Phát Triển Kỹ Năng Lãnh Đạo

3. THÀNH TỐ QUAN TRỌNG NHẤT TRONG KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO:



TÍNH NHẤT QUÁN *

Từ điển định nghĩa “tính nhất quán” là “tình trạng toàn vẹn và thống nhất”. Khi tôi đạt tính nhất quán, thì lời nói và hành động của tôi là một. Tôi là tôi dù cho tôi đang ở đâu, hay đứng cạnh ai.

Thật buồn là ngày nay, tính nhất quán đã trở thành thứ hàng hóa xa xỉ. Những tiêu chuẩn cá nhân đang bị phá vỡ trong một thế giới chỉ tập trung theo đuổi sự thỏa mãn cá nhân và tham vọng thành công nhanh chóng.

Trong đơn xin việc, có một câu hỏi: “Bạn đã bị bắt giam bao giờ chưa?”, người xin việc trả lời “Chưa” vào ô trống. Câu hỏi tiếp theo là: “Vì sao?”. Không nhận ra rằng mình không phải trả lời phần này, ứng viên “thành thực” và khá ngô nghê này đã viết: “Tôi đoán vậy bởi vì tôi chưa bao giờ bị bắt”.

Trong một bộ phim hoạt hình của Jeff Danziger có cảnh một chủ tịch công ty thông báo với nhân viên: “Các bạn thân mến, thủ thuật kinh doanh trong năm nay của chúng ta là sự trung thực”. Một phó chủ tịch chen vào: “Tuyệt vời”. Một phó chủ tịch khác lại lẩm bẩm: “Nhưng quá mạo hiểm”.

Còn đây là một câu chuyện hài khác. Hai tù nhân trung niên nói chuyện với nhau. Một người quay sang người kia và nói: “Tôi nghĩ, việc chúng ta tham nhũng vẫn phù hợp với tiêu chuẩn của xã hội đấy chứ”.

Dù ở Nhà Trắng, Lầu Năm góc, Đồi Capitol Hill, nhà thờ, đấu trường thể thao, học viện, thậm chí ngay cả trung tâm chăm sóc trẻ em cũng đều có các vụ bê bối xảy ra. Trong mọi trường hợp, sự mất tín nhiệm đều bắt nguồn từ việc thiếu nhất quán trong lời nói và hành động của mỗi cá nhân trong các tổ chức, cơ quan này.

Một người có tính nhất quán nghĩa là người ấy không bao giờ sống hai mặt hay giả dối. Những ai có tính nhất quán là những người toàn vẹn. Với tính cách này, họ không có gì để che giấu hay sợ sệt. Cuộc sống của họ như những cuốn sách mở sẵn. Nhà văn, họa sỹ V. Gilbert Beers nói: “Người có tính nhất quán là người đã xây dựng cho mình một hệ thống những giá trị dựa trên những giá trị mà xã hội công nhận”.

Hệ thống giá trị là một phần không thể tách khỏi bản thân chúng ta. Nó là hệ thống dẫn đường, thiết lập những ưu tiên trong cuộc sống của chúng ta và quy định chúng ta chấp nhận hay không chấp nhận điều gì.

Con người ai cũng có những mong muốn đầy mâu thuẫn. Tính nhất quán là yếu tố quyết định cái nào sẽ thắng thế. Có những tình huống trong cuộc sống hàng ngày buộc chúng ta phải quyết định giữa những gì chúng ta muốn làm và những gì nên làm. Tính nhất quán thiết lập nên các nguyên tắc nền tảng để giải quyết những mâu thuẫn này. Nó quyết định chúng ta là ai, chúng ta sẽ phản ứng như thế nào trước khi mâu thuẫn xuất hiện. Tính nhất quán thống nhất mọi lời nói, suy nghĩ và hành động của một con người, và không bao giờ cho phép có sự mâu thuẫn.

Tính nhất quán gắn kết các yếu tố tạo nên con người của chúng ta và nuôi dưỡng sự mãn nguyện trong chúng ta. Nó không cho phép lời nói chống lại trái tim. Tính nhất quán cho phép ta quyết định ta sẽ là ai bất chấp hoàn cảnh, những con người liên quan hay những nơi chúng ta trải qua thử thách.

Tính nhất quán không chỉ vạch ra ranh giới giữa hai mong muốn, mà còn là nhân tố cốt lõi phân biệt một người hạnh phúc và một người bị phân tán tư tưởng. Nó sẽ giải phóng chúng ta, biến chúng ta trở thành con người toàn vẹn bất chấp điều gì diễn ra.

Nhà triết học Socrates nhắc nhở chúng ta: “Muốn trở thành vĩ nhân, chìa khóa đầu tiên là chúng ta hãy thể hiện đúng con người của mình”. Hãy là một nhà soạn nhạc tấu lên những khúc nhạc hay, hài hòa giữa lời ca và điệu nhạc.

Nếu những gì tôi nói và những gì tôi làm giống nhau, tôi sẽ thu được kết quả tương xứng. Ví dụ:

 

Có đến 89% những gì chúng ta học được là từ thị giác, chỉ có 10% từ thính giác, và 1% từ các giác quan khác. Vậy nên nếu nhân viên càng nhìn thấy và nghe thấy lời nói và hành động của nhà lãnh đạo nhất quán với nhau, thì họ càng nhất quán và trung thành với nhà lãnh đạo đó. Họ hiểu những gì họ lắng nghe. Họ tin những gì họ thấy.

Đừng khích lệ nhân viên bằng các mánh khóe. Những gì mọi người cần không phải là một khẩu hiệu để nhìn, mà là một hình mẫu để noi theo.

KIỂM TRA SỰ TÍN NHIỆM

Càng được mọi người tin cậy, bạn càng có đặc quyền gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Ngược lại, nếu càng làm mất lòng tin của mọi người, bạn cũng sẽ mất dần tầm ảnh hưởng đối với họ.

Nhiều nhà lãnh đạo đã tham gia các hội nghị của tôi hỏi tôi: “Anh có thể cho tôi những lời khuyên gì để thay đổi công ty của mình?” Tôi luôn trả lời: “Mục tiêu của tôi là khiến quý vị thay đổi. Nếu điều đó xảy ra, công ty của quý vị cũng sẽ được thay đổi”. Như tôi đã nói, mọi thành bại đều bắt nguồn từ lãnh đạo. Bí quyết để mọi thứ luôn phát triển là tính nhất quán. Nhưng vì sao tính nhất quán lại quan trọng đến vậy?

 1. TÍNH NHẤT QUÁN TẠO DỰNG SỰ TIN TƯỞNG

Tổng thống thứ 34 của Mỹ Dwight Eisenhower đã nói: “Một người muốn trở thành nhà lãnh đạo, phải có những người tình nguyện đi theo anh ta. Và để có những người đi theo thì phải có được sự tin tưởng của họ. Do đó, không thể chối bỏ vai trò của tính nhất quán đối với một nhà lãnh đạo xuất sắc. Nếu không có nó, không thể có thành công thật sự cho dù anh ta chỉ lãnh đạo một nhóm người, một đội bóng, một đội quân hay một tốp nhân viên trong văn phòng. Nếu những người cộng tác nhận thấy anh ta là một người giả dối, thiếu thẳng thắn, không chính trực, anh ta sẽ thất bại. Những điều nhà lãnh đạo nói và làm phải thống nhất với nhau. Do vậy, tính nhất quán và mục đích cao cả là tố chất quan trọng nhất đối với nhà lãnh đạo”.

Pieter Bruyn, một chuyên gia quản trị người Hà Lan, cho rằng: quyền hành không phải là quyền lực của ông chủ áp đặt lên nhân viên của mình, mà là khả năng gây ảnh hưởng đến nhân viên, khiến họ nhận thức và chấp nhận quyền lực ấy. Ông gọi nó là “sự mặc cả”(bargain) tức là nhân viên ngầm chấp nhận ông chủ như một sự đền đáp cách lãnh đạo mà họ có thể chấp nhận. Lý thuyết của Bruyn cho ta thấy, một nhà quản lý phải xây dựng và nuôi dưỡng sự tin tưởng trong nhân viên của mình. Nhân viên phải tin rằng ông chủ của họ sẽ cư xử chân thành với họ.

Những người chịu trách nhiệm lãnh đạo thường mong muốn xây dựng một tổ chức khiến mọi người có trách nhiệm tuân theo. Họ đòi hỏi một chức danh mới, một vị trí khác, một sơ đồ tổ chức và một chính sách mới để giảm thiểu số nhân viên không phục tùng. Nhưng họ không đủ uy quyền để tạo nên ảnh hưởng. Nguyên nhân là vì họ chỉ quan tâm đến bề nổi, trong khi vấn đề lại nằm ở bên trong. Họ thiếu đi uy quyền vì thiếu sự nhất quán.

Chỉ có 45% trong số 400 nhà quản lý tham gia cuộc khảo sát của Viện Carnegie-Mellon cho biết họ tin tưởng nhà lãnh đạo cao nhất của mình; 1/3 trong đó không tin cậy người quản lý trực tiếp.

Cavett Roberts, người sáng lập National Speakers Association (Hiệp hội Các nhà phát ngôn Quốc gia Hoa Kỳ), đã nói: “Nếu mọi người hiểu tôi, tôi sẽ thu hút được sự chú ý của họ. Nếu mọi người tin tưởng tôi, tôi sẽ có được sự cống hiến của họ”. Để có đủ uy quyền lãnh đạo, nhà lãnh đạo cần nhiều hơn một chức vị: đó là sự tin tưởng của những người đi theo anh ta.

 2. TÍNH NHẤT QUÁN CÓ GIÁ TRỊ ẢNH HƯỞNG LỚN

Nhà thơ, nhà văn Mỹ Emerson đã nói: “Mọi thể chế tầm cỡ đều là cái bóng kéo dài của một người. Tính cách của người đó xác định tính cách của tổ chức”. Tuyên bố đó cũng thống nhất với quan điểm của diễn viên hài kiêm ông bầu Will Rogers: “Mọi người thay đổi suy nghĩ thông qua quan sát, không phải qua những cuộc cãi vã”. Mọi người làm những gì họ thấy.

Trong một cuộc khảo sát, có tới 1.300 giám đốc cấp cao cho rằng tính nhất quán là phẩm chất cần thiết nhất để thành công trong kinh doanh. 71% coi đó là phẩm chất quan trọng nhất trong tổng số 16 phẩm chất giúp nâng cao tầm ảnh hưởng của một nhà quản trị.

Thế nhưng, trong cuộc sống gia đình, dường như chúng ta đang dần quên đi giá trị của tính nhất quán. Trong cuốn Objections Answered (Mục tiêu được giải đáp), tác giả R.C Sproul đã nói về một cậu bé người Do Thái lớn lên tại Đức. Cậu bé vô cùng ngưỡng mộ cha mình – người luôn tin rằng cuộc sống gia đình có liên quan đến những hoạt động tín ngưỡng mà họ rất mực tin tưởng. Người cha đã dẫn cậu đến với giáo đường Do Thái một cách trung thành.

Tuy nhiên khi cậu lên mười, gia đình cậu bị buộc phải chuyển đến một thị trấn khác. Ở đây không có giáo đường Do Thái mà chỉ có nhà thờ Lutheran. Cuộc sống hàng ngày của người dân thị trấn diễn ra xung quanh nhà thờ Lutheran. Tất cả những người tuyệt vời nhất đều là tín đồ của nhà thờ này. Người cha bất ngờ thông báo là cả gia đình sẽ bỏ các truyền thống của người Do Thái để đến nhà thờ Lutheran, vì điều đó sẽ tốt cho công việc kinh doanh của ông. Cậu bé không hiểu điều gì đã diễn ra. Sự thất vọng nặng nề không chỉ khiến cậu trở nên giận dữ, đau khổ lúc đó, mà còn ám ảnh suốt cuộc đời của cậu.

Sau này, cậu rời nước Đức đến Anh để học. Hàng ngày, cậu bé – nay đã là một chàng thanh niên – đều đến bảo tàng đọc sách và nung nấu các ý tưởng viết một cuốn sách. Trong đó, anh giới thiệu về một thế giới hoàn toàn mới, và tưởng tượng về một phong trào được hình thành và phát triển để thay đổi thế giới. Anh đã mô tả tôn giáo như “thuốc phiện của nhân dân”. Anh thuyết phục mọi người theo anh đến với cuộc sống không có Chúa. Tư tưởng của anh đã trở thành hình mẫu cho gần một nửa các chính phủ trên thế giới. Anh chính là Karl Marx, người sáng lập nên phong trào cộng sản. Vậy là, lịch sử thế giới thế kỷ XX và sau này đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi một người cha – người đã bóp méo những giá trị của chính mình.

 3. TÍNH NHẤT QUÁN ĐƯA ĐẾN NHỮNG CHUẨN MỰC CAO

Người lãnh đạo phải có cuộc sống chuẩn mực hơn nhân viên của họ. Nhưng điều này lại trái ngược với suy nghĩ của nhiều người. Trong một thế giới đầy những bổng lộc và đặc lợi, ít ai nghĩ đến trách nhiệm đối với hành trình tiến lên phía trước. Người lãnh đạo có thể từ bỏ tất cả ngoại trừ trách nhiệm với chính bản thân hoặc tổ chức của họ. John D. Rockefeller, cựu Chủ tịch Công ty Dầu khí Standard, đã nói: “Tôi tin rằng quyền lợi nào cũng ẩn chứa một trách nhiệm; cơ hội nào cũng ẩn chứa một nghĩa vụ; sự sở hữu nào cũng ẩn chứa một nhiệm vụ”. Biểu đồ dưới đây minh họa nguyên tắc trên:

 

Nhiều người luôn đòi hỏi quyền lợi nhưng lại tránh né trách nhiệm. Trong cuốn An Open Road (Con đường rộng mở), tác giả Richard L. Evan đã nói: “Thật vô giá khi tìm được một người có trách nhiệm, hoàn thành và thực hiện đến nhiệm vụ cuối cùng – để yên tâm rằng công việc người đó làm sẽ được hoàn thành chu toàn và hiệu quả”.

Nhà văn Tom Robbins nói: “Đừng để chính bạn trở thành nạn nhân của thời đại bạn đang sống. Xã hội chứ không phải thời gian mới là nguyên nhân khiến chúng ta lạc hậu. Có một xu hướng hiện nay là người ta thường tha thứ cho những lỗi lầm do đạo đức cá nhân gây ra, coi họ như những nạn nhân của môi trường xã hội. Thiếu cá tính cũng làm con người ta bị hạn chế”. Khi lãnh đạo có cá tính yếu ớt thì những chuẩn mực họ đặt ra cũng rất thấp.

 4. TÍNH NHẤT QUÁN GIÚP XÂY DỰNG DANH TIẾNG CHỨ KHÔNG CHỈ LÀ HÌNH ẢNH

Hình ảnh là những gì mọi người nghĩ về chúng ta. Tính nhất quán là bản chất của chúng ta. Hai người phụ nữ đang đi thăm một nghĩa trang ở vùng quê nước Anh. Họ tiến về phía một bia mộ, thấy trên bia có dòng chữ: “Đây là nơi yên nghỉ của John Smith, một chính trị gia, một người đàn ông lương thiện”. “Chúa ơi!”, một người quay sang người kia và thốt lên, “Thật lạ chưa, họ đã phải chôn hai người trong cùng một nấm mồ!”

Chúng ta ai cũng biết một số người có hình ảnh bề ngoài không giống bản chất bên trong của họ. Rất nhiều người bỏ công sức để chăm chút, tạo dựng hình ảnh hơn là trau dồi tính nhất quán cho mình. Khi bất ngờ gặp thất bại, họ không thể lý giải được nguyên do tại sao. Thậm chí cả những người tin rằng họ hiểu rõ những người này cũng rất ngạc nhiên.

Ở đất nước Trung Quốc cổ xưa, người dân muốn được bảo vệ chống lại những bộ tộc man rợ phương Bắc, nên họ đã xây một bức tường thành to lớn. Tường thành cao đến mức người ta tin rằng không ai có thể trèo qua được và dày đến mức không gì có thể phá vỡ được. Họ yên tâm sống trong sự bao bọc của bức tường thành. Vậy mà trong suốt 100 năm tồn tại đầu tiên của bức tường thành, Trung Quốc vẫn ba lần bị xâm lược. Điều kỳ lạ là chưa bao giờ những bộ tộc man rợ có thể phá vỡ hoặc trèo lên tường thành. Mỗi lần đến xâm chiếm, họ đã mua chuộc người gác cổng và tiến vào bằng lối đi chính. Người Trung Quốc đã quá tin tưởng vào bức tường thành bằng đá, mà quên mất phải dạy tính nhất quán cho con cháu của họ.

Hãy trả lời những câu hỏi sau đây để xem có phải bạn đang xây dựng hình ảnh bề ngoài thay cho con người thật bên trong của bạn hay không.

 

Thomas Macaulay, một người theo chủ nghĩa bãi nô, đã nói: “Thước đo bản chất thật sự của một con người là những gì anh ta sẽ làm nếu việc làm đó không bị người khác phát hiện”. Cuộc sống giống như một gọng kìm, đôi khi bóp chặt chúng ta. Những lúc bị ép như vậy, những gì bên trong sẽ lộ ra. Chúng ta không thể cho đi những gì ta không có. Hình ảnh bề ngoài hứa hẹn rất nhiều nhưng lại không mấy tin cậy. Tính nhất quán sẽ không bao giờ làm bạn thất vọng.

 5. TÍNH NHẤT QUÁN LÀ HOÀN THIỆN BẢN THÂN TRƯỚC KHI LÃNH ĐẠO NGƯỜI KHÁC

Chúng ta không thể chỉ bảo người khác nhiều hơn những gì bản thân ta biết. Do mất nhiều thời gian đầu tư cho sản phẩm, nên chúng ta thường cố giảm bớt quy trình sản xuất. Tuy nhiên, khi có sự nhất quán, việc đi tắt sẽ không được chấp nhận. Cuối cùng, sự thật sẽ bị phơi bày.

Một nhà tư vấn về quản lý chất lượng cho một số công ty lớn nhất nước Mỹ nói: “Trong quản lý chất lượng, chúng tôi rất chú ý đến quy trình. Nếu quy trình chuẩn, chất lượng sản phẩm sẽ được bảo đảm”. Cũng giống như sự nhất quán bảo đảm cho sự tin cậy.

Khi tàu vũ trụ Challenger nổ, người dân Mỹ ngạc nhiên khi phát hiện ra trước đó Cơ quan Quản lý chất lượng đã cảnh báo NASA rằng con tàu chưa sẵn sàng khởi hành. Nhưng nhà sản xuất vẫn ra lệnh phải phóng con tàu bằng được! Kết cục là tàu đã nổ tung.

Huấn luyện viên bóng rổ của tôi, Don Neff, nhiều lần nhấn mạnh với chúng tôi: “Các em hãy chơi giống như các em luyện tập”. Nếu không tuân thủ nguyên tắc này, chúng ta không thể phát huy hết tiềm năng trong mỗi người. Khi nhà lãnh đạo không tuân thủ nguyên tắc này, cuối cùng, họ sẽ đánh mất đi sự tín nhiệm mà mọi người dành cho họ.

 6. TÍNH NHẤT QUÁN TẠO NÊN MỘT NHÀ LÃNH ĐẠO THÔNG MINH VÀ ĐÁNG TIN CẬY

Fred Smith, một doanh nhân tài ba có lần đã trao đổi với tôi về sự khác nhau giữa thông minh và tín nhiệm. Theo ông, những nhà lãnh đạo thông minh sẽ không tồn tại mãi mãi. Câu nói khiến tôi nhớ đến những lời của Peter Drucker, tác giả nhiều cuốn sách về quản lý, nói với các mục sư trong nhà thờ: “Yếu tố cần thiết cuối cùng để lãnh đạo hiệu quả là có được sự tin cậy. Nếu không, sẽ không có người theo bạn… Đã là nhà lãnh đạo, phải có người khác đi theo mình. Lòng tin dành cho một nhà lãnh đạo không có nghĩa là lúc nào cũng phải đồng ý với anh ta. Tín nhiệm nghĩa là tin chắc nhà lãnh đạo đó và những gì anh ta nói là một, chính là tin tưởng “sự nhất quán trong con người anh ta”. Hành động của một nhà lãnh đạo phải tương đồng hoặc phù hợp với hệ thống niềm tin mà anh ta theo đuổi. Hơn nữa, kinh nghiệm từ xa xưa cũng cho thấy, lãnh đạo hiệu quả không dựa trên sự thông minh, khôn ngoan, mà căn bản dựa trên tính kiên định, nhất quán giữa lời nói và hành động của nhà lãnh đạo .

Nhà lãnh đạo chân thành không cần phô trương điều này. Ta có thể thấy nó trong mọi việc họ làm để rồi trở thành nhận thức thông thường của mọi người. Cũng như vậy, sự giả dối không thể cải trang hoặc che đậy cho dù người quản lý đó giỏi thế nào đi nữa.

Cách duy nhất để giữ được sự tín nhiệm và tôn trọng của những người làm việc cùng bạn là bạn hãy xứng đáng với điều đó. Không ai có thể lừa dối tất cả mọi người hết lần này đến lần khác. Cuối cùng, mỗi chúng ta được nhìn nhận đúng với bản chất của mình, chứ không phải những gì chúng ta gượng gạo thể hiện.

Ann Lander, nữ nhà báo phụ trách mục tư vấn tờ Chicago Sun-Times, đã nói: “Người có tính nhất quán mong muốn được tin tưởng. Họ biết thời gian sẽ chứng minh nên sẵn lòng chờ đợi”.

 7. KHÔNG DỄ GÌ CÓ ĐƯỢC TÍNH NHẤT QUÁN

Tính nhất quán không phải là một món quà ban tặng cho bất kỳ ai. Nó là kết quả của quá trình rèn luyện tính kỷ luật, niềm tin bên trong, và quyết tâm giữ vững tính trung thực trong mọi tình huống. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta ít thấy những tấm gương trung thực. Ý nghĩa của từ “trung thực, nhất quán trong lời nói và hành động” dần bị xói mòn. Nếu bạn sử dụng từ này trong các cuộc nói chuyện ở Hollywood, tại phố Wall hay phố Main, bạn sẽ được đáp lại bằng những ánh mắt nhìn chòng chọc trống rỗng. Đối với hầu hết người Mỹ, từ “trung thực” gợi lên ý nghĩ là bạn giả bộ ngây thơ hoặc có tư tưởng hạn hẹp. Trong thời đại mà nhiều từ ngữ bị sử dụng tuỳ tiện, thì những giá trị nền tảng như “sự trung thực, nhất quán” có thể bị nghiền nát nhanh chóng.

Sự trung thực, nhất quán đối nghịch với tinh thần của thời đại chúng ta. Chúng ta bị tâm lý tiêu dùng thực dụng chi phối. Những mong muốn tức thời đã thay thế các giá trị mang ý nghĩa vĩnh cửu.

Khi ta phản bội người khác nghĩa là ta phản bội và bán rẻ chính mình. Hester H. Chomondelay đã gửi sự thật này trong bài thơ ngắn của ông:

JUDAS

Bài học khi xưa đã kể

Có kẻ phản bội rao bán thầy

Ba mươi đồng bạc Judas lấy

Thầy chẳng bán đâu lại bán mình

Tiến sĩ, mục sư Billy Graham nói: “Tính trung thực luôn là chất keo kết nối cuộc đời mọi người với nhau. Chúng ta phải liên tục phấn đấu để giữ vững đức tính này”.

Còn trên Tạp chí Newsweek, số ra ngày 24 tháng 8 năm 1987, có đăng câu danh ngôn: “Khi của cải ra đi, chẳng có gì mất cả; khi sức khỏe không còn, vài thứ đã mất; khi đánh mất cá tính của mình, ta đã mất tất cả”.

Joseph Bailey, Chủ tịch Viện nghiên cứu Tâm thần, đã phỏng vấn hơn 30 nhà quản lý cấp cao. Ông nhận thấy tất cả đều có cơ hội học hỏi trực tiếp từ một nhà tư vấn. Nhà thơ Ralph Waldo Emerson nói: “Ước muốn lớn nhất của chúng ta trong cuộc sống là có người giúp chúng ta đạt được những gì mình có thể”. Khi tìm được người như thế, chúng ta cần thường xuyên kiểm tra xem mình tiến bộ tới đâu; liệu mình đã khai thác tối đa những gì được dạy chưa. Nếu bạn không dành thời gian, công sức cho quá trình này, bạn sẽ làm tổn thương người tư vấn cho bạn và chính bạn nữa.

Cuối cùng, hãy tự hỏi mình: “Tôi có chân thành với nhân viên của mình không?” Là nhà lãnh đạo, chúng ta nhanh chóng hiểu rằng những quyết định sai lầm không chỉ ảnh hưởng đến bản thân chúng ta, mà còn ảnh hưởng những người đi theo chúng ta. Trước khi nắm giữ vị trí lãnh đạo, chúng ta phải nhận thức được chúng ta dạy cho mọi người những gì mình biết và luôn củng cố bản thân. Giữ vững sự nhất quán là công việc của riêng bạn.

Trong cuốn The Leadership Challenger (Những thách thức đối với nhà lãnh đạo), James P. Cozies và Barry Poser, những người có chủ trương xây dựng hình mẫu đáng tin cậy cho nhân viên, cho rằng nhân viên mong đợi bốn điều từ những nhà lãnh đạo của họ: sự chân thật, năng lực, tầm nhìn, khả năng truyền cảm hứng.

Liệt kê những gì bạn quý trọng trong cuộc sống. Niềm tin là một tín ngưỡng hoặc một nguyên tắc mà bạn thường tuân theo và sẵn sàng chết vì nó. Vậy, niềm tin của bạn là gì?

Hỏi những người biết rõ những lĩnh vực mà bạn luôn thể hiện sự nhất quán trong lời nói và hành động, và những lĩnh vực họ thấy bạn thiếu sự nhất quán.

BẠN SẼ BẮT ĐẦU TỪ HÔM NAY

Mặc dù bạn không thể quay trở lại và bắt đầu lại, bạn của tôi.

Bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu từ bây giờ và tạo ra một kết thúc mới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.