mình) thay vì là chầm chậm bước tới bằng những bước dè dặt, sẵn sàng đón nhận những lực phản kháng chắc chắn không tránh được trên đường đi.
Sự đề kháng từ trong lòng mình
Trong trường hợp của Kimberly, cô quyết định đoạn tuyệt, một phần bởi vì cô không thực sự muốn đặt vấn đề đồng tính luyến ái của mình ra thành chuyện. Thái độ đề kháng này là điều khá bình thường – và được biểu lộ qua việc cô quyết định xem “mình là đứa con mồ côi” sau khi nhận cánh thiệp sinh nhật của bố mẹ đề mấy chữ: “Thương con, Mẹ và Bố”. Nếu phân tích bối cảnh sự kiện, ta sẽ thấy rằng cánh thiệp ấy là một cử chỉ tuy nhỏ nhưng đầy ý nghĩa qua đó bố mẹ cô muốn thúc đẩy tương giao – thế nhưng Kimberly đã đáp trả bằng sự phẫn nộ và lảng xa thêm. Đó chính là lực phản kháng thay đổi ngay chính trong lòng Kimberly.
Giải tỏa một gánh nặng là điều không dễ chút nào. Không những ta phải xác định và kiên thủ với lập trường rõ ràng của mình – trong trường hợp của Kimberly thì lập trường này bao hàm việc chia sẻ cả những niềm vui lẫn nỗi khó trong thân phận đồng tính luyến ái của cô – mà ngoài ra ta còn phải biết lắng nghe và ghi nhận phản ứng của người kia trong khi không quá bận tâm lo lắng về những khác biệt, cũng không hùng hục nhảy vào thay đổi hay điều chỉnh. Nghĩa là ta phải kiểm soát được khuynh hướng bộc trực nóng nảy của mình.
Khi Kimberly cuối cùng có thể bắt đầu dàn xếp vấn đề với mẹ cô, cô nhận thấy rằng thật vô cùng khó khăn việc phải ngồi im để lắng nghe mẹ san sẻ những nỗi thất vọng và niềm đau của bà. Một đàng, phản ứng của mẹ cô là điều hoàn toàn có thể đoán trước được – nếu ta hiểu rằng bà đã từng hấp thụ những quan điểm và thái độ rất dị ứng đối với vấn đề đồng tính luyến ái. Và trong nếp văn hóa (có đặc điểm qui hướng về mẹ) của chúng ta, cũng sẽ là chuyện bình thường nếu đôi lúc mẹ của Kimberly bất chợt thức giấc lúc nửa đêm – dằn vặt trăn trở với ý nghĩ rằng chính mình đã “gây ra” cho con gái mình điều “bất hạnh”.
Nhưng không chỉ thế. Bà mẹ này còn xót xa tiếc nuối vì sự bộc bạch cởi mở vốn có giữa các thế hệ trong gia đình bà nay xem ra không còn nữa – cũng như bà tiếc nuối vì mọi ảo tưởng và hình ảnh bà vun quén về Kimberly nay cũng sụp đổ tan tành. Thực tế nghiệt ngã bất ngờ và vô cùng trái khoáy này thoạt tiên được bà cảm nhận như một lưỡi cắt lạnh lùng chặt đứt mọi mối dây gắn bó mình với tương lai – như thể “đây là dấu chấm tận của tất cả”, theo lời bà diễn tả. Nhưng sự kiện bà nhận ra và bày tỏ được những cảm nghĩ ấy cuối cùng đã được chứng tỏ là rất hữu ích. Nếu như bà chỉ phản ứng bằng cách tỏ ra xuề xòa thoải mái và chấp nhận tuốt tuột (“Ồ, con yêu! đối với bố mẹ, chuyện ấy của con không có gì là trầm trọng. Bố mẹ vẫn mãi yêu thương con vì con là con của bố mẹ”) – thì chắc hẳn hai mẹ con đã không có cơ hội để dàn xếp câu chuyện gay cấn ấy với nhau và cuối cùng đã không thể đạt đến một khả năng đối thoại sâu xa và đích thực hơn.
Kimberly và mẹ cô đã chỉ có thể nói chuyện được với nhau sau khi cô có đủ bình tĩnh mời mẹ cô san sẻ các ý nghĩ của bà (“Mẹ à, mẹ ưu tư nhất điều gì khi biết con là người đồng tính luyến ái?”) và có thể kiên trì lắng nghe bà nói hết chứ không nóng nảy chỉ trích hoặc tranh luận để tự vệ. Đầu tiên công việc này được tiến hành qua thư từ; nhờ hình thức viết thư, hai bên đều có thêm một ít thời gian và không gian để nguôi ngoai và có thể suy nghĩ về cách mình phản ứng. Mãi về sau này mẹ của Kimberly mới ngỏ ý muốn đọc qua các sách vở nói về đồng tính luyến ái mà cô đã có lần gửi cho bà trước kia.
Đặt nền móng căn bản
Khi Kimberly lần đầu tiên nói ra sự thật về tình trạng đồng tính luyến ái của mình, tình hình trở nên đặc biệt gay cấn ngay ở bước đầu tiên – bởi vì cô bộc lộ vấn đề trong bối cảnh đang có một mối quan hệ vô cùng hời hợt xa cách với bố mẹ mình. Thực vậy, trước cái ngày bùng nổ ấy, dường như Kimberly không bao giờ bàn bạc các chuyện riêng với bố mẹ. Dù là những chuyện vui (chẳng hạn cô tổ chức một nhóm đọc thơ tại một trường đại học địa phương) hay là những chuyện chẳng lành (chẳng hạn cô bị tai nạn xe hơi, tuy không thương tích gì nhưng cảm thấy chấn động khủng khiếp), Kimberly không hề hé ra cho gia đình biết. Quả là một mối quan hệ lạnh lùng xa xăm!
Chúng ta đã từng đề cập trước đây rằng hễ dục tốc thì bất đạt. Điều này càng đúng đối với việc xử lý các gánh nặng tâm cảm lớn. Trước khi sấn những bước dài, chúng ta cần phải tập đi chập chững từng bước nhỏ đã. Dần dần mới chuyển sang những bước dài hơn, nhanh hơn. Nhiều khi phải cần đến hai ba năm sửa soạn, ta mới có thể ngồi lại bên người ấy thậm chí chỉ để nói chuyện mưa nắng vu vơ.
Với nhịp độ từ từ
Khi vấn đề càng bức xúc và tình trạng cắt đứt càng trầm trọng, thì để thay đổi – người ta càng chuyển biến chậm chạp hơn. Chẳng hạn, cách đây nhiều năm tôi có làm việc với một phụ nữ tên là Rayna; nàng cần sự giúp đỡ bởi vì nàng không thể cảm nhận được khoái lạc tính dục trong quan hệ với người bạn trai của mình. Rayna liên hệ vấn đề này với một lịch sử loạn luân bắt đầu hồi nàng mười một tuổi. Nói rõ hơn, nàng đã tham dự vào trò chơi tình dục – trong đó có hai lần dẫn đến hành vi giao hợp – với một người anh trai lớn hơn nàng bảy tuổi.
Trong vài năm đầu nhận tâm lý trị liệu, Rayna tập trung giải tỏa vấn đề này và đặt nó trong một toàn cảnh gia đình rộng hơn. Vụ loạn luân ấy là một trong nhiều hiện tượng khác đã xảy đến trong gia đình này tiếp theo sau một giai đoạn chấn động ghê gớm liên quan đến nhiều cái chết và một vụ mất tích không rõ manh mối trong đại gia đình. Rayna cũng bắt đầu đọc các tài liệu và tham dự những buổi thuyết trình nói về vấn đề loạn luân, ngoài ra nàng cũng sinh hoạt trong một nhóm những người đã từng vướng vào loạn luân. Khi Rayna làm việc với tôi đến năm thứ ba, nàng đã có thể bắt đầu một số liên lạc với người anh trai ấy – đầu tiên nàng gửi một thiệp chúc mừng Giáng sinh, sau đó là những thiệp mừng sinh nhật cho các con của anh ta. Một năm sau, trong một chuyến đi xuyên suốt chiều ngang đất nước, Rayna đã ghé lại nhà người anh trai ấy – nàng dùng cơm trưa với gia đình anh và lưu lại với anh hai tiếng đồng hồ. Cần ghi nhận rằng lúc sắp thực hiện cuộc viếng thăm ấy nàng bị một cơn nhức đầu dữ dội, còn sau chuyến viếng thăm thì là những cơn đau mỏi ở cơ lưng – có thể đó là những tín hiệu từ vô thức cho nàng biết rằng nàng đang hành động quá nhiều và quá sớm.
Chuyện thì dài nhưng có thể tóm lại là Rayna đã phải mất nhiều năm trước khi hình thành được một mối liên lạc với anh trai mình đủ để đề cập và giải tỏa vấn đề loạn luân ấy. Đầu tiên Rayna viết thư cho anh, cho biết rằng nàng đã suy nghĩ về nhiều biến cố đau buồn đã xảy ra trong gia đình khi mình còn bé – gồm cả những gì đã xảy ra giữa nàng và anh; và nàng bày tỏ ý muốn trao đổi với anh về một vài điều. Sau đó, Rayna có dịp ngồi lại với anh và nàng đã đặt thẳng vấn đề ấy ra. Nàng hỏi anh nghĩ thế nào về một sự cố như vậy đã có thể xảy ra trong gia đình. Theo anh thì tại sao điều ấy đã xảy ra? Anh giải thích thế nào về chuyện ấy? Anh có còn nghĩ về sự cố ấy không? Nó đã ảnh hưởng thế nào đến anh?
Rayna vốn đã chuẩn bị kỹ để đón khả năng tệ hại nhất có thể xảy ra (“Biết đâu anh ấy sẽ gạt ngang và bảo rằng em ngớ ngẩn”) và nàng đã dự tính sẽ ứng phó cách nào với tình thế ấy – song thực tế tình thế ấy đã không xảy ra. Cuối cùng, nàng nói rõ với anh rằng chuyện ngày xưa ấy vẫn còn khiến lòng nàng dằn vặt. Nàng cho anh biết mình đã nhận trị liệu tâm lý trong nhiều năm nhằm cố giải tỏa hết vấn đề ấy – và nàng cũng giãi bày rằng vụ loạn luân ấy vẫn còn tiếp tục hủy hoại lòng tự trọng của mình và ảnh hưởng trên các mối quan hệ của mình với nam giới.
Sau đó, Rayna và anh trai nàng dần dần có thể nói chuyện về gia đình và về bối cảnh rối rắm của cả đại gia đình mình trong đó vụ loạn luân ấy đã xảy ra. Đồng thời, Rayna không khoan nhượng trước vấn đề trách nhiệm cá nhân. Khi anh nàng nói: “Hồi đó em đâu có phản đối anh!”, Rayna trình bày cảm nghĩ của mình: “Anh biết đó, chính vì vậy mà em đã dằn vặt khủng khiếp bấy lâu nay và đã nhiều năm rồi em vẫn còn tự trách mình. Nhưng dẫu sao em đã không phải là người khởi xướng – hồi đó em mười một tuổi, còn anh mười tám. Theo em nghĩ, yếu tố khác biệt ấy thật quan trọng. Em không còn lên án chính mình nữa, mặc dù trong lòng em vẫn còn trăn trở, giằng co”. Trong một lá thư sau đó, nàng viết:
“Em biết không phải bỗng dưng mà chuyện đó đã xảy ra giữa chúng ta. Em đã suy nghĩ nhiều về tình hình trong gia đình mình khi vụ loạn luân ấy bắt đầu. Em cũng suy nghĩ nhiều về nếp nghĩ của đàn ông trong xã hội của chúng ta, về cách họ được dạy cho biết thống trị phụ nữ và xem sự hiện hữu của phụ nữ là để phục vụ cho họ, về mặt tình dục cũng như về các mặt khác. Em biết đó chính là bối cảnh bao quát của vấn đề. Song em muốn nêu rõ rằng em nghĩ chính anh phải chịu trách nhiệm về hành động của bản thân anh. Nếu em phủ nhận điều này, hoặc nếu em tìm cách phủ nhận cơn giận vẫn còn ấm ức trong lòng khi nghĩ về anh, thì chắc chắn việc xây dựng mối quan hệ với anh sẽ càng khó khăn hơn. Và dù em rất khổ sở khi trang trải những điều này ra, em vẫn hiểu rằng mình sẽ càng khổ tâm hơn gấp bội phần nến cứ giả vờ như thể mình không hề có một người anh trai”.
Nếu như vụ loạn luân ấy là hậu duệ của một sự loạn luân đã từng được thực hiện trong thế hệ trước bởi cha của Rayna – thì nỗi rối rắm sẽ còn lớn hơn nhiều và Rayna chắc hẳn phải hành động một cách còn chầm chậm hơn nữa, phải dành nhiều thời gian trị liệu hơn nữa để xử lý nỗi chấn động ấy và để nhận hiểu nó trong một toàn cảnh gia đình rộng hơn. Trong tình hình phiền não cao độ thì việc tác động từ từ là cách thế ưu việt nhất để dàn xếp vấn đề. Tác động từ từ – hay đôi khi thậm chí không tác động gì cả – không hề có nghĩa rằng ta đang thiếu tiềm lực hay thiếu kiên nhẫn, mà bởi vì đó là chọn lựa cần thiết để bảo toàn sự vững chắc và sự lành mạnh của bản ngã mình.
Truy về nguồn
Có thật sự cần thiết – hoặc thậm chí có thật sự hữu ích – việc ta xử lý một biến cố gây chấn động hay một vấn đề rắc rối lớn tại chính nguồn của nó? Tại sao ta không thể giải quyết dứt điểm được toàn bộ vấn đề trong một khung cảnh yên ổn và đầy sự nâng đỡ – chẳng hạn như trong văn phòng tâm lý trị liệu hay trong một nhóm phụ nữ? Đó là những chỗ để bắt đầu thôi, nhưng không ít người trong chúng ta cũng lấy đó làm chỗ kết thúc luôn! Đành rằng khi kết thúc ngay tại chỗ bắt đầu như vậy, người ta cũng có thể thu lượm được những kết quả đáng kể; tuy nhiên, tôi tin rằng xét về lâu về dài – kết quả sẽ tốt đẹp hơn nhiều nếu chúng ta có thể làm những bước chầm chậm hướng đến một kế hoạch kỹ lưỡng để tiếp xúc và rốt cuộc có thể nêu thẳng vấn đề ra với người trực tiếp liên can. Thành quả của việc ấy sẽ còn được tiếp tục gặt hái bởi các thế hệ con cháu chúng ta sau này nữa.
Ngay cả trường hợp có vấn đề lấn cấn với người đã quá cố, việc xử lý vấn đề ấy tận nguồn cũng vẫn rất quan trọng. Chị bạn tôi, Dorothy, mất cha hồi chị lên tám tuổi, và người cha ấy được cả gia đình tưởng nhớ đến như một siêu anh hùng. Chị thêu dệt trong tâm tưởng một hình ảnh hết sức vĩ đại về cha mình, tô điểm đầy màu sắc cho hình ảnh ấy và phủ lấp đi tất cả những đường nét nào không hoàn hảo. Những người đàn ông mà chị gặp trong đời sống thực tế rõ ràng thật đáng thất vọng đối với chị – vì họ không thể sánh với khuôn mặt người cha đầy huyền thoại kia. Cách đây hai năm, Dorothy bắt đầu liên lạc với các cô chú trong gia đình bên nội mình, và chị cố tìm hiểu để có được một cái nhìn khách quan và quân bình hơn về những mặt mạnh và mặt yếu của cha chị. Tất cả những mẩu chuyện mà chị góp nhặt được – cộng với những dữ kiện mà chị biết về tiểu sử của cha – đã thách đố chị suy nghĩ lại về cha như một con người thực, chứ không phải như một bức họa được tô vẽ nên do những chuyện thêu dệt của gia đình và do những ước mơ và dự phóng trong cõi vô thức của chính bản thân chị. Việc chị tiếp xúc với gia đình bên nội là một điều khó thực hiện bởi vì nó sẽ khơỉ lên ký ức về cha chị trong tâm tưởng mọi người. Song chính nhờ việc liên lạc ấy mà Dorothy có thể giữ mối giao cảm với cha mình và tiếp tục quá trình giải tỏa đầy tiếc rẻ ấy trong một cách thế khả dĩ đem lại kết quả tốt đẹp cuối cùng.
Nếu chúng ta càng có khả năng thực hiện những bước chậm rãi đến tiếp cận với những vấn đề bức xúc tâm cảm trong gia đình mình – chứ không phải là lẩn tránh xa thêm, thì chúng ta sẽ càng kiện toàn một bản ngã vững chắc hơn và đạt được một cái nhìn khách quan hơn về người khác. Khi những nguồn cơn cay đắng đã xảy ra và khi nỗi bức xúc đã dẫn đến sự lảng tránh và cắt đứt, thì ta càng phải chú trọng đến yếu tố “từ từ” khi dàn xếp – vì trong trường hợp đó, trước hết cần phải tạo lập một mức liên hệ khả thi nào đó với người thân của mình trước khi nghĩ đến chuyện nêu chính vấn đề nóng bỏng kia ra.
Không phải ai cũng có thể làm được điều Rayna đã làm. Ngay cả với sự giúp đỡ của giới chuyên môn, một số trong chúng ta cũng xem ra không bao giờ có khả năng thực hiện việc ấy hay ngay cả nuôi hoài bão thực hiện việc ấy. Nói cho cùng, mỗi người chúng ta phải tự nhận định lấy cho mình và phải tin rằng chính mình là vị thẩm phán giỏi nhất để thẩm định mình có thể làm được gì. Và bao giờ cũng vậy, tốt nhất là đừng táy máy hành động gì cả cho đến khi ta đã có thể vặn ngọn lửa bộc trực của mình xuống.
Bớt bộc trực – thêm suy nghĩ
Nói ra những bí mật của mình (như Kimberly và Margie đã làm) vẫn không “nóng bỏng” bằng trường hợp phải đương đầu với một người thân trong gia đình mình liên quan đến một vấn đề bức xúc và cấm kỵ như chuyện loạn luân chẳng hạn. Tuy nhiên, theo cảm nghiệm của Kimberly, việc “bật mí” tình trạng đồng tính luyến ái của cô cũng là một việc chẳng mấy dễ dàng. Thế mà trước khi làm công việc tự bạch ấy, cô đã không hề quan tâm đến chuyện phải tạo lập mối dây liên lạc nhiều hơn đối với bố mẹ mình. Kimberly đã từng bàn bạc rất nhiều với bạn bè về quyết định thố lộ sự thật của cô cho bố mẹ biết; nhưng khi bị thúc bách mãnh liệt trong lòng, cô đã hành động một cách nóng vội, không buồn cân nhắc các phương án khác nhau (ví dụ nên chọn thời điểm nào), cũng không trù liệu cách ứng phó thế nào trước những phản ứng mạnh có thể sẽ dấy lên do việc mình thố lộ sự thật.
Thẩm định bằng cách đặt ra các câu hỏi
Một phần công việc của tôi là giúp Kimberly suy nghĩ về thế lưỡng nan của cô chứ không phải phản ứng lại tình thế đó. Các chuyên viên tâm lý trị liệu thường sử dụng các câu hỏi không chỉ nhằm mục đích thu thập thông tin, đặt ra và thanh lọc các giả thuyết về ý nghĩa của các thái độ – mà còn nhằm để tăng cường khả năng xem xét vấn đề trong bối cảnh, để giúp giảm bớt phản ứng nông nổi, và cuối cùng để khai mở ra những thái độ ứng xử mới. Sau đây là một ví dụ đại lược về các câu hỏi thiết thực cho trường hợp của Kimberly:
Kimberly đã bắt đầu nhận ra mình là người đồng tính luyến ái từ khi nào – và mấy tiếng “đồng tính luyến ái” có ý nghĩa thế nào với cô, lúc ấy và bây giờ? Theo cô thì những thành viên khác trong gia đình của cô nghĩ gì về “đồng tính luyến ái”? Cô đã phải mất bao lâu để chấp nhận tình trạng đồng tính luyến ái của mình – và sẽ mất bao lâu để những người thân trong gia đình chấp nhận tình trạng ấy nơi cô? Sẽ mất nhiều hay ít thời gian hơn? Theo cô dự đoán thì trong gia đình, ai sẽ là người phản ứng khó chịu nhất khi cô thố lộ sự thật? Ai sẽ là người chấp nhận vấn đề của cô trước nhất? Và ai sẽ là người sau cùng?
Trong gia đình và dòng họ của cô đã từng có ai thố lộ “một bí mật” – nếu có, sự thố lộ đó đã được đón nhận như thế nào? Đã từng có ai trong gia đình và dòng họ của cô bị khai trừ hay bị “tước quyền thành viên” chỉ vì có những khác biệt? Và gia đình của Kimberly đã có bao giờ bị khai trừ ra khỏi cộng đồng? Trong gia đình và dòng họ của cô đã từng có những sự cắt đứt quan hệ nào không – nếu có, điều đó đã xảy ra trong những trường hợp nào?
Tại sao Kimberly đã quyết định thực hiện việc thố lộ sự thật vào thời điểm ấy (tức thời điểm mà cô đã làm)? Cô có nghĩ rằng phản ứng của gia đình có thể sẽ khác nếu cô tiếp cận bố mẹ mình trước đó một năm? Sau đó một năm? Nếu như lúc ấy không có mặt của Mary, liệu bố mẹ cô sẽ phản ứng điềm tĩnh hơn hay ít điềm tĩnh hơn? Khi quyết định thố lộ sự thật như vậy, cô kỳ vọng mối quan hệ giữa cô với gia đình sẽ thay đổi như thế nào, cả trước mắt lẫn lâu dài? Việc thố lộ ấy ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ giữa cô với Mary? Những yếu tố nào đã làm cho cô muốn – hay không muốn – tiếp tục lập lờ giấu giếm chuyện kết đôi với Mary?
Trên đây là minh họa về những câu hỏi có sức thúc đẩy người ta đến chỗ suy nghĩ hơn là phản ứng ồ ạt. Tuy không dễ lắm – song ta vẫn có thể tập tành để vạch ra những câu hỏi cho chính mình và cho người khác. Các câu hỏi sẽ mở rộng khả năng phản tỉnh của chúng ta và giúp ta nhìn một vấn đề trong toàn cảnh bao quát hơn của nó. Việc đặt ra các câu hỏi như vậy cho phép ta điềm tĩnh hơn để ôn lại bối cảnh cao điểm của sự rối rắm và giúp ta tiếp tục dàn xếp sự gay cấn trong tinh thần tập trung khảo sát chính mình nhiều hơn.
Vấn đề chọn thời điểm
Khi đã có được một thái độ phản tỉnh đúng mức, Kimberly có thể nhận ra mối liên hệ giữa đám cưới hồi ấy đang đến gần của chị cô và sự kiện cô cảm thấy bức xúc phải phóng lên máy bay cùng với người tình của mình, bay về nhà và trút ra hết sự thật của mình. Thế là Kimberly đã khui ra một vấn đề trĩu nặng tâm cảm trong một bầu khí vốn đã bận rộn xung quanh đám cưới của người chị mình, một điều chắc chắn tạo ra thêm sự bộc trực nóng nảy – kể cả sự bộc trực nóng nảy nơi chính bản thân cô.
Vậy chính xác hơn, đâu là mối liên hệ giữa đám cưới gần kề của người chị và nhu cầu quay quắt của Kimberly muốn tự thố lộ chính mình? “Có lẽ đó là do máu hơn thua”, Kimberly thành thật trả lời, “có lẽ lúc ấy tôi bối rối bất an vì mọi người đều chỉ tập trung bàn bạc về đám cưới ấy”. Với vẻ bứt rứt, cô tiếp tục nói – như thể đang tự thú về một điều gì thật ghê gớm: “Mọi người bàn tới bàn lui về đám cưới ấy – ở đâu và lúc nào cũng chỉ nói về đám cưới, đám cưới. Cái gì cũng…. đám cưới”.
Những cảm nghĩ ấy của Kimberly là điều hết sức bình thường. Tập trung ghen tức và muốn cạnh tranh, nhất là đối với những người thân cận mình, chỉ là một sự kiện bình thường trong đời sống tâm cảm. Những cảm nghĩ của Kimberly không phải là vấn đề. Vấn đề thực sự nằm ở chỗ cô không có khả năng để nhận ra những cảm nghĩ ấy (và nỗi hoang mang kèm theo), mà kết quả là cô quyết định ào ào kéo Mary lên máy bay đi về Dallas. Cô về với bố mẹ trong tâm trạng quay quắt muốn có được cùng một sự nhìn nhận mà mọi người đang dành cho người chị sắp lên xe hoa của cô. Chính tâm trạng ấy đã khiến Kimberly quá tập trung đến thái độ của bố mẹ mình đối với mình – và đồng thời không chú ý đủ đến chính bản thân cô.
Khi xác lập một lập trường mới trong một mối quan hệ, chúng ta cần lưu tâm đến những gì mình muốn nói về mình và cho mình. Ta cần phải đặc biệt giảm sự bận tâm đối với cách phản ứng hay các lực phản kháng của người khác – cũng như không quá tha thiết chờ mong một sự hưởng ứng theo chiều thuận lợi của mình. Mục tiêu ấy, bao giờ chúng ta cũng hoặc đạt được nhiều hơn hoặc bị đẩy giạt ra xa hơn; trong trường hợp của Kimberly, vì không chuẩn bị nền móng đủ chắc chắn nên cô đã không đạt được mục tiêu ấy theo chiều mong muốn.
Dùng các cảm nghĩ như một sự chỉ dẫn
Kimberly rất khổ sở khi phải đụng chạm đến “nỗi tranh chấp với chị mình” – và cô càng khổ sở hơn khi đụng chạm đến nỗi phẫn uất đối với một thế giới vốn nhìn nhận, biểu dương và mừng những cuộc hôn nhân giữa hai người nam nữ trong khi đó không chịu công nhận hoặc hợp pháp hóa sự liên kết giữa hai người đồng tính luyến ái. Vì thế không có gì ngạc nhiên sự kiện đám cưới của chị mình – một đám cưới được tổ chức linh đình – đã khơi trào lên những cảm nghĩ ấy trong lòng Kimberly. Việc Kimberly quyết định không tham dự đám cưới của người chị (viện lẽ rằng vì tình hình tài chánh) chỉ càng gia cố thêm vị thế đứng ngoài gia đình của cô và việc ấy cũng chẳng giải quyết được gì xét về lâu về dài. Sau này, Kimberly đã viết thư cho cả bố mẹ lẫn người chị ấy để xin lỗi vì mình đã không hiện diện với gia đình trong biến cố quan trọng ấy. Trong lá thư viết cho người chị, Kimberly giải thích mình bị khổ tâm vì ở trong tình trạng quan hệ đôi lứa âm thầm lén lút – và chính nỗi khổ tâm ấy dường như đã làm mình thiếu sáng suốt. Việc xin lỗi của Kimberly đã được mọi người nồng nhiệt đón nhận. Tưởng không phải là dư thừa việc nhắc lại ở đây điều đã quá hiển nhiên rằng lời nói xin lỗi có tác dụng rất lớn trong việc làm nguôi lắng nỗi bức xúc và có sức xoay chuyển tình thế trong bất kỳ mối quan hệ nào.
Những “cảm nghĩ tiêu cực” mà ban đầu Kimberly muốn tránh né – về sau đã trở thành sự chỉ dẫn và khích lệ cô xây dựng một định hướng quan trọng cho đời mình. Cô và Mary đã tiến hành một nghi thức chính thức để xác nhận và mừng cuộc phối hợp của mình trong sự hiện diện của các thành viên trong cộng đồng và trước mặt những người làm chứng. Bố mẹ và chị cô, dù được mời, song đã quyết định không tham dự.
Không có thành viên nào trong gia đình biểu hiện thái độ chấp nhận đúng như mức độ mà Kimberly vốn mong mỏi. Cả bố lẫn mẹ đều nói rằng sẽ không bao giờ chấp nhận khuynh năng tính dục và lối sống của cô như một cái gì “bình thường”. Nhưng giữa cô và gia đình không còn có sự cắt đứt nữa – và các mối liên lạc được khai thông một mức thích đáng. Kimberly và Mary được mời về nhà trong tư cách một đôi bạn vào những dịp đoàn tụ gia đình – và các bà con họ hàng của Kimberly đều hiểu rằng Mary là người bạn đời của cô chứ không phải chỉ là một người bạn thân. Một số gia đình có thể phải mất hàng chục năm mới đạt đến một sự dàn xếp như vậy. Nhiều gia đình khác mất cả đời cũng không đạt được mức chấp nhận dù tương đối ấy.
Nói ra hay đành tiếp tục nín nặng?
Bạn phản ứng thế nào trước câu chuyện của Kimberly? Một số trong chúng ta sẽ xem việc cô chọn lựa thố lộ sự thật là một hành vi can đảm và đáng thán phục. Một số khác có thể xem đó như một hành vi ấu trĩ và ích kỷ, chất lên gia đình một gánh nặng không cần thiết. Còn bạn nghĩ sau?
Chúng ta không cần phải là người đồng tính luyến ái mới có thể đánh giá đúng mức những giá đắt mà mình phải trả khi quyết định thố lộ sự thật của mình. Thế nhưng việc “tiếp tục nín nặng” cũng đòi ta trả giá chẳng rẻ hơn, chỉ có điều là những giá này ít được nhận thấy một cách rõ ràng lắm. Chỉ bởi vì nói ra một sự thật ngang trái của mình mà ta bị tẩy chay hay chèn ép. Chỉ vì nói ra sự thật mà ta bị chủ đuổi khỏi sở làm hoặc bị bạn bè thiết nghĩa của mình phản bội. Chỉ vì nói ra sự thật mà ta bị cha mẹ mình từ bỏ hoặc bị chồng mình lôi ra tòa làm thủ tục li hôn… Thế nhưng nếu ta chọn con đường tiếp tục nín lặng để tránh những chuyện chẳng lành ấy thì giá mà ta phải trả – tuy khó nhìn thấy hơn và dễ phủ nhận hơn – vẫn là một giá không hề kém phần bi đát. Không nói ra sự thật – cho dẫu khi đó là một chọn lựa cần thiết – vẫn có thể gây ra nơi ta một cảm thức gian dối, phỉnh gạt và tự ngờ vực chính mình, dần dần làm xói mòn lòng tự trọng và đào sâu nỗi dằn vặt đay nghiến trong lòng ta. Không nói ra được sự thật, điều đó sẽ ảnh hưởng trên chính cơ cấu các mối quan hệ và trên chất lượng đời sống thường ngày của ta. Một bầu khí câm nín che đậy không thể là một bầu khí lành mạnh có sức bồi dưỡng cho sự mật thiết và cho bản ngã của bất kỳ ai.
Vấn đề thố lộ sự thật không phải là vấn đề chỉ liên quan đến trường hợp đồng tính luyến ái, đành rằng những người đồng tính luyến ái là những người dễ bị kỳ thị và bị hất hủi nhất. Kỳ thực, trong suốt đời sống mình chúng ta không ngừng đối diện với vấn đề thố lộ sự thực. Mỗi người chúng ta – cả trong ý thức lẫn trong vô thức – phải giằng co với một bên là ước muốn thành thực với chính mình trong riêng tư cũng như trước mặt người khác, và bên kia là ước muốn được yêu mến, được nhìn nhận, được ủng hộ, được qui phục – hay cũng có khi đó là ước muốn nhận được một của cải thừa kế. Đây là cuộc giằng co không bao giờ ta có thể giải quyết xong rốt ráo, nhưng ta vẫn có thể dàn xếp nó – bằng cách của mình và tốc độ của mình – trong muôn vàn cảnh vực và xuyên suốt cuộc sống mình.
Xem xét những cục diện tay ba
Khi tìm hiểu về sự mật thiết (hay sự thiếu mật thiết), ta thường có khuynh hướng suy nghĩ trên cơ sở những quan hệ tay đôi, nghĩa là những mối tương tác qua lại giữa hai người. Thực ra, không có mối quan hệ thiết yếu nào trong đó chỉ có hai bên liên hệ với nhau mà không bị ảnh hưởng và bị ngáng trở bởi những lấn cấn khác liên quan đến một thành phần thứ ba. Một quan hệ tay đôi thuần túy là cái chỉ có trong lý tưởng.
Đó là một lý tưởng thật đáng ước mơ. Chẳng hạn, nếu mẹ của Kimberly đang cố gắng trao đổi cởi mở với con gái bà về vấn đề đồng tính luyến ái, thì sẽ là lý tưởng biết bao nếu những vấn đề rối rắm chưa dàn xếp trong đời sống hôn nhân của bà hay trong quan hệ với mẹ bà sẽ không ngầm chi phối mạnh mẽ đến cuộc dàn xếp vấn đề giữa bà và con gái mình trong hiện tại. Sẽ là lý tưởng biết bao nếu Kimberly và mẹ cô có thể tiến hành xử lý vấn đề của hai người một cách tương đối độc lập khỏi tác động của một người khác từ ngoài chen vào (chẳng hạn, chị của Kimberly bắt đầu làm quân sư cho mẹ cô về cách để bà phản ứng với cô; hoặc chẳng hạn, Mary giãy nảy nói với Kimberly rằng nàng sẽ không bao giờ đặt chân đến nhà bố mẹ Kimberly nữa nếu ông bà không hoàn toàn chấp nhận nàng). Và cuối cùng, sẽ là lý tưởng biết bao nếu các gay cấn trong một mối quan hệ nào thì cứ là của mối quan hệ đó chứ không bị đùn đẩy lên một người thứ ba (chẳng hạn, nếu mẹ của Kimberly sợ bố cô hay bà ngoại cô trách móc mình về tình trạng đồng tính luyến ái của con gái – bà sẽ thảo luận trực tiếp với những người ấy, chứ không xử lý bằng cách quay lại quạu quọ thêm với Kimberly).
Nếu sự việc diễn tiến theo những cách nói trên thì thật lý tưởng biết bao! Song chúng ta lại không hành động theo cách thức ấy. Thông thường, chính cục diện tay ba – chứ không phải tay đôi – mới là đơn vị căn bản sinh hoạt tâm cảm của con người.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.