Dạy Con Làm Giàu – Tập 7

PHẦN II HÃY HỎI MỘT NHÀ ĐẦU TƯ – CHƯƠNG 10



Bốn lý do vì sao nhiều người không thể trở thành một nhà đầu tư quyền lực

Trước khi đi vào một công thức đầu tư quyền lực, tôi nghĩ mình cần chia sẻ với bạn bốn lý do vì sao một số người không thể trở thành một nhà đầu tư quyền lực được.

Lý do 1: Sức mạnh của hai chữ “Không thể”

Một ngày nọ, tôi kể với Người cha giàu: “Thầy giáo khoa học của con bảo là về mặt kết cấu cơ thể, lẽ ra con ong nghệ không thể bay được.”

Người cha giàu trả lời: “À, hy vọng là thầy giáo con không bảo con ong nghệ điều đó.”

“ANH KHÔNG THỂ LÀM ĐIỀU ĐÓ ĐƯỢC”

Tháng 8-2003, tôi đang ở trên xe hơi, dọc theo những con đường ở Cape Town, Nam Phi, một trong những thành phố ngoạn muc nhất thế giới. Tôi đến đây để tham dự một buổi tọa đàm với một trong những ngân hàng lớn nhất châu Phi. Khi đi ngang bến cảng, viên quản lý ngân hàng đang đi cùng xe bảo tôi: “Những cuốn sách của anh rất hay. Tôi thích ý tưởng đầu tư vào bất động sản để có thu nhập thụ động. Ở nước anh thì đó là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng ở đây thì anh không thể làm thế được đâu. Lãi suất của chúng tôi cao đến mức anh không thể kiếm tiền theo cách đó được. Ở đây, một dòng lưu kim thuận từ một thu nhập thụ động là không thể.”

Chiếc xe đang đi vòng qua một số công trình xây dựng quy mô lớn với một trong những thiết kế xuất sắc nhất mà tôi từng thấy. Những dự án thương mại và các khu dân cư có thiết kế tầm cỡ quốc tế với những ý tưởng sáng tạo tuyệt vời. Tôi ngẫm nghĩ một lúc, cố gắng lựa lời nói với ông ta: “Có lẽ anh không kiếm được nhiều tiền từ bất động sản ở Cape Town, nhưng tôi nghĩ rằng chắc chắn có những người có thể làm điều đó.”

Một trong những lý do khiến con ong nghệ có thể bay được là vì nó không biết rằng nó không thể bay được. Một trong những lý do khiến rất nhiều nhà đầu tư không thể tìm được những khoản đầu tư tốt là vì họ thường nói: “Anh không thể làm điều đó được”, hay “Tôi không có đủ tiền”, hay “Cái giá đó cao quá”, hay bất cứ điều gì mà người ta thường nói để bào chữa cho việc mình không làm được những gì mà người

khác đang làm.

CÁI GIÁ CỦA CÂU NÓI “TÔI KHÔNG THỂ”

Henry Ford có một câu nói nổi tiếng: “Nếu bạn nghĩ bạn có thể thì bạn có thể. Nếu bạn nghĩ bạn không thể thì bạn không thể. Đằng nào bạn cũng đúng.”

Khi chúng tôi đi dọc những con đường ở Cape Town, viên quản lý này tiếp tục với ý kiến cho rằng những ý tưởng của tôi không thể áp dụng ở đây được: “Trong ba năm qua, giá bất động sản đã tăng rất cao. Người ta khó lòng sở hữu được một ngôi nhà để ở chứ đừng nói là đầu tư bất động sản để cho thuê.”

Mặc kệ ông ta tiếp tục lảm nhảm, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và có thể nhìn thấy Cape Town là một thành phố tầm cỡ quốc tế và người ta có thể kiếm được rất nhiều tiền ở đây. Chắc chắn Cape Town và Nam Phi có những vấn đề riêng khiến nhiều nhà đầu tư nhút nhát e ngại, nhưng tôi có thể thấy rõ rằng hàng đống tiền đầu tư đang được đổ vào thành phố này. Nhiều người đang trở nên rất giàu. Trái lại, viên quản lý này đã để cho cách cư xử nghèo nàn và một thực tế hạn hẹp đánh bại ông ta. Ngày hôm đó, chúng tôi đi cùng nhau khoảng năm giờ đồng hồ. Trong khoảng thời gian ấy, tôi nghe ông ta dùng chữ “không thể” rất nhiều lần, quá nhiều lần thì đúng hơn.

NÓI CHUYỆN THẲNG THẮN

Sau khi tốt nghiệp, Người cha giàu bắt đầu nói chuyện trực tiếp hơn với tôi. Ông ít dè dặt hơn, ít lịch sự hơn. Ông muốn tôi học tập nhanh chóng nên ông không để ý lựa lời như khi tôi còn là một đứa trẻ nữa. Khi viên quản lý ngân hàng bảo rằng ở đây rất khó kiếm tiền bằng cách đầu tư bất động sản, tôi bỗng nhớ lại những lời mà người cha giàu đã nói: “Những người nghèo và những người lười biếng hay dùng chữ “không thể” hơn những người thành công. Họ hay nói không thể bởi vì chữ đó dễ nói hơn là có thể. Nếu con nói là con không thể làm một việc gì đó thì con sẽ không phải làm, ngay cả khi con có thể.”

Nhìn lại người đón tiếp mình đang mơ màng vừa nói vừa nhìn ra cửa sổ, tôi nhận ra rằng ông ta đã bỏ lỡ khả năng làm giàu của mình, không phải vì ông ta không khôn khéo hay không có năng lực mà bởi vì ông ta quá lười biếng. Mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều cho ông nếu ông nói rằng: “Anh không thể làm điều đó ở đây được.” Mặc dù hiển nhiên là nhiều người khác đang làm điều đó tại đây, ngay trước mắt ông.

NHỮNG NGƯỜI LƯỜI BIẾNG PHẢI LÀM VIỆC VẤT VẢ

Người cha giàu thường nói: “Chẳng có gì khó khăn khi làm việc vất vả để không đi đến đâu cả. Chẳng có gì khó khăn khi bám víu vào một công việc và đổ lỗi cho các ông sếp không chịu tăng lương cho mình. Chẳng có gì khó khăn khi nói rằng: “Tôi không đủ tiền”. Chẳng có gì khó khăn khi nói rằng: “Tôi không thể làm được.” Chẳng có gì khó khăn khi đổ lỗi cho gia đình và con cái về những vấn đề tài chính của mình.”

Ông cũng nói: “Rất nhiều người lười biếng phải làm việc vất vả. Họ tiếp tục làm việc vất vả bởi vì tiếp tục làm việc thì dễ hơn thay đổi.”

Nói đến lĩnh vực đầu tư, Người cha giàu bảo: “Nhiều người đưa tiền cho những người xa lạ và thắc mắc tại sao mình lại thu được quá ít lợi nhuận đến thế. Hay có vẻ như nhiều người nghĩ rằng rất dễ tìm được một khoản đầu tư tốt. Có vẻ như họ nghĩ rằng những khoản đầu tư tốt giống như trái mọc trên cây, chỉ cần đưa tay hái là ăn được. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều khoản đầu tư tồi tệ. Thế giới này đầy rẫy những người chào mời bạn những khoản đầu tư dở tệ. Nếu bạn muốn tiền bạc làm việc tích cực cho bạn thì bạn không được lười biếng. Những người lười biếng đầu tư vào những khoản đầu tư mà những người có nhiều tham vọng không bao giờ bỏ một đồng nào vào đó.”

KHÔNG PHẢI LÀ TÀN NHẪN

Không phải tôi quá tàn nhẫn khi nói rằng những người làm việc tích cực là những người lười biếng. Tôi nói như thế với mong muốn chia sẻ với bạn một trong những bài học quan trọng nhất mà Người cha giàu đã dạy cho tôi – bài học về sức mạnh của hai chữ “không thể”. Ông nói: “Hai chữ không thể làm cho những người khỏe mạnh yếu đi, làm cho những người sáng mắt không thấy đường, biến những người can đảm thành nhút nhát, gây đau khổ cho những người hạnh phúc, cướp đi sự tinh anh của những người kiệt xuất. Nó khiến người giàu suy nghĩ một cách nghèo nànn chế những thành công của người chiến thắng bên trong mỗi chúng ta.”

NHÀ TRIỆU PHÚ PHÁ SẢN

Gần đây, tôi đọc được một bài viết có tựa đề “Nhà triệu phú phá sản.” Bài viết nói về một phụ nữ 70 tuổi, tốt nghiệp đại học Ivy League và trở thành một luật sư rất thành công. Sau khi về hưu, bà đã bán hết tất cả các cổ phiếu và quỹ tương hỗ của mình. “Sau khi thị trường sụp đổ, tôi cảm thấy mình thật không ngoan vì đã không bị thua lỗ như rất nhiều bạn bè tôi”, bà kể. “Thay vì thế, tôi có hơn một triệu đô la gởi ngân hàng với gần 5% lãi suất. Như thế nghĩa là mỗi năm tôi có gần 50.000 đô la,

cộng với 22.000 đô la nhờ bảo hiểm xã hội. Tôi nghĩ thế là đã ổn. Tám năm sau khi tôi về hưu, lãi suất ngân hàng hạ xuống chỉ còn gần 1%, nghĩa là 50.000 đô la tiền lời của tôi giờ chỉ còn chưa đến 10.000 đô la. Giờ thì cuộc sống của tôi rất khó khăn, dù trên danh nghĩa tôi vẫn là một triệu phú. Nếu lãi suất không sớm tăng lên thì tôi phải rút tiền ra… và như thế nghĩa là tôi có thể bị phá sản nếu chẳng may tôi sống quá thọ.”

Hẳn nhiên, câu trả lời của nhà chuyên gia tài chính là: “Bà đã làm đúng đấy. Nhưng giờ là lúc phải quay lại thị trường. Nếu bà đầu tư đa dạng thì bà có thể kiếm được trung bình 5% một năm.”

Dù đây là một lời khuyên tốt với một người có mức độ kiến thức tài chính như người phụ nữ này nhưng 5% lợi nhuận đầu tư với tôi không phải là lớn. Với một chút kinh nghiệm và kiến thức tài chính, bà có thể dễ dàng kiếm được 15% lợi nhuận hoặc hơn. Vậy mà tại sao bà ấy lại không kiếm được mức lợi nhuận cao như thế? Câu trả lời: đó là vấn đề kiến thức và người thầy của bạn là ai. Nói cách khác, nhiều người là những con ong nghệ đã được dạy làm thế nào để không bay, và những người dạy học điều đó cũng là những người nghĩ rằng mình không thể bay được.

BỐN NGÔI NHÀ MÀU XANH VÀ MỘT KHÁCH SẠN MÀU ĐỎ

Khi tôi lên 9 tuổi, Người cha giàu bắt đầu dạy tôi những nguyên tắc để trở nên giàu có. Ông bắt đầu bằng những b đơn giản và trò chơi Cờ Tỷ phú với tôi suốt hàng giờ. Ông thường lặp đi lặp lại: “Công thức giàu có nằm trong trò chơi này. Công thức đó là hãy đổi bốn ngôi nhà màu xanh để xây một khách sạn màu đỏ.” Sau đó ông hoàn tất bài học của tôi bằng cách dắt tôi đến những bất động sản cho thuê tượng trưng cho những ngôi nhà màu xanh của ông. Năm 1967, khi tôi học đại học, Người cha giàu đã thật sự đổi bốn ngôi nhà màu xanh của ông để mua một trong những khách sạn lớn nhất trên bờ biển Waikiki. Dù khách sạn này không phải màu đỏ nhưng

ở tuổi 19, tôi đã biết tại sao những con ong nghệ có thể bay được và tại sao Người cha giàu lại trở nên rất giàu chỉ trong vòng 10 năm.

Tháng 7-2003, tôi cùng Mike, con trai của Người cha giàu, đi dọc theo bờ biển Waikiki, nơi trước kia tọa lạc khách sạn của Người cha giàu. Nay khách sạn đó đã bị đập và thay thế bằng một khách sạn mới thậm chí còn to lớn hơn, sừng sững trước bãi biển, do một công ty bảo hiểm lớn làm chủ. Dù gia đình Người cha giàu không sở hữu tòa nhà này nhưng họ sở hữu phần nền cho thuê bên dưới tòa khách sạn. Tiền thuê khu đất này thường dao động chứ không ổn định. Mike nói: “Hiện nay khu đất này hầu như vô giá. Cha đã bắt đầu từ bàn tay trắng, nhưng ông có một kế hoạch, một tầm nhìn, và một giấc mơ. Cha đã bắt đầu chơi trò Cờ Tỷ phú ngay từ khi còn nhỏ và ông

chưa bao giờ ngừng chơi. Không ai bảo cha không được chơi trò Cờ Tỷ phú trong thế giới thực cả.”

Khi Mike đứng lại nói chuyện với một người chủ hiệu thuê đất của anh, tôi đứng nghĩ vẩn vơ và bỗng nhớ lại những gì cha mẹ tôi thường bảo: “Dẹp cái trò Cờ Tỷ phú vớ vẩn ấy và đi học bài đi. Nếu học giỏi thì con sẽ tìm được một công việc tốt có lương cao.”

Khi tôi và Mike tiếp tục đi dọc bờ biển, Mike nói: “Tôi thật may mắn vì không ai bảo cha tôi rằng Cờ Tỷ phú chỉ là trò chơi dành cho con nít cả.”

Tôi lặng lẽ gật đầu và tự nhủ: “Cũng như không ai bảo con ong nghệ là nó không thể bay được cả.”

Lý do 2: Sức mạnh của sự dễ dàng

“Chiếc chìa khóa để trở nên giàu có là làm cho mọi việc dễ dàng”, Người cha giàu nói. “Một trong những lý do khiến các giáokiếm được nhiều tiền bằng các doanh nhân là vì hệ thống trường học được thiết kế để biến những điều đơn giản thành phức tạp.”

Không hiểu câu nói của Người cha giàu, tôi hỏi lại: “Tại sao cha lại nói thế?”

Ông trả lời: “Ví dụ như hệ thống trường học đã lấy 1+1, một phép tính đơn giản và biến nó thành một bài toán. Chính vì vậy nên cha mới nói rằng họ biến những điều đơn giản thành phức tạp.”

Vẫn chưa hiểu lắm về sự khác biệt giữa thế giới kinh doanh và hệ thống trường học, tôi hỏi người cha giàu: “Thế có nghĩa là các doanh nhân thì biến những điều phức tạp thành đơn giản?”

Người cha giàu gật đầu: “Đúng vậy. Mục đích của một doanh nghiệp là làm cho cuộc sống đơn giản hơn chứ không phải khó khăn hơn. Những doanh nghiệp có thể làm cho cuộc sống trở nên đơn giản nhất là những doanh nghiệp kiếm được nhiều tiền nhất.”

“Cha cho con một ví dụ được không?”

“Được chứ”, Người cha giàu đáp. “Chẳng hạn như ngành kinh doanh xe hơi kiếm được rất nhiều tiền là vì xe hơi giúp cho việc di chuyển từ nơi này đến nơi khác dễ dàng hơn.”

“Dễ hơn là đi bộ, phải vậy không?”

“Đúng vậy. Bởi vì nó giúp cho cuộc sống dễ dàng hơn nên hàng triệu người sẵn sàng bỏ tiền ra mua xe.”

“Nghĩa là cả máy bay cũng vậy?”, tôi bắt đầu hiểu được bài học của ông.

“Và cả điện thoại, siêu thị, điện máy…, tất cả đều đem đến nhiều tiền vì chúng làm cho cuộc sống dễ dàng hơn”, Người cha giàu nói.

“Còn trường học thì làm cho cuộc sống khó khăn hơn sao?”, tôi thắc mắc.

“Phải”, Người cha giàu gật đầu. “Họ biến những thứ đơn giản thành những thứ ngày càng phức tạp. Nếu con muốn làm giàu, con phải học cách biến những điều khó khăn thành đơn giản. Nếu con chú trọng đến việc giúp cho cuộc sống của người khác dễ dàng hơn, con sẽ trở nên rất giàu. Càng giúp được nhiều người thì con sẽ càng giàu có.”

QUY LUẬT CỦA NGƯỜI CHA GIÀU

Quy luật của Người cha giàu: “Tiền bạc chảy vào túi người nào giúp cho cuộc sống dễ dàng hơn.”

ĐẦU TƯ GIÚP CHO MỌI VIỆC DỄ DÀNG

Một trong những lý do khiến thị thị trường chứng khoán thu hút được nhiều tiền bạc là vì nó giúp cho việc đầu tư dễ dàng hơn. Thị trường chứng khoán chia nhỏ một công ty thành hàng triệu cổ phần và giúp người ta dễ dàng mua những “mẩu” công ty nhỏ này.

Một trong những lý do khiến quỹ hỗ tương thu hút được nhiều tiền bạc là vì nó giúp cho việc quyết định nên mua chứng khoán nào dễ dàng hơn. Tất cả những gì bạn phải làm chỉ là bỏ tiền vào quỹ hỗ tương và hy vọng người quản lý quỹ chọn được một nhóm chứng khoán sẽ tăng giá.

Nếu bạn hiểu được bài học của Người cha giàu về việc giúp cho cuộc sống dễ dàng hơn, bạn sẽ hiểu tại sao những người kiểm soát thị trường chứng khoán hay quản lý quỹ hỗ tương cũng là những người rất giàu chứ không nhất thiết phải là người bỏ tiền ra đầu tư.

NHỮNG NGƯỜI KIẾM RA TIỀN NGAY CẢ TRONG CƠN SUY THOÁI

Trong một cơn suy thoái, quỹ hỗ tương vẫn có thể kiếm ra tiền, ngay cả khi các

nhà đầu tư vào chúng bị thua lỗ. Trong cơn suy thoái, dù giá thị trường chứng khoán cũng như giá trị quỹ hỗ tương tụt giảm nhưng các công ty quản lý quỹ vẫn tiếp tục thu phí quản lý. Vì sao vậy? Bởi vì họ giúp cho việc đầu tư dễ dàng hơn.

MỐI QUAN HỆ TRỰC TIẾP

Mọi nguyên nhân đều có quan hệ với nhau. Những người hay nói không thể thường là những người tìm kiếm những kỹ thuật đầu tư dễ dàng.>

Trong một bài học về đầu tư, Người cha giàu đã nói: “Có vẻ như nhiều người nghĩ rằng những khoản đầu tư tốt giống như trái mọc trên cành. Họ nghĩ rằng đầu tư là một việc dễ dàng. Rất nhiều người cho rằng tất cả những gì họ phải làm chỉ là giao tiền cho một nhà ảo thuật và úm ba la, thế là họ giàu lên. Trên thực tế, đầu tư là một quá trình không ngừng nghiên cứu, thương lượng, tài trợ, và quản lý con người cũng như tiền bạc. Trong lĩnh vực đầu tư, người nào chọn con đường gập ghềnh sẽ cảm thấy cuộc sống dễ dàng hơn. Người nào chọn con đường dễ dàng thường sẽ thấy cuộc sống rất khó khăn.”

Điều này dẫn đến nguyên nhân thứ ba, vì sao rất ít người có thể trở thành những nhà đầu tư quyền lực.

Lý do 3: Người giàu khiến những người khác dễ bị nghèo đi

Có bao giờ bạn để ý thấy rằng thật dễ có được một tấm thẻ tín dụng? Có bao giờ bạn để ý thấy rằng thật dễ vướng vào những món nợ xấu?

Khi tôi và Kim xây dựng tài sản, chúng tôi gặp rất nhiều rắc rối với các ngân hàng vì chúng tôi có quá nhiều tài sản đầu tư. Dù tất cả đều là những khoản đầu tư phát sinh dòng lưu kim thuận nhưng ngân hàng vẫn muốn cho chúng tôi mượn nợ vì chúng tôi có quá nhiều món nợ tốt. Cùng lúc, họ lại lo ngại về danh mục đầu tư trị giá nhiều triệu đô la của chúng tôi. Họ muốn cho chúng tôi một tấm thẻ tín dụng mới và cũng muốn cho chúng tôi vay tiền để mua xe hơi. Nói cách khác, ngân hàng vừa quan tâm đến việc chúng tôi có nhiều món nợ tốt mà lại vừa muốn chúng tôi có những món nợ xấu. Vì sao lại như vậy?

Đầu năm 2003, nhà môi giới thế chấp gọi điện hỏi chúng tôi có cần rút thêm 300.000 đô la tiền mặt từ số vay thế chấp một ngôi nhà trong khu nhà của chúng tôi hay không. Vì lãi suất đang rớt quá thấp nên tôi và Kim có thể lấy tiền và vẫn chi trả chi phí thế chấp hàng tháng được.

Khi chúng tôi cần tiền đầu tư lại cho một trong những căn hộ của mình và muốn

rút ra 250.000 đô la giá trị thế chấp, cũng nhà môi giới này lại tỏ ra lưỡng lự. Dù chúng tôi đã nhận được nhiều tiền từ một nhà môi giới khác nhưng tôi thấy thật thú vị khi nhà môi giới thứ nhất sẵn lòng cho chúng tôi vay nợ cho một tiêu sản, ngôi nhà của chúng tôi, nhưng lại ngần ngừ không muốn cho chúng tôi vay tiền để đầu tư cho một tài sản. Vì sao lại thế?

Một điểm thú vị nữa là nhiều tạp chí tài chính cá nhân khuyến khích người ta mua thêm một ngôi nhà nghỉ thứ hai, một ngôi nhà nghỉ khiến bạn tốn tiền chứ không phải một tài sản đầu tư giúp bạn kiếm tiền. Vì sao lại thế?

Khi chúng ta đi sâu vào vấn đề đầu tư quyền lực trong những chương sau, câu hỏi này sẽ càng thú vị hơn nữa vì hầu hết những người giàu đều kiếm tiền nhờ bất động sản. Thị trường bất động sản cũng là một thị trường lớn hơn nhiều so với thị trường chứng khoán. Nếu vậy thì tại sao rất nhiều chuyên gia tài chính lại phản đối đầu tư bất động sản và khuyến khích những khoản đầu tư dễ dàng như chứng khoán, trái phiếu và quỹ hỗ tương?

Lý do 4: Đầu tư không có bảo đảm

Tại sao hàng triệu nhà đầu tư lại sẵn sàng bỏ tiền ra mỗi tháng mà không có gì bảo đảm rằng trong tương lai, số tiền của họ sẽ vẫn còn ở đó? Tại sao hàng triệu nhà đầu tư sẵn sàng mất tiền hàng tháng chứ không muốn có thêm tiền? Trong khi nhiều nhà đầu tư trung bình đang đánh cược với việc kiếm tiền trong tương lai thì một nhà đầu tư quyền lực lại muốn bảo đảm cho lợi nhuận của họ ngày hôm nay.

Trong những chương sau, tôi có viết về một phụ nữ muốn mua chứng khoán với giá 55 đô la một cổ phần vì nhà môi giới của bà bảo rằng giá cổ phần sẽ sớm tăng lên 75 đô la. Vấn đề là tại sao lại có quá nhiều người cả tin đến nỗi đầu tư theo một lời nói dối như thế. Câu trả lời chính là lý do thứ 4 này đây.

Lý do thứ 4 tại sao nhiều người không thể trở thành một nhà đầu tư quyền lực được là vì họ quá cả tin đến mức đầu tư theo những lời hứa hẹn về tương lai, bởi vì họ không thể tìm được một khoản đầu tư nào đem lại lợi nhuận cho họ ngay hôm nay cả.

Như tôi đã nói, bốn lý do trên đều có quan hệ với nhau. Mọi chuyện bắt đầu khi một người nói: “Tôi không mua nổi”, hay “Tôi không thể tìm được một khoản đầu tư tốt”. Khi người ta không thể tìm được một khoản đầu tư tốt đem lại lợi nhuận cho họ trong ngày hôm nay thì nhiều người quay sang tìm những câu trả lời dễ dàng và sẵn sàng chờ đợi để thu được lợi nhuận vào ngày mai.

Nếu bạn muốn trở thành một nhà đầu tư quyền lực, bạn không được bỏ tiền ra

theo những lời hứa hẹn dối trá. Bạn phải đầu tư vào những gì bảo đảm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.