Dạy Con Làm Giàu – Tập 7

PHẦN 1 TÔI NÊN ĐẦU TƯ VÀO CÁI GÌ? – CHƯƠNG 1



“Càng hiểu biết về đầu tư, bạn sẽ càng nhận được những lời khuyên đầu tư giá trị”.

– Người cha giàu.
Hãy hỏi một người bán hàng

“Nếu muốn trở thành một nhà đầu tư giỏi, một trong những điều đầu tiên cần học chính là cách phân biệt giữa một lời chào hàng và một lời khuyên đầu tư hợp lý”.

– Người cha giàu.

“Tôi có 10.000 đôla. Tôi nên đầu tư vào đâu?”. Như đã nói trong phần giới thiệu, từ lâu tôi vẫn không biết nên trả lời câu hỏi này như thế nào. Một câu trả lời thích hợp cho một câu hỏi đơn giản như thế thật không hề đơn giản. Người ta không ai giống ai cả. Chúng ta có cuộc sống khác nhau, mơ ước khác nhau, cảm nhận khác nhau, vốn hiểu biết tài chính khác nhau và khả năng chịu đựng rủi ro cũng khác nhau. Nói cách khác, những điều tôi sẽ làm với 10.000 đôla này có thể khác hẳn những điều bạn sẽ làm cùng với 10.000 đôla đó. Và những điều sẽ làm với 10.000 đôla, nếu như là mười năm trước, cũng sẽ khác hẳn những điều tôi sẽ làm với 10.000 đôla, nếu là ngày hôm nay. Như Einstein đã nói: “Tất cả đều là tương đối”.

Cuối cùng, sau khi bị quá nhiều người hỏi câu này, tôi cũng nghĩ ra một câu trả lời thích hợp: “Nếu bạn không biết phải làm gì với số tiền đó thì tốt nhất là hãy gởi nó vào ngân hàng và đừng nói cho ai biết là bạn có tiền để đầu tư cả”. Tôi nói thế là vì nếu bản thân bạn không biết phải làm gì với tiền bạc của mình thì có đến hàng triệu người, đúng nghĩa đen là hàng triệu người, sẽ biết có thể làm gì với món tiền của bạn. Nói về chuyện tiền bạc thì mọi người đều biết nên làm gì với tiền của người khác.

VẤN ĐỀ CỦA NHỮNG LỜI KHUYÊN

Vấn đề không phải mọi lời khuyên đều tốt. Từ tháng 3-2000 đến tháng 3-2003, hàng triệu người thua lỗ từ 7 đến 9 nghìn tỷ đôla vào một trong những cuộc sụp đổ thị trường chứng khoán lớn nhất lịch sử, phần lớn vì nghe theo lời khuyên của những người được gọi là các chuyên gia tài chính. Điều đáng buồn là những chuyên gia này mãi đến nay vẫn đang đi lòng vòng để đưa ra những lời khuyên tài chính và vẫn còn được rất nhiều người nghe theo.

Tại cuộc sụp đổ thị trường năm ấy, các chuyên gia tài chính khuyên mọi người nên đổ tiền vào thị trường. Và thay vì bán chứng khoán đi thì người ta lại mua chúng về, và giá càng giảm thì họ càng mua, ngay khi thị trường đang trên đường sụt giá đến cùng cực.

Trong giới giao dịch có một câu nói: “Khi một tài xế taxi bắt đầu đưa ra những lời khuyên về một chứng khoán nào đó thì đã đến lúc phải bán chúng đi”. Và có lẽ câu nói này cũng nên mở rộng cho những nhà tư vấn tài chính nữa.

TIẾNG NÓI CỦA SỰ SÁNG SUỐT

Trong tình huống cuồng loạn của những năm từ 1995 cho đến đầu năm 2000, người ta nghe thấy hai tiếng nói sáng suốt, của chủ tịch Quỹ dự trữ Liên bang Alan Greenspan và Warren Buffett, người được xem là nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới.

Trong thời gian thị trường chao đảo, cái tên Warren Buffett thường được nhắc đến với những cuộc đầu tư khéo léo nhất. Các nhà tư vấn tài chính thường mượn danh ông để khuyến dụ mọi người. Họ thường nói Warren Buffett đã làm thế này, Warren Buffett đã làm thế kia. Và khi cái tên Warren Buffett được nhắc đến thì hình như người ta có khuynh hướng bỏ tiền vào thị trường nhiều hơn. Nhưng điều mà các nhà tư vấn không nói được với những nhà đầu tư trung thành của họ lại là những điều mà Warren Buffett không làm.

Trong bài phỏng vấn NHÀ TIÊN TRI CỦA TẤT CẢ trên tạp chí Fortune số ngày 11-11-2002, ông Buffett nói: “Tôi mua chứng khoán đầu tiên của mình từ 60 năm trước. Trong 60 năm đó, có đến 50 năm tôi chỉ mua những chứng khoán bình thường. Có lẽ trong 10 năm kế tiếp, tôi đã không thể tìm được gì cả”. Một trong những lý do khiến ông không mua chứng khoán nữa rất đơn giản. Trong 10 năm đó, từ năm 1992 đến 2002, giá chứng khoán quá đắt đỏ. Tôi cảm thấy thú vị khi nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới lại không thể tìm thấy gì để đầu tư cả, dù hàng triệu nhà đầu tư và những nhà tư vấn khác lại tìm thấy đủ thứ.

NHỮNG LỜI PHÊ BÌNH NHÀ ĐẦU TƯ VĨ ĐẠI NHẤT THẾ GIỚI

Bài báo tiếp tục rằng không lâu trước đây, nhất là khi thị trường bùng nổ đến đỉnh điểm vào đầu năm 2000, nhiều chuyên gia tài chính đáng kính và báo chí bắt đầu phê bình ông Buffett vì không tham gia thị trường. Một chuyên gia trong số này, Harry Newton, chủ bút tờ Tạp chí Đầu tư Công nghệ, đã viết: “Hẳn là Warren Buffett đang tiếc đứt ruột. Làm thế nào ông ấy lại bỏ qua những cuộc cách mạng silicon, vô tuyến, DSL, mạng, công nghệ sinh học… được cơ chứ?”. Một tháng sau, thị trường công nghệ sụp đổ, mang theo hàng nghìn tỷ đôla của các nhà đầu tư. Đến đây thì ai mới đang “tiếc đứt ruột?”

TRẢ LỜI CÂU HỎI

Một lời khuyên tốt rất quan trọng để thành công về tài chính. Đã nhiều lần tôi ước gì mình có thể trả lời tốt hơn câu hỏi “Tôi nên làm gì với 10.000 đôla?” chứ không chỉ bảo là “Hãy gởi vào ngân hàng”. Sau nhiều năm im lặng trước câu hỏi này, nay tôi quyết định sẽ trả lời bằng cuốn sách này, AI ĐÃ LẤY TIỀN CỦA TÔI? Một câu hỏi cần được trả lời bằng một cuốn sách, đơn giản vì đó là một rất quan trọng.

CÁI GIÁ CỦA MỘT LỜI KHUYÊN TỆ HẠI

Tháng 6-2003, khi đang ngồi trên taxi ra sân bay, tình cờ tôi nghe trên radio cuộc trao đổi với một chuyên gia tài chính. Ông này nói: “Đã đến lúc quay lại với thị trường chứng khoán”.

“Vì sao vậy?”, người dẫn chương trình hỏi.

“Vì tất cả đèn xanh đều đã bật”, nhà tư vấn tài chính này nói. “Thị trường này đang tăng lên”.

Sau đó ông ta tiếp tục với hàng loạt những lời giải thích và nói về một thị trường chứng khoán tiêu chuẩn được nhai đi nhai lại, về trước khi, trong khi và sau khi thị trường sụp đổ.

Tôi nhìn ra bên ngoài và chẳng buồn nghe nữa cho đến khi người dẫn chương trình nói: “Bây giờ là đến lúc trao đổi với thính giả qua điện thoại”.

Người đầu tiên gọi đến nói: “Năm nay tôi 78 tuổi, vợ tôi 75. Vào tháng 1-2000, chúng tôi đã nghĩ rằng mình sẽ có một danh mục đầu tư an toàn dành để về hưu. Chúng tôi đã bỏ một triệu đôla vào quỹ hỗ tương”.

“Thật tuyệt vời”, người dẫn chương trình nói.

“Vâng, nhưng đó là tháng 1-2000”.

“Giờ thì ông có bao nhiêu tiền?”, vị chuyên gia tài chính nói.

“Đó mới là vấn đề”, người gọi điện nói. “Tháng 3-2000, khi thị trường bắt đầu sụp đổ, tôi đã hỏi ý kiến của nhà kế hoạch tài chính của mình”.

“Thế anh ta nói gì?”, người dẫn chương trình hỏi.

“Anh ta nói y chang những gì mà vị khách mời của anh đang nói bây giờ. Anh ta

nói thị trường đang chuẩn bị tăng giá. Anh ta chẳng hề bảo chúng tôi đó là một cuộc sụp đổ thị trường. Nghĩa là anh ta chẳng hề nói thị trường có thể đi xuống, hay quỹ hỗ tương là không n toàn. Rồi anh ta khuyên chúng tôi nên tiếp tục đầu tư dài hạn, giữ và đa dạng hóa”.

“Thế ông đã làm gì?”, người dẫn chương trình hỏi.

“Chúng tôi làm theo lời anh ta, ngồi chờ và nhìn thị trường tiếp tục sụt giá. Và khi giá cả hạ xuống, anh ta tiếp tục gọi điện bảo chúng tôi mua thêm khi giá còn thấp”.

“Thế ông có mua thêm không?”

“Dĩ nhiên là có. Nhưng thị trường vẫn tiếp tục giảm giá và chúng tôi tiếp tục gọi điện cho anh ta. Đến tháng 8-2002 thì anh ta không thèm trả lời điện thoại của chúng tôi nữa. Sau đó chúng tôi mới biết là anh ta đã nghỉ và và chúng tôi được giới thiệu với một người khác. Dù sao thì chúng tôi cũng phát ốm lên khi mở thư của công ty đầu tư. Tôi không thể chịu nổi khi thấy số tiền mình dành dụm cả đời nay lại từ từ biến mất khi thị trường sụp đổ. Giờ thì chúng tôi không đủ sức làm việc kiếm tiền nữa và cũng chẳng biết mình có thể làm gì bây giờ”.

“Thế ông còn lại bao nhiêu tiền?”, người dẫn chương trình lại hỏi.

“Ừm, sau khi anh ta không nghe điện thoại nữa thì chúng tôi đã tự quyết định và bán hết quỹ hỗ tương của mình. Vợ chồng tôi nghĩ có lẽ nên giữ tiền mặt thì tốt hơn. Sau khi bán xong, chúng tôi chỉ còn lại 350.000 đôla và gởi chúng vào ngân hàng”.

“Cũng tốt”, người dẫn chương trình nói. “Ít ra thì ông cũng còn lại một ít tiền.

350.000 đôla cũng là một số tiền đáng kể đấy chứ”.

“Ừ, nhưng vấn đề là tôi chỉ được 1% tiền lãi một năm thôi, 3.500 đôla. Thậm chí nếu cộng thêm phúc lợi xã hội và chăm sóc y tế thì cũng chẳng sống nổi với số tiền ít ỏi đó. Tôi e rằng chúng tôi sắp phải ăn vào tiền tiết kiệm của mình, mà nếu thế thì tình hình sẽ càng tệ hơn nữa. Anh có lời khuyên gì cho chúng tôi không?”

“Ông có nhà cửa gì không?”, nhà tư vấn tài chính hỏi.

“Có”, người gọi điện đáp. “Nhưng làm ơn đừng bảo chúng tôi bán nó đi. Nó là tất cả những gì còn lại của chúng tôi. Với lại nó cũng chỉ trị giá 120.000 đôla, mà trong đó chúng tôi đã cầm đến 80.000 đôla rồi. Chúng tôi nợ nhiều đến thế là vì khi t suất lợi nhuận giảm, chúng tôi đã phải bù thêm tiền vào tài khoản và phải rút tiền từ giá trị ngôi nhà của mình”.

“Rồi chuyện gì xảy ra với số tiền cầm nhà đó?”, người dẫn chương trình hỏi.

“Chúng tôi tiêu dùng. Chúng tôi phải sống nhờ số tiền đó. Vì vậy nên tôi phải gọi điện đến xin tư vấn”.

“Thế đấy, vậy anh có lời khuyên gì cho cặp vợ chồng này không?”, người dẫn chương trình hỏi chuyên gia tài chính.

“Trước tiên, tôi nghĩ ông không nên bán các cổ phần đi”, chuyên gia nói. “Như tôi đã nói, thị trường đang tăng giá trở lại”.

“Nhưng nó đã tuột dốc suốt hàng năm qua”, người gọi điện nói. “Thật kinh hoàng khi bị mất quá nhiều tiền đã dành dụm cả đời như thế, ở tuổi chúng tôi…”

“Đúng vậy, tôi hiểu mà”, chuyên gia nói. “Nhưng hãy nghe tôi nói đây. Chúng ta nên luôn luôn đầu tư dài hạn. Hãy mua và giữ nó. Hãy đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình. Thị trường có lúc đi xuống nhưng rồi chúng sẽ lên lại, như lúc này đây”.

“Vậy giờ thì vợ chồng ông ấy nên làm gì?”, người dẫn chương trình hỏi.

“Đã đến lúc quay lại. Như tôi đã nói, thị trường đang tăng giá. Hãy nhớ rằng trong 40 năm qua, thị trường chứng khoán đã tăng giá trung bình 9% một năm”.

“Vậy anh cho rằng giờ là lúc quay lại với thị trường?”, người dẫn chương trình

hỏi.

“Đúng vậy”, chuyên gia nói. “Hãy quay lại trước khi lỡ mất cuộc đua kế tiếp”.

“Đó là lời khuyên tốt”, người dẫn chương trình nói với ông già 78 tuổi. “Cảm ơn ông”.

Chiếc taxi đã đến sân bay. Tôi giận sôi máu. “Làm thế nào người ta có thể tiếp tục với một lời khuyên cũ kỹ như thế?”. Tôi cảm thấy thật bực bội khi bước vào cổng. Khi xếp hàng chờ lên máy bay, tôi vô tình đọc thấy dòng chữ tiêu đề của một bài báo cũ trong thùng rác: “Các nhà đầu tư đổ tiền vào bất động sản”. Tôi chỉ còn biết lắc đầu: “Lại lên rồi lại xuống”.

MỘT LỜI KHUYÊN CŨ RÍCH

Khi máy bay rời phi trường, tôi bắt đầu nhớ lại lúc mình mới bước vào thế giới các nhà đầu tư với một kiến thức đầu tư thật ít ỏi. Đó là năm 1965, tôi 18 tuổi, tôi mua những cổ phiếu quỹ hỗ tương đầu tiên của mình. Tất cả những gì tôi biết lúc đó là quỹ hỗ tương có liên hệ với Phố Wall, mà đầu tư vào Phố Wall tại thời điểm đó là một ý

tưởng thật tuyệt vời.

Lúc đó tôi đang học ở Học viện Thương thuyền Mỹ tại New York, trường đào tạo sĩ quan trên các tàu chở hàng, tàu chở dầu, tàu chở khách và nhiều loại tàu thương mại khác. Là một học viện quân đội, chúng tôi phải mặc đồng phục quân đội, đánh bóng giày và bước hành quân vào lớp. Sinh ra và lớn lên tại Hawaii với áo ngắn tay và quần soóc, tôi cảm thấy thật khó thích nghi với cuộc sống mới. Lúc đó đang là mùa thu với lá vàng rơi lả tả, còn tôi thì đang chuẩn bị cho mùa đông đầu tiên của mình tại đó.

Một buổi chiều, tôi nhận được tin ông Carling muốn gặp tôi. Tôi chẳng quen ông Carling nào cả, nhưng thường khi bạn là một sinh viên năm nhất thì bạn biết mình phải làm tất cả những gì được bảo và phải làm ngay lập tức mà không thắc mắc.

“Hãy bắt đầu đầu tư ngay từ khi còn trẻ”, ông Carling mỉm cười khi ngồi đối diện với tôi. “Và hãy luôn luôn ghi nhớ bí quyết của các nhà đầu tư vĩ đại. Bí quyết đó là hãy mua và giữ, hãy đầu tư dài hạn để số tiền của anh sinh sôi nảy nở. Và hãy luôn luôn ghi nhớ rằng anh cần phải khôn khéo và đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình”.

Với lời khuyên này, tôi chỉ biết gật đầu nói: “Vâng, thưa ông”. Thật sự lúc đó tôi chẳng hiểu ông ấy đang nói chuyện gì, nhưng sau 4 tháng tại học viện, tôi đã được huấn luyện rất tốt việc ngồi thẳng người hay đứng nghiêm và nói: “Vâng, thưa ông”.

Ông Carling là một cựu sinh viên của học viện. Ông đã bỏ công việc trên tàu để chuyển sang lĩnh vực kế hoạch tài chính. Ông biết tất cả những khó khăn mà bọn sinh viên năm nhất như chúng tôi phải trải qua vì ông cũng đã từng qua thời kỳ đó. Thay vì chỉ nói đơn giản “Vâng, thưa ông”, tôi thật sự thắc mắc tại sao ông ta lại biết tên tôi và lại tìm gặp t>

“Tôi phải đầu tư bao nhiêu tiền?”, tôi hỏi.

“Chỉ có 15 đôla một tháng”, ông cười nói.

“Mười lăm đôla”, tôi hơi giật mình. “Tôi biết lấy số tiền đó ở đâu bây giờ? Tôi phải ở trường suốt ngày, ông biết đấy”.

Xin nhớ rằng lúc đó là năm 1965 và 15 đôla là một số tiền khá lớn đối với một sinh viên.

“Hãy kiên nhẫn”, ông Carling vẫn mỉm cười. “Học viện sẽ dạy kỷ luật cho anh. Nếu tập được kỷ luật mỗi tháng bỏ ra 15 đôla, không lâu sau anh sẽ có một số vốn kha khá. Hãy nhớ luôn luôn đầu tư dài hạn”.

Dù đồng ý với mọi điều ông nói nhưng tôi vẫn thấy ông nhấn mạnh quá nhiều hai chữ “luôn luôn”. Vì một lý do gì đó, cái từ này và cách ông ta nói nó bỗng nhiên khiến tôi hơi khó chịu.

Thời gian là vàng bạc. Tôi cần quay lại học bài nên không tranh luận gì mà đồng

ý tất cả mọi chuyện. Sau khi chọn một công ty quỹ hỗ tương mà ông ta đề nghị tôi đầu tư vào, tôi đã ký một hợp đồng với ông ta và đồng ý mỗi tháng sẽ gởi 15 đôla để mua thêm cổ phiếu. Sau khi chuyện giấy tờ hoàn tất, tôi quay về với việc học và hầu như quên bẵng kế hoạch đầu tư của mình. Kể từ tháng 11 năm đó, tôi bắt đầu gởi đi 15 đôla mỗi tháng một lần.

KỲ NGHỈ GIÁNG SINH

Sáu tháng đầu tiên ở học viện thật vất vả. Đó là những ngày tháng khó khăn nhất trong đời tôi. Lần đầu tiên tôi xa nhà và lần đầu tiên được đến New York, tôi bị buộc phải cắt tóc ngắn và chương trình học khá nặng. Trên hết, là sinh viên năm thứ nhất, chúng tôi không được phép rời học viện, trừ Lễ Tạ ơn và Lễ Giáng sinh. Khi gió lạnh mùa đông tràn về hòn đảo Long Island Sound, tôi bắt đầu đếm số ngày còn lại cho đến lúc được nghỉ lễ. Tôi đã có đủ tiền trong tài khoản tiết kiệm để mua được một chiếc vé về quê được giảm giá đặc biệt cho quân nhân.

Cuối cùng tôi đã trở về với ký hậu ấm áp của Hawaii. Sau vài ngày nghỉ ngơi chơi đùa với bạn bè, tôi ghé đến vănNgười cha giàu cùng với Mike, con trai ông. Trong cuộc hàn huyên, tôi vô tình nhắc đến khoản tiền đầu tư đầu tiên của mình vào quỹ hỗ tương. Tôi nhắc đến khoản đầu tư này chỉ để nói chuyện cho vui, nhưng với Người cha giàu thì đó là một chuyện thật sự nghiêm túc.

“Con đã làm gì?”, ông hỏi.

“Con đầu tư vào một quỹ hỗ tương”, tôi trả lời.

“Tại sao?” – Ông không hỏi tôi đã đầu tư vào quỹ nào, ông chỉ muốn biết tại sao mà thôi.

Tôi bối rối nghĩ ngợi tìm một câu trả lời sao cho hợp lý.

“Và con mua cổ phiếu từ ai?”, Người cha giàu hỏi trước khi tôi có thể trả lời. “Con có biết người đó không?”

“Ừm… dạ có”, tôi ngập ngừng đáp. “Ông ấy cũng là cựu sinh viên đã tốt nghiệp học viện. Ông ấy được phép đến trường để khuyến khích các sinh viên đầu tư”.

Người cha giàu cười khẩy và nói: “Vậy làm thế nào ông ta biết tên con?”

“Con không biết. Con nghĩ có lẽ ông ấy xin từ học viện”.

Một lần nữa Người cha giàu cười khẩy. Ông duỗi chân và ngồi ngả lưng ra sau, im lặng không nói gì cả.

Cuối cùng, tôi hỏi: “Con đã làm gì sai nào?”

Người cha giàu tiếp tục im lặng một lúc rồi nói: “Không. Trước tiên, bố khen con vì đã bắt đầu một bước đầu tư đầu tiên. Rất nhiều người chờ đến lúc đã quá trễ hay thậm chí không bao giờ đầu tư cho tương lai của mình cả. Nhiều người ăn xài tất cả những gì họ kiếm được rồi ngồi đó trông chờ công ty hay chính phủ sẽ chăm sóc cho họ khi họ về già. Ít nhất thì con cũng đã làm được một điều gì đó – con đã đầu tư bằng tiền của chính con”.

“Nhưng con có làm gì sai không?”

“Không – điều con đã làm không hoàn toàn sai>

“Vậy thì có gì đáng quan tâm?”, tôi hỏi. “Có cách đầu tư nào tốt hơn sao?”

“Có và không. Luôn luôn có những khoản đầu tư tốt hơn và có những khoản đầu tư tồi tệ hơn nhiều”, Người cha giàu ngồi thẳng người lại. “Cha không quan tâm đến việc con đầu tư vào cái gì. Lúc này cha đang quan tâm đến chính con”.

“Con à?”, tôi hỏi. “Con thế nào?”

“Cha quan tâm đến việc con sẽ trở thành một nhà đầu tư thuộc loại nào hơn là việc con đầu tư vào cái gì”.

LỜI RAO HÀNG VÀ KIẾN THỨC ĐẦU TƯ

“Con không phải là một nhà đầu tư giỏi sao?”

“Không, không phải thế”, Người cha giàu nói. “Ông ta đã khuyên con nên ‘đầu tư dài hạn, mua và giữ và đa dạng hóa’. Có đúng thế không?”

“Đúng vậy”, tôi khẽ nói.

“Vấn đề là lời khuyên đó chỉ là một lời rao hàng mà thôi”, Người cha giàu nói. “Đó không phải là một cách tốt để đầu tư, chứ đừng nói là để học đầu tư. Đó không phải là một cách tốt giúp con có thể học được những kiến thức cần thiết để trở thành một nhà đầu tư khôn ngoan”.

“Tại sao nó lại là một lời rao hàng?”, tôi thắc mắc.

“Hãy suy nghĩ đi”, Người cha giàu trả lời. “Con có thể học được gì về đầu tư nếu mỗi tháng chỉ biết gởi đi 15 đôla là xong?”

Tôi suy nghĩ một lúc rồi nói: “Không nhiều lắm. Nhưng tại sao nó lại là một lời rao hàng?”

“Con cứ suy nghĩ tiếp đi”, Người cha giàu mỉm cười. “Hãy nghĩ về lời khuyên ‘đầu tư dài hạn, mua, giữ và đa dạng hóa’”.

“Cha sẽ nói cho con chứ?”, tôi hỏi.

“Không. Dù sao thì cũng không phải bây giờ. Con chỉ mới 18 tuổi. Con còn rất nhiều điều phải học về thế giới thực. Lúc này con đang có cơ hội để học một trong những bài học quan trọng nhất của đời người. Vì vậy nên hãy suy nghĩ đi. Chừng nào con nghĩ ra tại sao nó lại là một lời rao hàng chứ không phải một lời khuyên đầu tư thì hãy nói cho cha biết. Hầu hết mọi người đều không phân biệt được điều đó. Đó là lý do vì sao rất ít nhà đầu tư trở nên giàu có và rất nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ. Họ thua lỗ vì họ ngỡ rằng một lời rao hàng là một lời khuyên đầu tư, và bởi vì họ nghĩ rằng ‘đầu tư dài hạn, mua, giữ và đa dạng hóa’ là một lời khuyên đầu tư khôn ngoan. Thật sự, giữa một lời rao hàng và một lời khuyên đầu tư có một khoảng cách rất lớn”.

Khi nghe Người cha giàu nói, tôi bắt đầu hiểu được tại sao một người bán hàng lại rất thường nhấn mạnh hai chữ “luôn luôn”.

HÀNG TRIỆU NGƯỜI MẤT HÀNG NGHÌN TỶ ĐÔLA

Như đã nói, từ tháng 3-2000 đến tháng 3-2003, ước tính hàng triệu người đã bị thua lỗ từ 7 đến 9 nghìn tỷ đôla trong cơn suy thoái thị trường. Tại sao lại có quá nhiều người bị mất quá nhiều tiền như thế? Dù có rất nhiều nguyên nhân – từ nền kinh tế suy yếu, khủng bố, tham nhũng cho đến báo cáo phân tích kém, gian lận, xu hướng thị trường và nhiều nhiều nữa – nhưng ít người hiểu được nguyên nhân sâu xa bên dưới là do hàng triệu người đã tưởng lầm một lời rao hàng thông thường là một kiến thức tài chính vững chắc. Nhiều người “luôn luôn” bỏ tiền ra – đầu tư dài hạn, ngay cả khi cuộc sụp đổ thị trường chứng khoán lớn nhất lịch sử đang diễn ra quanh họ.

TIỀN BẠC KHÔNG MẤT ĐI

Michael Lewis là một cây viết về tài chính đáng kính trọng, nổi tiếng với hai

cuốn sách bán chạy nhất của ông, “Ván Poker của một kẻ nói dối” và “Trái banh tiền”.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí New York Times Magazine số ngày 27-10-2002, Lewis đã nói: “Những thua lỗ của thị trường chứng khoán không phải là những thua lỗ của toàn xã hội. Chúng chỉ chuyển từ người này sang người khác mà thôi”.

Sau đó ông mô tả những kinh nghiệm của chính mình trong thị trường chứng khoán: “Ban đầu, tôi đã nhảy vào mua các cổ phiếu của Exodus Communications với giá 160 đôla, sau đó ngồi nhìn nó tăng giá lên đôi chút rồi sụp đổ hoàn toàn. Tiền của tôi đi đâu mất rồi? Không thể đơn giản là nó đã biến mất được. Nó đã rơi vào túi những người bán các cổ phiếu đó cho tôi. Những ‘kẻ tình nghi’ ở đây có thể là: a) các nhân viên Exodus; b) một quỹ hỗ tương nào đó đã nhảy vào với các giá I.P.O; hoặc c) một nhà giao dịch đã mua nó với giá 150 đôla”.

Hay nói cách khác, từ năm 2000 đến 2003, số tiền từ 7 đến 9 nghìn tỷ đôla đã không mất đi. Chúng chỉ chuyển từ nhà đầu tư này sang nhà đầu tư khác mà thôi. Từ năm 2000 đến 2003, một số nhà đầu từ giàu lên còn một số nhà đầu tư lại nghèo đi. Và đó chính là điều Người cha giàu lo lắng về tôi, một nhà đầu tư thuộc loại nào chứ không phải là đầu tư vào cái gì.

KHI NÀO THÌ BÁN ĐƯỢC?

Lúc đó là năm 1965, sau khi nhận thấy Người cha giàu không vui vẻ lắm với khoản đầu tư đầu tiên của, tôi nói: “Thôi vậy con bán các cổ phiếu quỹ hỗ tương này đi nhé?”

Ông cười bảo: “Không, cha có bảo con bán chúng đâu. Có thể con đã phạm một sai lầm nhưng con vẫn chưa học được bài học nào cả. Hãy chờ đấy. Cứ tiếp tục trả tiền mỗi tháng cho đến khi con học được những gì cần học. Khi đó, bài học này sẽ là vô giá và con sẽ có được một thứ còn quan trọng hơn tiền bạc nữa. Con sẽ biết được đâu là con đường để trở thành một nhà đầu tư giỏi hơn. Nếu muốn trở thành một nhà đầu tư giỏi, một trong những điều đầu tiên con cần học là sự khác biệt giữa một lời rao hàng và một lời khuyên đầu tư khôn ngoan”.

ĐẦU TƯ DÀI HẠN

Khi kỳ nghỉ lễ Giáng sinh năm trôi qua, tôi về New York đi học lại. Thật khó khăn khi phải rời bờ biển Hawaii ấm áp để bước vào một mùa đông lạnh giá nhất ở New York.

Theo lời khuyên của Người cha giàu, tôi tiếp tục gởi tiền vào công ty quỹ hỗ tương này đều đặn mỗi tháng. Khi còn đi học, tôi thật khó dư tiền, nhất là vì gia đình tôi rất ít giúp đỡ trong chuyện tài chính. Ngoài ra, tôi còn cần những khoản chi phí thỉnh thoảng cho cuộc sống xã hội của mình nữa. Để bù đắp sự thiếu hụt này, nhiều ngày thứ Bảy tôi phải sang các khu lân cận để làm những công việc lặt vặt chỉ để kiếm được 2 đôla một giờ. Nếu một tháng làm việc một hoặc hai ngày thứ Bảy, tôi có thể có đủ tiền để gởi đến công ty quỹ hỗ tương cũng như trang trải các chi phí cần thiết khác.

Thỉnh thoảng tôi mở báo ra đọc các trang đầu tư để xem quỹ hỗ tương của mình hoạt động thế nào rồi. Nó không làm được gì nhiều cả. Có vẻ như nó chỉ ngồi ì một chỗ như một con chó già lười biếng. Khoảng ba tháng một lần, tôi nhận được một lá thư xác nhận của công ty này về ngân quỹ của tôi. Sau một thời gian, tôi bắt đầu ngại mở lá thư ra vì tôi thường không thấy gì vui vẻ với những hoạt động của nó cả. Số cổ phiếu mà tôi sở hữu tăng dần lên nhưng giá mỗi cổ phiếu thì chẳng có gì thay đổi. Thật sự tôi cảm thấy mình thật dại dột khi mua một khoản đầu tư không phát triển như thế.

Sáu tháng sau, tôi lại về Hawaii nghỉ hè. Khi tôi đến thăm Người cha giàu, ông mời tôi đi ăn trưa. Khi chúng tôi đã vào đến nhà hàng, ông hỏi: “Quỹ hỗ tương của con thế nào rồi?”.

“Sáu tháng qua, con đã bỏ vào gần 100 đôla, nhưng cái quỹ đó không làm được gì cả. Khi con mới bắt đầu đầu tư, giá cổ phiếu khoảng 12 đôla, đến giờ thì vẫn là 12 đôla”.

Người cha giàu cười: “Bắt đầu mất kiên nhẫn rồi à?”

“Ừm… Con thích có cái gì đó hoạt động hơn một chút”, tôi trả lời.

“Mất kiên nhẫn như thế là không tốt”, Người cha giàu cười nói. “Trong đầu tư, kiên nhẫn là một yếu tố rất quan trọng”.

“Nhưng quỹ này chẳng làm được trò trống gì cả”, tôi nhăn mặt nói.

Người cha giàu cười to trước câu nói của tôi. Hẳn ông thấy nó buồn cười lắm. “Cha không nói về cái quỹ”, ông nói. “Cha đang nói về con đấy. Muốn trở thành một nhà đầu tư thì con cần phải học cách kiên nhẫn”.

“Nhưng con đã rất kiên nhẫn rồi. Con để tiền trong đó gần 10 tháng nay mà giá cả vẫn không có gì thay đổi>

“Như cha đã nói đấy, đó là những gì sẽ xảy ra với một nhà đầu tư thiếu kiên

nhẫn”, Người cha giàu nghiêm khắc nói. “Những nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn thường đầu tư một cách vội vã – vì thế sự mất kiên nhẫn khiến họ bỏ tiền vào những khoản đầu tư không tốt”.

“Những khoản đầu tư không tốt… chỉ vì con không kiên nhẫn?”

Người cha giàu gật đầu: “Con nói chuyện với người rao bán quỹ hỗ tương này trong bao lâu trước khi quyết định đầu tư?”

‘Khoảng một giờ. Ông ấy hỏi về mục đích sống của con. Ông ấy cho con xem một số biểu đồ cho thấy chỉ số trung bình Dow Jones đang tăng lên. Ông ấy giải thích giá trị của việc đầu tư một số tiền nhỏ trong một thời gian dài”.

“Và thế là con quyết định mua các cổ phiếu đó?” Người cha giàu cười nói.

“Dạ vâng”, tôi đáp.

“Cha gọi đó là sự thiếu kiên nhẫn”, Người cha giàu cười nói. “Con đã đầu tư một cách nóng vội và bây giờ con đang nóng vội chờ trong khi khoản đầu tư của con không làm nên trò trống gì cả. Làm sao con có thể hy vọng tìm được một khoản đầu tư lớn khi mà trước tiên con không hề biết một khoản đầu tư lớn trông như thế nào cả và cũng chẳng buồn đầu tư thời gian để tìm kiếm nó? Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Sự mất kiên nhẫn của con đã khiến con tìm thấy một khoản đầu tư càng khiến con mất kiên nhẫn hơn nữa. Và hãy nhớ lấy điều này: những khoản đầu tư tồi tệ nhất luôn rơi vào tay những nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn nhất. Hiểu không nào?”

“Con hiểu rồi”, tôi nôn nóng trả lời. “Vậy là con đang lãng phí tiền bạc à?”

“Không”, Người cha giàu mạnh mẽ nói. “Lúc này thì đừng lo lắng về chuyện con có làm ra tiền được hay không. Lúc này con đang được học một bài học vô giá. Hầu hết các nhà đầu tư không bao giờ học được bài học về sự thiếu kiên nhẫn. Đừng quá nóng vội. Hãy dành thời gian để học”.

“Thôi được”, tôi nói. “Con sẽ dành thời gian để học bài học này. Lần tới trước khi quyết định đầu tư, con sẽ kiên nhẫn hơn>

“Tốt đấy”, Người cha giàu bảo. “Hầu hết các nhà đầu tư đều đổ lỗi cho khoản đầu tư của họ chứ không nhận ra sai lầm là ở chính họ. Trên thực tế, vấn đề thực sự là

ở nhà đầu tư chứ không phải khoản đầu tư. Lúc này con đã học được một bài học về cái giá của sự kiên nhẫn. Đó là một bài học khá tốt để bắt đầu – nếu con muốn học”.

“Nhưng con phải đi học suốt ngày”, tôi cãi. “Con không có nhiều thời gian để học đầu tư và nghiên cứu đâu”.

“Ngay sau khi tốt nghiệp ra trường, con cũng sẽ phải làm việc suốt ngày. Có thể con sẽ lấy vợ, mua nhà, và bắt đầu xây dựng một gia đình của riêng con. Khi đó, chi phí sẽ tăng lên và con cũng sẽ cần nhiều thời gian hơn. Nếu con nghĩ mình thật bận rộn khi còn là sinh viên thì hãy chờ đến khi đi làm, lập gia đình và sinh con. Nếu hôm nay con nghĩ mình không có thời gian để học đầu tư thì ngày mai cũng vậy thôi. Và bởi vì sự thiếu kiên nhẫn, sự lười biếng và những lý do biện hộ không thỏa đáng của con về việc không có đủ thời gian, sau này con sẽ làm những việc đúng như con đã làm hôm nay – đưa tiền cho những người hoàn toàn xa lạ mà chẳng biết họ làm gì với tiền bạc của con cả”.

Tôi ngồi yên lặng thấm thía những lời nói của Người cha giàu. Tôi không thích những gì ông nói về tôi một chút nào cả. Thậm chí tôi còn cảm thấy giận dữ. Nếu ông ấy hiểu học ở một học viện quân sự là khó khăn đến mức nào, phải gánh chịu một đống kiến thức học viện nặng nề, phải tập thể thao và phải có một cuộc sống xã hội rộng rãi nữa.

“Hãy thừa nhận là con đang thiếu kiên nhẫn”, Người cha giàu. “Hãy thừa nhận là con chưa sẵn sàng và bận rộn quá nên không thể đầu tư thời gian để học cách trở thành một nhà đầu tư được. Như thế sẽ thành thật hơn là chỉ ngồi nói rằng con quá bận rộn. Rồi hãy thừa nhận là con không đủ kiên nhẫn để tìm một khoản đầu tư tốt”.

“Và nếu thừa nhận những điều đó thì con sẽ không được than phiền là khoản đầu tư của con không hoạt động tốt”, tôi nói.

“Đúng vậy, và cũng không được phàn nàn khi khoản đầu tư của con bị thua lỗ”, Người cha giàu mỉm cười.

“Ý cha là con có thể bị mất tiền trong quỹ hỗ tương à?” tôi giật mình hỏi.

“Con có thể bị mất tiền trong bất cứ cái gì?”, Người cha giàu trả lời. “Nhưng con có biết điều gì còn tệ hơn cả việc mất tiền không?”

“Con không biết”, tôi lắc đầu. “Có điều gì tệ hơn thế?”

“Điều tệ nhất khi con không chịu học làm một nhà đầu tư là con sẽ không bao giờ thấy được những khoản đầu tư lớn”, Người cha giàu nói một cách đơn giản. “Nếu không đầu tư thời gian để học làm một nhà đầu tư thì suốt đời con sẽ e ngại việc đầu tư và sẽ luôn nói rằng ‘đầu tư là mạo hiểm’. Và khi đã nghĩ như thế, con sẽ né tránh việc đầu tư hoặc sẽ giao tiền cho những người mà con hy vọng là có thể đầu tư khôn ngoan hơn con. Nhưng điều tệ nhất là khi con tránh né việc đầu tư, con sẽ bỏ qua những vụ giao dịch chân thật nhất thế giới. Con sẽ sống với nỗi sợ hãi chứ không phải

niềm vui thú khi được tìm kiếm và phát hiện ra những giao dịch lớn. Khi con muốn được an toàn vì sợ thất bại, con sẽ bỏ qua niềm vui thú của chiến thắng. Con sẽ bỏ qua niềm hứng khởi khi được giàu có hơn. Đó là điều tệ nhất khi con thiếu kiên nhẫn và không chịu đầu tư thời gian để trở thành một nhà đầu tư thật sự”.

Tôi suy nghĩ một chút rồi bỗng nhớ lại lời rao hàng mà nhà tư vấn tài chính bán cho tôi các cổ phiếu trong quỹ hỗ tương đã nói.

Như đọc được suy nghĩ của tôi, Người cha giàu hỏi: “Thế ông bạn bán hàng của con có nói với con là trung bình thị trường chứng khoán tăng giá 10% một năm không?”

“Dạ có, ông ấy có nói tương tự như thế”, tôi đáp.

Người cha giàu cười to: “Đó là câu rao hàng tiêu chuẩn mà những người bán hàng này thường nhại đi nhại lại. Có lẽ ông ta cho rằng đó là một số lời khá lớn. Thật ra thì 10% lợi nhuận chỉ nhỏ như hạt cát mà thôi. Nhưng hãy hỏi xem liệu ông ta có thể bảo đảm số lợi nhuận nhỏ xíu đó được không? Dĩ nhiên là không. Mỗi năm ông ta sẽ gởi cho con một cái thiệp sinh nhật để cảm ơn. Nhưng chính ông ấy lại mới là người chiến thắng, còn con là kẻ chiến bại. Nhưng một thất bại lớn hơn nữa là con sẽ không bao giờ thấy được những khoản đầu tư lớn bởi vì con sẽ không bao giờ có thể trở thành nhà đầu tư lớn nếu nghe theo lời khuyên của ông ta: ‘Đầu tư dài hạn, mua, giữ và đa dạng hóa’. Trên hết, trong khi những khoản đầu tư tốt nhất rơi vào tay những nhà đầu tư hiểu biết nhất thì những khoản đầu tư tệ hại nhất và rủi ro nhất sẽ rơi vào t những nhà đầu tư thiếu hiểu biết tài chính nhất”.

“Bố muốn nói quỹ hỗ tương là dạng đầu tư rủi ro nhất ư?”, tôi hỏi.

“Không… Ý bố không phải thế”, Người cha giàu nói bằng giọng hơi thất vọng. Ông suy nghĩ một hồi rồi bảo: “Con hãy nghe đây, cha sẽ nói lại một lần nữa. Cha không nói về khoản đầu tư. Cha đang nói về những người đầu tư. Nếu là một người đầu tư không hiểu biết thì mọi khoản đầu tư đều là rủi ro. Có thể đôi khi họ may mắn, nhưng nhìn chung, về lâu dài, dù có thu được nhiều tiền nhưng rồi họ cũng sẽ trả hết lại cho thị trường. Cha đã thấy một nhà đầu tư không hiểu biết bỏ tiền vào đầu tư bất động sản rồi biến nó thành một tài sản bị tịch thu để thế nợ. Cha cũng từng thấy một nhà đầu tư không hiểu biết mua một doanh nghiệp đang phát đạt nhưng rồi lại khiến nó phá sản. Và cha cũng từng thấy một nhà đầu tư ngây thơ mua các cổ phiếu của một công ty lớn, khi giá cả lên đến đỉnh điểm thì lại không chịu bán đi. Sau khi thị trường chứng khoán sụp đổ, các cổ phiếu đó trở thành những cổ phiếu chết. Như vậy, không phải khoản đầu tư là rủi ro mà chính nhà đầu tư mới là rủi ro”.

Tôi bắt đầu hiểu Người cha giàu đang muốn nói gì. Ông đang cố gắng hết sức để tôi có thể nhìn thấy một thế giới mà rất ít người thấy được – thế giới của một nhà đầu tư thật sự.

Dừng lại một chút, Người cha giàu tiếp tục: “Cha cũng từng thấy một nhà đầu tư chuyên nghiệp nhặt lấy một khoản đầu tư đã bị một nhà đầu tư tồi phá hỏng và giúp nó tăng giá trở lại. Và như thế, nhà đầu tư tồi bị mất tiền và nhà đầu tư giỏi lại kiếm được tiền”.

“Ý cha là một nhà đầu tư giỏi sẽ không bao giờ thua lỗ?”, tôi hỏi.

“Tất nhiên là không phải thế”, Người cha giàu trả lời. “Tất cả chúng ta đều có khi thắng khi thua. Điều cha muốn làm rõ ở đây là một nhà đầu tư giỏi luôn tập trung vào việc tìm cách trở thành một nhà đầu tư giỏi hơn. Một nhà đầu tư trung bình thì luôn tập trung vào việc kiếm tiền. Giờ thì hãy ngừng lại một chút và suy nghĩ về những gì con đã học được… Đừng nghĩ đến chuyện con kiếm được bao nhiêu hay thua lỗ bao nhiêu. Đừng tập trung vào tiền bạc. Hãy tập trung vào việc học để trở thành một nhà đầu tư giỏi hơn”.

“Vậy con sẽ không học được gì về đầu tư nếu chỉ biết hàng tháng gởi tiền đi và đầu tư dài hạn?”

“Đúng vậy. Khi đó không phải là con đang học làm một nhà đầu tư mà đang học làm một người tiết kiệm”.

Người cha giàu đứng lên ưỡn người ra. Có lẽ ông đã quá mệt mỏi với việc nhồi nhét bài học đơn giản này vào đầu tôi. Quay lại nhìn tôi, ông hỏi: “Tóm lại, con đã học được gì từ khoản đầu tư quỹ hỗ tương của con?”

“Con cần phải kiên nhẫn, cần phải dành thời gian để học cách đầu tư”.

“Tại sao phải học cách đầu tư?”, Người cha giàu hỏi.

“Nếu không học cách đầu tư, con sẽ không có được những khoản đầu tư tốt nhất, con sẽ bỏ qua một thế giới hào hứng mà rất ít người biết đến. Và như thế nghĩa là nếu không chịu thay đổi, con sẽ trở thành một tay cờ bạc chứ không phải là một nhà đầu tư nữa”.

“Tốt đấy”, Người cha giàu mỉm cười. “Còn gì nữa nào?”

Tôi ngập ngừng: “Con không biết nữa”.

“Còn việc giao tiền cho một người hoàn toàn xa lạ thì sao?”, Người cha giàu nói.

“Con cũng không biết người lạ đó sẽ đưa tiền của con cho ai và những người này sẽ làm gì với số tiền của con? Con có biết trong số tiền con đưa cho họ, chi phí phải trả là bao nhiêu và số tiền đầu tư thật sự là bao nhiêu không? Con có biết bao nhiêu tiền sẽ chui vào túi những người quản lý tiền của con là có đồng nào quay về với con không? Con có biết điều gì sẽ xảy ra nếu họ thua lỗ số tiền đó không?”

Tôi lắc đầu bối rối: “Dạ không”.

“Vậy con có hỏi người đã bán quỹ hỗ tương này cho con là ông ta sống nhờ cái gì không, nhờ tiền lời đầu tư của chính ông ta hay nhờ hoa hồng trên số tiền mà con đã đầu tư với ông ta?”

“Dạ không”, tôi yếu ớt nói. “Con đã không hỏi”.

MÂU THUẪN LỢI NHUẬN>

Khi nhận ra mình đã sai lầm, ban đầu tôi cảm thấy thật sự giận dữ với ông Carling, nhưng sau đó tôi đã suy nghĩ lại. Tôi là một nhà đầu tư. Tôi đã chọn đầu tư vào quỹ hỗ tương mà không đủ kiên nhẫn với khoản đầu tư của mình. Các nhà hoạch định tài chính kiếm tiền hoa hồng nhờ bán các khoản đầu tư này và những sản phẩm tài chính khác (chẳng hạn như bảo hiểm) cho các nhà đầu tư trung bình. Chúng ta cần học cách hỏi những câu hỏi đúng đắn. Chẳng hạn như: Có bao nhiêu chi phí liên quan đến quỹ hỗ tương này? Bao nhiêu hoa hồng cho anh sau vụ buôn bán này? Rõ ràng là tôi cần phải kiểm soát các quyết định tài chính của mình chứ không để người khác quyết định thay mình.

TRỞ THÀNH MỘT NHÀ ĐẦU TƯ HIỂU BIẾT

Như tôi đã nói, trong thế giới đầu tư, tiền không hề mất đi. Nó chỉ chuyển từ người này sang người khác mà thôi. Đó là lý do vì sao tôi rất ngần ngại khi phải bảo ai đó nên đầu tư 10.000 đôla của họ vào đâu. Nếu một người không biết phải làm gì với tiền bạc của mình thì trước tiên, họ nên đầu tư thời gian để học cách đầu tư trước khi đầu tư tiền bạc. Theo tôi, một trong những lý do cơ bản khiến hàng triệu người bị mất hàng nghìn tỷ đôla đó là do họ chỉ đầu tư tiền bạc mà không chịu đầu tư thời gian.

Như vậy, nếu có ai hỏi tôi: “Tôi có 10.000 đôla. Tôi nên đầu tư vào đâu?”, tôi sẽ trả lời rằng: Hãy đầu tư thời gian để học cách trở thành một nhà đầu tư giỏi trước khi đầu tư tiền bạc vào những thứ mà bạn hy vọng và ngồi cầu trời cho nó là một khoản đầu tư tốt. Hãy luôn ghi nhớ những gì Người cha giàu đã bảo tôi nhiều năm trước: “Những người không có hiểu biết tài chính thường chỉ nghe theo những lời rao hàng

và nhầm lẫn một lời rao hàng là một lời khuyên”. Và như vậy, cuốn sách này nói về những gì mà Người cha giàu cho rằng việc đầu tư vào đó là rất quan trọng – tìm kiếm một sự đầu tư thật sự cho tri thức và hiểu biết – trước khi đầu tư tiền bạc. Người cha giàu đã nói: “Càng hiểu biết về đầu tư, bạn sẽ càng nhận được những lời khuyên giá trị”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.