Phát Triển Kỹ Năng Lãnh Đạo

9. CÁI GIÁ CỦA LÃNH ĐẠO:



TỰ KỶ LUẬT

Khi đọc về cuộc đời của những người vĩ đại, tôi nhận ra rằng vinh quang đầu tiên của họ là vượt qua chính mình… Đối với những con người vĩ đại này, tự kỷ luật là chiến thắng đầu tiên.

Trong tiếng Hy Lạp, cụm từ ”tự kiểm soát” (self-control) xuất phát từ ý nghĩa của từ “ghì chặt” (to grip) hoặc “nắm lấy” (take hold of). Cụm từ này miêu tả người sẵn sàng ép mình vào khuôn khổ và kiểm soát các lĩnh vực mà họ thành công hoặc thất bại.

Aristotle đã sử dụng cụm từ trên để miêu tả “Khả năng thử thách mơ ước bằng lý trí… kiên định và luôn sẵn sàng loại bỏ cách hành xử cảm tính và những đau đớn nó mang lại”. Ông giải thích rằng, những người không tự kiểm soát thường có ước mơ rời bỏ lý trí, nhưng để thành công họ phải làm chủ ước mơ của họ.

Trong một buổi hội thảo về kỹ năng lãnh đạo, tôi đã định nghĩa kỷ luật trong đoạn đời đầu tiên là lựa chọn để giành được điều bạn muốn bằng cách làm những việc mà bạn không muốn làm. Sau một thời gian thực hành, kỷ luật sẽ trở thành sự chọn lựa để đạt được điều bạn muốn bằng cách làm những việc mà bây giờ bạn muốn làm! Tôi tin chúng ta có thể có kỷ luật và thích thú với điều đó sau nhiều năm rèn luyện.

Các nhà lãnh đạo vĩ đại đều hiểu, trách nhiệm đầu tiên của họ là tự giác chấp hành kỷ luật và tự phát triển bản thân. Nếu  không thể lãnh đạo bản thân thì họ cũng không thể lãnh đạo người khác. Nhà lãnh đạo không thể phát triển người khác nhiều hơn phát triển bản thân mình, bởi vì không ai có thể thực hiện cuộc hành trình bên ngoài trước khi thực hiện hành trình bên trong. Một con người vĩ đại sẽ lãnh đạo một tổ chức lớn. Tuy nhiên, tổ chức chỉ có thể phát triển khi nhà lãnh đạo sẵn sàng “trả giá” cho điều đó. Nhiều nhà lãnh đạo tiềm năng đã đột ngột ngừng “trả giá” và nhận ra con đường tắt không đem lại kết quả cho một hành trình kéo dài.

Nhà thơ Mỹ Edwin Markham nói về giá trị con người như sau:

Ta thật mù quáng cho đến ngày

Nhìn ra trong kế hoạch của con người

Chẳng có gì đáng nhọc công thực hiện

Nếu chẳng giúp được ta nên người

QUY TRÌNH PHÁT TRIỂN KỶ LUẬT CÁ NHÂN

Vua Frederick của nước Phổ đang dạo bộ ở ngoại ô Berlin thì gặp một ông lão đang đi ngược chiều.

 Frederick hỏi: “Chào ông, xin lỗi ông là ai?”

Ông lão trả lời: “Tôi là vua”.

Frederick cười phá lên: “Vua! Thế ông ngự trị vương quốc nào?”

Ông lão trả lời một cách tự hào: “Ngự trị chính tôi”.

“Ngự trị” chính bạn đòi hỏi phải có kỷ luật cá nhân.

HÃY BẮT ĐẦU VỚI CHÍNH BẠN

Một phóng viên hỏi nhà truyền giáo nổi tiếng D.L. Moody rằng ai đem lại cho ông nhiều điều phiền toái nhất. Ngay lập tức ông trả lời: “Tôi gặp nhiều phiền toái với D.L. Moody hơn bất cứ ai khác”. Sammuel Hoffenstein đã nói: “Bất kỳ nơi nào tôi đến, tôi đều làm hỏng mọi thứ”. Jack Paar cũng có những lời bất hủ: “Nhìn lại, cuộc đời tôi dường như là một con đường đầy chông gai và bản thân tôi là vật cản lớn nhất”.

Theo quan sát của tôi, ngày càng nhiều nhà lãnh đạo có tiềm năng thất bại vì vấn đề trong bản thân họ hơn là bên ngoài. Mỗi tháng tôi dạy một bài học về kỹ năng lãnh đạo cho nhân viên của mình và những bài giảng đó được truyền hình trực tiếp. Khi tôi đưa ra chủ đề thảo luận “Làm thế nào để vượt lên chính mình”, tôi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ khán giả: “Bài học này cần thiết trong cuộc đời tôi. Tôi là vấn đề tồi tệ nhất của chính mình!” Chúng ta có liên hệ tới một khẩu hiệu: “Nếu bạn có thể tặng người chịu trách nhiệm cho các rắc rối của mình vài cú đá thì bạn sẽ không thể ngồi yên trong nhiều tuần”.

ĐỐI THỦ CỦA BẠN

Tôi có một kẻ thù và tôi đã cố gắng để nhận mặt anh ta.

Anh ta bám sát tôi, bất kể tôi đi đâu.

Anh ta phá hỏng kế hoạch của tôi, đánh bại mục đích của tôi và chặn đứng con đường phía trước của tôi.

Mặc dù tôi cố gắng hết sức vì mục đích cao cả,

anh ta dứt khoát nói “không”.

 Một đêm, tôi bắt được anh ta và giữ chặt,

tấm mạng che mặt rơi xuống.

Tôi nhìn mặt anh ta và nhìn kìa!…

Tôi đã thấy chính tôi.

Chúng ta thật ngốc nghếch khi muốn chinh phục thế giới. Khi chúng ta khôn ngoan hơn, chúng ta muốn chinh phục chính mình.

HÃY BẮT ĐẦU SỚM

Kết quả giá trị nhất của mọi sự giáo dục là khả năng khiến bạn phải làm những điều nên làm, dù bạn có thích hay không. Đó là bài học đầu tiên phải học và dù cho quá trình học được bắt đầu sớm thì đó có thể là bài học cuối cùng được học một cách thấu đáo.

Tôi không chắc bố mẹ tôi đã từng đọc những lời này của Thomas Huxley hay không, nhưng chắc chắn họ đã thực hành nó! Họ là những tấm gương về kỷ luật và luôn tin rằng ba đứa con mình nên phát triển theo cách sống đó. Quản lý thời gian, làm việc chăm chỉ, kiên trì, trung thực, trách nhiệm, và có thái độ tích cực trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, tôi đã không hiểu được điều này cho đến khi vào đại học. Ở đó, tôi thấy nhiều sinh viên không thể làm chủ cuộc sống và công việc học tập của mình. Tôi nhận ra mình thuận lợi hơn những người khác vì tính kỷ luật đã thắt chặt trong tôi. Điều đó rất đúng – khi bạn làm những điều nên làm vào thời điểm nên làm, cơ hội sẽ đến khi bạn làm những điều muốn làm vào thời điểm muốn làm. Công việc trở nên khó khăn là do sự tích tụ nhiều công việc dễ dàng mà bạn không làm khi nên làm.

HÃY BẮT ĐẦU TỪ VIỆC NHỎ

Con người ngày mai là kết quả của con người ngày hôm nay. Bắt đầu phát triển thói quen tự kỷ luật từ việc nhỏ hôm nay để có tính kỷ luật trong việc lớn ngày mai là điều rất quan trọng.

Một kế hoạch nhỏ làm nên một khác biệt lớn

 1. Liệt kê năm lĩnh vực thiếu kỷ luật trong cuộc sống của bạn

 2. Sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên để hoàn thiện

 3. Giải quyết từng lĩnh vực một

 4. Tiếp cận các nguồn tư liệu như sách, băng, đĩa có tác dụng hướng dẫn và thúc đẩy bạn hoàn thiện mỗi lĩnh vực

 5. Yêu cầu người nào đó buộc bạn phải chịu trách nhiệm về nó

 6. Tập trung kiểm soát điểm yếu này trong cuộc sống của bạn khoảng 15 phút mỗi buổi sáng

 7. Dành năm phút xem lại bản thân bạn vào buổi trưa

 8. Dành năm phút vào buổi tối để đánh giá sự tiến bộ của bạn

 9. Cải thiện một lĩnh vực trong sáu ngày trước khi chuyển sang lĩnh vực tiếp theo

 10. Chia sẻ niềm vui với người giám sát khi bạn thành công liên tiếp

Hãy nhớ, đạt được những điều mình muốn không có nghĩa phải ngay lập tức. Cần có thời gian. Hãy bắt đầu từ việc nhỏ và tập trung thực hiện ngay hôm nay. Sự tích lũy dần dần kỷ luật một ngày nào đó sẽ tạo nên khác biệt rất lớn. Chính trị gia Pháp Benjamin Franklin đã nói: “Che giấu ước muốn đầu tiên dễ dàng hơn nhiều so với thỏa mãn những ước muốn sau đó”.

HÃY BẮT ĐẦU NGAY BÂY GIỜ

John Hancock Field đã nói: “Tất cả mọi người có suy nghĩ tích cực, có ý tưởng hay, có mục đích tốt đẹp, nhưng chỉ có vài người vĩ đại biến những điều này thành hành động”.

Năm 1976, đội bóng rổ của trường Đại học Indiana đã chiến thắng suốt mùa giải và đoạt chức vô địch quốc gia NCAA. Huấn luyện viên Bobby Knight là người dẫn dắt đội. Ngay sau đó, ông được phỏng vấn trên chương trình truyền hình 60 Minutes. Bình luận viên hỏi ông: “Bobby, bí quyết nào giúp đội bóng rổ của ông luôn chiến thắng vậy? Đó có phải là quyết tâm giành chiến thắng không?”

“Quyết tâm chiến thắng là điều quan trọng”, Knight đáp, “nhưng điều quan trọng là ý chí tập luyện chuẩn bị cho cuộc thi. Đó là ý chí tập luyện mỗi ngày, rèn luyện cơ bắp và rèn giũa kỹ năng!”

Abraham Lincoln đã nói: “Tôi luôn sẵn sàng và khi đó cơ hội sẽ đến với tôi”. Nếu tính kỷ luật không được rèn luyện thì cơ hội sẽ bị bỏ lỡ. Charlie Brown trong vở hài kịch ”Peanuts” đã nói, cuộc đời anh bị đảo lộn vì anh đã bỏ lỡ tất cả các buổi diễn tập. Trước khi trở thành một “ngôi sao”, bạn phải bắt đầu ngay từ bây giờ.

TỔ CHỨC CUỘC SỐNG CỦA BẠN

Đúng như lời phát biểu của A.A Milne (tác giả cuốn Winnie the Pooh): “Một trong những thuận lợi của việc sống buông thả đó là luôn có những khám phá thú vị”. Nhưng chỉ có điều khám phá ấy luôn đến quá trễ nên cơ hội bị bỏ lỡ. Rồi người khác cho rằng bạn là một nhà lãnh đạo “bị mất khả năng kiểm soát”. Điều này dẫn đến sự không kiên định và đánh mất niềm tin ở những người đi theo bạn.

Khi sống có tổ chức, bạn sẽ có được một khả năng đặc biệt. Bạn luôn nhìn thấy mục đích điều mình làm. Các ưu tiên luôn hiện rõ trong đầu bạn. Bạn tổ chức chuyên nghiệp các sự kiện phức tạp. Mọi thứ sẽ đâu vào đó khi bạn thực hiện những kế hoạch của mình. Bạn thực hiện từng dự án một cách trôi chảy, không có hành động nào thừa cả. Bạn có được khả năng chịu đựng và động lực làm việc khi liên tục thành công. Mọi người tin lời hứa của bạn vì bạn luôn giữ lời. Khi bước vào một cuộc họp, bạn sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Cuối cùng, khi bạn bắt tay vào thực hiện, bạn là người chiến thắng.

Tôi rất thích định nghĩa về sự tổ chức của nhân vật Christopher Robin trong cuốn Winnie the Pooh: “Tổ chức là những điều bạn làm trước khi thực hiện một việc gì đó, để trong quá trình thực hiện, mọi thứ không rối tung lên”.

Dưới đây là mười bước quan trọng nhất để tổ chức đời sống cá nhân:

 1. Thiết lập những ưu tiên của bạn

Có hai việc bạn khó thuyết phục người khác làm: một là phải làm việc theo mức độ quan trọng; hai là tiếp tục làm việc theo mức độ quan trọng. Thủ tướng Anh William Gladstone đã nói: “Người khôn ngoan không lãng phí năng lượng theo đuổi điều không phù hợp; anh ta sẽ đặt ra và quyết tâm theo đuổi điều có thể làm tốt nhất trong số những thứ anh ta có thể làm tốt”.

Các sự kiện quan trọng như các bài diễn thuyết tại hội thảo được tôi lên kế hoạch từ một hoặc hai năm trước. Vào tuần cuối mỗi tháng, tôi thường dành hai giờ để lên kế hoạch cho 30 ngày tiếp theo. Tôi liệt kê tất cả nhiệm vụ theo mức độ quan trọng và thời gian cần thiết để hoàn thành chúng. Phương pháp này giúp tôi liên tục theo dõi tiến độ công việc và tiếp tục tiến lên. Khi một nhiệm vụ được hoàn thành theo đúng tiến độ, tôi gạch bỏ nó trong danh sách công việc hàng tháng.

 2. Lên lịch thực hiện các ưu tiên

Sau khi liệt kê công việc ra giấy, tôi đưa cho người trợ lý để điền vào lịch công tác. Điều này giúp tôi tránh sức ép bên ngoài khiến tôi phải mất thời gian. Và điều này cũng buộc tôi phải có trách nhiệm với người giúp tôi đi đúng hướng.

 3. Dành thời gian giải quyết các việc xảy ra ngoài dự kiến

Công việc bạn thực hiện sẽ quyết định lượng thời gian bạn dành để giải quyết những tình huống gây gián đoạn công việc. Ví dụ, bạn tác động qua lại đến mọi người càng nhiều, bạn càng phải dành nhiều thời gian cho công việc đó. Tôi dành nửa ngày mỗi tuần để giải quyết các việc xảy ra ngoài dự kiến.

 4. Mỗi thời điểm một công việc

Một vị tướng giỏi chỉ tham chiến trên một mặt trận trong một thời điểm. Nhà lãnh đạo giỏi cũng vậy. Nếu bạn có cảm giác bị nhấn chìm trong các dự án, thì đó là do có quá nhiều công việc khiến bạn bị phân tán tư tưởng. Trong nhiều năm, tôi đã thực hiện theo quy trình đơn giản này:

Ghi từng mục công việc cần hoàn thành:

Sắp xếp thứ tự theo mức độ quan trọng;

Tổ chức từng dự án:

Chỉ chú trọng đến một dự án trong một thời điểm.

 5. Tổ chức nơi làm việc

Tôi sắp xếp không gian làm việc của mình thành hai nơi, một cho công việc hành chính và một cho hoạt động sáng tạo. Văn phòng cho công việc hành chính của tôi bao gồm một phòng dành cho các cuộc họp nhóm, bàn làm việc và một bàn cho người trợ lý. Không gian này cho phép tôi có thể truyền đạt liên tục và kịp thời thông tin đến nhân viên. Trong văn phòng có lịch công tác, máy tính, cặp tài liệu để mọi người dễ dàng giúp đỡ tôi các công việc hành chính. Văn phòng cho hoạt động sáng tạo của tôi tách biệt hẳn với mọi người, bao gồm sách, máy phô tô và tài liệu. Văn phòng này hạn chế sự viếng thăm của nhân viên và đem lại cho tôi một không gian riêng biệt để suy nghĩ, đọc và viết.

 6. Làm việc theo cảm xúc

Nếu bạn cảm thấy mình thường minh mẫn vào buổi sáng, hãy sắp xếp để giải quyết các công việc quan trọng trong buổi sáng. Nếu bạn thuộc tuýp người làm việc muộn, hãy làm ngược lại. Tuy nhiên, không để vấn đề này trở thành lý do bạn không làm những việc cần thiết.

 7. Tận dụng cả thời gian lái xe để làm công việc nhẹ nhàng và phát triển bản thân

Bố tôi đã cho tôi nhiều lời khuyên có ý nghĩa vào ngày tôi vừa tròn 16 tuổi và nhận bằng lái xe. Sau khi ngồi vào ghế sau ô tô, ông đặt lên tay tôi một quyển sách và bảo: “Con trai, đừng bao giờ ngồi trên xe mà không có một quyển sách. Bất cứ khi nào bị lỡ xe, con có thể lấy sách ra đọc”. Xe ô tô của tôi cũng có nhiều băng đĩa để nghe và một tập giấy để ghi lại các ý nghĩ. Chiếc điện thoại trên xe giúp tôi liên lạc với mọi người trên đoạn đường từ nơi làm việc về nhà. Trong khi đang lái xe, tôi gọi 21 cuộc gọi, tiết kiệm hàng giờ ở văn phòng. Tôi cũng thường đi cùng một nhân viên để thảo luận công việc và phát triển mối quan hệ gần gũi hơn. Một người trung bình có thể dành ra tám giờ một tuần bằng cách sử dụng thời gian đi xe để phát triển cá nhân và công việc.

 8. Phát triển các hệ thống phục vụ bạn

Bobb Biehl nói: “Các hệ thống – danh sách công việc, lịch công tác, thư viện và máy tính đều là đầy tớ của bạn. Chúng giúp bạn thực hiện công việc nhanh và tốt hơn. Khi cải tiến chúng, bạn làm giảm lượng thời gian bị hao phí và gia tăng kết quả đạt được”. Đừng chống lại các hệ thống mà hãy cải tiến chúng.

 9. Tận dụng giờ giải lao giữa cuộc họp

Chúng ta có thể tiết kiệm thời gian bằng cách sử dụng triệt để từng phút. Tôi có một danh sách các việc có thể làm ở bất kỳ đâu trong thời gian rất ngắn. Các cuộc gọi cần thiết, những ghi nhớ phải trả lời, các báo cáo cần đọc lướt qua, những lá thư cảm ơn cần viết, và các trao đổi cần chia sẻ. Luôn mang theo danh sách công việc bạn có thể thực hiện trong thời gian ngắn.

 10. Tập trung vào kết quả chứ không phải quá trình

Bạn có nhớ định nghĩa của Peter Drucker về hiệu suất (làm việc đúng) với hiệu quả (làm đúng việc) không? Khi bạn dành thời gian sắp xếp công việc, hãy tập trung làm tốt những công việc thật sự quan trọng. Sau đó, hãy tổ chức kế hoạch làm việc tổng thể bằng các kinh nghiệm sau:

Dành 80% thời gian cho việc bạn có khả năng nhất.

Dành 15% thời gian cho việc bạn phải dựa vào người khác.

Dành 5% thời gian cho việc bạn còn yếu kém.

SẴN SÀNG ĐÓN NHẬN TRÁCH NHIỆM

Thủ tướng Anh Winston Churchill đã nói: “Cái giá của sự vĩ đại là trách nhiệm”. Để phát triển khả năng đảm nhận trách nhiệm, bạn hãy làm theo những điều sau:

Có trách nhiệm với bản thân. Thật vậy, tôi muốn bạn hiểu mối liên hệ giữa điều này với cuộc nghiên cứu của một nhà tâm lý học về những người dưới đáy xã hội.

Nhà tâm lý đến thăm một nhà tù và hỏi phạm nhân: “Vì sao anh ở đây?” Câu trả lời dù đã được dự đoán trước nhưng cũng hé lộ nhiều điều: “Tôi bị hại”, “họ bắt tôi”, “tôi bị bắt nhầm”, “không phải do tôi mà là do người khác”. Nhà tâm lý rất ngạc nhiên và tự hỏi liệu nơi nào có nhiều người “vô tội” hơn ở trong tù!

Điều đó khiến tôi nhớ đến một câu chuyện thú vị của Abraham Lincoln về một kẻ đã sát hại cha mẹ mình. Khi án tử hình sắp được tuyên phạt, hắn đã quỳ lạy xin được khoan hồng với lý do mình là đứa trẻ mồ côi! Giống như một nhà chính trị nói với thẩm phán: “Đó không phải lỗi của tôi, thưa ngài, tôi sẽ không bao giờ làm được những điều này nếu người dân không bỏ phiếu cho tôi!”

Chịu trách nhiệm về những việc bạn làm. Rất hiếm khi tìm thấy một người có tinh thần trách nhiệm, theo đuổi và hoàn thành công việc một cách nghiêm túc. Nhưng khi công việc chỉ hoàn thành một nửa, bạn cần kiểm tra lại, xác nhận, điều chỉnh và cải tiến nó. Một số người đã không hoàn thành trách nhiệm của mình.

 

Có trách nhiệm với điều bạn nhận. John D. Rockefeller, Jr., đã phát biểu: “Tôi tin rằng mọi quyền hạn đều hàm chứa một trách nhiệm, mọi cơ hội đều hàm chứa một bổn phận, mọi quyền sở hữu đều hàm chứa một nghĩa vụ”. Winston Churchill nói: “Chúng ta làm hết khả năng vẫn chưa đủ, thỉnh thoảng chúng ta phải làm theo những gì được yêu cầu”. Và Đức Chúa Jesus đã nói: “Ai nhận nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều”.

Có trách nhiệm với nhân viên. Nhà lãnh đạo xuất sắc không bao giờ đặt mình trên những người theo họ, ngoại trừ trách nhiệm phải thực hiện.

Huấn luyện viên Bo Schembechler kể về trận đấu thứ ba trong mùa giải năm 1970. Trường Đại học Michigan Wolverines của ông thi đấu với trường Texas A&M và họ không thể dẫn bóng. Bất ngờ, Dan Dierdorf, tiền vệ cánh, cầu thủ giỏi nhất trong nước thời điểm đó, chạy vượt lên đường biên. Chán nản với phong độ của đồng đội, anh đã hét vào mặt Schembechler trước mặt mọi người ở đường biên.

“Huấn luyện viên! Hãy bảo họ chuyền cho tôi mỗi lần lên bóng! Chuyền cho tôi! Mỗi lần lên bóng!” Họ đã làm như vậy. Đội Michigan đã ghi điểm sáu lần liên tiếp và giành thế chủ động trên sân bóng. Đội Michigan đã chiến thắng.

Nhà lãnh đạo vĩ đại luôn có trách nhiệm dẫn dắt đội đến chiến thắng. Sau đây là câu chuyện thú vị của tôi về “đón nhận trách nhiệm”.

Giám đốc kinh doanh của một công ty cung cấp thực phẩm cho chó đã hỏi ý kiến nhân viên bán hàng về chương trình quảng cáo mới của công ty. Tất cả nhân viên bán hàng đều trả lời: “Thật tuyệt! Đó là quảng cáo hay nhất trong ngành kinh doanh này”.

“Các bạn thấy nhãn hiệu và bao bì mới của công ty như thế nào?”

“Thật tuyệt vời!”, họ đồng thanh trả lời, “Đó là nhãn hiệu và bao bì đẹp nhất trong ngành”.

“Các bạn thấy đội ngũ bán hàng của chúng ta như thế nào?”

Chính họ là lực lượng bán hàng. Họ nhận rằng mình là lực lượng bán hàng giỏi. Vị Giám đốc nói: “ Đồng ý, chúng ta có nhãn hiệu hay nhất, bao bì đẹp nhất, chương trình quảng cáo tuyệt nhất, và nhân viên bán hàng giỏi nhất, vậy vì sao chúng ta chỉ đứng thứ mười bảy trong số những công ty thực phẩm cho chó?”

Không gian trở nên im lặng. Cuối cùng một người phát biểu: “Đó là tại những con chó đáng ghét. Chúng không ăn thức ăn của chúng ta!”

HÃY THỪA NHẬN TRÁCH NHIỆM

Triết gia Plato nói: “Cuộc sống không được trải nghiệm thì không đáng sống”. Trong cuộc đời nhà lãnh đạo, thành công và quyền lực thường làm giảm đi tinh thần trách nhiệm của họ với người khác. Đó là lý do uy tín của nhà lãnh đạo ngày càng giảm sút trong con mắt của công chúng. Tại sao điều này xảy ra?

Con người không thể chế ngự được quyền lực

Cựu Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã nói: “Hầu hết mọi người có thể chịu đựng nghịch cảnh, nhưng nếu bạn muốn biết tính cách một người, hãy trao quyền lực cho người đó”. Quyền lực có thể được so sánh như một dòng sông lớn có đôi bờ trù phú. Nhưng khi nước tràn qua hai bờ, nó sẽ phá hủy mọi thứ. Thật nguy hiểm khi quyền lực nằm trong tay những người chỉ quan tâm đến việc duy trì quyền lực. Do vậy, họ phản đối bất kỳ sự thay đổi nào trong hệ thống quyền lực của mình. Lịch sử đã chứng minh quyền lực dẫn đến lạm dụng quyền lực, và lạm dụng quyền lực dẫn đến đánh mất quyền lực.

Trong bài diễn văn nhậm chức năm 1989, Tổng thống George Bush nói: “Chúng ta được trao quyền lực không phải để phục vụ cho mục đích của chúng ta, không phải để chứng minh điều gì đó với thế giới, càng không phải để lưu danh tên tuổi. Quyền lực chỉ được sử dụng để phục vụ nhân dân”.

Nhà lãnh đạo dễ bị cô lập giữa mọi người

Sau khi Franklin D. Roosevelt qua đời do chứng xuất huyết não, Harry Truman được bầu làm Tổng thống, Sam Rayburn đã cho ông lời khuyên chân thành: “Từ lúc này, sẽ có nhiều người vây quanh anh, họ sẽ cố đặt một bức tường xung quanh anh, và tách rời anh ra khỏi bất kỳ ý nghĩ nào, ngoại trừ ý nghĩ của họ. Họ sẽ nói anh thật vĩ đại. Nhưng cả anh và tôi đều biết sự thật không phải vậy”.

Hubert H. Humphrey đã nói: “Không có đảng, không có chủ tịch, không có nội các, không có cơ quan lập pháp ở đây hoặc ở bất kỳ quốc gia nào đủ sáng suốt để lãnh đạo mà không có sự chỉ trích công khai và liên tục”. Điều đó đúng với tất cả các nhà lãnh đạo.

Hãy phát triển tính nhất quán

Cuốn Profiles of Leadership (Chân dung các nhà lãnh đạo) đã công bố câu trả lời của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu và các nhà lãnh đạo chính quyền Mỹ, khi được hỏi, phẩm chất nào quan trọng nhất đối với thành công của họ. Câu trả lời đồng nhất: tính nhất quán.

Tính nhất quán là phẩm chất cần thiết nhất để kinh doanh thành công. Đây là kết quả nghiên cứu về 1.300 nhà lãnh đạo cấp cao trong thời gian gần đây. 71% nhà lãnh đạo coi tính nhất quán là phẩm chất quan trọng số một trong danh sách 16 phẩm chất giúp nâng cao hiệu quả quản lý. Từ điển định nghĩa tính nhất quán là tình trạng toàn vẹn, thống nhất. Khi mọi người có tính nhất quán thì lời nói và hành động của họ là một, cho dù họ ở đâu hoặc đối diện với bất kỳ ai. Một người có tính nhất quán không bị chia rẽ (sự hai mặt) hoặc giả vờ (thái độ đạo đức giả). Họ là con người “tổng thể” và cuộc sống của họ “gắn với nhau”. Người có đức tính này không có gì phải giấu giếm hay sợ hãi. Cuộc sống của họ như những quyển sách mở sẵn.

Tính nhất quán của nhà lãnh đạo phải luôn thể hiện rõ ràng hàng ngày. Đây là năm điểm mà tôi luôn cố gắng truyền đạt cho nhân viên:

 1. Tôi sẽ thực hành những gì tôi dạy. Quyết định bạn sẽ trở thành một người như thế nào quan trọng hơn quyết định bạn sẽ làm gì. Chúng ta thường hỏi: “Bạn sẽ làm gì khi trưởng thành?” Nhưng câu hỏi khác quan trọng hơn nhiều: “Bạn sẽ trở thành người như thế nào trong tương lai?” Câu trả lời về cá tính phải có trước khi lựa chọn nghề nghiệp.

 2. Tôi sẽ làm những gì tôi nói. Nếu tôi hứa điều gì đó với nhân viên, đồng nghiệp hoặc cấp trên, tôi sẽ giữ lời hứa. Trung tâm Lãnh đạo Sáng tạo ở Greensboro, Bắc Carolina đã công bố kết quả nghiên cứu về 21 nhà lãnh đạo cao cấp đã phải nghỉ việc hoặc buộc về hưu sớm. Sự phản bội niềm tin (không thực hiện lời hứa) luôn dẫn đến thất bại.

 3. Tôi sẽ chân thực với mọi người. Nếu những người làm việc với tôi phát hiện tôi xuyên tạc sự thật hoặc che đậy vấn đề, thì ngay lập tức tôi sẽ đánh mất sự tín nhiệm của họ. Và điều này không dễ cứu chữa.

Nhà tâm lý học nổi tiếng Dr. William Schultz đã phát triển “nguyên tắc sự thật trong quản lý” tại Tập đoàn Proctor & Gamble và NASA cho rằng, chìa khóa của năng suất là “Làm thế nào để mọi người làm việc cùng nhau có hiệu quả”, và không có gì “gia tăng tính tương hợp của mọi người với nhau bằng sự tin tưởng và chân thật”. Tiến sỹ Schultz nói: “Trong doanh nghiệp, nếu mọi người chỉ nói sự thật, thì 80-90% vấn đề của họ sẽ biến mất”. Sự tin tưởng và chân thật là phương tiện cho phép các cá nhân có cơ hội hợp tác để cùng nhau thành công.

 4. Tôi sẽ đặt lợi ích của mọi người lên trên lợi ích cá nhân. Tổ chức của tôi và những người làm việc cùng tôi phải là quan trọng nhất. Khi tôi đặt lợi ích của tổ chức lên trên lợi ích cá nhân, tôi mới tạo được lòng tin với cấp trên. Khi tôi đặt lợi ích của những người cùng làm việc với tôi lên trên lợi ích cá nhân, tôi có thể củng cố tình bạn và lòng trung thành. Dưới đây là tháp biểu trưng về lãnh đạo mà tôi luôn cố gắng tuân theo:

 5. Tôi sẽ minh bạch và chấp nhận bị tổn thương. Tôi nhận ra mình có hai sự chọn lựa khi làm việc cùng với mọi người. Tôi có thể khoanh tay hoặc mở rộng vòng tay. Cả hai sự lựa chọn này đều có điểm mạnh và điểm yếu. Nếu khoanh tay, tôi sẽ không bị thương, nhưng tôi cũng không nhận được sự giúp đỡ nhiều từ mọi người. Nếu tôi mở rộng vòng tay, tôi có thể bị thương, nhưng tôi đồng thời cũng nhận được sự giúp đỡ. Quyết định của tôi là mở rộng vòng tay và chào đón người khác cùng tham gia hành trình với tôi. Món quà giá trị nhất tôi đem lại cho mọi người không phải công việc mà chính là bản thân tôi. Đó là giá trị đích thực của bất kỳ nhà lãnh đạo nào.

HÔM NAY LÀM, NGÀY MAI CÓ THÀNH QUẢ

Có hai con đường dành cho mọi người. Đó là, họ có thể hưởng thụ trước và “trả giá” sau, hoặc “trả giá” trước và hưởng thụ sau. Bất kể chọn lựa của bạn là gì, điều chắc chắn là, cuộc sống bao giờ cũng đòi hỏi bạn phải “trả giá”.

Cha tôi đã dạy tôi nguyên tắc quan trọng đó. Mỗi tuần ông sắp xếp công việc nhà cho bảy ngày tiếp theo. Nhiều công việc có thể làm bất kỳ thời gian nào trong tuần. Mục tiêu của chúng tôi là hoàn thành tất cả vào trưa thứ bảy. Nếu hoàn thành, gia đình tôi có thể cùng đi chơi. Nếu ai không hoàn thành thì phải ở nhà để hoàn thành công việc và không được đi chơi cùng gia đình. Sau vài lần chậm trễ tôi nhận ra mình cần phải “trả giá” trước và rồi tôi đã hoàn thành công việc đúng lịch.

Bài học này rất có giá trị với tôi, và tôi lại dạy nó cho các con, Elizabeth và Joel Porter. Tôi muốn chúng nhận ra rằng, không có chuyện “không làm mà có ăn”, rằng cuộc sống không phải là một món quà mà là sự đầu tư. Các con tôi kiểm soát được mong muốn của mình và hướng nó đến việc đáp ứng những yêu cầu của cuộc sống sớm chừng nào thì sẽ đạt nhiều thành công hơn chừng ấy. John Foster đã nói: “Người không có tính kiên quyết không bao giờ là chính mình. Anh ta lệ thuộc vào bất kỳ cái gì có thể giam cầm anh ta”. Người bạn của tôi, Bill Klassen, thường nhắc nhở tôi rằng: “Cái giá phải trả sau bao giờ cũng đắt!”

Huấn luyện viên thể thao Vince Lombardi đã nói: “Tôi chưa thấy ai xứng đáng với những điều đã đạt được mà từ sâu thẳm trái tim họ lại không hiểu rõ giá trị của công việc hàng ngày và tính kỷ luật trong thời gian dài. Thời gian tuyệt vời nhất của bất kỳ ai là lúc hoàn thành tất cả những điều tâm huyết – đó là lúc họ dành cả trái tim cho sự nghiệp chân chính và hết mình trên trận chiến giành thắng lợi”.

SỐNG THEO TÍNH CÁCH THAY VÌ THEO CẢM XÚC

Hầu hết các việc có ý nghĩa đều được thực hiện bởi những người quá bận rộn hoặc quá ốm yếu! Robert Thornton Henderson đã nói: “Hiếm khi nguyên tắc phát triển lại dựa trên sự lý tưởng và dễ dàng. Trên đất nước này, 90% công việc được thực hiện bởi những người ốm yếu”.

Điều đó không có nghĩa là làm điều chúng ta thích, mà làm điều phải làm để chúng ta phát triển và thành công. John Luther đã nói: “Ta không bao giờ tìm thấy một công việc hoàn hảo. Ở bất kỳ vị trí nào, bạn sẽ tìm thấy công việc nếu không khó khăn ngay từ đầu thì cuối cùng cũng sẽ gặp khó khăn”. Thành công không chỉ phụ thuộc vào việc bạn làm tốt những gì yêu thích, mà còn phụ thuộc vào việc bạn thực hiện những gì không thích một cách chu toàn như thế nào.

Nam danh ca opera Luciano Pavarotti là một người thành công như vậy. Người hâm mộ thường mô tả ông như một “Caruso mới”. Trong một bài phỏng vấn, ông đã nói: “Có phải các bạn muốn biết điều khó khăn nhất đối với một ca sĩ là gì không? Đó là phải hy sinh bản thân trong mọi giây phút của cuộc đời. Đó không phải là cuộc sống tự do. Bạn không thể cưỡi ngựa hay không thể bơi nếu muốn”.

Người thành công sẵn sàng làm những điều mà người thất bại không làm. Điều làm nên sự khác biệt đó là họ hành động theo tính cách hay hành động theo cảm xúc:

Louis L’Amour là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại với gần 230 triệu bản đã được phát hành trên toàn thế giới. Khi được hỏi về bí quyết, ông nói: “Bắt đầu viết bất cứ thứ gì. Nước không chảy cho đến khi vòi được mở”.

Lời khuyên đó rất có ích trong cuộc sống. Đôi khi, điều chúng ta cần làm chỉ đơn giản là làm một điều gì đó. Hãy giúp đỡ ai đó. Chỉ hành động thôi sẽ giải phóng sức mạnh của chúng ta. Chúng ta nên coi đây là phương châm sống: “Nước không chảy cho đến khi vòi được mở”.

Cá tính tích cực được ca ngợi nhiều hơn so với tài năng nổi bật. Nhưng cá tính tốt không có sẵn trong chúng ta. Chúng ta phải xây dựng nó dần dần từ cái nhỏ nhất – bằng suy nghĩ, chọn lựa, sự can đảm và quyết tâm. Điều này chỉ có thể đạt được bằng lối sống kỷ luật.

Tác giả nổi tiếng Stephen Covey đã nói: “Nếu tôi cố gắng sử dụng chiến lược tác động con người và thủ đoạn để điều khiển người khác, để khiến họ làm việc tốt hơn, có động lực hơn, để họ thích tôi – trong khi tính cách của tôi không tốt, giả dối hoặc hai lòng – thì về lâu dài, tôi không thể thành công. Tính cách hai mặt khiến mọi người không tin tôi và mọi điều tôi làm, thậm chí nếu tôi sử dụng các kỹ thuật tạo dựng mối quan hệ tốt cũng bị coi là mánh khóe.

Dù lời nói có hoa mỹ, mục đích có tốt đến đâu cũng không quan trọng: Nếu không có sự tin tưởng thì không có cơ sở nào đảm bảo cho thành công lâu dài. Chỉ có bản chất tốt mới có nghệ thuật sống”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.