Dạy Con Làm Giàu – Tập 7
CHƯƠNG 12
Đánh bạc hay đầu tư
“Kẻ cướp đáng sợ nhất chính là hy vọng”
– Người cha giàu.
BÁN ƯỚC MƠ… MUA SỰ DỐI TRÁ
Tại cuộc hội thảo của một công ty môi giới chứng khoán vào năm 1999, khi cơn cuồng nhiệt của thị trường chứng khoán đang lên đến đỉnh điểm, một phụ nữ giơ tay hỏi tôi: “Tôi vừa mua 500 cổ phiếu của tập đoàn lớn mạnh XYZ. Anh nghĩ sao về khoản đầu tư này?”
“Tại sao chị mua những cổ phiếu đó?”, tôi hỏi.
“Bởi vì người môi giới của tôi bảo rằng những cổ phiếu đó sẽ tăng giá. Tôi mua chúng với giá 55 đôla một cổ phiếu và anh ta nói có thể chúng sẽ tăng lên ít nhất là 75 đôla trong vòng 6 tháng nữa. Thực tế giá cổ phiếu đang tăng nhẹ và tôi đang xem xét việc mua thêm 1.000 cổ phiếu nữa trước khi quá trễ. Anh có nghĩ rằng tôi nên mua thêm 1.000 cổ phiu nữa không?”
YÊU CẦU BẢO ĐẢM TRẢ TIỀN
Sau một lúc yên lặng suy nghĩ, tôi trả lời: “Giá thị trường hiện đang rất cao. Nó đang l đến đỉnh điểm rủi ro nhất. Liệu người bán những cổ phiếu đó với giá 55 đôla có bảo đảm trả tiền cho chị nếu giá cổ phiếu không đạt đến 75 đôla không? Công ty có trả tiền cho chị nếu thị trường suy thoái không?”
“Bảo đảm trả tiền?”, người phụ nữ bối rối hỏi. “Những người môi giới cũng có bảo đảm trả lại tiền à?”
Không trả lời cô ta, tôi tiếp tục: “Hầu hết các nhà hàng đều trả lại tiền nếu thực khách cảm thấy không vừa ý với các món ăn của họ. Hầu hết các cửa hàng hay công ty dịch vụ cũng sẵn sàng trả lại tiền nếu bạn không hài lòng với sản phẩm hay dịch vụ của họ. Thế thì tại sao những nhà môi giới chứng khoán lại không?”
“Những người môi giới chứng khoán có trả lại tiền không?”, người phụ nữ lại hỏi một lần nữa.
“Tôi không biết”, tôi nói.
“Thế sao anh lại hỏi tôi như thế?”
“Bởi vì tôi thắc mắc tại sao chị lại sẵn sàng tin lời tiên đoán mơ hồ của nhà môi giới chứng khoán về việc cổ phiếu sẽ tăng giá từ 55 đôla lên 75 đôla. Chị mua cổ phiếu chỉ vì chị muốn chúng tăng giá ư? Hay chị mua cổ phiếu vì chị thật sự muốn có cổ phần của công ty đó? Và nếu giá cổ phiếu rớt còn 30 đôla một cổ phiếu thì sao? Lúc đó chị có muốn mua nữa không? Chị có vui vì đã mua cổ phiếu đó không?”
“Tôi không nghĩ vậy”, cô ta nói. “Tôi đồng ý mua cổ phiếu vì tôi muốn giá cổ phiếu tăng. Tôi chỉ mua nếu giá cổ phiếu tăng lên 75 đôla như nhà môi giới đã nói”.
“Vậy thì hãy yêu cầu họ bảo đảm trả tiền cho chị. Nếu đó là một công ty có uy tín thì nhà môi giới chứng khoán sẽ trả tiền cho chị nếu chị không vừa ý với sản phẩm của họ. Tôi thích mua quần áo ở một cửa hàng mà họ sẵn lòng trả lại tiền cho tôi nếu tôi không thích cái áo đó. Đó là lý do vì sao tôi thích mua sắm ở đó. Họ sẵn sàng trả lại tiền cho tôi”.
KHI ÔNG CHỦ NHẬP CUỘC
Khán phòng bắt đầu xôn xao. Cuối cùng vị giám đốc công ty môi giới chứng khoán đứng lên cố gắng cứu vãn niềm tin của khách hàng của mình. “Một trong những nhân viên của tôi đã đưa ra lời đề nghị đó”, ông ta nói. “Chúng tôi, với tư cách là một công ty, luôn muốn cổ phiếu của công ty mình tăng giá. Đương nhiên, là một công ty chuyên về các sản phẩm dịch vụ tài chính, chúng tôi không thể bảo đảm gì cả. Tôi không biết có cơ quan hay tổ chức tài chính nào sẽ bảo đảm như thế không”.
“Tôi biết đấy”, tôi nói.
Cả khán phòng im lặng. Vào lúc đó, tôi biết công ty này sẽ không bao giờ mời tôi trở lại nữa.
“Vậy thì ai có thể bảo đảm trả lại tiền cho anh?”, người phụ nữ ban đầu hỏi tôi.
“Ngân hàng của chị”, tôi trả lời. “Hay có thể nói rằng, chị phải bảo đảm trả tiền cho ngân hàng, mỗi khi chị vay tiền. Trên thực tế, đó chính là cơ sở của việc thế chấp. Nếu chị không trả lại tiền cho ngân hàng thì chị phải chấp nhận họ sẽ bám theo chị cho đến khi chị trả tiền mới thôi”.
“Vậy nếu người môi giới chứng khoán của tôi nói rằng giá cổ phiếu sẽ lên đến 75 đôla thì tôi phải yêu cầu được bảo đảm tiền à?”
“Có thể chị nên làm như thế”, tôi đáp.
“Nhưng nếu họ không bảo đảm thì sao?”
“Thì chị phải tự bảo đảm trả tiền cho chính mình. Những nhà đầu tư không ngoan thường làm vậy”.
“Còn nếu tôi không thể tự bảo đảm trả tiền cho mình?”.
“Thì hãy nghĩ rằng chị đang đánh bạc chứ không phải đầu tư. Những nhà đầu tư thực thụ không phải là những tay cờ bạc… Thế nhưng trên đời này vẫn có nhiều tay cờ bạc nghĩ mình là một nhà đầu tư”.
BẠN ĐẦU TƯ CHO CÁI GÌ?
Trong cuốn Dạy con làm giàu – tập 1, hai thuật ngữ quan trọng mà cuốn sách đề cập đến là “tài sản” và “tiêu sản”. Còn trong cuốn sách này, có thể nói đến hai từ quan trọng nhất là:
DÒNG LƯU KIM
Và
LÃI VỐN
Khi một người nói: “Tôi mua cổ phần này (hay bất động sản này) bởi vì tôi tin rằng giá sẽ tăng lên”, nghĩa là người này đang đầu tư vì lãi vốn. Người cha giàu thường nói: “Lãi vốn là ước mơ của những tay cờ bạc. Một nhà đầu tư thật sự đầu tư cho dòng lưu kim chứ không phải cho lãi vốn”. Người phụ nữ hỏi tôi về việc mua cổ phiếu với giá 55 đôla với hy vọng cổ phiếu sẽ tăng giá lên 75 đôla chính là đang đầu tư cho lãi vốn. Hay theo cách nói của Người cha giàu, cô ấy đang đánh bạc với tương lai chứ không phải là đầu tư.
Người cha giàu nói: “Khi đầu tư cho dòng lưu kim, con sẽ được đảm bảo trả tiền. Nếu đầu tư vì lãi vốn nghĩa là con đang đầu tư vào hy vọng. Kẻ cướp đáng sợ nhất chính là hy vọng”.
NHỮNG TAY CỜ BẠC NGHĨ MÌNH LÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Một câu hỏi khá hay vào lúc này là: “Tại sao lại có nhiều nhà đầu tư đầu tư vì lãi vốn thay vì đầu tư cho dòng lưu kim?”. Câu trả lời một lần nữa nằm ở những nguy hiểm khi bạn cho phép bản thân mình dễ dãi nói rằng: “Tôi không mua nổi”, hay “Anh không thể làm thế được”, hoặc “Việc này mạo hiểm quá”. Bạn trở nên yếu ớt trước những kẻ lừa đảo tài chính. Một trong những mánh khóe lừa bịp mà những kẻ lừa đảo tài chính này hay sử dụng chính là sự hứa hẹn về một tương lai tốt đẹp hơn. Họ bảo: “Ba năm nữa, giá miếng đất này sẽ tăng gấp đôi”, hay “Thị trường chứng khoán tăng giá trung bình 6% một năm”. Người cha giàu từng nói: “Những người không thể tìm được một khoản đầu tư nào ngày hôm nay thì sẽ đánh bạc với những hứa hẹn của ngày mai. Họ dựa vào hy vọng chứ không phải lý trí. Họ đổi ước mơ để mua những lời dối trá”.
NHÀ ĐẦU TƯ VÀ TAY CỜ BẠC
Trong một cuốn sách trước đây, tôi đã kể cho bạn nghe về một khoản đầu tư bất động sản liên tục thua lỗ hàng tháng vì tiền cho thuê thấp hơn tiền thế chấp và chi phí hoạt động. Đó chính là dòng lưu kim ngược chứ không phải là dòng lưu kim thuận. Hầu hết những kế hoạch hưu trí đều dựa trên hy vọng và hứa hẹn. Điều đó chẳng có ý nghĩa gì với tôi nhưng vẫn đầy ý nghĩa với hàng triệu nhà đầu tư đang mong đợi số tiền dành dụm cả đời của mình vẫn sẽ còn nguyên vẹn khi họ bước sang hiệp 4 của Trò chơi Tiền bạc.
Người cha giàu thường hay cười nói: “Không phải cần có nhiều kiến thức tài chính thì mới nhận ra đâu là một khoản đầu tư thua lỗ. Thị trường đầy dẫy những chuyên gia cho con biết phải làm thế nào để thua lỗ. Con chỉ việc đưa tiền cho họ mà thôi”. Ông bảo: “Ai cũng có thể tìm ra những khoản đầu tư thua lỗ mà. Vậy thì tại sao người ta phải trả tiền cho những người gọi là chuyên gia tài chính để giúp họ thua lỗ chứ!”.
Câu hỏi thật sự ở đây là: “Tại sao người ta lại có thể cả tin đến thế? Một trong những câu trả lời đơn giản: Bởi vì không thể tìm được dòng lưu kim hôm nay nên họ đầu tư vào hy vọng lãi vốn ngày mai. Quan trọng nhất, họ đầu tư mà không được bảo đảm trả tiền.
MỘT CÔNG VIỆC LỪA GẠT
Vấn đề ở đây là: Tại sao lại có đến hàng triệu người bỏ tiền ra mỗi tháng, suốt hàng năm trời không hề được bảo đảm trả tiền hay bảo hiểm chống thua lỗ, thế mà lại được xem là đầu tư thông minh? Hẳn đó là một trong những công việc kinh doanh khổng lồ nhất trong lịch sử nhân loại, một công việc kinh doanh chỉ có thể diễn ra với
những người dân không có kiến thức tài chính. Trên thực tế, đó còn hơn cả một công việc kinh doanh – đó là một sự lừa gạt. Hiện nay, sự lừa gạt này vẫn tiếp tục khi nhà trường bắt đầu đưa vào các chương trình giảng dạy tài chính, hướng dẫn bọn trẻ phân chia thẻ tín dụng, cân bằng thu chi và lựa chọn chứng khoán. Ngành chứng khoán tích cực tham gia hệ thống giáo dục của chúng ta, dạy họ trở thành những tay cờ bạc, đánh cược vào lãi vốn, chứ không phải dạy họ trở thành những nhà đầu tư khôn ngoan đầu tư cho dòng lưu kim.
TẠI SAO NGƯỜI TA THUA LỖ
Theo tôi, một trong những nguyên nhân chính khiến người ta đầu tư cho ngày mai chứ không đầu tư cho ngày hôm nay đơn giản vì trong suy nghĩ của mình, họ không thể tìm được hay không có đủ tiền cho những khoản đầu tưđem lại lợi nhuận cho họ ngày hôm nay. Khi người ta không thể tìm được một khoản đầu tư đem lại lợi nhuận cho mình hôm nay thì họ thường trở thành tín đồ của ngày mai, khiến họ trở thành những tay cờ bạc đặt cược vào lãi vốn. Đó là lý do tại sao có nhiều người thua lỗ. Họ sẵn sàng chấp nhận mất tiền, dù chỉ là một ít mỗi tháng, với hy vọng và những lời hứa hẹn rằng ngày mai vận may của họ sẽ đến. Những người không biết được sự khác nhau giữa đầu tư cho dòng lưu kim hay đầu tư vì lãi vốn sẽ trở thành những miếng mồi ngon cho những kẻ lừa đảo tài chính.
CÁC NHÀ ĐẦU TƯ ĐẦU TƯ VÀO CÁI GÌ?
Người cha giàu từng nói: “Một khoản đầu tư cần phải hợp lý cả ngày hôm nay lẫn ngày mai”. Thay vì tập trung vào vấn đề khoản đầu tư nào tốt nhất – chứng khoán, trái phiếu, quỹ tương hỗ, bất động sản hay doanh nghiệp. Người cha giàu lại dạy chúng tôi đầu tư vào:
1. Dòng lưu kim
2. Ưu đãi thuế vụ
3. Lãi vốn
Nếu muốn, bạn có thể xem lại công thức đầu tư quyền lực của Người cha giàu. Công thức của Người cha giàu rất khó thực hiện nếu không có một dòng lưu kim ổn định. Nếu không có dòng lưu kim, những ưu đãi thuế vụ mà bạn được hưởng rất hạn chế, mà ưu đãi thuế vụ cũng là một dạng dòng lưu kim khác. Đối với Người cha giàu, lãi vốn không quá quan trọng như thế. Công thức đầu tư quyền lực của ông vẫn có tác dụng dù có hay không có lãi vốn. Người cha giàu luôn chắc chắn rằng ông sẽ được đảm bảo trả tiền. Đối với ông, lãi vốn chỉ như sung rụng. Đó là lý do vì sao ông xếp nó vào ưu tiên thứ ba.
Nhưng không may là hầu hết mọi người lại đầu tư theo thứ tự ưu tiên lãi vốn đứng đầu.
Họ chỉ biết lmua rẻ và bán đắt. Theo luật thuế Mỹ, những người mua và bán được phân loại là thương nhân chứ không phải nhà đầu tư. Khi xem Kim tứ đồ, bạn sẽ thấy những người mua và bán được xếp vào nhóm T chứ không phải nhóm B.
Mục tiêu đầu tiên của họ là mua đi bán lại với giá cao hơn, nghĩa là đầu tư vì lợi nhuận chứ không phải đầu tư cho dòng lưu kim. Trong phần lớn trường hợp, những người này có khả năng bị xếp vào loại thương nhân chứ không phải nhà đầu tư, theo Sở thuế vụ Mỹ, và có thể bị đánh thuế cao hơn những nhà đầu tư thực thụ. Ở Mỹ, nếu không có đăng kí hợp lý và không có kế hoạch đóng thuế rõ ràng thì một người mua đi bán lại lấy lời còn có nguy cơ bị đánh thuế kinh doanh tư nhân bên cạnh các khoản thuế thu nhập thông thường. Nhiều nhà kinh doanh bất động sản bảo rằng họ không phải chịu loại thuế đó. Điều đó có thể đúng nếu họ làm ăn nhỏ, nhưng đến khi họ ăn nên làm ra và bắt đầu phát đạt bằng cách kinh doanh này thì chắc chắn họ sẽ bị sở thuế có chính phủ gõ cửa, Và luôn luôn, hãy kiểm tra lại với các luật sư và kế toán giỏi để có được những kiến thức chính xác, bởi vì mỗi trường hợp đều khác nhau.
TÀI SẢN TỊCH BIÊN
Trong một buổi tọa đàm với các nhà đầu tư bất động sản, tôi đưa ra vấn đề về sự khác nhau giữa một thương nhân và một nhà đầu tư. Một người giơ tay lên hỏi: “Tôi mua các tài sản tịch biên. Vậy tôi là thương nhân hay nhà đầu tư?”. Tôi trả lời: “Anh đang hỏi về một quá trình tài chính. Còn tôi đang nói về chiến lược kết thúc của anh hay cách mà anh sử dụng những tài sản tịch biên đó. Nếu anh mua một tài sản tịch biên và dùng nó để cho thuê thì anh là một nhà đầu tư. Nếu anh mua tài sản tích biên để bán giá cao kiếm lời thì anh đang đầu tư vì lãi vốn, và như thế anh là một thương nhân nhóm T”.
Có rất nhiều người đang theo dõi những biến động của thị trường chứng khoán. Họ vui mừng khi chỉ số Down Jones tăng lên và buồn bực khi nó giảm xuống. Nhìn chung, những người này đầu tư vì lợi nhuận. Họ thường được gọi là những nhà đầu tư biến động, mua khi cổ phiếu tăng giá và bán khi cổ phiếu giảm giá. Chính triết lý đầu tư biến động này đã khiến tài sản trên giấy bất ổn định và đầy đủ rủi ro đối với các nhà đầu tư nhỏ.
Nếu bạn muốn trở thành một nhà đầu tư quyền lực, bạn phải xem xét việc đầu tư bằng con mắt của một chủ doanh nghiệp, bất kể bạn đầu tư vào loại tài sản nào… Bởi vì một chủ doanh nghiệp luôn biết rằng dòng lưu kim ảo phát sinh từ ưu đãi thuế vụ quan trọng hơn lãi vốn rất nhiều.
AI LÀ NGƯỜI BỊ THUA LỖ NẶNG NHẤT?
Qua chương này, tôi muốn nói rõ hơn vì sao nhiều người lại nghĩ rằng đầu tư là mạo hiểm và tại sao hàng triệu người bị mất hàng nghìn tỷ đôla từ năm 2000 đến năm 2003. Ngoài những lời khuyên tồi và sự thiếu hiểu biết cơ bản về tài chính, một lý do nữa là hầu hết mọi người đều đầu tư vì lãi vốn. Điều này cũng đúng với phần lớn các quỹ hỗ tương lại khuyên khách hàng nên đầu tư dài hạn trong khi hầu hết lại làm ngược lại. Hầu hết các nhà quản lý quỹ hỗ tương bị áp lực phải kiếm tiền nhanh bằng cách mua rẻ bán đắt. Họ làm mọi thứ trừ việc đầu tư dài hạn, lời khuyên mà họ đưa ra. Vì sao vậy? Vì họ đầu tư cho lãi vốn. Một nhà đầu tư thực thụ sẽ đầu tư cho dòng lưu kim. Vì sao vậy? Vì họ không tin vào hy vọng, họ tin vào những gì mà ngân hàng và sở thuế tin tưởng – họ tin vào sự đảm bảo trả tiền.
BÀI HỌC
Một trong những lý do khiến người ta đầu tư vào hy vọng thay vì đầu tư vào sự đảm bảo là do học không thể tìm được một khoản đầu tư nào đem tiền đến cho họ ngày hôm nay cả. Chương kế tiếp sẽ giới thiệu cho bạn một số cách tìm những khoản đầu tư có thể đem tiền đến cho họ ngay hôm nay chứ không phải ngày mai.
Trước khi bước sang chương kế, tôi muốn nhắc lại với các bạn rằng Người cha giàu luôn khuyến khích tôi xem mọi công việc đầu tư như một công việc kinh doanh. Khi bạn lập được một doanh nghiệp ăn nên làm ra có thể thường xuyên đem lại dòng lưu kim cho bạn, bạn sẽ cố giữ lấy nó. Như Warren Buffett đã nói: “Chúng tôi thích mua các doanh nghiệp. Chúng tôi không thích bán đi và chúng tôi mong đợi những mối quan hệ làm ăn sẽ tồn tại suốt đời”.
MỘT LỜI NHẮC NHỞ
Nhưng trước khi tiếp tục, tôi muốn nhắc các bạn một lần nữa hãy nhớ đến sức mạnh tinh thần của mình và hãy cẩn thận với những câu nói như “Tôi không thể” hay “Anh không làm thế được”. Những người hay nói như vậy chính là những người đưa tiền của mình cho người khác và rồi thắc mắc tại sao mình không thu được những khoản lợi nhuận lớn như mong muốn từ số tiền đó. Hãy luôn nhớ rằng các dịch vụ tài chính không bao giờ đảm bảo trả lại tiền cho bạn. Đó là lý do vì sao bạn cần phải tự đảm bảo trả tiền cho mình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.